Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.312
 
Dứt dây
Nguyễn Hiệp

-Không phải chồng! Không phải vợ! Đi đi!

 

Sau khi bấm mạnh hai ngón tay vào sợi dây rừng, già làng Rơ Măh Jun trừng mắt, xoắn tay dứt khoát rồi hất tạt hai đoạn dây sang hai bên. Lời tuyên bố như cái roi quất thẳng vào tim, lời ấy chao nghiêng mặt đất, chao qua mái nhà rông cao vút, âm âm tận những ngọn cây cao su và cứ thế vọng nhói về tim như trăm ngàn cây kim đâm đau đâm đớn vào lồng ngực Plang. Như cái cây rừng đổ quỵ, Plang không muốn sống nữa, muốn chạy một mạch về nhà vốc nắm trái phun- kran treo trên bếp lửa mà nhai ngấu nghiến cho hồn mau theo Yàng, cho xác mau về đất. “Plang ơi là Plang! Đời mày bị phù phép rồi! Con ma đau đớn ám mày suốt đời thế này sao?” Suy nghĩ ong ong, lời tra hỏi ong ong, đầu Plang đau buốt, càng bịt chặt hai tai, tiếng già làng Jun càng rền động:- Không phải chồng! Không phải vợ!... Hai người nắm hai đầu dây: Plang một đầu, hoạ sĩ Quy một đầu mà sao sợi dây cứ rung bần bật, mà sao mắt không dám nhìn nhau, cái bụng không có nhau nữa rồi, thật sao, thật sao Plang? Plang không ngờ cái sợi dây rừng phân hai mỏng manh ấy lại làm đau lòng mình đến vậy. Phải chi hoạ sĩ Quy đừng quay lại plei Neh để cho Plang sống trong nỗi chờ đợi như dáng đá còng lưng trên Chư Lom, Chư Goêt, để cho nỗi buồn đọng trong mắt Plang như chiếc lá cao su chứa mật ngọt mật đắng, như mắc nu trong gỗ cuộn xoắn vào bên trong. Phải chi ngày xưa hoạ sĩ Quy để cho Plang cô độc cuối rừng, đừng yêu thương, đừng cứu sống Plang… Bao nhiêu câu “phải chi” hành hạ Plang rã rượi cả hồn, lử lả cả xác, lử lả cả cái đầu biết nghĩ phải trái của Plang. Mẹ ơi! Mẹ lấy tên một loài hoa đẹp đặt cho Plang làm gì để bông hoa đau khổ, để bông hoa biến thành ngọn gió chui vào bọng cây không dâng bão được cứ u u lồng quẩn, lồng dại suốt đời…

 

Hoạ sĩ Quy cũng rơi vào tình trạng mất hết cả hồn vía. Ông phờ phạc với khuôn mặt không còn chút máu: rượu suông rượu lạnh như ánh trăng rừng mà sao nước mắt cứ như lửa cháy phừng lên mặt, loang ràn rụa trên mặt; từ khi gặp lại Plang, khi đứng trước mặt nàng ở cái đầu dây định mệnh ấy, khi nhìn thấy bàn tay chỉ còn bốn ngón của nàng, khi len lén nhìn ánh mắt chất chứa nỗi buồn của nàng, ông chợt bàng hoàng nhận thấy lại con người thật của mình, con người của yêu thương, ông như chợt được tái sinh từ ngọn lửa. Plang ơi! Ta va đụng nhau trong đêm tối chiến tranh, ta mãi mắc nợ nhau giấc mơ yêu thương, em hãy thuận với ta để cho già làng ngắt đứt sợi dây, dụng cụ của thần rừng, để rồi chia xa mãi mãi, để cùng nuốt nghẹn ngọn lửa tình vào bụng, nghe em! Hoạ sĩ Quy gục mặt vào ghè rượu. Ông đã vượt đoạn đường hơn sáu trăm cây số từ Sài Gòn lên lại Tây Nguyên, về với plei Neh này để nộp cho già làng bộ chiêng, xin làm lễ cho Plang tách rời vĩnh viễn, cho Plang thảnh thơi đi “bắt” chồng khác, để đời nàng biết đến hạnh phúc. Vậy mà khi gặp lại Plang lòng ông chợt chơi vơi giữa những cơn gió rừng khó tả, lòng lại như lửa, lửa tình, lửa yêu, ngọn lửa mà qua đó ta biết đến đớn đau con tim là gì. Ông chợt nhận rõ mồn một là lòng mình chưa từng thương ai như thế, trong đời, ông ăn nằm với không biết bao nhiêu đàn bà nhưng chưa một lần ông có cảm giác như với Plang, như yêu Plang, ông về với Plang như trở về hồn mình, như con chim trời đáp xuống, ngất ngây soi mắt rừng xanh. Khi sợi dây rừng đã đứt lòng ông mới cất lên tiếng thét của lửa lòng: mình không thể sống thiếu Plang trong chuỗi ngày còn lại! Nàng như điệu nhạc nghe lần đầu cảm thấy xa lạ nhưng thời gian trôi đi, tuổi đời chồng chất, chợt ngẩn ngơ lắng tai, chìm đắm trong dòng suối âm thanh dìu dặt lạ thường. Nàng như ánh mắt hồ đêm, ta không muốn, không dám nhìn lần đầu, bởi đó là ánh mắt dành cho tâm hồn phiêu bạt, vì lỡ lầm ham hố công danh mà nay lần mai lữa với lòng, rồi một ngày chợt đau rát nhận ra mình, ánh mắt ấy dường như sinh ra chỉ dành cho đoạn đời sau lao lung thăng trầm dông bão của một đời người. Plang ơi! Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ta lại im lặng trong suốt buổi để già làng làm lễ cắt đứt tình duyên của hai ta. Hoạ sĩ Quy tự nhiếc móc mình, tự nguyền rủa mình trong hơi rượu mềm môi, rã lòng.

 

Đêm sâu. Rượu thấm. Người tê tái, chao đảo, ngã nghiêng. Phải đến tận khuya, khi ngọn gió rừng se lại cắt da cắt thịt, ông mới trở mình bàng hoàng nhớ lại tất cả, nhớ từ khi đặt bước chân đầu tiên đến plơi Neh này…

 

Ngày đó, Đức Cơ hoang tàn, cả vạt rừng lớn bị băm vằm, cày xới. Ông làm sao quên được những nấm mồ nhấp nhô chôn vội, những cuộn kẽm gai khoanh ngoằn ngoèo quanh chỗ trú quân tạm thời của binh lính cộng hoà, những ngọn cây bị phạt ngang đầu, xém cháy trơ thân. Chính trong bóng đêm chiến tranh lan rộng, tàn phá ấy, trong lúc thực hiện vai trò một phóng viên đi “săn” tin chiến trường, ông đã gặp người con gái ông yêu thương tên Plang này đây…

… Nghe tiếng đồng bào Jơrai xôn xao dưới con suối Rak, Quy khom người bò đến nép vào một bụi cây. Trong dòng nước sâu, cách “Dot” nước của làng quãng xa phía dưới, một người con gái có mái tóc đen dài đang lặn hụp. Một trai làng đóng khố, áo đen cộc tay đang vừa gõ khúc dùi vào cái bọng cây nằm vắt qua suối; già trẻ gái trai đang hô theo từng nhịp. Cô gái ngóc đầu lên, mặt tái mét, hổn hển. Già làng nói lớn:

-Nước da nó trắng quá, không giống đồng bào mình. Nó không nhịn thở được qua chín tiếng gõ, nó là ma lai rồi. Ơ! Người thay quyền Pơtao Ia, Vua nước! Có phải vậy không?

–Phải phải! Đuổi nó ra lon, ra cái đất vô chủ mà sống, không được ăn ở chung, tỉa cái bắp, cái lúa trong Hma của bà con mình nữa. Đúng là ma lai yểm chết người con gái dòng họ cao quý Rơ-chom của plei mình, chứ không phải bị Yàng bắt đâu. Đuổi nó đi khỏi Hma, đất lúa, đất bắp, đất chung, đất của plei!

 

Đuổi! Đuổi! Đuổi! Một nhóm trai làng lôi cô gái từ dưới suối lên đẩy chúi nhủi qua bờ suối bên kia, về phía bìa plơi, họ lặp lại mấy tiếng của người thay quyền Pơtao Ia: Đuổi! Đuổi! Đuổi! Người con gái ấy vừa chạy vừa khóc, liên tục quay mặt lại nhìn ngôi làng thân thương của mình nên va cả vào người Quy. Quy nắm tay cô gái: -Cô đừng sợ! Tôi sẽ đưa cô về lại nhà mình. Cô gái vẫn tròn xoe mắt nhìn Quy vừa hoảng sợ vừa quy thuận…

 

Già làng hắng giọng: -Mày có bản lĩnh gì mà nói nó không phải ma- lai? Quy đưa mắt nhìn qua cô gái sũng nước chưa kịp hoàn hồn, lại đưa mắt quét qua đám đông đang tụ tập trước nhà của già làng, nhìn xoáy vào người được tôn là thay quyền Pơtao Ia rồi quay lại cặp mắt đang trừng trừng của già làng: -Cô ấy không hại ai sao gọi là ma-lai? Da trắng không phải là cái tội. Rơ Chom Nhi  chết vì bệnh sốt rét, tôi biết rõ mà, không phải do cô ấy yểm. -Chưa biết sốt rét hay Yàng bắt hay bị con ma lai yểm chết nhưng tao nghi ngờ nó, đồng bào nghi ngờ nó… Tao hỏi mày: Cây lớn mấy vòng ôm từ đâu sinh ra? -Từ mầm nhỏ. Tôi hiểu ý ông muốn nói gì, nhưng nhà rông cao vút cũng tạo ra từ những mầm gỗ nhỏ như thế. –

 

Tao cũng biết ý mày. Vậy tao hỏi mày: Tao thù oán gì nó mà đuổi nó đi, nếu nó không phải là ma-lai? -Không phải cứ thù oán mới như thế, ông như cái cây gốc rễ thân bị cắm vào bãi đất sạn đá, chai cằn mà ra nông nỗi, vô tình mà giết chết ngay chính đồng bào ruột thịt của mình. Ông hiểu biết nhiều hơn những gì ông biểu lộ. Đôi môi của già làng giật giật từng hồi, ông đứng dậy định rời khỏi tấm ván một rộng cả sải tay chỉ mình ông được ngồi, nhưng đột nhiên ông thả người trở lại. Lúc lâu đăm chiêu, ông mới thả từng tiếng rời rạc qua khỏi môi : -Mày nói hay lắm! Cái bụng tao cũng không muốn đuổi nó, nhưng sợ là cái mầm cây xấu có gai độc mà hại cả làng. Già làng quay mặt ra phía sau nhà sai người dọn cơm lam, thịt gà: -Thằng phóng viên à, bỏ chuyện đứa con gái đi, tao có thịt gà diều tha, tao có cơm mốc, rau muối mày ăn tạm đi. Tao muốn nghe cái lời khôn từ miệng mày. Mày uống rượu mới ủ nhé! Quy nhìn hũ rượu nhỏ mà là mới ủ thì hiểu già làng không thích mình, ông ta đang tỏ thái độ, nhưng còn dè dặt vì ông ta biết Quy hay đi với mấy ông sĩ quan, lại vì Quy có nhiều máy móc lỉnh kỉnh trên người, chẳng biết quyền hành ra sao. Số phận của cô gái vẫn chưa được giải quyết thì Quy bụng dạ nào mà ăn với uống. Quy xuống giọng: -Tôi biết ông là người tốt, ông giỏi vậy mà biết khiêm nhường nên dân làng nghe lời ông. Ông như biển rộng mà dưới thấp nên trăm suối trăm sông chảy về. -Tao không biết biển, mày nói làm gì. Nói vậy thôi nhưng Quy thấy được ánh mắt tự hào của già làng khi nghe khen mình… Với cái cách khi cứng rắn khi mềm mại như vậy, cuối cùng Quy cũng thuyết phục được già làng, thuyết phục được người kế tục Pơtao Ia, thuyết phục được dân làng không đuổi Plang nữa. Nhưng Quy phải chịu một điều kiện nghiệt ngã là phải để cho Plang “bắt” làm chồng. Một đống lửa to đốt lên trước nhà rông, lễ Bhoá (cưới) diễn ra nhanh chóng vì đang thời lửa đạn nhưng vẫn có đủ tiếng cồng chiêng, vẫn có điệu múa xoang truyền thống của các thiếu nữ. Plang tóc quấn gọn trên đỉnh đầu, nàng mặc chiếc áo nền chàm có sọc màu đỏ xen trắng và vàng. Già làng tặng Quy chiếc khăn quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai. Khuôn mặt cô dâu chín hừng lên theo ánh lửa bập bùng. Khi đêm đã sâu, dân làng đã ngủ yên, đôi vợ chồng mới cũng rời khỏi dáng ngồi bất động, mỗi người một góc nhà. Plang bất chấp luật lệ cũ xưa của làng là cưới xong một năm sau mới được…, nàng đứng lên cúi gập người cởi chiếc áo cổ thuyền. Ngực nàng hai tầng phình ra đầy đặn như quả bầu, trên mút đỉnh tầng nhỏ hơn căng đứng là núm vú nhỏ nhắn hồng hồng. Plang lại mở từng vòng vải của chiếc váy hở quấn nửa thân dưới. Thân hình nàng lồ lộ săn chắc, vòng eo thon mượt lượn cong. Quy mê đắm, lửa tình trong người anh chợt dâng cháy ngùn ngụt… Cho đến lúc này anh cũng chưa lí giải được điều gì đã và đang xảy ra trong cuộc đời mình, giữa cơn bom rơi đạn lạc như thế này, một thân một mình lo chưa xong, anh lại mang thêm Plang, tuy vậy với đôi mắt và cơ thể hừng hực lửa tình, Plang đã mang lại hạnh phúc thật sự cho anh. Sau này khi ngủ với những người đàn bà khác mà lỡ nhớ đến Plang, anh lại thấy họ nhạt nhẽo biết chừng nào và cứ thế nhiều cuộc hoan lạc liên tiếp bất thành suốt thời gian dài) . Hạnh phúc của anh và Plang ngắn ngủi một phần cũng bởi nhiệm vụ của anh là một phóng viên chiến trường, anh chỉ được phép “cắm” ở đây một thời đoạn nhất định. Và cũng còn bởi anh là một hoạ sĩ nuôi trong óc não tim can mình một ý tưởng lớn: anh sẽ tạo một bức hoạ có một không hai trên thế giới để phản đối chiến tranh. Người Việt đã chịu quá nhiều mất mát, đớn đau, đất nước đang đầy rẫy cảnh tan xương nát thịt thì anh làm sao chỉ sống cho riêng mình, yên ấm trong vòng tay nồng nàn của Plang mãi được.

Quy quyết tâm bắt tay vào việc tạo vẽ bức hoạ. Hôm qua, anh đã lượm được tấm ván có nhiều dấu đạn và vết máu, thế là ý tưởng của anh đã hình thành rõ ràng một cách lạ lùng, chóng vánh. Anh không hề biết chính ý tưởng táo bạo này đã đẩy cuộc đời mình sang một khúc quanh khác, khúc quanh đầy sóng gió, phải đoạn tình với Plang.

 

Quy về Pleiku, tìm đến một người bạn bác sĩ, nhờ mua cho anh một thùng đựng phooc- môn. Anh trình bày với bạn về ý đồ thực hiện tác phẩm và nhờ luôn cả việc kiểm định y tế sau khi bức hoạ hoàn thành. Trong những trận đánh ác liệt trên chiến trường Đức Cơ lúc ấy, người ta nhìn thấy một phóng viên chiến trường lom khom băng trong lửa đạn để lượm những phần cơ thể vụn nát của cả hai phía. Đó là hình ảnh gan dạ, nóng rực ngọn lửa đam mê cũng như ý chí phản kháng chiến tranh cực độ của Quy. Oành! Đùng! Tiếng pháo vừa dứt, đất cát còn văng rào rào, anh đã băng lên dương máy chụp hình lia lịa, anh đốt không biết bao nhiêu là phim trên “nồi lửa” Đức Cơ này, chợt anh bàng hoàng thấy ngay trước mắt mình một mảnh da đầu, mái tóc dài bết máu đỏ bầm, chắc là của một nữ du kích. Anh lẳng lặng nhặt bỏ vào thùng phooc- môn để trong ba- lô. Oành! Đùng! Một dòng điện lạnh chạy dọc sống lưng khi anh thấy một đoạn chân, một phần xương ống quyển và cả bàn chân còn nguyên trong chiếc giày bốt của lính cộng hoà. Anh tháo chiếc giày buộc vào đai ba- lô, còn bàn chân thì bỏ vào thùng. Oành! Đùng! Một khúc ruột người treo thòng thễnh trên nhánh tre, anh nghe tim mình nhói đau từng cơn, nhưng vẫn cố đè nén mình để đưa tay khéo léo níu nhánh tre cho khúc ruột rớt vào thùng phooc- môn… Về lại căn nhà anh đang sống với Plang, anh bày soạn những tút sơn dầu, bay vẽ ra và làm việc thâu đêm suốt sáng. Đêm cuối cùng theo giờ quy định, bức tranh phải được chuyển đi, vượt hơn sáu trăm cây số để kịp triển lãm trong một hội chợ quan trọng ở Sài Gòn, gà rừng đã gáy rộ mà hoạ sĩ Quy vẫn bứt đầu bứt tai, đi đi lại lại không nghỉ. Khuôn mặt anh rúm lại đau đớn. Plang khe khẽ hỏi chồng: Sao mình đớn đau như vậy? Anh thú thật với Plang là bức tranh chưa hoàn thành, anh chỉ cho Plang thấy chỗ điểm mạnh của bố cục mà anh đã vẽ lên đó ngọn lửa, một ngọn lửa xé xẹt giữa không gian, ngọn lửa đạn pháo. Bức tranh chưa hoàn thành vì chỗ này thiếu một ngón tay đeo nhẫn. Trong muôn vàn thứ trên đời mà chiến tranh tước đoạt, tình yêu bị tước đoạt, bị nổ tung là đau đớn nhất, chưa nói được điều này coi như bức tranh chưa xong. Nhưng giờ biết tìm đâu? Sự lao động cật lực của anh, không màng đến mạng sống chính mình giờ xem như công cốc. Quy ôm đầu ngồi xoài xuống một góc nhà. “Ngón tay nói điều ấy à? Sao gọi là ngón tay đeo nhẫn?” Plang ngây thơ hỏi. “Nó là ngôn ngữ chung của cả thế giới, đó là sự đính ước thiêng liêng của hai người yêu nhau đến không còn rời xa nhau được nữa”. Sau khi nghe Quy giải thích, Plang lẳng lặng đi vào chái nhà sau. Quy vẫn đang ôm đầu gục xuống tuyệt vọng, anh đã ngủ mê đi trong mệt mỏi, rã rời. Trời hừng sáng, có mấy người trong nhóm “Bằng hữu Tây nguyên” của anh đã đến để mang bức tranh đi. Plang thức chồng dậy, một tay bịt đầy lá thuốc, còn tay kia nàng đưa cho anh một gói nhỏ.

 

Anh vừa dụi mắt vừa mở gói giấy, anh hét lên một tiếng vang động: “-Trời! Em làm gì vậy?” “-Mình cứu mạng sống Plang, Plang không tiếc ngón tay, không tiếc bất cứ điều gì với mình”. Quy run lẩy bẩy cầm ngón tay của nàng, ngón tay anh đã từng ấp đầu mình lên đó nồng say giấc ngủ đêm đêm, ngón tay anh đã từng nâng niu đặt lên đó những nụ hôn cháy bỏng, ngón tay ấy giờ đã lạnh giá, nhớp nháp máu đỏ trên mảnh giấy gói. Quy rùng mình, tê điếng, thảng thốt, óc anh, xương anh rân rân một dòng điện lạnh, anh ngạc nhiên quá đỗi vì sự gan dạ và hy sinh của Plang. Có lẽ nàng không biết nhiều về nghệ thuật, về hội hoạ, về ý nghĩa phản chiến, nàng hy sinh tất cả đơn giản chỉ vì anh. Anh khóc! Anh khóc vì nhìn Plang với bàn tay quấn đầy lá thuốc, với ngón tay đeo nhẫn lạnh giá trên miếng giấy gói, anh thấu hiểu cái đẹp sâu thẳm, không nói thành lời trong tâm hồn mới là cứu cánh thật sự của con người chứ không phải thứ gì khác. Quy quỳ xuống dưới chân Plang mà khóc rấm rứt như một đứa trẻ vừa bị mụ phù thủy, gã quỷ ám khổng lồ nào đó đánh mất vĩnh viễn một kỷ niệm vô giá. Chiếc xe mang bức tranh khổ hai mét nhân một mét hai lừ đừ leo lên đồi, Quy không dám nhìn lại khu rừng một lần nào nữa.

 

*

… -Còn bốn mươi phút nữa tổng thống đến. Một thanh niên trong nhóm “Bằng hữu Tây nguyên” vừa nhìn đồng hồ vừa có ý nhắc nhở những người chung quanh. Trước gian hàng Tây nguyên giờ đã nghẹt người, người đứng ken nhau tràn kín cả khu hội chợ “Phụng sự”, tràn ra đường đi, ra vệ cỏ và có cả một số đông đu mình trên tường rào. Đông đảo là vậy nhưng vẫn im phăng phắc, mọi người dường như nín thở, họ chờ đợi một sự kiện chưa từng có từ trước đên nay. Việc một hoạ sĩ thuộc phân hội Thập tự tây nguyên, một phóng viên chiến trường chuẩn bị ra mắt bức hoạ phản chiến mang tên “Chứng tích mùa hè” với cách sáng tác độc sáng này làm nao lòng giới nghệ thuật, báo chí khắp thế giới và dân chúng cả thành phố Sài Gòn.

-Còn nửa tiếng nữa. Cũng người thanh niên lúc nãy nói to, giọng đanh lại. Hoạ sĩ Quy bước đến gần tấm màn đen che bức hoạ. Làn sóng người gợn lên rồi lại đứng lặng. Nhóm “Bằng Hữu Tây Nguyên” đứng tréo tay nhau giăng thành vòng rào vây quanh bức hoạ. Các nhà báo nước ngoài đã đưa máy hình lên, vặn ống kính canh lại tiêu cự.

-Còn mười phút! Tiếng nói có phần căng thẳng, thảng thốt. Làn sóng người rùng rùng chuyển động áp sát vào bức tranh khổ lớn: hai mét nhân một mét hai đang được phủ che. Vòng rào người dúm dó, đùn đẩy. Cuối cùng tấm vải đen cũng được tháo xuống. Những cặp mắt căng tròn, bàng hoàng. Ai đó vừa khóc vừa thét thật to: -Đả đảo chiến tranh! Thân phận Việt Nam bi thương quá! Đúng là chứng tích… Đám đông lại chuyển động vòng tròn, người đứng trước tự nhường chỗ cho người phía sau, nước mắt ràn rụa trên tất cả các khuôn mặt, trên tất cả các đôi mắt vừa xem bức tranh rợn người đó.

 

Bức tranh sơn dầu theo lối tượng trưng, diễn tả một vòm lửa đỏ rực, những sợi kẽm gai chằng chịt, đoạn nối dài, đoạn buông rơi trên khắp bức tranh. Một chân người thật còn nguyên cả thịt, từ ống quyển thịt xé nát bầm dập, móc ngược trên đóng bùi nhùi kẽm gai. Một bàn chân chỉ còn lại một ngón, bàn chân nhầy nhụa thịt. Một góc bức tranh, lòng thòng ruột gan phèo phổi đứt đoạn. Mắc khắp nơi những bông băng vấy máu, những mảnh da đầu, xương sọ, những mái tóc cả nam cả nữ, nằm phủ lên, dính rối với nhau. Một chiếc giày bị cháy xém nằm cạnh dải khăn tang vàng ố. Xương vàng xương trắng vụn đính khắp nơi. Điểm mạnh nhất của bức tranh là những bàn tay còn hai ngón, ba ngón có mảnh đạn pháo ghim xuyên, trên nền sơn dầu mô tả ngọn lửa xoè ra từ trái pháo, một ngón tay tươi rói đeo chiếc nhẫn vàng Tây mà ai nhìn vào cũng biết đó là ngón tay phụ nữ đeo nhẫn cưới. Ngón tay được sắp đặt như là sự rơi văng ngẫu nhiên trong sức nổ phá của bom đạn, giữa những đuôi kích thích pháo, những mảnh mìn, lựu đạn… như đang bay tung loạn xạ…

 

Người xem rúng động đến tận óc, tận tim. Người xem rùng mình gục khóc. Người xem la hét đả đảo chiến tranh. Người xem nhìn lại ngón tay đeo nhẫn của mình, nhìn quét lại toàn bộ cơ thể mình theo một phản xạ tự nhiên. Người xem thất thần tán loạn. Ánh đèn flash chớp lia chớp lịa. Chợt không gian bị xé toang bởi tiếng còi cảnh sát: “roét roét roét…” Người xem như nước sông bị rẽ ra, chẽ toạc làm hai. Cảnh sát ào vào tháo vội, dỡ vội, khiêng vội. Bức tranh bị tịch thu “vô điều kiện” theo đúng cách của cảnh sát, hay nói khác đi là “bị tịch thu vì có nội dung phản chiến”.

 

Ba ngày sau, hoạ sĩ Quy được cơ quan Hồng Thập Tự Châu Âu mời đến văn phòng. Họ nhận định bức tranh hoàn toàn đạt tiêu chuẩn y tế, không ảnh hưởng đến môi trường vì tất cả được ngâm phooc- môn rất kỹ lưỡng. Về nghệ thuật, họ đánh giá rất cao những gì mà bức tranh tác động đến người xem, là một bức tranh phản chiến ấn tượng, độc đáo, chưa từng có một hoạ phẩm nào trên thế giới như vậy. Họ đặt vấn đề mua lại bức tranh để đem về triển lãm ở châu Âu, thế lực của họ đủ mạnh để làm việc với cảnh sát. Họ mời luôn cả tác giả đến châu Âu để thuyết trình về đề tài phản chiến trong mỹ thuật hiện đại.

 

*

Danh tiếng họa sĩ Quy nổi lên như một hiện tượng của hội hoạ đương đại. Sau khi từ châu Âu trở về, cùng danh tiếng là sự giàu sang, là người vợ ngà ngọc, con của một thương gia danh tiếng bậc nhất đất Sài Gòn, là những phòng trưng bày tranh sang trọng được thiết kế và phối sáng hiện đại nhất Sài Gòn, là những chuyến du lịch nối đuôi hết Honolulu, Hawaii, lại Bali, Indonesian… để lấy cảm hứng sáng tác, là giải thưởng tổng thống (oái oăm là lại được trao cho một hoạ sĩ chống tổng thống không khoan nhượng một thời) và rốt cùng là sự quên lãng đến nhẫn tâm… Cái quỹ đạo nghiệt ngã của danh vọng đã cuốn Quy đi mà không có thời gian cho một lần ngoái lại. Thật ra cũng có vài lúc trong loáng thoáng của những cơn say bên bờ đảo xanh, trên khoang hạng nhất của những chiếc tàu thủy sang trọng, ông cũng nhớ Pơlang, ông cảm thấy ray rứt trong lòng vì đã nhẫn tâm bỏ lại Plang trong căn nhà sàn gió giật mưa dột ở plei Neh mà không một lời từ giã, không một lời giải thích, (mà làm sao giải thích được sự nhẫn tâm). Bắt đầu một ngày mới là cái quỹ đạo ấy lại cuốn phăng ông đi như dòng nước suối cuốn trôi mải miết một chiếc lá vô tâm. Cho mãi hôm nay, khi tuổi đời đã chồng đống, ông đã qua tuổi năm mươi, đã quá ngán ngẫm trước hơi hướm của danh vọng, của cải, ông đọc kinh Phật, ông học thiền, học Yoga, trong lúc thực hành chết, giả sử mình chết trước khi cái chết đúng quy luật đến với một kẻ sĩ, ông chợt bàng hoàng biết mình còn để lại trần gian một mối nợ tình nặng lắm. Ông quyết định dàn xếp mọi chuyện với vợ con, dứt hết mọi công việc, thực hiện bằng được một chuyến về lại plei Neh. Khi đối diện với Plang bên đầu kia của sợi dây rừng, khi tiếng của già làng Jun như một lời phán từ trời vọng xuống: “-Không phải chồng! Không phải vợ! Đi đi!” ông mới thật sự xót xa cho thân phận của mình; ông biết mình đã về, đã tìm gặp lại mình, nhưng cũng chính lúc này, Plang và dân làng Neh cũng dứt khoát với ông.

 

Plei Neh không còn chút dấu vết nào của thời chiến tranh khốc liệt. Rừng cao su bạt ngàn xanh hút tầm mắt. Nhiều ngày qua người dân ở đây luôn thấy một gã đàn ông thất thểu đi quanh bìa rừng cao su của Plang. Mùa cao su rụng lá, lá đổ như trút lên phủ lấp thật nhanh từng bước chân Quy, anh không màng đến ăn uống, cứ lê từng bước chân nặng nề chẳng biết để làm gì, anh muốn hành hạ thân xác mình để trừng phạt những gì mình đã sai lầm trong đời. Đến một ngày anh không còn lê bước chân được nữa, bàn tay vịn vào gốc cao su của anh tuột dần xuống, lá rụng từ từ phủ lên, đến ngực rồi đến mặt, tràn phủ hai mắt, anh thật sự bất động để lá lần hồi che kín miệng mũi và cả mắt, đôi mắt đã dại đi. Hình ảnh chiếc lá vàng ngập tràn trong mắt anh, anh thấy lần hồi lá với mình là một, anh mơ hồ nghe văng vẳng tiếng nói từ nơi xa lắm đang vọng lại: Kì thực cái đẹp trong sâu thẳm hồn người… mới là cứu cánh thật sự của con người… Trong lúc phiêu diêu nhẹ bỗng, anh còn mơ tưởng lần cuối cùng: anh và Plang cứ bay đuổi nhau từ cây “sọc trắng” này sang cây “sọc trắng” khác, họ rượt đuổi nhau mãi trong khu rừng cao su của nàng mà không thể gặp nhau …

 

*

Ở plei Neh bây giờ có một người đàn bà Jơrai đứng tuổi sống âm thầm trong khoảnh rừng cao su xanh thẫm. Bà cứ lẳng lặng đi hết gốc cây này đến gốc cây khác, từ sáng đến mịt tối. Chiều kia, mệt mỏi ngồi bệt xuống đám lá cao su rụng dày, người đàn bà dùng bàn tay thiếu ngón nhặt những chiếc lá lên ngắm nghía. Những chiếc lá co rúm, vàng vọt. Màu vàng sao cháy ruột chay gan thế này? Không biết người đàn bà đang nhìn bàn tay bốn ngón hay nhìn chiếc lá…

 

Trại sáng tác Tây Nguyên, 5/ 2007

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2359
Ngày đăng: 11.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mười hai bến nước đều trong - Trần Thị Ngọc Lan
Cuộc phiêu lưu của Hoa Anh Đào - Đổ Thị Hồng Vân
Khuôn mặt phòng họp - Trần Văn Bạn
Những quả thông rụng trên mái ngói cũ - Vũ Dy
Chồng già, vợ trẻ là tiên - Đặng Hoàng Thái
Mát - xa - Trần Trung Sáng
Vũ điệu tuổi mười ba - Trần Thị Ngọc Lan
Người láng giềng tuổi tí - Lê Vũ
Bóng đời - Lê Hà Ngân
Thế giới - Vicente Rivera. Jr(philippin)
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)