Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.166
123.224.050
 
Anh Võ Đình Cường -Thử Hòa Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng.
Trần Kiêm Ðoàn

Tối thứ Sáu, tại thành phố Sacramento, Hoa Kỳ, anh Hoàng Xuân Thiệu gọi điện cho hay là anh Võ Đình Cường vừa qua đời lúc 6 giờ chiều, ngày 6-3-2008 tại Sài Gòn. Hưởng thọ 91 tuổi.

 

Võ Đình Cường là người Anh Cả, huynh trưởng mang cấp Dũng, trưởng ban Hướng dẫn Trung ương đầu tiên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.  Anh là một nhà văn, một nhà từ thiện, một huynh trưởng kỳ cựu của phong trào tuổi trẻ, và trên hết là một Phật tử sống đạo giữa đời thường.

 

Năm 1959, lần đầu tiên tôi biết được anh khi mới bước chân vào trường trung học Hàm Nghi. Thuở đó, học trò cả trường và riêng tôi có một cô giáo mà chúng tôi thương kính nhất.  Đó là cô Trần Thị Hoắc Hương.  Nhận xét về một đứa học trò rắn mắt nhất lớp như tôi, cô là một giáo sư quốc văn và cũng là giáo sư hướng dẫn, đã phê trong học bạ của tôi, rằng: “Thông minh nhưng hơi hiếu động…”  Chữ “hơi hiếu động” của cô đã đánh động tâm thức của tôi suốt một đời đã đành, nhưng “miếng đòn” chinh phục được sự hiếu động đó có tác dụng mạnh mẽ nhất trên tâm hồn măng non của tôi thuở ấy là khi cô đưa cuốn sách Thử Hòa Điệu Sống của Võ Đình Cường cho tôi đọc.  Tác giả quả là một nhà tâm lý học tuổi thơ.  Nội dung tươi mát, nhẹ nhàng và văn phong trong sáng mượt mà như thơ của Thử Hòa Điệu Sống đã hướng thiện cho tôi ngày ấy và có một tác dụng tích cực trong vô thức lẫn ý thức lâu dài về sau.

 

Mấy năm sau đó, khi sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử, tôi mới được đọc tác phẩm Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường.  Anh viết về cuộc đời đức Phật bằng tất cả cảm xúc đam mê và lòng tôn xưng trân trọng nhất tỏa chiết nồng nàn từ ngòi bút của anh.  Viết về cuộc đời đức Phật có vẻ như quá dễ vì tất cả chỉ là một sự trình bày theo trình tự thời gian về một tập đại thành của sự kiện đã thành văn, thành sử.  Nhưng thật ra lại muôn vàn khó khăn vì không dễ gì vực dậy được sông núi đã có lịch sử mấy nghìn năm an định bến bờ.  Người đọc có thể thích suối nguồn tư tưởng và cảm xúc triết lý trong “Câu Chuyện của Dòng Sông” của Herman Hesse hay hương vị giải thoát, tính hồn nhiên rỗng lặng trong Đường Xưa Mây Trắng của Nhất Hạnh khi viết về đức Phật.  Nhưng phải tìm đến Ánh Đạo Vàng của Võ Đình Cường mới thấy được cảm xúc nồng nàn trực tiếp của tuổi trẻ đầy nhiệt thành khi hướng về đức Phật và phương trời cao rộng của đạo Phật.

 

Với tuổi trẻ Việt Nam trong chiến tranh, nhất là Gia Đình Phật Tử, những tác phẩm văn chương của Võ Đình Cường vừa có tác dụng tâm lý về sự uốn nắn những mầm non.  Những mầm măng bị hoàn cảnh nghiệt ngã làm cong queo biết nhìn vế một lý tưởng để mọc thẳng mà vươn lên. Những tác phẩm được tuổi trẻ trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam ưa chuộng nhất như Thử Hòa Đìệu Sống, Những Cặp Kính Màu, Mùa Gặt Ác, Anh Em Ta Về… của Võ Đình Cường vừa mang tính giáo dục, vừa giàu sức thuyết phục, vừa đậm nét văn chương đã hướng những lối nhìn cay nghiệt, câu chấp và khinh bạc trước cuộc đời thành ánh mắt hòa điệu, yêu thương và thoáng đạt.

 

Anh Võ Đình Cường đã ở vị thế con chim đầu đàn của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong những năm gian nan, thăng trầm biến động nhất trong lịch sử cận đại của dân tộc và đạo pháp.  Thời những năm sáu mươi, khi còn là liên đoàn trưởng Gia Đình Phật Tử Liễu Hạ, tôi chỉ được gặp… xa xa anh Võ Đình Cường một đôi lần trong những đại hội huynh trưởng lớn.  Mùa Phật Đản năm 1976, lần đầu tiên tôi đuợc gặp trực tiếp anh Võ Đình Cường bên cạnh có nhạc sỹ Nguyễn Hữu Ba và một số thân hữu Phật tử tại Sài Gòn.  Anh Võ Đình Cường xuất hiện trước mắt tôi không uy nghi đường bệ như một huynh trưởng cấp Dũng, trưởng ban hướng dẫn GĐPT trung ương xuất hiện trong đại hội.  Được nắm bàn tay mềm và chuyện trò thân mật với anh, tôi mới cảm nhận được sự chơn chất, hiền hậu và điềm đạm ít thấy ở những nhà văn, nghệ sĩ, nhân vật lãnh đạo đã thành danh và nổi tiếng như anh.  Với tương quan đời thường, anh đơn giản, nồng nàn và tế nhị với khách như người trong gia đình.  Trong câu chuyện thân tình ngày đó, tôi còn nhớ mãi một lời tâm sự của anh: “Trước mỗi hoàn cảnh đổi thay, không có một con đường nào dễ dãi nhất mở sẵn ra để theo.  Sự chọn lựa nào cũng có nổi xót xa riêng của nó.  Nhưng đạo Phật mình quan niệm sự đời thay đổi theo từng sát na, nên còn lại là vấn đề cần phải xếp đặt ưu tiên.  Cái gì ưu tiên một thì làm trước, cái gì ưu tiên hai thì làm sau…”  Tôi rất tâm đắc về ý kiến của anh.  Thuở đó tại quê nhà và càng ngày về sau nầy tại xứ người, cái “prioritization” – xếp ưu tiên – vẫn thường là một sự chọn lựa hành động hay tu học giúp hành giả bớt bối rối và tiết kiệm thời gian trước những ngã ba đường không bao giờ có điểm dừng đóng kín.  Trong đời sống tâm linh, phải chăng đó cũng là một cách “Thử Hoà Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng?” Thế nhưng, thực tế cuộc đời có khi không trôi chảy êm đềm theo trình tự ước mơ.  Có khi “ưu tiên một” chưa đến hồi hoàn mãn thì con người lại phải theo dòng chảy nghiệp duyên nối kiếp ra đi…

 

Hai năm trước, trong một cuộc hội luận với các thành viên của Viện Nghiên Cứu Phật Học Quốc Tế và tổ chức Thân Hữu Cư Sĩ “liên lục địa” Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Việt Nam, tôi từ Sacramento, California được nói chuyện lần cuối với anh Võ Đình Cường từ tòa soạn tạp chí Văn Hóa Phật Giáo tại Sài Gòn.  Anh cho biết đôi điều liên quan đến cá nhân anh rằng, vì tuổi tác cao và sức khỏe hạn chế, anh không còn đọc và viết thường xuyên như trước nữa.  Nhưng anh vẫn tỏ ra rất quan tâm đến những chuyển biến của Gia Đình Phật Tử trong và ngoài nước.  Từ đó đến nay, tôi không còn cơ hội gặp lại anh Võ Đình Cường.  Thế nhưng, có một câu nói có vẻ như đầy tính “kế thừa” của anh trong cuộc nói chuyện sau cùng mà tôi còn nhớ: “Anh chỉ mong các em trong Gia Đình Phật Tử đừng phân biệt không gian, thời gian và những khó khăn, trở ngại nhất thời.  Các em cần phải lấy ngắn đánh dài chứ đừng lấy dài đánh ngắn.  Lịch sử hai ngàn năm trăm năm của đạo Phật chính là cái ‘dài’ quý báu mà chúng ta đang có trong tay đó các em.” Tuy tôi chưa kịp hỏi anh cái “ngắn” ấy là gì.  Nhưng tôi có sự cảm nhận đầy thâm tín rằng, đó là ý hướng và phản ứng cảm tính nhất thời.  Và, ngắn nhất vẫn là tấm thân giả tạm làm cán dù che cho những cuộc đời giới hạn và mong manh.  Thấy được phương tiện ngắn, dài để mà hóa giải những xung đột nhất thời trong mỗi cuộc đời quá vô thường và ngắn ngủi nầy.  Hay nói như Tagore: “Mỗi khắc thương yêu là đang sống. Mỗi thoáng hận thù là đang chết đi!”

 

Anh Võ Đình Cường ra đi như một biểu tượng khép lại của thế hệ đàn anh đang đi qua và thế hệ đàn em đang tiếp nối.  Tâm sự người ra đi thường cảm thấy như “chưa làm được gì” sau một đời đầy xuôi ngược.  Đức Phật vẫn bảo là “chưa nói một lời” sau 49 năm giáo pháp.  Thế hệ đàn em kế thừa và trân trọng những điều thế hệ đàn anh đã nói và “chưa nói gì”.

 

Gia Đình Phật Tử Việt Nam thương kính tưởng niệm và đồng nguyện cầu “Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật” cho hương linh người Anh Cả Gia Đình Lam Nguyên Hùng Võ Đình Cường sớm vãng sanh miền Cực Lạc.                                                                      

 

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn                                  

Cựu liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ (63-68) -Sacramento, 7-3-2008

Trần Kiêm Ðoàn
Số lần đọc: 3622
Ngày đăng: 10.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -1 - Lê Xuân Quang
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -2 - Lê Xuân Quang
Một lần với Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Canh bạc ở Đức Hòa - Võ Ðắc Danh
Cha tôi - Nhà thơ Trần Dần - Trần Trọng Vũ
Hiệp Hội Tương Tế Bắc Việt Nghĩa Trang-1 - Trần Vũ
Hiệp Hội Tương Tế Bắc Việt Nghĩa Trang-2 - Trần Vũ
Tội ác truyền đời - Phùng Phương Quý
Cổng trường chải mái tóc xưa - Võ Quê
Phương Nam du ký - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả
Cầm chầu HÁT BỘI (truyện ngắn)
Cơm Hến, (dân gian)
Bờ bên kia (truyện dài)
Duyên Tu-1 (truyện ngắn)
Duyên Tu-2 (truyện ngắn)
“Thế à ! ” (phê bình)
Nam mô A-ME-RI-CA (truyện ngắn)
Xuân trong ta (văn hóa)
Thế Hệ Kế Thừa (đối thoại)