Những năm cuối thập niên bảy mươi, các tạp chí còn hiếm hoi, tuy nhiên tôi vẫn tìm cho mình một tạp chí đáng để đọc, đó là nguyệt san VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI. Mảng truyện ngắn trong tạp chí này rất phong phú. Tôi đặc biệt chú ý đến truyện ngắn HAI NGƯỜI LÍNH của nhà văn mặc áo lính: Chu Hồng Hải. Tôi chú ý đến truyện ngắn Hai người lình không phải do giá trị văn chương mà do tính nhân bản trong đó rất cao. Ở thời điểm đó viết như Chu Hồng Hải là bạo phổi, phải cứng bóng vía mới gồng mình lên lao về phía trước khá đơn lẻ, dù anh chẳng làm gì sai với đường lối chính sách.
Qua thập niên tám mươi, sách báo phong phú hơn, người ta có quyền lựa chọn cái mình thích để đọc. Các tác phẩm nước ngoài được chọn dịch giới thiệu rộng rãi, tạo thành luồng sinh khí mới trong sinh hoạt, thói quen thưởng ngoạn của con người. Tạp chí Văn nghệ quân đội không là ưu tiên một để tôi chọn đọc nữa. Truyện ngắn Hai người lính và tác giả Chu Hồng Hải nằm yên ắng trong một góc kệ sách của tôi. Giữa tôi và tác giả trở thành hai kẻ xa lạ chờ sự lãng quên. Nhưng sự đời thật kỳ lạ, kẻ ở đầu Tổ quốc, người tất bật ở tận cuối trời, đột nhiên lại gặp nhau. Chu Hồng Hải xồng xộc tìm đến tôi thân thiết như đã quen nhau từ rất lâu. Bằng lối nói chuyện cà tửng, anh cho biết mình đã giải ngũ, đem gia đình vào Nam lập nghiệp. Long An là đất lành để anh dừng chân, hiện nay, anh đang là một trong hai biên tập viên nòng cốt của nhà xuất bản Long An. Thật tình anh chẳng biết tôi là ai, nhưng do tôi có tác phẩm được nhà xuất bản Long An chọn xuất bản nên Chu Hồng Hải muốn tìm tôi trao đổi một vài chi tiết trong tác phẩm cần thay đổi. Câu chuyện diễn ra quanh bàn bia vì tôi đang ngồi lai rai với mấy cao thủ như Dương Trữ La, Phù Hư, Hà Nguyên Thạch. Tôi nhắc đến truyện Hai người lính, đôi mắt Chu Hồng Hải sáng lên, bộ ria cá chốt nhúc nhích, nét mặt sảng khoái như vừa được gãi đúng chỗ ngứa; tuy nhiên, anh không nói gì về nguyên nhân anh viết truyện Hai người lính mà chỉ hứa có dịp sẽ cho tôi đọc những truyện ngắn khác có quan điểm tương tự như Hai người lính. Tôi hiểu tâm trạng Chu Hồng Hải, anh muốn có sự hàn gắn, dù là tay phải hay tay trái vẫn cùng chung cơ thể của mẹ, cớ gì không yêu thương nhau. Từ đó sự quen biết giữa tôi và Chu Hồng Hải trở nên gắn bó hơn. Ngày anh ăn mừng tân gia, trong số những người bạn được mời có cả tôi. Phần nhiều thân hữu là những nhà văn, “nhà văn hóa”, nhà báo từ Sài Gòn đến dự. Ngôi nhà khá khang trang, chung quanh là lũy tre xanh mướt, thân tre uốn mình kẽo kẹt mỗi khi có cơn gió thổi qua. Tôi thích nhất là hai ao cá, một bên nuôi rô phi bằng bàn tay, từng đàn bơi lượn thong dong; một bên nuôi cá tai tượng, chúng rượt đuổi nhau dậy sóng. Do bị bệnh huyết áp, tôi chọn một chỗ ngồi sát ao cá; cũng là để dễ rút lui khi tất cả biến thành ma men lúc tửu đã nhập. Mực thước như Sơn Nam khi mặt mũi đỏ cay cũng tới bến. Trong bữa tiệc mừng tân gia, từ bàn trong ra bàn ngoài lênh láng toàn đế Long An, đế Gò Đen, cứ từng can, từng bình. Các cao thủ trong bàn nhậu chính là các đại gia liên kết nhà xuất bản Long An như Trương V.K., Sơn Đ., Phạm K. mặc sức nói chuyện văn chương. Tiệc nào rồi cũng phải tàn. Một số con nhạn là đà gục tại chỗ, trong đó có tôi. Tuy uống không bao nhiêu, nhưng máu đã dồn lên khiến đầu tôi như quay mòng mòng. Chui vào một góc nhà, sau khi ngậm một viên con nhộng Adalat, tôi thiếp đi trong tiếng ồn ào phát ra từ chiếc tivi, hình như đang có trực tiếp truyền hình trận đá banh World Cup năm 90.
Sau lần ăn tân gia, mỗi tuần tôi đều phóng Honda đến Long An để chuẩn bị cho tác phẩm thứ hai ra mắt. Lần nào cũng thế, sau khi ghé nhà xuất bản, Chu Hồng Hải đều lôi kéo tôi về nhà, anh rủ tôi ra ao bắt cá, vì cá trong ao rất nhiều nên chỉ cần thả câu chừng mười lăm phút đã câu được mấy ký cá rô phi bằng bàn tay. Hải trổ tài nấu nướng, anh làm cá thoăn thoắt, phi hành tỏi thơm lừng, chỉ một lúc đã có món rô phi chiên xù, canh chua cá. Chuẩn bị mồi xong, Hai ra đứng ngoài sân hú lên mấy tiếng, một lúc sau đã có mấy khách biên đình đến, hai nách kè kè hai lít đế Long An. Thật khổ cho tôi, uống vào thì khóc dở, không uống thì “ép bất khả từ”. Hình như trong những ngày này, Hải đã quên mình là tác giả truyện ngắn Hai người lính, tôi không nhìn thấy người lính nào qua Chu Hồng Hải nữa, anh đang thực hiện rất tốt vai trò người biên tập viên của nhà xuất bản, điều đáng mừng là trong anh vẫn còn một tâm hồn đôn hậu, chân thật để sống ở đời. Còn một điểm nữa, không biết tự lúc nào, Chu Hồng Hải tỏ ra say tốc độ, nhất là khi anh đã có một chút rượu trong người. Có lần lên Hội Văn nghệ gặp tôi, trước mắt tôi là Chu Hồng Hải tay chân trầy trụa, anh cho biết cách đây mấy hôm mới phóng xe… xuống ruộng trong cơn say “quên cả lối về”. Một lần khác, chân đi cà khiễng và phải nhờ một đồng nghiệp ở nhà xuất bản chở từ Long An lên. Hải vội kéo ghế ngồi quơ tay nâng ly bia lạnh toát chẳng cần biết của ai ực một hơi đã khát rồi mới thản nhiên giải thích là vừa bị tai nạn, xe gãy phải đem đại tu, cũng may, chân mới chỉ hơi cà nhắc. Chỉ mấy ngày lãnh hai tai nạn giao thông do rượu đó là thành tích chẳng nên lặp lại, nhưng đó chỉ là mới nghe kể lại. Bản thân tôi trong một lần ngồi sau Chu Hồng Hải về Long An, xe vừa nổ máy đã vọt lên như con ngựa chứng, nhất là khi đã ra khỏi thành phố, gió đồng ào ào bên tai, tôi rùng mình vì lúc này không phải Chu Hồng hải mà là bia đang lái chiếc Honda 69 với tốc độ không dưới 60 cây số. Như để làm tôi thêm hoảng, Hải còn cho biết thắng đã hư chưa có thời giờ sửa. Buổi tối, tôi ở lại Long An, Hải chở tôi đến thăm giám đốc nhà in Phan Văn Mảng, bàn nhậu được cấp tốc bày ra, món nhậu chẳng đáng nói nhưng rượu bia chỉ thoáng nhìn cũng đủ ngọa sa trường. Khi tiệc tàn, tất cả như đang cỡi sóng. Chủ tiễn khách chưa kịp khuất cuối hàng rào đã vội vào nhà lăn ra tấm ván gõ, trong khi khách mỗi người một chiếc Honda – trừ tôi đi quá giang xe Hải – trong bóng đêm, giữa cây cối rậm rạp, trên đường mòn rộng không đầy một thước, các con Ngọc Hoàng phóng xe ào ào. Ánh đèn loang loáng xé màn đêm, Chu Hồng Hải như lên cơn, anh hầu như quên có tôi ngồi ở đàng au, bặm môi, phóng xe lạng lách như làm xiếc. Tôi liều mạng ôm chặt lưng Hải thầm nhủ sẽ không bao giờ ngồi sau lưng Hải trên cùng một chiếc xe máy. Những con sâu rượu có một cái tật khỏi cản khi đã ngà ngà hoặc say, và chưa gục tại chỗ thì nhất định chưa chịu ngừng.
Sau khi từ giã giám đốc nhà in, Hải và các bạn “đồng ly” kéo nhau ra quốc lộ thi nhau phóng xe bạt mạng rồi rẽ vào một con đường mới làm; hai bên đường những quán bia đèn mờ nhấp nháy, mấy tiên nữ ra đón khách. Hai két bia được đem ra, tiếng khua bia hộp ì xèo, tiếng cười rú cùng với tiếng nhạc từ máy cassette tạo thành một thứ âm thanh cuồng loạn. Tuy phải tham dư bất đắc dĩ và hoàn toàn được chiêu đãi vì là khách ở phương xa nhưng tôi chẳng cảm thấy một chút hào hứng khoái cảm nào. Nhìn những “tửu quỷ” mắt long sòng sọc, chân tay quờ quạng các em, tôi ngữa cổ ợ một hơi dài, chẳng phải vì quá đạo đức mà là dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh. Tôi bước ra khỏi quán, ngồi xuống lề đường, đêm ngoài đồng ruộng không khí dù đang bị thành thị hóa vẫn còn đủ tinh khiết cho tôi mặc sức hít thở. Sau khi ngậm một viên thuốc, đảo mắt nhìn về hướng Sài Gòn đang rực ánh đèn, tôi ngạc nhiên tự hỏi với lối sống như thế này tại sao căn bệnh của tôi chưa buộc tôi đo ván.
Sau đêm cuồng loạn đó, mỗi khi có việc phải đến Long An lo cho mấy đứa con tinh thần ra mắt, dù được mời đón ân cần tôi vẫn quay về thành phố trong ngày. Hình ảnh mới về Chu Hồng Hải làm tôi quên con người tác giả của truyện ngắn Hai người lính, đã có những suy nghĩ thấm đượm tình người. Hai người lính chắc chẳng hề qua một lầm tắm bia bọt như chúng tôi đã nhiều lần lặp đi lặp lại.
Chuyện gì phải đến đã đến, căn bệnh đã tiễn tôi vào phòng cấp cứu cũng là lúc nhà xuất bản Long An có lệnh đình chỉ hoạt động. Sau 15 ngày nằm trong bệnh viên và sau ba tháng điều trị nghiêm túc theo lệnh bác sĩ, tôi lại có thể lần theo lối cũ. Nhưng, với cái án treo trong trái tim bệnh hoạn, tôi không cho phép mình buông thả nữa. Qua một số bạn bè, tôi được biết Chu Hồng Hải đã về đầu quân cho tờ tuần báo Long An. Anh lại viết bằng hơi thở như thuở còn mặc áo lính, thỉnh thoảng gặp tôi anh lại khoe những sáng tác mới, vẫn trung thành với lối viết đã buộc tôi chú ý đến anh. Thế nhưng, dù Chu Hồng Hải đang cố gắng tìm lại mình, vẫn có một Chu Hồng Hải thứ hai đang sống, làm việc, hưởng thụ những sản phẩm của thời kinh tế thị trường, chính con người thứ hai này đã đưa anh đến đoạn kết thúc bi thảm, cay nghiệt. Anh đã ra đi ở độ tuổi sung mãn của người đàn ông. Tôi không muốn nhắc đến những gì anh để lại, không nhiều lắm. Nhưng nếu không phải là anh, tôi đã không viết những dòng tiếc thương – cũng có thể hiểu là lời phiền trách này. Xin đừng cho tôi là kẻ đạo đức, dù thật hay giả. Tôi trách bởi vì tôi quá tiếc thương anh mà thôi. Bây giờ, mỗi khi nhớ đến anh, tôi lấy ra từ tủ sách những tác phẩm của tôi do nhà xuất bản Long An in, lật trang cuối, nơi ghi: Chịu trách nhiệm xuất bản… - Biên tập: Chu Hồng Hải. Anh đã thức bao nhiêu đêm, tốn biết bao nhiêu thuốc lá, cạn hết bao nhiêu ly cà phê để đọc, để biên tập những tác phẩm viết tay khó đọc của tôi? Mất một người bạn như thế đau lắm thay?