Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.781
 
Chiều thảo nguyên lộng gió
Lê Tấn Sang

Khang gọi điện về: Anh à! Em nhớ anh nhớ ngoại, nhớ căn nhà gỗ, nhớ cái đồi xanh sau nhà yên bình mỗi chiều nhớ quá… - Có tiếng thúc thít khóc. Toàn ôm tai nghe đau quắt quay bất lực: “Nhà không còn ai hả em?” “Trời đang mưa lớn lắm. Có mỗi mình em trong phòng ba má đang xem phim dưới nhà. Anh nhắn ngoại cho em về lại dưới đó thôi. Trên đây mình em thui thủi buồn lắm!” “Ừ, để anh nói lại ngoại xem. Ráng nghen em vượt qua vài ngày rồi sẽ quen thôi mà.” Đầu dây bên kia im bặt một hồi nghe tiếng cúp máy. Toàn gác máy đi như chạy xuống nhà. “Ngoại ơi, Khang đang buồn lắm, Khang muốn về nhà.” Ngoại nhai trầu, “Ai cũng thế thôi cháu à mấy ngày đầu rồi hẳn quen.” Toàn thấy nao nao lòng, đợi đến khi Khang quen với nếp sống mới chắc sẽ còn khóc nhiều lắm bà ơi! “Đừng gọi cho nó. Hãy để tự nó vượt qua sẽ hay hơn!” Ánh mắt bà chan chứa một nỗi buồn. Toàn biết bà muốn tốt cho Khang mới nói thế. Từ nhỏ đến giờ tình yêu thương của bà luôn ấm áp che chở Khang và Toàn. Ba mẹ Khang làm ăn xa giờ nên chốn nên nhà rước Khang về ở. Khang đi. Toàn ở lại nhìn theo tiếc nuối những buổi chiều chạy nhảy với Khang trên thảm nguyên xanh sau nhà. Tận trong lòng, Toàn muốn níu giữ lại một chút gì đó nhưng không biết phải làm thế nào. Toàn thượng lên chiếc xe đạp chạy hết quãng dốc tiễn biệt cái bóng nhỏ nhắn thân yêu. Người lái xe nhìn Toàn xua tay: “Chú mày về đi chứ, tao không nở chút nào?” Chiếc xe đạp cuộn sên đứng yên. Toàn nhìn theo đến khi chiếc xe đò chỉ còn là một chấm nhỏ rồi mất hút trong bụi mờ. “Bà ơi nếu không quen trên ấy thì cho Khang về nhà bà nhé!” Bà cười: “Sao lại không quen khéo lo. Máu mủ cả tự khắc sẽ gắn kết với nhau. Bà chỉ sợ một ngày kia lại có người đến rước cháu đi, lúc ấy không biết bà phải làm thế nào.” Toàn ôm bà khóc ti tỉ “ Không có đâu bà. Họ bỏ cháu ngoài cổng đình là xem như đã vứt đi rồi!”.

 

“Anh à, em muốn về nhà. Em hết chịu nỗi rồi. Trên đây con người ta sống lạnh lùng, nhìn nhau bằng con mắt xét nét, em sợ lắm. Giá có anh và bà ở bên em lúc này. Sống mà khổ sở thế này chắc em chết mất thôi.”

 

Toàn chạy ra sau nhà băng qua thảm nguyên gọi lớn: “Khang ơi…” Chiều trôi vô tận. Thành phố ở phía nào? Thành phố ở xa quá, xa dịu vợi cách tầm tay có thể cho Toàn chạy đến bên Khang. “ Bà ơi, cho Khang về đi bà. Cả con cũng nhớ Khang lắm!” Bà ngồi im lìm trong góc vách. Toàn đứng lặng hồi lâu rồi lủi thủi ra sau nhà. Thế là xa thật, xa mãi mãi rồi Khang ơi. Ai có ngờ cái lần từ biệt nhau ấy là lần cuối cùng mình gặp nhau. Cái khoảng cách địa lý không xa mà cái vạch vô hình tưởng chừng vô hại lại có một sức mạnh đến vậy. Bà ơi, làm sao để trở về những ngày trước hở bà!

 

Hết một tuần rồi không thấy Khang gọi về nhà. Toàn nửa vui nửa lưu luyến điều gì. Bà cười: “Đấy cháu xem, ổn cả ấy mà! Cơ mà sao cháu buồn?” Bà không hiểu? Cả Toàn còn không hiểu chính mình! Bà có buồn nỗi buồn như cháu không? Toàn đứng giữa thảo nguyên xanh ngát hứng vào tay mình chất nồng đượm của những chiếc lá khô cuối chiều mùi ngai ngái ẩm mốc. Ngày xưa Khang thích nhặt lá khô đem về đốt toả khói trước sân. Giờ thì chẳng còn như ngày xưa nữa! Toàn tự tay nhặt từng chiếc lá thấy chan chứa râm rỉ dòng thơ ấu tích tắc quay ngược. Bà ơi, bà có buồn nỗi buồn như cháu không?!

 

Bác bưu tá dựng xe trước sân hỏi: “Ai là Toàn ra nhận thư?” Toàn nhìn ngơ ngác, tò mò bốc ra: Ngoại à! Con, Khang của ngoại đây. Bà nghiêng ngọn đền dầu cười móm mém: “Phải rồi phải rồi, cái con nhỏ chữ viết của nó đây chứ đâu, phải không Toàn?” Toàn gật đầu. “Cháu viết vào cho bà, bảo nó bà khoẻ lắm. Rỗi rãi về thăm bà!” “Nhưng bà đang bệnh?” “Đừng để nó lo. Cứ viết y lời bà dặn.”

 

Buổi chiều. Toàn đẩy xe đưa bà ra thảo nguyên sau nhà thư thả. “Cho bà ra đồi!” bà nì nài. Toàn nhấc bà lên xe. Nhẹ bổng. Thấy ngày chuối chín sau vườn không còn xa. “Gọi cho Khang về bà nhé!” “Ừ! bảo nó bắc cơm đi là vừa, xế rồi.” Toàn đau thắt ôm hai bờ vai mỏng manh. Bà yếu quá rồi!

 

Chiều thảo nguyên hoang dại. Những chiếc lá cuối thu bay phất phơ như là tơ lụa. Bà ngồi dưới bóng cây me già trụi lá, mắt kèm nhèm đan nón len. Ngày xưa bà đan cho Khang và Toàn mỗi đứa một chiếc áo len. Của Khang màu cam, còn Toàn màu trắng. Hai đứa chạy khắp đồi thảo nguyên lộng gió như hai con bướm nhỏ nhít xinh xinh. Toàn nhớ Khang có đôi mắt to đen lái, mỗi lần cười đôi mắt ấy khiến Toàn ngạc nhiên. Bây giờ thì đôi mắt ấy mờ ảo và xa xăm muôn nghìn dặm, nghĩa là xa lắm! Bà vẫn còn thói quen đan len vào mỗi chiều thảo nguyên. Toàn ngồi trên chiếc xích đu bằng dây leo ngó trời xanh thẩm ở phía trời xa, chỗ ấy mờ mờ những ngôi nhà kiên cố cao cao. Thành phố. Khang ở trong đó. Chắc buồn lắm vì không còn bay nhảy trên thảo nguyên mỗi chiều. Khang bây giờ lo học, ngày học Anh Văn, tối chăm chút học thêm Tin. Khang thành người thành phố rồi bà ạ! Người thành phố lúc nào cũng bận rộn như lời cô Hạnh nói. Bận rộn đến nỗi không thèm gọi điện về, ngoằn nghèo vài chữ trong thư rồi gởi đi sao? Mối đa nghi cứ lớn mãi trong lòng Toàn.

 

“Em về thăm bà, bà bệnh nặng rồi!” “Em sẽ về liền nhưng phải qua kỳ thi chứng chỉ này đã, học đến đây bỏ nửa chừng thì tiếc lắm?” Toàn gác máy cái cụp. Chẳng lẽ đến chết ngồi dậy đợi Khang về nhà?. Đôi mắt bà đờ đẫn: “ Thế nào hả cháu?” Toàn đến cầm tay bà: “Khang về liền bà ạ.” Bà cười hốc hác: “Đừng để nó biết bà bệnh. Nó lo. Bà lại không an tâm.” Toàn giận: “Bà thì lúc nào cũng…”

 

Một tuần không thấy bóng Khang quay về. Mắt bà mờ ảo đợi. Toàn gởi bà cho cô Hạnh rồi nhóng chuyến xe đò chở Khang lên thành phố. Thành phố không khác những gì Toàn nghĩ. Ồn ào và nhiều khói bụi. Có điều làm Toàn không ngờ là con người ở đây ghẻ lạnh nhau cả trong lời nói. Toàn bấm chuông đợi. Gặp Khang. Khang giờ khác lắm. Tóc thẳng đơ, da trắng cả cái áo cái quần cũng khác xưa. Toàn nhìn lại thấy mình ngờ ngệch quê mùa không tự nhiên. Bước vào nhà cứ lo không đủ lễ với ba mẹ Khang. Khang có phòng riêng ở trên gác, sang trọng và hào nhoáng. Toàn vừa dợm chân, có tiếng nhắc khéo: “Ở dưới này nói chuyện được không con?” Khang lắc đầu: “Đây là anh Toàn đâu phải người dưng.” Toàn thấy mình thừa thải, quấy rối.

 

“Cảnh nhà mình vẫn vậy hả anh?” “Không! Nơi ấy bây giờ đìu hiu và quạnh quẽ lắm!” “Anh nói chuyện cứ như mấy nhà văn”. Toàn đỏ mặt ngó lơ ngơ “À, ngoại đang… không, ngoại nhớ em nhiều và đợi em về mỗi chiều!” Khang cuối đầu buồn thiu. Toàn ngước nhìn cái chuông gió nhỏ im lìm. Một lúc. “Xin lỗi Khang, bà bệnh nặng lắm rồi. Em về kẻo không kịp.” Khang ngước lên đôi mắt ràn rụa “Em sẽ cùng về vơi anh thăm bà”.

 

Chiếc xe đò trần ải  bon bon lướt bụi mù thành phố về thôn làng yên tĩnh. Bên Toàn giờ đây là Khang mà sao Toàn không hình dung được là Khang của ngày nào. Xa lạ quá! “Em ở trên này có quen không?” “Anh đừng lo cho em. Bây giờ em đã khác xưa nhiều lắm! Chính chắn hơn và biết tự lo cho mình.” Có một nối sợ đan xen trong lòng. Câu nói: Em đã khác xưa nhiều lắm cứ dai dẳng trong tâm trí Toàn. Có cần phải thế không Khang? Song lại tự thấy giận mình vì lòng ích kỷ, vô duyên. Thành phố còn thay đổi từng giờ, bốn mùa trong một năm con thay đổi huống gì Khang? Chuyến đi mang nhiều thất vọng không như những gì Toàn tưởng.

 

Khang về thăm bà được hai hôm thì đi. Không luyến tiếc. Qua cầu thì gió bay. Người ta giũ lụa dưới sông cũng thế! Toàn đứng trên đồi mong một lần Khang ngóng lại ngôi nhà gỗ coi như lưu luyến những ngày thơ ấu mà không thấy. Bây giờ là xa thật, xa mãi mãi rồi bà ơi. Tự dưng Toàn thấy cái đồi sau nhà mình vô duyên quá khi không trên đồi lại có thảo nguyên xanh rồi tự thấy mình hối hận. Lẽ nào mày rồ rồi ư Toàn? Dẫu gì thì thảo nguyên này cũng là cái nôi nuôi lớn mày. Lòng Toàn chông chênh nhưng thư thái lạ. Cái gì cũng rõ ra một lần vẫn hay hơn. Điều đó khiến Toàn thấy nhẹ nhõm. Toàn nhận ra một điều: Buổi chiều nếu không có gió hiu hắt thì cũng buồn thiệt. Anh tà dương phía cuối trời đỏ lựng. Ngày xưa mặt trời không đỏ như thế?

 

“Cho bà lên đồi cho bà lên đồi!” Toàn dỗ: “Vâng, cháu đưa bà lên đồi!” Thảo nguyên cô độc. Hai bà cháu dựa vào nhau. Chiều trôi vô tận. “Bà thấy nó dạo này ốm lắm!” Toàn ngạc nhiên, rồi chợt nhớ bà đang nói đến ai liền gật đầu “Không phải là ốm đâu bà ạ, cái đó người ta gọi là mốt.” “Bà chỉ tội nghiệp cho mày, thằng cù lần ạ!” Bà lúc nhớ lúc quên, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy người già thường hay như thế. “Lúc bà chết mày chôn bà ở đây, dưới gốc me già này.” “Bà sống mãi đến muôn đời bà ạ!” “Cháu khờ lắm! Con người ai mà không một lần phải chết. Bà sống với con vào những ngày cuối đời vầy là mãn nguyện, an ủi lắm rồi!” Toàn biết bà biết tất cả nhưng cố giấu trong lòng. Vả chăng có nói ra cũng chẳng được gì. Ai lại kết tội một người chỉ vì người ấy khác xưa. Mà Khang thật tình không có tội. Thật thế!

 

Cô Hạnh hớt hải chạy lên đồi thất thanh: Toàn ơi… Mày đâu? Về mau, bà đang hấp hối.

Bà…

Toàn quơ quào bấm máy, bên kia chỉ độc một tiếng tút dài vô nghĩa. Vậy là em không còn được thấy mặt bà lần cuối rồi Khang ơi…

 

“Bà đi chỉ thương mày côi cút lẻ loi trên cõi đời này. Bà chẳng thể làm gì được cho cháu nữa, thời gian đang dần rút ngắn sự sống của bà…” Toàn ôm bà, thấy sương khói đã phủ kín mất rồi. “Bà chưa kịp trao cho nó cái nón len. Toàn à, cháu giao hộ bà, bà mệt lắm…” Toàn thét lên: “Bà ơi, bà ơi…” Cô Hạnh cầm tay Toàn: “Thôi đừng khóc nữa cháu. Bà đã đi rồi.”

 

Còn lại một mình Toàn với ngọn đồi xanh thẩm. Cây me già đã thôi không còn rụng lá chỗ bà nằm yên giấc. Mấy bữa trước Khang có về khóc vật vã hai ngày rồi lại đi. Toàn biết không còn gì để lưu luyến được nữa. Khang có cuộc sống riêng. Bà là sợi dây nối hai người xa lạ Toàn và Khang, nối căn nhà gỗ với bà cháu. Giờ bà mất mối dây cũng đứt đoạn xem như một mối duyên gặp nhau rồi xa nhau. Lẽ vô thường trong trời đất muôn đời vẫn vậy. Có lẽ bà biết được điều đó phải không bà? Hai cái nón len cuối cùng của đời bà hiển hiện cái gì đó gọi là cũ kỹ xa xưa nhưng bà ơi làm sao đây khi cái hiện tại vẫn xoay đều và ngày mỗi đổi mới khác đi. Toàn ôm tập hình cũ thấy ngày xưa đã xưa quá rồi. Thời gian vô tình và cuốn trôi đi tất cả. Kỹ niệm giờ như bọt bóng xà phòng căn lên rồi vụt bể mang theo những gì vốn có. Toàn cầm hai chiếc nón len một cam, một trắng và cả tập hình xưa đem cất vào tủ kính khoá kỹ. Thôi thì cứ để thời gian niêm phong nó. Khi nào Khang còn nhớ đến ngôi nhà gỗ và những kỹ niệm ắt hẳn sẽ có cách để tìm ra. Người ta vẫn thường tỏ ra luyến tiếc một ngày xưa khi đã mỏi mệt quay về. Ngọn đồi xanh bây giờ hoang vu đầy gió và lắm cỏ dại, cũng đã lâu rồi thiếu người đi qua. Đêm đêm trong giấc ngủ mong manh Toàn mơ thấy ngày Khang trở về. Khang mặc chiếc áo len, đầu đội mũ len màu cam. Cô chạy trên quảng đồi xanh. Bà ngồi dưới bóng me râm tay đan len. Chiều thảo nguyên lồng lộng gió…

Lê Tấn Sang
Số lần đọc: 2091
Ngày đăng: 24.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một mùa bông vang nở - Hoa Ngõ Hạnh
Miền hoa dại - Vũ Dy
Tháng chạp xóm núi - Lê Tấn Sang
Tráo ông địa - Nguyễn Nguyên An
Ngộ sát - Lê Xuân Quang
Trò chuyện một mình - Ngô Phan Lưu
Cái hàng rào - Mai Văn Sang
Giấc mộng Hoàng Lan - Võ Tấn Cường
Ông già và con chim Hoàng Ly - Mang Viên Long
Ngày mai mẹ đi lấy chồng - Vạn Thiên Thanh
Cùng một tác giả
Tháng chạp xóm núi (truyện ngắn)