Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
982
123.201.180
 
Đọc tập thơ Vú Đá của Nhất Lâm
Lê Huỳnh Lâm

Đá biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu. Vú tượng trưng cho sức sống, sự sinh sôi,… và vú chính là nét đẹp tàng ẩn mà đấng tạo hoá đã ban tặng cho con người.

 

Tập thơ Vú Đá của anh Nhất Lâm là một trong những nét đẹp của tâm hồn, một dòng tóc trắng bềnh bồng trong hư thực cuộc đời và đôi khi lại óng ánh những tia nắng ban mai sưới ấm cho đời. Ngoài những tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, Nhất Lâm còn được biết đến, với tư cách là một cây bút châm biếm qua những bài báo phê phán mạnh mẽ mặt trái của xã hội đang nghiễm nhiên tồn tại giữa thời hiện đại.

 

Bốn mươi bài thơ trong Vú Đá như những tuyến sữa của Mẹ đang đêm ngày gom góp tinh hoa của trời đất để gửi lại cho đời những sức sống mới chan chứa tình người.

Đời người như đời sông mãi miết chảy với những khúc quanh vui buồn của Xuân, Hạ, Thu, Đông để rồi “Mùa thu cuộn sóng bốn mùa đau”. Nhưng sông luôn là sự sống của nhân loại, cho dù những lúc thiên nhiên khắc nghiệt, mưa lũ…

 

Ngày thác lũ

Sông đỏ bầm máu dữ

Hành kinh cho nhân loại phù sinh.

(Sông đêm)

 

Và giữa dòng đời cay nghiệt ấy đôi khi:

Ngạt ngào mùi đêm vắng

Sức thơm hương cồn

Sông đêm ơi.

(Sông đêm)

 

Đọc bài “Trăm năm” trong Vú đá mà nhớ đến cái giới hạn nghiệt ngã của đời người trong truyện Kiều. Ôi! Trăm năm trong cảm nghiệm của Nhất Lâm cũng chỉ là một cuộc cờ:

 

Trăm năm một ván cờ

Thua được ta thờ ơ

Ngày mai ừ chấm hết

Gác chân nằm xả hơi

(Trăm năm)

 

Đó là trăm năm của những tâm hồn ẩn chứa khí phách hiên ngang trước cuộc đời sóng gió. Phải chăng, đó là những “Người làm xiếc” trong đó xuất hiện:

 

Những chàng nghệ sĩ đi trên dây bịt mắt lộn nhào

Vinh quang được trả bằng mọi giá

Giá háo danh lộn cổ nốc ao.

 

Đời người nghệ sĩ sao mà oái ăm như “thân Kiều” thế:

 

Trăm chồng

hồ dễ một con

Thân Kiều còn cái

khuyết mòn mạ cho

 

Chìm trong những nỗi đau của cuộc đời, nhà thơ đã trãi nghiệm hơn 70 xuân và đã có những mùa xuân:

 

Mai Đào cũng ngực nở

Đất trời ta mênh mông

(Mai)

 

Hồn thơ tản mát mọi nơi trong thiên nhiên và đã chạm phải tần số của thi sĩ, bởi vậy nhà thơ có thể là những người nông dân chất phác, hay những tu sĩ,… hoặc là con người rất bình thường đang ẩn dật nơi miền xa hẻo lánh và đã có:

 

Nhà thơ lên chùa chiếu cỏ

Với non cao ôm đá phiêu bồng

(Nhà thơ ở chùa)

 

Nói đến Huế là nói đến cõi “thanh sắc thi ca” của những hồn thơ lai láng đã từng gắn bó với Huế qua những thời khắc khác nhau để cảm nhận:

Sông Hương chảy suốt tận miền trăng

Thơm vào nỗi nhớ trời đa cảm

Hoa Sứ hoàng cung nở trắng trăng.

(Hoa sứ hoàng cung)

 

Và những chiều trên phố cổ Chi Lăng, con đường một thời in dấu chân tôi và dẫn dắt tôi khôn lớn, cùng anh em, bè bạn,… người mất kẻ còn đã in lại trong tâm hồn nhà thơ Nhất Lâm những bóng dáng loạng choạng của một chiều chạng vạng nên thơ :

 

Có người Huế đi qua cầu Gia Hội

Đi như mơ trong nỗi xa chờ

(Chiều Chi Lăng)

 

Chạng vạng là thời khắc tranh sáng tranh tối để, khoảng thời gian giao nhau giữa ngày và đêm. Và “Chạng vạng” là bài thơ cuối cùng của Phương Xích lô, như điềm báo trước với thi sĩ, người đã rong chơi với mọi người để rồi khi ra đi về cõi miền vô hạn lại độc hành bi thiết, để lại nỗi đau trong lòng tác giả. Ở bên kia bờ không biết anh Phương có cảm nhận được lời “Chiêu hồn” của anh Nhất Lâm trong thời gian dạo chơi phố núi, ghé thăm những nơi Phương từng đi qua:

 

Gửi lại thiên thu cho hồ than thở

Đà Lạt ơi ta tỉnh chiều say

Dáng người từ dốc đời về phố

Như bóng thông chất ngất vờn mây

 

Những ước muốn tàn dần bên thác rượu

Gió ru ta khúc nhạc chiêu hồn

Thơ đã cạn khi hồn nổi loạn

Ta chiêu hồn và xin bạn hãy giùm chôn

 

Dã quì vàng chắt gì có thật…

Một trời hoa Đà Lạt giúp gì ta…

Những cuộc rượu bạn về tao ngộ

Để nguôi ngoai say lịm quên nhà

 

Chỉ có em dìu ta như mộng

Áo ướt mềm Đà Lạt dày sương

Ngày nắng vàng hanh hao ta tỉnh

Chừ đêm say mớ ngủ Xuân Hương

Tóc em xoã ấm đầy từ tạ

Một mai kia còn nhớ những ngày

Trong khoảnh khắc đêm dày thu ấy

Tán bách tùng rũ bóng hồn cây

 

Trăng một nửa bên hồ sắp rụng

Giúp gì ta một mảnh sáng hờ

Dìu nhau đi ta chào phố núi

Ai chiêu hồn…ta chiêu hồn thơ.

Từ ngày thi sĩ Phương cỡi chiếc Xích lô hề đi tìm cuộc chơi khác, trên các nẻo đường của Huế như vắng người và nỗi trống vắng đó đã lưu lại nơi những người bạn của Phương.

Chiều con phố vắng người

Biết cụng ly cùng ai…!

(Vắng)

 

Trong nỗi cô độc của phận người, Phương đã độc hành vào xứ lạ để lại bao nỗi nhớ trong anh em, bè bạn, qua những tâm sự của Nhất Lâm:

Chiều ơi ta nhớ lắm…

Nhớ và nhớ ngẩn ngơ

Thương thằng bạn thi sĩ

Biệt đời cũng vì thơ.

(Vắng)

 

Người nào rồi cũng đến lúc biệt đời, đó là giây phút bí ẩn nhất của đời người. Với nhà thơ Nhất Lâm, dù đã qua tuổi thất thập nhưng vẫn còn cái dũng khí khi chuốc rược cùng cơn say:

 

Phật ở trên chùa

Chúa trên mây

Còn ta lang bạt

giữa đời nay

….

Có em là rượu

để còn say.

(Say)

 

Mái tóc trắng bềnh bồng vẫn thường dạo quanh các vỉa phố trên chiếc xe đạp kỷ niệm. Anh vẫn lạc quan, yêu đời và lao động miệt mài trên cánh đồng chữ, với gần 10 đầu sách gồm: Thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết,… đã ra mắt bạn đọc. Nhưng cuối cùng anh vẫn “xin theo“ đá để vào cõi lặng:

 

Khi biết đá

lên chùa thoát tục

Cũng ăn chay

giải thoát ưu phiền

Đến một ngày

ta xin theo đá

Bỏ trần gian

bụi bặm đảo điên.

(Xin theo)

 

Trong mỗi con người Việt Nam dù thuộc bất kỳ dân tộc nào, thành phần xã hội hay tôn giáo nào, và có thể đang thuộc thời đại của quá khứ, hiện tại hay tương lai… nhưng tôi tin rằng không ai có thể quên làng quê của chính mình. Dù làng quê rồi sau này sẽ biến thành ngoại ô hay phố thị. Phải chăng đó là đạo lý của người Việt đã ăn sâu trong tâm khảm của mọi người. Bài thơ cuối cùng trong tập Vú đá, nhà thơ Nhất Lâm đã dành 60 mươi câu trong 14 khổ để gửi tặng ngôi làng An Tiêm của mình mãi còn lưu lại trong ký ức của nhà thơ với những hình ảnh của làng quê xưa: Tàu mo cau, con trâu, cái đình, cây đa, ngôi miếu, luỹ tre làng… và không thể quên được những cuộc hẹn hò được thể hiện trong bài “Làng”:

 

Đò ba bến em về mấy bến…!

Gái An Tiêm tươi đẹp ớt cà

Cầu qua Sã mẹ về đông chợ

Em lại hẹn tôi phố chợ Đông Hà…

 

Và trong sự thanh bình yên ả của làng quê cũng không tránh khỏi những mất mát đau thương của chiến tranh mà nhà thơ đã chứng kiến:

 

Năm tháng chiến tranh làng ta tan tác

Trai hùng gái lịch ai trở về ?

Đài bia mộ hàng trăm liệt sĩ

Còn thiếu ai làng hỡi tái tê … !

 

Nỗi nhớ làng quê trong tâm tưởng nhà thơ là một hoài niệm, đôi khi là sự hối cải của tác giả với tấm lòng hoài hương muốn làm điều gì đó cho làng quê mà chưa làm được trong phận đời của anh Nhất Lâm và nghĩ đến lúc xuôi tay về với cát bụi, anh Nhất Lâm vẫn muốn về nơi chôn nhau cắt rốn, về với làng quê của mình:

 

Mai ta chết nắm về xứ sở

thả xuôi dòng bến đẹp trường miên

Mảnh đất sinh ta thành thi sĩ

Ta chịu ơn Người làng hỡi An Tiêm.

 

Câu chữ trong tập Vú đá đạt đến cái tình chân chất, tác giả dùng những hình ảnh giản dị, gần với quê hương để nói lên cảm xúc của chính mình.

Vú đá là báu vật mà đấng tạo hoá đã ban tặng cho chúng ta, mặc dù rất cám dỗ với những tâm hồn thi nhân, nhưng : “Đành cất để thờ thôi…                                                                      

 

Huế, 2007

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3215
Ngày đăng: 15.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lênh đênh một cánh buồm - Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Góp thêm một cách hiểu “Mảnh Trăng Cuối Rừng “của Nguyễn Minh Châu-1 - Bùi Công Thuấn
Góp thêm một cách hiểu “Mảnh Trăng Cuối Rừng “của Nguyễn Minh Châu-2 - Bùi Công Thuấn
Bùi Giáng , Ai người chia xẻ-1 - Bùi Công Thuấn
Bùi Giáng , Ai người chia xẻ-2 - Bùi Công Thuấn
Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - Mai Hải Oanh
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-1 - Bùi Công Thuấn
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-2 - Bùi Công Thuấn
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-3 - Bùi Công Thuấn
Gõ đời vào phím cô đơn - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)