Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.042
 
Võ Đắc Danh : “Nghệ thuật chỉ là tìm tới sự đồng cảm”
Diễm Thư

Vài năm gần đây Võ Đắc Danh được biết đến như một cây bút viết ký qua nhiều tác phẩm được độc giả đón đọc nồng nhiệt như: Nỗi niềm U Minh hạ, Đồng cỏ chát, và Thế giới người điên đã được tái bản đồng loạt cả ba cuốn và phát hành trong hội sách thành phố vừa qua, nhiều người cho rằng đây là một hiện tượng lạ đối với thể ký.

 

Sinh ra và trưởng thành tại Tân Thành, Cà Mau – mảnh đất cuối cùng của cực Nam Việt Nam, Võ Đắc Danh luôn tự nhận mình chỉ là người nông dân cầm bút viết về người nông dân mà thôi. Vào một buổi trưa giữa lòng Tp.HCM, Võ Đắc Danh đã có một cuộc trao đổi với báo Thanhnien Daily về câu chuyện viết lách của mình và cả những nỗi trăn trở về cuộc sống.

 

“Ký sự đã chọn tôi”

 

Võ Đắc Danh cho biết: “Năm học lớp 11, tôi rơi vào cảnh nghèo khổ đến tận cùng, đến nổi có ý định bỏ học vì không thể nào trang trải nổi mọi chi phí. Nhưng may mắn lúc đó một người bạn của tôi là anh Duy Hoàng ( hiện nay là Tổng Biên tập báo Bạc Liêu ) động viên và kéo tôi vào làm báo chung với anh. Nếu tối nhớ không lầm thì đó là  giữa tháng Tư năm 1981, và bài báo đầu tiên của tôi là Chuyện của chúng tôi - viết về đề tài thiếu nhi – đã ngẫu nhiên rơi vào thể loại bút ký. Rõ ràng thể loại ký chọn tôi chứ tôi không hề chọn nó”. Như vậy tính từ ngày chập chững cầm bút đến nay Võ Đắc Danh vẫn trung thành với thể loại ký sự với hàng loạt các tác phẩm đã đến tay bạn đọc. Vừa cười Võ Đắc Danh thổ lộ thêm: ‘Tôi cũng thử viết ở vài thể loại khác nhưng rồi cũng trở thành bút ký. Hiện nay, tôi không thể đếm được mình đã viết bao nhiêu tác phẩm ký sự nhưng về truyện ngắn thì chỉ mới đừng ở con số ba. Nhiều người hỏi sao tôi không viết truyện ngắn cho nó có văn chương hơn mà cứ mãi mê viết ký. Tôi thì cho rằng hiện thực cuộc sống đã quá phong phú rồi, hà tất gì phải hư cấu. Khi tiếp cận đời sống, tôi đã gặp những chất liệu thật mà dù cho một nhà văn có tài đến đâu cũng không thể tưởng tượng ra nổi”. Điểm nổi bật của thể loại ký sự chính là những nhân vật, những sự việc trong tác phẩm phải là người thật việc thật. Theo Võ Đắc Danh thì chính điểm này là điều thu hút nhiều độc giả hơn vì mọi người ai cũng muốn biết những hiện thực xảy ra với đời sống  quanh mình.

 

Trước câu hỏi: “Từ trước đến nay các tác phẩm của anh đã có ai nghi ngờ về tính chân thật chưa?”. Không ngần ngại, Võ Đắc Danh trả lời ngay: “ Khi tôi viết Đồng Cỏ Chát, một vài nhà văn hỏi tôi hư cấu bao nhiêu phần trăm, bởi họ không tin nổi những tình huống bi kịch trong cuộc đời chị Thiện là có thật. Cũng may lúc ấy có vài người bạn cùng đi đến nhà chị Thiện với tôi trả lời thay. Mình viết về những người đang sống bằng xương bằng thịt, họ có quan hệ làng xóm, cộng đồng, chỉ cần thiếu chính xác một vài chi tiết nhỏ thôi, cũng đủ mất lòng tin ở người đọc. nói chung, nhân vật của ký phải là những nhân vật từ cuộc sống đi vào trang viết”.

 

Hầu hết các tác phẩm của Võ Đắc Danh đều xoay quanh số phận bi kịch của người nông dân vì theo ông thì: “Người nông dân Việt Nam luôn là những người hứng chịu tất cả hậu quả của những biến động xã hội. Thời chiến tranh, nông dân là người hứng chịu đạn bom; thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp, họ là người hy sinh đến hạt lúa cuối cùng cho xã hội; thời mở cửa, họ lại đứng trước nguy cơ mất đất vì những chiêu bài quy hoạch . . .” Võ Đắc Danh cũng cho biết thêm, anh không sợ người đọc cảm thấy nhàm chán khi suốt ngày cứ ngẫm đi ngẫm lại câu chuyện “con người và số phận” , bởi theo anh, khi nào cuộc sống này không còn những con người bị bất hạnh thì anh mới . . . bị thất nghiệp .

 

Đằng sau mỗi trang viết

 

Như đã nói tất cả các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn – nhà báo Võ Đắc Danh đều là những con người đi ra từ cuộc sống. Họ là những con người đã chịu nhiều bi kịch của cuộc sống như mất con, mất chồng, mất đất, mất quyền được hưởng hạnh phúc… Tất cả những điều bất hạnh đó họ đã không phải dễ dàng chia sẻ cho bất kỳ ai nhưng họ lại sẵn sàng kể hết cho anh. Gương mặt trầm ngâm, Võ Đắc Danh tâm sự: “Có lẽ tôi và các nhân vật của mình gặp nhau tại một tầng sóng nào đó. Vào lúc đó họ cần một người để chia sẽ và tôi thì sẵn sàng chia sẽ cùng họ. Đôi khi tôi đến với nhân vật của mình một cách rất tình cờ như qua lời kể của bạn bè, thông tin trên báo và đôi khi cả bằng giác quan của nhà văn – nhà báo”.  

 

Viết nhiều về những số phận bi kịch trong xã hội, Võ Đắc Danh cho rằng: “Có lẽ số phận của mỗi con người lúc nào cũng ám ảnh tôi. Đối với tôi không có số phận nào bất hạnh hơn số phận nào hết. Mỗi người đều có một nỗi khổ riêng mà khi có dịp tiếp cận được họ mình mới có thể thấu hiểu nổi. Không có lúc nào tôi nghĩ rằng mình viết ký sự mà chỉ muốn viết lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy cho mọi người biết mà thôi”. Đó là trường hợp của chị Tiểu Hương, Giám đốc Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương tại Bình Dương trong ký sự Bà chúa vỉ hè, chị Năm Nhi trong ký sự Người mẹ chưa được tôn vinh, Gã giang hồ lương thiện về một số câu truyện đằng sau sân khấu của diễn viên kịch nổi tiếng Lê Vũ Cầu. chị Bảy Lòng trong Hồ Sơ một vết thương… “Nghệ thuật chỉ tìm tới sự đồng cảm” và Võ Đắc Danh đã làm được điều mà ông tâm đắc qua những trang viết của mình. Sau mỗi trang viết của Võ Đắc Danh, người đọc lại cảm thấy rất bức rức vì số phận của những nhân vật.

 

Những nhân vật trong các ký sự đều mang một không khí u uất và hiếm khi tìm được lối thoát cho chính bản thân mình. “Lối thoát của mỗi một số phận là trách nhiệm của toàn xã hội và ý chí của chính bản thân họ chứ không thuộc về người cầm bút”, Võ Đắc Danh khẳng định. Được biết thì cũng có một vài nhân vật trong các tác phẩm ký của Võ Đắc Danh như: chị Bảy Lòng trong Hồ sơ một vết thương, chị Năm Nhi trong ký sự Người mẹ chưa được tôn vinh đã dần dần thay đổi được cuộc sống khi được cộng đồng quan tâm giúp đỡ.  

 

Võ Đắc Danh cũng cho biết internet cũng giúp ích anh rất nhiều trong việc mang tác phẩm đến với mọi thành phần đọc giả khắp nơi, “từ ngày tác phẩm của tôi có trên internet tôi mới có nhiều độc giả, cả trong và ngoài nước”. Độc giả của anh ở mọi thành phần từ tiểu thương đến trí thức và nông dân… một độc giả đã từng nói thế này: “Viết hay có rất nhiều người, nhưng viết để có thể lay động lòng người như Võ Đắc Danh thì rất hiếm hoi”.

 

Theo Thanh Niên Daily

Diễm Thư
Số lần đọc: 2745
Ngày đăng: 31.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người của cát bụi lộng lẫy - Ngô Minh
Ngày xưa Trữ La , Ngày nay Tích Tửu… - Trần Áng Sơn
Giữa đôi bờ hư thực - Trần Áng Sơn
Nhà thơ lãng mạn Anh : Lord Byron và những mối tình sôi nổi (*) - Vương Trung Hiếu
Nhân ngày giỗ của nhà thơ Nguyễn Khuyến:Thành phố Hồ chí Minh nên trả lại tên đường cho nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Mộng Giao
Cơm nhà và tù và hàng tổng - Lê Xuân Quang
Gặp sầu nữ Bạch Lan - Võ Quê
ẤN BẢN CỦA VỈA HÈ : 13 bài thơ đẹp của tháng ba, thơ Trần Hữu Dũng. Ấn bản của Vĩa Hè. Xuất bản – trình bày: Nguyễn Đình Bổn. In lần thứ nhất tại Sài Gòn – 2008. - Võ Quê
Nỗi lòng người nghèo - Nguyễn Nguyên An
Trần Dần – thơ : Ngôn ngữ : Hai cách nhìn và hai cách giải quyết. - Nhiều Tác Giả