Ngồi trong quán cơm ở thị trấn Đức Hòa, tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Quý, dân Sài Gòn xuống Đức Hòa mua bán đất. Quý cho biết, năm 2000, anh đầu tư 60 lượng vàng để mua 6 ha đất bưng, lọai đất chỉ để trồng bàng. Bốn năm sau, đất của Quý lọt vào quy họach khu công nghiệp Xuyên Á, anh được đền bù mỗi mét vuông 21 ngàn đồng, tức tổng cộng 1 tỷ 260 triệu đồng và được mua lại 5 nền nhà tái định cư, nếu bán phiếu tái định cư thì Quý sẽ được thêm 250 triệu đồng nữa, như vậy, trừ ra 60 lượng vàng thì Quý còn lãi gần 1 tỷ đồng.
Trong canh bạc nầy, Quý là người thắng cuộc.
Nhưng người ngồi cạnh Quý thì ánh mắt luôn đau đáu, chua cay như một người thua cuộc – anh Nguyễn Văn Bình – Bình kể, anh có 5 ngàn mét vuông đất trồng bàng, tuy nghèo nhưng mỗi năm thu họach cũng được năm bảy triệu đồng đắp đổi cháo cơm. Đến năm 2001, đất lọt vào quy họach khu công nghiệp Xuyên Á, anh bị buộc phải giao với mức đền bù 2.500 đồng một mét vuông, tức 12,5 triệu đồng cùng với cái phiếu mua nền tái định cư 80 mét vuông với giá 96 triệu đồng. Bình nghĩ, 5 ngàn mét vuông không đổi được cái nền nhà thì quá thiệt thòi, nhưng đây là lệnh của nhà nước, không nhận thì cũng bị cưỡng chế. Cuối cùng, để thuyết phục Bình, ban giám đốc công ty TNHH Ngọc Phong – chủ đầu tư khu công nghiệp Xuyên Á – và chính quyền xã làm cho anh cái giấy cam kết rằng: “Nếu sau nầy công ty Ngọc Phong mà bồi hòan cho các hộ dân có cùng lọai đất như của ông Bình cao hơn giá đã đến bù thì sẽ bồi hòan tiếp cho gia đình ông số chênh lệch đó”. Đến năm 2004, tỉnh Long An nâng giá đền bù cho lọai đất trồng bàng lên với giá 21 ngàn đồng một mét vuông ( trong đó hổ trợ di dời một ngàn đồng ) như anh Nguyễn Văn Quý đã nhận, Bình mang giấy cam kết lên công ty Ngọc Phong đòi bồi hòan bổ sung thì công ty chỉ lên huyện, huyện lại chỉ về xã, xã lại chỉ qua công ty Ngọc Phong. Cuối cùng Bình vẫn chờ trong vô vọng.
Chúng tôi rời khỏi quán cà phê thì có mấy người đàn bà chận lại giữa đường, một chị xưng tên là Thạch Kim Hen cho biết, chị có 1,2 ha đất trong quy họach khu công nghiệp Xuyên Á, cũng như hàng trăm hộ ở đây, chị bị chính quyền địa phương ép giao với giá bồi hòan 2.500 đồng một mét vuông, cộng với nhà cửa và hoa màu, chị nhận được 46 triệu đồng cùng với lời hứa nếu sau nầy những hộ khác được bồi hòan cao hơn thì chị sẽ được nhận bổ sung, lúc ấy chị đòi tờ cam kết cũng như anh Bình, nhưng đại diện công ty Ngọc Phong nói chỉ làm cam kết cho một số hộ mang tính đại diện, hồ sơ bồi hòan còn đó, sau nầy ai cũng được như nhau. Thế nhưng bây giờ chị đi đòi tiền thì công ty Ngọc Phong nói không có giấy cam kết thì không được giải quyết.
Hôm sau gặp ông Phan Thành Phi, phó ban quản lý các khu công nghiệp Long An, chúng tôi đặt vấn đề về việc bồi hòan bổ sung cho những hộ bị áp giá 2.500 đồng một mét vuông, ông Phi khẳn định không có việc bổ sung, giá của thời điểm nào tính theo thời điểm đó, còn nếu công ty Ngọc Phong và ủy ban xã có cam kết thì họ tự chịu trách nhiệm. Chúng tôi gọi điện hỏi ông Ngô Văn Trường, phó tổng giám đốc công ty Ngọc Phong, ông Trường cho biết Công ty chỉ làm việc trên giấy trắng mực đen, ai không có giấy cam kết thì không giải quyết, nhưng trong 18 hộ có giấy cam kết thì chỉ giải quyết được hai hộ vì số còn lại nộp giấy trể hạn, tức sau ngày 15 tháng 4 năm 2007 theo thông báo của UBND huyện Đức Hòa (!?).
Anh Bình nói rằng, quyền lợi hằng trăm triệu đồng của người nông dân nằm trong tờ cam kết ấy, không lý do gì họ trể hạn nếu được nghe thông báo.
Trong hơn 250 hộ nông dân ở hai xã Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam thuộc khu công nghiệp Xuyên Á đã nhận tiền đền bù với giá từ 2.500 đồng một mét vuông đất trồng bàng, 4.000 đồng một mét vuông đất trồng cây và 8.100 đồng một mét vuông đất trồng lúa, giờ không biết trôi dạt về đâu, đói khổ ra sau, nhưng cái dễ nhìn thấy nhất là họ đã để lại cho công ty TNHH Ngọc Phong một một cơ nghiệp đồ sộ gần 500ha mà mỗi mét vuông đất được tính bằng ngọai tệ theo cơn sốt của thị trường. Anh Bình bây giờ đi làm cò đất để kiếm từng đồng huê hồng sống qua ngày tháng, điều đó càng làm cho anh cay đắng hơn khi đi rau bán ngay trên mãnh đất của mình giờ đã thành chủ khác với giá một hai triệu đồng trên mỗi mét vuông !
Tại ấp Tràm Lạc, xã Mỹ Hạnh Bắc, bên cạnh không khí ồn ào, hối hả của các phương tiện thi công cơ giới đang san lắp mặt bằng khu công nghiệp Xuyên Á lại có sự tương phản bởi một không khí ảm đạm, u buồn, hồi hộp từng phút từng giờ trước nguy cơ cưỡng chế giải tỏa của 46 hộ nông dân với hàng trăm con người đang nheo nhóc trong những căn nhà ngập nước sau một trận mưa, cả bốn phía bị công trường thi công phong tỏa nên không còn đường thóat nước. Ong Năm Xét rầu rỉ cho biết, huyện vừa ký quyết định buộc ông dời vô nhà tạm cư để giao đất cho khu công nghiệp, mà đi sao được – ông nói – vợ chồng già, con dâu, con rể, cháu nội cháu ngọai, tất cả 12 người, rồi tám con bò, đàn gà đàn vịt . . . làm sao chứa nổi trong căn nhà phố 80 mét vuông. Không đi thì bị phạt, bị cưỡng chế, còn đi thì bỏ cả cơ ngơi, vào khu tái định cư trong nhà phố, làm sao sống nổi. Ong Năm Xét có 2,6ha đất được chia thành nhiều lọai khác nhau, đất vườn, đất trồng lúa, đất trồng màu, đất trồng lác, với tất cả đất đai, nhà cửa, hoa màu, ông được đền bù 798.928.519 đồng, ông nói với số tiền ấy nếu chia đều cho 14 đứa con kể cả dâu rể và 14 đứa cháu nội cháu ngọai thì chẳng bao lâu gia đình ông sẽ thành một đội quân ăm mày. Còn nếu vào khu tái định cư, nhận ba nền nhà theo giá của dự án cũng mất 219 triệu đồng, cất nhà xong là trắng tay, lấy gì để sống. Tôi hỏi sao không nhận tiền rồi tìm mua đất ruộng đất vườn chổ khác, ông nói giá đất ruộng bây giờ, dù là đất bưng nhưng nếu có đường xe bò đi được thì một mẩu cũng trên một tỷ đồng, chẳng lẽ mang 2,6 mẩu đất ở đây đi đổi một mẩu khác, rồi lấy gì xây cất nhà cửa, đầu tư cho trồng trọt chăn nuôi.
Cùng cảnh ngộ vời ông Năm Xét, ông Tư Phá nhà ở sát mặt đường tỉnh lộ 824. Theo các tay cò đất ở đây cho biết thì trên đọan đường nầy, giá một mét ngang với chiều sâu 50 mét hiện nay đã lên đến 90 triệu đồng. Đất mặt tiền của ông Tư Phá dài 67 mét, chiều sâu 270 mét. Năm 2002, hội đồng kê biên bồi thường của huyện Đức Hòa lập bảng chiết tính bồi thường cho ông 350 triệu đồng để giao cho khu công nghiệp Xuyên Á, ông không nhận, đến năm 2004, họ tính lại cho ông 800 triệu đồng, ông cũng không nhận, sau đó họ tính bổ sung thêm 300 triệu đồng nữa, tức 1,1 tỷ đồng, ông cũng không nhận. Là người biết chuyện, ông Tư Phá nghĩ rằng nếu giao 1,4 mẩu đất nầy cho công ty Ngọc Phong cũng đồng nghĩa với việc giao cho họ món lợi khổng lồ, còn ông cầm 1,1 tỷ đồng thì chỉ có thể đi mua lại một mẩu đất bưng giữa đồng khơi, trong khi Ngọc Phong cũng là một công dân như ông, chỉ hơn cái mác của một nhà đầu tư khu công nghiệp. Nhưng, cũng chính vì cái mác ấy mà ngày 18 tháng 5 năm 2006, Ngọc Phong cho 22 xe ben lọai 25 tấn chở đất đỏ vào san lấp khu vườn ông Tư Phá dưới sự bảo vệ của công an và chính quyền huyện Đức Hòa. Cha con ông Phá cầm dao ra ngăn chặn với lý do Ngọc Phong xâm phạm tài sản của ông một cách bất hợp pháp, đòan xe rút lui. Trước lý lẻ của ông Phá, chính quyền Đức Hòa cũng phải ra về với lời hăm dọa sẽ có quyết định cưỡng chế ông. Một tuần sau, ngày 25/5/2006, chủ tịch huyện Phan Văn Liêm ký quyết định xử phạt hành chánh ông Nguyễn Văn Phá số tiền 1,75 triệu đồng “Vì đã có hành vi không thực hiện trả lại đất theo quyết định thu hồi của UBND huyện”. Một năm sau, ngày 15/5/2007, ông Phan Văn Liêm lại ký quyết định thu hồi quyết định xử phạt hành chánh ông Phá mà chính ông Liêm đã ký trước đó một năm với lý do “Quyết định trên không đúng theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng 9 ngày sau, ngày 25/5/2007, cũng chính ông Liêm lại ký một quyết định khác xử phạt hành chánh ông Phá 1,75 triệu đồng với lý do “ Đã có hành vi không thực hiện trả lại đất theo quyết định thu hồi của UBND huyện”. Luật sư D.H.L có mặt tại nhà ông Tư Phá cùng với chúng tôi hôm ấy đã chắp tay xá các quyết định của ông Liêm vì không tài nào giải thích.
*
Chúng tôi vào khu công nghiệp Tân Đức, một khu công nghiệp khá bề thế đã hòan chỉnh phần san lắp mặt bằng và có nhiều công trình đang xây dựng. Theo thông tin từ trang veb của công ty Tân Tạo, chủ đầu tư của khu công nghiệp Tân Đức thì dự án nầy có ý nghĩa nâng cấp tỉnh Long An từ nay đến năm 2015 trở thành tỉnh có thành phố thông minh, hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Khi chúng tôi vừa dừng lại ở căn nhà đầu tiên trên đường vào khu công nghiệp – nơi cách nay mấy tháng đã xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất – thì có nhiều người kéo đến, mỗi người giành kể trước câu chuyện về mình. Thấy tình thế không ổn nên chú Tư An, một đại tá công an về hưu đứng ra đại diện để kể thay mà theo ông thì “để cho vừa khách quan, vừa dễ hiểu”. Ong kể,khi công ty Tân Đức thi công tuyến đường từ tỉnh lộ 10 vào khu công nghiệp thì có nhiều hộ nằm trong diện giải tỏa. Theo thông báo giá đền bù của tỉnh Long An thì từ lộ giới tỉnh lộ trở vào 50 mét sẽ được áp giá mỗi mét vuông 2 triệu đồng, sau 50 mét là 600 ngàn đồng, sau 100 mét là 250 ngàn đồng. Sau khi đo đạc thì có 3 lô đất của bà Phan Thị Khắp, ông Phan Văn Cư và bà Hùynh Thị Hiếu nằm trong phạm vi 50 mét. Thế nhưng không hiểu lý do gì, huyện chỉ mời ông Cư lên nhận đủ số tiền bồi hòan cho 294 mét vuông còn bà Khắp và bà Hiếu thì sau đó bị trừ lại một phần diện tích để tính theo giá thấp, hai bà không nhận và làm đơn khiếu nại đòi tính theo giá bồi hòan cho ông Cư. Mấy tháng sau, huyện mời ông Cư lên buộc ông phải trả lại 176 triệu đồng, ông Cư không chịu trả. Đến ngày 26/10/2006, công an huyện ra uyết định khởi tố bị can đối với ông Cư về tội “chiếm giữ tài sản trái phép”, và ngay ngày hôm sau, chủ tịch huyện trực tiếp chỉ đạo hàng trăm lực lượng gồm cảnh sát cơ động, công an huyện, công an xã, đội bảo vệ khu công nghiệp Tân Đức đến cưỡng chế cả ba căn hộ, dùng kobe tháo dỡ để giải phóng mặt bằng. Là người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện và chụp được nhiều bức ảnh tại hiện trường, chú Tư An nói rằng thực chất cuộc cưỡng chế nầy là do bà Nguyễn Như Ý – phó tổng giám đốc công ty Tân Đức – chỉ huy, bà đứng chóng nạnh hai tay và hô dõng dạc: “Cán bộ các anh không có máu lửa gì cả, cứ làm đi, có gì tôi chịu trách nhiệm !”
Sau cuộc cưỡng chế một thời gian, viện kiểm sát nhân dân huyện mời ông Cư lên thông báo miệng cho ông hay rằng ông vô tội. Thế nhưng bà Khắp và bà Hiếu đến nay vẫn chưa nhận được bồi hòan phần đất của mình.
-Người nông dân mình bị thua đau lắm các cháu ạ ! – chú Tư An ngậm ngùi nói – Nhiều doanh nghiệp đang dùng chiêu bài dự án nầy dự án nọ nhưng thực chất họ kinh doanh mặt bằng, vậy thì không lý do gì để cho số đông bà con nông dân chịu thiệt. Người nông dân mình thì không nhìn ra khỏi mảnh vườn thửa ruộng, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Ngay từ khi những dự án mới manh nha thì họ tung ra những thông tin hấp dẫn, rằng từ cây xòai cây mít mới trồng đến vườn rau ao cá, cái hàng rào, cái chuồng heo cũng được nhà đầu tư đền bù thỏa đáng. Thế là nhà nhà đua nhau đi vay tiền vay bạc để trồng trọt, làm hàng rào, xây cất thêm chổ nầy chổ nọ. Đến một thời gian thì nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, lúc ấy họ chỉ còn biết trông dự án sớm triển khai để được nhận đền bù. Khi vỡ lẽ ra thì đất đai không còn, tiền cũng hết, nhà không có để ở, vợ chồng đổ lỗi cho nhau, gia đình tan nát . . . nếu cán bộ mình là của dân, vì dân, biết đứng về phía quyền lợi của dân thì đâu đến nỗi .
Trong khu tái định cư của công ty Tân Đức có một ngôi nhà của vợ chồng anh Trí khá khang trang vừa mới cất lên, mở tiệm bán cà phê và tạp hóa. Trong vai những người đi mua đất, chúng tôi ngồi uống cà phê và hỏi thăm, anh Trí cho biết, anh có 2700 mét vuông đất nông nghiệp, được đền bù theo giá 35.000 đồng một mét vuông cộng với 130 triệu đồng cho ngôi nhà kiên cố. Vào đây, anh được mua lại 2 nền nhà mặt tiền, đường rộng, tổng diện tích 250 mét vuông với giá 160 triệu đồng, xây nhà xong là trắng tay. Song, nhờ vợ chồng anh biết tính tóan nên vẫn có cuộc sống tốt hơn nhiều người khác.
Theo quy họach thì khu công nghiệp Tân Đức có gần năm trăm hộ tái định cư nhưng chẳng mấy ai vào ở, một số hộ cảm thấy ở nhà phố không phù hợp với thói quen nên đi tìm mua đất nông nghiệp ở nơi khác, một số hộ sau khi giao đất không có nhà ở thì được công ty trợ cấp tiền thuê nhà trọ để chờ nhận nền tái định cư. Nhưng vào nhà trọ với số tiền lớn trong tay, không có việc làm, lại ăn xài phung phí, hết tiền rồi thì bán cả phiếu mua nền, cuối cùng thì khăn gói ra đi. Anh Trí nói họ về đâu chỉ có trời mới biết. Giá phiếu mua nền ở các khu công nghiệp Đức Hòa cứ đi lòng vòng qua các tay kinh doanh đất ở Sài Gòn như thị trường chứng khóan, từ vài triệu đồng lên đến bạc trăm triệu đồng mỗi phiếu còn người chủ ban đầu thì không biết đã về đâu.
Theo thông tin của những anh cò đất ở Đức Hòa, có một chủ doanh nghiệp tên là Hòang Châu đã trực tiếp mua đất của dân để xây dựng nên cụm công nghiệp Hòang Gia khá đồ sộ nằm trên tỉnh lộ 824, gần khu công nghiệp Xuyên Á, chúng tôi đã tìm đến Hòang Gia nhưng anh đã đi nằm bệnh viện. Tình cờ, chúng tôi gặp ông Đòan Văn Nê, ông cho biết, ông có gần 4 mẩu đất cạnh cụm công nghiệp Hòang Gia, năm 2004, ông đã bán cho ông Châu một mẩu với gía một tỷ đồng, giờ còn 2,7 mẩu, mấy tay cò đất đang gạ ông với giá 1,5 tỷ đồng, ông đang suy nghĩ.
Nhưng theo cách nói của bác Năm Xét, anh Tư Phá và chú Tư An thì người nông dân ở đây không phải làm eo sách, không đòi hỏi các nhà đầu tư phải mua đất của họ theo giá thị trường, bởi ai cũng biết rằng chính các dự án đã tác động trực tiếp đến thị trường đất đai ở nông thôn. Nhưng, có lẽ cái nỗi lo ám ảnh lớn nhất của bà con nông dân ở đây, chính là cái nỗi lo mà anh Năm Tựa gặp chúng tôi lần nào cũng nói một câu duy nhất: “Tôi có 3,8 mẩu đất, giờ nếu bàn giao cho công ty Ngọc Phong để nhận đền bù 862 triệu đồng thì làm được gì, đi chổ khác chưa chắc mua lại được một mẩu đất bưng, mà vô khu tái định cư ở nhà ống thì biết làm gì để sống, mình đã quen sống với con cá cọng rau rồi”.
Tôi giả bộ hỏi anh Tựa rằng, nếu là tôi, tôi sẽ đền bù cho anh 90 phần trăm diện tích đất theo giá 35 ngàn đồng một mét vuông như công ty Tân Đức, nhưng 10 phần trăm diện tích còn lại tôi sẽ dời anh đi nơi khác, có điện, có đường để anh cất nhà, làm vườn làm ao nuôi cá, anh có chịu không ? Cả anh Tựa và bác Năm Xét đều vui mừng như là điều có thật. Tiếc rằng, đó chỉ là một lời ví dụ rất ảo tưởng, rất ngây ngô !
Trên đường về, anh bạn luật sư của tôi trầm ngâm khá lâu rồi bổng dưng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Quốc Hội vào cuối tháng ba vừa qua, rằng “Chính đất đai là một trong những vấn đề cán bộ lãnh đạo còn nhiều vướng mắc. Đất đai phải có giá, đó chính là hàng hóa, nhưng là hàng hóa đặc biệt vì biết bao hy sinh xương máu mới giành được, một tấc non sông, một dòng máu đỏ. Người dân là người sử dụng nên cũng có quyền định giá, cũng có quyền bán, quyền chuyển nhượng. Phải hiểu đất đai là hàng hóa đặc biệt và cũng không phải thị trường hòan tòan nên mới có quy định khung giá. Nhưng khi thấy chưa phù hợp thì phải thay đổi, phải định giá lại. Không phải cái khung giá đặt ra là bất biến mà phải căn cứ vào thực tế, xuất phát từ lợi ích của nhà nước và của nhân dân. Những người đứng đầu ở các địa phương làm được như vậy, sát dân được như vậy chắc chắn sự rắc rối sẽ được giải quyết một cách thấu đáo . . .”