Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.215.980
 
Trên Một Chuyến Tàu
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Chiếc Elisabeth rời Bremerhaven từ sáng sớm và đương chạy dọc theo ven biển bắc Đức hướng về dòng kinh Kil. Phía trời Đông đã toả ánh vàng và đám mây xám dần dần biến dạng. Tôi ngồi trên đầu cột trụ sau lái nhìn biển xanh trơn láng và bầy chim nhàn bay lượn trông thảnh thơi vô cùng. Xa khơi, trong làn sương mỏng vài chiếc ghe đánh cá vươn ngán chạy kéo cào.

 

Viên thuyền phó từ trên phòng lái đi xuống tới góc cầu thang, thấy tôi hắn khoát tay chào và nhảy cà tưng tay gãi gãi nách mặt như hề, miệng kêu cà tót cà tót làm như gà trống sắp đạp mái. Hắn đưa hai ngón tay ra dấu chữ v (victor), gặt gặt và ễn bụng, hai tay cung phía trước ra bộ ôm con gái, cái mông nẩy nẩy vừa bước đi vô mui tàu miệng vừa kêu cà tót, cà tót...

 

Trong lúc tôi phân vân chưa biết viên thuyền phó chiến thắng cái gì thì tôi nghe tiếng càu nhàu phía sau:

– Cái thằng khùng!

Tôi day lại thấy gã thủy thủ người Tây Ban Nha đi ra, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn gừng:

  Chuyện gì vậy?

Gã chỉ ngón tay trỏ lên đầu gõ gõ và nói.

– Mẹ cái tên thuyền phó, chiều hôm qua nó nói với tao là con Linda có kinh mà đồ lót bị tụi In Đô ăn cắp hết nên hỏi mượn quần lót của nó, bây giờ nó xuống khoe vừa làm tình với con nhỏ.

 

Thì ra đây là cái chiến thắng tưởng tượng của viên thuyền phó làm cho gã Tây Ban Nha tức giận hay ganh tị hổng chừng:

– Nó nói thì kệ nó mắc mớ gì tới ông mà ông nổi nóng.

Gã dịu giọng nhưng ráng thòng một câu:

– Cũng vì tật nói bậy nói bạ mà bị đầu bếp cho ăn đồ dơ hoài riết rồi đầu óc đần độn.

– Thuyền phó làm ông bực mình thì ông nói nó thôi, ông lôi đầu bếp vô làm gì.

Gã trực nhớ tôi cũng là đầu bếp nên nói trớ:

– Tao chỉ nói đầu bếp In Đô thôi.

– In Đô người nào có người, ông quơ đũa cả nắm, có người nghe được thì phiền cho ông.

 

Gã cười cầu tài:

– Ở đây chỉ có tao với mầy, mầy không nói thì ai biết.

– Tui hổng nói, nhưng ông sẽ tự nói.

Cũng ngón tay trỏ gõ gõ lên đầu, gã tiếp.

– Tao đâu có khùng dữ vậy mậy. 

Tôi đưa ngón tay cái ra gặt gặt.

– Vậy thì tốt, tốt lắm.

 

Chuyến nầy có hai cô gái, cô phụ máy tay chưn gân guốc, thân hình đồ sộ như trâu nước tánh tình của cô rất vui vẻ, nhưng hay trêu chọc cánh đàn ông. Cô phụ thuyền phó gầy gộc như cây khô, hổng biết ngực có độn gì không mà lúc nào cũng vun tròn như hai trái bưởi; má hóp, mỏ nhọn và hàm răng trên hơi đưa ra ngoài, được cái là cô sống rất kỷ luật, không ăn tạp như cô phụ máy, cô giải khát bằng bia và thỉnh thoảng thay bữa ăn bằng rượu, mặt mày lúc nào cũng lầm li, hiếm hoi lắm mới thấy cô ta cười một nụ héo queo còn thua hoa tulip cuối mùa xuân.

 

Theo nguyên tắc thì đầu bếp quản lý kho thực phẩm, không ai được tự do vào lấy ăn. Nhưng mấy cô thường xuống lấy trái cây, sữa và bánh ngọt đem dự trữ trong phòng riêng. Nhiều lần đầu bếp khoá kho lại, nhưng viên thuyền trưởng kêu để các cô ăn thoải mái, chuyện nhỏ. Dĩ nhiên không phải là chuyện lớn, may chuyến nầy chỉ có một đứa ăn tạp bằng không mấy thằng, mấy ông chịu khó nhịn bớt phần trái cây, sữa tươi và bánh ngọt...

 

Tuy nhan sắc của hai cô không mấy hấp dẫn nhưng cũng đủ làm cho đám đực rựa điên đảo tâm thần. Gã thủy thủ Tây Ban Nha thường thì ăn bận lùi xùi, dơ dáy, râu ria bồm xồm, mỗi bữa ăn gã ăn bốn năm tép tỏi sống. Từ ngày có hai con nhỏ theo tàu, hết giờ làm việc và ngày cuối tuần gã thay đồ sạch sẽ và áo luôn bỏ trong quần, đầu sói sọi tóc còn vài ba cọng nhưng lúc nào cũng chảy tém và thoa dầu mướt rượt, mình mẩy sực nức mùi dầu thơm và gã cũng bỏ luôn cái thói quen ăn tỏi. Một hai tuần nghe tôi đổ bộ thì gã nhờ tôi mua dầu thơm và thuốc cà nách. Gã viết và đọc chữ không thông nhưng chiều nào cũng mở cửa phòng toang hoác ngồi cầm tờ báo lật qua lật lại cho tới lúc đi ngủ mới thôi. Đã vậy mà lúc nào cũng ra vẻ mình là người đứng đắn, thấy ai có cử chỉ là lạ một chút là gã lên giọng đạo đức chỉnh trước liền tại chỗ hoặc phê phán sau lưng. Gã nói với tôi cũng tại con Maria ăn bận lúc nào cũng đưa cặp đùi và cặp vú ra ngoài nên mấy thằng con trai khùng hết.

 

Tôi hất hàm nói: 

– Nó đưa cho ông coi đã con mắt ông còn phàn nàn gì nữa.

– Tao đâu có coi.

– Hổng coi sao ông thấy vú và đùi nó?

Ông bẽn lẽn đứng một hồi rồi trớ qua chuyện khác:

– Ở nước tao đàn bà con gái không bao giờ theo tàu.

– Xạo đi nữa đi cha, tôi biết bên tây phương đàn bà con gái đi biển cả mấy thế kỷ trước rồi.

– Ai?

– Viking, ông biết người Viking?

Gã ra vẻ sành sỏi:

– Sao không mậy, Viking là đám cướp biển, họ bắt đàn bà, con gái theo chỉ để làm tình thôi. 

 

Tôi định nói thêm nhưng nhìn cái mặt đần độn của gã, sách báo không đọc được, chỉ biết coi phim con heo riết rồi hễ nghe tới đàn bà, con gái thì nghĩ ngay tới chuyện tình dục. Tôi nhắc lại chuyện xưa:

– Hồi đó, thời tui với ông còn trẻ, thỉnh thoảng cũng có con gái theo tàu, lúc đó phòng tắm thủy thủ còn liền nhau, chớ mỗi phòng ngủ chưa có phòng tắm riêng như bây giờ, chính ông đã dùi lỗ vách phòng tắm và rủ tui rình coi mỗi lần con nhỏ đi tắm. Mùa hè con gái hoặc vợ của nhóm officers theo tàu chơi, vào những ngày nắng đẹp họ bận đồ hai mảnh nằm bên hong mui tàu. Ông cùng với mấy thủy thủ dành nhau trèo lên sơn cần trục với mục đích rình coi mấy cô mấy bà tắm nắng. Ông quên rồi sao?

– Nhưng lâu lâu mới có một lần.

– Thời gian thay đổi phải khác chớ, thế kỷ hai mươi mốt rồi, hơn nữa xứ ông cũng nằm trong Châu Âu, trai gái gì cũng có quyền bình đẳng chọn nghề như nhau.

– Ở Hoà Lan, chớ xứ tao thì không được, đàn bà đi tới đâu là chộn rộn tới đó.

 

Gã ăn nói ngang ngược như vậy, để đứng đó một hồi chắc tôi dộng vô mặt gã quá. Tôi cố ý nói để gã đi chỗ khác cho rồi:

– Tôi thấy ông mới là chộn rộn. Nhưng mà nè, ít ra nhờ hai đứa nó ông mới bỏ tật ăn tỏi, thân thể ông được gọn gàng, sạch sẽ, thơm tho và còn đọc được báo nữa.

– Mẹ, mầy là cái thằng cà chớn.

 

Những lớp thủy thủ đồng hương với gã lần lượt về hưu hết còn lại mình gã là người Tây Ban Nha duy nhứt trong công ty. Như một định số, thắm thoát tôi với gã biết nhau đã hơn hai mươi năm rồi. Gã lớn hơn tôi năm tuổi, nếu luật lao động không thay đổi thì gã sẽ về hưu vài tháng tới. Hồi còn trẻ tôi với gã như nước với lửa mỗi lần bất bình là muốn ăn thua đủ. Tôi còn nhớ chuyến đầu xuống tàu ngay buổi ăn sáng gã tới kêu tôi mỗi sáng phải chiên cho gã hai cái trứng. Tôi không cho, cứ mặc kệ cho gã mặt dầy mặt mỏng và chửi tục. Thấy tôi yên lặng, gã tưởng tôi là thằng dễ bắt nạt, gã làm tới và doạ liệng tôi xuống biển. Tôi liền nổi nóng chỉ thẳng mặt gã chửi cho một chập và cấm gã léo hánh hỏi nầy hỏi nọ trong lúc tôi đương làm việc và nếu gã còn xúc phạm tới tôi, tôi sẽ cắt cổ gã lấy máu làm dồi huyết (blood sausage). Bị tôi doạ lại gã sợ tôi làm ẩu, hễ mỗi lần tranh cãi thấy tôi khó chịu sừng sộ thì gã chửi thề một cái rồi đá cái nầy, liệng cái kia và tránh đi chỗ khác. Thật ra một cái trứng thì có gì đâu, nhưng trước tập thể tôi sợ sanh chuyện lôi thôi nên tôi từ chối. Chẳng lẽ sống với nhau ngày nầy qua tháng nọ trên một chiếc tàu, chỉ vì một cái trứng mà gây với nhau hoài coi cũng kỳ lắm. Tôi bèn kêu gã lại dặn, nếu muốn ăn thêm cái gì thì mỗi buổi sáng xuống sớm hơn giờ ăn tôi sẽ cho thêm. Không ngờ chỉ tốn thêm một cái trứng mà giữa tôi với gã chẳng những hết căng thẳng với nhau, trái lại tôi có thể sai khiến gã làm những chuyện lặt vặt cho tôi nữa. Từ đó tôi khám phá ra cách xử thế mà tôi gọi là phương pháp trứng gà, phương pháp nầy có thể xử sự từ người trí thức cho tới người dốt đặc cán mai, tất cả đều đem lại cho tôi sự tốt lành. Thời gian qua mau, tuổi đời chồng chất, tôi với gã tuy không là bạn thân nhưng xa lâu thì nhớ gặp nhau thì mừng. Nhưng vẫn chứng nào tật nấy, tôi thì hay nói móc lò, gã thì ưa chửi bậy, được cái là qua cơn cãi vã chúng tôi có thể ngồi nhậu với nhau và tâm sự chuyện gia đình con cái suốt buổi.

 

*

Tàu vào kinh Kil lúc giữa trưa và nối đuôi theo đoàn tàu chạy thẳng một dọc trên dòng kinh. Trong kinh tàu chạy trên dưới bảy hải lý một giờ, tuy chậm nhưng cũng đủ làm tung những bầy cá con lên mặt nước cho đám chim nhàn bay theo sớt.

 

Bây giờ là đầu mùa xuân cỏ hai bên bờ kinh xanh mướt, cây cối bắt đầu trổ bông và ra lá xanh non. Dòng kinh nầy nhiều hoạ sĩ vẽ và nhiều nhiếp ảnh gia đã chụp từ vàm kinh ven bờ biển Baltic của thị xã Kiel nối dài vô thị xã Brunsbutel ra tận vàm sông Elbe, họ in những cảnh đẹp từ mùa xuân cho tới mùa đông thành những tấm bưu thiếp đẹp tuyệt vời, bày bán trong các tiệm sách và tiệm bán đồ kỷ niệm trong vùng. Tôi đứng chăm chú ngắm cảnh mà quên đem bỏ bịch rác vô chiếc thùng sau lái. Khi nghe mùi khét trong bếp, tôi vội để bịch rác sau boong chạy vô thấy nồi thịt còn dư đã khét lẹt, có lẽ hồi nãy tôi vặn tắt lửa nhưng bị lộn nhằm số lớn, cũng may không bị cháy và thủy thủ đoàn đã ăn xong bữa trưa. Tôi nhắc nồi thịt để qua vòi nước và vặn nước ngâm chiếc nồi, day qua tắt lửa, định đi ra bỏ bọc rác. Chợt đụng đầu Toto từ trên đi xuống, nó chỉ ngón tay trỏ gõ gõ lên đầu:

– Con khùng.

– Cái gì nữa?

 

Lúc Toto thấy Maria bưng rổ đồ chưa giặt đi xuống, nó liền chộp lấy bịt rác:

– Chú để tui bỏ rác cho.

Nó rinh bọc rác đi ra ngoài. Tôi ngơ ngác chưa biết chuyện gì thi thấy viên thuyền phó đi vô đứng lóng ngóng. Con Maria bèn xề rổ đồ chưa giặt ra trước mặt và hỏi:

– Mầy cần cái nào thì cứ lấy, tao cho.

Viên thuyền phó mắc cở gầm mặt bỏ đi tuốt...

 

Tôi trở vô bếp cạo rửa cái nồi thịt khét. Con Maria đem đồ bỏ vô máy giặt xong trở lên, nó ghé vô phòng bếp vừa ngoặt ngoẻo cười vừa nói:

– Thằng Toto với viên thuyền phó chỉ ưa rình ăn cắp đồ lót, nhưng tui đưa thì không thằng nào chịu lấy ha ha...

– Mầy làm tụi nó mắc cở.

– Mấy thằng khùng mà biết mắc cở gì.

– Sao mầy cứ tìm cách chọc ghẹo tụi nó hoài vậy?

– Tại tụi nó ngốc chớ, như ông thì ai chọc làm gì.

– Mầy nghĩ tao tốt lắm à?

– Không biết, nhưng ít ra ông không đến đỗi xàm xỡ như mấy người kia.

 

Thật ra thì tôi cũng chẳng tốt lành như nó nghĩ. Mấy ngày đầu xuống tàu, sáng nào cũng vậy, điểm tâm xong, trước khi làm việc nó vô phòng bếp chào tôi và nói ba điều bốn chuyện rồi mới chịu đi. Một hôm tôi thấy bên mép miệng nó có dính một bệt kem đánh răng, tôi lấy giấy chùi cho nó. Từ đó về sau mỗi buổi sáng bên mép miệng của nó không dính kem cũng dính mứt. Tôi lưu ý nó thì nó chu mỏ ra nhờ tôi chùi dùm. Tôi ngờ con nhỏ có tình ý gì nên trong lòng tôi rạo rực, nhứt là lúc hừng đông tôi thường hay tơ tưởng tới nó...  Cho tới một sáng kia, tôi chùi miệng cho nó xong, nó kề sát mặt vô tai tôi  và kêu tôi ngó ra phía sau. Tôi ngoái lại thấy bên ngoài cửa kiếng ba bốn cái đầu của thủy thủ lấp ló dòm vô, trong đó có cái đầu sói sọi của gã Tây Ban Nha nữa. Chúng tôi phá lên cười... Cười người xong tôi mới giựt mình, cũng may mà khám phá kịp thời nếu không thì tôi cũng bị con nhỏ gài bẫy làm trò hề như mấy tên lấp ló ngoài kia.

 

Không hiểu sao mỗi khi thấy Maria đứng nói chuyện với tôi trong bếp thì ông thợ máy già đứng sớ rớ ngoài sau và kêu con nhỏ đi làm chuyện nầy, chuyện nọ. Hôm nay là ngày chủ nhựt, không sai vặt được ông bèn tạt ngang chỉnh con nhỏ về chiếc áo hở cổ chừa gần hết cặp ngực ra ngoài. Khi ông đi rồi Maria gạt tay qua trán gằn giọng:

– Ông già khùng!

 

Tôi cười khôi hài:

– Ha ha... suốt ngày tao nghe hết thằng khùng, con khùng bây giờ tới già khùng, hổng biết chừng nào tới đầu bếp khùng đây. Cũng tại mầy không thôi.

– Sao tại tui?

 

Tôi chỉ ngón tay vô cổ áo rộng, chỗ mặt dây chuyền thánh giá nằm ở kẽ giữa cặp vú:

– Tại mầy để cái nầy cho ổng coi.

 

Nó đưa cánh tay lực lưỡng lên gặt gặt:

– Coi thì được nhưng đụng vào thì coi chừng cái nầy.

– Nhưng ngày nào mầy cũng cho ổng coi mà hông cho đụng, tối bị mất ngủ nên ổng bị điên đảo tâm thần .

Nó đưa tay ngang bụng ra dấu sục vô sục ra vừa cười vừa nói:

– Ngủ hổng được thì thủ dâm ha ha... 

 

Tôi định lên lớp vài câu nhưng nghĩ tới sáng nào nó cũng bày hai trái đưa gang ra trước mặt, tuy tầm cỡ không bắt mắt lắm nhưng có còn hơn không, bày đặt lên giọng đạo đức lỡ nó nghe theo thì mất quyền lợi. Sẵn hôm nay chủ nhựt tôi làm một ổ bánh kem cắt ra được mười sáu phần, trong giờ cà phê tôi đem chia cho mỗi người một phần. Con Linda thì thích uống rượu hơn ăn bánh nên còn dư ra mấy miếng. Để khỏi áy náy cho cái tánh giả nhân giả nghĩa của mình. Tôi lấy một miếng bánh đưa nó và kêu nó ra bàn ngồi ăn để nó khỏi khui ra ba cái chuyện xấu máu của đám đực rựa trên tàu.

 

*

Linda thường bận quần Jeans, áo thì lộn xộn không thời trang gì hết nhưng kín đáo hơn Maria. Tên nào lố lăng là bị nó chỉnh hoặc chửi thẳng mặt, tánh hung dữ của nó làm nhiều người không thích, nói đúng hơn là không người nào dám đụng tới. Thường thì sau giờ làm việc, trước giờ ăn nhóm officers ngồi nhậu với nhau trong phòng. Không hiểu sao hổm rày nó ngồi uống vài chai rồi bỏ ra ngoài boong hoặc đi lòng vòng đâu đó chờ tới giờ nó mới vô ăn. Hôm nay không biết mắc chứng gì nó vô bếp mang cái mặt hầm hì hỏi tôi:

– Bếp, bánh của tui đâu?

 

Nhìn cái mặt méo hóp và cái mỏ nhọn hoắc, hàm răng đưa ra hơn lúc bình thường, trông giống như cái mỏ con dơi. Tôi muốn cười một cái nhưng sợ nó bị quê nên tôi lấy miếng bánh bỏ vô dĩa đưa ra: 

– Phần của mầy đây.

 

Cầm miếng bánh đứng tần ngần một lát, không biết nghĩ gì nó đưa miếng bánh lại và nói:

– Thôi, ông cho Maria ăn luôn đi.

Thiệt là đàn bà con gái! Uống mấy chai rồi lẩm ca lẩm cẩm chẳng ra gì hết. Tôi day ngang tiếp tục làm công chuyện. Nhưng thấy nó còn la cà đứng xớ rớ tôi mới hỏi:

– Sao mầy không vô phòng uống bia?

 

Như bắt được chuyện nó nói:

– Sau chuyến nầy tui về.

– Vậy à? Ai xuống thay cho mầy?

– Thằng Viktor, người Ukraina.

– Tao nghe ông thợ máy và con Maria nó cũng về và người thay Maria cũng đến từ Ukraina.

– Đúng rồi, nhưng người ta chưa xuống tàu mà mấy người ngày nào cũng ngồi nói xấu người ta hết.

– Thời gian đầu chưa quen là vậy nhưng vài năm sau thì đâu cũng vào đó hết thôi.

– Ông nghĩ vậy sao?

– Đương nhiên, thế giới thay đổi từng ngày từng giờ mà. Như ngày trước hông có con gái theo nghề hàng hải, tới khi bắt đầu có vài cô theo tàu thì cánh đàn ông cũng bàn tán xôn xao, chê nầy chê nọ nhưng bây giờ đàn bà lên tới chức thuyền trưởng, còn thuyền phó và thợ máy con gái cũng nhiều thì có nghe ai nói gì nữa đâu.

– Nhưng tôi thấy In Đô và Phi Luật Tân cũng sang đây làm vậy mà đâu có ai nói gì.

– Mầy nên nhớ In Đô và Phi Luật Tân và tao là Việt Nam đến từ những quốc gia nghèo bên Châu Á, không bằng cấp, cam phận làm những công việc lặt vặt mà dân mầy không làm, với đồng lương ít ỏi không đáng để ai ganh tị hết. Những người tới từ Đông Âu họ chiếm những địa vị tốt, lương cao dĩ nhiên có cạnh tranh với đám officers người bản xứ.

 

Nghe tôi nói nó đứng gật gật đầu, cùng lúc đó thấy có mấy thủy thủ đi vô phòng ăn nó mới chịu đi ra.     

 

*

Mỗi khi tàu ghé bến tôi hay lên internetcafe lục lạo lấy tin tức hoặc những bài viết nào hay bỏ vô bộ nhớ nhỏ đem xuống tàu, khi tàu ra khơi, rảnh rang tôi mới đem in ra giấy nằm đọc. Máy in nằm trên phòng lái, mỗi lần in tôi phải leo lên bốn chiếc thang, mỗi chiếc mười hai bậc. Sáng hôm ấy tàu vào kinh Drogden chạy dọc ven bờ  Đan Mạch sắp sửa chui qua chiếc cầu bắt từ Copenhagen nối qua Malmör. Lúc đó nhằm giờ trực của Linda. Mấy lần trước lên in bài vở nó chỉ chào tôi một cái rồi giao máy cho tôi,  khi tôi in xong đi xuống và chào qua chào lại một cái nữa rồi thôi. Không hiểu sao sáng nay nó đứng sau lưng chờ tôi in xong nó hỏi:

– Ông viết gì đó?

– Cái nầy không phải tao viết, tao đương tìm coi nguồn gốc người Viking.

– Viking là một nhóm người ô hợp thì làm sao có nguồn gốc được.

– Ồ, vậy à?

– Ông biết gì về đám người nầy.

 

Tôi khoa tay một vòng ra biển:

– Tao chỉ biết Viking là một đám cướp biển lừng lẫy từ Âu sang Mỹ, xuất xứ từ vùng Scandinavia nầy hồi đầu thế kỷ mười một mười hai.

 

Nó chỉnh lại:

– Viking để lại nhiều tiếng xấu nhưng họ không phải là ăn cướp.

 

Tôi dí dỏm:

– Theo tao nghĩ thì kẻ nào giết người cướp của thì kẻ đó không cướp biển thì cũng cướp bờ.

 

Nghe tôi nói con nhỏ ngập ngừng một lát rồi tiếp:

– Nhưng những người nầy có theo đạo Tin Lành.

 

Tôi pha trò:

– Vậy thì gọi họ là plunder religion.

 

Con nhỏ ngạc nhiên:

– Ông nói gì? Plunder religion nghĩa là gì?

 

Tôi lấy cây viết nằm trên bàn hoa tiêu và vở tập nháp cạnh bên hải đồ viết hai chữ đạo tặc tổ bố và cắt nghĩa bừa:

– Tiếng Việt có danh từ đạo tặc, ám chỉ những người cướp của nhà giàu đem cho người nghèo hoặc những thầy tu đi ăn cướp. Viking tuy cướp giựt nhưng họ có theo đạo thì cũng có thể gọi là đạo tặc.

 

Linda cười lớn:

– Tui biết Viking cũng nhiều nhưng chưa nghe ai nói như ông.

 – Ha ha... nhờ vậy mới làm cho mầy cười được.

– Cái gì nữa?

– Từ ngày xuống tàu tới nay đây là lần đầu tao mới thấy mầy cười tươi như hoa tulip đầu mùa xuân.

 

Nghe tôi khen bất ngờ con nhỏ sựng một chút rồi ngập ngừng:

– Tại ông nói chuyện nghe mắc cười quá.

– Vậy thì tao gặp may.

Giọng Linda trở nên vui vẻ lạ thường:

– Ông nhớ tui là đàn bà mà, cũng biết khóc nữa.

– Nhưng tao chưa thấy mầy khóc chỉ thấy mầy lầm lì.

– Nếu tôi giỡn mặt đám con trai thì khó làm việc lắm, nhứt làm đám In Đô ngu ngốc mà lại không biết tôn trọng đàn bà.

– Chuyện đối phó với cái đám người tạp nhạp thì tùy mỗi người, mầy có cách của mầy.

– Tôi thấy ông cười và ca hát suốt ngày sao hay vậy?

– Mầy nghĩ coi, chỉ vì có miếng ăn mà mỗi ngày đầu bếp lắng nghe biết bao nhiêu chuyện vô lý, nếu tánh tình tao nóng nảy, cố chấp thì mỗi ngày tao phải tức giận tới bao nhiêu lần.  

Con nhỏ đứng suy nghĩ một hồi rồi hỏi:

– Có mấy đầu bếp như ông?

– Tao nghĩ ai cũng làm được chớ không riêng đầu bếp. Một cái trứng hay một miếng bánh có thể làm người ta thù hằn, chửi bới, thậm chí tới đánh nhau. Nhưng cũng một cái trứng và miếng bánh có thể giải hoà, làm cho người ta vui vẻ. Vậy tại sao ta không chọn cách thứ hai để cư xử với nhau cho cuộc sống nầy được tốt đẹp thêm lên.

– Dù sao ông cũng là đàn ông nên dễ dàng hơn. Còn tui là đàn bà con gái chung chạ với đám đàn ông thì biết ai tốt ai xấu để đối xử.

 

Tôi cười lớn:

– Ha ha... cũng vì mầy sợ người xấu lạm dụng nên mầy đề phòng, cũng vì đề phòng mà mầy nhìn chung quanh toàn là người xấu.

– Không phải tôi đương nói chuyện với người tốt đây sao?

– Vậy thì tốt lắm, cám ơn mầy, tao đương đọc lịch sử nhóm đạo tặc Viking, có chỗ nào không hiểu tao sẽ hỏi, mầy góp ý với tao nhé.

– Ô Kê!

 

Tôi đi tới cầu thang định bước xuống, Linda nói vói theo:

– Nè, chữ Plunder religion không có nghĩa gì hết, ông dùng không ai hiểu đâu.

Tôi ngoái lại:

– Không sao, mầy hiểu là đầy đủ ý nghĩa lắm rồi.

– Nghĩa gì?

– Nghĩa là hôm nay tao thấy mầy vui vẻ và cười tươi như hoa. 

– Rồi ông được gì?

– À, một câu hỏi rất hay.

 

Lúc đó tàu đã qua khỏi chiếc cầu bắt ngang nối hai bờ Đan Mạch và Thụy Điển. Tôi chỉ tay vô thủ đô Copenhagen còn mờ trong sương sớm:

– Mầy coi kìa, nhờ mầy cười mà sáng nay tao thấy biển có thêm phần duyên dáng.

– A ha, cái ông Bếp khùng!

 

Baltic zee 16 - 1- 2008

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 3250
Ngày đăng: 21.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phan và Nguyễn - Trương Thái Du
Ngày ấy còn xa lắm ! - Ngọc Thiên Hoa
Thằng hủi - Vũ Ngọc Tiến
Khi phong linh vỡ - Đặng Thơ Thơ
Cháo Chuột - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chuyện cổ tích thời hiện đại - Ngọc Thiên Hoa
Cơm chiều - Ngô Phan Lưu
Á đại gia - Trương Thái Du
Buổi sáng biến mất - Ngô Phan Lưu
Ánh mắt - Trầm Nguyên Ý Anh
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)