Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.197
123.208.807
 
Suy nghĩ về tập thơ Mắt Giấy của Nguyệt Phạm
Nguyễn Đức Hiệp

Trong các năm gần đây, văn học Việt Nam nhất là văn học thơ, đã có những biến chuyển đáng kể, về ý tưởng và cấu trúc. Dòng chảy của thơ đã tẻ ra hướng khác và nhiều hướng nhỏ, tưới lên những mảnh đất mới và từ đó nẩy những mầm mới với một sự đa dạng và phong phú.  Dòng tẻ lớn chính đó là thơ thuộc khynh hướng gọi chung là ‘Hậu hiện đại’. Trong đó mỗi thi nhân có những phong cách diễn tả ý niệm thơ riêng biệt rất đặc trưng không những về cấu trúc mà còn về ý niệm, tư tưởng và từ ngữ trong thơ. Trong những thi sĩ hậu hiện đại có tiếng hiện nay như Thường Quán, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Mạnh Tiên, Phạm Miên Tưởng...

 

Thơ “hậu hiện đại” Việt Nam xuất hiện lúc đầu ở ngoài nước trên các tạp chí như Hợp Lưu, Việt, sau đó xuất hiện ở Việt Nam trong cuối thập niên 1990 và hiện nay lan tràn khắp nơi luôn cả trên mạng talawas, damau, tienve. Thật ra rất khó định nghĩa thơ hậu hiện đại là gì, vì sự đa dạng, tương đối về ý niệm, cảm nhận của thơ nhưng ít nhất chúng có chung những từ ngôn ngữ trừu tượng gợi nhiều khái niệm. Một trong những ý niệm trong thơ hậu hiện đại mà nhà thơ Thường Quán mang vào là thơ không còn phải là biểu hiện ý nghĩa, tình cảm, nhận quan của tác giả mà chỉ là chất liệu, con thuyền hay chất xúc tác để chuyển tải các ý nghĩa, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của người đọc dưới các góc độ khác nhau. Vì thế tác giả chỉ là người trung gian để người đọc đi đến sự nhận thức, cảm nhận đặc thù xuất phát từ tâm tư, kinh nghiệm riêng của chính mổi độc giả.  Vai trò của tác giả là thứ yếu và vai trò của độc giả là chính yếu qua các chủ thể khác nhau. Đây cũng chính là ngọn nguồn và biểu hiệu của chủ nghĩa tương đối về thẩm mỹ, thẩm định giá trị trong văn chương.

 

Trong năm 2005, xuất hiện ở Saigon, một nhóm nhà thơ nữ thuộc thế hệ 8X trong nhóm Ngựa Trời với tập thơ Dự báo phi thời tiết (Nxb.Hội Nhà Văn 2005) gây dư luận về một tiếng nói khác của những nhà thơ Nữ trẻ ở Sàigòn trên bề mặt văn học và cuộc sống hiện nay.

 

Một trong năm cây bút nữ trong nhóm Ngựa Trời (2005) là Nguyệt Phạm mà gần đây tôi có được đọc các thơ, bài viết của Nguyệt Phạm trên các báo, tạp chí, báo điện tử VnExpress, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Quân Đội Nhân Dân, Áo Trắng, Người Hà Nội, Văn Nghệ Trẻ, Da Màu, Tiền Vệ…và nhiều tuyển tập khác. Nguyệt Phạm cũng nhận được giải thơ Bút Mới của báo Tuổi Trẻ trong năm 2005.  Một số thơ cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh và tiếng Hàn trong tuyển tập Thi Bình, website www.damau.org  www.vietnamkorea.org...

 

Đầu năm 2008, tôi được một người bạn từ Việt Nam, gởi tặng tập thơ  “Mắt giấy” của Nguyệt Phạm. Đây là  lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi đã đọc hết một tập thơ.  Nguyệt Phạm, tên thật Phạm Thị Ngọc Nguyệt. Sinh 30.8. 1982 tại Xuân Lộc Đồng Nai. Tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP.HCM. Nguyệt Phạm tham gia đắc lực vào các hoạt động văn học do Hội Đồng Anh (British Council) tổ chức thường kỳ ở Saigon. Tham gia nhiều chương trình Thơ Truyền Hình TP.HCM. Có mặt trong nhiều Tuyển tập thơ văn trẻ TP.HCM do Hội Nhà Văn TP.HCM tổ chức. Là đại biểu của Hội thảo Văn Trẻ TP.HCM (10.2007) và Hội nghị Văn học Nghệ Thuật TP.HCM thời kỳ phát triển và hội nhập do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức (10.2007) có tham luận in trong kỷ yếu, đề tài “Thể nghiệm thơ Nữ, một góc nhìn”

 

 

 

Tập thơ mới nhất, Mắt Giấy  - Thơ (NXB Thanh Niên) của Nguyệt Phạm vừa xuất bản đầu năm 2008. Tập thơ được tài trợ bởi quỹ Anh Thơ do nhà thơ Phan Thị Vàng Anh giới thiệu. Theo tác giả thì  “Làm tập thơ đầu tay để giới thiệu dung mạo mình sau một hành trình thơ hơn 4 năm. Tách khỏi nhóm Ngựa Trời mà dư luận vẫn cho rằng một “tập hợp chung chưa đủ sức là một tác giả hay tạo một phong cách riêng”. Đó là sự giằng xé, cô đơn của người phụ nữ trước một nhịp sống nổi loạn thẳng căng đầy thách thức mỗi lúc một cao trào của nhịp sống đô thị hiện đại. Làm sao giữ được chính mình trước  “Mắt Giấy” là đặc trưng của phong cách đó. Những cái nhìn vô cảm, “nhìn nhau như nhìn tờ giấy” hay đời sống có những ngày “buồn như giấy loại” (loại ở đây là loại bỏ, như tờ giấy đã viết đầy hai mặt, tẩy xóa nhăng nhít bây giờ không còn dùng được vào việc gì)”.

 

Trên tinh thần tương đối về cảm nhận và nhận thức mà dòng thơ mới hiện nay biểu hiện, tôi có những suy nghĩ của riêng cá thể “cái tôi” về tập thơ này của Nguyệt Pham qua các bài thơ mà tôi cho là tiêu biểu trong “Mắt Giấy”.

 

Tập thơ gồm 4 phần. Có thể nói bốn phần gồm Quán Lạ (1), Chân Dung (2), Chờ Con (3) và Phức Cảm Que Que (4) là bốn nhịp, bốn phân đoạn diễn ra trong hành trình thơ của tác giả thời gian gần đây.

 

Bài thơ tiêu biểu của phần 1 (Quán Lạ) cũng là bài mà tập thơ mang tựa đề

 

Mắt giấy

 

Nhiều khi anh nhìn em bằng đôi mắt giấy

Trống rỗng vô hồn

 

Nhiều khi anh viết gì trên giấy

Trống rỗng vô hồn

 

Nhiều ngày em qua phố

Ai nhìn em

Ai nhìn nhau bằng những đôi mắt giấy

Nung thanh sắt đỏ sau gáy

Dán cuộc đời thiển cận

 

Nhiều khi em đọc được điều gì đó

Xuyên qua giấy

Nhìn khi em chẳng thấy được điều gì

Trên giấy

 

Mắt giấy, mắt giấy đang nhìn ai trên những cao ốc đô thị

 

“Các bạn gái chú ý!

Hãy sử dụng Whisper!

Whisper có cánh vào những ngày cuối tháng!

Hai lớp siêu thấm!

An toàn.”

 

À há!

 

Chiều nay em vào shop thời trang

Tìm mua những chiếc xì giấy

Cho chuyến du lịch sớm mai

 

Tạm bỏ những ngày buồn như giấy loại

 

Đối với tôi, thì người phụ nữ trong thơ thật là cô đơn, không nối cuộc sống tâm hồn của mình được với xã hội chung quanh, ngay cả với người thân cận nhất. Không lạc lối và bơ vơ như tình cảnh và tâm trạng của Kafka trong thế giới với vận hành vô cảm và đè nén nhưng cũng là một nhân thể bị bỏ rơi.

 

Trong phần 2, sự bơ vơ và tha hóa của tác giả lại tăng lên cao độ qua chân dung chính mình như trong các bài "Bất lực", "Chân dung", "Là Thế”.

Bất lực

 

Những bức bách bắt đầu trong tôi

Nhấn chìm niềm tin trong sợ hãi

Chỉ dám băng qua mình bằng tuyên ngôn

thở than

và bất động

Rơi vào khoảng rỗng

Tự dối lừa mình

Mất cảm xúc

Tự trách

Dừng lại ở những hố xâu trách móc

Tôi đang chết.

Ý thức rõ ràng nhưng chẳng làm gì

Cát lở dưới chân

Từng hạt một lấp đầy cơ thể

Giữ chặt chân tay

 

Suy nghĩ bất động

Tự vùi mình vào khoảng tối

Trừ đôi mắt biết rằng đang nhìn

Đang sợ hãi

Không thấy gì

Bất lực toàn phần.

 

Hay trong bài “Là Thế“, một hố sâu chia cách với thế giới chung quanh, không thể đối thoại được.

 

Là thế

Tôi ra phố

Biết viết gì cho mùa xuân!

Tôi ra phố

Biết nói gì với tình yêu!

Tôi ra phố

Biết hát gì với tình nhân!

Mùa xanh biếc những dòng thư chờ đợi

Hơi thở cồn cào

Gấp gáp những dòng xe

 

Che vầng sáng tìm về bóng tối

Chẳng biết nói gì...

Chẳng biết nghĩ gì..

Những đứa trẻ hoàn toàn hạnh phúc

Chỉ biết mở miệng

Nhìn nhau cười và nhướn mày

Và... thế thôi!

 

Nhưng sau khi đã vượt qua tâm trạng xa lạ với tất cả xã hội chung quanh, người phụ nữ trong Nguyệt Phạm đã tìm lại mình. Ở phần 3 tập thơ là phần riêng của tác giả sau khi đã trở thành người mẹ. Thơ ở đây thể hiện rõ nhất về tình cảm của tác giả với con trẻ đầu tiên trong những khoảnh khắc hạnh phúc giản dị nhất. Tác giả không còn lạc lối trong xã hội chung quanh nữa. Ở đây không cần phải giải mã, phá cấu trúc luận (deconstruct) để tìm thông điệp hay tạo thông điệp trong thơ. Trở lại với con người với nhân bản và niềm vui trong trắng với trẻ thơ.

 

Bài đầu “Bò cái hồn nhiên” trong nhịp 4, là một khám phá về cái tôi, một cá thể riêng biệt, tự nhận ra cá nhân mình trong cái nhìn và tự mãn trong sự khác biệt với những gì biểu hiện chung quanh. Tuy không phải là típ phản loạn hay phản kháng trong thế giới đồng nhất chung quanh của các con cừu nhưng lại là một tự hào qua sự hiện diện và thể hiện tư tưởng của một con bò cái hồn nhiên đi lạc vào gây sự chú ý và phá sự im lặng, sinh hoạt bình thường cộng đồng.

 

Bò cái hồn nhiên

 

Một đêm lạ lùng

Thiêu thân bay loạn xạ trong thành phố

Tấn công những ngọn đèn đường khiêm tốn

 

Con bò cái cất tiếng rống thô thiển từ cõi nào

Tự hào về cái đầu quá khổ

Tôi . Sợ hãi ? !

 

Tiếng lục lạc đấm bóp giác hơi đáp lời xéo xắt

Loanh quanh ngã tư

Tôi lắng nghe sự im lặng trong phòng kín

Chúng tôi đang tập trung cho một chương trình có kịch bản

Thật hoàn hảo!

Con bò cũng hiện diện

Giương mắt điên tiết góp ý:

Hảy nói cho mình trong ngày Đức Mẹ khóc

và thất vọng

 

Những con cừu ngây thơ

Hoang đàng theo đuổi từng dấu chân suy nghĩ

Hiểu rõ giá trị của im lặng

 

Con bò cái hồn nhiên

Kiên nhẫn gom nhặt những mảnh xơ mít thơm vàng

Rao giảng vô vọng

 

Hôm đó Đức Mẹ vẫn đang khóc

và Người bị tiếng rống làm phiền...

 

 

Tuy vậy thơ, theo tác giả, không chỉ là nỗi niềm gì quá cao siêu, cao cả mà chính là đời thường với tất cả mặt tốt, mặt xấu, cái đẹp, cái chưa đẹp của nó…Nghệ thuật thơ chính là phát hiện và tái hiện những vẻ đẹp còn lẩn khuất trong đời thường. Câu thơ “Em giữ ngày thường như một bí mật” như một thông điệp, quan điểm thơ của tác giả hướng về cuộc sống, là đời sống. Mỗi một ngày thường là một bí mật. Vui buồn khổ đau, hạnh phúc…

 

Tác giả có ý thức trong việc sáng tạo, tìm tòi lối viết mới, mang lại những hình ảnh, cảm giác và góc nhìn mới cho ngưòi đọc. Và trong thực tế, Nguyệt Phạm đã dùng nhiều phưong thức để đưa những tác phẩm của cô đến đông đảo những ngưòi yêu thơ một cách ấn tưọng và hiệu quả nhất, cụ thể là trình diễn thơ. Trình diễn thơ là một hình thức truyền thông điệp thơ đến bạn đọc trực tiếp và nhiều cảm xúc nhất, giúp cho ngưòi nghệ sĩ có sự tự do trong cách thể hiện. Đây cũng là một hình thức khá mới mẻ tại Việt Nam. Điển hình là Hội đồng Anh (British Council) là một trong những tổ chức khích lệ và tạo điều kiện để ngưòi nghệ sĩ đựoc tiếp xúc với độc giả qua các kỳ Cà phê Văn học Trình diễn Thơ. Trình diễn sẽ giúp những cảm xúc của nhà thơ, của bài thơ đựoc truyền đến ngưòi nghe và ngưòi xem một cách mạnh mẽ nhất.

 

Theo tôi thì hành trình tâm linh qua thơ của Nguyệt Phạm là một hành trình tiêu biểu của tuổi trẻ ngày nay đang trên đường tự khám phá mình là ai trong một xã hội càng ngày càng đa dạng và có lẽ chính xã hội này đang mất đi định hướng, không những ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới hiện tại. Hy vọng rằng đa số sẽ tìm lại được thiên đường đã mất.

 

(Sydney 4/4/2008)

 

Nguyễn Đức Hiệp
Số lần đọc: 4526
Ngày đăng: 08.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sách vi phạm tác quyền dự thi Tiểu thuyết VN lần 3 - Thanh Huyền
Xin chào thơ, giữa con đường… - Nguyễn Thị Thanh Xuân
Bốn yếu tố từ một giòng thơ đương đại - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ và tiến bộ khoa học kỷ thuật - Lý Lan
Thư ngỏ gửi Hội nhà văn Việt Nam - Vũ Ngọc Tiến
Giải thơ “Lá trầu ” và sáu nhà thơ nữ - Huỳnh Như Phương
Đọc sách :TỰ DO THỜI GIAN của tập thơ LÊ KHẢ ANH - Trần Hữu Dũng
Thơ như tôi đã hiểu - Phạm Quốc Ca
Đọc “ĐÊM TRẦM TÍCH”, Tập thơ của Trúc Linh Lan - Võ Quê
Roman Jakobson và thi pháp - Đặng Tiến
Cùng một tác giả
Wang-Tai là ai? (lịch sử)