Năm Đinh Sửu (1757) Chúa Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765) cho thành lập 5 đạo gồm: đạo Đông Khẩu ở phía nam sông Sa Đéc, đạo Tân Châu ở đầu Cù lao Giêng (chứ không phải tại thị trấn Tân Châu nay), đạo Châu Đốc, đạo Kiên Giang ơ Giá Khê (Rạch Giá), và đạo Long Xuyên (Cà Mau). Ba đạo kề trước đều thuộc diện địa tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh do Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh xin đặt; hai đạo sau do Mạc Thiên Tích xin đặt.
Đạo là khu vực hành chính và quân sự, có đồn binh, quân binh lấy từ dinh Long Hồ để trấn áp, và có lỵ sở hành chính của đất ấy đóng ở đó, theo chế độ quân quản. Ngoài chức năng đảm bảo an ninh trong vùng, các đạo còn có nhiệm vụ tiếp cứu nhau khi có việc. Cụ thể, đạo Tân Châu chịu trách nhiệm phía Tiền Giang, đạo Châu Đốc chịu trách nhiệm phía Hậu Giang, đạo Đông Khẩu ngoài nhiệm vụ yểm trợ cho hai đạo phía trước, còn là tiền đồn trấn giữ Vĩnh Long xưa. Không chỉ thế nó còn là nơi che chắn tầm xa cho Mỹ Tho, Gia Định nếu giặc xuôi theo đại giang từ biên giới
xuống. Cho nên vai trò của đạo Đông Khẩu là rất quan trọng. Sau, do bộ máy triều đình đã vươn xuống, đồn bảo được lập dựng tương đối đều khắp các nơi hiểm yếu, việc phòng thủ được xem đã hoàn bị, cấp hành chính dinh không còn, vai trò các đạo do đó không cần thiết, nên bỏ vào thời Gia Long.
Để biết qua đôi nét về hoạt động của đạo Đông Khẩu, trước hết tưởng cũng nên tìm hiểu xem vị chỉ huy đạo này là ai, và ông có công trạng gì với nhân dân?
Theo Đại Nam nhất thống chí, phần viết về tỉnh An Giang, mục đền miếu, sơ thời, các đàn Xã tắc, Tiên nông, Sơn xuyên cả Văn miếu, tỉnh này “đều chưa dựng”, chỉ có miếu Thành hoàng, và đền Lễ công (thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh) và đền Sĩ Hòa Hầu. Sách đã dẫn cho biết, đền Sĩ Hòa Hầu ở thôn Vĩnh Phước, huyện Vĩnh An, (phủ Tân Thành), thờ Cai cơ đạo Đông Khẩu là Đặc tiến phụ quốc, tước Sĩ (trước là Nhân) Hòa Hầu. Hầu là người huyện Tống Sơn đời trước, vâng mệnh coi đạo này, bọn gian tế phải náu. Chết dân lập đền thờ, cầu đảo hay nghiệm.
Sử ghi quá vắn tắt, nếu chỉ đọc lướt ta không thể nào biết thêm hành trạng của ông. Rất may là sử có ghi thêm “trước là Nhân”, tư đó truy sách sử mới biết rõ tên ông là Nguyễn Hữu Nhân, được phong tước Hầu , gọi Nhân Hòa Hầu (tức Sĩ Hòa Hầu),ông người Tống Sơn (Thanh Hóa), đóng góp rất nhiều công trận trong công cuộc Nam tiến .Sau khi đã lãnh trọng trách trấn đóng ở nhiều nơi, ông phụng mạng thẳng vào châu Định Viễn (đặt ra năm 1732 , đến 1808 Gia Long đổi thành phủ Định Viễn) lãnh chức Cai cơ dinh Long Hồ (Vĩnh Long nay) lo cuộc bảo vệ và mở mang miền Nam. Tại đây ông không chỉ ngày đêm lo canh phòng bọn giặc mà còn thẳng tay bài trừ du đảng, khuyên dân bỏ hết các tệ đoan. Khi chết dân địa phương rất thương kính, lập đền thờ. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) nhà vua ban sắc gia phong cho ông là”Quảng ân thực đức trung đẳng thần” chuẩn cho thôn Vĩnh Phước phụng tự.
Sách Gia Định thành thông chí khi viết về trấn Hà Tiên cho biết ông Nhân (Nhơn) còn co tước là Nhơn Thanh Hầu :”Cai đội(1) đạo Đông Khẩu là Nhơn Thanh Hầu Nguyễn Hữu Nhân đón đánh binh Tiêm ở thủ Cường Thành Hậu Giang, chận lối hiểm, xuất Kỳ binh đánh luôn mấy trận đều thắng cả, thâu được chiến thuyền của Tiêm 10 chiếc, binh Tiêm do đường bộ chạy trốn bị chém, và bị đói khát chết quá nửa, sau quân Tiêm cho đất Long Hồ là nhiều chỗ hiểm yếu không dám tái phạm”.
Theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong ,năm 1769 vua Tiêm là Trịnh Nhã Tân tổ chức một cuộc chinh phạt lớn, chia làm hai đạo kéo xuống vây đánh Hà Tiên, chiếm cứ núi Tô Châu, bắn đại bác vào thành, phóng hỏa đốt dinh. Mạc Thiên Tứ quyết liệt chống đánh nhưng không lại, bèn phá vòng vây, do đường biển chạy xuống Rạch Giá, rồi qua Trấn Giang (Cần Thơ). Nhờ gặp Lưu thủ Long Hồ Tống Phước Hợp đem binh thuyền tới cứu, phản công thẳng tới Châu Đốc. Quân Tiêm rút lui, nhưng không biết đường lầm vào kinh rạch không có lối ra, đại binh ta áp đuổi tới, chém được hơn 300 tên, chúng phải chạy thục mạng về Hà Tiên, bị Cai Đội(1) đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân đón đánh, quân Tiêm chết quá nửa. Tuy vậy chúng cũng vẫn chiếm Hà Tiên. Quân triều đình sau đó (1772) do Nguyễn Cửu Đàm làm Khâm sai chánh thống suất đốc chiến, đem 10.000 quân thủy bộ của hai dinh Bình Khương, Bình Thuận và 3o chiến thuyền vào Nam, tiến theo đường Tiền Giang, phối hợp với Cai bộ (1) dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên lãnh 3.000 quân và 50 thuyền của đạo Đông Khẩu, do đường biển tiến đến Kiên Giang đánh phá được liên quân Tiêm – Lạp. Vua Tiêm và Nặc Nộn đều chạy. Quân ta thu phục lại những nơi bị chiếm.
Trong khi đó , theo Mạc Thị gia phả thì “các thuộc viên coi giữ cửa ải Châu Đốc không chịu canh phòng nghiêm mật, cho nên chiến thuyền giặc nhân cơ hội đó đột nhập, khiến họ trở tay không kịp, đều bị giặc giết. Giặc còn giết đến sáu, bảy trăm cư dân. Các thuộc viên ở Đông Khẩu được tin cấp báo bèn đem quân bản bộ ra chống cự, chiến thuyền giặc đi lạc đường, vào lầm ở một cái ghềnh rất hiểm, quân Đông Khẩu của ta tiến đến mà đánh , chúng lâm vào thế cùng, phải bỏ thuyền lên bờ chạy trốn. Quân ta đuổi kịp, giết hết rồi đem xác ra phơi. Đạo hậu binh của giặc đi sau nghe tin đạo quân tiên phong đã bị tiêu diệt thì không dám tiến nữa mà tìm đường rút lui”.
Qua trên ta thấy có vài chi tiết cần nghiên cứu thêm như:
Về việc Nguyễn Khoa Thuyên lãnh 3.000 quân và 50 thuyền (hiểu là chiến thuyền) của đạo Đông Khẩu, có thể không sát đúng, vì (cũng theo lời thuật kể của Khoa Thuyên ghi trong Phủ Biên tạp lục) ,thủ ngự miền Tiền Giang, giữ đạo Đông Khẩu, quân 5 đội, mỗi đội 3 thuyền (1), mỗi thuyền 48 người, cộng 720 người; chiến thuyền 15 chiếc. Rõ ràng, tổng số quân của đạo Đông Khẩu chỉ có 720 người !
Quân ở đạo Châu Đốc cũng 720 người, thế mà quân Tiêm tiến đánh “trở tay không kịp đều bị giặc giết” thì quả là quá vô lý. Thêm nữa, cho rằng” giặc còn giết sáu, bảy trăm cư dân” là điều rất đáng ngờ, bởi vào Canh dần (l830) tức hơn nửa thế kỷ sau đó “xứ Châu Đốc mới lập được 41 xã, thôn, phường, dân đinh chỉ được hơn 800 người” (Quốc triều chánh biên toát yếu) !
Tuy vậy, điều không thể không ghi nhận là quân của đạo Đông Khẩu không những chu toàn trách nhiệm coi giữ xứ Sa Đéc mà còn kịp thời chi viện ứng cứu có hiệu quả các “đạo bạn” trong vùng.
Như đã có nói ở trên, đến thời Gia Long các đạo đều giải thể, do đó sách Đại Nam nhất thống chí ghi về cổ tích , An Giang tỉnh:”Đạo Đông Khẩu cũ: Ở bờ phía nam sông Sa Đét (2) thuộc địa phận huyện Vĩnh An, đặt từ năm Đinh sửu [1757], đầu đời trung hưng, nay bỏ”. Sách đã dẫn mô tả thêm toàn khu vực, phần núi sông:”Sông Sa Đét (sic): Ở bờ phía nam sông Tiền Giang, cách huyện Vĩnh An 8 dặm về phía bắc, rộng 21 trượng , sâu 28 thước, nước trong và lành , vườn ruộng mở mang, dân giàu và đông đúc. Trước kia đạo Đông Khẩu đóng ở phía nam, phố chợ liên tiếp ở phía bắc, thuyền bè tụ tập, bên tả có bến Tiên Phố, bên hữu có bãi Phượng Nga, lại có la thành hộ vệ, có thể gọi là thắng cảnh. Về phía tây nam qua ngòi Dầu, đến Nước Xoáy gồm 24 dặm, ở đây mạch đất thắt lại , dòng nước xoáy vòng” (3).
Đúng như những người biên soạn sách Lược sử vùng đất Nam Bộ – Việt Nam :đến năm 1757 những phần đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ mà trên thực tế đã thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn từ trước đó, chính thức thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau này dưới thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), tuy có một số địa điểm vẫn còn được tiếp tục điều chỉnh, nhưng trên căn bản khu vực biên giới tây nam Việt Nam đã được hoạch định từ năm 1757”, tức cách nay (2007) vừa tròn 250 năm.
Nói chung thì vậy, còn nói riêng ta thấy, để có Sa Đéc sầm uất ngày nay, ngay từ buổi sơ thời dựng đặt Nguyễn Cư Trinh với nhãn quan của một nhà chính trị sâu sắc, ông đã chủ trương đặt đạo Đông Khẩu tại đây, về mặt chiến lược là nơi rất hiểm yếu, và nó đã phát huy tác dụng rất hiệu quả, cụ thể là đảm bảo an ninh, an toàn lãnh thổ, góp phần không nhỏ cho cuộc Nam tiến dân tộc thành công. Nhờ đó Sa Đéc sớm trở thành nơi đô hội. Đô hội mà ấm áp tĩnh lặng! Ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã phải nghiêng mình thừa nhận “Sa Đéc là khu vườn của Nam Bộ”. Và cho đến ngày nay, nếu vùng đất Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp là nơi đầy ắp những sự kiện lịch sử, và là vùng sinh thái có nhiều nét đặc trưng, đặc biệt nổi tiếng là trái cây và hoa kiểng…, thì người Sa Đéc trước sau vẫn mang trong người dòng máu anh hùng dân tộc, lại rất hiền hòa chân chất, rất dễ mến, dễ thương !
Chú thích
(1) Ta biết, về binh bị thời các Chúa Nguyễn, quân đội có bộ binh, thủy binh và tượng binh, chia làm thuyền, đội, cơ, dinh. Thuyền (không phải ghe) là đơn vị thấp nhất. Điều khiển đội có Cai đội và Đội trưởng; điều khiển cơ có Chưởng cơ và Cai cơ. Dinh là một quân đoàn, cũng gồm nhiều thuyền, đội như cơ, do Chưởng dinh cầm đầu. Cũng như quân số các cấp khác, đều có chênh lệch chứ không nhất thiết phải bằng nhau, quân của dinh có khi ít hơn một cơ nào đó. Chưởng dinh là chức quan cao nhất trong quân đội ,tất nhiên khi cần thiết phối hợp sẽ có chức quan thống suất – khâm sai.Vậy Cai đội và Cai cơ là hai chức cấp khác nhau – Cai đội nhỏ hơn Cai cơ vì là chức quan võ thấp nhất. Nguyễn Hữu Nhân được phong tước Hầu (là một trong năm
tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam mà theo Phủ Biên tạp lục thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát tước Quận Công chỉ dành tặng cho những người có đại công trong hoàng tộc, do đó người được phong tước Hầu là rất cao quý .Sách Đại Nam nhất thống chí ghi ông là Cai cơ có lẽ đúng hơn (hay trước đó ông là Cai đội ?) . Còn Cai bộ thì khác, đây là một trong ba chức quan to cai trị cấp dinh: Trấn thủ, Cai bộ, Ký lục .
(2) Về địa danh này sách Đại Nam nhất thống chí trước sau đều ghi là Đét (không viết Đéc như hiện nay. Tra “sách thày”, bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của không thấy co mục từ Đéc mà chỉ có mục từ Đét, giải:Bộ sợ sệt, bộ lấm lét.
Sợ đét; đét mặt: bộ sợ lắm mà lại mất cở; mắng đét: mắng đến, làm cho phải sợ cùng xấu hổ. Phải chăng Đét bị viết trại là Đéc ? (Cũng giống như chữ Bàn với nghĩa cái bàn của địa danh Nhà Bàn thuộc huyện Tịnh Biên ở An Giang, bị viết trại là Bàng, rồi nhân đó giải thích là cỏ bàng dùng đươn đệm !
(3) Sách Gia Định thành thông chí cũng mô tả như thế và giải thêm về sông này :”…. Có đạo Đông Khẩu ở phía nam, chợ phố liên lạc, ghe thuyền nhóm đông, làm chỗ đại đô hội cho trấn này. Phía tả có Tiên Phố (thuộc về thôn Tân Qui Đông, mõm cát trắng lè ra như cái lưỡi, nước trong, gió mát, sông êm, người ta thường đậu thuyền nơi ấy, không có ruồi muỗi quấy nhiễu nên gọi là Tiên. Phía hữu có bãi Phụng Nga hình như la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững yên. Chảy qua tây nam 33 dặm có Rạch Dầu (ở bờ phía tây), rạch Nàng Hai (ở bờ phía đông), rạch Sa Nhân (ở bờ phía tây), rồi đến ngã ba Nước Xoáy, mạch đất bị đến khẩn cấp, dòng nước chảy loanh quanh như kiểu chữ chi chữ huyền, để giữ chặt khí sinh vượng.