Xóm núi quắt queo vàng cỏ tháng chạp. Chỗ tôi ở nhà nào cũng lá dừa đen sẫm, nghèo nàn. Mỗi bận chơi đùa, bọn trẻ con cứ chạy ngang rứt lá thành thử nhà nào cũng trống hoang trống hoát. Mùa hè, gió mát ùa vào thoang thoáng, cỏ xanh rợn lên tốt cao ngang đầu gối những tưởng ai tô lên đó cái màu xanh bất diệt. Cơ mà tháng chạp, cỏ lại vàng cháy vì nắng. Người khát nước, đất màu khơi bụi huống gì cỏ dại. Trái lại bọn trẻ con sướng rơn. Có bao nhiêu trò chơi nảy ra từ cỏ: Nệm rơm, áo rơm, nhẫn rơm, người rơm... Tôi thích chiếc nón rơm có xén hình hoa chuối. Mân cũng vậy. Con gái đứa nào lại chẳng thích hoa. Cứ cầm hoa lên lại thấy mình hiền thục, nhu mì. Hoa rơm tỉa khéo đẹp như hoa thật. Già làng khéo tay bậc nhất, ngày đan mấy chục chiếc hoa đủ loại. Người già làm, trẻ nít cũng làm, nhộn nhịp xôn xao. Cuối tháng, trai tráng trong làng chở hoa rơm ra tỉnh bán rồi lại đổi về từ đó những túi đường mật to, ngọt khé. Nhẩm đếm lượt hàng từ tháng 10 đến tháng chạp gió thông thốc có thể đoán được bao giờ đến tết. Không hiểu sao người làng tôi ai ai cũng vàng hoặt đi như cây cỏ chết khô. Đó là nước da truyền thống, già làng bảo vậy. Song có một thứ xanh tươi trơn trớt, đó là gừng. Gừng xanh bên nhà hành dãi. Gió bấc lá gừng cao nhấp nhô như dòng nước ngọt chảy man mát quanh nhà. Lại nói, nước từ khe núi hiểm theo mạch tre chạy mãi về tận đây chỉ để dành nuôi tốt gừng. Người khát, nuốt nước bọt qua cơn chứ gừng khát nước là vàng hoặt năm đó thể nào cũng có nạn đói xảy ra.
Thằng Chành giỏi việc lấy nước. Nó theo người lớn vào tận lòng núi sâu. Bọn trẻ con cùng lứa nhìn nó cao lớn lắm. Nó mồ côi, nên chẳng mấy ai coi trọng việc sống còn của nó. Nó là vật thử, vật thế mạng của cánh thợ săn nổi danh nhiều lần không chết. Già làng trầm ngâm, tư lự, buồn : Thằng bé là mạng phúc của làng này. Nghe nói thằng Chành bị bỏ rơi nằm chòng chành trên mõm núi tận mấy ngày. Khi cánh thợ săn mang nó về nội tôi kể, nó tong teo, mắt khoét sâu hóp thủng tưởng chết. Chành không chết, trái lại khoẻ mạnh nùi nụi như ngọn núi nhưng đôi mắt vẫn cứ sâu thăm thẳm, khi nhìn dễ làm mủi lòng người đối diện. Chiều, nó hay đứng trên dốc một mình sừng sửng như tảng núi con. Nó ở với già làng nên lây cái miệng ngậm tăm ít nói chỉ cười, mỗi lần cười vướng thêm cái tội gãi đầu ngượng nghịu. Mỗi lần thằng Chành vào núi tìm nguồn nước, nó đều vui sường như được về với mẹ. Chẳng lẽ nào nó được sinh ra từ núi như ông Tề Thiên Đại Thánh? Tôi không rõ cũng không màng tìm hiểu, bởi lẽ những gì thuộc về nó cứ hư hư thật thật có phần trần tục nhưng cũng có phần hư cấu khác đi. Ai cũng hiểu đơn giản rằng: Nó từ một nới khác đến chứ không thuộc vùng này. Tôi chỉ thoả lòng mỗi bận thằng Chành mang về cho tôi một bông hoa núi biêng biếc. Thứ hoa không hương thơm nhưng đẹp lạ lùng. Tôi yêu loài hoa không tên ấy trong suốt thời thơ bé và thầm biết ơn Chành vì lẽ đó.
Tháng chạp. Người lớn thôi vào rừng đốt rẩy. Dòng suối quanh nhà lần lượt đuợc dở lên lấy củ. Hương cay và nồng sồng sộc hăn lên mũi vào tận óc tai. Gừng rửa sạch, đêm tháng chạp nghe òng ọc nước nấu gừng. Kể từ sáng ra bắt đầu xăm củ, ngâm vào nước cho ra chất cay. Sau phơi cho se nắng ướp đường làm mứt giao hàng tết lên tỉnh. Trúng vụ làng đở khổ nếu không thì đói. Tháng chạp xóm núi tràn một màu vàng cỏ và gừng phơi. Trong trí tôi tháng chạp nồng nồng hương gừng đất. Gừng tràn vào tận trong những giấc mơ non trẻ. Gừng cay xé trét vào những bầu vú mẹ cai sữa cho con. Bọn trẻ con làng tôi rời bầu vú đã nếm hương gừng đầu tiên. Nước gừng vàng nghệch cay khó. Tôi hiểu vì cớ gì dân trong làng lầm lũi vàng trệt theo. Đêm tôi mơ những giấc mơ thần tiên, thấy mình trầm mình trong làn nước ấm của gừng rồi sau đó bị cả bọn trong làng giành lấy. Tôi khóc ướt cả gối, sáng ra mới hay mình vừa trải qua một giấc mơ.
Tôi nhớ Mân, cô bạn nhỏ thuở ấu thơ. Mân theo mẹ buôn gừng trên tỉnh. Nó giỏi tính. Tôi không hiểu tính nhẩm là thế nào. Tôi thuộc lào lào công thức cộng trừ nhân chia nhưng đem ra so thấy mình như con ngốc nhẩm đếm mấy đầu ngón tay. Mân đâu học gì mà lanh lẹ. Tôi khờ khạo trong bọn ba người. Mân thông minh. Chành can đảm, cần cù. Tôi… có lẽ trầm trịch nên xếp vào hạng đó. Tôi ước được nhanh chuyển nhà lên tỉnh như Mân. Ơ đó nó bảo có thứ xe không cần đạp mà chạy nhanh như gió hay như mặt trời suốt ngày ở trong nhà muốn sáng là sáng muốn tối là tối. Nhà Mân bắt đầu dời đi. Mẹ Mân tỉnh queo, cả Mân cũng tỉnh queo. Làng nghèo chẳng biết tặng gì, nhúi vào tay mấy bọc mứt gừng khô. Tôi muốn cầm lấy tay Mân nói những điều nài nỉ nhưng sao cảm thấy ngài ngại trước mặt những người lớn nên chỉ dám tìm một chỗ gần nhất nhè nhẹ đụng vào tay nó. Mân không để ý đến tôi. Nó vô tâm lắm. Tôi ghét nó, nó được nhiều người hôn lên má lúc tiễn đưa. Tôi ghét cả Chành vì Chành lặng lẽ, nhút nhát. Tôi ghét phải sống ở đây quanh năm ngửi lấy mùi gừng. Một phút tôi bỗng ghét tất cả. Thật ra tôi không phải là người ích kỷ.
Tôi rớt lớp 12. Tôi nghe đồn ngày xưa có người bện cỏ khô thành thừng vào tận núi sâu tự tử. Tôi ngồi trên đồi cao day lưng với núi hướng về con đường thồ hàng lên tỉnh luôn tay bện những sợi cỏ. Tôi không muốn chết chỉ có điều tôi muốn được đi xa, xa thật xa…
Mân thỉnh thoảng về làng. Nhầy nhụa màu son phấn. Chê quê mình cục mịch đần độn chỉ biết dúi mặt xuống đất thì đến bao giờ ngẩn mặt bằng người ta. Nó về ngủ với tôi một đêm sáng ra dong mất. Vậy mà thỉnh thoảng vẫn về. Tôi biết nó nhớ hương nồng nồng của gừng và màu vàng bàn bạt của núi và những buổi trưa dưới tán dừa cao ngất xanh xao gió thông thốc thổi từ bên kia núi vọng sang. Thế mà xóm núi không đủ sức nếu chân người làng ở lại. Lần lượt từng người ra đi. Sau lưng xe đạp thồ bao gừng nặng trĩu. Thôi, vẫn không quên củ gừng đất quê mình thế là được rồi. Già làng tóc trắng như cước, tay lò mò gở gở rơm khô kết hoa. Không hiểu càng về già, già làng lại nói nhiều đôi khi lẩm nhẩm một mình về những kỷ niệm xưa như chuyện thằng Tư cưới con Mè một con mà bây giờ đã là bà ngoại ông ngoại gã con cho Đài Loan. Chuyện thằng Cu con bà Tám vừa chết. Tất cả đều là chuyện của hai mươi năm về trước. Già làng không còn để ý gì đến hiện tại. Chỉ luôn miệng thầm rủa một người đàn bà nhẫn tâm bỏ con trong xóm núi. Mỗi lần như vậy bà thường nằm vật ra khóc bức rức ai thấy cũng sợ cũng thương.
Làng đã đổi khác. Không. Lòng người mới thật sự đổi khác. Riêng Chành vẫn vậy có khác chăng là đen hơn, cứng cỏi hơn nhưng vẫn cứ thấy trần trụi và cục mịch làm sao. Chành vẫn thường hái cho tôi màu hoa núi tím. Tôi nhận hoài đâm ra ngại, người lớn nói ra nói vào. Thanh niên khác trẻ con là vậy. Mà không nhận sợ Chành buồn. Chành vốn đã nhiều nỗi buồn rồi. Sao chỉ có một mình Xuyên hiểu? Chành hỏi. Tôi mắc cở, tại bị một hồi mãi không nói được. Xuyên ở lại với làng mãi mãi không rời nhé! Chành nhìn xa xăm. Tôi nghe câu hỏi có phần bùi ngùi. Nhất định rồi Chành ạ. Mình lớn lên từ đất gừng xin nguyện được chết với đất gừng. Hai đứa nắm tay nhau. Chiều núi màu vàng mật sâm sẫm.
Tạm biệt Chành. Tôi không biết phải nói gì hơn. Tôi là một cô gái kém cỏi. Rớt 12 tôi quay cuồng chệnh choạng. Dì tôi mắc nối: Sao không cho con bé học lấy một nghề gì? Cứ dúi đầu ở đất ấy rồi hư nó ra. Ba tôi thấm buồn. Người duy nhất ở làng chống chọi việc dân rời bỏ làng giờ chuẩn bị đưa con gái mình ra đi. Chành nhìn tôi phía xa. Thật lâu sau anh mới qua đi. Tôi thấy màu hoa núi rớt từ tay anh nhè nhẹ xuống đất, vở tan…
Tôi khóc tức tưởi, trèo lên ngọn đồi cao. Tháng chạp nồng nồng hương gừng hăng hắc, và cỏ và gió lồng lộng trong lồng ngực non tơ. Tôi thèm có bàn tay Chành nhè nhẹ đụng tay tôi lúc tôi ra đi. Cuối cùng tôi vẫn là một người chối bỏ núm ruột quê nhà để đi đến vùng đất khác. Thoáng chốc tôi mơ một giấc mơ ngắn. Thấy mình xúng xính trong chiếc quần jean bó và khoác chiếc áo đỏ lủng lẳng… Tôi giật mình vội vã chạy thật nhanh về nhà. Sáng hôm sau thì đi.
Xóm núi vào mùa gừng phơi. Nhà bên núi không còn xụp xệ nữa mà xây lên đó những căn nhà nho nhỏ như ngôi miếu có lót gạch hoa. Trông nghịch lý nhưng cũng dễ hiểu. Thanh niên trong làng bỏ dần lên tỉnh tìm kế sinh nhai, làng còn lại những cụ già mặn nồng với hương gừng tổ tiên, còn buồn tay nhớ chiếc hoa rơm ngồi kết. Tôi không buồn nhưng nhớ nên tự tay kết cho mình chiếc nón rơm đội lên đầu trần. Tôi thầm cảm ơn vì lúc trở về, tôi còn được nghe hương gừng âm ấm. Còn thấy một vài vạt gừng xanh bên nhà và cỏ và gió của tôi ngày xưa còn đó. Có đều cứ nhàn nhạt và thưa. Vào giờ này Chành đã đi làm. Anh có vợ. Hoa núi trao tay người con gái khác, một cô gái biết yêu núm đất quê nhà. Tôi cho thế là phải là hạnh phúc. Cần phải có nhiều những người như vợ chồng anh Chành để làng gừng còn giữ được chút riêng, để đất gừng thôi tủi hổ. Sẽ còn nặng lòng với hương gừng lắm, tôi biết vậy.
Không còn Mân và Chành. Một mình tôi lẳng lặng lên núi nhìn thơ thẩn. Tôi ước mình có thể lớn hơn để ôm trọn làng núi vào lòng chỉ muốn hít lấy hít để hương gừng nồng ấm ấy.
Già làng uống nước gừng ngàn năm quằn quại chết như người phải tội. Ai cũng đồn bà ấy từng có một đứa con song chẳng ai muốn điều tra thêm vì cái tài khéo léo đan hoa cỏ. Tôi đánh rơi nước mắt. Thèm ngậm một lát gừng khô, thèm tẩn mẩnmân mê thứ cỏ rơm tinh tế. Tôi cảm nhận một điều dường như tôi và Mân ngày mỗi ngày dần lạt hoá đi chỉ mỗi đất gừng thắm lại…
Tháng chạp. Tôi hộc tốc về quê chỉ sợ không kịp. Tôi đợi mùa tết bằng hương gừng nồng nồng cay cay, sẽ đem tinh cất làm vị tết. Màu vàng của cỏ làm màu tết và gió và núi là chất kết tinh, tất cả chỉ để quyện vào một xóm núi tháng chạp quê tôi…