Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.089
123.232.574
 
Chuyện Tam Nông ở đất Phù Chẩn
Vũ Ngọc Tiến

Trong xu thế phát triển của đất nước hiện nay, các chính sách về Tam nông (nông nghiệp- nông thôn- nông dân) đang được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm nghiên cứu. Biết tôi có ý định đi tìm hiểu, viết kịch bản phim tài liệu truyền hình về vấn đề Tam nông ở Phù Chẩn, anh bạn thân có trọng trách khá cao, học vấn và uy tín lớn khuyên nên cẩn thận. Tôi hỏi: Vì sao?... Anh nói: “Đất ấy dữ lắm! Nghe nói ở đấy sắp thu hồi hết đất canh tác, dân mất nguồn sống chưa thông, nhưng ruộng không được cày cấy, nguồn nước thủy lợi bị cắt. Họ thà đi làm thuê kiếm ngày dăm chục ngàn chứ quyết không nhận vài trăm triệu đền bù. Nhà nào phá lệ làng nhận tiền đền bù trước thì từ nay việc giỗ tết, ma chay, cưới hỏi cả làng sẽ không đến nữa. Luật bất thành văn của làng thiêng lắm!…” Tôi nghe mà lạnh cả người, càng quyết chí liều đi một chuyến…

 

Từ bức tranh toàn cảnh…

 

Để thấy rõ vấn đề, có lẽ cần điểm qua đôi nét trên bình diện cả nước và tỉnh Bắc Ninh. Kết quả điều tra mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong vòng 5 năm lại đây, diện tích canh tác đã mất đi 153.000 ha, trong đó 80% là đất tốt nhất. 88% hộ nông dân cả nước không có nước sạnh để dùng…Còn theo GS Tương Lai- người nhiều năm nghiên cứu xã hội học nông thôn cho biết, năm 2005, cả nước có 4.125.200 ha trồng lúa nước, giảm 302.500 ha so với năm 2000 và hầu hết là đất tốt 3- 4 vụ/năm. (vietimes.com.vn). Tỉnh Bắc Ninh vừa qua nổi lên như một điểm sáng thu hút đầu tư trong vùng phát triển kinh tế phía Bắc. Song chỉ cần nhìn qua mấy khu công nghiệp ở các huyện bán sơn bán địa như Tiên Sơn, Quế Võ đã thấy ngay hàng ngàn ha đất đạc điền trồng lúa nước, sát kề trục đường cao tốc đã bị thu hồi. Thực tế cho thấy ở nhiều nơi, chính quyền cơ sở đang coi trọng lợi ích nhà đầu tư hơn lợi ích người nông dân. Đổi mới ở nước ta bắt đầu từ nông nghiệp, song dường như nông dân lại là người được hưởng ít nhất về thành quả đổi mới (?!)

 

…Đến điểm nóng Phù Chẩn

 

Nằm ở ngay điểm giao cắt giữa quốc lộ 1B (đọan đường cao tốc Hà Nội – Bắc Ninh) với đường tỉnh lộ 119, cách trung tâm thủ đô chỉ 20 Km, nhưng xã Phù Chẩn vẫn nghèo và lạc hậu bởi kinh tế thuần nông, lại đang mất dần đất canh tác màu mỡ nhất. Vấn đề Tam nông ở đây dường như đang lâm vào ngõ cụt! Chủ trương đúng đắn về công nghiệp hóa, đô thị hóa của Trung ương và tỉnh đã bị cấp chính quyền cơ sở thôn, xã lợi dụng để trục lợi cá nhân, o ép nông dân thu hồi đất thật nhanh cho các nhà đầu tư mà không hề có động thái gì cụ thể để hỗ trợ nông dân giãn dân, tái định cư, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Cụ Nguyên, một lão nông ở thôn Rích Gạo kể rằng, Phù Chẩn là đất huyền thoại trong 6 đất Lục Phù (Phù chẩn, Phù Khê, Phù Đổng, Phù Lưu, Phù Dực, Phù Ninh) của xứ Kinh Bắc. Trong Phù chẩn lại có Tứ Phù (Phù Chẩn, Phù Loan, Phù Lộc, Phù Tảo). Mỗi tên làng, tên xóm ở Phù Chẩn đều có sự tích gắn với truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương: thôn Doi Sóc rèn doi sắt, ngựa sắt cho ngài; thôn Rích Gạo xay thóc nuôi quân cho ngài; xóm Thành Tre xưa ngựa của ngài thét ra lửa nên rất nhiều tre đằng ngà; vó ngựa của ngài đi qua làm nên nhiều ao đầm ở thôn Doi Sóc… Ông Nguyễn Văn Mười, một đảng viên 40 năm tuổi đảng chép miệng than thở: “Tre đằng ngà chỉ còn 1 bụi xơ xác, ao đầm bị lấp gần hết, chạm vào tín ngưỡng thiêng liêng của dân và âm ỉ nhiều dấu hỏi tiêu cực trong quá trình đấu thầu bán đất giãn dân, tôi đấu tranh 10 năm nay không có kết quả, còn bị trù dập”.  Ông Mười còn cho biết, Phù Chẩn được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng (1997) vì đây là vùng du kích chống Pháp nổi tiếng với những nữ du kích anh hùng như cụ bà Nguyễn Thị Mai ở thôn Doi Sóc đã ngoài 80 tuổi vẫn hết lòng dạy con cháu tin tưởng vào Đảng và Bác Hồ. Thôn Doi Sóc có hơn 2000 dân mà trong cuộc chống Mỹ đã hiến dâng 146 liệt sĩ, đặc biệt lứa nhập ngũ năm 1965 chết hết, không một ai trở về. Với truyền thống ấy, người Phù Chẩn sẵn sàng hy sinh 5 ha làm đường cao tốc và 20 ha ruộng tốt nhất cho dự án đô thị Nam Từ Sơn rất nhanh gọn trong vài tuần, không một lời ta thán, một hành động nhỏ nào cản trở. Nhưng kể từ 6/11/2007, khi d án khu công nghiệp- đô thị và dịch vụ (dự án VSIP) được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt theo quyết định 1501/QĐ-UBND thì mọi việc diễn ra ở Phù Chẩn rối như canh hẹ. Theo dự án VSIP, tổng quỹ đất bị thu hồi là 700 ha thì riêng xã Phù Chẩn sẽ thu hồi gần 400 ha, có nghĩa là 8000 nông dân ở đây hầu như mất trắng diện tích canh tác. Một việc lớn và hệ trọng, liên quan đến chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ như vậy mà không hiểu vì sao Huyện Từ Sơn và xã Phù Chẩn nóng vội lập ra kế hoạch thu hồi đất với tốc độ phi mã: 30/11/07 thu hồi xong 38,5 ha, 31/12/07 thu hồi nốt 350 ha còn lại! Để đảm bảo tiến độ phi mã trên, ngay từ tháng 10/2007 huyện đã ra thông báo ngừng sản xuất trên toàn bộ diện tích canh tác của xã. Ông Nguyễn Văn Tâm, nguyên trưởng thôn Doi Sóc (2000-  2002) bức xúc nói: “Một xã thuần nông, không có nghề phụ, chỉ trông vào mấy vụ lúa, ngày nông nhàn thì chỉ biết sang các xã Ninh Hiệp, Phù Lưu, Đồng Kỵ… làm thuê, giúp việc vặt trong nhà, giờ thu hồi hết đất canh tác thử hỏi 8000 con người sống bằng gì? Ép dân ngừng sản xuất từ tháng 10 năm ngoái, đến tháng 3 âm lịch này là tháng giáp hạt, thóc gạo đâu mà ăn giữa cơn bão giá, hở giời?” Dân Phù Chẩn chưa thông, chưa chịu nhận đền bù bởi họ và con cái họ chưa hề được chuẩn bị về kiến thức, tay nghề, tiền vốn khi phải từ bỏ nghề nông vì mất hết ruộng. Giá đền bù đất cũng chưa thỏa đáng trong hoàn cảnh riêng của xã thuần nông ven thủ đô Hà Nội bị mất hết đất canh tác. Một hộ như gia đình ông Nguyễn Đức Tám ở thôn Doi Sóc có 7 nhân khẩu, chỉ trông vào 8 sào ruộng lăn lưng cấy 3 vụ làm nguồn sống chính, giờ được đền bù 28.400.000 đồng/1 sào. Với hơn 200 triệu, không có nghề phụ, không biết kinh doanh, miệng ăn núi lở, liệu gia đình ông Tám tồn tại được bao lâu?...

 

Nguyện vọng của nông dân Phù Chẩn đơn giản chỉ là nâng giá đền bù, dành lại quỹ đất 5% xưa, gom chung vào một diện tích có quy hoạch tổng thể rõ ràng, chia lô công khai trên bản đồ quy hoạch cho từng hộ để dân có chỗ kinh doanh dịch vụ kiếm sống và có chỗ ở cho con cháu họ sau này. Lẽ ra  chính quyền cơ sở huyện, xã phải thương lượng với dân, động viên giúp đỡ họ tháo gỡ khó khăn sau khi mất ruộng. Đáng tiếc, những biện pháp cứng rắn, thiếu tình, nóng vội áp dụng ở Phù Chẩn đã khiến lòng dân càng thêm nghi ngờ động cơ sau cái kế hoạch giải phóng mặt bằng với tiến độ phi mã của một số cán bộ. Ngày 22/3/2008, người dân thôn Phù Lộc phẫn nộ vì phát hiện ra bằng chứng chia chác tiền đền bù đất công biến thành đất tư cỡ hàng chục tỷ đồng của cán bộ thôn, khiến các vị hoảng sợ bỏ nhiệm sở trốn khỏi địa phương. Dứt dây động rừng, bà kế toán thôn Doi Sóc thấy thế vội đem hòm tài liệu của mình gửi đi cất giấu ở nhà hàng xóm, cũng bị dân phát hiện và thu giữ. Ông Trần Viết Sọan ở thôn Phù Lộc lắc đầu, chua chát nói: “Những bằng chứng tham nhũng do dân vừa phát hiện chỉ là mảnh vụn vỡ ra từ chiếc bánh tham nhũng lớn, đang nằm trong 4 tủ hồ sơ mà sau khi các vị bỏ trốn chúng tôi đã lập biên bản niêm phong, cất giữ ở trong hậu cung đình làng. Dân chúng tôi chỉ cầu mong cơ quan bảo vệ pháp luật của Trung ương hoặc tỉnh Bắc Ninh mau tiếp quản 4 tủ hồ sơ này về xử lý, ắt cháy nhà ra mặt chuột mà vẫn chưa được giải quyết.” …

 

Lời kết

 

Rời nhà ông Soạn, tôi thơ thẩn đi thăm đồng, đau xót nhìn mấy trăm ha bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang đã 5 tháng một cách phi lý. Lòng mương thủy lợi khô cạn như gương mặt khắc khổ, cạn khô niềm tin vào chính quyền cơ sở của 8000 nông dân nghìn đời nay chỉ biết sống nhờ cây lúa. Rồi đây mất ruộng, mỗi hộ cầm vài trăm triệu biết làm nghề gì để sống giữa thời gạo châu củi quế? Bài học sau thu hồi đất ở Củ Chi (Tp Hồ Chí Minh), Mỹ Đình (Hà Nội) vẫn còn đang nóng hổi trên công luận. Bao giờ chính sách Tam nông của Đảng và Chính phủ mới đi vào cuộc sống ở Phù Chẩn, bao giờ?...

 

Hà Nội 5/4/2008

Nguồn: Báo Văn Nghệ Trẻ số14 (4/2008) Tác giả có sửa chữa do lỗi đánh máy

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 4475
Ngày đăng: 05.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chồng trước chồng sau - Võ Ðắc Danh
Nhân kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ La Hữu Vang 28.12-06.3.2008 : Tản mạn đôi điều về anh. - Mang Viên Long
Anh Võ Đình Cường -Thử Hòa Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng. - Trần Kiêm Ðoàn
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -1 - Lê Xuân Quang
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -2 - Lê Xuân Quang
Một lần với Kỳ Anh - Hồ Tĩnh Tâm
Canh bạc ở Đức Hòa - Võ Ðắc Danh
Cha tôi - Nhà thơ Trần Dần - Trần Trọng Vũ
Hiệp Hội Tương Tế Bắc Việt Nghĩa Trang-1 - Trần Vũ
Hiệp Hội Tương Tế Bắc Việt Nghĩa Trang-2 - Trần Vũ
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)