Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.930
 
Người đẹp và thi ca (*)
Nguyệt Phạm

1. Những ngày đầu năm, do tính chất công việc, tôi có dịp khảo cứu tìm tư liệu để xem kỹ một tác giả thơ Việt Nam hiện đại là Nhà thơ Anh Thơ với tác phẩm Bức Tranh Quê. Tập thơ này đã đưa Anh Thơ thành một tên tuổi trên văn đàn sau khi đoạt giải thưởng Tự lực Văn đoàn do nhóm các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…cùng nhiều văn nghệ sĩ khác sáng lập. Anh Thơ có thể chưa phải là một tác giả tiêu biểu nhất của giai đoạn này nhưng bà lại có một vẻ đẹp “vĩnh cửu” khác: Đó là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi đoạt giải thưởng Tự lực Văn đoàn, “định danh” được tên tuổi mình vào thời điểm xã hội VN vẫn còn mang nhiều tập tục phong kiến lạc hậu, tính chất gia trưởng “trọng nam khinh nữ” và chưa đề cao vai trò nữ giới trong sáng tạo nghệ thuật. Vượt thoát và bất chấp những định kiến đó, Anh Thơ đã thành một biểu tượng sống động cho thi đàn: gần sau một thế kỷ, tên tuổi của bà vẫn còn được nhắc tới, ví dụ như trực tiếp trong tham luận về Thơ này. Và càng quan trọng hơn bà trở thành hình ảnh dấn thân cho nghệ thuật Ngôn từ của tôi vì nếu còn làm thơ tôi vẫn còn nhớ đến bà. Bởi tập thơ Mắt Giấy (Nxb.Thanh Niên 1.2008) đầu tay của tôi đã được in từ Quỹ tài trợ Anh Thơ do nhà văn Phan Thị Vàng Anh điều phối. Còn gì vinh dự hơn nữa khi lửa đã được tiếp lửa, vinh danh cho những Người đẹp với Thi ca?

 

2. Trước đây nhiều nhà phê bình vẫn cho rằng Nàng thơ chính là Người đẹp. Và Người đẹp chính là Thi ca. Có nghĩa một chính là hai, hai mà là một, gắn bó khắng khít không thể tách rời. Nhưng với tôi đây là một quan niệm giả dối mang nhiều tính chất hưởng thụ, hưởng lạc của chủ nghĩa Phụ Quyền. Đề cao tính chất con đực độc diễn và độc đàn. “Rằng em nhan sắc cho chàng say sưa” (Thơ Nguyễn Bính). Bởi quan niệm đó ích kỷ cho thấy là Người đẹp đã là Thơ rồi, cần gì em phải làm thơ nữa? Em cứ phây phây ra đó cho anh nhìn ngắm, anh làm thơ ca tụng và hưởng thụ thôi chăng? Thật thế, khi hết thời gian này qua thời điểm ấy, không ai nhìn thấy đó là một định nghĩa khó chịu, không công bằng trong Nghệ thuật Sáng tạo và sâu xa hơn tính thụ động, chịu đựng của người nữ trong kiếp “ba sinh”, “tạo hóa”, miễn cưỡng chấp nhận “chuyện đã rồi” của mình. Khi mà xã hội hiện đại đang có xu hướng biến thái hình thành nhiều khái niệm lưỡng tính Trai đẹp, Trai nhảy thì càng quan trọng hơn khi sắp xếp lại các vai vế, đánh giá, định nghĩa. Và thơ nữ có quyền xây dựng một quan niệm Chàng thơ hay không? Khi vẻ đẹp lực lưỡng, man dại của chàng Appolon, Asin, Hecto…đã là biểu tượng, là làm nức nở nhiều trái tim yêu kiều được xây dựng từ thời Hy Lạp cổ đại. Ở đây tôi cũng xin lưu ý tính “đường dẫn” của Thi caHình ảnh. Bởi thi ca chính là hình ảnh hóa được làm bằng ngôn từ. Và theo quan điểm của tôi khái niệm Nàng Thơ của bắt đầu từ văn hóa Hy Lạp, bằng hình ảnh cân đối của thần Vệ nữ. Đẹp như thơ hay nàng thơ cũng bắt đầu từ những tranh luận thi ca và văn hóa từ Cổ đại đến Phục hưng khi các nhà thơ nữ vẫn chỉ mang tính chất phụ thuộc và lệ thuộc chứ chưa có toàn quyền Nam Nữ bình đẳng, thậm chí vai trò của nữ giới có phần lấn át hơn trong nhịp sống của xã hội hiện đại hiện nay. Và với một phụ nữ, một nhà thơ nữ thì cái đẹp của Thi ca phải là Chàng thơ. Vâng, Chàng thơ! Nghe liệu có quá thô mộc, trụi trần không? Với tôi là không, bởi, chúng ta đã bị phân hóa và nô lệ bởi các khái niệm Thơ phải là những gì yếu ớt, lệ thuộc, mong manh chứ không phải gồ ghề, lấn lướt, vạm vỡ. Những khái niệm đó xem chừng đã lạc hậu, không còn là những thuộc tính căn bản của thơ hiện đại. Và vẻ đẹp của Chàng thơ cũng hấp dẫn không kém Nàng thơ khi đó bắt đầu từ cái nhìn của các nhà thơ Nữ (xin lưu ý là các nhà thơ nữ, đó là sự đòi hỏi sòng phẳng và bình đẳng với các nhà thơ nam ) là vẻ đẹp khỏe mạnh, cân đối, cuồn cuộn của sức sống. Có bệnh lý không khi một Nàng làm thơ lại yêu một Nàng Thơ? Phải là Chàng thơ chứ! Và trở lại một quan điểm của nhà triết học cổ điển Hê-ghen định nghĩa: “Cái đẹp là sự hài hòa”. Thơ ca Nữ Hiện đại cần phải thay đổi cách nhìn để có những cuộc dấn thâm mới khám nghiệm, thử nghiệm ngôn từ, ngôn ngữ, hình ảnh mới chăng?    

 

3. Hình ảnh của nhà thơ Anh Thơ vẫn còn đó. Một người đàn bà đi ngược dòng Thơ Mới. Cùng với Tương Phố, Ngân Giang Nữ sĩ, Mộng Tuyết… Sâu hơn và xa hơn là Hồ Xuân Hương, là Bà Huyện Thanh Quan… Hiện đại hơn là các nhà thơ nữ tôi yêu thích hôm nay như Ý Nhi, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Thị Kim, Giáng Vân, Phan Thị Vàng Anh, các nhà thơ nữ đang sống  Hải ngoại như viết bằng tiếng Việt, thi ca Việt nói chung như Nhã Ca, Mộng Lan, Lý Lan, Lê Thị Thấm Vân, Lê Thị Huệ, Nguyễn Hương, Đỗ Lê Anh Đào, Lưu Diệu Vân, Đặng Thơ Thơ, Đinh Từ Bích Thúy… Và các người đẹp thơ thuộc thế hệ tôi như Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương, Ngựa Trời Thanh Xuân, Khương Hà, Phương Lan, Trương Quế Chi, Lê Thùy Vân, Ngô Thị Hạnh, Chinh Lê…Thử làm một cuộc trắc nghiệm nhỏ, hãy thử hỏi họ có thực sự thích Thơ ca là Nàng Thơ không hay cần phải thay đổi đi, ngược lại như Chàng Thơ chẳng hạn? Tôi cho rằng 1/3 sẽ ngạc nhiên nói rằng, thực tình là chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. 1/3 sẽ trả lời đúng thật, hình ảnh đó trông thụ động và yếu ớt quá! Và 1/3 sẽ OK, đúng quá rồi, cần thay đổi ngay đi, còn chần chờ gì nữa! Bản chất của nghệ thuật và Thi ca, mãi mãi và bao giờ cũng chính là những cuộc cách mạng, những sự thay đổi…

 

Sàigòn, 1.2008.

Chú thích ảnh:

(*) Tham luận trong Hội thảo “Thơ VN đương đại” do Khoa Văn học & Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức lần thứ I ngày 19.2.2008 nhân ngày Thơ VN)

(1).Các nhà thơ, các nhà phê bình trong cuộc Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại (từ trái qua): Võ Văn Nhơn, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà văn Lý Lan (Mỹ), nhà phê bình văn học Đặng Tiến (Pháp), giáo sư Hoàng Như Mai, nhà thơ Phan Hoàng, Tiến sĩ-PGS Nguyễn Thị Thanh Xuân và nhà thơ Nguyệt Phạm tại trường Đại học Khoa học Xã Hội & Nhân Văn TP.HCM sáng 19.2.1008.  

 

(2).Nhà thơ Nguyệt Phạm, nhà phê bình văn học Đặng Tiến, nhà văn Lý Lan và Giáo sư Hoàng Như Mai, chủ trì cuộc hội thảo Thơ Việt Nam Đương Đại.

Nguyệt Phạm
Số lần đọc: 2629
Ngày đăng: 01.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Giấy trắng” của nhà văn Triệu Xuân tái bản lần thứ Mười - Nguyễn Tý
Khai bút “Hòa mạng” cùng Hoài Anh - Nguyễn Tý
giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo -1 - Ban Mai
giáo sĩ đắc lộ trong thế giới huyền ảo -2 - Ban Mai
Trao đổi với Phó giáo sư Hoàng Xuân Chinh - Hà văn Thùy
Nghĩ ngợi đôi điều nhân đọc thơ của một nghệ sĩ sáo trúc - Trần Xuân An
Cuốn sách nhỏ bàn vấn đề lớn - Hoàng Xuân Chinh
Thưa chuyện với sử gia Tạ Chí Đại Trường - Hà văn Thùy
Nỗi Niềm Nắng Và Mưa - Lê Huỳnh Lâm
Hiện tượng thơ Tôn nữ Hỷ Khương - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả