Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.899
 
Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống mãi với lời ca Huế
Võ Quê

Với một tâm hồn phóng khoáng, một đời thơ hào sảng mà tao nhã cùng sự đồng điệu giữa người và thiên nhiên, Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã sống mãi trong lòng dân xứ Huế như con sông Hương chảy mãi nguồn thơ ca không ngưng nghỉ mạch tình. 

    

Theo tập "Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị" của Tôn Nữ Hỷ Khương ( con gái của Ưng Bình) do Nhà xuất bản Văn Nghệ TP. Hồ Chi Minh ấn hành năm 2002, Ưng Bình Thúc Giạ Thị sinh ngày 9.3.1887 tại làng Vĩ  Dạ (Huế), là cháu nội ngài Tuy Lý Vương Miên Trinh, một nhà thơ nỗi tiếng mà sinh thời vua Tự Đức đã ban câu: "Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường" lưu danh trong văn học nước nhà. Ưng Bình là tên, Thúc Giạ Thị là hiệu. Thân sinh nhà thơ là cụ Hiệp tá Tiểu Thảo Hường Thiết tác giả tập "Tứ Tự  ca" (truyện thơ lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng), tập thơ chữ Hán "Liên Nghiệp hiên thi tập"; đồng thời là tác giả bức tranh "Đại Nam quốc toàn đồ năm 1989"; thân mẫu nhà thơ là bà Nguyễn Thị Huệ, thông thạo chữ Hán, có nhiều thơ Nôm được truyền tụng như " Nhớ Quê", "Thượng cầm hạ thú", "Xuất giá".Ưng Bình đã có một quá trình sáng tác với hàng ngàn bài thơ chữ Việt; thơ chữ Hán thì có "Lộc Minh thi tập" gồm 227 bài; hát bội có tác phẩm tuồng "Lộ Địch" phóng tác từ nguyên tác của nhà văn Pháp P. Corneille; tuồng "Tào lao", một vở tuồng xưa được chuyển thê  21 làn điệu dân ca Huế. Một số tác phẩm của Ưng Bình đã xuất bản như : "Tình Thúc Giạ" (1942), "Bán buồn mua vui" (1954), "Đời Thúc Giạ" (1961), "Tiếng hát sông Hương" (1972), "Thơ ca tuyển" (1992).

    

Trong các loại hình văn học nghệ thuật : thơ, ca trù, tuồng, hò, ca Huế của Ưng Bình Thúc Giạ Thị thì hò và ca Huế đã có một sức sống mãnh liệt, bền bỉ và được phổ cập đến nhiều tầng lớp trong xã hội từ trước đến nay và nhất là trong giai đoạn mới này, khi mà nhu cầu thưởng ngoạn loại âm nhạc dân tộc truyền thống Huế đang trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa Huế.

    

Câu hò mái nhì "Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non" từ một bến sông Hương đã lan tỏa vọng ngân khắp mấy phương trời Âu, Á, người ở quê nhà, kẻ tha phương, khách du lịch ... tất cả đã tiếp nhận câu hò với niềm yêu nỗi nhớ và chính nhờ nội dung câu hò này được phổ biến rộng rãi mà điệu mái nhì được người trong cả nước gọi là hò Huế.

    

Ưng Bình Thúc Giạ Thị rất tài hoa, nhuần nhuyễn khi kết hợp dòng văn chương bác học với dòng văn học dân gian để cho câu hát điệu hò được hội nhập trong tâm hồn đất nước. Bước chân của Ưng Bình Thúc Giạ đã qua nhiều miền, nhiều xứ sở và ở đâu nguồn cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên của Ưng Bình cũng lai láng, chứa chan để cho những địa danh đó được nhiều người biết đến bằng sự mến mộ và mong được như Ưng Bình sẽ có lần tìm đến lãm du :Ôm quả sầu riêng em qua miền Rạch Giá,Bâng khuâng trong dạ quay lại ngả Gò Công.May may nhằm buổi chợ đông,Gặp Bạc Liêu công tử bán mấy chục đồng cũng mua.

    

Nhờ nội dung những làn điệu hò ca Huế của Ưng Bình mà sinh hoạt ca Huế của người dân Huế được duy trì và phát triển tới ngày nay. Ưng Bình đã có một thực tế sống rất phong phú vì đã hòa nhập vào cuộc đời từ chốn quan trường đến nơi dân dã. Chính thực đây là chất liệu giàu có để Ưng Bình sáng tạo nên những tác phẩm ca Huế đáp ứng được tâm lý của nhiều tầng lớp quần chúng từ trí thức, sĩ phu đến người lao động cùng khổ.Tác phẩm Ưng Bình có mặt khắp nơi trên xứ sở này. Từ  cuộc hò giã gạo ở các làng quê dưới ánh trăng đêm đến những buổi ca Huế thính phòng của bạn tri âm hay chương trình ca Huế trên sông Hương làm ấm lòng du khách, lời ca của Ưng Bình đã làm cho những vòng tay nối rộng nghĩa tình và niềm nhân ái giữa người với người, giữa người với thiên nhiên càng trở thành tri kỷ."Tới đây đầu lạ sau quen, quen người mở miệng cười quen tiếng, đào mận quen hơi, chuông vàng khánh ngọc quen lời ..."

    

Sự sâu sắc, thâm trầm trong lời ca của Ưng Bình đã nâng tầm cho giai điệu Huế. Nhiều nghệ sĩ, ca nữ trong làng ca Huế được nổi danh là nhờ các bài ca của Ưng Bình. Tiêu biểu là các bài Đêm thất tịch (Tứ đại cảnh) sáng tác năm 1923 tại Quảng Bình, Phong cảnh và nhân vật Vỹ Dạ (Cổ bản), sáng tác năm 1922, Đầu lạ sau quen (Nam bình) sáng tác năm 1926 ... Các nghệ sĩ Quế Trân, Minh Mẫn, Vân Phi, Thanh Hương, Thanh Tâm ... là những người biểu diễn rất thành công các tác phẩm hò và ca Huế của Ưng Bình.

    

Tài hoa của Ưng Bình trên lãnh vực sáng tác đã có một ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nghệ sĩ, nhiều văn nhân viết lời cho các làn điệu ca Huế sau này. Quan niệm của Ưng Bình "những câu hát hay hò mà thường dân năng hát có phải là thường dân đặt ra đâu, chính các bậc văn sĩ đời xưa đặt ra mà thường dân ta nhớ lại. Văn sĩ đã đặt ra những câu ca dao để lại cho ta ngày nay, thì văn sĩ ngày nay cũng nên đặt ra thêm, thêm cho nhiều mà để lại cho ngày sau, rồi luôn luôn về sau nữa mới phải ..." đã được nhiều người tiếp thu mà sáng tác nên nhiều bài ca Huế. Cả một đội ngũ sáng tác lời ca Huế đã noi gương Ưng Bình Thúc Giạ và các bậc tiền bối trong việc gìn giữ, trân trọng và phát huy loại hình nghệ thuật âm nhạc dân tộc của quê nhà, nâng lời ca Huế lên hàng văn thể.Theo dòng chảy thời gian, nghệ thuật ca Huế đang được trưởng thành cùng ngày mới.

    

Sự nghiệp sáng tác các làn điệu hò, ca Huế của Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã trở thành một di sản quí báu của quê hương. Và di sản này đã đóng góp một phần rất lớn lao cho việc phát triển nghệ thuật ca Huế.Câu hò mái nhì "Chiều chiều trước bến Văn Lâu ai ngồi ai câu ..." đã vang ngân trong lòng người năm châu bốn bể. Nỗi sầu xưa đang trở thành  niềm vui của nghệ thuật nước nhà.Xin được kính cẩn biết ơn Người đã làm cho dòng sông Hương xanh trong mãi những lời ca. 
Võ Quê
Số lần đọc: 4368
Ngày đăng: 04.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tây Tiến ,Thơ: Quang Dũng - Tăng Tấn Lộc
Người con gái quê hương - Châu Thanh
Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước - Con đò" trong Ca cổ cải lương Nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Gia tài của “ bướm vàng “ - Nguyễn Khắc Phê
Những bài ca cổ hay của Nam bộ: Lời người hát rong - Ngô Hồng Khanh
Bài vọng cổ đưa dâu - Trần Thế Vinh
Cải lương, cá tính của miền Nam - Khánh Phương
Kỷ niệm bên hồ XOÀI SOR - Trần Thế Vinh
Nhớ một giọng ca vàng - Trần Dũng
Chiều Chiều Huế - Trung Nguyên
Cùng một tác giả
Thì ra (thơ)
Mùa thu tế (tạp văn)
Em (thơ)
Hoa báo mưa (tạp văn)
Mạ (thơ)
Từ Phố núi (tạp văn)
Giếng nhà Quê (truyện ngắn)