Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.158
123.224.667
 
Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VI tại Bình Định:“TRÁI ĐẤT RỘNG THÊM RA MỘT PHẦN VÌ BỞI CÁC TRANG THƠ”
Nguyễn Thanh Mừng

Sáu năm đã đi qua với sáu lần vằng vặc ánh trăng tròn Rằm tháng Giêng, mùa xuân lộng lẫy đã ôm giữa lòng Ngày thơ Việt Nam đầy trữ tình và hào sáng, để chúng ta nói tiếng nói tri âm với Thơ Việt. Trong Thơ, ẩn chứa bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc, nụ cười nước mắt, mồ hôi và máu của nhân dân, tinh hoa và khí phách của đất nước. Sợi dây thơ tinh tế, con đường thơ dư vang, vầng trăng thơ mẫn tiệp, mặt trời thơ rực rỡ v.v... là những cách ví von ẩn dụ của cõi thơ bao dung và trong ấy sáng ngời những gương mặt thơ Việt Lý Trần, gương mặt thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, gương mặt thơ thế kỷ XX v.v... Chúng ta có thể tìm lại trong ấy những tâm can Việt, hoài bão Việt, uy linh Việt, thao thiết Việt của bao nhiêu thời đại, của bao nhiêu giông tố, của bao nhiêu phù sa, của bao nhiêu năm tháng dữ dội và êm đềm, lắng qua mọi âm thanh từ chốn bùn lam nước lũ của lê dân đến miền lầu son gác tía của ngai vàng, hơi thở Việt, niềm tin Việt vẫn hôi hổi bên lòng ta, trong tim ta, giữa trí óc ta. Bên cạnh Nhân Dân và Lịch Sử, Thơ luôn là người bạn đồng hành tin cậy trên mọi nẻo đường để mọi người có thể nhặt trong cõi đời  lặng lẽ và thét gào, những mùi hương sẻ chia khôn cùng của số phận mình giữa số phận của cộng đồng.

           

Thơ Việt ở miền đất võ Bình Định, những dòng sông thơ miên man như những mạch đập vững bền của giang san này, nơi trái tim vị hoàng đế oai hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ mãi mãi là điểm tựa tâm linh, nơi những nhà thơ song song với việc chấm bút vào nghiên mực, họ đã đặt lồng ngực mình thở lên từng con chữ. Nếu đặt tim mình vào cuộc “nối mạng” đầy tri âm với những khoảng trời thơ, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời chân thật nhất, xúc động nhất. Chúng ta sẽ nhận từ Đào Duy Từ nỗi trắc ẩn bôn ba của một danh sĩ đội lốt chăn trâu, chí nam nhi thời loạn. Chúng ta sẽ nhận từ Đào Tấn sự canh cánh giữ mình của một ông quan nghệ sĩ, sự thức thời trước sứ mạng vua tôi bên cạnh lẽ ứng xử trong bối cảnh một đất nước tồn vong vì họa ngoại bang. Chúng ta sẽ nhận từ Xuân Diệu nỗi cô đơn rợn ngợp trong một biển tình lai láng. Chúng ta sẽ nhận từ Hàn Mặc Tử những bó hoa của miền phiêu linh. Chúng ta sẽ nhận từ Chế Lan Viên nỗi gạch rụng sao rơi vắt ngang những ánh mắt Chiêm Thành. Chúng ta sẽ nhận từ Quách Tấn sự trang trọng và đài các của một ngọn gió Đường Thi phả trên bờ giậu lũy tre, suối ngọt mây thơm quê hương Bình Định. Chúng ta sẽ nhận từ Yến Lan những tiếng gọi đò chờn vờn trong trăng lạnh... Thơ Việt ở miền đất võ là tiếng thốt tận đáy lòng của một Mai Xuân Thưởng trước lúc đầu rơi, của một Tăng Bạt Hổ bôn ba trùng dương hải ngoại, của một Nguyễn Bá Huân ưu thời mẫn thế, của một Nguyễn Trọng Trì chí khí lắng sâu đêm nguyệt tận, một Đào Phan Duân tiết tháo, một Hồ Sĩ Tạo xả thân dưới cờ nghĩa... NgườI Bình Định rất tự hào bên cạnh sông núi cương trực này, bên cạnh nhân dân chính đại này, những nhà thơ của mọi thời vẫn luôn ủ ấm trong tim họ những ngọn lửa anh minh hòa vào cõi thơ của quốc gia, dân tộc và  nhân loại.

           

Bốn phương bạn bè đã giang tay đón nhận những giá trị thơ ca xuất phát từ những miền đất khác nhau. Những giá trị thơ ca, đó là quà tặng của cõi người và ân sủng của càn khôn vạn vật. Nhà thơ với đúng nghĩa của danh xưng này luôn là những cánh buồm vượt qua mọi bão táp của tháng năm và vượt qua sự tinh lọc của mọi tâm hồn. Qua những thăng giáng của thời gian và công chúng, mọi sự biện minh, tô trát, những mưu toan ẩn dưới mọi tiểu xảo gán ghép cho trận đồ ngữ ngôn đều bị vạch trần chân tướng. Trong trái tim đa cảm của nhà thơ, tuyệt nhiên không có chỗ cho bóng mây trí trá, cho sự nông nổi và cho những hãnh tiến ồn ào, cơ hội, lạm phát... Nếu ví hành trình sáng tạo như vũ trụ, mỗi vũ trụ thơ được khởi thủy, phán quyết như cuộc định hình của núi non trùng điệp và sông ngòi biển cả trên mặt đất này. Vũ trụ ấy tiến hành xâm chiếm đời sống tinh thần của người tri âm, tri kỷ, nhân rộng ra trong mọi thời, mãi đến muôn sau.

             

Những điều to tát ấy, đã được mọi thời tôn xưng và giãi bày. Chúng ta, những người làm thơ và yêu thơ đã bước qua thế kỷ XXI, bước qua thiên niên kỷ thứ III được 8 năm. Chúng ta có những khát vọng rằng cuộc sáng tạo thơ ở thời đại chúng ta, sẽ sản sinh những thiên tài vượt trội, những thiên tài ấy, nói theo cách của Chế Lan Viên là sẽ làm cho “Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi  các trang thơ- Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ”. Bao nhiêu nhà thơ Bình Định tiền bối đã làm cho diện tích tâm hồn Bình Định đăng đối với bè bạn trong một tâm hồn Việt Nam phong phú, điều ấy đã có câu trả lời. Người Bình Định luôn cần những đáp án mới, những đáp án huyền nhiệm giữa cõi núi sông Bình Định, nơi những anh hùng và thi nhân đã đổ mồ hôi sôi nước mắt cùng Nhân Dân và Lịch Sử, tái tạo những khoảnh khắc đau thương và hùng tráng, những cảm xúc thiêng liêng qua các thời đại, trong ấy chan chứa hình tích đất nước và con người Bình Định, hiện thực và cổ tích. Bước vào thời của hội nhập, toàn cầu hóa, hơn lúc nào hết chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuận lợi nhưng cũng vô vàn thử thách trong cuộc gìn giữ hồn cốt của văn hóa Việt. Một hệ thống thành tháp Vijaya, thành Hoàng Đế, cây me giếng nước Tây Sơn... là những tấm chứng minh thư của di tích lịch sử văn hóa. Một vị bánh tráng nước dừa, một mùi bún Song Thằng, một hương rượu Bàu Đá... là những tấm chứng minh thư của nghệ thuật ẩm thực. Chúng ta có quyền kỳ vọng chữ ký của các nhà thơ dưới mỗi bài thơ sẽ là niềm tin cậy và tác phẩm ấy sẽ thành báu vật của Nhân Dân và Lịch Sử. Và đó chính là những tấm chứng minh thư tài hoa và mẫn cảm, xác lập biên độ của tâm hồn Bình Định trong tâm hồn Việt Nam.

           

Có thể ví đất nước như một bản trường ca vĩ đại, một cơ thể thống nhất, mỗI tấc đất ngọn cây đều ngờI chói lên một chân lý vĩnh hằng mà ta thường gọi là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. MỗI nhà thơ không thể không nặng lòng với một cơn mưa  Trường Sa, một làn nắng  Hoàng Sa, một mùi gió sóng diệu vợI của Tổ quốc nơi trùng dương. Đó là những chương đoạn bi hùng trong bản trường ca đất nước, là gia sản mà tổ tiên truyền lại cho cháu con. Cơ thể vĩ đại của đất nước đã ôm trong lòng nhân dân Việt Nam. Và mỗI ngườI dân Việt Nam, đặc biệt là mỗI nhà thơ Việt Nam đều dung chứa trong tâm thức một cơ thể đất nước từ Nam Quan đến Cà Mau, từ đất liền đến biển đảo.

           

Như những lần trước, Ngày Thơ Việt Nam năm nay diễn ra trong tiến trình hình thành một mỹ tục mới, như cây có cội, như nước có nguồn, như chim có tổ, như người có tông. Cội nguồn tổ tông của Thơ Việt được hoài thai, sinh nở, trưởng thành trong mạch đập của sông núi dân tộc Việt Nam, trong mạch đập của lương tri và phẩm giá loài người. Trong huyết quản của nòi giống Lạc Hồng, có những người con Bình Định cầm cuốc cầm cày cầm gươm cầm bút. Cùng với đất nước, khi ngọt ngào lúc đắng cay, họ đã sáng tâm bền chí vượt qua mọi thử thách, tận tụy vươn mình đến bến bờ chân thiện mỹ, như những giọt phù sa bồi đắp cho cánh đồng óng ả của quá khứ, của hiện tại và của tương lai. Trong gánh gồng lịch sử sâu nặng ân tình ấy, thơ như một hành trang không thể thiếu vắng, khôn nguôi thao thức và trăn trở. Thơ không chỉ khuôn khổ trong những trang thơ. Nó là kết tinh và lan tỏa từ những đèo những truông những bùn những đất những mây những gió, những khổ ải và những hạnh phúc. Ở đó, tiếng rập rờn của những nhành lúa hay vẻ suy tưởng của mỗi cánh hoa mai, tiếng quẫy cựa của một đàn cá trên đầm nước rộng hay dáng vươn mình của con đại bàng chốn non cao cũng trở thành những vẻ đẹp thơ thanh khiết. Một thiên nhiên thơ mộng bên cạnh một xã hội khôn nguôi những dư vang nhân nghĩa, đạo lý, phẩm giá, lương tri, đó chính là cái gốc để đè bẹp những gì trái với quy luật, đè bẹp mọi sức cản phá dòng nước trong trẻo của tài năng, của tâm đức, của tinh hoa.

             

Nguyễn Thanh Mừng
Số lần đọc: 3116
Ngày đăng: 23.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc “đấu khẩu” thơ Bùi Chí Vinh - Phan Hoàng - Thu Trân
Xuân trong ta - Trần Kiêm Ðoàn
thơ rơi có cần phải được nghiên cứu ? - Khaly Chàm
Đừng quên những bài học trong quá khứ ! - Triệu Xuân
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Ngày xuân nói chuyện văn hóa ẩm thực :Của mắm và..đời - Triệu Xuân
VĂN HỌC VIỆT NAM 2007: Nhộn nhịp,sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng - Inrasara
Truy tìm gốc tích cây Kê - Hà văn Thùy