Mỗi người bước vào cõi thơ và để lại hoặc không để lại dấu ấn bằng một phương cách khác nhau, có người đi vào thơ ca qua những cuộc chiến, có người dùng chính đôi bàn chân mình, hay đôi tay mình, cũng có người bước vào thơ bằng chiếc xe đạp hay xe gắn máy,… nhưng tất cả đều đến với thi ca bằng trái tim. Có thể nói Nguyễn Văn Phương là thi sĩ đầu tiên đã bước vào cõi thơ trên ba bánh xe Xích lô, thơ như chắp cánh cho Xích lô của thi sĩ Phương bay cao hơn. Vậy là sau tập thơ “Có những dòng sông” in chung bốn tác giả năm 1992 do nhà xuất bản Thuận Hoá cấp phép, rồi đến “Chở gió” xuất bản năm 2002, giấy phép của Hội nhà văn và bây giờ là “Xích lô hành” năm 2007. Tất cả những tập sách ra mắt với bạn đọc đều do tấm lòng của anh em và bạn bè thân thiết xa gần của anh Phương góp sức.
Nhớ những đêm khuya thả bước thang lang về, gặp nhau chỉ một đoạn đường ngắn từ cầu Trường Tiền đến cái hẻm nhỏ ở đường Chi Lăng, tôi rẽ vào xóm nhỏ, anh Phương tiếp tục đi về, ngôi nhà anh cách nhà tôi chưa đến một cây số, nhưng đã có rất nhiều bài thơ và những chuyện vui buồn được bày tỏ. Những tháng ngày đó, anh Phương thường gặp Nguyễn Nghĩa, Phan Đạo, Ngô Thiên Thu và Phạm Nguyên Tường cùng một số anh em khác. Mấy anh em ngồi ở quán rượu ven đường của anh Song, dưới cột đèn vàng vọt ở đầu phủ Thọ Xuân, thỉnh thoảng anh Vĩnh Điền, một giáo sư toán thất nghiệp, bước ra từ cảnh giới xa lạ, ngồi với anh em huyên thuyên về chuyện đời, chuyện đạo. Tập thơ “Có những dòng sông” dự định ban đầu gồm bốn tác giả là: Nguyễn Văn Phương, Xuân Dân, Nguyễn Tánh và Vĩnh Điền. Sau sự cố anh Vĩnh Điền rơi vào trạng thái bất thường “không chịu” đưa thơ, thì Ngô Thiên Thu được điền vào thay. Cái thời thiếu ăn, thiếu mặc mà anh em lại mê thơ đến như vậy, cùng nhau dành dụm, quyên góp từng đồng để tập thơ in chung ra mắt mọi người, và kỳ lạ nữa là tập “Có những dòng sông” là tập thơ không cần mục lục. Thơ là như vậy đó. Như lời tâm sự của thi sĩ Phương:
Thơ không giúp được ngươi cơm áo
Thơ chẳng giúp gì ta cháo hồ
Làm một trăm bài đều mộng mị
Đăng vài tờ báo cũng hư vô
Ta xích lô hề! Ngươi xích lô
Ráng cho xong hết một đời phu
Chở bao đau thương về nghĩa địa
Chở bao hạnh phúc đến tuổi thơ
Ngó xuống thua chi loài giun dế
Trông lên hơn hẳn lũ công cò
Dù sao mình cũng còn lương thiện
Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
(Xích lô hành)
Đọc những câu thơ trên không khỏi ngạc nhiên về cái nhìn nhân bản của tác giả, để rồi qua những vui buồn và ngộ nhận của người đời dù có khi còng lưng, toát mồ hôi nhưng cũng có những lúc:
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền, không bạc vẫn cười vang
Và những giây phút tác giả đã lắng lòng sau những cuộc áo cơm:
Dừng lại bên cầu nghe nước chảy
Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang.
(Giọt nước Hương giang)
Thật khó để thấy mình là một giọt nước, ai cũng muốn mình là ông này, bà nọ,… hầu hết đều rơi vào vòng lợi danh. Vậy mà Phương lại chợt thấy mình một giọt nước nhỏ nhoi. Một giọt nước buồn vô danh trước cuộc dâu bể. Trong cuộc hành trình trên những chuyến xích lô Phương đã đồng cảm với những đời phu gian khó:
Đêm trăng ấy bác xích lô Hà Nội
Chở tôi thăm ba mươi sáu phố phường
Bác đâu ngờ khách cùng nghề như bác
Cũng đời xích lô dãi nắng dầm sương
Tuy bác ở cách tôi ngàn dặm
Nhưng gần nhau trong những nỗi trầm thăng
Bốn mùa chuyển nhịp cùng mưa nắng
Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn
…
(Gửi bác xích lô Hà Nội)
Và trong một lần chở người khách nam bộ đi trên những con đường thơ mộng của Cố đô Huế, thi sĩ đã hứng cảm tặng thơ cho vị khách, cũng hành nghề xích lô ở Sài Gòn:
Đi nữa đường biết chân tôi đã mỏi
Anh thay tôi đạp một đoạn dài
Trong giây phút không còn ai khách chủ
Anh và tôi hoà nhập một con người
(Thơ gửi người khách Nam bộ)
Trong những cuộc cơm áo trên chiếc xích lô, chàng thi sĩ đã tìm ra lẽ sống cho mình và đã “Hát vang bài xích lô”:
Người lên non ẩn dật
Chuyên đốn củi đốt than
Ta ẩn trong lòng phố
Đạp xích lô lang thang
Khi gặp khách ta chở
Lúc vắng khách ta nằm
Có tiền ta uống rượu
Không tiền ta hát ngâm
Mặc ai lùi xuống chó
Mặc ai tiến lên voi
Ta giữ lòng thanh bạch
Dưới hai vầng sáng soi
Đã lâu rồi quên hết
Những thị phi giang hồ
Từng đêm ngồi gõ nhịp
Hát vang bài xích lô.
Trong cuộc sống lang thang vỉa hè không ổn định, ngày có ngày không, thi sĩ đã cảm thông cho những con người cùng cảnh ngộ:
…
Mẹ cha nghèo
Xui em nghỉ học
Từng đêm bán trứng phụ giúp nhà
Dấu chân em in khắp thành phố
Lời rao non nớt vọng gần xa.
Dưới màn mưa khuya lạnh giá
Đèn em vẫn sáng lối về nhà
Em ơi! Hãy giữ lòng như thế
Đêm dù dài mấy cũng trôi qua!
(Thơ tặng bé bán trứng vịt lộn)
Và mối thương cảm khi thấy một bé gái dân tộc lạc lỏng giữa phố hội, tác giả đã cảm tác bài “Lối em về”:
Bé Thượng
Gùi thông ra chợ bán
Một nét rừng
Giữa chốn phồn hoa
Thông nhen lửa
Cho đời ai ấm?
Lối em về
Lạnh mấy đồi xa…
Nhiều bài thơ trong tập “Xích lô hành” có những hình ảnh rất đẹp, lãng mạn và như một nỗi niềm cô đơn của tác giả biểu hiện trong bài “Qua đò tháng Chạp”:
Ta đưa em qua đò tháng Chạp
Chiều nay hoa trắng rụng bên sông
Hoa có rụng mới biết đời dâu bể
Tình có xa rượu chuốc mới nồng
Đi đi thôi! Hỡi người yêu dấu
Mà chiều kia xám cõi trời tây
Hình như có cánh chim lẻ bóng
Bay giữa chiều lộng tiếng heo may
Và trong “Thiên thu ca”:
…
Ôi lá xanh trổ đầy trong ánh mắt
Người nhìn ta âu yếm phút xuất thần
Khoảnh khắc đó thông tình cao chất ngất
Chim thiên thu về đậu chỉ đôi lần
Mai sau này người gặp ta lần nữa
Một thây ma tái sắc cạn linh hồn
Đã qua rồi một thời bừng ánh lửa
Còn thương ta xin người hãy giùm chôn.
Thơ của Nguyễn Văn Phương làm rất nhiều thể loại, với âm điệu gần gũi với cuộc đời bình dị và trong số đó những bài lục bát của anh rất chân chất, mang nặng âm hưởng của những cuộc hẹn hò vô định và đượm màu đạo lý, đôi khi như một dự cảm cho số phận chính mình:
Tôi về lặng lẽ đêm khuya
Sông chia mấy nhánh, phố chia mấy đường
Chim kia giờ ngủ trong vườn
Tôi còn mấy bước đoạn trường sắp ngưng
( Lục bát đêm khuya)
Và rồi anh Phương đã bước vào cảnh giới “Chạng vạng” mãi mãi mà không biết khi mô trở về:
Chạng vạng đất
Chạng vạng trời
Tình tôi chạng vạng trong thời xa em
Mắt nhìn
Chạng vạng hơi men
Miệg đời chạng vạng
Chê khen tiếng lời
Tuổi tên chạng vạng
Quên rồi
Đường đi chạng vạng
Biết nơi mô về
Tháng ngày chạng vạng
Cơn mê
Oán ân chạng vạng
Bạn bè thờ ơ
Đôi khi chạng vạng vần thơ
Làm sao sáng đến bến bờ tương lai
Xin trăng sáng trọn đêm dài
Vén màn chạng vạng phủ dày hồn tôi.
Dù Nguyễn Văn Phương đã rời chốn trần gian đầy ải và lắm thị phi này, nhưng hình ảnh của một Phương Xích lô vẫn mãi còn đọng trong lòng anh em và trong những vầng thơ mà theo anh Phương là “một trăm bài đều mộng mị”. Một trong những bài thơ thể hiện cái khí chất ngang tàng, cô độc của thi sĩ khi uống rượu say là “Độc tuý hành”:
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Ngất ngưỡng đi về giữa khói sương
Gõ nhịp ta ngâm bài tống biệt
Vỗ chai ta hát khúc hồ trường
Ba ngàn thế giới trong cốc rượu
Bao dung ta ôm trọn vui buồn.
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Chân thấp, chân cao lạc phố phường
Ai có tài đàn như Tư Mã
Còn ai thổi sáo tựa Trương Lương?
Hãy đàn ta hát lời man dại
Hãy thổi ta ngâm giọng dị thường
Một kiếp làm người đầy khổ luỵ
Mượn đôi cánh rượu đến thiên đường.
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Đành mượn cỏ cây thế chiếu giường
Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự
Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương
Êm như cái nhíp không còn nhớ
Nhẹ tựa làn mây chẳng biết buồn
Ta say hề bây giờ ta ngủ
Chiêm bao ta mua điệu Nghê Thường!
Ngoài phần thơ của Phương xích lô, trong tập Xích lô hành còn có những bài viết về thơ và đời của Nguyễn Văn Phương, của các tác giả: Nhất Lâm, Xuân Dân, Nhuỵ Nguyên, Lương Ngọc An, Ngô Minh. Một đời xích lô như anh Nguyễn Văn Phương cũng để cho lắm kẻ nhìn lại mình.
Huế, 01/2008