Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.096
123.231.580
 
Ngày xưa Trữ La , Ngày nay Tích Tửu…
Trần Áng Sơn

Đó là cách bạn bè thường nhắc đến anh: Dương Trữ La. Tửu lượng của anh thật đáng nể, nhưng cái nết uống rượu của anh mới thật sự làm cho những con cháu Lưu Linh phải ngả nón. Người giang hồ thường nói: “Uống không say không về”, riêng với Dương Trữ La say rồi lại càng không về, anh sẵn sàng đạp xe khắp thành phố để tìm bạn hiền, gặp nhau rồi như lân thấy pháo, làm gì có chuyện ngày với đêm. Tôi là một trong số những “bạn hiền” của Dương Trữ La, đã có một thời gian dài tôi cùng anh trên từng cây số, thời gian đối với chúng tôi lúc đó chẳng nghĩa lý gì nếu không muốn nói là chúng tôi đã cố quên đi, quên cái thuở “xếp bút nghiêng theo nghiệp ve chai”.

 

Tôi không thể nhớ đã làm quen với Dương Trữ La trong trường hợp nào nhưng không thể trước ngày 30/4/1975, vì trước mốc thời gian đó, tôi không thích phe “nhựt trình” mà Dương Trữ La lại xuất thân từ lò Tiếng Chuông qua những giải thi truyện ngắn của tờ báo khá nhiều phù phép đó. Có một điều chắc chắn là tôi và Dương Trữ La trở nên bồ bịch nhau hơn kể từ hôm Chinh Văn sưu tầm được ở đâu hai lít đế Gò Đen, anh mời tôi, Dương Trữ La cùng mấy người bạn mở hội “đả tửu” ngay bên hông Câu lạc bộ trong khuôn viên Hội Văn nghệ Giải phóng (lúc ấy chưa có tên Hội liên hiệp Văn hóa nghệ thuật như bây giờ). Hội lúc này trở nên vắng vẻ, chỉ có bộ phận bảo vệ túc trực tại Hội. Chinh Văn đem rượu, bày mồi ra đĩa mượn của câu lạc bộ, đích thân anh rót rượu ra ly, hương Gò Đen tỏa ra thơm lừng làm những Đô Hít thời hiện đại hểnh mũi đón gió. Buổi nhậu kém hào hứng vì khổ chủ là Chinh Văn không biết quậy, tửu lượng của anh chỉ được ba “khè” là bắt đầu giấu ly, chỉ có Dương Trữ La vớt vát lại phần nào không khí nhưng hôm nay anh chăm chỉ uống hơn là để tửu nhập ngôn xuất như thói quen. Có lẽ vì thế mà Dương Trữ La say trước mọi người, anh ngả lưng nằm trên chiếc ghế dài hồn nhiên ngủ, Chinh Văn bối rối nhìn quanh, anh gượng ép tôi và mấy người bạn của anh uống thêm mấy vòng cũng vừa lúc mồi hết, rượu vẫn còn nửa chai. Chinh Văn dẹp bàn, nhét chai rượu vào túi xách. Buổi nhậu kết thúc trong trật tự. Khi chỉ còn hai người tôi đánh thức Dương Trữ La, anh lồm cồm ngồi dậy cũng là lúc tôi muốn nằm thế chỗ anh. Một người trong câu lạc bộ nhắc khéo chúng tôi nên về. Tôi kéo Dương Trữ La khật khưỡng đi về chỗ chiếc xe Velosolex đã tháo máy trở thành chiếc xe đạp của Dương Trữ La. Mặc dù nhỏ thó, lại đang lúc chân nọ khiếu nại chân kia, Dương Trữ La vẫn nhất định đòi chở tôi, kết quả là mới đạp xe ra khỏi cổng trụ sở Hội, cả hai chúng tôi lăn kềnh trên mặt đường, vừa lúc ấy Phạm Trọng Cầu phóng xe PC vào Hội, nhìn cảnh hai chúng tôi bò càng trên mặt đường cười cười, nhưng vẫn không ngừng xe giúp đỡ hai kẻ còn nặng thói tạch tạch sè. Tôi cố dìu Dương Trữ La ngồi bên lề đường. Đầu gối tôi rướm máu, quần cà trên mặt đường lủng một lỗ, đầu óc quay cuồng, tôi dựa vào Dương Trữ La, cả hai ngồi im cùng mơ mình đang yết kiến Ngọc Hoàng. Chúng tôi thức dậy khi trời chập chờn trên đầu, chiếc Velosolex vẫn nằm kềnh bên chủ. Dương Trữ La rủ tôi đi tìm Dương Hà, tôi đồng ý ngay vì khi còn đi học tôi đã lén đọc những cuốn tiểu thuyết ướt át, diễm tình của Dương Hà, bây giờ gặp còn gì thú hơn. Tôi chở Dương Trữ La về đường Cao Thắng, đi ngoằn nghèo qua các ngõ hẻm tìm được nhà Dương Hà thì anh đã “ra đi khi trời vừa sáng”; Dương Trữ La bảo biết Dương Hà ở đâu. Lại tiếp tục đạp xe ngoằn nghèo trong khu Bàn Cờ. Cuối cùng Dương Trữ La chỉ tôi một người tướng tá thư sinh, có mái tóc rất lãng mạn, anh ta đang ngồi gật gù một mình, trên bàn ly tách, bát đĩa ngổn ngang chứng tỏ đã có một bữa tiệc vừa tàn, kẻ ngồi nán lại đích danh là khổ chủ Dương Hà, tôi hơi ngạc nhiên vì Dương Hà còn trẻ quá, không lớn hơn tôi bao nhiêu. Thấy Dương Trữ La và tôi, Dương Hà rất mừng, hình như anh đang thiếu bạn, chẳng thắc mắc tôi là ai anh vội gọi rượu tiếp. Ba chúng tôi uống đến quá nửa đêm chủ quán dẹp tiệm, cả Dương Hà và Dương Trữ La đều chưa chịu về, chúng tôi tìm một quán cóc ở đường Cao Thắng ngồi gục đàu vào nhau cụng ly. Gần về sáng tôi về nhà Dương Trữ La ngủ.

 

Những kỷ niệm của tôi về Dương Trữ La phần nhiều là kỷ niệm khi say, duy có một lần Hội Văn nghệ tổ chức cho chúng tôi đi thực tế ở Tổng hội Thanh niên xung phong ở Sông Bé, đoàn khá đông đủ các bộ môn thơ, văn, nhạc, họa. Nhóm chúng tôi gồm tôi, Dương Trữ La, Hồ Ông Nguyễn Thân Văn, chị Minh Quân, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai. Ban ngày đến hội trường nghe các báo cáo điển hình để chọn đối tượng viết, đi tham quan các đại đội Thanh niên xung phong, ghi chép các sinh hoạt của họ, xem thi đấu thể thao kể cả ghé câu lạc bộ giải khát theo giá chiêu đãi. Trong toán có Hồ Thành Đức pha trò rất có duyên, anh kể chuyện tiếu lâm thì chuyện nhạt đến mấy cũng thành đậm đà. Lúc chúng tôi đi ngang qua một trạm xá, Hồ Thành Đức chui vào nhà bạt, anh khai với y sĩ bị đau cổ vì ho, nhưng khi y sĩ cho thuốc thì anh lắc đầu cười, nói bệnh anh chỉ có thuốc… Đà Lạt mới chữa khỏi làm các cô y tá cười tít mắt. Tuy giỏi võ mồm nhưng hội họa là môn anh thành danh thì Hồ Thành Đức vẽ không đạt, nhất là ký họa, chân dung vì sở trường của anh là tranh dán giấy. Khác với Hồ Thành Đức, Nguyên Khai ít nói nhưng vẽ ký họa chân dung rất giỏi. Các cô Thanh niên xung phong rủ nhau đi theo để xin Nguyên Khai vẽ chân dung cho mình. Thấy Nguyên Khai có nhiều người đẹp đi theo, Hồ Thành Đức không muốn mình bị bỏ quên, anh mời một cô TNXP rất xinh làm mẫu cho mình vẽ nhưng khi bức vẽ hoàn thành cô gái ngẩn người vì không nhận ra mình trong tranh, chúng tôi ngắm bức vẽ thấy cô gái qua nét vẽ của Hồ Thành Đức như đang… mếu làm mọi người rũ ra cười. Đức giấu biệt bức họa, chúng tôi cũng tế nhị không nhắc đến trong suốt chuyến thực tế. Chuyến thực tế đã cho chúng tôi sống những khoảnh khắc tuyệt đẹp, bao nhiêu năm cứ ru rú trong thành phố chẳng biết thiên nhiên biến đổi kỳ diệu đến chừng nào.

 

Ban ngày đông vui, nhộn nhịp, náo nức đến thế nhưng về đêm lại có cái đẹp huyền ảo, nơi này, nơi kia, đàng sau những bụi cây ánh lửa bập bùng hắt lên, tiếng guitar có lúc phừng lên như ngọn lửa, có lúc hiu hắt như gió thu. Lanh lảnh trong gió một giọng hát lênh đênh vẳng đến tha thiết, trữ tình, hình ảnh cô gái Quan họ hiện ra giữa rừng đêm làm xao xuyến lòng người. Nơi kia chợt bừng lên khúc hát Những cô gái mở đường của một thời lãng mạn, một thời hào hùng. Chưa bao giờ chúng tôi được nghe hát trong khung cảnh kỳ lạ như thế này, như mơ mà vẫn thực. Hình như ban đêm cái đẹp hoang dã mới bộc lộ ra hết, nhất là khi Hồ Ông rủ tôi ra gò mối ngồi nhìn vào khoảng tối mông lung, ở nơi ấy hàng trăm, hàng ngàn con đom đóm kết thành những đợt sóng lân tinh chập chờn bên kia lũng xa. Ai trong đời, ít ra một lần cũng nhìn thấy đom đóm. Riêng tôi, thuở thơ ấu đi bắt đom đóm nhốt trong hộp giấy làm đèn là một trò chơi của mộng của mơ. Nhưng đom đóm nhiều như ở đây tôi chưa từng thấy trong đời. Chúng tôi lặng đi trước những làng sóng ánh sáng di chuyển mềm mại, thướt tha như có một linh hồn e ấp luôn giữ một khoảng cách để không bị vẩn đục bởi những kẻ phàm phu tục tử như chúng tôi.

 

Khi cuộc thực tế gần kết thúc, chúng tôi ngồi quây quần trao đổi kinh nghiệm ghi nhận được trong những ngày qua, bất chợt Dương Trữ La khoe mình có một câu đối đố ai đối lại được, nhưng với một điều kiện chỉ có cánh đực rựa tham dự. Phe phụ nữ ít ỏi ngại Dương Trữ La ra câu đối kiểu… “cấm phụ nữ” nêng lảng ra chỗ khác. Dương Trữ La đọc:

Trần Áng Sơn cởi trần leo lên núi.

 

Câu đối này ngặt ở chỗ Trần là họ nhưng cũng là cởi trần, Sơn là tên nhưng cũng là núi. Sau một hồi đối chữ chẳng có câu nào chỉnh mọi người buộc Dương Trữ La đọc câu đối lại của anh, câu đôi được xướng lên mọi người cười vừa lắc đầu vì nếu phe phụ nữ nghe được chắc Dương Trữ La sẽ thành…

 

Đó là những ngày chúng tôi còn chèo chống được để hy vọng tiếp tục đi trên con đường mình lựa chọn. Thế nhưng, chuyện áo cơm chẳng phải chuyện đùa, hết vợ rồi con lần lượt “xuống đường”, thân cò lặn lội vỉa hè nhìn thấy xót xa. Thôi thì làm văn nghệ chưa chắc xí được chỗ nào ở chiếu trên hoặc chiếu dưới, ngồi rung đùi trong khi vợ con đầu tắt mặt tối, soi gương còn thấy mình còn thua cả một gã thất phu. Nhờ Hội Văn nghệ giới thiệu tôi trở thành nhân viên Bảo tồn bào tàng, một ngành các đồng nghiệp thâm niên thường bỡn cợt sửa thành biệt tăm biệt tích, vì hầu như người của bộ phận này lúc nào chiếc ba lô cũng sẵn sàng khoác lên vai. Còn Dương Trữ La trong máu anh chất cồn có lẽ nhiều hơn hồng huyết cầu nên anh chọn nghề tự do để sống qua ngày. Chẳng hiểu ai chỉ bảo, bày vẽ, Dương Trữ La sắm một bộ đồ nghề bơm viết bic, anh bơm mực thay bi một cách thành thạo. Ngày ngày anh chở bộ đồ nghề trên chiếc Velo không máy lên chợ Tân Bình hành nghề, ngồi ké bên sạp bán quần áo, máy móc, thùng hàng của Dương Trữ La ngó thật tội nghiệp. Lúc ế khách anh ngồi phì phèo điếu thuốc củi ba số 9 khét lẹt, mắt lơ đãng nhìn thiên hạ đi mua sắm tấp nập, chẳng biết có ai nhận ra đó là nhà văn Dương Trữ La, đã có hàng chục tác phẩm đến với những người yêu văn chương khắp nơi? Những ngày đầu lạ chỗ chưa có khách nhưng chỉ mươi hôm bạn hàng chung quanh nhờ anh bơm mực, viết thấy trơn tru thế là họ quảng cáo giùm, khách đến ngày càng đông, học sinh nghèo không đủ tiền mua viết mới rủ nhau đến làm không kịp. Cứ tưởng làm chơi hóa ra ăn thật, ngày nào đắt khách kiếm được mười lăm hai mươi đồng ngon ơ, nên nhớ lúc ấy lương của tôi mỗi tháng chỉ có 60 đồng, chỉ cần đắt hàng ba ngày là Dương Trữ La kiếm được số tiền bằng cả tháng lương Biệt tăm biệt tích của tôi. Tuy kiếm được tiền nhưng thiếu bạn, gặp tôi anh rất mừng, anh cho biết ý định mở rộng làm ăn bằng cách buôn bán thêm viết máy các hiệu của Nhật, nhất là Trung Quốc, anh hỏi tôi có muốn hùn vốn không? Tôi ngần ngừ vì đang là công nhân viên làm sao có thì giờ lên chợ ngồi bán hàng với anh! Hiểu ý tôi Dương Trữ La bảo một mình anh là đủ, chỉ cần chiều chiều khi tan sở tôi đạp xe lên chợ cùng anh dọn hàng rồi hai thằng tàn tàn đi tìm quán nai đồng quê cưa một hai xị là đời lại vui. Thế là từ đó chiều chiều tôi đạp xe lên chợ Tân Bình làm phụ tá cho Dương Trữ La, cứ chân trong chân ngoài hai hàng đi miết “đường trường xa… xị đế không cho về nhà…”.

 

Những ngày say liên miên đã đem lại kết quả buồn, gia đình anh không còn là mái ấm nữa. Tôi bất lực trước nỗi đau của Dương Trữ La. Những ngày sát cánh nhau giúp tôi nhận ra Dương Trữ La là người bạn tốt, chân thành, chúng tôi đã chia từng đồng bạc để vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng cái khó trong lòng người thì cả hai chúng tôi chẳng ai có thể giúp được ai. Để quên, Dương Trữ La theo chân tôi xin làm nhân viên thuộc Phòng Văn hóa thông tin huyện Duyên Hải. Thế là từ nay tình bạn giữa chúng tôi có sông, có biển cách ngăn… Mặc dù thế, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có cơ hội gặp nhau mỗi khi Dương Trữ La về Sài Gòn công tác, anh cho tôi biết được phân công phụ trách tờ báo của huyện (tức tờ Bản tin huyện) mỗi kỳ xuất bản anh ôm bài vở liên hệ nhà in. Chúng tôi lại được cụng ly với nhau nhưng bây giờ thay cho rượu đế là bia hơi, hương vị hoàn toàn khác. Trong câu chuyện trên bàn bia bọt tôi có cảm giác có gì khác khác nơi anh; ngược lại, hình như trong mắt anh tôi cũng có gì thay đổi. Tuy cảm nhận điều đó nhưng tôi chỉ im lặng, tôi thuộc loại không thích biện bạch. Trong thời gian này tôi đang gặt hái một vài thành công nho nhỏ, hình như sự thành công của tôi không làm Dương Trữ La hài lòng, chẳng phải vì anh ghen ghét, đó là ưu điểm của anh nhưng hình như anh thích tôi vẫn như xưa để anh có dịp giúp đỡ. Một rủi ro nữa làm tăng thêm khoảng cách giữa chúng tôi, vào những năm đầu thập niên 90, tôi quan hệ khá tốt với nhà xuất bản Long An, thời điểm này các nhà xuất bản đang có xu hướng tái bản tác phẩm của những nhà văn sống ở Sài Gòn trước năm 1975, Dương Trữ La có tặng tôi một tác phẩm ưng ý của anh, cuốn truyện vừa Bên kia một dòng sông. Lợi dụng sự quen biết với nhà xuất bản, tin vào tình bạn tôi mạn phép đưa tác phẩm của Dương Trữ La cho nhà xuất bản Long An, hy vọng sách anh được tái bản tôi sẽ đại diện trao anh cả sách biếu cùng nhuận bút. Nhưng thiện ý của tôi không gặp may, nhà xuất bản viện lý do Bên kia một dòng sông quá ngắn không thể tái bản được. Bản tính tôi cũng rất hà tiện nói năng, hai cái im lặng gặp nhau chẳng vì nguyên do gì chúng tôi bỗng dưng như xa nhau hơn.

 

Ngồi đây, viết những dòng này, tôi cảm thấy sao mà thương những ngày đôi bạn thất tha thất thểu cùng nhau bước vào tương lai mịt mờ chẳng e ngại gì sông cùng biển. Thế mà xã hội đang giàu lên, chẳng lẽ tình người lại nghèo đi hay sao?

 

Tự trách mình, còn biết trách ai đây!

Trần Áng Sơn
Số lần đọc: 3389
Ngày đăng: 30.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giữa đôi bờ hư thực - Trần Áng Sơn
Nhà thơ lãng mạn Anh : Lord Byron và những mối tình sôi nổi (*) - Vương Trung Hiếu
Nhân ngày giỗ của nhà thơ Nguyễn Khuyến:Thành phố Hồ chí Minh nên trả lại tên đường cho nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Mộng Giao
Cơm nhà và tù và hàng tổng - Lê Xuân Quang
Gặp sầu nữ Bạch Lan - Võ Quê
ẤN BẢN CỦA VỈA HÈ : 13 bài thơ đẹp của tháng ba, thơ Trần Hữu Dũng. Ấn bản của Vĩa Hè. Xuất bản – trình bày: Nguyễn Đình Bổn. In lần thứ nhất tại Sài Gòn – 2008. - Võ Quê
Nỗi lòng người nghèo - Nguyễn Nguyên An
Trần Dần – thơ : Ngôn ngữ : Hai cách nhìn và hai cách giải quyết. - Nhiều Tác Giả
Cô đơn trên mạng - Lưu Quang Minh
Xưa thật là xưa - Vũ Trà My
Cùng một tác giả