Tôi thường phải chờ đợi ở những phi cảng, khung cảnh thường thấy là những người chung quanh mải miết chuyện trò với cái điện thoại di động. Tôi đã ương bướng trì hoãn việc trang bị cho mình một cái, vì một nỗi sợ hãi mà tôi cũng đã ương bướng chối cãi: kè kè cái điện thoại bên mình, tôi gọi cho ai, ai gọi cho tôi? Điều sợ hãi đó bây giờ đã trở thành hiện thực, cái điện thoại reo lúc tôi đang đi đường, đang say sưa tranh luận, đang tập trung suy tư, còn những lúc tôi hoàn toàn trống vắng, cả trong lẫn ngoài, thèm một cuộc chuyện trò, khát một sự sẻ chia, thì tôi cầm cái điện thoại trong tay, dò đi dò lại cái danh sách, cuối cùng không biết gọi ai.
Tôi kể câu chuyện này không nhằm ngụ ngôn rằng: kỹ thuật không phải là giải pháp cho nỗi cô độc, mà nhằm dẫn đề vào mối liên hệ giữa kỹ thuật và thơ ca đương thời. Vào những khoảnh khắc hiếm hoi, những “thời gian lẻ” giữa những lốc thời gian cố định cho học tập, mưu sinh, tranh sống…, người ta thường rơi vào một tâm trạng rất riêng tư, một cảm xúc, một suy tư chợt bật lên, chiếc điện thoại cầm sẵn trên tay với chức năng soạn văn bản nhắn tin đã đáp ứng ngay nhu cầu ghi lại nhanh chóng cảm nghĩ tức thời đó. Xưa nay thi sĩ vẫn làm vậy: đề thơ trên bất cứ thứ gì: đá núi, vách quán trọ, tường nhà giam, bao thuốc lá. Nhưng với cái điện thoại nhỏ xíu trong lòng bàn tay, ngay lập tức những dòng chữ hiện ra được công bố rộng rãi, nếu mình muốn, bằng cách nhắn cho một loạt người hoặc gởi thẳng lên internet. Cách thức này đang phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ, ở các nước có công nghệ tiên tiến, như Nhật chẳng hạn. Và với sự phổ biến của điện thoại di động và blog ở Việt Nam ngày nay, cách sáng tác đó chẳng mấy chốc sẽ lan rộng, ít nhiều gì cũng sẽ thay đổi diện mạo thơ của chúng ta.
Sự thay đổi từ cây viết chì đến cái máy đánh chữ không lớn lắm vì tầm quảng bá sản phẩm giữa hai phương thức sản xuất đó không khác nhau nhiều, nhưng từ cái máy đánh chữ đến cái cell phone rồi iphone, chỉ trong vòng một thập niên, là cả một sự khác biệt đáng giật mình. Như mọi thứ mới mẻ theo nghĩa có khả năng đào thải cái đã đang tồn tại, cái gọi là thơ điện tử, thơ điện thoại này cũng gặp những phản ứng nghi ngờ, thậm chí miệt thị. Nhưng nếu người xưa đề thơ lên vách quán, bộc lộ khẩu khí hay thoả nỗi tự sướng, chẳng bận tâm rằng trăm ngàn bài thơ viết ra mới lưu thiên cổ được một hai bài, thì tình hình thơ hiện nay hay sắp tới không có gì đáng bi quan cả.
Vấn đề là những tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay không phải chỉ ảnh hưởng đến phương pháp lao động của một số người sáng tác văn chương, mà chi phối hầu hết mọi khía cạnh đời sống xã hội của chúng ta, từ hột gạo đã được điều tiết gien chúng ta ăn mỗi ngày, đến kiến thức truyền qua cái điện thoại cầm tay kết nối Internet vô tuyến mà chúng ta kè kè bên mình. Nếu nói “chúng ta” không chính xác thì tôi đổi thành “giới trẻ” đang đóng vai trò nổi trội “người tiêu dùng” và “lao động chính của xã hội.” Tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật lên người sáng tác văn chương thực ra không quan trọng bằng sự chi phối của khoa học kỹ thuật đối với sự thụ hưởng của người tiêu dùng. Ipod , cell phone, rồi iphone, rồi itunes. Trong khi đó những nhược điểm của cuốn sách điện tử đầu tiên ra đời mươi năm trước, nay đã được khắc phục hầu hết, thế hệ mới nhứt là Kindle wireless reader do Amazon.com vừa tung ra cách đây mấy tháng đã bán hết vèo, và số người đặt mua nhiều đến nỗi không biết bao giờ mới nhận được. Điều ta có thể yên tâm là chẳng mấy chốc sản phẩm tương tự sẽ được tung ra hàng loạt và phổ biến. Những nhà xuất bản tất nhiên đang điều chỉnh để thích nghi, và do đó người sáng tác cũng bị chi phối. Khi nền văn hoá mực in cáo chung thì cái gì sẽ vô viện bảo tàng với nó? Tôi chưa biết, có thể là tôi. Nếu “Chúng ta”, là tôi và những đồng nghiệp trên năm mươi ở Việt Nam, còn an ủi nhau: chuyện đó mới xảy ra bên Mỹ, thì “giới trẻ”, hai phần ba dân số Việt Nam hiện nay, đang sốt ruột: nhập ngay cái mới vào, thay đổi nhanh đi, chúng tôi muốn và chúng tôi có quyền thụ hưởng tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại. Và có thể trước khi “chúng ta” lẫn “giới trẻ” kịp ớ ra thì cả hai phe đã bị/được cuốn theo chiều gió rồi.
Ngày xưa – vì tóc tôi bạc quá nửa rồi, cho phép tôi thình thoảng kể chuyện ngày xưa – làng tôi nên thơ lắm: đường đất đỏ chạy giữa đôi bờ tre xanh biếc, xe thổ mộ do ngựa ô kéo chạy lộc cộc leng keng, sông êm đềm, trái chín trĩu cành là sà sát mặt nước, vườn trưa rộn rã tiếng ve. Hôm rồi tôi về quê, đường tráng nhựa, và đang qui hoạch nâng cấp mở rộng, nhà bên đường san sát, nhiều nhà có máy vi tính nối ADSL, nhiều người có điện thoại cầm tay, đám tiệc bày những món chế biến sẵn bán ở siêu thị, rộn rã tiếng nhạc rap phát từ dàn âm thanh chìm nổi gì đó, vượt cả khả năng lãnh hội của tôi. Tôi không phàn nàn gì những thay đổi trong đời sống của dân chúng nhờ vào (tiền mua được) những thành tựu của khoa học kỹ thuật. Tôi cũng không phê phán những tâm tình và các mối quan hệ của những con người sống trong thời chuyển đổi. Bài thơ làng tôi đã biến thành tiểu thuyết, và vì tôi viết cả tiểu thuyết lẫn làm thơ, tôi không một mực cho rằng thơ thì hay hơn tiểu thuyết hay ngược lại. Tôi chỉ ghi nhận là sau khi làng tôi đô thị hoá rồi thì công ty du lịch mở ra ngay trong làng một khu du lịch xanh, trong đó dựng lại nhà cổ, bến sông, chiếc xuồng, cây ăn trái, xe thổ mộ, đường làng quanh co. Khách viếng thăm không phải toàn dân thành thị, mà khá đông em cháu ở làng tôi. Họ ngồi xuồng năm phút bơi qua con rạch cạn xợt, leo lên chiếc xe thổ mộ chạy ba phút hết con đường quanh co, ngồi võng dưới tán những cây chưa bén rễ nhâm nhi trái cây không biết đem từ đâu tới. Nhưng mọi người có vẻ vui thích. Đó là những phút hoài niệm về bài thơ họ đánh mất hoặc chưa từng biết. Tôi có cảm giác thơ chúng ta hiện nay giống khu du lịch xanh đó.
Thơ là thơ, cho dù khoa học kỹ thuật tiến bộ tới đâu thì thơ vẫn còn một chỗ neo chắc chắn là tâm linh - tâm linh huyền bí, siêu nhiên, siêu tưởng. Cho dù khoa học chứng minh mọi rung động, cảm xúc, suy tư của con người đều do hoạt động của não, và tình yêu, đề tài bất hủ của thơ, đã được xác nhận là phản ứng của các hoá chất trong cơ thể sinh vật, chúng ta vẫn làm thơ ca ngợi tình yêu, vẫn dựng lên những mê lộ cho hành trình tìm đến tâm linh. Tâm hồn chúng ta là ông vua mà khoa học kỹ thuật cứ liên tiếp hô hoán là ổng cởi truồng, và nhà thơ chúng ta cứ khăng khăng đem thơ may áo cho vua và tự biện là chỉ những ai có tâm hồn mới thấy được tấm áo thơ.