Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.198
 
Đạo làm thầy
Trần Huy Thuận

Trên đời này, từ xưa đến nay và chắc là cả lâu dài sau này, có hai nghề được thiên hạ rất tôn trọng: đó là nghề Thầy giáo và nghề Thầy thuốc. Coi trọng vì đối tượng của hai "nghề" này là CON NGƯỜI, cả về thể chất lẫn tinh thần!

 

Xưa, khi các cụ nói: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", chắc là ở thời điểm ấy, sự nỗ lực truyền thụ kiến thức cho Trò, của người Thầy là lớn lao lắm. Dậy một chữ cũng dậy hết lòng; dậy nửa chữ cũng dậy hết tâm sức - hình ảnh đồng tiền không hề chen vào đây! Chữ "Sư" gắn chặt với chữ "Đạo" – "tôn Sư trọng Đạo", chính vì lẽ ấy!

Ngày nay, bên cạnh đại đa số "Thầy ra Thầy", thì cũng có khá nhiều Thầy chưa thật... ra Thầy! Thầy mà cũng "chậy xô" hết "lò" luyện thi này, sang "lò" luyện thi kia giống như các nàng ca sĩ chạy xô hết quán "Bar" nọ đến quán "Bar" khác! Không chỉ thế, ca sĩ có "đầu nậu" của ca sĩ, thì thầy giáo cũng có "đầu nậu" của thầy giáo! Ca sĩ đua nhau tiếp thị, "lăng xê"; thì "gia sư" cũng dán quảng cáo khắp nơi!

 

Cũng có người lý giải: "xin đừng thần thành hóa người thầy! Thầy gì thì cũng phải sống, phải nuôi con nuôi cháu! – Cơm áo không đùa với giáo sư!". Nói thế thì đúng quá, nhưng là cái "đúng" với người thường, nghề thường; không đúng với người "mô phạm", nghề "sư phạm"! Đó chính là sự khác biệt cơ bản giữa "Đạo" và "đời" vậy! Một khi ai đó đã "dấn thân" vào nghề dậy học, thì trước tiên phải dám chấp nhận cái "Đạo làm Thầy" cao cả. Không dám chấp nhận, xin không chọn nghề sư phạm! Cũng có thể ví von hơi khập khiễng như thế này: đã thích ăn thịt chó thì đừng đi tu!".Điều này cũng giống như, là Đảng viên cộng sản, nhưng lại chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, gia đình mình thì làm sao chiếm được niềm tin yêu của Dân chúng? Sớm muộn gì, những "Đảng viên" đó cũng trở thành bọn tham nhũng, bọn  phá hoại Đảng! Những kẻ như thế, xưng danh Đảng viên làm gì cho nó ngượng mồm?!.

 Nếu như Thầy giáo gắn với chữ "Đạo", thì chữ "Lương" được xã hội dành riêng cho Thầy thuốc – và chỉ Thầy thuốc mà thôi!

 

Không chỉ một chữ Lương, Thầy thuốc học cao còn thêm chữ "Bác – Bác sỹ" (để nói lên sự uyên bác? Thầy thuốc mà không uyên bác, ai dám giao tính mệnh cho Thầy!).  Cùng với chữ Lương là hai chữ "Từ mẫu – mẹ hiền". Cha ông ta hẳn đã cân nhắc lắm khi dùng hai chữ "Từ mẫu", chứ không dùng hai chữ "Phụ Mẫu", như đã dùng với các "Quan lại " thông thường (mặc dù người làm nghề Y không chỉ là nữ giới)?!.

 

Giống như Thầy giáo, Thầy thuốc cũng có rất, rất nhiều gương sáng trong đạo đức nghề nghiệp, được xã hội thừa nhận, kính yêu! Nhưng đáng buồn, bên cạnh đó, đã tồn tại khá nhiều những con sâu "làm rầu cả nồi canh y-tế"! Chuyện "tiêu cực" trong giới y, bác sỹ đã trở thành "chuyện hàng ngày", báo chí đã nêu cụ thể, thiết tưởng không cần nhắc lại. Điều muốn nói là, đừng mượn cớ "Kinh tế Thị trường" để biến mọi cái trên đời thành "hàng hóa" hết, nhất là trước tính mạng con người!     Khi viết đến đây, có bạn hỏi: "Anh nói nghe hay lắm! Nhưng nếu đặt địa vị làm giáo viên, thầy thuốc với mức lương (tôi nhấn mạnh) không đủ lo cho đời sống gia đình thì liệu anh có thể vui vẻ phát huy hết sức mình trong công việc được không?" (xem thêm: "Góp bàn về Đạo lý người Thầy" trích ở cuối bài). Về điểm này, xin được giãi bầy: Tôi quả không phải là nhà giáo, bác sỹ. Tôi vốn là một nhà quản lý doanh nghiệp, một doanh nghiệp Nhà Nước một thời cũng thuộc loại nổi tiếng ở Tỉnh tôi, nhưng lương của tôi còn thua lương bạn tôi, một giáo viên cấp ba! Khi nói thế, tôi không có ý so sánh lương giữa các ngành nghề trong xã hội hiện tại, mà chỉ muốn nói: Lương ở nước ta đúng là chưa hợp lý, nhưng là sự chưa hợp lý chung, chứ không riêng ngành giáo dục hoặc ngành Y! Lương – cần phải cải cách một cách thật sự nghiêm túc, phải làm cho người "làm công ăn lương được sống chính bằng đồng lương làm ăn chân chính". Nhưng "Lương" và "Lương – tâm" là hai lĩnh vực không thể, không nên đồng nhất!

 

Vậy thì cái cớ "Lương ít" thì dậy ít, lương thế nào chữa bệnh thế ấy, có thể đúng ở một nghề, một môi trường công việc nào đó, còn với những nghề, những công việc cần nhiều, rất nhiều "LƯƠNG TÂM" như hai nghề này, thì nói như thế, hoàn toàn không thể chấp nhận được! Nói như thế chính là đã súc phạm nghiêm trọng đến danh dự đáng kính của người Thầy!

           

Trong hoàn cảnh nào cũng cần chăm lo gìn giữ bằng được "Đạo làm Thầy"! Điều này đương nhiên không chỉ phụ thuộc người Thầy, mà còn là trách nhiệm của xã hội, trong đó có phần cơ chế, chính sách!

 

ĐẠO HỌC

 

"Học để làm gì?" là một câu hỏi không mới, nó cũ kĩ như bản thân sự học vậy. Là câu hỏi "thường trực" của mọi thời học! Là vấn đề mang tính "cốt lõi" của ĐẠO HỌC đối với mỗi người học!

 

Cũng cần khẳng định ngay rằng, khi lần đầu cắp sách đến trường, và nhiều năm sau đó,  các em học sinh đâu đã có chút khái niệm gì về vấn đề này; mà chỉ thụ động vâng theo sự chỉ bảo của người lớn, của cha mẹ mà thôi!...

 

Chỉ khi thật sự lớn lên, nhiều em mới dần nhận thức ra điều đó. Cho nên câu cửa miệng của các bậc phụ huynh đối với con em là: "không chịu khó học, lớn lên chỉ có đi ăn mày!". Câu ấy và những câu tương tự đã hình thành dần trong bộ não của trẻ khái niệm "học để làm gì?". Vâng, "học để lớn lên không phải đi ăn mày, ăn xin!". Bởi "ăn mày, ăn xin" thì khổ như thế nào, các em nhìn thấy hàng ngày rồi!

 

Vậy, dù có "cao đạo" đến đâu, dù vô tình hay hữu ý, thì thực ra người lớn đã sớm định hướng cho con trẻ "mục tiêu" thực chất của sự học là gì rồi. Mục tiêu đó không sai, nhất là trong thời buổi "thực dụng" này. Nhưng sai ở chỗ, người ta cứ nói với các em: "Học để có kiến thức, để càng ngày càng có nhiều kiến thức". Ý là "học không vì tấm bằng"; Cần "thực học" chứ không cần "bằng cấp"! Thương thay các em, nếu các em mà không có bằng cấp, thì các em vào đời sao đây?

 

Về điểm này, tôi xin kể một chuyện, có lần con gái tôi đã bí trước câu hỏi của cậu con trai, khi cứ than vãn về kết quả học tập của nó: "Thế mẹ muốn con có điểm cao, hay muốn con có kiến thức?"! Chết chưa? Còn tuổi học trò mà lại không lấy điểm làm mục tiêu, thì làm sao mỗi năm lên một lớp đây; làm sao thi đỗ đại học đây?

 

Không chỉ nhà trường, gia đình, mà ngay những nhà tuyển dụng lao động cũng thường tuyên bố (rất hay!): "chúng tôi cần người thực sự có kiến thức, chứ không cần người có bằng cấp"! Nhưng thực tế thì hồ sơ hàng đầu nộp cho cơ quan tuyển dụng, nhất định phải là cái bằng, theo đúng nghĩa đen! Càng nhiều bằng, càng thuận lợi khi xét tuyển. Kiến thức vẫn cứ phải đứng sau bằng cấp!

 

Nhưng nếu định hướng mục tiêu sự học là tấm bằng, thì sẽ lại dẫn đến một kết cục còn bi đát hơn! Thực tế đã có không ít trường hợp, học chỉ để đối phó với thi cử mà thôi. Vậy là tình trạng "xin điểm", "mua điểm" không thể không xẩy ra, không thể không phát triển. Còn bé thì cha mẹ "mua điểm" cho, lớn lên, tự mua lấy. Học "tại chức", học "hàm thụ" bản thân nó không xấu; nhưng càng ngày nó càng tiêu cực, chính vì mục tiêu chính của thứ học này là để có "bằng"; bởi có bằng mới có cơ hội "phấn đấu" lên chức này chức nọ, lên "ông nọ, bà kia"!

 

Đã có nhiều phụ huynh (nhất là những vị có chức sắc), khi con em mình học kém, không thi được vào đại học, thì dùng cách này, cách khác, "đưa" trẻ vào cơ quan nhà nước; làm tạm một công việc gì đó, rồi cho đi "hàm thụ". Mấy năm sau, có bằng cấp, sẽ chạy "ghế" tiếp! Thế cho nên một số cơ quan công quyền (đặc biệt ở cấp địa phương), chất lượng cán bộ - không dám vơ đũa cả nắm đâu, nhưng phải thừa nhận rằng: nhiều người rất kém cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn phép ứng xử; làm ảnh hường lớn tới công cuộc cái cách hành chính của Nhà nước!

 

Tôi lại xin kể chuyện này: Lần ấy, tôi đến chính quyền Phường xin chứng nhận vào đơn làm thẻ thư viện Tỉnh. Đơn đã được Tổ trường dân phố và Tổ trưởng lương hưu ký xác nhận và đề nghị theo đúng yêu cầu của cơ quan thư viện. Anh cán bộ văn phòng sau khi xem đã thảo nội dung chứng thực,; nhưng khi đưa lên chủ tịch, chủ tịch không ký, với lý do: chủ tịch phường không ký những chứng nhận như thế này! Tôi nói: giá cái thư viện này trực thuộc Phường ta, chủ tịch nói thế thì mừng quá! Nhưng đây lại là thư viện Tỉnh, họ làm theo quy định đã được chính quyền Tỉnh duyệt y; Phường thấy bất hợp lý thì phường báo cáo đề nghị lên Tỉnh, chứ Phường không có quyền bác bỏ! Anh văn phòng nhận ra lẽ phải, nhưng có lẽ... ngại "Sếp", nên dung hòa: "thôi cụ để khi khác, chủ tịch ... đang bận họp"!

 

 

Kiến thức và bằng cấp cái nào cần hơn? Câu trả lời dễ nhất có lẽ là "cần cả hai"! Nhưng nếu lại hỏi: cái nào cần trước? thì nhiều khi cũng khó khẳng định. Vậy đấy! Định hướng "mục tiêu của sự học" như thế nào cho đúng  Mong rằng các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ cũng như các em học sinh, hãy thực sự quan tâm!..

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 4099
Ngày đăng: 20.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đồng môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Văn hóa từ chối - Trần Đức Tiến
Cao su rụng lá - Trần Hòang Vy
Đã Phúc, đã Lộc lại còn.Thọ ! - Trần Huy Thuận
Đồng Môn - Trần Huy Thuận
Tầm xuân...tìm nụ cười Di lạc. - Trần Kiêm Ðoàn
Tết của ngày xưa ơi ! - Lê Minh Tú
Chớp bể mưa nguồn - Hoàng Xuân Phương
Mẹ - Lê Nguyệt Minh
Tạp văn Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)