Sau lúa, ngô, lúa mì, kê là cây lương thực được trồng nhiều hàng thứ tư trên thế giới. Kê có mặt khắp các châu lục và là thức ăn nuôi sống nhiều triệu người. Theo công bố của tổ chức Lương nông quốc tế, thì diện tích trồng kê lên tới hơn 29 triệu hecta trên vùng bán sa mạc nhiệt đới của châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Kê thuộc họ Hòa thảo Graminae, là cây trồng nhiệt đới, nhiệt độ tối thích từ 35 đến 43oC, khả năng chịu hạn cao. So với lúa, năng suất trồng kê thấp, chỉ khoảng 780 kg/ha.
Nhiều thứ kê được trồng nhưng phổ biến nhất là 4 loài sau:
1. Pennisetum glaucum tên tiếng Anh là Pearl millet
2. Setaria italica tên tiếng Anh là Foxtail millet
3. Panicum miliaceum tên tiếng Anh là Proso millet (còn được gọi là common millet, broom corn millet, hog millet or white millet)
4. Eleusine coracana tên tiếng Anh là Finger millet
Về nguồn gốc của cây kê, các tài liệu chính thức cho rằng, kê được trồng trước hết tại làng Bonfo (Bán Pha) gần thủ phủ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, trong quần thể văn hóa Yangshao (Ngưỡng Thiều) Trung Quốc. Tại di chỉ 5000 năm TCN Bonfo, các nhà khảo cổ tìm được nhiều chum vại chứa vỏ kê thuộc hai loài Setaria italia (su粟) và Panicum miliaceum (ji 稷) trong những gian nhà kho. So sánh với những di chỉ trồng kê khác trên thế giới, tới nay các nhà khoa học đồng thuận cho rằng cây kê được trồng đầu tiên tại Yangshao Trung Quốc.
Tuy nhiên, có những chứng cứ cho thấy sự thực không hoàn toàn như vậy khiến cho nguồn gốc của cây kê cần được xem xét lại. Trong chuyên luận này, chúng tôi muốn trình bày cách nhìn khác về nguồn gốc cây kê.
Muốn xác định nguồn gốc của cây kê phải giải quyết 2 vấn đề: 1. Người trồng kê ở làng Bonfo là ai? Và 2. Cây kê được trồng trước hết ở đâu?
1. Cư dân làng trồng kê Bonfo 5000 năm TCN là ai?
Trong tác phẩm Nguồn gốc phương Đông (The Cradle of the East), giáo sư Ho Ping-Ti viết:
“ Setaria và Panicum là những cây bản địa (trong những vùng đất cao hoàng thổ Trung Quốc) theo bằng chứng từ những tài liệu cổ, những loài kê hoang dã tồn tại hôm nay, và lịch sử canh nông lâu dài của vùng này.”
Và “Từ bằng chứng của môi trường địa lý, nhân loại thực thể học, những đồ vật tiêu biểu, và văn hóa, cho thấy người Yangshao đến từ miền nam Trung Quốc.”
Ông viết tiếp:
“Bằng chứng từ nhân loại thực thể học: khi so sánh với những nhóm Người mông cổ khác, người Yangshao mang đăc điểm cơ thể gần nhất với người Trung Hoa hiện đại ở phía nam Trung Quốc và người Đông Dương hiện đại. Giống nhau gần tiếp theo của họ là với người Trung Hoa hiện nay ở phía Bắc Trung Quốc. Họ có những đặc trưng cơ thể rõ ràng khác với người Eskimos của Alaska, Tungus của Manchuria, người Tây Tạng, và những người Mongoloid vùng hồ Baikal. Theo thuật ngữ nhân chủng học Xô viết được chấp nhận bởi trường phái Trung Quốc, người Trung Hoa Yangshao được phân loại thuộc nhánh Thái Bình Dương của chủng Mông Cổ hay còn gọi là chủng Mongoloid phương Nam và như vậy được phân biệt với proto-Tungus của Manchuria, những người được phân loại thuộc về chủng Mongoloid phương Bắc (Ho 1975: 38). (1)
Cho rằng chủ nhân của di chỉ Bonfo thuộc chủng Mongoloid phương Nam là phù hợp với thực tế và được di truyền học xác nhận qua công trình Đa dạng di truyền người Trung Quốc (2). Tuy nhiên, nói nguời Yangshao đến từ miền Nam Trung Quốc cần được xem xét lại.
Nhiều công trình nhân chủng học cho thấy, vào thời kỳ văn hóa Yangshao, phía Nam Trung Quốc bao gồm lưu vực sông Dương Tử tới toàn bộ Đông Nam Á không hề có người Mongoloid sinh sống. Khảo cổ học đã không phát hiện bất cứ sọ loại hình Mongoloid nào trong vùng mà chỉ có sọ Australoid. Người Mongoloid chỉ xuất hiện ở đây vào đầu thời đại đồ Đồng, khoảng 2500 năm TCN. Như vậy, người Yangshao không thể từ nam Trung Quốc đi lên.
Một vấn đề cần được làm rõ: người Mongoloid phương Nam từ đâu ra?
Muốn trả lời, cần có cái nhìn đầy đủ về lịch sử hình thành dân cư Đông Á.
Nhờ phát kiến di truyền học về nguồn gốc và sự di cư của loài người trên hành tinh, ta biết rằng:
Khoảng 70.000 năm trước, người Khôn ngoan Homo sapiens gồm 2 đại chủng Mongoloid và Australoid từ châu Phi theo đường ven biển Nam Á tới Việt Nam. Tại đây hai đại chủng người tiền sử hòa huyết cho ra cư nhân Việt cổ gồm 4 chủng: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid. Trong môi trường thuận lợi, họ tăng nhân số và lan ra khắp Đông Nam Á rối châu Đại Dương.
Khoảng 40.000 năm trước, khi thời băng hà cuối cùng đi qua, người Việt từ Đông Dương đi lên chiếm lĩnh đất Trung Hoa. Muộn nhất khoảng 30.000 năm trước, họ đã là chủ nhân toàn bộ Trung Hoa, cả vùng ngày nay là Thiểm Tây, Sơn Tây… Cũng trong thời gian này có những nhóm người Mongoloid riêng rẽ (không hòa huyết với Australoid) theo hành lang phía Tây Đông Dương đi tới vùng Cam Túc, Thiểm Tây. Lúc đầu sống bằng săn bắt, hái lượm sau đó họ chuyển sang du mục và trở thành tổ tiên chủng Mongoloid phương Bắc sống ở Tây Bắc Trung Quốc. Trong một vài bài viết trước đây (Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu) tôi cho rằng: “Khoảng 2600 năm TCN, khi vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt, người Mongoloid phương Bắc đã hòa huyết với người Việt thuộc loại hình Australoid sinh ra chủng mới là Mongoloid phương Nam.” Điều này tuy không sai nhưng chưa đủ. Trên thực tế, tình hình như sau: Do sống gần gũi nhau trên cùng địa bàn, nên cố nhiên có sự gặp gỡ hòa huyết giữa người du mục và người nông nghiệp. Từ những cuộc tiếp xúc tự nhiên như vậy, những đại diện Mongoloid phương Nam đầu tiên ra đời. Do nhu cầu cuộc sống mà sự tiếp xúc Việt-Mông ngày thêm tăng, dẫn tới số lượng người Mongoloid phương Nam ngày thêm đông, cư trú trải dài từ phía Tây đến trung lưu Hoàng Hà, trong đó có Bonfo. Là con lai Việt, họ sống hòa thuận trong cộng đồng Bách Việt. Như vậy, có thể kết luận rằng, chủ nhân của làng trồng kê Bonfo là người được sinh ra tại chỗ. Trong khi tổ tiên họ, người Bách Việt thì từ Đông Dương, từ nam Trung Hoa đi lên.
2. Cây kê được trồng trước hết ở đâu?
Ngay từ năm 1932 của thế kỷ trước, Hội nghị quốc tế về tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội đã kết luận: “Đông Nam Á mà đại diện là Hòa Bình Việt Nam là trung tâm sớm nhất sản xuất công cụ đá mài bóng và cũng là trung tâm sớm nhất sản xuất nông nghiệp của thế giới.”(3)
Người Hòa Bình trên đường thiên di lên phía Bắc đã mang theo công cụ đá mài bén mà tiêu biểu là chiếc Việt. Sau đó giống lúa cùng vật nuôi như gà, chó cũng được người Hòa Bình đưa lên.
Còn cây kê xuất hiện ra sao? Có hai khả năng.
Thứ nhất, người Yangshao chiếm lĩnh vùng hoàng thổ của Hoàng Hà, trong điều kiện tự nhiên riêng của mình, đã thuần hóa cây kê thành cây lương thực chính yếu.
Nhưng ý tưởng này khó đứng vững khi phân tích toàn cảnh bức tranh nghề nông ở Á Đông.
Giáo sư Zhu Naicheng trong chuyên luận “Tổng quan về nghề trồng lúa tiền sử Trung Hoa” [A Summary of the Chinese Prehistoric Rice-cultivating Agriculture (Zhu 2005)], viết.
“Khởi nguyên việc trồng lúa ở Trung Hoa vào khoảng 10.000 năm TCN tại hai địa điểm là hang Xianren trong lãnh địa Wannian (Vạn Niên), tỉnh Jiangxi (Giang Tây), và Vách đá Yuchan trong huyện Dao tỉnh Hunan (Hồ Nam), đều thuộc đồng bằng sông Dương Tử, trong khu vực khí hậu cận nhiệt đới Nam Trung Hoa.”
Bài viết cũng liệt kê hàng loạt địa điểm trồng lúa khác giữa lưu vực sông Hoàng Hà và sông Dương Tử trong khoảng từ 7000 đến 2000 năm TCN. Giới hạn của việc trồng lúa đạt đến phạm vi 35° vĩ độ Bắc, ở phía nam Hoàng Hà.
Tài liệu còn cho biết:
“Cả gạo lẫn cây kê đều được gieo trồng trong khu vực giữa sông Hoàng Hà và sông Huai (Hoài). Tiên tiến nhất là văn hóa Liangzhu.”
Và:
“Vài vết tích của lúa gạo được khám phá tại những di chỉ thuộc văn minh Yangshao trong thung lũng Hoàng Hà.” (4)
Những thông tin trên cho ta biết một điều quan trọng là: lúa gạo và cây kê đã được trồng xen nhau trong những di chỉ văn hóa tiền sử Trung Hoa.
Do không được thông tin đầy đủ về niên đại những di chỉ có trồng kê cụ thể nên ta không thể rút ra nhận xét về hành trình của cây kê là từ nam lên hay từ bắc xuống.
Bổ sung cho sự hạn chế này, ta sử dụng nguồn thông tin khác, đó là huyền thoại
Trong bài báo: “Ngôi sao bầu trời bú sữa con heo”(5), của tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Tiến Hữu, nguyên giáo sư các đại học Munich và Passau, CHLB Đức có đoạn viết:
“Tại Đài Loan, thần thoại về đại hồng thủy của bộ tộc bản địa người Tsuwo và người Bunun, thuộc cư dân nói tiếng Nam Á, một phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có một đoạn đề cập đến chuyện một ngôi sao rơi xuống ngọn núi biến thành nguồn lửa đầu tiên cho loài người. Nhưng vì đại hồng thủy dâng lên quá cao, ngọn núi bị ngập một nửa, có nguy cơ chìm sâu vào biển nước. Dân làng lánh nạn đổ xô nhau đứng tràn đầy cả núi đồi, nhưng không ai ra tay cứu giúp. Chỉ có một con heo can đảm xông ra bất chấp cuồng bão, hì hục tháo con đập để nước lụt thoát đi, cứu được ngọn núi và lửa trời do vì sao đưa đến cho con người. Sau khi nước lũ rút, chỉ còn cây kê cuối cùng được sử dụng để khôi phục nghề nông. Thần thoại Bana (cũng thuộc ngữ hệ Nam Á) của Việt Nam ta có nhắc đến “cây kê cuối cùng” này.”
Huyền thoại con heo cứu nạn và cây kê cuối cùng nhắc tới cơn Đại hồng thủy xảy ra 7500 năm trước (6). Lúc này người từ những hòn đảo nam Thái Bình Dương dùng thuyền bè di tản khỏi những vùng bị ngập lụt. Trong quan hệ chằng chịt của dân cư Đông Nam Á, rất có thể người Tsuwo và Bunun là hậu duệ của những dân cư nam Thái Bình Dương tránh lụt dạt vào Đài Loan. Những thuyền nhân chạy lụt này cùng với những cây và con giống, đã mang theo huyền thoại gốc gác của mình tới Đài Loan. Huyền thoại này cho ta thấy điều thú vị là vai trò của cây kê trong cuộc sống của người Đông Nam Á cổ: cây kê cuối cùng làm lại cơ nghiệp! Như vậy, chí ít, 7500 năm trước, kê đã được trồng tại khu vực này và có vai trò quan trọng đối với con người. Điều thú vị nữa là truyền thuyết này lại liên quan tới câu chuyện cổ của người Bana sống ở Tây Nguyên Việt Nam. Qua nhiều dẫn chứng về di truyền, ngôn ngữ, và văn hóa, ta biết rằng người Việt cổ từ thời đồ Đá đã di cư ra các đảo nam Thái Bình Dương, mang theo dụng cụ đá mài bén, gà, chó, giống lúa. Rất có thể, cây kê từ đây cũng được sẻ chia với đồng bào hải đảo theo con đường tương tự. Trong cơn bĩ cực do lụt lội, cây kê cuối cùng cứu nạn đã in dấu ấn sâu đậm trong ký ức cộng đồng, được lưu giữ trong huyền thoại của những người chung máu mủ và văn hóa.
Từ những tư liệu trên, chúng tôi thử đưa ra giả định sau:
Tại đâu đó ở Đông Dương, cây kê được thuần dưỡng làm thức ăn.Về mặt sinh học, kê gần hơn với cỏ dại cho nên việc chọn lọc, thuần hóa thuận lợi, ít tốn thời gian. Và cây kê trở thành lương thực bổ sung cùng với các loại củ, quả, trai ốc, cá, thú rừng…Tới lúc nào đó, cây lúa được phát minh và chứng tỏ ưu thế vượt trội: chất gạo dễ tiêu hóa hơn, chế biến dễ hơn, thích hợp hơn với môi trường nước vốn có sẵn và đặc biệt là cho năng suất cao hơn. Dần dần lúa gạo thay cho kê trở thành cây trồng chính. Tuy nhiên, với tâm lý được mùa chớ phụ ngô khoai, người Đông Dương vẫn giữ kê là cây trồng phụ, tận dụng những chỗ đất cao, không thể tuới. Và với những tộc người sống ở vùng cao, kê vẫn là cây trồng chính.
Khi lên phía bắc, người tiền sử Việt Nam mang theo gà, chó, lợn, khoai sọ, hạt giống lúa và cả giống kê. Lúa và kê cùng được trồng trên vùng cư trú và theo chân người khai phá lên tới lưu vực Hoàng Hà. Tại vĩ tuyến 35o, trước rào cản khí hậu, cây lúa không vượt qua được, đành dừng chân để cho anh mình là cây kê tiếp bước và cây kê dần dần chíếm vị thế cây lương thực chủ thể của vùng hoàng thổ sông Hoàng Hà.
Năm 1921, khi phát hiện di chỉ Yangshao và sau đó Bonfo, thấy vương quốc của cây kê 5000 năm TCN, giới khoa học tâm phục khẩu phục cho rằng người Mongoloid phương Nam ở Yangshao là chủ nhân sáng tạo ra cây kê. Nhưng có lẽ sự thực không như vậy. Trước hết, người Yangshao còn quá trẻ, tự họ chưa thể làm nên nền văn hóa rực rỡ như ta thấy. Họ chỉ có thể tiếp thu những điều khôn ngoan này từ tổ tiên Bách Việt. Cây kê cũng là kết quả của sự kế thừa đó. Sự kiện này 2500 năm sau được lặp lại. Khi người Mông Cổ phương Bắc tràn qua Hoàng Hà chiếm đất của người Việt, họ đã hòa huyết với người Việt và thế hệ con lai Mongoloid phương Nam nhanh chóng học nghề nông cùng văn hóa Bách Việt để sáng tạo nền văn hóa Hoa Hạ rực rỡ.
Mặt khác, cũng như cây lúa, cây kê là sản phẩm sáng tạo của người Đông Nam Á. Nhưng kê cũng như lúa gạo không thể tồn tại lâu khi bị chôn vùi trong môi trường nhiệt đới nóng và ẩm nên khảo cổ học không phát hiện được di tích sớm nhất của lúa và kê tại vùng này. Không thấy không có nghĩa là không có! Tin rằng, ngày nay, với công nghệ gene, khoa học sẽ giải đáp lời thách đố này trong tương lai không xa.
Phải vậy chăng kính mong quý vị cao minh chỉ bảo.
Tháng 12. 2007
Tham khảo:
1& 4. Dẫn theo Zhou Jixi: The Rise of Agricultural Civilization in China .SINO-PLATONIC PAPERS Number 175 December, 2006
2. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.
3. Nguyễn Thị Thanh: Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giớ . Vietcatholic 30. 9. 2001.
5. http://vietbao.vn/Tet/Ngoi-sao-bau-troi-bu-sua-con-heo/40187285/365/
6. Stephen Oppenheimer Địa đàng ở phương Đông NXB Lao động 2005