Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.235
 
Vị Tổng biên tập Tạp chí Văn Học một thời
Phạm Quang Trung

Với thế hệ chúng tôi, Phong Lê thuộc giới nghiên cứu, phê bình đàn anh. Thời tôi lập nghiệp, ranh giới phân cách giữa hai thế hệ chưa rộng như sau này, đàn anh không chỉ là những người đi trước mà còn có nghĩa là những người thầy – thầy trên nhiều phương diện: tài năng, nhân cách và văn cách, đặc biệt là văn cách. Toàn những tên tuổi sáng chói, chẳng riêng ở  mặt nào. Nghĩ về họ, vì vậy, rất hữu ích. Đó là nguyên do chính khiến tôi viết về Phong Lê, nhân dịp ông tròn 70 tuổi.Vâng, nhân…dịp. Tôi nhớ một nhà nghiên cứu lịch sử nước ngoài có lần đưa ra một nhận xét rất đáng suy ngẫm rằng, ở Việt Nam, lịch sử chủ yếu được viết bằng hình thức kỷ niệm. Ông ta đã nói đúng một phần, chỉ một phần thôi. Riêng thái độ xem nhẹ tính khoa học qua cách nói ấy thì tôi không đồng ý với ông. Hình thức kỷ niệm cũng có giá trị của nó: là dịp để mọi người cùng hướng tới một nhân vật, một sự kiện lịch sử, văn hóa và khoa học, tính tập trung, và đi cùng với nó, là tính triệt để có điều kiện gia tăng hơn. Như vậy mới mong mọi vấn đề được soi tỏ để dần sáng tỏ. Đóng góp mới mẻ có cơ  hội nảy sinh, thậm chí đâm hoa kết trái, nếu đừng quá thiên về khía cạnh giao đãi. 

 

Thật tiếc cho một vài tập sách mang tính chất như thế ở ta hơi nghiêng về những hồi tưởng riêng tư, có chiều vụn vặt, ít gắn với văn chương, văn học thật sự. Ý nghĩa do vậy mà giảm đi phần nào.Tôi liên tưởng tới tập Từ Tây sang Đông được Nhà xuất bản Đà Nẵng cho ấn hành vào năm 2005. Cuốn sách dầy 464 trang, in khổ lớn, tập hợp 28 bài viết của nhiều tác giả trong và ngoài nước, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: sử học, văn học, ngôn ngữ học, kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác. Mục đích ra sách phản ánh rõ trong Lời đề tặng giáo sư Lê Thành Khôi, sinh tại Hà Nội, năm 1923. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn nổi tiếng sống ở Pháp đã từ lâu. Nội dung chính của tất cả các bài viết còn được tóm tắt bằng tiếng Pháp và tiếng Anh.Tập sách được biên soạn công phu, cởi mở theo hình thức mélanges vốn khá phổ biến trong giới học thuật ở Pháp. Lọai sách này có tính chuyên đề, dành cho một giáo sư có nhiều đóng góp cho khoa học, vì vậy thường tập hợp những bài viết thuộc lĩnh vực giáo sư ấy quan tâm, hơn thế, thu được nhiều thành tựu. Còn người viết thì gồm những đồng nghiệp, môn đệ, nhất là những người hâm mộ tên tuổi giáo sư đó. Thiết nghĩ, đây là một truyền thống vinh danh khoa học rất nên làm. Nó gợi ý để tôi viết bài này theo hướng không thuần văn học mà lại cũng không quá xa văn học.

 

Rất nhiều người ở những cương vị khác nhau, dưới những góc nhìn khác nhau đã viết về Phong Lê. Có người nói tới sự chân thành, cởi mở của con người ông, chất hồn hậu, cuộn trào của văn phong ông. Tôi thấy cần nhấn thêm sự tận tâm, tận lực hết mình hầu như trong mọi lĩnh vực hoạt động, mọi mối quan hệ mà ông can dự, và văn khí đặc biệt nổi lên trên hầu khắp các trang viết của ông. Hai điểm này trong người và văn Phong Lê quyện hòa làm một, khiến những ai có dịp đọc ông, dẫu có thể chưa hòan tòan đồng tình với ông ở điểm này điểm kia, vẫn bị cuốn vào cách nhìn riêng, lại được biểu đạt bằng lối viết riêng, rất  Phong Lê: uyển chuyển đôi khi hơi dài dòng, tản mạn ở cách nói mà vẫn xác quyết, dứt khoát về quan niệm nhờ từng con chữ đều như thấm đến tận cùng nhiệt huyết và niềm tin khoa học của người viết. Nhưng mọi điều ấy sẽ chẳng có nghĩa lý gì cả nếu những trang văn của ông không gợi nên những ý tưởng văn học mới mẻ, táo bạo.

 

Chẳng hạn, có lẽ Phong Lê là người đầu tiên lên tiếng điều chỉnh lại một nhận định phổ biến kéo dài trong nhiều năm nhưng rất thiếu cơ sở cho rằng, những năm 1941 – 1945 là giai đoạn toàn bộ văn chương công khai đi vào bế tắc. Minh chứng thì rành rành ra đấy. Không hề cá biệt và đơn lẻ. Riêng về nghiên cứu, phê bình văn chương có thể kể tới những thành tựu kết tinh mang tính lịch sử như Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Văn học khái luận của Đặng Thái Mai, Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, Thơ văn bình chú của Ngô Tất Tố, Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi… Phong Lê có lý khi đưa ra nhận xét:“Những bộ sách (vừa nêu - PQT) được khẳng định như là một bước phát triển của khoa nghiên cứu – phê bình văn học trong xu thế hiện đại hóa; hơn thế, sau khoảng lùi nửa thế kỷ, và dưới ánh sáng của Công cuộc Đổi mới, chúng vẫn còn tiếp tục như một đối chiếu, một phản biện cho việc soi lại chặng đường nghiên cứu, phê bình văn học hơn nửa thế kỷ sau của chúng ta” (3, tr.233 - 234).

 

Một dẫn dụ khác là trường hợp Đinh Gia Trinh. Ông là một trong những tên tuổi lý luận, phê bình văn chương đáng nhớ trước cách mạng hiện còn bị khuất lấp. Phong Lê kịp thời lên tiếng, một tiếng nói có sức nặng học thuật, góp phần phủi lớp bụi dầy của thời gian và ý thức, hé mở những đóng góp quý giá của ngòi bút lý luận nổi danh gắn với tạp chí nổi danh một thời – tờ Thanh Nghị. Vẫn trung thành với lối viết riêng của mình, ông nhận định: “Mãi đến đầu năm 1997 này, nhân cuốn sách có tên “Hoài vọng của lý trí”, tuyển những bài Đinh Gia Trinh viết trên Tạp chí “Thanh nghị” từ 1941 đến 1945, mới thấy thêm một điều, thật đáng ngạc nhiên: Đinh Gia Trinh còn là, và hơn thế, quả là – những chỗ ghệch dưới là chủ ý của tác giả - PQT, một cây bút phê bình và tiểu luận văn học rất đáng trân trọng” (3, tr.227- 228). Những điều vừa nêu ở Phong Lê dường như nhiều người đã rõ và có người đã nói.  

 

Tôi xin đi sâu vào tư cách chủ biên, nhất là vai trò tổng biên tập Tạp chí Văn học vào thời sôi động và sóng gió của Phong Lê. Có người xem nhẹ vai trò chủ biên các công trình tập thể mang tính tư liệu cũng như tính khoa học. Thực tế, không ít công trình như thế ở ta chỉ mới thống nhất ở chủ đề, thiếu hẳn yếu tố quan trọng, quyết định hơn nhiều là sự gần gũi tương đồng về quan niệm, quan điểm. Trong những trường hợp này, các bài viết thường được tập hợp một cách khá tùy tiện, tùy hứng, hậu quả là công trình không mấy nhất quán về ý tưởng chung. Chỉ có thể giải thích khiếm khuyết này từ trình độ, năng lực và trách nhiệm khoa học của người giữ cương vị chủ biên. Là người tham gia chủ biên trên 20 công trình, chất lượng, dung lượng và tính chất có thể khác nhau, nhưng Phong Lê ít khi rơi vào tình trạng đáng chê trách vừa nói. Về tư liệu, công trình Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (1945 - 1954) do Phong Lê chủ biên là tiêu biểu hơn cả (2). Cho đến nay, theo tôi, đây vẫn là nguồn tư liệu giàu có nhất, chân thực nhất về bức tranh muôn vẻ, sinh động, phong phú và đa tạp của đời sống văn nghệ cách mạng trong chặng đường đầu tiên đầy ngỡ ngàng mà cũng vô cùng cao đẹp. Cuốn sách tập hợp trên 60 bài viết, bài nói, hồi ức, kỷ niệm của nhiều nhà lãnh đạo quản lý tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, chủ yếu là của các nhà văn trực tiếp sống, viết và tham gia hết mình vào mọi hoạt động hữu ích, tất cả vì thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Một dẫn dụ: tôi rất thích những trang Tô Hoài kể và người bạn đời của Phong Lê – nhà nghiên cứu văn chương thiếu nhi Vân Thanh ghi. Hãy hình dung không khí hồ hởi chung của toàn đội ngũ văn nghệ sỹ khi tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: “Lúc này niềm tự hào của chúng tôi là hầu hết văn nghệ sỹ đều tham gia vào những sự kiện lớn của đất nước. Nhiều người có mặt trong những chiến dịch lớn…” (2, tr.165). Còn đây là môi trường trong sạch của phê bình văn chương cách mạng lúc khởi đầu: “Khi anh Nguyễn Đình Thi viết bài phê bình tập truyện  ngắn Núi Cứu quốc tôi tán thành và nhận thêm ra thiếu sót của mình” (2, tr.166). Và đây nữa, tính chất các giải thưởng văn chương một thời: “Trong giải thưởng văn học nghệ thuật đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam, các loại truyện anh hùng chiến sỹ thi đua được đặt vào Giải ngoại hạng” (2, tr.168). Cũng không ít những trang kể về một nhà văn, một tác phẩm, một sự kiện cụ thể nào đó mà vẫn thấm nhuần tinh thần chung nên mang sức khơi gợi lớn. Như về Nam Cao: “Lúc bấy giờ khoảng 1940, 50, Nam Cao đã viết xong 7, 8 chương của một tiểu thuyết dài mô tả sự biến đổi và lớn lên của làng anh qua các giai đoạn: trước Cách mạng, trong Cách mạng và trong vùng tạm chiếm. Anh đọc cho chúng tôi nghe ở Tuyên Quang…Chúng tôi góp ý phê bình, cũng thấy những chương viết ấy còn sơ lược. Nam Cao đã xé bỏ cả những trang bản thảo đó” (2, tr.167). Có thể dẫn ra nhiều, rất nhiều, những dòng, thậm chí những trang bổ ích như thế! Đóng góp của tập sách chỉ riêng về mặt tư liệu thôi cũng đáng kể lắm rồi.

 

Về những công trình tập thể mang tính khoa học do Phong Lê chủ biên phải kể trước tiên tới tập Văn học và hiện thực (1). Cuốn sách in vào năm 1990, đúng vào lúc văn chương, văn học nước ta mới chạm chân vào công cuộc Đổi mới. Cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới diễn ra thường xuyên, rất cam go và quyết liệt. Nhiều cuộc tranh luận lớn nhỏ bùng nổ khắp trong Nam ngoài Bắc, trên hầu hết các mặt báo, không chỉ giới hạn ở báo chí chuyên ngành. Ai cũng biết, trong mọi lĩnh vực, chẳng riêng gì văn chương, văn học, khởi đầu của mọi khởi đầu vẫn cứ là cái nhìn. Chẳng lạ nếu mọi cuộc tranh luận về quan niệm văn chương nghệ thuật lại hầu như xoay quanh hai vấn đề mấu chốt: một là, mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; và hai là, mối quan hệ giữa văn nghệ và đời sống.  Hai điểm lý luận văn nghệ then chốt này trên thực tế gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại không khó nhận ra. Có thể xem những nhận thức ấu trĩ, máy mọc, giản đơn chung quanh việc giải quyết hai mối quan hệ đó là những ngáng trở chính về mặt quan niệm, gây ra sự trì trệ kéo dài trong mọi hoạt động sáng tạo, phê bình và nghiên cứu văn chương  đích thực ở ta. Ngoài những bài viết về văn chương và đời sống văn chương hiện đại, đương đại hiển nhiên thấm đẫm tinh thần đổi mới, tôi muốn nhắc tới bài viết sắc sảo về quan niệm văn chương trung đại của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu. Khác với một số nhà nghiên cứu cho rằng văn chương cổ chủ yếu phản ánh điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội của nước ta, ông lại lấy những ảnh hưởng sâu đậm của các học thuyết tư tưởng Trung Hoa, rõ nhất là tư tưởng Nho giáo trong suốt một nghìn năm làm nguyên nhân chính. Trần Đình Hượu biện giải: “Văn học là sản phẩm của cuộc sống, chịu sự quy định của thể chế chính trị, xã hội, nhưng trực tiếp với nó hơn nữa là đời sống văn học, là quan niệm văn học, là lý tưởng thẩm mỹ, tất cả đều gắn bó với ý thức hệ. Ở các nước Đông Á, trong thời gian dài, Nho giáo, Phật giáo và các tư tưởng Lão – Trang thống trị đời sống tinh thần cùng nhau tác động vào văn học…Có ảnh hưởng nhất là Nho giáo” (1, tr.80 - 81). Đặt vào hòan cảnh khi đó, một cách nhìn rành rọt và dứt khóat như vậy là hòan tòan mới mẻ và cần thiết.

 

Ghi dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời và văn nghiệp Phong Lê là những năm tháng  buồn vui gắn với cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn học. Ông nhận lãnh trách nhiệm nặng nề mà vinh quang này vào năm 1988, khi công cuộc Đổi mới chính thức khởi động được hai năm. Trong văn chương, văn học ngổn ngang bao vấn đề lớn nhỏ cần phải tháo gỡ nhưng  không dễ tháo gỡ. Có thể nói, cùng với Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn học luôn đứng ở tuyến đầu, nóng bỏng. Cả xã hội chăm chú lắng nghe mọi tiếng nói phát ra từ hai cơ quan ngôn luận quan trọng và nhạy bén này với những yêu cầu gắt gao cùng một thái độ khe khắt. Nghĩ cho cùng, cũng không thể khác được. Đổi mới là không thể đặng đừng, nhưng là một sự nghiệp hệ trọng chưa từng có tiền lệ về quy mô và tính chất như thế trong lịch sử dân tộc. Vậy Đổi mới sao đây để đúng hướng, có hiệu quả lại tránh được những biểu hiện cực đoan? Trước sóng to gió cả bất chợt đến từ mọi hướng, người chèo chống Tạp chí chuyên ngành lớn nhất nước Phong Lê cố nhiên không lấy một phút giây thanh thản. Thật tình, có lúc ông không khỏi bối rối, thậm chí ngã lòng. Ông cũng là con người bình thường như chúng ta thôi đâu phải là sắt là đồng. Nhưng rồi, ông dũng cảm đứng dậy và bước tiếp… Như khí phách vốn có ở ông. Đặc biệt là khi đứng trước những thách thức tồn tại hay không tồn tại? Giờ đây, thời gian trôi qua đủ giúp chúng ta có được sự bình tâm tĩnh trí để xét đóan lại mọi chuyện. Đúng, sai đã thật sự hé lộ. Xin được trở lại với những năm tháng chưa xa mà thật đáng nhớ ấy…

 

Giở lại những số tạp chí Văn học gắn với tên tuổi Phong Lê không khó chỉ ra những điểm khác biệt với các sản phẩm của Tổng biên tập tiền nhiệm và cả Tổng biên tập kế nhiệm ông. Hay dở ra sao thì phải bàn cho cụ thể, cho hết nhẽ. Nguyên do cũng vậy. Đâu là cái ông tiếp nhận từ thời đại? Còn đâu là cái đi ra từ sức mạnh nội tại của ông? Mọi chuyện phải tìm hiểu cho thấu đáo. Nhưng khác biệt thì rõ và dễ thấy. Như về mặt hình thức, chúng đích thực là con đẻ của kẻ khó vào thời gian khổ! Mỏng mảnh lắm, chừng 50, 60 trang in. Mục lục có khi tràn sang bìa phụ. Chữ lại nhỏ, thường là co 10. Đấy là co chữ bé nhất có thể có của một tờ tạp chí. Giấy lại đen. Được cái vẫn rõ ràng, rất ít lỗi morát. Tuy nhiên, rất lạ là dung lượng tri thức, tư tưởng của từng số tạp chí lại không hề nhỏ. Chứng tỏ công sức Tòa sọan bỏ ra là  nhiều, trải ra trong một thời gian không hề ngắn. Như số 3 năm 1995, chuyên về văn chương Nga. Để chuẩn bị chuyên san này, Ban biên tập đã trân trọng mời các chuyên gia hàng đầu của văn chương Nga ở trong và ngoài nước tham gia viết bài hoặc cung cấp những tài liệu mới nhất. Toàn những bài dầy dặn. Giả sử có chuyển nội dung số tạp chí thành sách thì cuốn sách về văn chương Nga thời cải tổ vẫn có thể nằm đàng hòang, ngay ngắn trên bất cứ kệ sách nào. Tôi đặc biệt muốn nhấn ở điểm này: tính chất mới mẻ của tạp chí. Ai cũng biết, tờ Văn học là một tạp chí khoa học chuyên sâu, nó không thể không mang tính hàn lâm. Mọi vấn đề học thuật, cách giải quyết và cả hình thức diễn đạt và lề lối trình bầy cũng buộc phải theo những chuẩn tắc chặt chẽ và khe khắt. Không thể khác được. Nhưng nếu tuân thủ những yêu cầu đó một cách cứng nhắc quá thì dễ khô khan, nhất là dễ rời xa đời sống văn chương sống động bên ngoài. Đời tổng biên tập Văn học nào cũng đều phải đối mặt với vấn đề này. Không phải ai cũng đều giải quyết tốt. Hoặc lệch về hướng này, hoặc thiên về hướng kia. Tôi cũng không nói là trong tay Tổng biên tập Phong Lê vấn đề được xem xét và  giả quyết hài hòa đến mức không còn chuyện để bàn. Nhất là khi dõi nhìn nhiều năm, nhiều số. Có điều, tính thời sự rõ ràng tràn vào nội dung không ít số tạp chí. Có những tác động mạnh từ không khí sôi động bên ngoài. Yêu cầu đổi mới cấp bách khiến Tạp chí Văn học không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng chẳng lẽ mọi chuyện lại nằm ngoài chủ định của Tổng biên tập? Tôi không nghĩ thế!

 

Hãy giở bất kỳ số Tạp chí Văn học nào, như số 4/1994. Có tới 2/5 dung lượng dành cho những phát hiện mới về Nguyễn Huy Tự nhân kỷ niệm 250 năm sinh của ông theo yêu cầu của một tạp chí khoa học chuyên sâu. Nhưng ta còn bắt gặp những bài viết hé mở cái nhìn mới hướng tới những đối tượng mới, như bài nghiên cứu Charles Baudelaire và các nhà phê bình Việt Nam, bài viết Mấy suy nghĩ về nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, bài đọc sách Khái Hưng – nhà tiểu thuyết, tin tức Vĩnh biệt nhà soạn kịch Eugène Ionesco… Ở bài nghiên cứu đầu của Nguyễn Lệ Hà, tôi đọc được nhiều dòng vừa mang cảm quan văn học sử lại không xa với cảm quan thời đại: “Trong lịch sử văn học Pháp, Charles Baudelaire (1821 - 1867) là một “hiện tượng đặc biệt”, chứa đầy nghịch lý. Là “con người của một cuốn sách độc nhất” (Những bông hoa ác) nhưng ông lại có “chỗ ngồi rộng nhất và cao nhất trong lịch sử thơ ca và văn học thế giới”. Là một tác giả bị nguyền rủa đã từng bị Tòa Tiểu hình đương thời kết án “làm tổn hại đến nền đạo đức chung” nhưng lại là một thượng đế thật sự”, “Vua của các nhà thơ” (Arthur Rimbaud), sáng tạo của ông “tỏa sáng chói lòa như những vì tinh tú”(Victor Hugo). Cho đến cuối thế kỷ XX này, Baudelaire vẫn còn bị cấm tại một số trường đại học tại Mỹ. Song vượt qua thời gian, vượt qua không gian, Baudelaire vẫn tiếp tục “chế ngự” cả một nền thơ ca thế giới” (tr.46). Tôi còn muốn nói tới số 4/1995, nơi có mục Văn học Việt Nam sau 50 năm và trước 5 năm nóng hổi ý thức thời đại. Đặc biệt thấm thía là những ý kiến sâu sắc của nhà phê bình văn chương mang thiên hướng triết học Hoàng Ngọc Hiến. Ông đưa ra những lời bàn bao quát, súc tích về Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Phùng Quán…- tóm lại, những nhân vật điển hình của văn chương thời Đổi mới. Cũng cần nhấn mạnh thêm là Tổng biên tập Phong Lê còn đưa vào Tạp chí những bài viết chung về khoa học, có cảm tưởng khá xa với văn học, nhưng nếu nghĩ kỹ lại vẫn nhất quán với tinh thần chung của tờ báo. Chẳng hạn bài của tác giả Hoàng Đình Phu Về những yếu tố thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của khoa học trong lịch sử (Tạp chí Văn học, số 2/1995). Tôi tự nhắc nhủ bản thân, phải xem đây là bài nên đọc đi đọc lại nhiều lần nếu muốn trở thành một người thực sự thông thái.

 

Gắn chặt với tính thời sự của Tạp chí là chủ kiến của vị Tổng biên tập. Dường như Phong Lê muốn áp đặt cái nhìn văn chương của mình lên đường hướng chung của tờ báo. Chẳng thế mà rất ít, cũng có thể là không có, vị tổng biên tập nào như ông lại cho đăng bài viết của mình lên tạp chí của chính mình nhiều đến vậy! Vào thời ấy, tên ông hầu như xuất hiện liên tục trên Văn học. Lại thường in ở trang đầu như những bài xã luận, xã thuyết của một tờ báo. Chắc không phải vì ông không thể công bố chúng ở những tờ báo lớn có uy tín khác. Cái chính là ông muốn thể hiện rõ chủ âm của tạp chí do mình phụ trách bằng những bài viết trực tiếp mang dấu ấn riêng của quan niệm cá nhân. Toàn những vấn đề hệ trọng và nhạy cảm. Như sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 1995), trên Văn học số 2/1995, Phong Lê có bài Sự lãnh đạo của Đảng và một giai đoạn phát triển mới của văn học nghệ thuật. Ông quán triệt phương pháp lịch sử - cụ thể để nhìn nhận vấn đề. Ông viết: “Vào thời kỳ đầu của cách mạng, khi mục tiêu bao trùm là giành và giữ chính quyền, khi sự đối mặt trực diện với kẻ thù đòi hỏi cả dân tộc phải ra trận, khi văn nghệ được xem là một mặt trận, thì sự lãnh đạo của Đảng với tòan xã hội, trong đó có hoạt động văn nghệ là một nhu cầu bức xúc, một tất yếu lịch sử” (tr.1). Từ sau Tòan thắng năm 1975, tình hình trên cả nước căn bản đã đổi khác, một thời kỳ mới đã bắt đầu. Sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi lãnh vực trong đó có văn chương nghệ thuật cũng phải thay đổi. Hướng đổi mới ra sao? Rất may trong tay ông và những người đồng chí của ông có Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị Khóa VII, tháng 11/1987 có tên Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một bước mới. Tuy nhiên, không thể bảo là không có những suy nghĩ độc lập trong nhận thức sau của Phong Lê: “Sự lãnh đạo tốt nhất mà các lĩnh vực văn hóa, khoa học, văn học nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần kỳ vọng, và cũng chính là mục tiên Đảng mong mỏi, là sự lãnh đạo thuận cho mọi tìm tòi, khát vọng của con người, hướng về cái mới, và cả những gì còn chưa hòan thiện, còn gây tranh cãi, chứ không phải cái đã rõ ràng, cái chỉ cần sự diễn giải, minh họa, qua đó đưa cuộc sống tiến lên” (tr.3).

 

Thực tiễn và thành tựu của văn chương thời Đổi mới có thể chứng minh sự nhìn nhận đúng đắn ấy của ông.

 

Cũng cần nhấn mạnh thêm điều này: do thiên hướng riêng, Phong Lê chuyên thâm canh trên văn chương hiện đại và đương đại của dân tộc. Điều này hẳn nhiên rất thuận cho ông với tư cách nhà phê bình, nhưng sẽ khó cho ông với tư cách nhà nghiên cứu. Ấy là do giới hạn về không gian và thời gian của chính đối tượng tìm hiểu. Hình như biết rõ điều này nên Phong Lê rất quan tâm đến việc bồi bổ thường xuyên tri thức lý luận, văn chương cổ điển và nước ngoài, gắng nhận ra những quy luật chung trong cái nhìn tham chiếu với văn chương Việt Nam mới diễn ra và đang diễn ra trên tinh thần đổi mới. Xin đưa ra một dẫn dụ: bài Văn học nhìn từ yêu cầu đổi mới và vì sự nghiệp đổi mới (Văn học, số 8/1994). Ông đĩnh đạc bàn về chức năng đặc thù của văn chương: “Văn học có chức năng gieo trồng những giá trị nhân văn làm lành mạnh hóa đời sống con người, nhằm nhân đạo hóa đời sống con người. Đó là một hiệu quả đã được đúc kết trong thực tiễn phát triển của di sản văn học dân tộc và nhân loại” (tr.2). Nhận định của ông thực ra không có gì mới. Nhưng thẳng thắn nêu ra trong tình cảnh ấy, lại được nhấn đi nhấn lại hiệu quả này “là không còn gì phải nghi ngờ”, “là thật sự bền vững” thì nó lại dung chứa ý thức của thời đại. Không phải tự nhiên mà ngay sau đó, Phong Lê lại nêu ra một sự thật: “…[n]hưng ước lượng và đo đếm về nó là không thể nào cụ thể được” (tr.2). Sự thật này dẫn đến một nghịch lý: “Và thử thách của thời gian, qua các niên kỷ, các triều đại, các thời đại;…thông qua sự thay đổi của các giai tầng thống trị và các hệ quyền lực thường là khắt khe, nghiệt ngã và không hiếm khi là bất công” (tr.2). Để chứng minh nhận định quan trọng thấm nhuần tư tưởng đổi mới này, ông dẫn ra sự nghiệp của F. Kafka, Ch. Baudelaire, rồi hàng loạt tên tuổi được phục hồi ở Nga khi Liên Xô thực hiện công cuộc Cải tổ như Platonov, Bulgakov, Maldenstam, Akhmatova, Pasteknak, Xongienhitxưn… Có thể nói, bằng tri thức văn học mới mẻ, khá sâu rộng, về cơ bản, Phong Lê đã vượt thóat được mảnh đất có phần hạn hẹp của bản thân, vươn tới những địa hạt quan trọng khác, gắng hòan thành chức trách Tổng biên tập của mình vào thời điểm văn chương, văn học hiện đại nhận đường lần thứ ba (ý của Nguyễn Đăng Mạnh) nếu tính từ năm 1945, khi tư tưởng mới và tư tưởng cũ đấu tranh quyết liệt, hơn hẳn hai lần trước.

 

Bài viết của tôi đã khá dài. Để kết thúc, tự nhiên tôi chợt nhớ tới những đánh giá thấu đáo của Phong Lê về Đinh Gia Trinh: “…[đ]ặt vào thời điểm lịch sử hồi bấy giờ, Đinh Gia Trinh đã cùng với các bạn đồng nghiệp trên “Thanh nghị” tham gia đề xuất và giải quyết một số vấn đề về văn chương – nghệ thuật…không hẳn là thoát ly, là quay lưng với thời cuộc, trái lại có mặt còn phù hợp với phương hướng phát triển của văn chương – nghệ thuật. Mặt khác, điều này cũng rất đáng lưu ý, ở tuổi ngót 30, Đinh Gia Trinh đã tự thể hiện là một cây bút phê bình – lý luận khá kỹ lưỡng và già dặn trên nhiều vấn đề học thuật, và một khả năng cảm thụ văn chương khá tinh tường” (3, tr.228). Học cách nói của một nhà nghiên cứu, tôi muốn đưa ra nhận xét: ở đây, Phong Lê dường như đang vẽ chân dung của chính mình. Dường như thôi! Bởi, ông được sống và viết trong một hòan cảnh hòan tòan khác, nhìn chung thuận nhiều hơn nghịch. Có điều, số phận và văn phận với bất cứ người cầm bút nào xưa nay cũng đều chứa những ẩn số riêng. Cuộc đời vốn linh diệu là thế! Nhưng biết đâu chính vì lẽ đó mà người đời sẽ sẵn lòng bao dung với các nhân vật lịch sử hơn để rồi thêm khâm phục nhân cách và văn cách những người như Phong Lê. Riêng tôi, cứ nhìn vào sự nghiệp trước tác đồ sộ của ông, một bài học nghề nghiệp như vang lên: Hãy  làm bất cứ công việc gì có thể, bằng chính đôi tay, trái tim và khối óc của mình, ngay ở đây, và vào lúc này! Xin cảm ơn nhà nghiên cứu, phê bình đáng kính Phong Lê. Tôi nghĩ, bước vào tuổi 70, ông có quyền ngẩng cao đầu. Chính đáng và đường hòang. Với tư cách có thể có của một trí thức dân tộc đích thực. Trước nhân dân mình. Và trước thời đại mình. Giải thưởng Nhà nước trao cho ông có đôi chút muộn màng nhưng là hòan tòan xứng đáng. Đời người vậy là đủ để toại nguyện rồi, còn mong gì hơn thế!

                                                                

Đà Lạt, 10/4/2008

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

Phong Lê (Chủ biên) - Văn học và hiện thực, Nxb Khoa học Xã hội, 1990.

Phong Lê (Chủ biên) - Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học (1945 - 1954), Tòan tập, Nxb Khoa học Xã hội, 1995.

Phong Lê – Vẫn chuyện văn và người – Nxb.Văn hóa – Thông  tin, 1999.

 

Phạm Quang Trung
Số lần đọc: 3205
Ngày đăng: 12.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Orhan Pamuk , lưu vong như là một định mệnh - Inrasara
Đi…và tìm thấy người bạn - Inrasara
Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) - Trần Đức Tiến
Tỉnh lẻ - Nhà văn - Người đẹp - Trần Đức Tiến
Về đâu Thiện ơi? - Lê Huy Mậu
Chân dung văn nghệ : Nhà tôi số một trăm sáu chín... - Trần Đức Tiến
Nguyễn Trọng Tạo – Người tự sắm vai mình - Lê Huy Mậu
Trần Quang long - những chặng đường đã đi qua - Lê Hiếu Ðằng
Đi và nhặt Tùng Bách - Lê Huy Mậu