Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.091
123.231.820
 
Sau hết, tất cả đã vỡ ra…
Hội An

Sáng thứ 7, Thành gọi điện cho tôi: “Mai lên ăn tân gia nhà ông Mão vào trưa chủ nhật nhé!” Tôi thắc mắc: “Đã ăn tân gia nhà ông Mão 2 lần rồi, giờ lại chuyển qua nhà mới hả?” Thành cười trong máy: “Chẳng biết có phải lần cuối không, nhà mới này ở quận 7, đẹp hơn, hoành tráng hơn nhà trước”. “Nhưng nếu ông không mời thì anh chẳng đi đâu. Ngượng lắm, ăn tân gia nhà ông hoài mà nhà mình thì cứ xập xệ mãi coi sao được”. “Anh sợ khoản quà mừng phải không? Lên đây rồi anh em mình tính. Còn nhà mình thì…so sánh làm quái gì cho mệt. Lên nhé! Chủ yếu là lâu quá rồi, anh em không gặp nhau. Mà chắc tối nay ông sẽ gọi điện mời anh đó, trốn thế nào được”

        

Đúng như Thành nói, vừa cơm tối xong là ông Mão gọi tôi, giọng vui vẻ, khoẻ khoắn. Ông khẩn khoản: “Mai cháu cố gắng lên, mấy khi có dịp gặp anh em đông đủ cho vui”.

        

Ông Mão, tôi phải gọi là ông chứ về tuổi thì ông cũng chỉ hơn tôi có dăm tuổi. Bố của ông và ông cố nội của tôi là anh em ruột, nhưng vì ông cố tôi là anh cả mà bố ông là con út. Bởi vậy, theo thứ tự họ hàng, tôi và Thành, và một đám cháu trong lòng cố tôi, khi sống xa quê, vẫn coi ông như một bậc bề trên để hiếu thảo, để đi lại tụ tập mỗi khi có công chuyện, giỗ tết. Hơn nữa ông bà tôi, ông bà Thành và các ông bà của mấy đứa nữa đều đã khuất núi, còn ai ở vào vai bề trên nữa đâu để chúng tôi còn một chỗ dựa? Trừ tôi ra còn đám cháu ở Nhà Bè đang làm ở Công ty may công nghiệp mà ông là một ông sếp ở đó đều do ông đưa vào nên cái sự đi lại thân tình còn là để  biết ơn ông nữa mặc dù thời điểm đó Công ty cũng đang thiếu nhân công cần tuyển.

       

Đổi ca trực cho đồng nghiệp xong, buổi chiều tôi bắt xe đò lên Sài gòn. Đến bến xe, lên luôn xe buýt về Nhà Bè. Chà, người ta cứ chê bai hoài chứ với người ở tỉnh lên, xe buýt quả là vô cùng tiện lợi. Hồi trước muốn về Nhà Bè, phải bắt xe ôm tốn kém lắm, bởi vậy cũng thi thoảng phải đi họp trên này nhưng tôi cứ ngại tới thăm Thành và mấy đứa họ hàng. Còn bây giờ chỉ tốn có 3 ngàn, mà cảm giác chắc chắn, chẳng lo bị lừa đảo sai lạc. Chẳng thèm gọi điện cho Thành ra đón, tôi lội bộ vào con hẻm khá lầy lội vì mấy ngày nay trời mưa. Hường, vợ Thành đang lúi húi bên một đống vải, toàn hàng đẹp: Lâu ngày quá anh Quang ha? Sao anh không gọi điện để anh Thành ra đón chứ lội chi cho cực Tôi hỏi: Vải vóc đâu ra mà đẹp thế này? Hường xếp gọn lại những tấm vải rồi cười bẽn lẽn: Em bỏ xí nghiệp rồi, vừa rồi em bệnh phải nghỉ hoài, lương tháng được có mấy trăm mà cực quá. Bây giờ em nhận hàng áo dài về kết hạt cườm trang trí. Tôi hỏi vậy thu nhập có được không. Hường nói thì cũng bằng hồi đi may, ngày được dăm chục nhưng được ở nhà chăm sóc gia đình thôi. Thằng con Thành chừng 8 tuổi chạy ra đón túi trái cây rồi ôm cổ ghé tai tôi nhõng nhẽo: Bác Quang mai đưa cháu đi công viên chơi như lần trước nhé. Bố mẹ cháu chẳng bao giờ đưa cháu đi hết: Tôi xoa đầu nó: Bố mẹ cháu bận thế này làm gì có thời gian. Tôi trêu Hường: Thằng cu lớn tướng mà vẫn chưa có em nhỉ! Hường ngượng nghịu: Mỗi mình nó mà còn hết hơi nữa là. Đâu có dám đẻ thêm, đẻ thêm rồi lấy gì nuôi hả anh Quang.

       

Hường vào bếp lúi húi làm cơm. Thành ngồi lại với tôi trên chiếc giường đơn kê sát bức vách bên ngoài. Nhà Thành chật quá nên không có chỗ để có bộ bàn nước như thông thường. Phía trong đặt được cái giường ngủ của vợ chồng rồi đến phần bếp, nhà vệ sinh là hết. Khi ăn, phải trải chiếu xuống đất ở gian ngoài.

       

Ăn xong, tôi muốn đi thăm mấy nhà anh em họ nữa nhưng Thành bảo ngại đi lại lắm, mấy nhà anh em tôi toàn ở vào những con hẻm bé xíu, ngập nước liên miên vào mùa mưa. Đó là may mà ai cũng cố gắng cần kiệm và có sự hỗ trợ nào đó từ phía gia đình để có một cái “chuồng gà” như Thành với đất nông nghiệp, nhà xây không phép, chẳng có thứ giấy tờ nhà nào lận lưng, còn hơn là nhiều người vào từ hồi nảo hồi nào mà vẫn phải ở nhà thuê. Thôi để mai gặp luôn thể cũng được.

       

Chúng tôi bàn nhau việc mừng tân gia cái gì. Tôi nói hay mình góp tiền nhau mua một thứ gì có giá trị , nhưng Thành nói biết mua cái gì vì ông bà đã sắm đầy đủ đồ đạc cho nhà mới rồi, mà toàn đồ xịn không hà. Sau cùng chúng tôi nhất trí là cứ gửi phong bì cho tiện, để còn bù đắp vào bữa tiệc đã được lên kế hoạch chu đáo. Hường đã rửa bát dọn dẹp xong lên ngồi góp chuyện: Tiền thì giờ mình thiếu mà ông lại quá thừa. Tôi hỏi sao thừa, Hường thủng thẳng, ông bà có những 27 phòng cho thuê, 2 căn biệt thự gia đình ở trước kia bây giờ cũng đang cho thuê, nghe nói căn nào cũng tính bằng ngàn đô, lại cả ông bà và 2 đứa con đều lương cao hết, tính sơ sơ thành tiền Việt cả nhà thu nhập tháng cả trăm triệu, tiêu sao hết. Thành cười, vậy nhưng ông có sướng hồi nào đâu. Tôi hỏi vậy mà không sướng còn đòi gì nữa. Thành cười: Anh đang đi xe gì, cái đờ rim hồi nọ phải không, vậy so với thiên hạ cũng là mèng mèng rồi nhưng còn tốt chán. Còn ông Mão giờ vẫn phành phạch cái 81 cũ, nhiều lúc đạp mãi mà không nổ. Không chừng mai mốt là chân ông xệch xạc, chân to chân nhỏ vì một chân phải đạp nổ nhiều quá. Tại sao ông không thay xe khác? Tại vì chiếc xe này vô duyên sao đó, bán kiểu gì cũng không được, nên chẳng lẽ vứt bãi rác? Còn như trước kia, kể cả những chiếc xe đạp cũ, ông bà cũng sang lại được hết cho đám cháu, vớt vát hết, không phí đi đồng nào. Hường tiếp lời, hôm nọ xây xong nhà, ông cho gọi Hường và mấy đứa cháu gái lau chùi, tổng vệ sinh. Thay vì mua cơm hộp đến thì tốn tiền, ông mua mấy gói mì tôm cùng vài lạng thịt và vài cây rau cải đến tự nấu, rồi ông cũng ăn luôn đó vì xe vậy đi ăn xa cũng ngại. Vậy là vì tiết kiệm mà chịu khổ luôn chứ sao? Lúc chuyển đồ sang nhà mới, cũng là các cháu xúm vào giúp, vừa dịp tết Trung thu, cơ man là hộp bánh biếu, Hường đi đón con về luôn đó mà chẳng thấy bà bẻ cho nó lấy một miếng bánh nữa là.

       

Chúng tôi cùng cười, thú vị vì được chia sẻ sự nói xấu người khác sau lưng. Nhưng nói xấu ở đây là nói thật, và cái sự thật tức cười về bề trên của mình thì càng thú vị hơn. Chuyện về ông bà của chúng tôi thì còn nhiều lắm. Tỉ như là có di động nhưng ông không dám gọi bao giờ. Lúc cần, ông chỉ nhá máy, cháu nào có cuộc gọi nhỡ khắc phải gọi lại cho ông. Còn lúc nào mà được ông gọi và chờ nhấc máy là hẳn có sự rồi đấy. Ví dụ như cách đây mấy ngày, vào lúc nửa đêm khuya khoắt, Thành đang trong giấc ngủ thì ông gọi đi đón bà ở sân bay. Thành hỏi ông chứ chú Việt Anh đâu. Chú Việt Anh là con trai ông bà đang làm việc ở Viet Nam Arline. Ông nói phải đi 3 người, ông chở bà còn chú và Thành thì chở đồ vì bà đi Singapo  về nhiều đồ lắm. Thành ngái ngủ ấm ức trong bụng, sao không gọi tacxi mà về cho gọn, khỏi mất công cả 3 người nhưng chợt nhớ ra là từ sân bay về nhà xa thế, chắc phải tốn vài trăm nên với ai chứ ông bà mình thì chắc không dám đâu. Người ta nói ở với nhau lâu nên vợ chồng hay giống tính nhau, về điều này thì ông bà mình là ví dụ điển hình.

       

Những chuyện đại loại như thế trước đây tôi đã từng được nghe, và chúng tôi hay kể để làm thành chuyện cười mỗi khi gặp nhau. Nhưng giờ trước đời sống của đám cháu vào cả chục năm nay vẫn nghèo xác xơ như thế mà ông bà thì ngày càng giàu, càng giàu mà càng keo kiệt, tôi hùa theo tiếng cười nhưng thấy chua xót trong dạ. Quả thật là không hiểu nổi. Vậy là ông bà khác xa với đám nhà giàu mới nổi gần đây, họ xài tiền như rác, họ tiêu pha phung phí, đi ăn nhà hàng sang trọng, uống rượu tây, đi bằng xe ô tô đời mới. Họ phải xài sang để hưởng cảm giác sung sướng của kẻ có tiền. Còn ông bà Mão của tôi thì không biết rồi tiền để làm gì khi 9 đồng muốn để dành đến thành 10 đồng chứ không dám tiêu. Nếu không biết đến nhà ông, nếu gặp ông ngoài đường với cái xe cà khổ và bộ bảo hộ sờn cũ thì ai nói ông giàu? Như vậy có phải là ông giản dị không? Và kể ra như thế, ông cũng là người đáng thương đấy chứ.

       

Gần trưa hôm sau, lúc tôi và Thành đến thì khách khứa đã đến khá đông rồi. Hường và đám cháu gái thì phải tới từ 5 h sáng để dọn dẹp và phụ nấu nướng. Làm ở nhà, kêu thực phẩm bỏ mối, mời thợ đến nấu thế này thì rẻ hơn nhiều so với đặt nhà hàng mang tới, chỉ cực đám cháu chút thôi. Khuôn viên căn biệt thự đặt kín bàn tiệc, cả trong nhà  ngoài sân và đường hông. Tôi nhìn bao quát căn nhà. Quả thật là đẹp. Kiến trúc hiện đại kết hợp cổ truyền, lợp bằng ngói đỏ có chia nhiều mái. Nhà xây xong đã mấy tháng nay, bây giờ cây cỏ đã xanh tốt càng tôn thêm vẻ đẹp hoàn hảo. Có đồi cỏ xanh mướt mịn màng dưới bóng cau cảnh râm mát. Có cá vàng bơi tung tăng trong hồ nước hòn non bộ phía trước. Có khoảng sân rộng với giàn dây leo rũ xuống những chuỗi hoa tím biếc. Có ga ra ô tô hiện đại. Có dòng suối nhân tạo róc rách bên hoa cỏ chảy dọc phía hông nhà. Có giàn hoa leo vàng rượi và bàn đá ngoài trời phía sau. Giữa thành phố đất đắt như vàng mà có một chỗ ở vừa rộng rãi vừa thanh bình thế này thì thật lý tưởng. Thành bỏ tôi ngồi lại rồi hối hả phụ việc sắp xếp bưng bê cùng đám cháu. Tôi cho phép mình tách ra khỏi đám phục vụ vì dù gì tôi cũng lạ nước lạ cái hơn chúng.

      

Khi khách khứa đã đến đông đủ, thức ăn đã được đặt lên, ông bà mới xuất hiện, đi đến chào từng bàn một. Tôi đồ chừng phần lớn là tầng lớp quan chức và bạn cùng làm ăn hay quan hệ đối tác của ông và bà. Ngoài đám cháu, không thấy ai là công nhân trong công ty ông. Đám cháu chúng tôi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, chừng chưa đến 2 bàn và đang bận rộn lu bù nên chưa ai ngồi vào bàn trừ tôi. Hôm nay trông ông và bà đều đẹp đẽ sang trọng. Ông cởi bỏ bộ đồ bảo hộ bụi bậm thường ngày để khoác bộ vét ton màu xám thắt cà vạt đỏ sang trọng. Bà thì khỏi nói, lộng lẫy như một hoàng hậu với bộ váy ren màu cam và chiếc khăn choàng voan trắng nền nã. Quả thật là hôm nay tôi mới chú ý kỹ đến bà và thấy bà đúng là một phụ nữ quý phái. Không hiểu sao mà ngày đó ông tán đổ được bà nhỉ. Bà hồi trước học trung cấp kế toán, làm trong một công ty xuất nhập khẩu, học đại học tại chức và lần lần đã leo lên được ghế phó giám đốc. Cho đến bây giờ, ở tuổi tiếc nuối quá khứ nhưng bà vẫn còn đẹp, khi đi với ông vẫn có một sự chênh lệch, mặc dù ông đã khá chải chuốt so với ngày thường.

       

Đám phục vụ rồi cũng xong việc để ngồi vào bàn cùng tôi. Chúng tôi kéo ghế nhiều thêm để ngồi cùng một bàn cho ấm cúng ở góc sân sau cùng của căn biệt thự. Hình như sự có mặt của chúng tôi hôm nay, giữa đám khách khứa sang trọng của ông bà như một vệt màu rây trên bức tranh đẹp, như một nốt nhạc sai lạc trong một bản nhạc hoàn chỉnh. Trong lúc ông bà bận với những chúc tụng, cảm ơn, quan hệ, bàn thảo với những đối tác ở những bàn phía trước, bàn con cháu chúng tôi  có dịp lâu ngày hàn huyên gặp gỡ. Lan, Thảo, Bình, Huân…những khuôn mặt anh em họ lâu ngày tôi không được gặp trở nên thân thương quá. Và câu chuyện của những “giọt máu đào” bắt đầu râm ran sau khi Lan mở đầu: Được quây quần thế này tự nhiên em nhớ nhà, nhớ quê quá! Bình tiếp lời: May còn có nhà ông bà rộng rãi để có những dịp cho chúng ta gặp nhau. Ừ, may mà…Chúng tôi nhắc nhớ về những Chú Hoành, Thím Hảo, những cây nhãn cây ổi vấn vương trong kí ức, những bến sông, bờ tre, bãi mía nương dâu, con đường quê và hàng hàng lớp lớp kỷ niệm. Làng chúng tôi là một dải đất phù sa bên cạnh con sông Cả lúc hiền lành xanh ngắt khi hung dữ nhấn chìm cả làng trong biển nước. Nhưng làng tôi ít ruộng nên nghèo lắm, bởi vậy việc ông Mão đưa được đám con cháu vào đây như một cái ơn lớn của cả làng, cả họ.

      

Và lạ chưa, sau những thăm hỏi nhau đầy tình cảm, sau những nhắc nhớ về quê hương, chúng tôi lại quay về đề tài bàn luận về gia đình ông bà mà hôm qua tôi và Thành đã xới xáo. Có lẽ điều này có nguyên nhân từ những ly bia làm tăng độ hưng phấn trong mỗi người. Chỉ có điều, ở đây chúng tôi đông hơn nên cười sảng khoái hơn mặc dù người này nói thì người kia suỵt phải giảm bớt âm lượng coi chừng lộ ra bên ngoài. Thảo nhắc Thành: Đằng nào Tết chả phải đi tết ông bà, năm nay đừng đi trễ như năm rồi để bị nhắc lên đặt  xuống nhé!Thành cười hì hì, ra chiều biết lỗi. Bình trêu Huân, nghe nói anh Huân bán đất cho ông bà được giá lắm. Huân nhăn mặt: Lúc đầu tưởng thế…Nguyên do là ông bà có ý định mua một thửa đất lớn để xây phòng trọ trong đó có miếng đất nhỏ của Huân mua từ mấy năm nay mà chưa có tiền xây. Ông nói với Huân sẽ trả tiền ngay để Huân kiếm miếng khác, nhưng cái sự trả ngay đó kéo dài nhỏ giọt đến tận giờ mới xong khi đất đã lên giá hơn nhiều khiến Huân không còn triển vọng có tấc đất cắm dùi nữa. Lan trêu cô Sáu: Cô Tú Anh vừa rồi về nước chắc biếu cô Sáu nhiều quà lắm. Cô Tú Anh là con gái của ông bà học ở Singapor xong ở lại làm việc luôn bên đó nghe nói giờ lương 4 ngàn đô. Cô Sáu cười lòi cái răng trống ở hàm dưới: nó đâu có thèm sang nhà tao, cũng không có một cây kẹo nữa. Khi nó đi rồi tao trách ông Mão, ông bảo nó ngoan lắm, tồ lắm, cả đời có biết tiêu tiền đâu, lúc về cũng chẳng biết mua gì, chỉ chuyển khoản về biếu bố mẹ tiền đô tính ra cả trăm triệu. Thành cười, tại cô không nhắc nên nó đâu biết ngày xưa cô xúc cơm, rửa đít cho cả 2 đứa suốt mấy năm tuổi nhỏ. Mọi người cùng cười, ừ, sao không nhắc nó. Cô Sáu là con bà chị gái của ông Mão, ông đưa vào đỡ đần việc nhà, khi 2 đứa đã lớn, ông xin cho làm tạp vụ trong công ty. Bây giờ sức khoẻ kém, cô đã xin về hưu non. Cô Sáu đợi mọi người qua cơn cười mới nhẹ giọng: Nó còn nhỏ tuổi, trách gì! Trách là trách bố mẹ nó đã không bày dạy cách sống cho phải đạo thôi. Đáng lẽ không chỉ có tao mà cả tụi mày, những anh em họ của nó ở đây cũng đáng có chút quà thành đạt như chút thơm thảo của nó, phải không? Chút quà không làm người nhận giàu lên, cũng không làm người cho nghèo đi nhưng làm bền thêm sợi dây tình cảm họ mạc. Lan kêu, khiếp, cô Sáu hôm nay ăn nói văn hoa thế. Cô lại cười làm cái miệng trống răng như móm lại nhiều hơn.

      

Câu chuyện râm ran đành khép lại khi đám khách khứa đã bắt đầu lục tục chào về. Đám cháu chúng tôi phải ở lại lau chùi dọn dẹp suốt cả buổi chiều để trả lại sự sạch sẽ tinh tế đến từng chi tiết cho căn biệt thự như cũ.

       

Ông bà cố giữ tôi ở lại chơi một tối. Trong đám cháu, có lẽ ông bà nể tôi nhất. Có thể vì cái mác Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 dù sao cũng khiến ông bà coi trọng hơn mấy đứa là công nhân trong công ty của ông, mặc dù, về kinh tế thì tôi chẳng hơn mấy đứa anh em họ mấy tí. Bà dắt tôi đi giới thiệu từng phòng trong căn biệt thự mới mà tôi chẳng rõ vì sao nhà chỉ 2 đứa con, một đứa còn chưa biết khi nào về nước mà xây thừa nhiều phòng đến thế. Tất cả vật liệu được sử dụng đều là hàng ngoại, vào loại đắt tiền. Tôi khá ấn tượng với phòng tập thể dục với cơ man nào là dụng cụ, máy móc. Từ máy mát xa đến máy thể dục đa năng đến các loại thiết bị tập chuyên ngành dành cho bà và cho chú Việt Anh. Thì ra sự không biết hưởng thụ mà anh em tôi cười cợt chỉ dành cho ông thôi. Tôi khẳng định thêm điều đó khi sang phòng hát karaoke với tường đắp nổi giống như tường ở rạp hát. Tôi và bà, và Việt Anh đã hát đến mấy bản liền để thưởng thức giá trị “xịn” của bộ loa, của sự cộng hưởng âm thanh trong phòng xây đặc biệt không khác bao nhiêu với một nhà hát này. Ông cũng hát một bản, giọng ồm ồm mặc dù ông không nghiện thuốc lá: Tôi xin người, người cứ gian dối… Cả tôi và chú Việt Anh cùng lăn ra cười.

       

Tối đó, tôi ngủ một mình trong một phòng như khách VIP của ông bà. Lạ chưa, phòng lạnh, nệm êm, thoang thoảng mùi nước hoa đắt tiền, vậy mà tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi nghĩ về gian ở chật chội của Thành và những anh em khác, tôi nhớ con hẻm lầy lội dẫn vào nhà Thành và những nhà anh em tôi, tôi thắc mắc sao trời cho ông bà có quá nhiều của cải như thế mà không san sẻ bớt. Tôi nghĩ về những lần sum họp ở nhà ông. Thành kể tôi nghe, giỗ tết nào anh em cháu chắt cũng đến đông đủ. Ông phân công rành rọt đứa nào chuẩn bị món gì, gà hay bia hay heo quay hay nồi lẩu. gần như ông bà chỉ cần cung cấp cái mặt bằng địa điểm, còn thì mọi sự sẽ chu tất hết. Và khi có sự hiện diện của ông bà, vẫn vui, vẫn đầm ấm. Những ấm ức dường như bị lặn đi, bị che khuất đi trước cái uy của bề trên, của sự sang trọng, của cái cần câu cơm là công việc hiện đang làm. Và không ai nỡ phá đi không khí ấm cúng bao bọc của cảm giác họ hàng gần gũi. Lạ thế, và điều lạ lùng đó tồn tại bao năm qua, có cảm giác rất vững bền, kể cả gần đây, đã có một số cháu gái không chịu nổi áp lực căng thẳng của công việc, phải bỏ công ty, tìm việc khác như Hường.

      

Trằn trọc mãi, đến gần sáng thì tôi thiếp đi. Tôi thấy tôi lạc vào một con phố sang trọng, nhà nào cũng xinh xắn rộng rãi như nhà ông bà hết. Những mái ngói đỏ au, những khoảng sân ngập nắng, và những bụi bông trang đỏ ngời rực rỡ trong chậu cảnh.Thì ra đó là nhà của Thành, của Huân, của cô Sáu, …tuyền là anh em tôi. Không biết phép thuật gì giúp đỡ họ trở nên giàu sang thế nhỉ! Tôi đang mơ màng thì có tiếng gõ cửa, ông gọi tôi dậy uống cà phê sáng.

Tôi dụi mắt tiếc rẻ giấc mơ đổi đời cho anh em mình và biết là sẽ chẳng bao giờ nó là hiện thực.

*

      

Tối thứ 7, tôi đang mê mải trong một bộ phim truyện hay thì  nhận được điện thoại Thành gọi:

-    Anh Quang ơi, chắc anh phải lên an ủi ông một chút, dạo này ông buồn lắm.

-   Sao vậy?

-  Chắc ông bị cắm sừng rồi, dạo này ông không được khoẻ, mà bà thì đi công tác cùng tay trưởng phòng kinh doanh liên miên, hết tỉnh nọ sang tỉnh kia, hết đợt này sang đợt khác.

-    Sao bảo tay đó như em út gần gũi mà?

-   Thì đúng là em út vì kém bà mấy tuổi lận, nhưng người ta đã bắt gặp họ tình tứ với nhau không phải một lần.

-   Vậy à! Tôi nghĩ nhanh trong đầu, đến đoạn “nhà giàu cũng khóc” rồi đây, và trách Thành:

-   Sao chúng mày ở trên đó không an ủi ông?

Tôi nghe rõ tiếng thở dài của Thành trong máy: - Ông ghét tất cả bọn cháu chắt trên này rồi. Lâu lắm tụi em đâu dám đến nhà ông bà.

Tôi ngạc nhiên: - Sao vậy?

Thành phân trần: -Vừa rồi trong đợt công nhân công ty đình công đòi tăng lương, đòi cải thiện chế độ làm việc, ông rất bất ngờ và tức giận vì đám cháu mình cũng có mặt trong đó, không thiếu đứa nào.

-   Vậy kết quả của đợt đình công ra sao?

-   Thì cũng cải thiện được một chút, nhưng không ăn thua, vì giá cả leo thang nhanh quá.

-   Rồi, biết vậy đã, bao giờ rảnh, anh sẽ lên.

        

Tôi đặt máy xuống, tần ngần. Bộ phim không đủ sức hấp dẫn tôi coi tiếp nữa. Tôi vừa thương vừa giận ông. Chuyện trục trặc trong đời sống vợ chồng ông thì cũng như thiên hạ đầy rẫy. Khi của cải nhiều rồi thì người ta có những nhu cầu khác về muôn mặt. Cũng chẳng phải là bà của ông khác biệt.Tôi hình dung ông trầm ngâm, tóc bạc nhiều hơn, và mệt mỏi ngồi trong phòng karaoke miết để nhấm nháp niềm đau từ bài ca mang lại: Tôi xin người, người cứ gian dối, cho tôi tưởng người vẫn yêu tôi… Đó là còn may 2 đứa con ông đều ngoan và trưởng thành như tiêu chí đặt ra. Còn may hơn nhiều người khác phải lùi từ giàu có sang bóc lịch nhà đá. Trong thâm tâm, tôi cũng không tin là ông và bà không hề có sai phạm. Dù sao ông tôi còn muốn có tụ họp cháu chắt họ hàng chứ không khinh rẻ xa cách như nhiều người giàu khác mà tôi biết. Chỉ giờ đây, trước cuộc đình công của công nhân làm chia rẽ rõ rệt 2 giới, tình cảm đám cháu với ông đã bị làm cho thay đổi. Không biết tết này còn có sự tụ họp mà ông và bọn Thành đã chèo kéo trước tôi lên hay không. Nếu có hẳn cũng sẽ bớt đi cái thân tình cũ, sẽ giả tạo hơn, mỗi người đều phải đóng kịch nhiều hơn. Thật ra thì tôi đọc thấy ông vẫn mong cho đời sống đám cháu được khá lên, nhưng là bằng cách nào đó mà ông không phải giúp đỡ. (Tất nhiên là ông chẳng mong chúng bình đẳng được với ông như trong giấc mơ của tôi. Được vậy thì còn gì để ông kiêu hãnh?) Có lẽ là ông vẫn mong mọi sự vẫn ở trật tự như cũ. Nhưng giờ đây, có gì đó như một cái mụn bọc đã vỡ ra. Phải, sau hết, nó đã vỡ ra! Và tôi biết, trong trách nhiệm họ hàng, tôi khó lòng đảm nhiệm vai trò bác sĩ như chuyên môn của mình để làm lành lặn lại như cũ.

 

7/11/07

Hội An
Số lần đọc: 2279
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Cùng một tác giả
Hoa xương rồng (truyện ngắn)
Chiếc dù nhiều màu (truyện ngắn)
Nhân điện (truyện ngắn)
Chị và em (truyện ngắn)
Cơn bão xa đã tan (truyện ngắn)
Giấc mơ hạnh phúc (truyện ngắn)
Lòng tốt (tạp văn)
Dòng đời vẩn trôi (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Mưa đêm (truyện ngắn)