Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.528
 
Kẻ ruồng bỏ quê hương
Lê Hoài Lương

Gã đi không ai hay, về không ai biết, gã, lạc loài vô nghĩa ngay chính trên quê hương nổi tiếng của mình. Thì cũng đáng đời. Ông trưởng thôn nhờ người chữ nghĩa viết bản hương ước làng. Đúng ra là hương ước thôn, khái niệm làng là một kiểu ăn leo nói theo về mặt giấy tờ. Tuy khác cách gọi nhưng ai nghe cũng hiểu.

 

Bây giờ là mùa đông. Quê gã nổi tiếng vì truyền thống văn võ song toàn. Trên đất nước một đứa bé mới hoài thai đã nghe tiếng ngựa hí gươm khua, nghe tiếng thơ ngân nga thì vấn đề văn hoá mang tính bản sắc rất đậm đặc, rất căn bản đáng tự hào. Vậy mà gã không tự hào, gã lạc loài cũng đáng đời. Gã đi, gió và mưa, trên con đường lầy lội. Đang là mùa đông. Gã đi, lầm lụi, dửng dưng và thách thức. Ông trưởng thôn nhắc đi nhắc lại ông nhà thơ cấp làng xã, người được chọn mặt gởi vàng, phải khéo léo đưa vào hương ước hai chữ đất vua. Chữ này do một nhà thơ cấp tỉnh buột miệng nói lúc say trong lần về thăm địa phương nhân địa phương được chọn làm điển hình cấp quốc gia về cuộc sống mới xã hội mới. Đất vua. Quá hay. Nơi từng là kinh đô của mấy vương triều, chuỗi trầm tích các vỉa tầng văn hoá cả ngàn năm. Rất nhiều người căn cứ vào tài liệu cổ nào đó bảo thế đất thiêng đế nghiệp, gã bĩu môi, khinh bỉ.

 

Cái tội nặng nhất của gã là lần nhà thơ cấp quốc gia ở quê nhà qua đời gã không về viếng tang. Ông nhà thơ nổi tiếng này nhiều người mến mộ đến mức đoàn xe tang dài cả cây số khách phương xa cũng gửi vòng hoa viếng, người phương xa về tỉnh này làm ăn cũng nhảy xe đò tới xếp hàng. Cả gái điếm. Một nhà thơ nhỏ đưa cô bồ nhí có quá khứ bán trôn nuôi miệng nhưng mê thơ nhập đoàn người nghiêm trang thành kính, anh nhà thơ nhỏ này phải trả giá. Bạn thơ cho cô điếm đi đưa tang là xúc phạm, không rõ xúc phạm họ hay xúc phạm nhà thơ lớn, và tẩy chay anh này tới ba năm, nhậu đâu cũng không mời. Huống chi. Vùng đất mê tín. Gã miệt thị. Ông trưởng thôn có nhiều việc phải làm. Ông cũng là người mê tín. Đang là mùa đông mưa tối trời ông đi ra bến sông, có việc rất khẩn rất quan trọng.

 

Gã đi đi về về là vì nơi quê nhà còn mẹ, đứa em gái út. Và vợ chồng con cái thằng em trai. Trong ngôi nhà đáng lý gã trai lớn phải trụ giữ. Vùng đất mê tín. Gã rời bỏ nó không chút nuối tiếc. Ông trưởng thôn từng cầm súng đánh giặc. Từng đi qua những mùa đông khắc nghiệt nhất. Ông tự hào là người con ưu tú của quê hương. Gã đang lầm lụi đi, mưa quất tơi bời, nhà mẹ gã bên kia sông. Cây cầu nửa sắt nửa gỗ làm dối đã bị đợt lũ đầu mùa cuốn trôi. Ngày khánh thành cây cầu này gã cũng không về. Ông trưởng thôn hãnh diện nói mấy câu “coi như…” trên ti vi, mẹ gã rất chê bảo cọp nhai đậu phộng.

 

Bây giờ là mùa đông. Đồng trắng lăng nước. Cánh đồng này ngày xưa mưa dông gã thường xách đèn đi bắt ếch, tiếng gọi tìm duyên là bản án tử hình của chúng. Con gái hai tuổi của gã thiếu đạm vợ gã vú teo nhách. Xâu ếch quí giá. Vợ chồng gã quyết định không sinh con nữa. Đứa con gái giờ đã học mười hai. Bến sông đông người chờ đò. Gã không quen ai. Ở quê mà không quen ai. Ông trưởng thôn nói rồi, dứt lụt là làm lại cầu. Lần này mời một đại diện nhân dân giám sát. Thì cho có lệ chớ ai biết ngõ nào. Trời mưa chi mưa ác. Ngay ở bến sông này gã từng thấm thía nỗi nhục vì miếng ăn. Cha gã, tiết đông chí dầm mình rét cóng làm cầu sạp mà còn bị ông đội trưởng đội sản xuất thét lác ầm ĩ vì để trôi mất một cây trụ cầu. Cha cười nịnh khúm núm vì sợ tối bình công xếp hạng lao động. Ngày công hơn ký lúa mà sơ sểnh lấy gì qua bữa, lại con đông chỉ biết ăn học. Cái hèn của cha khiến gã càng quyết tâm vươn lên, cuộc đời này không đè đầu cưỡi cổ người thì sẽ bị người đè đầu cưỡi cổ. Gã biết đời sống dân chúng nơi cái điển hình tiên tiến nhất nước quê gã thê thảm mức nào trong khi từ ông đội sản xuất trở lên giàu có ra sao; lần đầu tiên trong đời, chứng kiến cái hèn của cha, gã hiểu rằng kiếm miếng ăn là hành vi vĩ đại của con người còn chia miếng ăn cho đều là việc thiện lớn nhất. Không thể không giàu. Không thể không thành đạt.

 

Bây giờ là mùa đông. Mùa đông thì ít khách tham quan, hồi đó. Tất nhiên ông trưởng thôn hồi đó còn trong quân đội. Không phải mùa đông thì nườm nượp khách xa. Dập dìu trên đường quê thẳng tắp. Trên đồng lúa cấy giăng dây. Trong thư viện đầy ắp sách viết về tinh thần làm chủ tập thể, những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến của một xã hội mới, con người làm chủ, tất tần tật đều làm chủ. Và cuối cùng sau mọi lời khen sau những ghi chép là mời cơm, đơn giản nhất cũng là eng éc tiếng heo bị thọc huyết. Giữa chuyến đi dập dìu là ghé cửa hàng uống nước, nước ngọt thôi. Khách ra, bầy trẻ chờ sẵn lao vào chắt mót ly đá còn chút màu nâu nâu, vàng vàng. Cô mậu dịch viên cũng cạnh tranh với bọn trẻ, thủ phần về cho con. Gã tởm lợm quê hương tiên tiến của mình. Ông trưởng thôn không bao giờ đồng quan điểm với gã. Dù không chứng kiến những điều gã chứng kiến hay có chứng kiến cũng vậy. Ông là người của quê hương. Khổ nghèo một chút cũng có sao. Miễn quê mình thường xuyên được báo đài từ trung ương đến địa phương liên tục đưa tin, ngợi ca là sướng rồi. Nườm nượp khách xa về tham quan học tập, dù có thắt lưng buộc bụng một chút- nhịn miệng đãi khách cũng là truyền thống tốt đẹp- là sướng rồi. Mà sướng thật. Chớ không phải nói theo đâu. Chỉ có gã là kẻ lạc loài là kẻ không có quê hương.

 

Nhưng quê hương là gì? Núi sông đồng bãi. Hay gần gũi hơn, luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình. Hay xa xôi hơn, những thứ người ta gộp lại thành truyền thống. Hay cụ thể hơn những con người chung quanh. Hay thiết thân mái nhà mình, cha mẹ, anh chị em mình. Hay mơ hồ bãng lãng tuổi thơ. Gã thấy ai cũng có núi sông. Ai cũng có cha mẹ anh chị em. Ai cũng có truyền thống. Tuổi thơ cũng vậy. Thì quê hương đáng nói nhất, với gã, là những người chung quanh. Mà con người, càng sống gã càng thấy tởm. Người chung quanh, đám đông chung quanh hoặc sẽ giết chết anh nếu anh đụng chạm tới quyền lợi thiết thân của họ hoặc sẽ xu phụ anh nếu anh ban cho họ quyền lợi. Gã đã nghèo mà còn vênh mặt. Quê hương tất sẽ quay lưng. Nhưng trước hết, chính gã ruồng bỏ quê hương, gã phải bỏ nó trước, cái quê hương đồng bóng và mê tín của gã.

 

Bây giờ là mùa đông. Con đò vừa cập bến. Gã chen lên trước. Mặc bao tiếng léc chéc phản ứng. Gã chen lên trước không hẳn vì mưa. Không hẳn vì nóng lòng về nhà. Mà chỉ để thoã mãn cảm giác chơi xỏ đám đông một chút, cái đám đông vĩ đại vì xuẩn ngốc vĩnh viễn. Ông trưởng thôn đang rất khó xử khi đối tác gợi ý phải có một kết thúc vui vẻ cho văn bản mới ký. Quê hương trên hết. Ba cái thứ hợp đồng bây giờ. Ông lén vào buồng lục mớ tiền mới bán lứa heo con. Thôi thì, chuyện đâu còn có đó…

 

Anh về đây thăm bà con hay đi công tác? Tôi về nhà. Nhà…hí hí…, vậy sao. Hàn Quốc. Em cũng người xóm nam, chớ anh con ai? Bà Thừa. Hí hí…,vậy sao. Hàn Quốc. Gã nhổ nước bọt. Những con vẹt nhược tiểu. Úi, mấy cái đứa mập mình kia, úp sõng bây giờ. Thằng bạn trong xóm hồi nhỏ học đều nhịp hai năm một lớp, lạch ạch qua cấp một rồi nghỉ lao động lò gạch trầy trật sống, ba năm qua thành thánh. Một quen biết tình cờ đã cho nó cái hợp đồng cung cấp rượu cho công ty cà phê nổi tiếng, làng rượu quê gã kìn kìn lên xe tải. Ai cũng tranh thủ lấy lòng nó, giỗ chạp hiếu hỷ cấm quên. Nó đi trên đường quê hương đĩnh đạt di động bận rộn. Ông trưởng thôn luôn miệng đề cao nhân vật thành đạt. Nó có ích cho mọi người. Nó là quê hương. Cái quê hương đồng bóng và mê tín không phải của gã, đi chẳng ai hay về chẳng ai biết.

 

Bây giờ là mùa đông. Con sông bằng gang tay hồi nhỏ gã bơi lội giờ cuồn cuộn nước. Ngay cả con sông quê cũng có ý định răn dạy gã nhận thức. Nó về hùa với ông trưởng thôn, chuyện cây cầu. Dự án của gã mãi chưa thành. Tiền bạc, danh phận, địa vị còn đâu đó ngoài tầm tay. Một viên chức quèn. Con mẹ thầy bói hát véo von chi đó chuyện sông nước với vợ gã. Dẹp ba cái chuyện bói toán đi. Gã bơi giỏi từ nhỏ. Trên con sông này. Giờ đang cuộn chảy hả hê. Nó cũng cơ hội đáng ghét. Còn gã không có lấy một cơ hội cho dự án của đời mình. Mà vẫn phải sống, nhịn nhục và hy vọng. Ông trưởng thôn rất đơn giản rất thiết thực dự án cây cầu. Ông là người của quê hương.

 

Mẹ gọi điện gã về, chuyện con Út. Nó quyết định ưng thằng Việt kiều mới quen. Bà bối rối sợ nhiều bất trắc sợ sinh ly tử biệt. Thằng em trai ủng hộ cái rụp. Ở đâu chẳng được, miễn sướng thân. Còn có tiền đô gởi về. Thời này đi, về như đi chợ, cứ lo bò chết không hòm. Qua điện thoại gã chỉ ậm ừ. Thấy mẹ và thằng em đều có lý. Gã lạ cho mình, thông tin bất ngờ này thực sự làm gã xúc động. Nó không hẳn mừng vui đứa em sắp đổi đời. Không hẳn lo âu vì những bất trắc nơi xứ lạ quê người. Với gã làm gì có khái niệm quê mình, quê là nơi sống tốt sống sung sướng. Gã xúc động. Vì thông tin chấm hết trạng thái bằng lặng uể oải mấy chục năm qua trong gia đình gã. Sự bình lặng cam chịu và bế tắc. Gã là con trai lớn, ý thức trách nhiệm vượt lên để dẫn dắt mọi người giờ cũng chỉ nguyên ý thức. Gã cay đắng hiểu rằng càng lúc mơ ước khẳng định mình và giúp đỡ gia đình của gã càng xa vời. Thông tin về con Út như một đột biến. Đột biến mới là cuộc sống. Ông trưởng thôn nói về tăng trưởng. Bằng số liệu mấy năm nay ông thuộc làu. Số ki lô mét bê tông hoá, số lượng đàn bò lai, đàn heo hướng nạc, số xe máy, ti vi… Nhất là số hộ đói nghèo giảm từ mấy chục phần trăm xuống còn mấy phần trăm. Gần đây thêm hội khuyến học thống kê năm qua có bao nhiêu em vào đại học cao đẳng. Bao nhiêu là chuyển biến đáng mừng, đáng tự hào, tuy thời này không còn báo đài về đưa tin như trước nhưng, đất vua vẫn hãnh diện mình là mình.

 

Bây giờ là mùa đông. Mưa không ngớt. Khéo lần này nước vô nhà. Nhà tui vô sân hồi sáng, giờ chắc vô nhà, hổng biết cha con ở nhà có dọn đồ kịp không. Trời đất lạ kỳ. Năm ngoái hạn nặng. Năm nay thành ra tới bốn cây lụt. Cây này e lớn nhất. Một sợi nước chảy len vào cổ lạnh buốt. Chưa biết sẽ nói với mẹ với con Út điều gì. Ai đó lộp cộp tát nước mưa ra khỏi sõng. Con sông rộng bằng gang tay như sau này lớn lên đi đó đi đây về gã nhận xét đầy khinh miệt, giờ mênh mang nước. Đò cứ hiêng hiếng xuôi. Chưa được nửa dòng mà đã cách nơi xuất phát hơn hai trăm mét. Cái đà này về tới nhà chắc sẽ ướt đầm. Nhà ở vùng trũng thể nào giờ cũng lõm bõm nước. Hồi nhỏ, vì là con lớn, gã từng hãnh diện được cha cho phép tham gia những công việc canh kê dọn dẹp chạy lụt cùng ông. Cha khổ cực nghèo hèn đến chết. Gã bất lực không giúp gì được cho gia đình, cha, vốn từng rất tin tưởng trông chờ nơi gã. Vậy mà. Mưa xối vào mắt nhoè cả những người dân quê trong đò. Bây giờ là mùa đông. Bây giờ mưa cay cay. Ông trưởng thôn cũng đang dầm mình bờ bên kia chờ đón khách quý. Mưa, có gì đáng nói, ông từng đi qua những mùa đông khắc nghiệt hơn nhiều, trong chiến tranh. Ông đang chờ trên chuyến đò kia một quý nhân của làng. Mưa lụt càng làm cho hoàn cảnh thêm điển hình, tình huống thêm độc đáo. Tha hồ cho báo chí văn chương khai thác. Ông là người của quê hương đầy truyền thống, người đem đến cơ hội chưa từng thấy cho quê hương đang trong chuyến đò mưa lụt kia.

 

Nhưng con đò cứ hiêng hiếng xuôi và có vẻ nước nguồn càng xuống nhiều hơn gấp hơn. Sắp tới sẽ có một phòng Internet trong thôn, nông dân quê mình tha hồ lên mạng. Là kênh thông tin đó, ngu à, ngồi trong phòng mà biết cả thế giới. Tao từng thấy cái nét này một lần ở nhà thằng cháu, nó là nhà báo, nó từng coi trực tiếp nước Mỹ bị tấn công như thế nào vụ mười một tháng chín. Thì đó, tao đi đón cái ông cho thôn mình nhìn khắp… này, sao cứ trôi không qua được thế kia. Gã vẫn chưa nghĩ được gì chuyện con Út. Nó lấy chồng như một tìm kiếm giải thoát chớ tình gì nhanh vậy. Thà là gã. Con em gái lành hiền có gì như một sự bất nhẫn. Sợi nước luồn tận đùi. Điệu này về đến nhà chắc tối mịt. Không được cô bác ơi. Bây giờ quay lại cũng khó, sắp tới khúc quanh rồi. Nương nương cập bến dưới đồng lội về cũng được.Chỉ có tiếng mưa xối triền miên không dứt.

 

Bây giờ là mùa đông. Ông trưởng thôn gõ kẻng báo động. Có một điều gì đó không bình thường. Mùa đông trời tối rất nhanh. Các hộ dân rất lịu bịu nước vô nhà mà điện cúp. Có sự cố gì đó đường dây. Vài người theo ông trưởng thôn dọc bờ sông. Họ lia đèn pin vào vùng nước réo mênh mang. Pin rất mờ. Mưa không ngớt. Dù chưa có câu trả lời chuyện con Út gã nghĩ giờ về tới nhà vẫn tốt hơn.

 

Suối Trầu, 5 / 5 / 2006

Lê Hoài Lương
Số lần đọc: 2465
Ngày đăng: 10.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vết tàn nhang ẩn hình - Ngọc Thiên Hoa
người xưa - người nay - Nguyễn Trọng Nghĩa
Không khóc nữa - Phan Tử Nho
Lỗi tại mẹ Âu Cơ - Lê Hoài Lương
Long Lanh Ánh Nến Giữa Trời Đêm - Nguyễn Thế Hoàng
Người Đàn Bà Bay Trên Mây - Nguyễn Lệ Uyên
Điêu Thuyền - Miêng
Lỗi văn hóa - Trương Thái Du
Cánh bèo đã có đôi - Ngọc Thiên Hoa
Tài năng trẻ - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Ngôi nhà ám ảnh (truyện ngắn)
Phận người gió bay (truyện ngắn)
Chợ chiều (truyện ngắn)
Con rắn (truyện ngắn)
Bão (truyện ngắn)
Hương xa xứ (truyện ngắn)
Mùa xuân đầu tiên (truyện ngắn)
Đàn ông đã chết (truyện ngắn)
Hiến xác (truyện ngắn)
Tiếng chuông chiều (truyện ngắn)
Một ngón tay nho nhỏ (truyện ngắn)
Sách cháy (truyện ngắn)
Lỗi tại mẹ Âu Cơ (truyện ngắn)
Mênh mang chiều An Dũ (truyện ngắn)
Ái quốc (truyện ngắn)