Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.146
123.202.995
 
Những vần thơ in bóng quê nhà
Lê Huỳnh Lâm

(Đọc tập thơ “Viết dưới bóng quê nhà” của Lê Văn Ngăn)

 

Sự khác biệt trong mỗi chúng ta, ngoài dáng vẻ bên ngoài còn có tính cách bên trong. Với lĩnh vực thi ca, để có được một tính cách riêng, ngoài tài năng, đòi hỏi nội lực sáng tạo và sức lao động miệt mài của tác giả. Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã đến với người yêu thơ từ rất lâu, nhưng mãi đến hôm nay tập thơ “Viết dưới bóng quê nhà” mới chính thức ra mắt, làm nên một tính cách Lê Văn Ngăn với âm điệu nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng đầy ắp tình người, tình hoài hương, qua bức “Thư về quê hương”:

 

Nơi tôi có một mái nhà từ quá khứ, người mẹ đêm đêm thức dậy dưới nền trời sao, nhen lên bếp lửa đầu ngày

…đêm đêm, theo đợt gió mùa thổi mãi ngoài hiên tôi thầm gởi lời mong quê hương tôi thêm nhiều hạnh phúc.

 

Như lời “Giới thiệu” của tác giả, cũng chính là nỗi niềm của người con đối với mẹ già:

 

mẹ vẫn lấy chữ nghĩa trộn với mồ hôi của mình

 

Để đến một ngày anh đã “leo lên bờ vực tối, sống ngang hàng giữa mọi người” và giữa những đêm khuya khoắt, người con thi sĩ vẫn hằng nhớ đến mẹ hiền:

Giờ đây, trong những dòng chữ tôi viết giữa đêm khuya

dường như vẫn lấp lánh nước mắt của người đã khuất.

Sinh ra và lớn lên dưới đáy xã hội, tác giả đã trải nghiệm qua những đau khổ mà anh đã cảm nhận được từ một người phu xe, cũng chính là người cha già nuôi anh khôn lớn:

 

Có một người phu xe

Quay cho đủ số vòng quay đau khổ

(Tả thực)

 

Và anh đã nghiệm ra một điều:

 

Đừng bao giờ quên

hạnh phúc đôi khi phải vượt qua một chặng đường bất hạnh.

(Tả thực)

 

Hình ảnh bếp lửa quê nhà đã khắc sâu trong tâm trí nhà thơ, và người đã nhen nhóm bếp lửa chính là mẹ hiền, để:

 

Mỗi buổi mai, lúc nền trời những vì sao chưa tắt

bao nhiêu bếp lửa đã sáng lên trên hành tinh này

và bếp lửa của mẹ, từ tuổi thanh xuân đến tuổi xế chiều

vẫn cháy chập chờn trong căn bếp nhỏ

Mẹ đã khởi đầu sự sống cho con cái mình

bằng một ngọn lửa như thế.

(Một ví dụ về nối tiếp)

 

Như một quy luật của tự nhiên, nỗi ám ảnh đau đớn về sự ly biệt là đặc tính của con người và ngọn lửa hy vọng tiếp nối chính là sự kế thừa về tình yêu thương đã được tác giả biểu hiện:

 

Con sợ đến một ngày, trong âm vang đều của tiếng mưa đêm

con sẽ đứng vào chỗ trống mẹ vừa để lại

một mình nhen lên ngọn lửa buồn buồn

Ngày ấy, nếu không dựa vào quá khứ

chắc con khó lòng nối tiếp sự sống cho những đưa bé mới ra đời.

(Một ví dụ về nối tiếp)

 

Trong thăm thẳm hình bóng quê nhà ấy, hình ảnh người mẹ đã thường trực trong tâm thức người con, để mỗi đêm trên chuyển tàu ký ức trở về ngôi “Nhà cũ” Lê Văn Ngăn đã gọi to:

 

Mẹ ơi, Mẹ ơi

anh thường gọi to trước căn nhà cũ

và bỗng nhiên, từ bóng tối mênh mông

có tiếng người thân yêu vội vàng đáp lại

có cánh cửa vội vàng bật mở

có ánh sáng vội vàng dậy lên cây lá quanh vườn.

Mẹ ơi, Mẹ ơi

anh sợ sẽ đến ngày anh gọi to như thế

nhưng dưới lòng đất, mẹ anh không thể nào đáp lại.

(Nhà cũ)

 

Và hình ảnh cảm động của người mẹ tảo tần nuôi con ăn học đã được tác giả khắc họa trong bài “Mẹ, con và ngọn đèn dầu”:

 

Trong đêm, người mẹ gánh gánh hàng qua xóm nhỏ

và người con trai cầm ngọn đèn đi trước dẫn đường

Dưới mưa phùn, người mẹ mỉm cười

thầm nghĩ những ngày sắp xuân hàng bán đắc hơn những ngày bình thường

đứa con trai sẽ có thêm chút tiền ăn học

mái nhà sẽ sáng lên vài cành hoa mới.

Dưới mưa phùn, người mẹ mỉm cười

nhưng người con trai chợt rưng rưng nước mắt

Chẳng bao lâu nữa mẹ sẽ qua đời

và anh sẽ không còn cầm ngọn đèn dẫn mẹ gánh gồng kiếm sống

Bấy giờ, trong vũ trụ mênh mông

anh biết tìm mẹ ở nơi nào.

 

Rồi từ những quê xứ xa xôi, anh đã nghĩ thật nhiều về người mẹ già , trong bức “Thư gửi mẹ và những nắm tro tàn” anh đã tâm sự:

Trước khi nằm nguội lạnh và lặng im,

tro tàn đã là ngọn lửa ấm dưới nền trời giá rét

đã giúp mẹ nấu các thức ăn để bán kiếm tiền

đã giúp con áo cơm và sách vở.

Sau nhiều năm cách xa, con lại trở về bên căn bếp của mẹ

bên nắm tro tàn nguội lạnh và lặng im

Mẹ đã qua thời thanh xuân ơi, xin mẹ đã đến lúc ngồi nghỉ

con sẽ thu vén gọn gàng nắm tro tàn của ngọn lửa vừa qua

như thu vén kỷ niệm một người đã từng giúp mẹ con chúng ta sống sót

Mẹ đã qua thời thanh xuân ơi, xin mẹ đã đến lúc ngồi nghỉ

con sẽ đem tro tàn đặt dưới gốc hoa

và hoa sẽ ra bông trong tiết lập xuân sắp đến

và mẹ sẽ ngồi ngắm nhìn thầm nhủ: tro tàn cũng làm nên vẻ đẹp.

 

Có những người sinh ra trong yên bình, cũng có những người con sinh ra trong cảnh loạn lạc, có thể những người đó, không có một sự chăm sóc bình thường như những trẻ sơ sinh khác, nhưng dù sao chúng ta cũng không thể nào được quên và cũng không thể nào nhớ được những người bên cạnh chúng ta, từ giây phút mỗi người vừa lọt lòng mẹ chào đời, điều đó mãi mãi là những câu hỏi của tác giả, mà câu trả lời vẫn còn ở phía trước:

 

Lúc tôi mới lọt lòng mẹ

người ý tá nào đã tắm gội cho tôi lần đầu

Người ấy bây giờ ở đâu

còn sống hay đã chết.

(Những câu hỏi chưa được trả lời)

 

Đôi khi có những thời khắc, sự chia sẻ của đồng loại trước nỗi cô độc mà chúng ta chưa cảm nhận, để rồi có những lúc bên nhau mà cứ ngỡ lạ xa, phải chăng đó là sự phi lý mãi tồn tại giữa thế gian này:

 

Đêm tối trời ở thị trấn xa xôi ấy

người đàn ông nào đã đi cùng tôi một đoạn đường

Người ấy bây giờ ở đâu

còn sống hay đã chết.

Mỗi ngày, xuôi ngược dọc đường đời

tôi có thể đi bên cạnh người đã giúp mình

nhưng vẫn ngỡ đấy là người xa lạ.

(Những câu hỏi chưa được trả lời)

 

Mỗi bài thơ của Lê Văn Ngăn là một nỗi niềm trăn trở ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn của nhà thơ. Những trăn trở ấy, đã được thi hoá bằng những hình ảnh bình dị giữa đời thường, qua những tiết nhịp du dương, mở ra cho người đọc một cánh cửa bước vào phương trời sơ nguyên:

 

Tôi sẽ không bao giờ khép lại cánh cửa tâm hồn đã mở

…xin đừng quên nhìn vào bên trong ký ức

Nơi ấy,

tôi còn giữ nguyên vẻ đẹp thuở ban đầu.

(Mở ra một cánh cửa)

 

Đọc tập thơ “Viết dưới bóng quê nhà” của nhà thơ Lê Văn Ngăn, tôi như mường tượng ra gương mặt trầm buồn của một người con âm thầm gửi về mẹ, gửi về quê hương những cảm xúc sâu kín, trong cảm xúc đó là những cơn đau nhói lòng và những hạnh phúc đã được đánh đổi bằng cả cuộc đời khốn khó, như những chiêm nghiệm của anh đã được diễn đạt trong bài “Tả thực”:

Đừng bao giờ quên

hạnh phúc đôi khi phải vượt qua một chặng đường bất hạnh.

Huế, 01/2008

 

Lê Huỳnh Lâm
Số lần đọc: 3527
Ngày đăng: 26.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mạn đàm về sứ mệnh nhà văn :Trao đổi cùng Nguyễn Huy Thiệp, tác giả Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2006. - Thanh Hoa
Hồn Mai trong vườn Huế - Lê Huỳnh Lâm
Cảnh Trà :Người với thơ , thơ với người - Nguyễn Đức Thiện
BA BÀI THƠ - BA TÁC GIẢ : Một Chủ Đề - Một Cấu Trúc-1 - Lê Xuân Quang
BA BÀI THƠ - BA TÁC GIẢ : Một Chủ Đề - Một Cấu Trúc-2 - Lê Xuân Quang
Nhân đọc HOÀ ÂM ÂM ÂM ÂM của Nguyễn Lương Vỵ (Thư Ấn Quán 2007) - Nguyễn Hàn Chung
Đọc tập thơ Vú Đá của Nhất Lâm - Lê Huỳnh Lâm
Lênh đênh một cánh buồm - Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Góp thêm một cách hiểu “Mảnh Trăng Cuối Rừng “của Nguyễn Minh Châu-1 - Bùi Công Thuấn
Góp thêm một cách hiểu “Mảnh Trăng Cuối Rừng “của Nguyễn Minh Châu-2 - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
Đêm (thơ)
Chết (thơ)
Huế (thơ)
Đông ngàn (tạp văn)
Thu Xưa (tạp văn)
Tùy bút cho H. (tạp văn)
Online (thơ)