Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.148
123.203.076
 
Đọc Bình Ngô đại cáo
Đặng Thân

(nhân ngày nhà giáo)

 

Đây là một trong vài tác phẩm vĩ đại của dân tộc Việt do Ức Trai bất hủ viết nên.

 

Cái tiêu đề Bình Ngô đại cáo có thể được hiểu như sau: “Báo/bố/tuyên cáo rộng khắp về việc dẹp yên giặc Ngô”. Cái title ấy cùng với sự nổi tiếng của nó dễ làm người ta chạnh lòng nghĩ rằng “cái tài” làm-báo-cáo ra-tuyên-bố của người Giao Chỉ đã là bẩm sinh, có sẵn trong cấu trúc AND và đã lên đến đỉnh cao từ thời Lê Lợi đại phá quân Minh, chứ đâu phải đợi đến thời đại huy hoàng hiện nay mới nổi lên cái đã được tổng kết trong câu nói mà cả dân tộc đều biết: “Làm láo, báo cáo hay”. Đấy là suy luận thế thôi, chứ thời xưa xa ấy chắc là có rất ít người “làm láo”, nhưng mà “làm báo cáo” thì quả rằng hay tuyệt.

 

Nhưng mà, tại sao lại không phải là Bình Minh đại cáo? Có nhiều sách nói thì xưa kia ta gọi Tầu là Ngô, vậy nên cũng gọi Minh là Ngô. Đơn giản thế thôi ư? Cái kiểu giải thích của kinh sử sách nước nhà như thế thì đến trẻ con nó cũng chả tin được. Chả trách rất nhiều người nói Việt Nam đang loạn sử.

 

Rõ ràng là xem sử hiện nay toàn thấy cái giọng “quân ta”, “quân địch”. Thưa, cái này quả là chưa có bộ sử nào có. Các bộ sử chính thống xưa nay chỉ ghi lại các sự kiện một cách khách quan, chân thực nhất mà thôi, không đưa ra ý niệm phân biệt “ta” hay “nó”. Các sử gia xưa kia dù bị vua chém cũng không chịu sửa một câu khi chép sử. Âu cái sự “ta” và “nó” này cũng là cái “giọng” độc đáo của sử sách thời nay vậy. Chưa kể người ta còn bịa ra cả tên các danh nhân (chắc là để lấy thành tích hòng lên Giáo sư hay được phong nọ phong kia) để đặt tên phố mà sau đó truy ra thì… không có ông nào là ông ấy cả. Chả trách trên đường phố Sài Gòn có đến hai ông Trần Hưng Đạo (là ông Trần Hưng Đạo A và ông Trần Hưng Đạo B). Mà sự thật chết người là nước ta cũng chả có ông nào oanh liệt và nổi tiếng có tên khai sinh là Trần Hưng Đạo cả, chỉ có ông Trần Quốc Tuấn (陳國峻) đại thắng quân Nguyên Mông được phong tước Hưng Đạo [Đại] Vương là con ông Trần Liễu có tước hiệu là An Sinh Vương. Thế mà hầu như thành phố nào ở Việt Nam cũng có phố Trần Hưng Đạo chứ không có phố Trần Quốc Tuấn. Nếu cứ đặt tên theo tước hiệu và những gì được phong như thế thì sẽ có một xác suất cao là thế giới đã/sẽ có những thành/đường phố như là: thành phố (TP) Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại, TP Đại Nguyên Soái Tổng Tư Lệnh Stalin, TP Mao Chủ Tịch Vạn Vạn Tuế, TP Tổng Tư Lệnh Liên Quân Sau Thành Tổng Thống Đầu Tiên Của Hoa Kỳ Washington, đường Tổng Bí Thư Lê Duẩn, phố Ông Hoàng Thơ Tình Xuân Diệu…

 

Chưa hết, cái này mới khủng khiếp, người ta còn bịa ra cả một chiều dài lịch sử “bốn-ngàn-năm-có-lẻ” mà thực chất có lẽ là khoảng hai ngàn rưởi năm (sử Việt Nam tính từ khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40 trở về trước chỉ có 18 đời vua Hùng mà thôi). Chả thế mà dân gian có câu:

 

Chung quy chỉ tại vua Hùng

Sinh ra một lũ vừa khùng vừa điên

 

Xin có một cái đối chiếu này nữa về vụ án của tác giả Bình Ngô đại cáo cho ra nhẽ và sát thực tế của bài.

 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rõ:

 

Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyên Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.
Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.
Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?

 

Đến năm 1973 Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân có ra cuốn Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước của Giáo sư Nguyễn Lương Bích thì lại thấy Giáo sư viết như sau ở trang 588:

 

Lê Thái Tôn[1] nghỉ tại Trại Vải, tới đêm thì lên cơn sốt rét nặng[2]. Nhà vua đi tuần du, bị ốm ở dọc đường, sự chăm sóc thuốc thang cũng vẫn rất mực chu đáo như khi đau tại hoàng cung, vì có đông đảo quan lại, thầy thuốc ngự y, hoạn quan và cung nữ theo hầu. Trong việc chăm sóc Lê Thái Tôn ốm đêm hôm ấy có cả bà Nguyễn Thị Lộ. Nhưng có lẽ Lê Thái Tôn bị cơn sốt rét ác tính, nên chết ngay đêm hôm ấy, không cứu chữa được.

 

Tôi chả hiểu ngài Giáo sư tìm đâu ra cái cứ liệu về việc vua Lê Thái Tông bị “sốt rét nặng” và “sốt rét ác tính”. Còn “việc chăm sóc Lê Thái Tôn ốm đêm hôm ấy có cả bà Nguyễn Thị Lộ” thì chắc rằng lúc đó ông GS Nguyễn Lương Bích cũng có mặt ở đấy nữa thì mới biết được nhỉ.

 

Than ôi, sử sách nước nhà!

 

Vậy phải chăng nước ta đang có một tầng lớp “xử da mới”?

 

Trong những tầng lớp “mới” thì người Pháp đã có từ rất hay để chỉ tầng lớp “giầu mới”: nouveau riche. Từ này còn có nghĩa là “tiền mới”, chỉ những người mới giầu lên trong thế hệ của mình, và nó ám chỉ những người này trước đây xuất thân từ các tầng lớp thấp kém trong xã hội. Nouveau riche vì thế dùng để chỉ những người mới giầu có nhưng hoàn toàn thiếu thốn về kinh nghiệm, sự tinh tế, “gu” thẩm mỹ và trình độ để “sử dụng đồng tiền”. Cái ngụ ý của nouveau riche tóm lại là để chỉ những kẻ có tiền nhưng vẫn không giấu nổi mình là bọn “hạ lưu và vô văn hóa”. Các nhân vật nouveau riche điển hình trong văn học là: Jay Gatsby trong Gatsby vĩ đại của F. Scott Fitzgerald, Heathcliff trong Đồi gió hú của Emily Brontë, Baron Danglars trong Bá tước Monte Cristo của Alexandre Dumas (bố) và nhiều nữa. Hiện nay cũng có thêm những thuật ngữ tương tự về mặt ý nghĩa như “người Nga mới” (tiếng Nga là novyi russkiy) ở nước Nga thời hậu Xô-viết (những kẻ làm giầu có phần là tội phạm), parvenus (phân từ quá khứ của động từ tiếng Pháp parvenir, nghĩa là cố mà đạt/đoạt được) hay social climber (tiếng Anh nghĩa là người hãnh tiến, cố mà leo trèo lên trong xã hội). Vậy thì người Việt chúng ta khắp nơi cũng nên tự hào vì dân tộc ta đã tham gia hội nhập với thế giới với một lực lượng “mới”!

 

*

Quay lại chuyện “Bình Ngô” thì thấy có người nói rằng Nguyễn Trãi nói “Bình Ngô” là ý nói đến Chu Nguyên Chương, người đã có lúc xưng là Ngô Quốc Công hay Ngô Vương, qua đó ý của Nguyễn Trãi là nói đến ông tổ nhà Minh.

 

Đọc cả bài cáo[3] thấy có nhiều câu gây ám ảnh một điều gì.

 

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập

 

Như vậy là Trãi đã coi Triệu Đà tức Nam Việt Vương là bậc khai quốc. Lời của Trãi cũng chính là lời của lương tri, trí thức Việt, vậy không thể sai chạy. Vậy cớ sao các “xử da mới” lại cố tình coi Triệu Đà là quân xâm lược suốt bấy lâu nay và in vào sách giáo khoa cho con trẻ học? Phải chăng là họ dựa vào câu chuyện thương tâm của Trọng Thủy – Mỵ Châu? Thực ra thì vào thời đó ở cái đất Việt Nam bây giờ có nhiều nước-chẳng-ra-nước như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử Ký:

 

Phương nam đất thấp, ẩm, dân Man Di ở vào giữa. Ở phía đông đất Mân Việt, chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía tây nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”.

 

Trong bối cảnh ấy thì biết “phân biệt địch ta” thế nào bây giờ? Âu cũng khó mà “tỏ rõ lập trường” vậy. Và hoàn cảnh, cơ hội nào đã khiến các “xử da mới” làm bậy? Nhân chuyện tình Thủy – Châu nhà văn Lê Anh Hoài có mấy câu thơ khá nhập tâm.

 

Về Trọng Thủy:

 

Tổ cha cái giống thông minh

Nằm trên bụng vợ vẫn rình việc quân

 

Về Mỵ Châu:

 

Điên tình thì cũng vừa thôi

Chạy sau lưng bố còn ngồi nhổ lông

 

Cái kiểu thơ này là dễ đi vào thơ vè dân gian lắm đấy. Đây phải chăng chính là vũ khí của dân tộc để chống lại luận điệu đầy “chĩnh khí” của bọn sử gia “đểu” xưa kia và “xử da mới” bây giờ. Bọn này đã từng góp phần (theo kiểu như hót vào tai và liếm vào đít bề trên) gây nhiều trò “khủng” ghê người như hợp tác hóa, cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản tư doanh, giá-lương-tiền… hay “ao cá Bác Hồ”. Đã có một thời gặp cái ao nào người ta cũng thấy có cắm cái biển này, cho nên đã có nhà thơ dân gian xuất khẩu:

 

Giống đâu có giống linh tinh,

Bỗng đâu nó cắm tên mình xuống ao

 

Đến với bài cáo ta thấy những nỗi đau xưa còn đớn đến bây giờ. Khi kiên nhẫn đọc hết đoạn này:


Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa?
Nặng nề những nỗi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi

 

thì nghe hệt như những chuyện trên báo chí hiện nay, có phải không ạ? Thưa không, Cáo Bình Ngô đấy.

 

Lại thấy:

 

Tuấn kiệt như sao buổi sớm,
Nhân tài như lá mùa thu,
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần,
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc

 

Những người hiền vẫn hiếm hoi từ đó đến giờ sao? Hay có lí do gì không? Hình như câu trả lời là đây:

 

Giữ ý kiến một người,
Gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác,
Tham công danh một lúc,
Để cười cho tất cả thế gian

 

Chỉ đôi câu mà ta đã thấy đủ thứ bệnh: giáo/đặt điều, cường hào, ác bá, tham-sân-si.

 

*

Đọc bài cáo khi gặp câu này

 

Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng

 

tôi đã nhớ tới một câu chuyện. Hoàng Phúc ngoài việc làm tới Thượng thư thì còn là một thầy phong thủy lỗi lạc, sánh cùng Cao Biền vậy.

 

Cao Biền thì đã từng có công sáng lập thành Đại La, tức Hà Nội bây giờ; ông đã từng có mục đích xây dựng một kinh đô tạo thế độc lập. Quả thực, thành Hà Nội đã được phối trí một địa thế phong thủy khó có thành phố nào có (không phải thầy phong thủy cao tay tột đỉnh thì không dám làm): dựa lưng vào hồ nước và có một con đường lớn chạy thẳng vào tim. Đây là những kiểu hung hiểm tiềm tàng vì ai cũng đặt lưng về phía đất cao và không cho đường chạy thẳng vào nhà/thành. Có ai ngờ đó là các cách “Hậu đầu xung thủy xuất thần tiên” và “Hồng tiễn xuyên tâm” vậy. Cách thứ nhất là đủ đảm bảo cho cả đất nước

 

Hào kiệt thời nào cũng có

 

Vậy bây giờ họ đang ở đâu? Hình như dân gian hiện đại đã có bài về chuyện này, mong quý vị cố gắng tìm đọc.

 

Cách thứ hai của thành Hà Nội là một câu chuyện dài. Dinh Độc Lập ở Sài Gòn cũng có con đường lớn chạy vào nhưng trước đây chính quyền Việt Nam Cộng hòa luôn có đảo chính và cuối cùng thì chính quyền sụp đổ. Vấn đề là KHÍ. Ở đất vượng khí thì con đường là mũi tên bắn ra, còn ở thế đất kém thì đó là mũi tên bắn vào giữa tim, hung lắm vậy. Nhờ phần nào cái con đường ấy (đường Lê Duẩn bây giờ) mà nước ta đủ khí lực đánh thắng mọi kẻ thù hùng mạnh nhất.

 

Quay lại chuyện Hoàng Phúc thì vốn Nguyễn Trãi cũng đã biết tiếng Phúc là người giỏi từ lâu. “Đồng khí tương cầu” nên Trãi đã mang rượu vào tận nhà ngục nói chuyện với Phúc như hai người bạn chí cốt. Phúc vẫn thản nhiên chẳng lo sợ gì, lại còn nói với Trãi rằng nhà Phúc có cái Xá Văn tinh nên chắc trong vòng trăm ngày là được ân xá thôi (sau quả nhiên), còn Phúc lại rất lo cho Trãi vì mồ mả và nhà cửa của ông đều phạm rất nặng về phong thủy, mau đào tẩu ngay đi không họa lớn tru di tới nơi rồi. Nghe nói chính Phúc đã trấn yểm ở chín chỗ khác nhau tại Hà Nội nhằm triệt hạ mọi cát khí và sức mạnh của xứ này, gây cảnh “12 sứ quân” hay “nồi da xáo thịt” mà nay người ta mới phá đi được vài chỗ mà thôi. Sao chưa thấy ai lo việc này?

 

Trãi nghe lời Phúc chắc là rất tin nên sau này ông mới đi ở ẩn. Câu chuyện cũng cho thấy rằng Trãi chẳng biết gì về phong thủy.

 

Rồi kháng chiến bình Ngô thắng lợi. Rồi Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Có cuốn từ điển bách khoa đã viết:

 

Bình Ngô đại cáo là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.

Về mặt văn chương, tác phẩm được người đương thời, ngay cả hậu thế, đều rất thán phục và coi là thiên cổ hùng văn. Có nhiều ý kiến cho rằng: đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam (sau bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt và trước bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Hồ Chí Minh).

Tác giả bài Đại Cáo này là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, Nguyễn Trãi. Ông tuy không tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ ngày khởi đầu, nhưng cũng theo phò Bình định Vương Lê Lợi từ khi nghĩa quân Lam Sơn còn ở thế yếu trước sự đàn áp của quân Minh, đã vạch ra nhiều kế sách giúp cho nghĩa quân Lam Sơn thu phục nhân tâm và giành được ưu thế trên chiến trường. Tương truyền, ông là người nghĩ ra kế sách viết dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi thần) trên lá cây, tạo ra như một điềm trời, khẳng định về yếu tố "thiên mệnh" cho Lê Lợi, làm lòng người nhanh chóng hướng về nghĩa quân Lam Sơn.

Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã phong thưởng cho Nguyễn Trãibậc cao trọng nhất bên văn quan, ông được ban quốc tính (tức được mang họ vua, họ Lê), tước Hầu (Quan Phục Hầu) chỉ kém tước Công một bậc. Trên thực tế ông vừa là cố vấn, vừa là quân sư, nhà chính trị, tài kiêm văn võ rất thân với vua.

Cái sự vụ “nghĩ ra kế sách viết dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi thần) trên lá cây, tạo ra như một điềm trời, khẳng định về yếu tố "thiên mệnh" cho Lê Lợi, làm lòng người nhanh chóng hướng về nghĩa quân Lam Sơnlàm cho người ta liên tưởng đến một câu chuyện có kết cấu như vầy: sau khi Trãi đã được lệnh Bình Định Vương tổ chức một đội tuyên truyền kiểu như “Bình Ngô tuyên truyền giải phóng quân”, 34 tráng sỹ đã tập hợp dưới một cây đa nổi tiếng làm lễ tuyên thệ. Sau đó Trãi đã cho anh em dùng mỡ viết lên những chiếc lá đa tám chữ vàng kể trên để cho kiến cắn thành hình chữ rồi cho thả trôi sông, lan khắp cả nước. Phải nói Trãi đã là một nhà báo kỳ cựu từ đó, đáng để cho cả làng báo chí Việt Nam hiện nay tôn thờ mãi mãi như một “tay tổ”.

 

Tài năng văn vũ ấy là Nguyễn Trãi. Tài năng ấy, cao vị ấy tất làm bọn “phỉ nhân” đố kỵ, đương kim thiên tử nghi ngờ. Nhân tâm thâm hải, đời người bãi biển nương dâu. Viết xong bài cáo hẳn Trãi đã thăng hoa lắm lắm. Viết xong bài cáo chắc Trãi cũng biết luôn rằng từ nay ông không còn có được những “ngày vui kháng chiến”. Trước mắt ông là những hiểm họa diệt thân. Cái lý tưởng của ông

 

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy chí nhân để thay cường bạọ

 

thật là chí lý mà biết đâu sự đời cái gì cũng có hai mặt.

 

Lãnh tụ Ấn Độ Mahadma Gandhi là đỉnh cao của “chí nhân” khi đã đuổi được quân Anh bằng cái chính sách bất hủ: “Bất bạo động”. Vậy mà ông đã bị ám sát vì một tên hung bạo. Phải chăng cái “chí nhân” của ông cũng là một lực cản nào đó rất lớn đối với khá đông “con người”?

 

Tổng thống vĩ đại nhất cho đến nay của lịch sử Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã được từ điển bách khoa Wikipedia giới thiệu thế này:

 

Abraham Lincoln (12 tháng 2, 180915 tháng 4 1865), thỉnh thoảng được gọi là Abe Lincoln, tên hiệu Honest Abe, Rail Splitter, Người giải phóng vĩ đại, là một chính trị gia Hoa Kỳ, là tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 đến 1865), và là tổng thống đầu tiên thuộc Đảng Cộng hoà. Lincoln phản đối sự mở rộng chế độ nô lệ và điều hành đất nước trong thời gian diễn ra Nội chiến Mỹ. Ông lựa chọn các tướng lĩnh và thông qua chiến lược của họ, lựa chọn các quan chức dân sự cao cấp; giám sát chính sách ngoại giao, điều hành các hoạt động chính phủ; hướng dẫn dư luận quần chúng thông qua các bức thư, bài phát biểu như bài diễn văn Gettysburg nổi tiếng; và nhận trách nhiệm cá nhân về những kế hoạch xoá bỏ chế độ nô lệ tái thiết đất nước. Ông bị ám sát khi cuộc nội chiến chấm dứt, trở thành một người tử vì đạo và một biểu tượng của chủ nghĩa quốc gia Hoa Kỳ.

Còn ai “đại nghĩa” hơn ông nữa? Nghe nói ông sống một đời nhân ái, và đã từng nhiều lần bị bà vợ khét tiếng đánh mắng và ném cốc chén vào mặt. Vậy mà ông vẫn thản nhiên nhẹ nhàng như không.

 

Những nhân nghĩa ấy mà cũng chết thảm ư?! Câu chuyện về cái thế phong thủy “Hồng tiễn xuyên tâm” trên kia hình như là một triết thuyết cận kề Chân lý, đặng giải thích cho những thảm án.

 

Tương truyền khi nhận án tru di tam tộc, Ức Trai tiên sinh đã cười ha hả mà thét to lên rằng: “Ta đã biết trước từ lâu rồi! Ta đã biết người ta đã ký cái bản án này ngay từ khi ta vừa viết xong Bình Ngô đại cáo.”

 

Đại Việt sử ký toàn thư lại có đoạn:

 

Tháng 9, ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc.

 

Đoạn này làm người đọc liên tưởng đến chuyện Hàn Tín xưa. Khi Hàn Tín bị Hán Cao Tổ mượn tay Lữ Hậu xử chém, ông đã than lên rằng: “Ôi! Giá như ta đã biết nghe lời Khoái Thông thì đâu đến nông nỗi này!” Khoái Thông là người đã xui Hàn Tín làm phản nhà Hán để dựng nghiệp đế vương nhưng Hàn Tín không nghe. Sau khi xử Hàn Tín, quan quân nhà Hán đã bắt Khoái Thông đem về xử tội, nhưng nhờ cái tài uốn ba tấc lưỡi Khoái Thông đã thoát tội chết của nhà Hán. Còn Đinh Thắng và Đinh Phúc là hai tên hoạn quan đã từng tham gia với Trãi trong một “dự án” chỉnh trang Nhã nhạc, nhưng rồi do đại ý là “ăn chia không đều” nên cả ba đều đem lòng oán hận nhau lắm lắm. Sau đó, cả “hai tên đê tiện” này đã phải chết dưới lưỡi gươm công lý của nhà Lê. Có thể nói đây là chiến công trừ khử gian thần cuối cùng của Trãi vậy, như mấy bậc kiệt hiệt xưa (Khổng Minh, Quách Yển…) trước khi thác vẫn để lại mưu tiêu diệt quân thù, bình định thiên hạ. Thật là đa mưu lắm thay! Nhưng mà, hình như sinh thời cái thông minh tột đỉnh của ông cũng làm ông nghiệt lắm vậy.

 

11-07


[1] “Tông” hay “Tôn” là hai cách đọc được công nhận tại Việt Nam khi gọi các vua có từ cuối trong tên là , thậm chí trong một số từ khác như “tôn miếu” hoặc “tông miếu”. Những cái tên như Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đều được đặt sau khi các vua băng hà, dựa trên hành tích công trạng của từng vị.

[2] Những chỗ in đậm trong các trích dẫn ở bài này là chỗ tác giả nhấn mạnh.

[3] Những câu trích dẫn Bình Ngô đại cáo trong bài này đều theo bản dịch của Ngô Tất Tố.

Đặng Thân
Số lần đọc: 8644
Ngày đăng: 22.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Truy tìm gốc tích cây Kê - Hà văn Thùy
TẢN ĐÀ: Ôi Thôi... Bức Dư Đồ Rách Ai Bồi ? - Lê Xuân Quang
Ấn tượng và cảm nhận truyện ngắn của Phùng Phương Quý - Trần Thiện Khanh
Inrasara, chàng Kazik của Mỹ Sơn văn học. - Trần Can
Ariya Ppo Parơng - Trần Can
Ưng Bình Thúc Giạ Thị : Đời người đời thơ chan chứa ân tình - Triệu Xuân
Một cách tiếp cận thơ Thiền-1 - Bùi Công Thuấn
Một cách tiếp cận thơ Thiền-2 - Bùi Công Thuấn
Tiểu thuyết , Niềm đam mê vô tận của nhà văn và bạn đọc - Triệu Xuân
Cám ơn dịch giả của tôi : Yves Bonnefoy gửi Huỳnh Phan Anh - Yves Bonnefoy
Cùng một tác giả
Thùng Thuốc Nổ (truyện ngắn)
Cú Hých Về Nguồn (truyện ngắn)
ngái em (thơ)
Người thầy của em. (truyện ngắn)
Yêu (tuyển truyện)
Ma nhòa (truyện ngắn)
6i +Hi i (thơ)
Đặng Thân: Viết (phỏng vấn)