Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.212
123.205.712
 
Viết ngắn 07.:Nhà thơ & cái tầm
Inrasara

Thi sĩ là ai?

 

Thơ – theo cái nhìn Việt Nam luôn đi kèm với thơ thẩn, thơ mộng, thơ ngây, nên thơ,… Nghĩa là nó mơ hồ và đèm đẹp, nó dễ thương và vô tội, nó ít trí tuệ và cư trú sát sườn bản năng nên, làm thơ ở Việt nam là cái gì rất phụ, bất cứ ai cũng có thể làm được (ra ngõ gặp nhà thơ là vậy). Và, hầu hết các nhà nho qua trường thi đều học làm thơ, sau đó đều sáng tác thơ, vịnh thơ, thù tạc với thơ, ứng đối bằng thơ. Người ta có thể dùng thơ vào mọi việc: cưới vợ được có khi nhờ thơ hay, đối giỏi, nhanh nhẩu và nhặm lẹ. Vân vân… Nên ở Việt Nam, rất ít hay hầu như không có nhà thơ chuyên nghiệp.

 

Nguyễn Du kết Truyện Kiều: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nguyễn Huy Tự về già đã nhận sai lầm khi sáng tác Hoa Tiên truyện! (Nguyễn Hưng Quốc).

 

Trong khi ở phương Tây, chữ “văn chương” đều có nguồn gốc chung là “chữ”: littera. Nhà văn là kẻ đọc nhiều, quan trọng hơn: kẻ lao động trên con chữ, xem chữ là mục đích tối hậu. Từ đó, họ đòi hỏi rất cao ở người viết trong lao động trên con chữ. Thơ, bắt rễ từ chữ “poiesis” trong tiếng Hi Lạp, vốn hàm nghĩa nguyên động lực của sự sáng tạo. Nhà thơ gắn liền với tri thức và kĩ thuật tinh luyện chuyên biệt trong phạm vi ngôn từ.

 

Truyền thống Ấn Độ còn đòi hỏi thi sĩ tôi luyện ở một cấp cao hơn nữa. Kinh Bhagavad-Gita cho rằng: đấng tối cao đầu tiên là thi sĩ. Nhà thơ là hiện thân của tiên tri thấu thị, kẻ thông tuệ. Muốn thành nhà thơ, người làm thơ phải trải qua sáu bậc tôi luyện: 

– Svabhava: cảm tính thuộc bản năng.

– Carana: cảm tính hướng thượng.

– Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ.

– Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế.

– Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp.

– Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường (nói như ngôn ngữ hiện đại: được ân sủng đứng trên vai các người khổng lồ). Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa.

 

Thi sĩ hôm nay

 

Chăm, tiếp nhận văn hóa Ấn Độ, ít nhiều ảnh hưởng nền nếp ấy. Chăm xem tác giả Ariya Glơng Anak như một tiên tri, và lời lẽ trong đó như lời thần thánh truyền lại. Xưa, nhà thơ được xem như cái gì đang trọng bao nhiêu thì nay, bị coi là nhếch nhác bấy nhiêu! Nó gắn liền với sự thả nổi tình cảm và đòi hỏi thân xác thay vì chế ngự giác quan và bản năng, thi sĩ hôm nay đại diện xứng danh kẻ lười đọc thay vì miệt mài trui luyện trí tuệ, chực ăn sẵn (thơ second hand) các từ làm rồi thay vì nỗ lực sáng tạo từ mới, phó mặc cho những vụn vặt của trần gian thay vì tìm hướng thượng cõi siêu việt,…

 

Ta tự coi mình là trích tiên (Lí Bạch), ít ra “không phải là người” (Chế Lan Viên), kẻ “sinh nhầm thế kỉ” (Vũ Hoàng Chương), hay Xuân Diệu: “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…”. Nói chung: lập dị nên, không thể hòa đồng với người cùng thời! Vì thơ, ta là gánh nặng cho gia đình, sống bám vào sự tần tảo của bà vợ (Trần Tú Xương), hay hút sách tạo gánh nặng xã hội. Cũng cho thơ, hôm nay đa số nhà thơ ta làm báo, sống bám chữ nghĩa!

Một quan niệm và lối sống như thế có thể sinh ra một nhà thơ lớn không?

 

Nhà thơ và cái tầm:

 

Phân biệt sự lớn/bé, cao/thấp của nhà văn/thơ là ở cái tầm. Tầm vóc đặt nền tảng trên một số yếu tố nhất định.

 

Dung lượng tác phẩm: không thể có nhà văn vĩ đại chỉ với một đầu sách. Có, nhưng rất ít. W. Whitman chẳng hạn. Nhưng ông này dồn cả đời cho Leaves of Grass, mỗi sáng tác mới là mỗi thêm vào.

 

Khả năng sáng tạo ngôn ngữ dân tộc: các tác phẩm văn học như một bức tranh xã hội của thời đại. Ông phải thiết lập ngôn ngữ mới để đáp ứng nhu cầu phản ánh hoàn cảnh khách quan và biểu hiện tâm tình con người. Ngôn ngữ là tài sản chung của cộng đồng, nhà thơ đặt dấu ấn của mình vào đó. Ariya Glơng Anak chứa lượng lớn vốn từ trước đó chưa hề có trong văn bản cổ Chăm! Không khả năng sáng tạo ngôn ngữ riêng ông, ông chưa thực sự lớn.

Về thi pháp, ông có khả năng mở hướng đi mới, một trào lưu mới; trào lưu đó ảnh hưởng rộng lớn đến kẻ sáng tác cùng thế hệ, và nhất là các thế hệ tiếp sau.

 

Tư tưởng: một nhà văn không có tư tưởng mới, riêng (ở đây là tư tưởng nghệ thuật) thì chưa thể gọi là lớn. Ảnh hưởng của nó không chỉ trong phạm vi văn học nghệ thuật mà còn tác động lên các lĩnh vực khác, cả chính trị-xã hội nữa. Chúng ta hãy nghĩ đến Dostoievski hay Goethe cuối thế kỉ XIX.

 

Và cuối cùng, trong thời đại toàn cầu hóa, thông tin liên mạng đã biến thế giới thành làng-toàn cầu, thì một nhà văn phải có phần góp vào phát triển nền văn học chung. Khía cạnh này, tác giả của các ngôn ngữ “nhược tiểu” luôn ở thế lép. Sáng tác bằng tiếng Anh thì thuận lợi trong truyền bá hơn tiếng Việt rồi. Bên cạnh, yếu tố kinh tế-chính trị của đất nước nơi nhà văn sống cũng đóng vai trò không nhỏ trong khuyếch trương tác phẩm. Thử so sánh thân phận một nhà thơ Nhật với nhà thơ Tây Tạng, cũng đủ thấy. Đó là chưa nói nhà thơ dân tộc thiểu số! Ngay bản thân người viết bài này, học/viết tiếng Việt và Chăm song hành, nhưng tôi luôn khó nhọc trong chuyển dịch thơ mình từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, và ngược lại.

 

Nhà thơ là kẻ biết chấp nhận định mệnh ấy: canh giữ ngôn ngữ dân tộc. Yêu mệnh để giải mệnh!

 

Inrasara
Số lần đọc: 4259
Ngày đăng: 04.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết ngắn 06. Phê bình thơ - Inrasara
Viết ngắn 04. Sự bất toàn của tác phẩm - Inrasara
Viết ngắn 03. Tác giả thơ và bốn nhóm... máu - Inrasara
Viết ngắn 02. Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Viết ngắn 05. Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình - Inrasara
Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo - Inrasara
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. 1 - Inrasara
HẬU HIỆN ĐẠI & THƠ HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT : Một phác họa. -2 - Inrasara
VĂN CHƯƠNG TRẺ SÀI GÒN ở đâu ? - Inrasara
VĂN CHƯƠNG TP. HỒ CHÍ MINH THỜI HẬU ĐỔI MỚI, KHỞI ĐẦU CHO MỘT KHỞI ĐẦU - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)