Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.230.398
 
Phương Nam du ký
Vũ Ngọc Tiến

Lời tác giả: Báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) với sự tài trợ của Tập đoàn Wincom đang tổ chức cuộc thi Bút ký văn học mang tên “Việt Nam - Tổ quốc tôi” với “âm hưởng chủ đạo là ca ngợi và phải ca ngợi có sức thuyết phục” (Lời anh Hữu Thỉnh và Nguyễn Trí Huân trong lễ phát động). Quy chế cuộc thi khá rõ ràng, minh bạch,  nhưng ứng xử của Ban tổ chức và Hội đồng sơ khảo lại rất tùy tiện. Trên trang 2, VN số 48 (1/12/2007) có bài dự thi của tôi vốn đặt tựa là “Phương Nam du ký”, độ dài đúng quy chế (dưới 5.000 từ), nhưng bị cắt tỉa còn mấy mẩu chắp vá rời rạc khoảng dưới 3.000 từ rồi đặt tựa mới là “Những dòng sông phương Nam”, không phù hợp với giọng văn du ký và làm sai lệch nội dung tư tưởng ban đầu của tác giả. Tôi đã gửi thư đến TBT Nguyễn Trí Huân xin rút khỏi cuộc thi, nay công bố lại toàn văn tác phẩm có sửa chữa đôi chỗ.  

 

 

Đã t lâu lắm, tôi có ước nguyện lãng du phương Nam, một cuộc đi không ấn định ngày đi ngày về, đến bất cứ đâu khi từ trong vô thức chợt lóe lên tên đất, tên người dẫu là của thời xa ngái hay tình cờ mà biết.  Thế rồi có một ngày tôi cầm trên tay chiếc vé máy bay điện tử lâng lâng xao xuyến. Đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển nên vé tàu hỏa, máy bay vào Nam giờ có thể ngồi nhà đăng ký qua mạng Internet, không còn cảnh chầu chực xếp hàng như xưa nữa. Chạnh nhớ một thời tôi đi tàu vào Nam ra Bắc, đêm về chen nhau ngủ vùi dưới gầm ghế, muỗi nhiều như trấu hoặc nếu đi xe đò thì người và hành lý lèn chặt như nêm cối, hôi hám như xe chở lợn!...

 

Sài Gòn một thời để nhớ

 

Chiếc máy bay Airbus của Việt Nam Airline hạ dần độ cao cho tôi nhìn rõ con sông Đồng Nai và những cánh rừng cao su bạt ngàn, xanh thẳm. Thành phố Biên Hòa rồi Sài Gòn hiện ra trong sắc nắng chói lòa của phương Nam. Hơn 30 năm trước, chiến tranh vừa kết thúc, tôi trong số ít những trí thức trẻ miền Bắc đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn- thành phố mang tên Bác- tăng cường cho Công ty Dầu khí miền Nam mới thành lập (Tiền thân của Tập đoàn Petro Việt Nam), đóng trụ sở ngay tại tòa đại sứ Mỹ trên đường Mạc Đĩnh Chi. Là người Hà Nội gốc, tôi vẫn bị choáng ngợp trước vẻ tráng lệ, sầm uất của đô thị được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông  từ thời thuộc Pháp. Nhưng chỉ vài năm sau đó, nó lộ nguyên hình là thành phố tiêu thụ trong một nền kinh tế tầm gửi, sống nhờ vào ngoại bang. Đã thế, hậu quả chiến tranh, tác động của cấm vận và cả hệ lụy của những sai lầm, ấu trĩ trong chính sách điều hành kinh tế thời đó đã như những cơn sóng thần nhấn chìm hòn ngọc Viễn Đông vào quá khứ vàng son, phơi bày ra đủ thứ dị mọ của đời sống thị dân trong lúc khốn cùng. Tôi không sao quên được cái năm 1978, Sài Gòn như một thành phố chết. Sản xuất đình trệ vì thiếu nguyên liệu, thiết bị cũ nát. Các chợ Bến Thành, An Đông, Tân Định, Bà Chiểu vắng hoe, nhếch nhác như chợ quê buổi chiều. Mấy triệu người dân nhao nhác vì đói, còn đám công chức chúng tôi có chút tem phiếu cũng phấp phỏng lo hàng phân phối về chậm dù chỉ là cá ươn, cơm độn bo bo. Già nửa dân số thành phố thất nghiệp, sống buông thả nhờ vào hai công thức: SVK và BAD. Nhà có thân nhân di tản mong chờ sữa Việt kiều (SVK) gửi về bằng đô la hay quà cáp. Nhà không có người di tản thì bán ăn dần (BAD) tất cả những gì có thể bán được. Cái đói, cái nghèo khiến đám trí thức từ miền Bắc mới vào như chúng tôi nhiều người cũng hèn đi, tự biến mình thành gã buôn lậu trong mỗi lần đi công tác xa. Họ đi miền Tây buôn gạo, đi Ban Mê Thuật buôn café, đi Đà Lạt buôn trà và rau xanh mang về bỏ mối kiếm lời. Trạm kiểm soát mọc lên như nấm, bịt kín các lối vào thành phố cũng không tìm ra cách họ giấu hàng, hoặc có bị khám xét thấy hàng thì họ hạ mình năn nỉ nghe thật thương tâm, khiến tôi ngồi cùng xe phải cúi gằm mặt vì tủi hổ…

 

Chân dung ông chủ đỏ

Có lẽ những kỷ niệm buồn về một thời để nhớ đã thôi thúc tôi tìm gặp lại một người đã đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng. Ông là Lê Minh Ngọc, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu triết học ngoài Hà Nội, đưa gia đình vào Sài Gòn giữa những năm gian khổ nhất. Giờ gặp ông ở biệt thự rộng mênh mông, tráng lệ trên đường Tân Hương, quận Tân Phú, không ai có thể ngờ ông chủ ngôi biệt thự trị giá vài chục triệu USD ấy đã từng âm thầm nghiên cứu sản xuất bột nở rồi lóc cóc đạp xe đi giao cho các lò bánh mì, gom nhặt từng hào lẻ vào những năm 1978- 1980. Sản phẩm của ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Sài Gòn và tỏa ra các thành phố lớn bởi chất lượng của nó không thua gì bột nở nhập từ Pháp, Canada mà giá thành chỉ không bằng một nửa. Là đảng viên Cộng sản thuộc loại “con nhà nòi”, lại được đào tạo rất bài bản về triết học Mác- Lê ở Nga về, nhưng Lê Minh Ngọc cũng là người đầu tiên phá rào làm kinh tế tư nhân, lập xưởng sản xuất để làm giàu cho mình, đem lại việc làm và thu nhập ngoài lương cho rất nhiều gia đình công chức cùng cảnh ngộ. Khi lợi nhuận tích lũy đủ lớn, với nhãn quan sâu sắc của nhà triết học, ông đã sớm dự báo được quy luật của công cuộc đổi mới, tự dò tìm một hướng làm ăn lớn cho riêng mình. Theo phân tích của ông, tài nguyên lớn và vô cùng quý là đất đai ở các nông lâm trường đang bị cơ chế sản xuất cũ làm cho vụn vỡ, hoang phí vô tội vạ. Lê Minh Ngọc đã đi khắp nơi, thuyết phục các giám đốc lâm trường và chính quyền sở tại, nhận khoán rừng bằng phương thức thuê đất dài hạn 50 năm để trồng cây lấy gỗ, nơi đất tốt thì trồng café, hồ tiêu kết hợp với chế biến tại chỗ và chăn nuôi gia súc. Ông về quê mình ở Huế vận động người thân trong họ tộc và các hộ nghèo lên đó khai hoang, chu cấp cho họ một khoản tiền làm vốn ban đầu. Cán bộ quản lý được ông thuê giúp việc lại chính là người có kinh nghiệm quản lý ở ngay trong lâm trường mà ông thuê đất. Đến nay, trong tay Lê Minh Ngọc, bên cạnh xưởng sản xuất bột nở còn có vài trăm ha trang trại ở Bình Dương, Vũng Tàu, Bảo Lộc. Tôi đã cùng bạn văn Minh Chuyên lên tận trang trại trồng hồ tiêu của ông ở Bảo Lộc, trò chuyện với nhiều hộ nông dân làm thuê, thậm chí có người vốn là cán bộ cũ của lâm trường, thảy đều  khá giả, đổi đời nhờ công khai phá của ông chủ đỏ Lê Minh Ngọc. Ngôi nhà nghỉ cuối tuần của ông ở chân đèo Bảo Lộc được thiết kế mô phỏng theo mẫu dinh thự của các vị đại quan triều Nguyễn nằm trên sườn đồi, nhìn ra hồ thả cá mênh mông, thơ mộng, cạnh đó là suối Tiên với thác nước chín tầng nổi tiếng. Công ty du lịch tỉnh đang mở đường vào trang trại để biến những công trình nhân tạo do ông xây dựng kết hợp với thác nước chín tầng thành cụm danh thắng đón khách tham quan. Cái thú “chơi văn hóa” của Lê Minh Ngọc còn làm tôi sững sờ kinh ngạc và thích thú trong lần gặp mặt, uống rượu hàn huyên với ông giữa tòa biệt thự rộng 5000m2 trên đường Tân Hương. Trong sân biệt thự có cả một khu bảo tồn kiến trúc nhà rường rất đặc trưng của cố đô Huế, do các nghệ nhân tài hoa từ thế kỷ XIX chạm khắc tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Ngôi nhà rường này do ông bỏ ra mấy tỷ về quê mua lại của hậu duệ một vị quan nhất phẩm triều Nguyễn, mang vào Sài Gòn trùng tu, lắp ráp để... chơi!... Mọi đồ đạc trong nhà rường đều là đồ cổ có tuổi thọ ít nhất 100 năm trở về trước. Đây là nơi chỉ dành riêng cho chủ nhân đọc sách, đàm đạo văn chương, triết học với bạn bè hoặc tiếp khách nước ngoài. Tôi ngồi uống rượu bên Lê Minh Ngọc và những người bạn, đắm mình trong không gian văn hóa của ông. Nghe nói, ông đã từng được tiếp kiến nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và nhiều vị lãnh đạo cao cấp, trình bày quan điểm đổi mới của mình, cũng là để bảo vệ mình khỏi bị kết tội đảng viên làm kinh tế tư nhân, một điều cấm kỵ suốt nhiều năm đầu đổi mới. Ông còn tham gia sáng lập một trường đại học, làm ủy viên Hội đồng quản trị, kiêm Chủ nhiệm khoa Xã hội học để đào tạo nên những thế hệ trí thức, doanh nhân cho đất nước theo tư duy đổi mới, bằng sự trải nghiệm của cả đời mình. Chia tay Lê Minh Ngọc, những ngày sau đó tôi hăm hở phóng xe đi khắp thành phố mang tên Bác. Càng đi, tôi càng bồi hồi nhận ra thành phố một thời khốn khó của tôi đang tìm lại vóc dáng của hòn ngọc Viễn Đông xưa nhờ công sức của gần chục triệu người dân thành phố, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hàng vạn trí thức, doanh nhân ưu tú tuổi đời còn rất trẻ. Các bạn trẻ- những chủ nhân của hòn ngọc Viễn Đông trong thế kỷ XXI, xin đừng quên năm 1978 đói nghèo làm hèn con người, đừng quên thế hệ đi trước có những người như Lê Minh Ngọc tiên phong dò đường, mang cả sinh mạng chính trị của mình thế chấp cho sự phá rào.

 

Ngẫm suy từ đền Bến Dược

 

Một sớm chủ nhật, tôi đến thăm người bạn thân- chị Thu Hồng, con gái đầu của tướng quân Trần Văn Trà, bị choáng ngợp trước núi sách khổng lồ và những di cảo trong thư viện của vị tướng lừng danh, nhà văn hóa lối lạc và đầy nhân bản. Từ lâu, tôi cứ bị ám ảnh rằng hình như số phận đã gắn những mốc son của đời ông với những dòng sông. Tuổi thơ ông đầy ắp những kỷ niệm bên dòng Trà Khúc và những người bạn là nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, nhà nghiên cứu sân khấu tuồng Khánh Cao (thân sinh của NSND Trà Giang). Thời thanh xuân sôi nổi ông đến với cách mạng bên dòng sông Hương thơ mộng, khi còn học dở trường kỹ nghệ Huế. Cả cuộc đời binh nghiệp lẫy lừng của ông gắn với những dòng sông ở Nam Bộ, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Trước lúc về cõi vĩnh hằng, ông có nguyện ước được nằm yên nghỉ bên một dòng sông. Những con sông phương Nam trong đời vị tướng quân tôi yêu kính đã xui khiến tôi thầm nhủ lòng, chia tay Thu Hồng tôi sẽ phải đến thăm ngôi đền Bến Dược bên nhánh sông Sài Gòn, trên đất Củ Chi thờ vong linh hơn 4.500 anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Sài Gòn- Gia Định. Mộ tướng quân Trần Văn Trà, theo quy chế lễ tang cấp Nhà nước phải được đặt ở nơi trang trọng tại nghĩa trang thành phố, bên cạnh ông Nguyễn Văn Linh, bà Nguyễn Thị Định. Nhưng lòng dân dường như thấu hiểu nguyện ước của ông đã tạc chữ dát vàng tên tuổi mấy ngàn đồng đội của ông lên các phiến đá hoa cương phủ kín ba mặt tường trong nội thất điện thờ chính của khu đền Bến Dược, bên sông Sài Gòn ngàn đời linh thiêng. Tôi ngây ngất thả hồn mình lang thang khắp khuôn viên rộng hàng chục ha của khu đền kỳ vĩ, tôn nghiêm, hiện đại bậc nhất cả nước, xứng đáng là kiệt tác kiến trúc thời hậu chiến. Từng đơn nguyên kiến trúc, từ cổng tam quan, tháp chín tầng, sân cảnh đến điện thờ chính đồ sộ như trái núi và tượng đài giọt lệ người mẹ vút cao lên giữa vườn cây râm mát gần bờ sông…, tất cả đều hoàn mỹ, hài hòa trong tổng thể kiến trúc, tinh xảo đến từng chi tiết tạo hình. Cảm động và đáng quý biết bao, khi tôi được biết tác giả của công trình tuyệt vời này là nhóm kiến trúc sư rất trẻ, có người đang còn là sinh viên thực tập tốt nghiệp thuộc thế hệ 8x. Thật không thể ngờ bức tranh nghệ thuật trên men gốm sứ, cao 2m, chạy dọc theo tường ngoài hành lang điện thờ chính dài 38m, tái hiện lại lịch sử hai cuộc kháng chiến mà tác giả chỉ là 3 chàng sinh viên khoa kiến trúc, trường đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh! Lớp trẻ hôm nay giàu tài năng, biết làm giàu và cũng biết tôn thờ quá khứ hào hùng của dân tộc, ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước. Và đó phải chăng là cội nguồn sức mạnh Việt Nam trên bước đường hội nhập để phát triển bền vững?

 

Bông so đũa và giấc mơ giữa vùng châu thổ

 

Rời khu đền Bến Dược, nghĩ về những dòng sông phương Nam, tôi nôn nao nhớ về kỷ niệm thời trai trẻ đã từng vẫy vùng trên sông nước Cửu Long. Ngày ấy, cơ quan tôi có một đơn vị khảo sát Địa vật lý, đóng trụ sở tại Bình Thủy, gần sân bay dã chiến Cần Thơ ở Trà Nóc. Chúng tôi có nhiệm vụ theo dõi chiếc tàu ta thuê hãng Slumbecger (Pháp) đo Địa chấn (Seismic) trên 2.000 km tuyến ở bờ biển, sông ngòi, kênh rạch và tự tổ chức đo Trọng lực (Gravitation) khắp đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi khúc sông hay cù lao, miệt vườn đều in đậm trong tôi biết bao kỷ niệm một thời trai trẻ. Ở Sài Gòn thì đói quay đói quắt nên mỗi chuyến đi thực địa miền Tây  là dịp chúng tôi được no nê cơm trắng ăn với canh chua cá lóc hay thịt vịt Xiêm. Niềm vui được nhân lên vì ở sân bay Trà Nóc có rất nhiều lính Hà nội đang đóng quân chờ ngày xuất ngũ. Qua các anh, tôi còn được quen biết một nhóm kỹ sư nông nghiệp người Hà Nội, đưa cả gia đình vào cái xóm vắng đầy lau sậy và những con trăn đất khổng lồ ở huyện Ô Môn để xây dựng Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tuổi trẻ cùng quê Hà Nội, gặp nhau giữa miền sông nước Tây Nam Bộ sau chiến tranh khốc liệt đã gắn kết chúng tôi như tình ruột thịt. Chúng tôi thường tụ tập nhau đốt lửa giữa cù lao lộng gió, ăn nhậu, nghe sóng vỗ bờ, đàn hát và chuyện trò thâu đêm, mơ về tương lai. Cánh lính trẻ mơ được về Hà Nội học tiếp đại học, các chàng kỹ sư nông nghiệp mơ tìm ra giống lúa mới, còn tôi mơ nhìn thấy ngọn lửa bùng lên tại các giàn khoan ở giếng dầu ngoài khơi thềm lục địa. Tôi nhớ mãi lời Thận, chàng kỹ sư nông nghiệp quê Thanh Trì, anh nói: “Người Hà Nội chúng mình sành ăn nên đã nhậu canh chua cá lóc thì phải có bông so đũa trắng chứ ăn bông so đũa đỏ là xoàng. Cái vị chua chua, bùi bùi rất lạ của 1 bông so đũa trắng đánh đổ cả 10 bông so đũa đỏ. Biết ăn thì phải biết làm mới là quân tử Hà Thành. Chúng tớ sẽ bám vùng châu thổ này đến tận đời con, đời cháu để tìm ra nhiều giống lúa lạ, khiến cả thế giới này ghiền gạo Việt Nam như ta ghiền bông so đũa trắng. Chiến tranh hết rồi, có cả vựa lúa Cửu Long mà để dân cả nước ăn độn ngô, độn bo bo là có tội.”. Giờ ước mơ của chúng tôi đã thành sự thật. Ngành dầu khí mỗi năm xuất khẩu 20 triệu tấn dầu thô, chiếm 25% GDP cả nước. Đám bạn lính ngày xưa có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực toán máy tính hay tự động hóa. Thận không còn nữa, anh đã chết sau lần cảm lạnh vì lội bùn ngâm nước trong một chuyến đi thị sát hiệu quả giống lúa vừa nghiên cứu. Nhưng đất nước nhiều năm liền đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Con gái anh nối nghiệp cha, trở thành chuyên gia lúa nổi tiếng, đang cùng các nhà khoa học quốc tế triển khai một đề tài nghiên cứu mới ở phòng thí nghiệm tận Philipine. Tôi lại về Cần Thơ, thăm bến Ninh Kiều thơ mộng, say ngắm vườn hoa, tượng đài, khách sạn , nhà hàng lung linh điện sáng bên bờ sông Hậu. Bình Thủy ngày xưa rất thưa vắng nhà, nay đã thành một quận đông dân, sầm uất của thành phố. Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng lai to đẹp và hiện đại trong khuôn viên thơm đầy hoa trái. Nói chuyện với ông Viện trưởng, TS Bùi Chí Biểu, tôi càng thấm thía sự đóng góp vô cùng to lớn của các nhà khoa học bởi năm 1978 sản lượng lúa đồng bằng Cửu Long chỉ đạt, 4,6 triệu tấn/năm, nay đã đạt 19,1 triệu tấn/năm, nhưng diện tích trồng lúa do nhu cầu công nghiệp hóa lại bị thu nhỏ từ 4,3 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha. Tôi ghé thăm cái xóm nhỏ ở xã Thới Thạch, huyện Cờ Đỏ vừa tách khỏi huyện Ô môn, có nhiều gia đình cán bộ khoa học quê miền Bắc đã bám trụ ở đây đến ba thế hệ, thành người miền Tây đích thực. Người miền Tây chân tình, hào phóng sẵn lòng đãi bạn đến ly rượu, hạt gạo cuối cùng đã nhiệt tình kiếm tàu cho tôi lênh đênh nhiều ngày trên sông nước với bao hoài niệm. Tôi đã đi tàu dọc sông Tiền, sông Hậu thăm chợ nổi Cái Răng, những bè nuôi cá tra quần tụ trên sông như một khu phố nổi ngời ngời ánh điện về đêm ở An giang, Châu Đốc và trại nuôi cá sấu hàng nghìn con ở Long Xuyên. Con tàu đưa tôi luồn sâu vào các kênh rạch, thăm các vườn nhãn mỗi nhà vài trăm gốc cây đang mùa sai quả, đến tận Tân Châu thăm nhà thờ đạo Hồi nguy nga, tráng lệ, kiến trúc lạ mắt hay vào cù lao An Phú có nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây bèo tây, một loài thực vật có đời sống nổi nênh khắp vùng sông nước Cửu Long. Ở đâu tôi cũng gặp nhịp sống sôi động, ánh mắt rạng ngời. Nhưng tôi biết, còn nhiều hộ thuần nông trồng lúa miền Tây vẫn chưa thoát nghèo bởi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt hơn 200 USD/tấn, còn gạo Thái Lan, Ấn Độ có loại đặc biệt ngon xuất khẩu tới 750 USD/tấn. Ước mơ của Thận năm nào vẫn chưa trọn vẹn. Ăn món canh chua cá lóc có hương vị bông so đũa trắng tôi lại nhớ lời anh. Ta còn phải tiếp tục tìm ra giống lúa lạ, thơm ngon không thua các nước bạn để hết thảy người dân vùng châu thổ thoát nghèo. Yên tâm Thận ơi, đã có lớp trẻ tiếp bước thực hiện ước mơ của anh! Lòng tôi thầm reo

 

Những bạn văn phương Nam

 

Tôi trở về Sài Gòn nghỉ ngơi ít ngày, lấy sức tiếp tục cuộc lãng du phương Nam. Nói là nghỉ ngơi, nhưng các bạn văn phương Nam đâu dễ chịu để tôi nằm nhà. Chỉ một cú điện thoại ai đó gọi tôi đến quán café Bông Giấy, gần ngôi nhà 81 Trần Quốc Thảo là nửa giờ sau đã thấy bạn bè tụ họp đông đủ. Trẻ có Ngô Thị Hạnh, Kim Ánh, Ngọc Bích, Bùi Chát, Lý Đợi… Đứng tuổi có Hà Văn Thùy, Hoài Anh, Phạm Lưu Vũ, Inrasara, Nguyễn Hòa (Web SCL), Vũ Trọng Quang, Bích Ngân, Hồng Cầu, Nguyễn Thị Hậu, Phan Ngọc Thường Đoan…Đôi khi có cả Nghiêm Toàn (bút danh Chiêu Phong) mới từ Canada về. Chúng tôi kéo nhau vào quán nhậu bình dân trên đường Võ Văn Tần hay Tú Xương tán dóc chuyện đời, chuyện đạo rồi xoay sang bàn về Hiện sinh, Hậu hiện đại, Tân hình thức, Chủ nghĩa cổ điển mới…Có lần nổi hứng, mấy đứa tôi phóng xe về Bến Tre thăm nhà văn lão thành Trang Thế Hy, bàn luận sôi nổi về kiệt tác truyện ngắn “Ba con cáo” đẫm chất Hiện sinh và rất nhân bản của Bình Nguyên Lộc. Lại có lần chúng tôi vào hẻm nhỏ đường Lê Thị Riêng thăm nhà thơ- họa sĩ Dương Cẩm Chương đã 97 tuổi vẫn từ Mỹ tìm về thăm quê, xem Tổ quốc đang đổi mới nhường nào. Cụ Chương là con trai nhà chí sĩ nổi tiếng Dương Bá Trạc, được thành phố đặt tên cho một đường phố ở quận 4. Vợ cụ Chương là nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế, lúc còn sống đã từng có nhiều bài thơ thiền sướng họa với thi sĩ Bùi Giáng. Cám ơn những bạn văn phương Nam đã cho tôi dự cảm về quy luật chuyển động văn chương đất nước giữa thời hội nhập! Tôi càng phải cám ơn cái cơ duyên đã cho tôi hiểu ra cánh bạn văn đã tìm đến nhau thì không phân biệt tuổi tác, trường phái, quá khứ chính trị, trong nước hay hải ngoại miễn là cùng yêu con người, yêu non sông đất nước này. Có một thời hình như người ta độc quyền cả lòng yêu nước trong văn chương!...

 

Tây Nguyên vẫy gọi

 

Chẳng hiểu vì sao, giữa bàn nhậu tôi chợt nhớ núi rừng Tây Nguyên, nói với Nguyễn Hòa (Web SCL) rằng tôi sẽ đi thăm Trần Quang Thiếu, một sĩ quan Cộng hòa, nhà thơ thuộc nhóm Sáng tạo của Thanh Tâm Tuyền, đi kinh tế mới đã  mấy chục năm vẫn âm thầm sống ở Kon Tum và từng là người thầy đẫn dắt Tạ Văn Sĩ  thành “nhà thơ xe ôm”. Ông là anh vợ Trương Công Liêm, một người em kết nghĩa của tôi trên đó. Liêm vừa gọi điện mời tôi dự cưới đứa con gái Trương Công Kiều với chàng bộ đội quê Vĩnh Phúc. Hơn 8 năm trước, Liêm còn là tù nhân lĩnh án 20 năm ở trại Gia Trung. Dầu bị oan trái, nhưng Liêm vẫn thanh thản lao động, yêu đời, tin ở mình và âm đức tổ tiên. Trong phòng làm việc của tôi ở nhà còn bầy rất nhiều tượng gỗ khá đẹp và lạ gửi tặng, do Liêm sáng tác trong xưởng mộc của trại giam. Cuộc thi truyện ngắn trên báo “Thế giới mới” không ai ngờ người được giải nhất là phạm nhân Trương Công Liêm, đang cải tạo chưa được nửa mức án, phải nhờ quản giáo gửi tác phẩm dự thi. Năm 2000, Liêm được đặc xá trước thời hạn 11 năm, gặp lúc đường dây 500 KV hoàn thành, đường Hồ Chí Minh trên Trường Sơn cũng đang hối hả thi công. Kinh tế Tây Nguyên nhờ đó khởi sắc. Nhu cầu giao thương và thăm thân của dân vào Sài Gòn hay xuống miền Trung, ra Bắc tăng đột biến. Năm anh em Liêm hùn vốn mở công ty chở khách đường dài, tiện nghi sang trọng, bao trọn cả việc ăn ngủ, lại có xe con đón khách tại nhà. Công ty do cô em gái út Sáu Phường xinh đẹp, có biệt tài quản lý làm giám đốc đã nhanh chóng phát triển, có bến xe riêng trong thị xã, số tuyến và đầu xe ngày một tăng. Những ngày ở Kon Tum, tôi được Liêm và vợ chồng Sáu Phường dùng xe con chở đi thăm ngục Kon Tum ở thị xã, nhà rông và cả những nhà mồ đặc sắc của  người Ba Na, Ê Đê ở Đak Bờ Lờ hay ra Plây Cu thăm Biển Hồ, thủy điện Ya Ly… Chuyến đi Tây Nguyên lần này, qua Liêm tôi có thêm nhiều bạn mới. Nhưng có lẽ cái bộ tứ gồm Hai Hồ, Nguyễn Sĩ Ẩn, Trương Công Liêm, Trần Quang Thiếu cứ ám ảnh trong tôi nhiều suy ngẫm. Bốn người tính cách, nghề nghiệp, cảnh ngộ, vị thế xã hội khác biệt hẳn nhau mà thân thiết hơn cả tình ruột thịt. Liêm- một người tù tài hoa về quê, từ bỏ mộng văn chương để làm chân trợ lý giám đốc, giúp việc cho cô em út Sáu Phường. Thiếu- một nhà thơ, sĩ quan Cộng hòa đã bỏ lại gia tài đồ sộ ở Quy Nhơn đi kinh tế mới, sống khép kín, chỉ cần mẫn làm rãy nuôi con học đại học vẫn không “ly hôn” nổi với… nàng thơ. Ẩn- một họa sĩ tài năng của cố đô Huế, bỗng một ngày nổi máu giang hồ lên Kon Tum lập nghiệp, dồn hết tinh lực sáng tác cái vườn tượng đặc tả con người và văn hóa Tây Nguyên để trưng bày cho quán café Eva của vợ, cũng được thiết kế rất độc đáo, liệt vào danh sách ba quán café đặc sắc nhất châu Á, trong sách hướng dẫn du lịch của phương Tây. Hai Hồ- một đảng viên lão thành, cựu chiến binh ngực đầy huân chương trở về quê, rồi vì bất bình với cơ chế quan liêu bao cấp ở địa phương mà lên chiến trường xưa Kon Tum khẩn hoang, lập nghiệp. Ông là anh cả của bộ tứ không chỉ vì tuổi tác, là ông chủ cỡ bự mà còn vì ông có lòng bao dung, thương yêu, dìu đỡ họ suốt nhiều năm. Tôi đã đến trang trại của Hai Hồ trên thung lũng lòng chảo rộng hàng trăm ha. Trung tâm lòng chảo là một chuỗi những hồ thả cả, xen kẽ những chuồng trại được thiết kế rất khoa học, đủ nuôi hàng ngàn con lợn, mỗi tháng xuất chuồng chở đi Quy Nhơn 50 tấn thịt. Bao quanh khu vực chăn nuôi là bát ngát những gò đồi trồng cao su, café và cây ăn quả. Tôi lâng lâng nghĩ về bộ tứ độc đáo, liên tưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, khai thác tiềm năng con người ở mọi giới, mọi chính kiến để Tây Nguyên cùng đất nước mau cất cánh hóa rồng…

 

Lời kết

 

Tôi trở về Hà Nội sau hai tháng lãng du phương Nam đầy nắng và gió. Khi chiếc máy bay từ từ cất cánh khỏi đường băng Tân Sơn Nhất sao lòng tôi chợt thấy nôn nao tiếc nuối. Tôi nhoài người, dán mắt vào ô cửa sổ nhìn xuống thành phố đang đổi thay từng ngày, dẫn đầu đất nước vững bước trên đường phát triển. Nơi ấy là kỷ niệm, là tình yêu, là ước mơ và hy vọng của đời tôi. Lại nhớ trước chuyến đi, chị Lâm Thị Mỹ Dạ ra Hà Nội gọi điện nhắn rằng anh Hoàng Phủ Ngọc Tường gửi tặng tôi cuốn sách vừa in và anh muốn tôi vô Huế làm cuộc lãng du miền Trung. Có lẽ tôi tham lam quá chăng? Một chuyến đi đã cho tôi nhiều thứ mà lòng vẫn cứ muốn đi, đi hoài, đi mãi…

                                                                                                    

Hà Nội 8/11/2007

                                                                                                             

Ghi chú: Những chỗ gạch dưới là Hội đồng sơ khảo và BBT báo Văn Nghệ tự ý cắt tỉa với lý do theo anh Hà Nguyên Huyến là để vừa tròn 1 trang báo?...

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3949
Ngày đăng: 13.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mảnh đời trôi dạt - Trần Thôi
Bài ca giữ rừng - Đỗ Trọng Phụng
Đảo không xa - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bát xát cuối mùa mận chín - Phùng Phương Quý
Sẻ chia cho những phận người bất hạnh - Nguyễn Nguyên An
Ai về Quảng Trị Đông Hà…35 năm sau Mùa Hè Đỏ Lửa - Trần Kiêm Ðoàn
Vũ Hữu Định, rượu thơ trần thế - Trần Tuấn*
Một thoáng phù hoa - Trần Trung Sáng
Làng Vĩnh Tuy tôi 33% hộ nghèo ! - Vĩnh Nguyên
Tôi dành cho mình quyền được... không ổn định - Hữu Việt
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)