Nhỏ Tâm uể oải huơ cây rựa bén lịm to đùng róc cành cạch vào thân những cây tràm không lấy gì làm to lắm để bóc cho kỳ hết lớp vỏ sần sùi ra khỏi cây. Màu xanh xám rơi lụp bụp xuống đất mang theo tiếng lẫm bẫm nghe vô cùng chán đời của nhỏ: “Hôm nay lại được có 500kg, làm sao mà đủ đây nè…”. Bóng hoàng hôn đã bắt đầu chạy trốn thật nhanh sau những cánh rừng tràm bạt ngàn tít tắp. Trong ánh nắng vàng chập choạng cùng màu xanh ngút ngát của bưng biền, chiếc áo màu đỏ khoác trên người trông nhỏ Tâm như đốm lửa trong hang sâu thênh thang thăm thẳm.
Từ khi những nhà đầu tư nước ngoài đặt nhà máy sản xuất giấy ở quê Tâm thì bọn con gái, con trai trong độ tuổi lao động như Tâm không còn lo thất nghiệp nữa. Ngoài một buổi ra đồng thăm ruộng nhà hoặc làm “vần công” cho nhau thì tụi nó đi lột vỏ cây tràm, cây nhỏ lớn không phân biệt, chỉ cần lột sạch vỏ, phơi cái màu trắng ướt nhòe thơm hăng hắc ra thì một tấn chúng được trả công bảy mươi ngàn đồng. Người ta gọi công việc này là “lột te”. Sáng sớm, những nhóm con trai, con gái í ới chào nhau ngoài bờ mẫu: “Ê, sáng nay đi phát cỏ bờ hay lột te?”. “Te cha sáu Sậu hôm nay chưa về kịp, tao phát cỏ phụ ông già. Mai đi lột cha tư Bốn rồi ngày kia lột cha sáu Sậu”. Những câu nói bị tinh giảm tới mức hết hồn như vậy khiến người mới nghe phải ngơ ngác chẳng hiểu gì.
Thường, những đám ruộng xa, đường vận chuyển khó, lại quanh năm ngập nước, không thể làm lúa được thì người ta trồng tràm bông vàng. Mẹ nhỏ Tâm là dì Út của tôi. Mười tám tuổi lấy chồng rồi theo chồng “lang bạt kì hồ” vì miếng cơm, manh áo. Sáu đứa con của dì không đứa nào giấy khai sinh có cùng nơi sinh với nhau. Mười năm nay trụ lại Bình Hòa là nơi đất lành chim đậu nên cuộc sống có phần ổn định. Dì bảo, trước kia những ruộng tràm phải từ 7- 10 tuổi mới khai thác được. Cây tràm có độ tuổi đó, người ta mua để đóng cừ cho các công trình xây dựng hoặc làm giàn giáo… Cây tràm càng cao tuổi, càng được ngâm lâu dưới nước thì cứ như là gỗ lục, gỗ lim, chẳng mối mọt nào ăn nỗi.
Nhưng từ khi nhà máy sản xuất bột giấy hoạt động trên địa bàn tỉnh nhà thì những cây tràm độ tuổi ấy đã trở thành “xưa nay hiếm”. Vì nhà máy bột giấy không như nhà máy đường, không có chuyện hoạt động sáu tháng thì nghỉ nửa năm chờ mùa sau làm tiếp. Mà nhà máy bột giấy làm việc cả năm, không phân biệt ngày đêm, công nhân ít nhưng nhờ hệ thống máy móc hiện đại nên có thể hoạt động liên tục. Chỉ cần có nguyên liệu là ôkê ngay.
Một nghề mới đã nảy sinh trên vùng đất này. Những người nông dân xưa nay quen nắng gió, say mê lao động, nay chỉ cần thêm ít vốn liếng thì sẽ trở thành “lái” ngay! Lái tràm, lái nguyên liệu cho nhà máy bột giấy còn gọi là lái te! Lái nào “nặng vốn” một chút thì sắm ghe lớn, chở lần 1-2 tấn hay 4-5 tấn; lái nào “nhẹ lưng” thì cũng phải có chiếc ghe chở thấp nhất là 200kg/lần. Nhưng đừng tưởng ghe có tải trọng lớn là “ngon”, đôi khi đi trong đồng trong bưng vào nhưng đoạn kênh rạch nhỏ hẹp thì ghe lớn chi có nước “ô –rờ –lui” hoặc kêu ghe nhỏ vô “tiếp ứng” mới mang được nguyên liệu ra “bãi”. Mà nếu phải như vậy thì coi như mất hết tiền lời, có khi còn thâm cả vốn chứ chẳng chơi.
Con Tâm tập tành vào nghề lột te mới mấy tháng nay. Cưới nhau xong, cha mẹ hai bên cho một chiếc “ghe chín” với tải trọng 200kg để vợ chồng làm vốn. Ngày ngày, chồng con Tâm cùng hai người bạn đi mua nguyên liệu, Tâm ở nhà chỉ việc lột vỏ và lột vỏ mà thôi. Mấy ngày đầu “thấy ham lắm” nên có hôm lột được một tấn, vài hôm sau xuống 800kg rồi 700kg và hai hôm nay chỉ có 500kg mà thôi.
- Chị ơi, coi như lấy công làm lời vậy thôi chứ hổng sướng ích gì! Như tháng trước tụi em mua một mẫu tràm kia có triệu hai. Chặt được hai chục tấn. Mỗi tấn thành phẩm cân cho nhà máy giá 320.000 đồng. Trừ chi phí xăng dầu, công thuê mướn anh em… còn lời không đầy một triệu. Gần tháng trời ròng rã, có bao nhiêu đó bõ bèn gì nhưng được cái là lấy nhánh nhóc còn lại bán củi cũng khá…
Tôi nhìn theo hướng tay chỉ của Tâm, những đụn củi tràm cao khỏi đầu người chất ngổn ngang.
Những thanh củi bé bằng cườm tay trẻ em 4 -5 tuổi, đủ các kích cỡ. Tâm bảo, củi đó ở đây chỉ có bốn mươi ngàn đồng một thước. “Nhưng trong đồng thế này, nhà nào củi cũng dư thừa, ai thèm mua?”. Nhỏ Tâm cười ngặt nghẽo cho sự ngây thơ của tôi “Em chất để sẳn đó, bao giờ ghe đi ngang người ta mua, củi về thành phố, về thị xã chứ trong đồng nay có cho cũng không mấy ai buồn lấy!”
*
Mẹ nhỏ Tâm ăn giỗ xong liền xoay qua dặn mẹ tôi:
- Chị Hai, còn bánh tét chút cho em vài đòn với vài xâu bánh ú nữa nghe, mang về cho mấy nhỏ. Tội nghiệp đi suốt ngày trong đồng, trong bưng cơm nước hù hơ hú giựt lắm.
Mẹ tôi lặng lẽ xếp vào giỏ những bánh trái còn rất vẹn nguyên mà nén tiếng thở dài. Chỉ có hai chị em, cha mẹ già đã mất, ba không khó khăn gì, nhà ba mẹ cũng khá mà kêu hoài dì dượng út không về ở chung. Dì nói sống đâu quen đó, rồi lại bảo dù có ở Lạng Sơn hay Cà Mau Đất Mũi gì cũng là trên nước Việt mà thôi. Anh chị em quí nhau ở tấm lòng, dì thích ở xa để được mỏi chân vì nhau hơn là ở gần phải mỏi miệng.
Năm nay lại đám giỗ bà ngoại. Dì tất tả về nhưng thoòng một câu rằng “em chỉ ở lại được hai ngày”. Mẹ khóc, bảo rằng chị em mà một năm gặp nhau có hai ngày, sao giống Ngưu Lang – Chức Nữ quá. Dì cười xòa: “Bận làm ăn mà chị Hai. Ráng đi, em thắng đợt “te” này sẽ về báo cơm chị cả tháng, chứ bây giờ chồng con đều trầm mình dưới nước, ngâm thân trong đồng, em đi chơi lòng không thong thả”
Tôi theo chị về xứ Bình Hòa để tận mắt biết được cuộc sống của anh chị. Không thể tưởng tượng được cuộc sống nơi đây, dù biết trái đất này ba phần tư là nước, nhưng cứ thấy những mái nhà lúp xúp bé nhỏ và chung quanh là đồng nước là tôi “nổi da gà”, đêm hôm khuya khoắt, lỡ có việc gì…?
Nhưng nhỏ Tâm cứ cười hoài, còn chê tôi “nhát hít”. Đêm hôm ai biểu chị đi chơi về khuya quá làm chi?. Chị cứ tập nếp sống như người dân vùng này. Sáng sớm cơm ăn cơm dỡ, đi làm tới tối mịt mới về, tắm một phút, ăn cơm, xem ti vi mười lăm phút, lên giường ngủ một giấc sáng đi làm tiếp. Cứ như thế thì suốt cả đời tệ nạn xã hội cũng không thể nào xâm nhập vào người chị được! “Nói như Tâm chắc không quá một tháng ở đây chị sẽ thành con cù lần mất thôi!”. Tôi chống chế bằng giọng nói thật khẽ. Nhưng nhỏ Tâm bảo, “cù lần” hay không là tự mình thôi. Em nhỏ sống với mẹ, lớn có chồng sống với chồng, ban ngày đi làm, tối về ôm nhau ngủ chứ không hề gây gỗ tiếng lớn tiếng nhỏ gì? Như vậy có cù lần hôn? Em nấu ăn dở tệ, lại xấu như ma lem nhưng “thằng chả” cũng không màn ngon dở, đẹp xấu gì. “Chả” bảo hạnh phúc là mình thương nhau và được sống với nhau rồi lo cho con cái. Thôi chị ngủ đi, mai về thiệt hả? Ư, chị về cho em gởi lời thăm dì Hai nghe! Về thiệt hả? Hỏi chi hỏi hoài vậy? Để tui kêu “thằng chả” về nhà ngủ, mấy nay ngủ với “bà” nhớ “chả” lắm rồi!
Tôi bật cười cho sự tự nhiên của nhỏ Tâm. Nhà nó nhỏ xíu mà tôi cứ nằn nì đòi sang ngủ báo hại chồng nó phải về nhà cha mẹ ngủ nhờ. Vậy mà ba hôm nay tôi không hề để ý, mãi tíu tít chuyện tào lao.
Trăng bàng bạc lên cao giữa đồng đất mênh mông màu nước, tít xa những vạt rừng tràm trong bóng đêm đen kịn thâm u. Xa xa ngoài sân nhà nhỏ Tâm, những đụn “te” đã lột xong đang phơi màu trắng ngà dưới ánh trăng dìu dịu. Hết đợt cây này, em tôi lại lội đồng xa hơn để mua đợt khác. Công việc cứ nối nhau tháng này sang tháng nọ, những người như em tôi chỉ biết “lấy công làm lời là tốt lắm rồi” mặc bao nhiêu người còn đang phải học hành, tranh đấu, giựt giành, hiềm khích … chỉ vì những tham vọng phù du.
10-11.07