Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.139
123.227.370
 
Nghĩ ngợi đôi điều nhân đọc thơ của một nghệ sĩ sáo trúc
Trần Xuân An

Trân trọng & quý mến gửi đến các nghệ sĩ:

Tô Kiều Ngân, Hồng Vân, Thuý Vinh, Huyền Trân, Thạch Cầm, Đoàn Yên Linh

& Trần Thạnh, Nguyễn Đức Kim Long...

 

Tôi được gặp nghệ sĩ Bảo Cường lần đầu tiên, trong một buổi tiệc trà chia tay dưới hành lang của Trung tâm Văn hoá Thanh niên. Hôm ấy, không ngâm thơ, không thổi sáo trúc, anh rót vào trái tim mọi người có mặt một giọng hát ru da diết và nồng ấm. Nào phải là người sẽ xa đất nước để mưu sinh, tôi chỉ ở Sài Gòn này thôi, sao giọng hát ru của anh vẫn tha thiết đưa tâm hồn tôi về một mùa mưa xa thẳm, thuở mới lọt lòng trên đất Huế. Và rất nhiều đêm thơ nhạc về sau, không chỉ bằng làn điệu hát ru quê nhà, với cây sáo trúc nghìn năm đơn sơ mà bổng trầm tinh tế đến vi diệu, với chất giọng Huế hơn hai trăm năm thủ phủ Đàng Trong, gần một trăm năm mươi năm kinh đô của cả nước, anh đã luyến láy, đã ngâm nga,  bát ngát, xoáy sâu, tận cõi thơ, tận lòng người. Không, điều tôi muốn nói, không phải cây sáo trúc và giọng Huế ai cũng có được. Làm nên một nghệ sĩ Bảo Cường, ấy là chất riêng Bảo Cường, vừa dân dã gần gũi, vừa thị dân bay bướm, thẳm sâu tâm hồn là đậm đà dân tộc tính với một vẻ ngoài thời thượng như “nhạc trẻ”. Nghe sáo trúc, nghe thơ hay ca dao từ lồng ngực, từ bờ môi Bảo Cường, quên đi vẻ ngoài “nhạc  trẻ” ấy, tôi cảm nhận được một năng lượng nào đó đã dồn nén lại trong trái tim anh, bên trong chất giọng trầm ấm mang âm sắc Huế – làng quê Dương Hoà và làn hơi rất riêng của nghệ sĩ Bảo Cường.

 

Thú thật, giữa rừng sách báo hiện nay, tôi làm sao biết được nhiều bài thơ kí tên Bảo Cường đang được anh dè dặt gửi đăng. Một nghệ sĩ nổi tiếng lấy tên một nhạc cụ cổ bằng đá làm tên mình – Thạch Cầm – , thân thiết và gắn liền với các buổi diễn ngâm của anh như hai chiếc cánh (đàn tranh, sáo trúc) của đôi cánh Nàng Thơ, bảo rằng Bảo Cường chưa bao giờ công diễn thơ mình. Nhưng quả thật, năng lượng, nội lực anh, tôi cảm nhận và đinh ninh một cách rất “cảm tính” ấy có lẽ là có thật, bên trong tâm hồn anh, trên những trang bản thảo của một đời người sống chết với nghệ thuật trình diễn thơ ca – nghệ sĩ sáo trúc mang tên Bảo Cường.

 

Không những là nghệ sĩ của làn điệu, Bảo Cường còn có thể là nghệ sĩ của ngôn từ.

 

Lần này, với tập bản thảo “Dặm về” của anh cầm trên tay, tôi được gặp chân dung đích thực của con-người-sâu-thẳm bên trong Bảo Cường – con-người-sâu-thẳm tâm hồn ai cũng có và ở mỗi người mang một gương mặt riêng. Thực ra, chất giọng ấy là anh, làn hơi ấy là anh, những trang thơ này cũng chính là anh. Thực ra, qua chất giọng ấy, với bao bài ca dao, dân ca nghìn năm, bao bài thơ của ai đó, qua làn hơi ấy, với các làn điệu nghìn năm, các giai điệu của ai đó, người xem, người nghe vẫn gặp được con-người-sâu-thẳm bên trong nghệ sĩ sáo trúc Bảo Cường, từ hơn mười lăm năm nay trên các sân khấu của TP.HCM.. Bảo Cường – một phong cách sáo trúc, một chất giọng, một làn hơi rất Bảo Cường. Cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ không hề viết về mình mà họ chỉ ghi lại và phổ văn chương vào tâm sự của người khác – bao người bình thường, lặng lẽ, hay ngỡ rằng bình thường, lặng lẽ – để thành văn, thành thơ. Không phải họ né tránh “cái tôi đáng ghét”. Họ muốn làm trọn đẹp thêm một sứ mệnh ca hát và ngâm đọc, bằng trang giấy, bút mực, cho bao nỗi niềm của đời. Họ trải nghiệm trong đời bằng máu thịt của mình, họ xới lật, đào sâu, chiêm nghiệm chính mình để hiểu đời, viết cho đời. Và cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ chỉ viết về mình, không ngại ngùng phơi bày tất cả đáy lòng của chính mình. Tránh nói đến “cái tôi đáng ghét”, hay không bao giờ tự xưng tôi, mà chỉ nói trổng, hoặc phải hạ mình khi tự xưng (tôi = tớ) hoặc chỉ đồng nhất cái tôi khách thể với cái tôi chủ thể trong mối quan hệ thân thiết (mình = tôi) là một giá trị văn hoá đặc sắc. Đông hay Tây đều đề cao đức quên mình, vị tha (mặc dù ở tiếng Anh, chữ Tôi [I] luôn được viết hoa). Người nghệ sĩ lấy tâm huyết và vắt tóc mình đến bạc trắng để làm mực hoặc dây đàn chỉ nhằm tô đẹp cho đời, nâng mức giàu có cho tâm hồn mọi người. Cao quý ấy nghệ sĩ Bảo Cường đã hướng tới với cây sáo trúc, với giọng Huế – làng Dương Hoà. Nhưng có lẽ, anh cũng tự nhủ, cái tôi đâu chỉ đáng ghét như cách nói khiêm tốn tự hạ quá đáng. Như thế là vị tha mà khinh mình? Không, như những nghệ sĩ ngôn từ lãng mạn ca hát cái tôi nên có của mình, như nghệ sĩ ngôn từ hiện thực mổ xẻ cái tôi hiện có của mình, bản thảo “Dặm về” của anh vừa ca hát vừa mổ xẻ chính anh. Anh viết tự truyện bằng các bài thơ trữ tình.

 

“Thơ tôi viết thật như chính đời mình” – trong lời ngỏ đầu tập thơ, anh đã viết vậy. Tôi cũng tin như ai đó đã tin, rằng đi đến tận cùng đáy lòng mình sẽ bắt gặp nhân loại. Anh viết về anh bởi anh tin, với chất nghệ sĩ sân khấu dưới ánh đèn màu của bao đêm thơ nhạc, anh là cái tôi riêng lẻ mang mẫu số chung, của thế hệ anh. Không hề có một con người trừu tượng, anh là Bảo Cường này, “con người này”. Bảo Cường này có một quê nhà, có thân sinh đã lại hoá thân thành đất đai cố hương, để anh mãi tạ ơn và tưởng niệm trong những đêm phương Nam ngoảnh mặt nhớ về. Bảo Cường này có một tuổi thơ cơ cực, một thời thanh niên vất vả xa quê kiếm sống. Bảo Cường này có một sân trường học như một thánh địa của tuổi trẻ mình. Bảo Cường này có những mối tình không thể, không bao giờ nguôi quên với những cái tên con gái đầy nữ tính. Bảo Cường này, chứ không ai khác khác, đã sống trọn hai mươi mốt năm chiến tranh chia cắt, hai mươi hai năm hoà bình trong khó khăn chung và cay đắng riêng thời hậu chiến, rồi lại ổn định, tự do ca hát, ngâm nga, luyến láy về niềm vui, nỗi đau. Tôi nghẹn lòng khi đọc những bài thơ viết cho người yêu phải chia tay, mỗi người một biển xa, một rừng thẳm. Trong những bài thơ ở vùng đất khai hoang còn có hình tượng người vợ ở nhà ngỡ hoá đá bồng con, anh vác cuốc, chống rựa trong niềm oán trách, bi phẫn về một ước vọng công danh đổ vỡ. Khi còn tuổi trẻ, và có lẽ ở tuổi nào cũng vậy, người ta sẵn sàng chịu ngàn vạn cơ cực cay chua, nếu còn một niềm tin vào tương lai. Những năm ấy, anh không thấy tương lai, không tin ai đó sẽ cho mình thực hiện ước vọng nghệ thuật sáo trúc của mình. Kính trọng người thương binh kháng chiến trở về, tưởng niệm bao người du kích Dương Hoà hi sinh, nhưng anh không giấu nổi niềm oán trách những cán bộ hứa hẹn lắm điều hoa mĩ trên bữa ăn toàn chất độn ở vùng kinh tế mới. Trong anh có một niềm giằng xé đau đớn và dữ dội. Thơ anh vốn mượt mà, trìu mến, mộc mạc, bay bướm, bỗng uất nghẹn với những hình ảnh thơ kinh rợn, đen tối. Anh thiếu một niềm tin và anh mất tất cả, tất cả đều tối sầm khi không nhìn thấy ánh sáng ở tương lai. Trong cùng một hoàn cảnh sống, mỗi người một tâm trạng, một cách nhìn. Thơ anh rất thật, cũng là cái thật điển hình, không chỉ cho riêng anh mà nhiều người khác. Và chắc chắn anh cũng đã đọc nhiều bài thơ cũng rất thật của những người, nhiều người có tâm trạng, có cách nhìn khác với anh. Lịch sử cứ đi với bước đi của nó. Sông Thương vẫn nước chảy đôi dòng. Chế Lan Viên đã khóc với dòng sông biểu tượng này. Thế hệ trước và sau năm 1945 có nỗi đau riêng. Thế hệ trước và sau năm 1975 có nỗi đau riêng. Riêng mà chung. Bảo Cường này, với mẫu số chung này của một phân số người này. Anh đã từng tự nhận là chứng nhân của một thời đã qua:

 

Từ thuở đất trời biến thiên thay đổi

Tôi ở lại lỡ làng một chứng nhân

(Lối rẽ)

 

Tôi hiểu anh thành thật với mình, trong thơ. Bên cạnh những nét cao đẹp đáng quý trọng của một con người bình thường, Bảo Cường còn có những ước mơ vua chúa huyễn hoặc buồn cười (“Ước mơ”). Và chừng như trong tình yêu, anh vừa chung thuỷ vừa ngoại tình, thậm chí ngoại tình một cách chung thuỷ, ít ra là chung thuỷ trong giấc mộng, trong những phút ngồi một mình hoài niệm về những mối tình ngoài vợ của mình.

 

Bởi tình yêu đòi hỏi vĩnh cửu

Một vĩnh cửu thăm thẳm vô cùng

 

Với hai câu đề từ cho một phần thơ trong tập, anh muốn xác quyết một vĩnh cửu cho những mối tình của anh, cho dù chính đáng hay không chính đáng. Sẽ có nhiều người trách anh rao truyền cho sự thành thật mê muội và tàn nhẫn. Có cuộc ngoại tình nào không đắm say, mê muội và tàn nhẫn với người hôn phối? Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ là hoài niệm, ai nỡ ghen chi với hoài niệm!

 

Đọc “Dặm về” của Bảo Cường, tôi gặp một tấm lòng, một tâm hồn, gần gũi, thân thương, đa mang và chắc nhiều hệ luỵ, nhưng ấn tượng đậm nét nhất là sự chân thành, đôi khi buồn cười, đôi khi trầm thống, đôi khi mê đắm, và lắm niềm vui, nỗi buồn cao quý.

 

Chữ, vần, tuy chưa phải tài hoa hay tinh lọc, vẫn thấm đượm những chất ấy. Thơ anh còn mang dáng dấp cổ kính, xưa cũ của cầu Trường Tiền quê anh. Chiếc cầu nối từ lòng thương đến hồn nhớ ấy đã nối lại bao nhiêu miền đất. Chiếc cầu ấy cũng mang vác trên vai bao nhiêu tâm trạng riêng anh và chung bao kiếp đời. Những tâm trạng chưa trở thành quá khứ mà còn mới trong trái tim người.

 

Nghệ sĩ Bảo Cường quý mến, với âm điệu cây sáo trúc sâu lắng, bay bổng, với chất giọng hát ru, ngâm thơ trầm ấm, anh cần gì phơi mở với đời bằng tập thơ này? Anh muốn lưu lại cho bạn bè, thính giả, khán giả của anh một chân dung bên trong rõ nét hơn, ngoài những băng đĩa ghi hình và âm thanh tuyệt hảo về kĩ thuật? Tôi hi vọng trong tủ sách của tôi, chân dung con-người-sâu-thẳm của nghệ sĩ Bảo Cường sẽ mãi hoài phát sáng bằng ánh sáng có chen lẫn những khoảnh khắc bóng tối như anh vốn có. Sáng và tối của sự thật.

 

Mong anh bước trên “Dặm về” hoài niệm để sẽ còn bay tới tương lai. “Dặm về”, cũng là một cách vị tha chăng? Vâng, thơ nào rốt cuộc cũng vì đời.

 

Viết tại tịnh xá Tâm Không,

TP.HCM., 11 tháng 3 Đinh sửu

(17-04-1997)

Trần Xuân An
Số lần đọc: 3394
Ngày đăng: 18.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường - Hà văn Thùy
Nỗi Niềm Nắng Và Mưa - Lê Huỳnh Lâm
Hiện tượng thơ Tôn nữ Hỷ Khương - Hà văn Thùy
Những vần thơ in bóng quê nhà - Lê Huỳnh Lâm
Xích lô hành chở gió vào cõi thi ca - Lê Huỳnh Lâm
Mạn đàm về sứ mệnh nhà văn :Trao đổi cùng Nguyễn Huy Thiệp, tác giả Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, 2006. - Thanh Hoa
Hồn Mai trong vườn Huế - Lê Huỳnh Lâm
Cảnh Trà :Người với thơ , thơ với người - Nguyễn Đức Thiện
BA BÀI THƠ - BA TÁC GIẢ : Một Chủ Đề - Một Cấu Trúc-1 - Lê Xuân Quang
BA BÀI THƠ - BA TÁC GIẢ : Một Chủ Đề - Một Cấu Trúc-2 - Lê Xuân Quang