Thuở còn đi học, tôi không hề biết tới hắn. Quanh tôi cái gì cũng tốt đẹp, thơ mộng để tôi mê say nên đâu có thời gian quan tâm tới hắn. Đúng là tại tôi không để ý tới hắn, chớ không phải hoàn toàn không nghe, không biết gì về hắn. Có lẽ, vì thấy tôi chẳng dễ gì chinh phục nên hắn để mặc cho tôi lo học giỏi, ngoan, hiền, mặc cho tôi hát vang những bài ca lạc quan cùng bè bạn đổ mồ hôi trên các công trình đào kinh, đắp đập, dạy bình dân học vụ…
Thật ra, đôi lần tôi đã nghe nói về hắn. Chính thầy giáo dạy Văn đã hăng say phân tích bài thơ "Con cá chột nưa" của nhà thơ Tố Hữu, nhưng tôi thấy việc gì phải quan trọng hóa chuyện ăn hay không ăn một con cá(!) Thấy tôi lơ đãng nhìn ra khung cửa sổ thả tâm hồn mơ mộng, hắn nhoẻn miệng cười như để làm quen, tôi lờ đi, cóc cần.
Vào đại học, vào Đoàn với cuộc sống tập thể nội trú, tôi thấy hắn bám theo bạn bè của mình để ve vãn rủ rê nhiều chuyện đáng giận. Đó, anh chàng Phú tự dưng ôm bụng than đau xin nghỉ lao động với lớp…Anh ta thản nhiên tới trạm xá của trường nhận một gói Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh về bỏ vô rương và nằm đọc tiểu thuyết. Tôi vạch mặt hắn ra khỏi bao bạn bè trong những trường hợp tương tự làm hắn căm tức tôi không ít. Hắn né tránh tôi và biết làm thân với ai không hiểu rõ bản chất của hắn.
Đến ngày chuẩn bị phân công học sinh tốt nghiệp, tôi phát hiện hắn lẩn quẩn bên trong con người cán bộ tổ chức của trường, trong lòng một số bạn bè cùng khóa và thật kinh khủng, tôi nhận ra nó ẩn ngay trong lời nói của vị thầy kính yêu rất mực đạo đức, chủ nhiệm khoa mình.
-Minh à…Năm nay chỉ tiêu của khoa được trường cho phép giữ lại một học sinh tốt nghiệp để làm phụ giảng, hướng dẫn thực tập và đào tạo lâu dài…Được giữ lại trường, ở thành phố cần phải có tiêu chuẩn…em muốn thì…tối nay đến nhà thầy ta bàn…
Tôi nhớ lại những chuyện bạn bè rĩ tai mình về "tiêu chuẩn" giữ lại trường, có khoản không phải là khả năng học sinh , không là quy định gì cả mà nằm trong chuyện "cần bàn" ở nhà thầy. Tôi thấy hắn nhếch mép cười ruồi thách thức tôi. Tôi gượng cười đáp lại với đôi hàm răng nghiến chặt và đêm đó, tôi đến nhà thầy chủ nhiệm khoa với lá đơn tình nguyện đến một lâm trường sát biên giới xa xôi, heo hút, đầy khó khăn thử thách. Hắn hơi sửng sốt bởi đang chờ đợi ở tôi một sự khuất phục với cái giá rẻ, một cây vàng để được giữ lại trường với một tương lai đầy hứa hẹn. Hắn khinh khỉnh hất hàm cười tôi qua gương mặt người thầy như vạch rõ cho tôi thấy một quyết định bồng bột, sai lầm chôn vùi cả đời mình. Tôi cố gắng kềm chế, nếu không đã to tiếng đuổi hắn ra khỏi con người của thầy mình và biết rằng: Từ nay, hình bóng vị thầy chủ nhiệm kính yêu sẽ phai mờ, nếu không cũng chỉ còn lại sự khinh bỉ, pha chút thương hại…
Về lâm trường biên giới công tác, tôi tin rằng hắn không đủ can đảm đến với mảnh đất gian khổ để đùa giỡn với những người thợ rừng gan lì, dũng cảm, biết hy sinh thầm lặng một cách tự nguyện, tự giác. Nhưng, thật không ngờ, hắn đã núp sau lưng các vị lãnh đạo lâm trường khi ký quyết định tuyển dụng công nhân mà đó là những thanh niên đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, đã chống lệnh gọi và tìm cách trốn xin vào lâm trường. Nó ẩn mình ngay trong cả những Nghị Quyết của Đảng bộ cơ sở khi vạch ra kế hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh bằng những chỉ tiêu dễ làm vui lòng cấp trên, chẳng cần thực hiện được hay không bởi tin rằng những báo cáo, với những nguyên nhân khác quan, chủ quan viện dẫn thật bùi tai. Cho nên, nghị quyết, kế hoạch vạch ra không cần cơ sở thực tế, không căn cứ theo những luận chứng kinh tế kỹ thuật mà tôi khổ công lập ra. Cứ đề ra diện tích trồng rừng thật cao, cứ sạ giống tràm xuống ào ào, cứ nhìn lửa cháy bao cánh rừng non mà lắc đầu. Kinh phí rót xuống không đủ trồng rừng có đâu lo chuyện chống cháy bảo vệ rừng? Bởi vậy, năm nào cũng báo cáo trồng rừng vượt kế hoạch…để có người được lên lương, lên chức, được vô Đảng ủy, Tỉnh ủy…Chỉ cần cộng lại vài con số kế hoạch trong ba năm thì diện tích trồng rừng đã vượt diện tích lâm phần đã có, ngỡ như đất của lâm trường cũng biết đẻ, trồng hoài không giáp… Chuyện vì sao trồng hoài mà không có rừng đã có cha con thằng "khách quan"nhận trách nhiệm rồi…
Nhiều năm như vậy, mặc cho tôi lớn tiếng vạch mặt chỉ tên hắn: Thằng cơ hội, thằng cá nhân chủ nghĩa, thằng tham ô, thằng móc ngoặc, thành tích chủ nghĩa v.v…Kỷ luật ông này thì ông khác đến, khi đi còn gởi lời cảm ơn tôi đã giúp họ được thuyên chuyển về thị xã, ở các công ty, xí nghiệp, sung sướng hơn, có tiền hơn…Ai chết? Ai chôn vùi cả cuộc đời cứ mặc, hắn vẫn ẩn ẩn, hiện hiện và tồn tại một cách dai dẳng thật đáng sợ. Hắn đắc ý bởi đã chọc cho tôi trở thành "tên háu đá", điên tiết lên bởi liên tiếp đấu tranh trước bao tiêu cực đã nhấn chìm mọi ước mơ, trăn trở cao đẹp xuống bùn. Và, rõ ràng, hắn đã cho tôi nếm mùi: "Đấu tranh-Tránh đâu?" Tám năm ròng, tôi từ đối tượng Đảng trở thành "đối thủ" của Đảng cơ sở. Một anh kỹ sư, một anh cán bộ kỹ thuật…vô dụng…
Tôi cố nén tất cả thua thiệt mà đời mình phải chịu đựng, tôi đã sống cuộc sống của một người trung thành tuyệt đối với lý tưởng, tôi phấn đấu hết mình về những điều tốt đẹp, không ngại khó khăn,gian khổ và cương quyết không khuất phục trước hắn.
Đến khi tôi lập gia đình, vợ tôi sinh con được hai tháng thì cả hai mẹ con đều bị bệnh sốt rét chưa dứt, tới viêm phổi, ho hen. Ho văng cả mọi tư trang của hai vợ chồng tôi…Hai đứa đều thiếu nợ tạm ứng tiền lương và nợ của bạn bè thân thiết. Mẹ cạn sữa, con chưa dứt bệnh chuyển sang giai đoạn suy dinh dưỡng nặng. Tôi đành cho vợ ẵm con về gia đình mình ở thị xã để nương tựa, điều trị bệnh cho cả hai mẹ con. Công đoàn trường, nơi vợ tôi dạy học hướng dẫn làm đơn xin mua sữa chế độ với giá rẻ bằng một phần ba giá chợ đen. Vợ tôi làm đơn , công đoàn trường xác nhận đề nghị giúp đỡ, công đoàn huyện duyệt chuyển sang Công ty thương nghiệp có kèm theo giấy xác nhận bệnh lý mất sữa của vợ tôi do bệnh viện thị xã cấp. Tôi cảm động trước sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè và các cơ quan, vội vàng mang cả xấp hồ sơ qua Công ty thương nghiệp huyện.
Ông giám đốc công ty thương nghiệp nhướng cặp mắt lên phía trên tròng kính để nhìn rõ con dấu trong giấy chứng nhận của bệnh viện. Và, ông chợt "hừ " một tiếng, kèm theo hơi thở dài như phát hiện ra một sự trục trặc nào đó trong sự vận hành của…quả đất, ông nói:
-Đâu được, vợ anh công tác ở huyện này, giấy chứng nhận mất sữa của bệnh vị thị xã…Không đúng nguyên tắc tụi tôi không duyệt được.
-Dạ, thưa anh bởi vì…em bận thời vụ chống cháy rừng, không thể chăm sóc cho vợ con được nên phải đưa về gia đình lo tiếp, và bệnh viện thị xã đã cho vợ con em nhập viện…
-Cũng không được…Mà nghe anh nói có vẻ thiệt tình đó. Thôi, anh qua bệnh viện huyện bảo tụi nó làm bệnh án giả, coi như điều trị tại đây, tôi sẽ giúp cho.
-Dạ…thưa…anh…kêu họ làm giả…em thấy…
-Ôi, cô ấy là giáo viên cấp ba ở đây thì học trò bổ túc bên đó thiếu gì, biểu tụi nó làm…
Tôi nghe bừng bừng trong ngực, long lên trong óc khi nhìn thấy khuôn mặt dốt nát, bảo thủ của hắn mờ mờ sau lưng ông giám đốc. Không chịu nổi tức giận, tôi đưa tay xé nát xấp hồ sơ và gằn giọng:
-Ông đừng dạy tôi giả dối…
Về nhà với hai bàn tay trắng, xót xa trước hình dáng tiều tụy của vợ và con, Công-thằng bạn tôi tới thăm , nó trách với giọng thân tình:
-Mẹ con nó như vậy mà mày hổng lo…Ngoài thuốc men điều trị còn phải lo bồi dưỡng, ăn uống cho mau lại sức…
Tôi buồn bã kể chuyện mua sữa theo chế độ nuôi con, Công phì cười bảo tôi lên xe nó chở đi chơi. Buồn bực quá, hứng thú gì mà đi chơi, nhưng tôi nể nó lâu ngày mới gặp nên leo lên xe. Uống cà phê xong, nó chở tôi tới một quầy hàng của công ty thương nghiệp thị xã. Ngồi trên xe, nó nói:
-Tú ơi, em lựa cho anh một thùng sữa hộp, thứ mới nhất…
Cô bán hàng vội đi vô trong và khệ nệ bưng ra cả thùng sữa hộp với nét mặt vui vẻ: Cô ta còn cẩn thận khui thùng , đếm đủ hai mươi bốn hộp và lật đáy hộp lên cho thấy tháng sản xuất mới xuất xưởng. Công nói với vẻ tự nhiên:
-Tú ghi hóa đơn bán theo diện bồi dưỡng cán bộ mất sức, mai anh đưa đơn đã duyệt sau nha…
Tôi ngờ ngợ và không dám khẳng định thằng bạn này mua sữa cho vợ con mình. Công chỉ là phó phòng kế hoạch của công ty thôi mà…mà giải quyết quá dễ dàng. Mua cả thùng sữa hộp, tôi chỉ cần viết bốn lá đơn của bốn tên người tự đặt ra cho có để Công duyệt và làm bùa phép sao đó để khỏi phải trả tiền. Tài thật…Tôi không hiểu nổi, chỉ thấy gương mặt hắn hiện mờ mờ trên trang giấy trắng khi tôi viết đơn. Gương mặt đó hình như đang nhếch mép cười tôi với vẻ đắc thắng.
Trước khi trở vô lâm trường, Công còn dặn dò tôi cố xin được vài tấm giấy giới thiệu, ký tên đóng dấu sẵn. Gì chớ việc đó không khó. Bản thân tôi là Trưởng phòng kế hoạch- kỹ thuật của lâm trường tỉnh, tôi đã ký biết bao giấy giới thiệu cho anh em công nhân mua…vé xe, cũng có uy lắm… Nhưng, mà cần giấy giới thiệu làm chi…Cái thằng…Tôi trở về với một nắm giấy giới thiệu trong tay và đưa ngay cho Công khi nói tới chơi. Ngày hôm sau, nó đưa trả lại tôi một xấp hóa đơn phiếu xuất kho đủ thứ: sên líp xe đạp, vỏ ruột xe honda, bột ngọt, vải nhập, hộp quẹt…Trời ơi, thằng này khùng hay sao lại lấy những tấm giới thiệu đó mua các thứ kể trên làm gì. Tôi đâu cần và tôi có tiền đâu để mua nhiều vậy…Nó cười và chửi thẳng:
-Mày ở trong rừng riết rồi ngu…Ai biểu mày mua, mày mang những giấy xuất kho này tới các cửa hàng mua bán ngoài chợ, giao cho họ, họ sẽ thối lại cho mày một khoản tiền lời . Còn việc lấy tiền đi mua và lựa hàng là chuyện của họ, hiểu chưa?
Tôi đang do dự thì vợ và em tôi đốc thúc đi ngay, hàng mới về đưa ra chợ giá còn cao…Tôi vẫn còn do dự ngại ngần thì vợ tôi bưng mặt khóc… Trong tiếng nấc, vợ tôi kể một lô các khoản nợ mà chúng tôi chưa trả được… Tôi nghe trong tiếng khóc đó hình như có tiếng cười sặc sụa của hắn khi tôi cúi đầu quay đi…Chỉ một cuốc xe đạp vòng quanh thị xã, tôi đã gom về một khoản tiền tương đương cả năm lương của hai vợ chồng đủ để trả nợ và còn dư lo thuốc men, bồi dưỡng vợ con.
Bấy giờ, cha mẹ thúc giục cả hai vợ chồng tôi xin chuyển về thị xã, thằng bạn hứa sẽ giúp cho vợ tôi dạy học ở một trường cấp hai gần nhà và sẽ tranh thủ với lãnh đạo công ty. Ba má tôi còn dọa, nếu lần này tụi tôi còn cãi lời nữa thì họ từ luôn…
Tôi thấy thật khó xử vì vợ tôi đã quá ngao ngán, chán chường cái xứ sở heo hút đầy muỗi mòng, bệnh tật, không người thân quan, không làm thêm gì được. Tôi có thể cho vợ mình chuyển về thị xã, nhưng còn tôi…Còn có đề tài cải tạo vùng đất phèn, còn ước mơ và hy vọng vào mấy giống cây mà tôi đã tốn công sức gieo trồng, thí nghiệm , theo dõi lâu nay…Tôi đã gắn bó với mảnh đất gian khổ đó, với bao anh em công nhân thân thiết, xa nơi đó coi như tôi mất hết…Mà mất hết công lao học hành, công sức nghiên cứu nhọc nhằn để làm anh kỹ sư…áp tải hàng hay sao. Công việc mới cần gì tới khả năng trình độ chuyên môn.
Đúng là: Hết cơn bĩ cực, tới thời tôi…được đánh giá đúng đắn và trọng dụng bởi anh giám đốc mới của lâm trường. Tuy chỉ mới học xong lớp mười bổ túc văn hóa (bằng ba ông giám đốc trước đó cộng lại). Anh ta trẻ, vui vẻ hòa đồng và hết mực thương cấp dưới. Mặc dù anh Bảy (cách xưng hô thân thiết mà chúng tôi thường gọi người giám đốc mới) đã nghe nhiều người nói tôi là cán bộ ỷ có trình độ nên hay khinh người, hay moi móc khuyết điểm của lãnh đạo và xúi giục anh em cùng mình đấu tranh, nhưng anh Bảy vẫn trọng dụng tôi. Không bao lâu sau, tôi được kết nạp Đảng, được đề bạt làm phó giám đốc với sự đỡ đầu của anh Bảy. Tôi thầm cảm ơn cuộc sống còn tạo điều kiện cho tôi được gần gũi một người tốt, một người lãnh đạo tài năng, một người anh tinh thần đáng kính trọng như anh Bảy. Anh để ý từng chút riêng tư cuộc sống của anh em và tìm cách giúp đỡ. Cầm tờ giấy công lệnh và bảng kê xin thanh toán công tác phí của tôi, anh la:
-Minh ơi, mày làm như vầy có ngày bỏ tao ở đây một mình quá…Làm lại đi.
Tôi hết hồn ngạc nhiên hỏi:
-Gì vậy anh, em khai chưa đúng à?
-Đúng gì mà đúng .Chỉ có tiền xe theo giá quốc doanh vậy thôi sao? Thiệt thà như vậy là hại nhà nước chớ tiết kiệm gì, hèn chi lương tháng nào hết tháng đó, vợ con không kêu rêu sao được. Anh đi công tác mà khỏi ăn uống, tới lui lòng vòng thị xã, cuốc bộ không à? Mấy khoản chi lặt vặt như vậy nhưng tốn dữ lắm…
-Dạ, nhưng khai đúng như vậy, tài chánh cũng không quyết toán cho mình anh à. Tôi biện hộ, anh cười khì :
-Ai biểu mày khai vậy. Đi một chuyến , đóng hai dấu vô công lệnh, chi phí nhân đôi lên ,tài chánh phải chịu thôi. Phải linh động, sáng tạo một chút …
Tương tự, khi ba tôi bệnh, tôi xin nghỉ phép thì anh Bảy đã đưa cho tôi giấy phép đã ký xong với địa chỉ nghỉ phép tận Hà nội, quê vợ tôi. Ngỡ anh ghi lộn, tôi toan sửa lại, anh nói giọng ân cần :
-Mày khờ quá! Về thăm ông già bệnh với hai bàn tay trắng ư, cho em út nó khinh mình à ? Tạm ứng quỹ một ít, mang về chung lo thuốc men cho ông già và gởi cái giấy phép này ra gia đình bên vợ, nhờ họ tới công an phường nào đó chứng giùm rồi gởi vô để lâm trường thanh toán tiền tàu xe…
Tôi ậm ờ cho qua chuyện và nhanh chóng đi về bởi lòng dạ đang nôn nao, lo lắng cho tình hình sức khoẻ cha mình. Về nhà, vợ tôi lục túi trước khi giặt đồ và ngạc nhiên nhìn tôi với tờ giấy nghỉ phép phe phẩy trên tay. Tôi kể rõ, vợ tôi không nói gì nhét vô túi và hơn hai tuần sau giấy nghỉ phép đó đã có chứng nhận công an của một phường ở Hà nội, mặc dù tôi chưa biết xứ đó ra sao. Lúc này, tôi chẳng còn tâm trí đâu để sáng mắt, sáng lòng nhận ra chân dung hắn ẩn trong tờ giấy phép đó đang nở nụ cười thân thiện với tôi. Tôi đã quen với hắn tới mức nhận khoản tiền thanh toán không chút ngần ngại.
Đến cuối năm, lâm trường ra sở duyệt kế hoạch với sự có mặt của đông đủ các ban , ngành cấp tỉnh. Uy Ban Kế hoạch, Sở Tài chánh, Sở Lao động, Ngân hàng, Công đoàn v,v…Giờ giấc bố trí tới chiều mới xét duyệt cho đơn vị tôi, nhưng buổi sáng, anh Bảy đã kêu tôi cùng với kế toán trưởng tới nơi đang xét duyệt cho đơn vị khác. Ở đây, tôi thấy ông Phó Ban Kế hoạch tỉnh vừa tới với chiếc xe honda 67 cũ mèm,rệu rã cảđèn, vè, vành, còn tiếng máy nổ vang như máy xay lúa. Anh Bảy bước tới mượn ngay chiếc xe đó, bảo là để đi công chuyện khiến tôi ngạc nhiên vì cả ba chiếc xe của cơ quan đều túc trực ở đây sao anh không dùng. Khi ông Phó Ban Kế hoạch đi khỏi, anh Bảy kêu cậu kế toán trưởng lại, ra lệnh
-Mày mang ra tiệm sửa xe hay nhất thị xã, cấp tốc đại tu toàn bộ chiếc xe này cho xong ngay buổi sáng. Cái gì cũ ,thay mới, đồ xịn, cả trong lẫn ngoài, nghe chưa ?
Trước khi vô xét duyệt kế hoạch cho đơn vị tôi, anh Bảy vui vẻ trả lại chiếc xe cho ông Phó Ban Kế Hoạch, người chủ trị phiên họp, khiến ông sửng sốt không tin đó là xe của mình nữa. Anh Bảy còn long trọng thông báo cho cả Hội đồng Xét duyệt Kế hoạch của tỉnh là lâm trường đã đặt nhà hàng bữa cơm thân mật chiêu đãi tất cả…Kết quả xét duyệt mỹmãn, những con số phi lý trong bản dự toán bỗng trở nên có lý và được thông qua một cách dễ dàng đến không ngờ. Nhìn bảng kê chi phí sửa xe và bữa cơm thân mật đó, tôi thoáng choáng váng vì nó hơn cả khoảng lương toàn lâm trường trong nửa năm. Anh Bảy phân tích :
-Mày so sánh như vậy sao được. Thật ra, nó có là mấy phần trăm so với tổng kinh phí được duyệt vừa rồi đâu . Nếu không, họ hạch hỏi từng con số và trả giá , mày có thuyết minh giỏi đến mấy cũng bị cắt bớt hai chục phần trăm là ít …
Tôi gật gù đầu và tin mình khờ thật .
Sau một thời gian, tôi được mọi người khen " biết điều" hơn trước bởi không còn gay gắt, phê phán ai nữa và dễ dãi, phóng túng, chan hoà với cách sống của anh Bảy. Tôi đã có nhà riêng, có xe honda và có cả chức giám đốc Lâm trường khi anh Bảy được rút về làm Phó Giám Đốc Sở . Tôi có kinh nghiệm quí báu của anh Bảy khi lãnh đạo Lâm trường, đối với trên, đối với dưới đều khôn khéo. Tôi lại được rút về Sở làm Phó Giám Đốc khi anh Bảy làm Giám Đốc, rồi thay anh làm Giám Đốc khi anh được đề bạt chức vụ cao hơn. Quả thật, con đường phát triển của tôi hoàn toàn nhờ vào sự dìu dắt của anh Bảy. Tôi đã thành một cán bộ lãnh đạo trẻ tuổi, đứng đầu một ngành quan trọng của Tỉnh…
Từ khi về Sở, tự dưng thiên hạ rủ tôi mần ăn nhiều ghê mà cách hùn hạp cũng lạ. Gỗ trong hay ngoài kế hoạch, gỗ khai thác từ vùng ngoài do quen biết nể nang nhau họ bán cho tôi, tôi giao hợp đồng cho bạn bè làm và được chia. Họ bảo tôi "có đức mặc sức mà ăn"…Họ có vốn, tôi hùn cái " đức " của mình…Còn chuyện trồng rừng ra sao, cải tạo vùng đất phèn thế nào? Tôi giao cho lâm trường tự lo, phải tôn trọng và tạo điều kiện cho họ phát huy tính năng động sáng tạo, vả lại tôi còn bận lo lấy bằng phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ…
Hôm nay, tôi cùng đoàn khách nước ngoài đến tham quan lâm trường để chuẩn bị đầu tư lâu dài. Trở về mảnh đất thân quen với bao bạn bè, đồng nghiệp và bà con xung quanh lâm trường, tất cả kỷ niệm xưa vẫn còn sống mãi, nhưng sao lạ quá, tôi cảm thấy có cái gì đó nhợt nhạt, xa lạ, kiểu cách trong từng ánh mắt, từng cái bắt tay hời hợt lạnh lùng, từng nụ cười hiếm hoi họ dành cho tôi. Đáng lẽ, họ phải tự hào có tôi , một đồng nghiệp lớn lên từ lâm trường và thành công trên đường đời mới phải. Sao kỳ vậy ?
Lên xe trở về, tôi nhìn vô kính chiếu hậu để chia tay từ từ khung cảnh lâm trường thân quen. Ồ lạ chưa, tên nào tinh nghịch bẻ cái kính quẹo ne, để trên gương hiện ra một khuôn mặt hồng hào đến có nọng của ai đó quen quen. Ai chà…Lâu dữ, tôi mới thấy hắn, mà sao hắn nhìn tôi đăm chiêu, không thân thiện, không thù hằn mà bằng ánh mắt là lạ…Anh mắt của những kẻ đồng lõa…A, mái tóc ép gọn sáng hôm qua tiệm hớt tóc Thanh Nữ ép cho tôi đây mà ! Tôi đây sao ? Không, hắn kia mà ! Tôi với hắn là một tự bao giờ vậy cà ???
Châu Phú, 27/ 12/ 1993
Mai Bửu Minh