Thuyết Dung Thông & Đạo làm người :Tóm lược của chính tác giả GsTs Nguyễn Huy Dung.VCV không có đề mục phù hợp tuy nhiên VCV đã giới thiệu anh như một nhà thơ và hy vọng bạn đọc chia xẻ với anh về học thuyết này mà anh là tác giả.
[Cuốn sách đã được đăng ký bản quyền tác giả 7-2003]
Việc rèn luyện từ gốc-tâm-hồn ai cũng nên, cần và có thể tiến hành, duy một điều phải ý niệm rõ: đây là công việc rất nghiêm túc, rất công phu, đòi hỏi quyết tâm + chịu khó + kiên trì vì lẽ nó không những mang tính khoa học, nghệ thuật mà còn là một đạo lí.
Nói đúng hơn, đích cao mà rèn luyện này nhằm đạt tới là tầm cao một đạo lí, nó là chỗ dựa cho lòng tin, tinh thần, hành vi của mỗi người, mỗi xã hội. Rèn luyện càng tốt có nghĩa là tiếp cận càng gần hơn nữa tới đạo lí ấy: đạo làm người dựa trên Thuyết DUNG THÔNG.
Chữ ‘dung’ có rất nhiều nghĩa, ở đây ‘dung thông’ hạn chế trong chữ dung “/ ” là ‘lưu thông, lưu chuyển, chảy trôi để truyền đi’; cũng có nghĩa ‘sáng sủa’, còn có nghĩa ‘biến sang thể khác (thể lỏng)’. Thông “/ ” là ‘thoáng, đi xuyên qua được’; còn hàm nghĩa ‘tạo nên sự hoà hợp’. ‘Dung thông’ cũng gần nghĩa với ‘Giao lưu’ nhưng nhấn hơn về mức di chuyển, mức thông suốt (một cách trọn vẹn và toàn diện), mức liên tục, phổ quát. Sơ bộ cũng đã thấy đạo ‘dung thông’ coi sự vật chỉ tồn tại trong các mối tương tác và trong tình trạng chuyển động, trong tiến trình của nó.
Tiếp sau đây ta lần lượt chứng minh dung thông là quy luật phổ quát trong tự nhiên, trong xã hội, quy luật mà chúng ta không thể không dựa vào để tạo nên một hệ thống tu dưỡng tâm hồn, xây dựng một triết lí sống, một đạo lí xử thế (với bản thân và mọi người), một tâm đạo. Nếu đúng như vậy thì dung thông là điều cốt yếu, cốt lõi của mọi cốt lõi, có nó ta sẽ không bị lan man mà dần nắm trọn vấn đề.
NHỮNG VẠCH NỐI
Ở khuôn khổ của bài tóm lược này, chỉ xin vắn tắt những điều cơ bản về dung thông mà chúng tôi đã chiêm nghiệm, viết, ứng dụng trong gần bốn chục năm nay. Một trong các cốt lõi của dung thông là vấn đề ‘những vạch nối’:
Người ta ai cũng muốn sống xứng đáng, muốn thành công hạnh phúc, cho nên không thể không rèn luyện. Ai ai cũng hiểu sự cần thiết phải ra sức rèn luyện. Nhưng rèn luyện, xét đến cuối cùng, phải từ nền tảng đích thực, từ bản chất con người. Có nghĩa rằng phải từ Gốc, tức từ tâm hồn. Rèn luyện tu dưỡng tâm hồn là cơ bản nhất trong rèn luyện và khởi đầu rèn luyện cũng phải từ tâm hồn. Nó làm nền tảng, làm hạt nhân cho rèn luyện. Chúng ta sẽ vững vàng đi từ TÂM đến mọi mặt của THỰC TẠI, sẽ bình tĩnh, kiên tâm xuất phát từ bên trong lòng ta, thực sự ‘đi’ từ tâm hồn!
Chúng ta đã thấy không ít những thất bại ê chề của tham vọng thực dụng đến cực đoan dạy ‘thành công’ (chỉ cốt thành công thôi, “thành công” bằng mọi giá!) bằng ki xảo tỉ mỉ tinh vi nhưng giả dối, thậm chí bằng ‘chân thành dỏm’. Ôi, có thể lừa được người đấy, nhưng ngắn ngủi thôi. Con người ta “thức khuya mới biết đêm dài”, “đi đêm có ngày gặp ma”. Cuối cùng rồi mà coi, trăm lần cái ‘ngọn’ hình thức giả dối bề ngoài, chẳng bằng một cái ‘gốc’ chân chất sâu bền từ bên trong tâm hồn chân chính. Tập “luôn đeo mặt nạ”(!), tập mặt dày, vô cảm, mất tính người, đạo đức giả thì dù biện minh (xin miễn nêu tên tác giả này) bằng lời lẽ mĩ miều, cao siêu và gì gì đi nữa thì vẫn là khập khiễng, chưa chính danh, không chính trực.
Còn rèn luyện tu dưỡng từ cái Gốc-tâm-hồn, đã nêu từ đầu, thực chất là gì? Là tăng trưởng tâm hồn đồng thời phát triển tâm hồn bằng cách cho tâm hồn chủ động học chứ không thụ động chịu sự giáo dục. Tâm hồn phải tự học, tự rèn … là do động cơ, mục đích, mục tiêu gì? Do mục đích để có động lực sống xứng đáng, để ‘làm người’ vậy. Mà ‘làm người’ bao hàm nghĩa biết xử thế với xung quanh, với đời (và với chính bản thân). Tức là biết xử lí tốt các vạch nối với xung quanh.
Vạch nối cũng tựa như con kênh cho dòng giao lưu. Vậy hệ thống rèn luyện tu dưỡng tâm hồn để đạt đạo lí dung thông, trước hết là phải làm sao cho hiểu ra được, ý thức được và giác ngộ được những vạch nối với xung quanh ấy. Cao hơn nữa, biết tạo ra được những ‘vạch nối’ tốt với xung quanh, tức tạo những kênh giao lưu tốt cho tâm hồn.
Đó quả thật là một việc to lớn, có phạm vi thật mênh mông, có thể nói liên quan với hầu hết mọi vấn đề nhân văn hiện nay của lòai người chúng ta. Sự nghiên cứu và bàn bạc của chúng ta tất nhiên rất giới hạn về một đề tài không có giới hạn. Một vấn đề không dễ chút nào. Như đã chứng minh, rèn luyện tâm hồn có những nét của nghệ thuật, thì trong đó khó nhất là nghệ thuật tạo những vạch nối tốt ấy.
Gọi là vạch nối tốt có nghĩa rằng giao lưu phải hanh thông, trọn vẹn và liên tục không ngừng. Lại phải hai chiều thuận nghịch. Rồi lại hai hướng: ngang và dọc; tức là các vạch nối gồm 2 nhóm – nhóm vạch nối ngang và nhóm vạch nối dọc.
NHỮNG VẠCH NỐI NGANG là với mọi người cùng thời và cả thiên nhiên cùng muôn loài (giao lưu đồng đại). Giao lưu ngang trên bình diện đồng đại gồm ‘đa hướng’: với nhiều cá thể, nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia, châu lục, nhiều nền văn hoá, giữa các khối tôn giáo-sắc tộc (điều cuối này, như thực tế cho thấy, là khá khó khăn).
NHỮNG VẠCH NỐI DỌC là với quá khứ, tương lai (giao lưu lịch đại). Dòng giao lưu dọc chảy thông suốt, không cắt khúc, từ đầu đời tận cuối đời mỗi cá thể, từ thăm thẳm quá khứ nhân loại-dân tộc-gia tộc xuyên dọc tới mỗi cá thể đương đại để còn xuyên suốt thời gian vị lai nhân loại e còn mênh mông hơn.
TRONG VẠN VẬT
Tạm rời vấn đề rèn luyện đạo lí làm người thông qua những vạch nối của sự giao lưu ấy, để nhìn rộng ra vạn vật.
Quan điểm nhận-thức-luận của đạo lí dung thông coi mỗi vật thể và sự vật là luôn trong tiến trình, lưu thông, chuyển động, tự biến chuyển, biến hoá trong sự giao lưu (thông qua những vạch nối) với những vật thể và sự vật tương ứng.
Bên trong mỗi vật thể và sự vật ấy lại không ngừng diễn ra sự giao lưu nội tại (cũng luôn biến chuyển) thông qua rất nhiều những ‘vạch nối’nội tại, chính điều này quyết định sự tồn tại (và biến chuyển) của vật thể như một “chỉnh thể”. Cần phải coi mỗi vật thể là một khối thống nhất là vì vậy.
Mỗi vật thể, sự vật tồn tại (và biến chuyển) là khi có mặt âm và dương (hai mặt đối lập – mâu thuẫn – nhưng không nhất thiết đối kháng) nội tại trong bản thân nó và giữa nó với bên ngoài. Nên nhớ, chẳng còn gì gọi là âm và dương (“cô âm” và “cô dương”) nếu không có mối liên hệ, tương quan, tương tác giữa chúng: tất cả là ở ‘vạch nối’, ‘sự kết nối’ ‘sự giao lưu’ qua lại giữa chúng.
Cách tiếp cận này rõ ràng là ngược với cách tiếp cận siêu hình chỉ chia tách, cắt rời, chẻ nhỏ mãi sự vật, không thấy rằng khi cắt các ‘mối liên hệ và giao lưu nội tại’ nói trên thì vật thể chẳng còn các đặc điểm của chính nó nữa.
Ta chú ý, nhận-thức-luận của đạo lí dung thông lại luôn xét các bình diện cứ cao hơn, rộng hơn mãi: mỗi vật và sự vật (đúng hơn, mỗi tiến trình của vật thể và sự vật) luôn có những ‘vạch nối’ chằng chịt nhiều tầng, nhiều cung bậc với các tiến trình của các vật xung quanh… Lại có thể coi mỗi tiến trình của mỗi vật thể tự mình cũng là một dạng vạch nối trong một bình diện lớn hơn.
Nội dung của dung thông (nội tại hay với chung quanh) nêu trên là: những mối liên hệ, kết nối, tương quan, thậm chí là những tương tác (có thể là tương kết: tương hỗ, đồng vận, đồng thuận; hoặc là tương phản: mâu thuẫn đối kháng…).
Kết quả của sự dung thông ấy là sinh ra động lực duy trì sự giao lưu của vật thể hoặc tạo ra dạng chuyển động giao lưu mới. Có khi trong nội dung của dung thông có thể có bản thân những dòng chảy trao đổi hoặc đổ vào nhau, hoà nhập vào nhau với kết quả là sự nối liền, sự tự biến thành ‘nhất thể’, thành dạng mới khác v.v…
Tóm lại, mọi vật thể và mọi sự vật khi hình thành - tồn tại, khi tăng trưởng - phát triển, khi chuyển dạng sang trạng thái khác v.v.., thảy đều do sự dung thông không ngừng, như vậy là nhờ ở những ‘vạch nối’ phong phú.
Sự giao lưu theo nghĩa rộng như nêu trên cần được gọi là ‘dung thông’. ‘Dung’ với nội dung như đã nêu trên, là: lưu thông, chuyển động, truyền đạt trao đổi qua lại, là biến đổi hoặc biến hóa sang thể khác. Như vậy dùng chữ ‘dung’ để bao hàm quan niệm vạn vật luôn chuyển động (tiến trình, dòng chảy) và luôn biến đổi, song cần hiểu do động lực gì? Đó là do kết quả của ‘thông’, của tương tác (đồng vận hoặc/và đối kháng) với những tiến trình khác liên quan.
TRONG TRỜI ĐẤT, vạn vật từ cái nhỏ nhất, ví như một hạt điện tử (electron, proton, nơtron, positron…) nằm trong một nguyên tử, phân tử, hoặc như một ti lạp thể trong một tế bào sống, cho đến những cái to lớn vĩ đại như một nước, toàn cầu, các hành tinh, toàn vũ trụ.., thì nguồn gốc, bản chất, sự tồn tại, sự vận động và phát triển (và cả động lực cho sự vận động-phát triển ấy)… đều chứa đủ hoặc nằm trọn trong sự giao lưu - dung thông ấy. Mỗi vật và sự vật ấy luôn nhận những tác động liên tục từ nhiều phía và thông lưu hai chiều thuận-nghịch (vào-ra) với nhiều phía.
CÁC PHẦN TỬ CỦA VẬT CHẤT, như khoa học hiện đại cho thấy, chỉ được định nghĩa trong mối tương quan với cái toàn thể; “thế giới bên ngoài và thế giới bên trong chỉ là hai mặt của một mạng lưới duy nhất… gồm vô số những mối liên hệ tác động lẫn nhau”. Rồi phần rất nhỏ của vật chất là nguyên tử cũng gồm nhiều hạt (nơtron, proton, positron… trong nhân, và các electron chung quanh) chuyển động không ngừng trong tương tác và giao lưu–dung thông chặt chẽ. Và sự tiến bộ vượt bậc của vật lí học hiện đại không những làm phá sản hẳn ý niệm những hạt (electron, proton…) trong nguyên tử như đơn vị nhỏ nhất của vật chất, mà còn làm phá sản ý niệm rằng phải có hạt cơ bản (nhỏ nhất) hay ‘trường cơ bản’, để khẳng định các hạt ‘hạ nguyên tử’ cũng chỉ là những dạng chuyển tiếp, luôn biến dịch, hầu như không hiện hữu, vậy phải coi là tiến trình chứ không chỉ là vật thể, và động năng có thể biến hoá thành khối lượng. Nhưng, dẫu có thêm nhiều phát kiến lớn lao, mới mẻ như thế, tất cả các phát kiến hiện đại ấy không bác bỏ mà chỉ thêm củng cố, chứng minh sâu hơn quy luật dung thông, càng khẳng định sự phong phú của những dạng dung thông.
Đỉnh cao ‘vật lí hạt’ hiện nay là quan điểm của Geoffrey Chew, gọi là thuyết “Bootstrap” (dải quấn dày) về hạt. Thuyết này đã phát biểu bằng xác suất phản ứng trong thuyết ma trận S (Scattering) và đã thống nhất cơ học lượng tử (Bohr và Heisenberg) và thuyết tương đối (Einstein) trong một thuyết, nhấn mạnh ‘tính liên hệ nội tại’, sự dung thông của mọi sự vật. Cuối năm 2001, trong 10 phát minh khoa học hàng đầu thế giới có phát kiến từ Canada rằng không phải mặt trời phát ra quá ít nơtron (như lâu nay tưởng) mà do các hạt này đã biến đổi chuyển sang dạng khác trong hệ hạt hạ nguyên tử. Bản thân hiện tượng ở đây và bản thân thuyết Geoffrey Chew xét kĩ đều minh chứng quy luật dung thông.
Thế là, hiện nay một số nhà bác học vật lí lí thuyết, từ bỏ phương pháp tư duy chia cắt, chẻ nhỏ và cơ giới hoá vốn ngự trị hàng mấy ngàn năm trong khoa học phương Tây. Họ khâm phục các trường phái đạo học phương Đông (cổ Ấn Độ, cổ Trung Hoa) giải thích tính nhất thể của vũ trụ và mối quan hệ qua lại (tương tác) rất ‘động’, trong đó mọi sự vật đều đang không ngừng đổi thay, hình thành, tái hình thành…. Có nghĩa rằng ở cái ‘thực tại cuối cùng này’ tự bao giờ vẫn luôn có quy luật dung thông (dung thông đến mức hoà thành Một) và do đó tạo ra biến dịch. Sự biến thiên -thay đổi là đặc tính chủ yếu, quan trọng nhất của Tự nhiên.
Tóm lại, sự dung thông nằm trong quy luật cơ bản của Tự nhiên. Cái gì thuận theo quy luật dung thông ấy thì tiến triển và không bị ngược dòng chảy của vạn vật.
Còn SỰ SỐNG LÀ GÌ?
Từ năm 1950, chúng tôi được học sự sống, ngay ở dạng sinh vật đơn bào biển, hay nhỏ hơn, ở dạng virut, thì cũng luôn luôn là một dạng của sự trao đổi chất (tức giao lưu, chuyển động, dung thông vậy) của protein. Bản chất và nguyên lí của sự sống ở dạng đơn sơ nhất và của sự sống nói chung là: dung thông.
Trong sinh vật học, y học, rồi tâm lí học gần đây đều ứng dụng được lí thuyết hệ thống (system theory) theo mẫu hình từ toán học, vật lí học hiện đại. Cũng có nghĩa rằng dung thông (sự vận động trong tương tác với chằng chịt mối quan hệ (vạch nối) nội tại của hệ thống) là quy luật phổ quát cho sự sống. Cho dễ hiểu, lấy một ví dụ như cơ thể chúng ta là khối thống nhất, phải được xem như là một hệ thống hoàn chỉnh trong đó từng bộ phận có mối dung thông chằng chịt luôn ảnh hưởng tác động lẫn nhau (xúc tiến, kìm chế, giữ cân bằng nhau, hỗ trợ, bổ sung…).
TRONG XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Ở đây có vô vàn những mối tương quan thuận nghịch (hai chiều), từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều tầng ví dụ giữa ta với vũ trụ, giữa nước ta với thế giới, giữa một người với cộng đồng xã hội, giữa một tâm hồn với mọi tâm hồn…Tương quan ấy có thể là tương phản, mâu thuẫn đối kháng, có thể là tương kết, tương hỗ, đồng vận, đồng thuận (liên kết nhau ở những điểm tương thích, phù hợp), có khi còn liên thông, hoà nhập vào nhau thành một dạng tồn tại mới.
Những trao đổi thông suốt, trọn vẹn và qua lại, đa phương tạo nên những chuỗi nối liền nhau trong toàn xã hội. Và những chuỗi nối liền nhau trong thời gian nữa. Sự dung thông ấy không ngừng, không dứt, cứ mải miết lưu liên.
Một cốt lõi trong sự dung thông ấy là sự truyền đạt kiến thức. Mà truyền đạt kiến thức thì quá quan trọng. Quan trọng dến mức L.Tolstoi so sánh: “Toàn bộ sự khác nhau giữa cuộc sống loài người và cuộc sống loài vật là kết quả của sự truyền đạt kiến thức, truyền đạt bằng khoa học và nghệ thuật. Nếu không có truyền đạt khoa học và nghệ thuật thì đã chẳng có cuộc sống con người”.
Mong sao những dòng dung thông cứ hanh thông như nước chảy, trôi đều, xuyên suốt, không một chướng ngại nào có thể mảy may cản ngăn sự chuyển vận sẻ chia kiến thức, kinh nghiệm, tư duy, tư tưởng, trí tuệ, tinh thần, tình cảm, nhân ái. Dung thông như nước (thuỷ): nước thì đâu cũng đến được, tràn khắp mọi nơi. Nhờ đó khoa học cùng những tinh hoa chân-thiện-mĩ cốt lõi nhất, ưu việt nhất của mỗi cá nhân, của mỗi cộng đồng hiện tại và của nền văn hiến và bản sắc dân tộc tự ngàn xưa cứ thế luân lưu, lưu truyền mãi.
Xã hội tiến nhanh hay chậm lên hiện đại văn minh là phụ thuộc tốc độ sự dung thông đó. Những yếu kém quản lí, những suy đồi đạo đức, những sai lầm kinh tế, thậm chí những độc quyền, hủ tục v.v... mà cản trở dòng dung thông nọ thì đều kìm hãm sự tiến lên của xã hội trong từng thời kì.
Trước nay ta biết ở những vùng sâu vùng xa, đường giao thông mở ra đến đâu thì văn hóa - văn minh lan rất nhanh tới đó. Cũng vậy, ngày nay khoa học kĩ thuật số cùng mạng internet làm bùng nổ thông tin đầy ắp những kênh chằng chịt đang giúp nhân loại trên khắp toàn cầu một phương tiện quá hữu hiệu để dung thông nhanh chóng, tức thì, rộng lớn, đầy đủ, nhiều hướng, nhiều mặt và hai chiều, nhiều tầng, nhiều cung bậc không những liên tục cập nhật hoá và có tổng hợp, mà còn phân loại một cách bài bản. Nó như chứng minh sự thông tin- dung thông tốt tự nó đẻ ra kiến thức và thông tin mới thậm chí đẻ ra của cải vật chất nữa. Vấn đề là phương tiện internet ‘thần thông’ này phải được tận dụng cho nhu cầu của quy luật dung thông, nhưng phải chú trọng về chất lượng của nội dung và phải được trình độ trí tuệ và tâm hồn phân biệt nhuần nhuyễn rành rõ phải/quấy và phân biệt rõ động cơ sâu xa của một số loại thông tin.
Đó là mấy minh chứng thật dễ thấy của vai trò dung thông ở thời hiện đại. Còn vai trò và nguyên lí của dung thông thì đã có mặt trong trời đất từ khai thiên lập địa; và đã có mặt tự xa xưa trong xã hội loài người.
ĐỐI VỚI MỖI CÁ THỂ, sống là đồng nghĩa với dung thông, có dung thông mới là tồn tại; khi giảm dung thông tức là có dấu hiệu đang già đi; nếu dung thông bị ngưng lại hoàn toàn có nghĩa là đã chết; sau khi qua đời mà tư tưởng, đạo đức vẫn dung thông tức là vẫn còn tiếp tục tồn tại.
Ở đời, mỗi cá thể muốn “sống cho ra trò” không thể không coi trọng thực hiện tốt các dung thông.
Nói cách khác: không có những kết nối thì làm gì có sự sống.
Cao hơn thế nữa, muốn làm người cho xứng đáng, muốn tự rèn luyện, tu dưỡng hoàn thiện hơn, muốn ứng xử có văn hoá đẹp và thành công thì phải vận dụng tốt nhất quy luật dung thông đã được nâng lên thành kim chỉ nam cho mọi hành vi, thành cả một con đường đi - dung thông đạo.
ĐỐI VỚI MỖI TÂM HỒN của mỗi cá thể thì bản chất, nguồn gốc, sự tồn tại, sự phát triển tâm hồn và cả bản thân động lực vĩnh cửu của sự vận động-phát triển liên tục ấy... đều do quy luật dung thông chi phối.
Loài người là cao quý chính vì có khả năng tự hoàn thiện và biết coi trọng việc không ngừng tự hoàn thiện mình, nhất là hoàn thiện tâm hồn.
Phương cách tự hoàn thiện là dung thông. Dung thông (hai chiều) với xung quanh, với quá khứ của nhân loại và cả qúa khứ của bản thân.
Con người đã từng bước nhờ dung thông như thế để tích luỹ rồi tận dụng kinh nghiệm trong suốt cuộc đời của mình trải qua xiết bao chông gai và thử thách, giằng xé và xung đột... Nhờ đó mà ‘nên người’, mà ngày càng hoàn thiện.
Hoàn thiện về nghề nghiệp và về mọi mặt khác. Kể cả hoàn thiện phương pháp học tập (và dạy học cũng thế): Cứ nói ngay như nếu trình độ dung thông không tốt thì làm sao đánh giá tác dụng của mỗi lời người nói qua ánh mắt nét mặt người nghe mà luôn có những cải tiến tức thì?. Chính dung thông là cốt lõi của sư phạm hiện đại, lấy người học làm trung tâm, đào tạo tích cực với ‘phương pháp hoạt động’ động não và trao đổi.
Cao hơn nữa, bản thân dung thông cũng là một trong các mục tiêu của rèn luyện tâm hồn: bởi vì mục tiêu phía trước mặt của rèn luyện tâm hồn lại chính là để phát ra được dòng giao lưu, dung thông tiếp tục.
Trong nội dung rèn luyện tâm hồn đó có những vấn đề lớn như trau dồi nhân cách, lương tâm và lòng vị tha, đấu tranh cho hạnh phúc, say mê học tập, triệt để phát triển tài năng tiềm ẩn, diệt kiêu ngạo, đố kị và cả stress nữa, rồi lại liên tục xác định lí tưởng (cùng lẽ sống, lí do tồn tại và ý nghĩa cuộc đời) v.v... Tất cả các việc trên đều nhờ sự tiếp nhận tốt các dòng dung thông và tất cả lại cũng đều có nhằm mục tiêu (cái đích) tiếp tục phát ra những dòng dung thông với xung quanh, vì người khác (của hiện nay và cả của mai sau nữa). Bởi cái đạo nghĩa dung thông ‘sống đâu chỉ vì mình’, còn vì người khác, vì nhân quần lâu dài, do đó cái đích luôn luôn trước mặt ta phải là những hành động dung thông với những đối tượng đó.
Bởi vậy mới nói “dung thông vừa là nguồn gốc, vừa là động lực của phát triển tâm hồn, lại vừa là đích của phát triển tâm hồn”.
*
Trên lữ trình rèn luyện từ gốc tâm hồn đó, ta sẽ từng bước hoà nhập mạng dung thông, có thu có phát.
Không những ta chỉ tò mò học hỏi tức tiếp nhận (có kiểm tra) dòng dung thông từ quá khứ và từ khắp mọi nơi.
Mà còn phát đi luồng dung thông tới mọi người và cả hậu thế nữa, nếu được.
Vâng, ‘cả hậu thế nữa’ vì mỗi chúng ta được thừa hưởng rất nhiều thành quả từ các thế hệ đi trước, tự mình phải làm sao góp phần cho những lớp đến sau được khá hơn, sung sướng hơn chúng ta. Đó là một dạng của ‘lòng vị tha’ trong đạo lí dung thông. Mà cũng là đạo sống có trước có sau, có đi có lại một cách sòng phẳng ở trong lẽ dung thông.
Cũng trên lữ trình đó một tâm hồn thấu đạt lẽ dung thông, khi tiếp cận đánh giá mọi vấn đề, thường bao dung, không thành kiến, không phiến diện, không cực đoan mà nhìn nhận chính xác vạn sự trong nhân sinh bằng con mắt tổng quan, coi bản chất sự sống của mỗi cá thể, của bản thân và của toàn nhân loại muôn thuở là tổng hoà những mối dung thông từ biết bao kênh vạch nối kia.
Ví dụ để đánh giá phẩm chất, đặc điểm một con người, một dân tộc v.v.. lẽ dung thông hướng ta tránh cái sai lầm quên căn cứ vào vị trí (‘toạ độ’ giao điểm) của họ trong phức hệ các dòng dung thông chằng chịt.
Chợt nhớ lại câu của kẻ xâm lược ‘năm xưa’ (chữ ‘xưa’ vừa hoà hiếu vừa đúng thực tế đã gần 4 thập kỉ rồi còn gì) “đánh cho Việt Nam trở lại thời đồ đá!”. Ở góc độ đạo lý dung thông, thấy câu ấy tuy láo xược mà vẫn đáng thương thay sự u mê về lẽ dung thông nên chưa bén tới trình độ hiểu ra ‘tổng hoà những mối dung thông’. Họ chưa hiểu hết được con người Việt Nam chân chất hiền hoà, bé nhỏ kia sự thực là giao điểm những dòng dung thông nào. Trong đó chí ít cũng có dòng dung thông từ lời ‘tuyên ngôn’ hào hùng “Nam quốc sơn hà nam đế cư …” thuở Lý Thường Kiệt. Điều này cố vấn Kissinger chợt nhận ra khi thăm bảo tàng lịch sử Việt Nam năm 1993.
NỘI DUNG MỖI DÒNG DUNG THÔNG
Chất lượng của sự dung thông là phải đầy đủ, trọn vẹn, thông suốt và ngày càng tốt đẹp hơn. Đầy đủ, trước hết là bao gồm ba loại dung thông:
• Dung thông tư duy, tư tưởng, phát minh, kinh nghiệm và kiến thức (nhất là kiến thức khoa học ki thuật công nghệ về sản xuất).
• Dung thông tình cảm, ý chí, văn hoá, phong tục, đạo đức (sự công bằng, trong sạch, lòng trung thành, …) và lòng nhân từ-bác ái (tình thương, coi trọng việc từ thiện, vị tha, không sống chỉ vì mình). Trong dung thông tình cảm nêu trên, có khi đơn giản chỉ là một lời khích lệ đối với người nhút nhát, một đồng cảm đối với kẻ đang cô đơn bị bỏ rơi…; nhưng đáng chú trọng nhất là dung thông tình yêu! và sự dung thông (hai chiều) tình yêu này, lạ thay cứ xuôi dòng chảy lưu liên ngàn đời. Ví dụ như tình mẹ yêu thương con vô bờ vô bến, dịu dàng sung sướng chẳng gì sánh nổi, thì lạ thay người con ấy sau này lại yêu con mình cũng như thế, và cứ thế vô tận trong nhân loại.
• Dung thông cả sản phẩm, của cải vật chất …
Mẫu số chung cho cả 3 loại dung thông trên là quan tâm quý trọng người khác như bản thân mình, mong muốn cho họ nhận được những điều tốt lành như mình hằng mơ. Lật sách xưa, thấy Khổng Tử cũng có ý tưởng đó: “Những gì muốn tạo lập cho mình thì cũng muốn cho người; những gì mình muốn thông đạt, thì cũng muốn cho người được thông đạt; xử với bản thân như thế nào thì cũng xử với người xung quanh như thế.”
Nếu may mắn đã sẵn có một tầm hiểu biết nhất định (do hòa nhập vào mạng dung thông đã khá lâu và khá hiệu quả) nên có được những ý kiến của riêng mình thì càng say mê đóng góp với đời sự dung thông với chất lượng sâu sắc hơn.
Và như vậy góp phần nhỏ bé làm trọn vẹn hơn mãi vòng dung thông đồng đại – sự hoà nhập thế giới hiện đại ngày nay, và làm trọn vẹn hơn vòng dung thông lịch đại – sự hoà vào dòng thác chảy liền một mạch thông suốt ‘quá khứ - hiện tại - tương lai’. Nhằm phần nào sòng phẳng đóng góp đáp trả lại với đời:
“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
(… …)
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”
(Nguyễn Công Trứ, bài ‘Chí khí anh hùng’)
Có khi chưa là dâng hiến đóng góp gì như trên mà giản đơn chỉ là một nỗi mong được thổ lộ tâm tình với nhiều tấm lòng bè bạn:
“Con người cần sự sẻ chia
Như đi rừng- cần sao Bắc đẩu”
(Lê Trung Nguyệt, ‘Ngược gió’ Nxb Văn học,1991,tr14)
Nỗi mong như thế ai cũng có thể có, nó xốn xang rất nên thơ lại thật thiêng liêng, thực chất nó là sự mong hoà nhập được mạng dung thông, nó do chính sự thôi thúc của cái lẽ dung thông phổ quát nói trên đã trở thành gần như sự cuốn hút của một bản năng sinh học.
QUY LUẬT, LÍ LUẬN,ĐẠO LÍ DUNG THÔNG
Như vậy là mọi vật thể và mọi sự vật khi hình thành-tồn tại, khi tăng trưởng-phát triển, khi chuyển dạng sang trạng thái khác v.v.., thảy đều do QUY LUẬT DUNG THÔNG chi phối.
Quy luật tức là mang tính bao trùm, tính phổ quát.
Muôn vật và mọi việc đâu đâu cũng chịu ảnh hưởng quyết định của quy luật dung thông. Quy luật này phổ biến trong vạn vật vô tri, trong muôn loài sinh vật, trong xã hội, trong đời sống hằng ngày, trong tri thức-tình cảm-tình yêu-tâm hồn nữa.
Bản chất, nguyên lí và quy luật của sự sống chúng ta, của tồn tại và phát triển xã hội cũng là dung thông.
Mục tiêu, mục đích, ý nghĩa, lí tưởng, hạnh phúc và thành công trong cuộc đời cũng nằm trong sự dung thông đó. Cách tự hoàn thiện của mỗi cá thể, mỗi cộng đồng, mỗi nghề nghiệp cần dựa vào quy luật dung thông.
Lại nói ví dụ, làm người ai cũng thường suy nghĩ tự hỏi “ý nghĩa sự tồn tại trên đời của mình, và cả của mỗi cộng đồng nữa là gì?”.
Thì nay lời đáp: chính là dung thông. Sống là gì? “Sống là dung thông”: từ nhỏ lớn lên, học hành … trưởng thành: chủ yếu là dòng dung thông đi vào; rồi lao động, chuyên tâm trong công việc …: chủ yếu là dòng dung thông đi ra. Nói chung mọi đặc trưng của sống đẹp như ‘lửa nhiệt tình’, không ngừng say mê, vui đời, lửa thiêng lưu truyền thế hệ v.v… và v.v… đều là dung thông tất cả.
Câu hỏi muôn thuở ở cửa miệng mọi người ‘đời là gì?’
Thì nay xét đến cuối cùng, lời đáp gọn: đời chính là dung thông. Hồ Chí Minh đã giải giùm chúng ta: “Ở đời và làm người là phải thế nào? Là phải thương dân, thương nước, thương nhân quần đau khổ bị áp bức…”, mà ‘thương’ chính là dung thông tình cảm và hành động, là cốt lõi của đạo dung thông vậy.
*
Ngoài tính phổ quát như vừa nêu, quy luật (Dung thông), còn phải mang tính khái quát. Lại vì chỉ là ở mức khái quát, nên việc vận dụng quy luật dung thông vào mỗi hoàn cảnh cụ thể đều đòi hỏi sự sáng tạo dựa trên trình độ thấu hiểu thực tiễn!
*
Tổng hợp tất cả cái cốt lõi nhất từ những điều đã trình bày về quy luật Dung thông thành lí luận thì có thể gọi là DUNG THÔNG LUẬN. Dung thông luận có phương pháp luận, có cơ sở triết học, dựa trên truyền thống văn hoá nhân loại, đi tới nội dung một hệ thống lí luận hoàn chỉnh.
Dung thông luận bàn về chân lí, về lẽ đương nhiên của Tự nhiên và xã hội nên mang tính tất yếu. Nó lại như nguyên lí tuyệt đối, nguyên khởi.
Đối với nhân quần, Dung thông luận còn vạch một con đường chính đại dẫn dắt ta cho nên mang tính dẫn dụ, nghĩa là Dung thông luận thực sự là Con Đường (Đạo), một đạo lí: ĐẠO LÍ DUNG THÔNG (Đạo lí làm người dựa trên Dung thông).
Nắm được (thấu đạt được) đạo lí dung thông và làm thuận theo đạo lí đó thì mới dần đạt tới con đường đúng (đạo). Ôi, đạo lí - vấn đề quá lớn mà cổ kim ai chẳng “mê say” “nghe”, “chở”, đàm đạo và xây đắp:
“Triều văn đạo, tịch tử khả hĩ” (sáng nghe đạo lí, chiều dẫu chết cũng được rồi) (Khổng Tử)
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”
(Nguyễn Đình Chiểu)
“Bén mùi đạo lí bén càng say”
(Nguyễn Hữu Chỉnh)
Riêng bản thân chúng tôi thời gian khá dài được hưởng đôi chút sự cuốn hút đó; một lần trả lời câu hỏi của nhà báo đã thú thực: “Từng bước, từng bước lần tìm cốt lõi tâm đạo mong truyền lại cho con cháu nhà là niềm mê say tuyệt đỉnh nửa cuối đời mình.”
Trước tiên, “đạo lí dung thông” đòi hỏi 2 điều. Điều thứ nhất là bản thân mình phải tự giác không sống chỉ vì mình, còn vì sự đóng góp hiệu quả và tốt đẹp nhất cho những người thân yêu nhất, gia đình, bạn hữu, đồng nghiệp, cộng đồng nhỏ & lớn, cho Tổ quốc, đồng bào, cho nhân quần, cho nghề nghiệp chuyên môn, cho khoa học và cho vị lai nữa nếu được (vị lai của bản thân, của con cháu, của nhân quần). Không phải quá tham hoặc cao xa mà vì đạo công bằng (hưởng của quá khứ, phải trả sòng phẳng cho tương lai) và vì dung thông là vị tha (mà một dạng của lòng vị tha là lo cho các thế hệ tiếp nối).
Điều thứ hai “đạo lí dung thông” đòi hỏi là mỗi dòng dung thông phải toàn diện (cả vật chất và tinh thần, cả kinh nghiệm, tay nghề, tri thức, tư duy, tư tưởng và tình cảm, nhân từ và bác ái), phải hai chiều (tức qua lại, thuận nghịch), phải đa phương (nhiều hướng) cả hướng ngang và hướng dọc (dọc thời gian với quá khứ và với hậu thế) mà với nhiều kênh, có khi lại nhiều tầng, phải triệt để (trọn vẹn hanh thông, xuyên suốt …)
*
Yêu cầu như trên của dung thông là ở mức rất cao, mức lí tưởng: có thế mới là đạo. Dù giác ngộ sâu sắc đạo lí dung thông, vẫn khó thực hiện vượt các mức ấy, có thể tiệm cận tới, rồi tiệm cận gần hơn nữa, gần hơn mãi mà không bao giờ vượt quá được. Chúng tựa như đích vòi vọi, ai cũng trông thấy để cố vươn tới. Chúng như kêu gọi mọi con người, đời này qua đời khác hãy phấn đấu không ngừng hướng theo mục tiêu mang tính tuyệt đối, tính lí tưởng ấy. Như vậy là đạo lí dung thông dẫn dắt sức trẻ PHƠI PHỚI của tâm hồn chảy thông suốt không mảy may ngăn cách, ngày càng tiếp cận càng gần hơn nữa tới sự dung thông trọn vẹn, cứ “tiệm cận” mãi (như khái niệm trong hình học) tới gần sự trọn vẹn, có nghĩa là luôn phấn đấu đời đời kiếp kiếp để gần thêm, gần thêm mãi sự trọn vẹn, mà sự tuyệt đối trọn vẹn luôn ở phía trước, cho nên đạo lí dung thông một phần nào CÓ TÍNH CHẤT GẦN NHƯ MỘT TÍN NGƯỠNG, MỘT TÔN GIÁO, nhưng một tôn giáo trong đó không thần linh.
Tính chất tôn giáo đó còn ở chỗ đòi hỏi tính giác ngộ. Mà sự giác ngộ đạo lí dung thông không thể chỉ nhờ lí trí phân tích để hiểu biết, mà do nhờ nếm trải từng bậc của cả một tiến trình kinh nghiệm lâu dài.
Đạo lí dung thông nếu mang một khía nhỏ sắc thái tôn giáo là rất quý và cần thiết trong thực tiễn đời sống con người. Bởi lẽ nhân loại luôn có những nhu cầu về mặt đời sống tâm linh. Quảng đại dân chúng lại luôn cần thiết có điểm tựa tinh thần hoặc sự cứu rỗi.
Nếu gác qua một bên các tranh luận về góc độ tôn giáo thường bị tầng lớp thống trị lợi dụng, gác qua một bên các khảo cứu nguồn gốc nhận thức luận của tôn giáo (không lí giải nổi những thân phận, những thiên tai những bất công …) hoặc nguồn gốc tâm lí (quá quá mong muốn – sống tiếp sau khi qua đời – đến nỗi coi điều quá mong mỏi tự ngàn đời là sự thật đương nhiên khỏi cần suy xét không được phép chứng minh) thì điều còn lại rất quý là mọi tôn giáo đều hướng thiện, nói chung đều dạy:
Chủ động làm điều thiện, nhằm ngăn chặn hành vi xấu, đều giúp tự kiểm soát chặt chẽ mà tự giác (dù không ai hay biết tội đó). Người Việt Nam ta hay nói ‘có quỷ thần hai vai chứng giám’. Chúng ta cứ thử nghĩ coi, cai trị theo ‘pháp trị’ tuy là điều không thể thiếu, nhưng toà án của pháp luật làm sao có thể cao và đáng kính hơn toà án lương tâm và đạo lí thiết lập trong tâm linh mỗi người, nó buộc người ta luôn tự giác phải làm điều thiện và tránh điều ác. Nhờ đó duy trì được thuần phong mỹ tục và sự cân bằng đạo đức tình cảm trong phát triển. Nếu không thì dễ nảy sinh độc ác tàn bạo, phạm tội, mất luân thường, loạn li... Nó như một nhu cầu về ổn định đời sống, thậm chí làm nền tảng xã hội.
Mọi tôn giáo đều hướng tới sự cứu rỗi con người, và tựa như là chỗ dựa về tinh thần và đạo đức... Chính vì vậy mà quảng đại dân chúng đã bao đời nay cần và dễ đi theo tôn giáo.
Nhân loại chấp nhận và tôn trọng tôn giáo vì điều cao đẹp này: điểm xuất phát và bản chất mọi giáo thuyết tôn giáo đều nêu tình thương yêu, lòng vị tha, thậm chí ở mức độ lòng từ bi bác ái (chính khía cạnh này càng rõ nét trong đạo lí dung thông như một cốt lõi cơ bản nhất vậy).
Nếu các bậc thánh hiền, trí giả đều có nhu cầu về con đường đi quang minh (đạo), thì quảng đại dân chúng, kể cả trong nhiều thế kỉ tới, có nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng là chính. Nhu cầu này rất to lớn, tựa hồ như không thể thiếu.