Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.169
123.203.672
 
Viết ngắn 04. Sự bất toàn của tác phẩm
Inrasara

Con người luôn bất toàn, đó là chuyện cũ, nói mãi thành nhàm. Tác phẩm nghệ thuật hay khoa học cũng vậy, luôn bất toàn. Nhưng chúng ta, kẻ đẻ ra chúng, vì tự ái hay cố chấp, ít chấp nhận thực tế ấy. Thế mới có chuyện.

 

Không đâu xa, cứ lấy ví dụ bản thân để khỏi mếch lòng. Tháp nắng, ngay khi ra lò chưa đoạt giải, được nhà thơ Trúc Thông nức nở khen, nhưng ông chê Phần III; tôi bảo: anh đúng, cả tôi cũng thấy nó ẹ mà! Thật vậy, nếu có tái bản Tháp nắng, mình cũng sẽ loại ra gần nửa tập.

Rồi đến Hành hương em, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn cho Inrasara là “một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay”, nhưng chê phần cuối tập thơ. Lạ! Tôi cũng thấy thế, chỉ bởi tham lam nên đã dại dột đưa vào tập.

 

Bài học1: một phần tác phẩm không phải là toàn bộ tác phẩm. Cả tác phẩm nghệ thuật lẫn khoa học cũng vậy. Nên, không vì một phần ba số bài dở mà Tháp nắng mất giá trị. Cũng vậy, khi tôi phê bình cuốn Rija Nưgar, không phải vì những lầm lẫn mà cuốn sách của Ngô Văn Doanh đáng bị vứt đi, hay học vị tiến sĩ của ông bị đặt nghi vấn!  Ngô Văn Doanh vẫn giá trị và, tập thơ Tháp nắng vẫn cứ hay như thường!

Do đó, một phần bị hỏng (sai đối với khoa học, hoặc dở đối với sáng tác) không có nghĩa là toàn bộ tác phẩm kia sai hoặc dở. Chúng ta hay đồng hóa một phần với toàn bộ.

 

Bài học2: Tác phẩm không phải là con người tác giả. Chúng ta thường quên chuyện đó. Nên khi tác phẩm mình bị phê bình, mình cứ nghĩ là chính mình bị phê bình. Đây là tinh thần đồng hóa của nhân loại đáng báo động. Krishnamurti phân tích rất gây cấn về thứ tâm lí này. Ông cho rằng nó là nguyên do mọi bạo động.

 

Bài học3: Cùng tác giả nhưng tác phẩm hay/dở không đồng đều. Có thể tác phẩm này dở nhưng tác phẩm khác thì hay. Trong khoa học có thể cùng tác phẩm đó, lúc này sai nhưng khi in lại, sửa chữa và bổ sung nó thành đúng, là điều bình thường. Chính sai lầm làm con người trở thành con người: Biết sai, dám nhận cái sai và chịu sửa sai.

Ví dụ: Tháp nắng được cho là hay, còn hai tập tiếp theo của Inrasara bị dư luận bỏ qua, mãi đến tập thứ tư: Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara mới “vượt lên chính mình”, tạm nghe người đời đồn thế. Viết một tập hay, chưa hẳn sau đó đảm bảo anh sẽ viết hay mãi. Xuân Diệu được xem là nhà thơ lớn, nhưng người ta chỉ nhớ ông ở hai tập đầu tay. Sau đó: bình thường. Trường hợp Hemingway cũng vậy.

 

Không ai nắm chắc trong tay chân lý. Người ta chỉ nỗ lực tiếp cận chân lí. Con người luôn bất toàn. Tác phẩm do con người đẻ ra càng bất toàn. Ai cũng biết thế, nhưng ít ai chấp nhận vậy. Thế mới là con người!

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 3684
Ngày đăng: 12.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết ngắn 03. Tác giả thơ và bốn nhóm... máu - Inrasara
Viết ngắn 02. Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Viết ngắn 05. Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình - Inrasara
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo - Inrasara
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. 1 - Inrasara
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. -2 - Inrasara
VĂN CHƯƠNG TRẺ SÀI GÒN ở đâu ? - Inrasara
VĂN CHƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH THỜI HẬU ĐỔI MỚI, KHỞI ĐẦU CHO MỘT KHỞI ĐẦU - Inrasara
Tác phẩm văn chương như một sinh thể tinh thần - Phạm Quang Trung
Rất cần một hệ thống lý luận văn chương dành cho nhà văn - Phạm Quang Trung
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)