Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.210.396
 
Xa xứ
Nguyễn Trọng Nghĩa

Không cách gì khác, nhứt định Thạch phải về quê gặp ba anh để hỏi kỹ lại chuyện ông Liêm và cô Dung, chuyện mà lâu nay anh cứ hay nghĩ đến như một người lẩn thẩn, đặc biệt trong những đêm dài lê thê, ông Liêm và cô Dung cứ đáo đi đáo lại trong đầu anh như hai vị khách không mời.

 

Đang là giai đoạn khắc nghiệt nhứt của mùa đông, bốn bề tuyết trắng xóa: tuyết đang rơi, tuyết nằm trên mặt đất, trên mái nhà, tuyết đậu chênh vênh trên cành cây, rồi xèng xèng! Chiếc tpôlâybuýt (loại xe điện không chạy theo đường ray) dừng lại tự mở cửa, không ai xuống cũng chẳng ai lên, “Xin quí khách hãy cẩn thân!... ”,  lại xèng xèng, cửa tự đóng. Khi Thạch hà hơi vào tấm kính cửa sổ cho băng tan ra để nhìn rõ bên ngoài thì chiếc tpôlâybuýt đã quẹo sang đường Đôbraliubốp, hai cánh râu điện trên nóc xe xọet lên hai luồng sáng rồi biến mất hẳn vào trong tuyết. Từ trên lầu sáu của ký túc xá sinh viên nhìn xuống, thấy chỉ còn vài người, chắc là say rượu, đang khật khưỡng dưới ánh đèn cao áp, trong quần áo mùa đông, với ô dù... nhìn cứ nhòn nhọn giống những khúc bút chì quá ngắn đến độ không còn gọt được nữa. Thạch đứng đó một hồi. Chợt anh he hé cánh cửa sổ, rón rén thò tay nắm một nắm tuyết. Trò chơi lãng mạn bất thường trên không mang lại một kết quả lãng mạn nào: đó chỉ là cục nước đá bào với độ mịn cao, lạnh - tất nhiên, và tan nhanh bởi nhiệt độ ấm áp trong phòng, giống bao cục nước đá bào được xịt xi rô mà hồi nhỏ ai cũng có dịp, ít nhứt một lần, bỏ vào miệng cho nó tự tan với bao hào hứng. Nhưng thôi, chuyện ăn nước đá bào có gì là quan trọng. Sự kiện ông Liêm và cô Dung há chẳng quan trọng hơn chuyện ăn đá bào? Ngày xưa ông Liêm hay làm mướn cho nhà Thạch đủ thứ công việc không có tên tuổi, từ đào ao nuôi cá, dọn cỏ vườn cho đến việc quét nhà, xách nước. Khi rảnh rỗi ông thường ngồi kể cho anh em Thạch nghe nhiều chuyện phiêu lưu rùng rợn mà ông đã trải qua (?), trong đó có một chuyện Thạch còn nhớ hơn cả; rằng, hồi còn lưu lạc ở miền Đông, một lần ông đến một cái trảng nước nằm sâu trong rừng để thượt cá. Theo ông, về cá thì có thể nói đó là cái ổ bởi chưa từng ai đến đó trước ông. Khi ông đang mải mê với ổ cá của mình dưới trảng thì bất ngờ một con cá sấu khổng lồ tấn công. Ông bỏ câu, ôm vội một thân cây gần đó trèo lên. Con cá sấu nằm dưới gốc cây chờ ông hai ngày hai đêm. Ông Liêm ở trên cây cũng bằng khoảng thời gian ấy. May sao, một toán du kích tình cờ đi ngang qua và họ đã hạ con cá sấu giải thoát cho ông. Theo ông Liêm, con cá sấu đó lớn đến mức ông và cả toán du kích cũng không tài nào khiêng về nổi.

 

Giờ đây nhớ lại, Thạch thấy câu chuyện quá hoang đường, nhưng chắc đã phải trải qua việc câu cá trong rừng thật ông Liêm mới có thể bịa thêm. Ta hãy tạm hình dung: đó chỉ là cái vũng nước với vài ba con lòng tong lục chốt chứ chẳng phải ổ cá như ông nói; còn con cá sấu, nếu có, chắc chỉ lớn hơn cườm tay, và... bảo đảm không hề có chuyện ai tấn công ai. Nhưng hình ảnh ngoạn mục nhứt là hình ảnh một gã đàn ông lực lưỡng treo mình trên cành cây hai ngày hai đêm, ở dưới gốc cây là con cá sấu bằng cườm tay, nó nằm há mồm hai ngày hai đêm đợi gã rơi xuống để ăn thịt! Riêng chuyện toán du kích tình cờ đi ngang qua hạ sát con cá sấu giải thoát cho ông - có thể tin là hoàn toàn không có. Ông Liêm phải tài ba lắm mới lôi được họ vào chuyện cốt chỉ để chứng minh mỗi một việc: con cá sấu lớn đến cỡ nào! Tuy nhiên sau này mỗi lần ngồi nghiệm lại Thạch mới vỡ lẽ, chứ lúc ấy anh em Thạch hồi hộp theo dõi câu chuyện của ông Liêm thiếu điều nhểu nước miếng.

 

Về cuộc sống gia đình, ông Liêm có nói một câu mà Thạch còn nhớ: “Địt mẹ, trồng chuối để nấy (lấy) con, mà mẹ sùng nên con cũng sùng nuôn (luôn)!”. Sùng là chữ dân quê Thạch gọi một hiện tượng bệnh của loài chuối: cây chuối tự nhiên thúi từ trong ruột thúi ra, rồi vàng hết lá, chết. Nếu chuối mẹ sùng thì chuối con cũng sùng, muốn diệt trừ loại dịch này chỉ có cách bứng bỏ nguyên cả gốc rễ. Ông Liêm đã ám chỉ vợ con ông như loài chuối bị sùng, như vậy gia đình ông thuộc loại không ra gì.

 

Lần đến đây, Thạch chợt nhớ ra: Thôi phải rồi, người ta gọi ông là Huế Liêm. Dân xứ Thạch gọi tất cả những người ở miền ngoài là Huế. Ông Liêm không nói được chữ “lờ” rõ ràng ông người Bắc. Ông vô Nam năm nào? Và tại sao chỉ mình ông lưu lạc tới chốn khỉ ho cò gáy ấy? Vợ con ông thế nào để ông phải đi lẹo tẹo với cô Dung?

 

Xèng, xèng! Mặc dù cửa tự động mở nhưng lần này hai cánh mở không cùng một lúc. “Xin quí khách hãy cẩn thận!...” Không ai lên cũng chẳng ai xuống. Dưới đường giờ này hầu như không một “khúc bút chì” nào còn sót lại, vậy mà những chiếc trôlâybuýt vẫn cứ cần mẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình trên những lộ trình nhứt định. Những đêm mùa đông như thế này ở kinh thành Mátxcơva có bao nhiêu chuyến xe không người? Mà mùa đông ở đây thì dài, những đêm mùa đông Thạch gọi là những đêm dài, nó bắt đầu tối từ khoảng bốn giờ chiều hôm trước, đến chín, mười giờ sáng hôm sau mới chịu nhờ nhờ. Cái cảnh mùa đông ở đây thê lương đến mức, cô Dung ơi, nếu còn đường trở lại, cô cũng không tài nào hình dung nổi.

Thạch rời cửa sổ, nện lộp cộp gót giày trên sàn gỗ rồi dừng lại chăm chú nhìn loại hoa văn rối rắm trên thứ giấy bồi tường, không nghĩ ngợi gì. Trước khi chui vào đống mùng mền như một cái ổ kiên cố, Thạch còn kịp nghe xèng xèng một lần nữa.

*

Ba của Thạch là người nghiêm túc nhưng lại có máu hài hước ngầm. Có lần một nhà thơ đọc cho ông nghe bài thơ mới viết về đất nước Cuba anh em xinh đẹp, bất khuất kiên cường. Mấy ngày sau bài thơ đó được ba Thạch đọc lại, nó như vầy:

Cu ba, cu ba

Chiều hôm qua vắt cắn

Mùa khô rám nắng

Mùa mước đóng phèn

Cu ba lại có một vùng lông mọc đen đen...

Đọc xong câu cuối ông cười sằng sặc. Thấy vui quá anh em Thạch cũng cười theo chớ không hiểu gì. Thính giả duy nhất có đủ trình độ thưởng thức thơ ông lúc đó chỉ có má Thạch. Nghe xong, bà đỏ mặt, phê bình, không phải phê bình thơ mà phê bình tác giả:

- Già mà không nên nết!

Về sự kiện ông Liêm và cô Dung, Thạch còn nhớ một bài văn vần, dựa theo giai điệu một bài hát phổ biến đương thời. Tác giả khuyết danh, nhưng qua cách biểu hiện có tính giễu cợt, Thạch vẫn nghi ngờ nó chính là sản phẩm của ông già mình:

Khắp xa gần mừng vui hay tin cây búa

Đã ra đời hiệp sức với ông Liêm

Bởi tình sâu ông Liêm quứt (quất) cô Dung bể đầu

Cô Dung hết thời bị búa ông Liêm ăn.

 

Sự kiện diễn ra, qua bài văn vần trên, nghe có vẻ hài hước, nhưng thực tế chắc phải bi đát hơn, bởi điều dễ nhận thấy nhất là họ chết với nhau vì tình, mà đã chết vì tình thì rõ ràng chuyện tình đó trắc trở. Có thể họ thương nhau nhưng vì ông Liêm đã có vợ con (mẹ sùng con cũng sùng), gia đình cấm cản nên họ tìm đến cái chết? Hoặc đây là thứ tình yêu một phía - phía ông Liêm, cô Dung chối từ nên ông mới giết người tình trước rồi giết mình sau? Hay đó là cách giải thoát duy nhất cho cả hai người trong hoàn cảnh bất khả kháng? Nói chung Thạch không còn nhớ gì về cô Dung: Cô là ai, con ai, lúc đó cô bao nhiêu tuổi?... mà chỉ nhớ lờ mờ rằng, sau cái đêm rùng rợn xảy ra tại nhà cô Dung như bài văn vần đã phản ánh, cũng trong đêm đó ông Liêm bơi xuồng đến cây gừa cổ thụ có tuổi thọ cao nhất vùng thắt cổ tự tử. Hai ngày sau láng giềng phát hiện ra cô Dung. Hơn hai ngày sau nữa quạ diều phát hiện ra ông Liêm, bởi trong ký ức trẻ con của Thạch, nơi ông chết chỉ có ma quỉ mới dám lui tới.

 

Lâu quá rồi, Thạch không dám chắc mình nhớ có đúng? Không cách gì khác, nhứt định anh phải về quê gặp ba anh để hỏi kỹ lại chuyện ông Liêm và cô Dung, chứ nếu không anh sẽ trở nên người lẩn thẩn.

 

Cũng may, tuyết bắt đầu tan. Trò chơi hốt nước đá bào hết cơ hội, nhưng lại bắt đầu cho vô số những trò khác không kém phần lãng mạn. Khắp nơi hoa dại mọc tràn đầy, tuyết tan đến đâu hoa nở đến đó, nào tường vi, bồ công anh, nào tử đinh hương và bao nhiêu loài vô danh khác. Dù được mệnh danh là ông già háp, Thạch cũng bị mùa xuân giục ra đường trong trạng thái bay bổng vì đã trút bỏ được bộ quần áo mùa đông. Thời tiết thay đổi từng giờ. Đêm ngắn lại, ngày dài ra, ấm áp thay cho lạnh lẽo, màu xanh non của lá thay cho màu trắng của tuyết. Bấy giờ, từ trên tầng sáu của ký túc xá sinh viên nhìn xuống, những “khúc bút chì” trông thon thả hơn, có vẻ như vẫn còn chuốt được lắm. Chỉ có những chuyến xe không người thì vẫn vậy, vẫn xèng xèng tự mở cửa và vẫn với cái câu muôn thuở “Xin quí khách hãy cẩn thận!...” Dù mùa đông thê lương đã qua, cảnh tha phương bớt đi nhiều sắc màu ảm đạm, nhưng ông Liêm và cô Dung vẫn còn nhiều dịp nữa đáo đi đáo lại trong đầu Thạch, và có lẽ họ sẽ còn lai vãng dài dài nếu đúng lúc đó cô giáo của anh không xuất hiện. Hồi còn ở quê nhà, có thời gian vì công việc ràng buộc, Thạch rơi vào một lớp học gồm toàn những ông già. Thạch là người trẻ nhứt lớp nhưng cô giáo ngoại ngữ lại còn trẻ hơn anh. Trong khoảng thời gian thọ giáo với cô, Thạch không học được gì. Tất nhiên khỏi nói tới đám bạn già, với họ chữ nghĩa thậm chí không thèm chui vào tai này để ra tai bên kia. Mấy ngày đầu vào lớp tưởng cô đã phải bỏ cuộc trước những loạt hô đồng thanh của cả lớp: “Cô ơi cô chúng cháu yêu cô lắm!” Lúc đó cô giống như đứa con nít yếu ớt bị đám du côn ăn hiếp. Mặt cô chuyển từ đỏ sang xanh, miệng nói chẳng ra lời.

 

Cô giáo xuất hiện, với Thạch, như một thứ cứu cánh.

Cô Dung ơi, thôi xin chào! Cuộc dây dưa của chúng ta chấm dứt từ đây, hẹn ngày tái ngộ! Và sự thật là Thạch đã cho họ “ra rìa”.

 

Thời tiết giục được Thạch ra đường thì cô giáo, nhiệm mầu hơn cả đất trời, làm cho anh trẻ lại. Bấy giờ người ta thường thấy ông già háp ấy dắt cô giáo mình lên đồi để ông bẻ hoa cho cô giáo mình... thổi. Hoa bồ công anh có một đặc điểm: khi nở nó có màu vàng và tròn xoe như hoa cúc, nhưng khi tàn nó không héo rụng mà biến thành một khối cầu bông xôm xốp như chiếc lồng đèn, chỉ cần ngắt nhẹ nhàng, đưa lên miệng... thổi là lập tức khối cầu bông ấy nở bung ra bay lơ lửng trong không gian như những chiếc dù tí hon. Những ngày đầu hè, khắp trong trời đất đâu đâu cũng gặp những cánh bông li ti từ loài bồ công anh hóa kiếp. Đó cũng là cách gieo hạt cho mùa sau, để khi tuyết lại tan thì bồ công anh đâu đâu cũng có mặt. Về cái trò thổi hoa bồ công anh, bọn con nít Nga cỡ bốn, năm tuổi đứa nào cũng có nghề, vậy mà chúng nhìn Thạch và cô giáo của anh chơi trò chơi của chúng bằng những ánh mắt thán phục. Kết quả của trò chơi con nít này là những cánh bông li ti bám đầy trên quần áo, trên tóc, thậm chí trên mi mắt của cả hai người. Thạch cao hứng:

- Cô giáo biết không, bồ công anh có tên tiếng Nga là Ađuvantric. Có lẽ danh từ này có nguồn gốc từ động từ “thổi” (Đutch)? Vì sau khi hóa thân, chúng bị gió, và cả cô nữa, thổi bay khắp nơi trong trời đất!

 

Cô giáo đưa mắt nhìn tên học trò sắp hóa điên của mình, không nói gì mà chỉ cười độ lượng.

Nhưng có lẽ bước đột phá quan trọng trong chuyện tình cảm (nói câu này có hơi mắc cở miệng, nhưng đó là sự thật) là lần rủ cô giáo đi coi đêm trắng ở Pêterbua. Dù có tiền nhưng Thạch không múa vé. Anh quyết định cùng cô giáo nhảy tàu cho thêm ấn tượng.

 

Sau chuyến đi, khi trở về Mátxcơva ngồi kiểm điểm lại thì thấy nẩy ra hai vế: buồn và vui, buồn là trong suốt chuyến đi Thạch đã “không nói được gì” với cô giáo dù có bao nhiêu cơ hội vàng ngọc; mà điều cần nói, xét cho cùng cũng chỉ ba, bốn từ dù tiếng ta hay tiếng Tây. Còn cái vui lại nằm trong chính cái buồn: anh đã không thốt lên mấy từ quan trọng nhứt, chớ nếu thốt mà cô giáo vẫn tỉnh queo với nụ cười ruồi thì... liệu Thạch có hành xử kiểu như ông Liêm đối với cô Dung? Hay lại liều lĩnh manh động như gã Raskônhikốp của Đôstôiépski (vì trong những ngày đó Thạch nghĩ rất nhiều đến gã rắc rối này) để rồi sau đó bị lương tâm hình phạt cả đời? Ông Liêm, sau khi “tiễn” người tình của mình đi trước, ông còn có cây cổ thụ ở một chốn thâm u trong vùng rừng nhiệt đới giúp ông “đi theo” người tình của mình một cách an toàn. Còn Thạch, nếu có dại dột “tiễn” cô giáo mình đi, anh chỉ còn cách leo lên cây Cầu Đá nhảy xuống sông Nhêva chứ giữa kinh thành Pêterbua tìm đâu ra cây cổ thụ?...

 

Vậy trong những ngày đi coi đêm trắng Thạch đã mải mê chuyện gì đến nỗi phải bỏ sót ba, bốn từ quan trọng nhứt?

- Ngày xưa, - Thạch bắt đầu câu chuyện với cô giáo của mình - ở Pêterbua có một tay kỹ sư đưa ra một dự án khá kỳ lạ: đó là việc đào một con đường hầm tuyệt đối thẳng từ Mátxcơva đến Pêterbua, bởi ông ta cho rằng, tất cả những con đường hiện có đều phụ thuộc vào độ cong của bề mặt trái đất theo hình cánh cung, còn con đường của ông ta sẽ đào theo hình dây cung, và khoảng cách từ Mátxcơva đến Pêterbua chỉ có sáu trăm kilômét chứ không bị độ cong của bề mặt trái đất làm “dài thêm” năm mươi kilômét như hiện nay. Nếu đào được, con đường này sẽ có tính năng rất kỳ lạ: đó là bất cứ loại phương tiện vận tải nào trong nó cũng phải tự chuyển động. Cô thử hình dung xem, thực ra đó là một cái giếng không đáy. Đoàn tàu chạy trong đường hầm như thế không khác nào ta cho một hòn đá rơi xuống giếng, nó không cần đầu tàu, và theo các nhà chuyên môn, đoàn tàu - hòn đá ấy sẽ không rơi xuống đáy giếng vì giếng không có đáy, mà nó sẽ có tốc độ rơi rất lớn ở đoạn giữa “giếng” rồi chậm dần cho đến “miệng giếng” phía bên kia. Tại đây nếu không có cách gì dừng đoàn tàu được, thì nó lại rơi ngược trở lại... cứ như thế không bao giờ dừng. Tất nhiên, đây chỉ là chuyện viễn tưởng.

 

Cô giáo trố mắt thán phục trước kiến thức uyên thâm của tên học trò. Thạch tiếp tục “trượt theo con đường hầm không đáy”:

- Người ta kể lại rằng khi Nga Hoàng Paven đệ Nhất lên ngôi thì thời gian tiến hành nghi lễ ở Mátcơva được loan báo tới Peterbua bằng cách bắt lính đứng dăng thành hàng suốt cả dọc đường, người nọ cách người kia hai trăm mét. Anh lính gần nhứt sẽ bắn phát súng chỉ thiên khi tiếng chuông đầu tiên của nhà thờ vang lên. Anh thứ hai nghe thấy tín hiệu này liền nổ súng tiếp theo; đến lượt anh thứ ba cũng vậy... Bằng cách đó chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ, tín hiệu đã được truyền đến Pêterbua.

 

Thạch ngừng một giây lấy đà để “trượt” tiếp:

- Thực ra, nếu ở Pêterbua nghe được trực tiếp tiếng chuông nhà thờ Mátxcơva thì chỉ sau nửa giờ âm thanh ấy đã đến, bởi vì, như cô biết đó, tốc độ âm thanh người ta đo được khoảng ba trăm mét trên giây... Như vậy, trong ba tiếng đồng hồ cần để truyền tin, thì có đến hai tiếng rưỡi dành cho binh lính chờ tiếp nhận âm thanh và làm cái động tác nổ súng. Cha! - Thạch dừng lại khi thấy cô giáo kín đáo đưa tay lên che miệng, không biết ngáp hay cười - Cô giáo có vẻ buồn ngủ rồi. Thôi, cô ngủ đi, học trò không dám làm phiền cô nữa.

 

Đó, đại khái Thạch đã nói những loại chuyện như vậy khi họ đang yên vị trong một cupê ấm áp trên đường từ Mátxcơva đến Pêterbua. Hôm ngồi với cô trong một nhà hàng dưới tầng hầm kiến trúc theo kiểu cổ, họ uống rượu sâm banh dưới ánh sáng của những ngọn nến thì Thạch đã nói gì? Anh lại nói về những con số định mệnh (sao lại định mệnh?): 1941 - năm định mệnh Đức xé hòa ước bất ngờ tấn công Nga; 900 là số ngày định mệnh thành phố Pêterbua bị phong tỏa, mà trong cuộc phong tỏa này hơn 600 nghìn người đã phải bỏ mạng; năm 1945 là năm định mệnh của chủ nghĩa phát xít v.v... Riêng cái đêm lang thang trên bờ sông Nhêva chờ đêm trắng thì Thạch không nhớ mình đã nói gì, chắc lại cũng ba mớ kiến thức tai hại đại loại như thế mà có trời biết anh lượm ở đâu?!

 

Cô giáo của Thạch có vóc người nhỏ nhắn, má đỏ tự nhiên, tóc cắt kiểu con trai. Dù không phải hoàn hảo nhưng cô là mẫu con gái giới mày râu không thể thờ ơ. Sau khi “không còn hy vọng gì”, Thạch cứ thấy tiếc: giá cô được sinh ra trong điều kiện không phải lo đến chuyện cơm gạo mà sinh ra chỉ để... làm duyên! Ôi trời, ông già háp đòi hỏi hơi quá đáng rồi. Bản thân cô giáo sang Nga cũng không đơn thuần chỉ để tìm kiến thức...

 

Sau chuyến đi “định mệnh” ấy trở về, dịp để cô giáo ghé qua chỗ Thạch càng thưa thớt. Những ngày đó Thạch thường hay đến bên cửa sổ tì trán vào tấm kính đứng hằng giờ chăm chú quan sát những “khúc bút chì” với hy vọng mong manh “khúc của mình“ xuất hiện. Cũng có đôi lần cô xuất hiện với dáng đi có vẻ tất tả, gương mặt bớt hồn nhiên. Mấy lúc như thế nếu ngắt đưa cho cô đóa bồ công anh hóa thân chắc cô cũng không thèm... thổi. Cô như thờ ơ với hết thảy, cho đến một lúc thì Thạch biết cô mất hẳn.

Khi đó anh nghĩ: ta đã sai lầm từ khâu phương pháp luận.

Bấy giờ đã tàn mùa thu...

*

Hồi nhỏ về quê nội, một lần mẹ Thạch dắt Thạch đi ngang qua cây cầu Mống. Khi ấy anh không dám đi mà phải bò vì anh sợ mình sẽ bị rơi xuống sông qua các khe hở. Sau này lớn lên trở về, anh mới thấy thương cho cái tuổi lên năm của mình, bởi các khe hở đó con chuột còn khó lòng lọt qua được. Vậy rồi cái chốn nguy hiểm ấy cứ đeo đẳng anh. Lúc khoảng mười tuổi trong một lần chạy giặc, gia đình Thạch phải đi nhờ ghe của một người láng giềng. Khi chiếc ghe đang lênh đênh trên sông Đốc thì thằng em út của Thạch khóc đòi sữa. Mẹ anh biểu anh lấy bình thủy nước đem theo để pha sữa cho em. Không hiểu loay hoay thế nào anh làm bể bình thủy nước. Giữ cái xác bình lại chỉ thêm phiền nên Thạch đành ném nó xuống dòng sông. Ghe đi đã xa mà Thạch vẫn còn thấy chiếc vỏ bình nhấp nhô trên ngọn sóng...

 

... Cũng như trận bò qua cây cầu Mống, chiếc vỏ bình thủy ấy sẽ còn nổi trôi trong ký ức Thạch đến suốt đời; mặc dù lúc đó mẹ anh không rầy anh một câu, mặc dù nhân sự mà ngày xưa anh định pha sữa cho giờ đã là một gã thanh niên lực lưỡng luôn coi khinh bơ sữa, nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện cũ Thạch vẫn thấy thương cho tuổi thơ của mình. Liệu sau này về nước, những năm tháng sống ở xứ người này sẽ còn sót lại gì trong anh?

 

Bỗng xèng xèng! Thạch bước đến tì trán vào tấm kính cửa sổ. Bên ngoài mấy bông tuyết đầu mùa lơ lửng trong không trung, chúng như không muốn đáp xuống đất mà cứ bay ngược lên trời. Mùa đông đến nữa rồi, ông Liêm và cô Dung ơi. Ha ha, chúng ta lại sắp có cơ hội tái diễn trò chơi hốt nước đá bào.

 

Khi chiếc trôlâybuýt quẹo sang đường Đôbraliubốp, hai cánh râu điện trên nóc xe xọet lên hai luồng sáng thì Thạch chợt nhận ra: ông Liêm và cô Dung đã âm thầm đáo lại, và anh cũng không khỏi ngạc nhiên lẫn thán phục, sao họ đáo lại đúng lúc thế!

Không cách gì khác, nhứt định Thạch phải về quê gặp ba anh để hỏi kỹ lại chuyện ông Liêm và cô Dung, chứ nếu không thì...

 

Sài Gòn, 14.12.1999

Nguyễn Trọng Nghĩa
Số lần đọc: 2537
Ngày đăng: 29.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiên bản cuộc đời - Vạn Thiên Thanh
Vàng ảnh vàng anh - Trương Thái Du
Bàn tay không thể sinh sôi - Ngọc Thiên Hoa
Người yêu của chị mãi là chàng trai trẻ - Nguyễn Trọng Nghĩa
Bộ răng của ông Răng - Ngô Phan Lưu
Một chút tình yêu, một chút yên bình - Minh Thuỳ
Trên Một Chuyến Tàu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chết trẻ - Nguyễn Trọng Nghĩa
Bầy ngựa bơ vơ - Trần Trung Sáng
Phan và Nguyễn - Trương Thái Du
Cùng một tác giả
Lambada (truyện ngắn)
Tình già (truyện ngắn)
Cuốn sách thiếu (truyện ngắn)
Ngón chân cái (truyện ngắn)
Trễ tàu (tuyển truyện)
Trái đắng (truyện ngắn)
15-Khỉ thật! (truyện ngắn)
Thiêu thân truyện (truyện ngắn)
Chết trẻ (truyện ngắn)
Xa xứ (truyện ngắn)