Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.121
123.228.751
 
Giai đoạn huyền sử trong ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (1697) và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (1884)
Trần Xuân An

1

Huyền sử và quan niệm về việc viết lịch sử

 

Các nhân vật và sự kiện lịch sử một khi được ghi nhận như những con người trần phàm với những sự việc cũng trần phàm nhưng rất đáng kể, cần ghi lại trong kí ức dân tộc, trong sách sử, khi ấy, sử kí đã thật sự bước hẳn sang giai đoạn phi huyền sử. Tuy nhiên, trước khi xuất hiện các sử gia tỉnh táo, sáng suốt như vậy với các ghi chép, các bộ sử, lịch sử những dân tộc, đất nước hình thành tự lâu đời, cách đây khoảng bốn ngàn (4.000) năm như Việt Nam ta, không thể khác được, cũng phải trải qua một giai đoạn huyền sử khá dài.

 

Huyền sử là sự thật lịch sử xen lẫn với nhiều yếu tố thần thoại, truyền thuyết khá mơ hồ, phi thực, huyễn hoặc và cũng rất bay bổng. Điều này cũng tương ứng với giai đoạn loài người nói chung đang sống và tư duy, cảm xúc theo khả năng nhận thức, lí giải mọi sự một cách hư hư thực thực, chưa phân biệt rạch ròi thần thánh, ma quỷ với con người trần tục.

 

Trên mặt đất chưa hề được những nhát thuổng, chiếc bay của giới khảo cổ học hiện đại chạm đến, giai đoạn huyền sử hàng ngàn năm trước công nguyên .

 

Tình trạng giai đoạn huyền sử như thế, nên các sử gia đời Trần như Lê Văn Hưu (1230 – 1322) không thể xem di tích tín ngưỡng – lịch sử, truyền thuyết lịch sử, ca dao lịch sử đích thực là sử. Đã đành như vậy. Nhưng xem đó là tài liệu lịch sử để tham cứu, đãi lọc, hầu như Lê Văn Hưu cũng từ chối. “Nhâm thân, [Thiệu Long] năm thứ 15 (1272), (Tống Hàm Thuần năm thứ 8, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc soạn xong Đại Việt sử kí từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển” (1). Rõ ràng Lê Văn Hưu và Quốc sử viện chỉ biên soạn về giai đoạn phi huyền sử, từ Triệu Đà (ở ngôi: 207 – 136 tr. c. ng.) đến Chiêu Hoàng, nữ hoàng duy nhất và cuối cùng của triều Lý (1225). Giai đoạn huyền sử từ Lạc Long quân đến An Dương vương không được Đại Việt sử kí (1272) đề cập đến.

 

Huyền sử chỉ được ghi chép vào chính sử bởi Ngô Sĩ Liên (không rõ năm sinh và năm mất), một sử gia lớn, từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427), đỗ tiến sĩ thời Lê Thái Tông (1434 – 1442), được Lê Thánh Tông (1460 – 1497) trao trọng trách biên soạn Đại Việt sử kí toàn thư (bản 1479) (2).

 

Về sau, cho đến thời Nguyễn, bộ sử lớn thứ hai trong ba bộ sử lớn của nước ta, sau bộ Toàn thư (1697) và trước bộ Đại Nam thực lục (kể cả các kỉ thuộc nửa sau thế kỉ XIX (*)), là Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (3). Cương mục, các sử gia Quốc sử quán (từ 1856 đến 1884) cũng ghi chép, khảo cứu lại giai đoạn huyền sử này. Tất nhiên, Quốc sử quán triều Nguyễn còn duy lí hơn cả Sử quán nhà Hậu Lê, nên gạt bỏ một phần các truyền thuyết lịch sử đã được Ngô Sĩ Liên ghi chép, bình luận.

 

Phải chăng sự duy lí ấy là rất đáng tiếc? Phải chăng thần thoại, truyền thuyết, ca dao lịch sử không phải không xứng đáng là tài liệu lịch sử?

 

2

Sự bàn luận về việc chép sử giữa các sử gia và giữa sử gia với nhà vua qua từng thời kì, từ các triều Trần, Lê đến Nguyễn

 

Đại Việt sử kí toàn thư được khắc in, ban hành trong cả nước, vào tháng trọng đông (tháng 11) năm Đinh sửu (1697), niên hiệu Chính Hoà thứ 18, đời vua Lê Gia Tông, đời chúa Trịnh Tạc, với tên gọi trong Cương mụcQuốc sử thực lục (4). Đó là bộ sử được biên soạn nối tiếp bởi các sử quan thuộc Quốc sử viện triều Trần, Sử quán triều Lê cùng các sử gia chủ biên: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Lê Tung (viết tổng luận), Phạm Công Trứ, Lê Hy. Trong đó, Ngô Sĩ Liên là người trực tiếp biên soạn quyển I của ngoại kỉ, viết về kỉ Hồng Bàng thị (2878 – 256 tr. c. ng.) và kỉ Nhà Thục (257 – 208 tr. c. ng.). Và chính ông là người duy nhất được đề tên ngay trên quyển I này: “Triều Liệt đại phu, Quốc tử giám tư nghiệp, kiêm sử quan tu soạn, thần Ngô Sĩ Liên biên”, xem như quyển I đó là công trình riêng của ông. GS. Phan Huy Lê cũng đã lưu ý về điều đó (5).

 

Trong bản Phàm lệ về việc biên soạn sách ĐVSKTT. (1479), Ngô Sĩ Liên trình bày gián tiếp và trực tiếp quan điểm của ông về giai đoạn huyền sử, trước hết là để “nối đại thống của Hùng vương” (6):

“- Kinh Dương vương là vua bắt đầu được phong của nước Đại Việt, cùng với Đế Nghi [Trung Hoa – TXA. chua thêm (ct.)] đồng thời, cho nên chép năm đầu ngang với năm đầu của Đế Nghi.

- Những việc chép trong ngoại kỉ là gốc ở dã sử, những việc quá quái đản thì bỏ đi không chép. Từ Hùng vương trở về trước, không có niên biểu, thứ tự các đời vua truyền nhau không thể biết được, có thuyết nói là 18 đời, sợ chưa chắc đã đúng” (6).

 

Nhưng Lê Tung vẫn là người được dịp bàn sâu viết rộng hơn cả, bởi ông được phép viết bài “Việt giám thông khảo tổng luận” vào năm Giáp tuất (1514), niên hiệu Hồng Thuận thứ 6, với s lượng trang chữ đáng kể. Chả là Lê Tương Dực muốn được đọc bài rút gọn, chỉ gom nhặt điều cốt yếu, có lời bình, khi Vũ Quỳnh làm xong Đại Việt thông giám thông khảo, nên Lê Tung được dịp phát huy trí tuệ của mình (7). Về sau, bài tổng luận được các sử gia kế tục đánh giá tốt, và giữ lại, trang trọng đặt ở vị trí cuối của phần đầu sách.

 

Qua bài tổng luận, Lê Tung viết về giai đoạn huyền sử như sau:

“Kể từ khi Kinh Dương vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hoá, vua thì lấy đức mà cảm hoá dân, giũ áo khoanh tay (8). Dân thì cày ruộng, đào giếng, ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái bình cổ của Viêm Đế ư?

 

Lạc Long quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc [Âu Việt? – ct.] mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ của người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm, rất là lâu dài, đã giàu thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có.

 

Hùng vương nối nghiệp của Lạc Long, chăm ban đức huệ vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến, con cháu nối đời đều gọi là Hùng vương, phúc 18 đời, trải hơn hai nghìn năm, buộc nút thắt dây mà làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau đức kém, lười chính sự, bỏ sửa sang vũ bị, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục vừa đến thì quốc thống bèn mất.

 

An Dương vương, phía tây thì dời sang Ba Thục, phía nam thì diệt vua Hùng Vương, đóng đô ở Loa Thành, giữ nước Âu Lạc, nhờ được nỏ móng rùa, đánh lui quân nhà Tần, quen mui đánh thắng, yên vui sinh kiêu, quân Triệu đến đánh mà cõi bờ không giữ được” (9).

 

Đến triều Nguyễn, ngày 15 tháng 12 năm thứ 8 (22. 01. 1856), khi ban dụ chỉ về việc khởi công biên soạn lịch sử dân tộc, Tự Đức cũng đã đề cập đến “nước Việt ta từ thời Hồng Bàng” (10), không thể không biên soạn về giai đoạn huyền sử, từ Hồng Bàng đến An Dương vương. Tuy vậy, cũng có sự tranh luận với những ý kiến khác nhau. Trong đó, có ý kiến mặc dù đơn độc như của Đặng Quốc Lang nhưng cũng được bảo lưu và tấu nghị lên nhà vua.

 

Tổng tài, phó tổng tài Phan Thanh Giản, Phạm Xuân Quế cùng các toản tu trong Việt sử cục đã tham khảo các bộ chính sử của Trung Hoa biên chép về giai đoạn huyền sử của họ và nhận thấy, họ gạt bỏ Bàn Cổ, Tam Hoàng, chỉ chép bắt đầu từ Phục Hi hoặc muộn hơn, từ đời Đường Nghiêu. Tấu nghị viết: “Nay tra cứu Sử cũ của nước ta chép về thời Hồng Bàng thị, có danh hiệu Kinh Dương vương, Lạc Long quân, nhưng lúc ấy là thời đại thượng cổ, hãy còn hỗn độn lờ mờ, tác giả chỉ dựa vào chỗ bâng quơ mà biên soạn ra, rồi e rằng không có gì là căn cứ để cho người ta tin, lại phụ hoạ theo truyện Liễu Nghị đời Đường của nhà tiểu thuyết để làm chứng cứ” (11). Việt sử cục triều Nguyễn chỉ căn cứ vào những tư liệu khả tín. Tấu nghị viết tiếp: “Xét về thời Hùng vương lập quốc, đặt tên nước là Văn Lang, kinh đô đóng ở Phong Châu, chia nước ra 15 bộ, từ đấy mà đi, trong nước mới dần có chế độ, cha truyền con nối trải 18 đời, kể hai ngàn năm có lẻ. Trong các đời ấy có một vài dấu vết chép trong sử Trung quốc […]. Những việc kể trên còn có chứng cứ để tin. Như thế thì sử nước ta chép từ đời Hùng vương […]. Vậy nghĩ định bộ Việt sử này, về việc gây dựng quốc thống, nên bắt đầu từ đời Hùng vương. Còn những việc về Kinh Dương và Lạc Long thì sẽ theo sự truyền văn chua phụ ở dưới, như thế có thể hợp với cái nghĩa “dĩ nghi truyền nghi” (11). Và, ý kiến về một kỉ khác: “An Dương vương là người nước ngoài…” (11)!

 

Ý kiến đơn độc của Đặng Quốc Lang cũng được bản tấu nghị ghi rõ: “Trong bọn chúng tôi duy có Đặng Quốc Lang trộm nghĩ rằng niên kỉ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương vương, Lạc Long quân, Hùng vương, dầu rằng thế đại cách nay đã quá xa, không có văn tự lưu truyền lại, những việc chép phần nhiều hoang đường quái dị, nhưng bấy giờ đã đặt kinh đô, đã dựng nước, trải qua năm tháng khá dài lâu, các ông vua ấy đều là vua mở đầu của nước ta. Năm Hồng Đức thứ 10, sử thần triều Lê là Ngô Sĩ Liên biên tập Đại Việt sử kí. Lúc ấy Thánh Tông Thuần hoàng đế là một ông vua yêu chuộng văn học, hạ chiếu cho tìm sách dã sử và truyện kí xưa nay lưu trữ ở các nhà tư, để việc tham khảo được đầy đủ. Bộ sách ấy Ngô Sĩ Liên dứt khoát chép từ đời Hồng Bàng, nhận định Kinh Dương vương là vua mở đầu quốc thống. Bấy giờ bọn bầy tôi vào hạng nho học rất nhiều, mà không có một người nào chê là không hợp lẽ. Vả lại, bộ sách soạn xong đã hơn ba trăm năm nay, trải qua đời Hồng Thuận và Cảnh Trị, lại hai lần kén chọn bọn nho thần biên soạn, khảo cứu, đính chính, trong khoảng các năm ấy không thiếu gì những bậc học rộng thấy xa, mà cũng không thay đổi gì khác cả. Thế thì bộ sử do Sĩ Liên biên soạn trước đây, tưởng cũng không phải soạn ra bằng cách hão huyền không thực. Nay nếu bộ Việt sử này chỉ bắt đầu chép từ đời Hùng vương, còn những việc về đời Kinh Dương và Lạc Long chỉ chua ở cuối phần chép đời Hùng vương, e rằng không thể nào làm cho đầy đủ thế thứ và sáng tỏ gốc nguồn được” (12).

 

Bản tấu nghị kết thúc: “Về niên kỉ Hồng Bàng thị, nên chép bắt đầu từ đời vua Kinh Dương và Lạc Long, cần định xem việc gì hợp với lẽ phải thì chép, rồi sẽ chép tiếp đến Hùng vương, để tỏ rõ chỗ mở đầu quốc thống, còn những việc hoang đường quái dị, cũng hãy cứ ghi lại những truyền thuyết mà chua phụ ở dưới phần “mục” (13).

 

Trong dụ chỉ II (12. 9. 1856), vua Tự Đức nêu một câu hỏi khá sắc lạnh để nhắc nhở phương châm của sử gia: “Vậy thì, đối với nghĩa ‘bỏ việc quái dị, nói việc bình thường’ của nhà làm sử, có thể chép như thế được không?” (14). Tự Đức viết dụ tiếp, với sự “chuẩn y cho chép bắt đầu từ đời Hùng vương, để nêu rõ quốc thống nước ta từ đấy. Còn hai kỉ Kinh Dương và Lạc Long thì chuẩn cho chua phụ ở sau việc đời Hùng vương, để hợp với việc ‘dĩ nghi truyền nghi’” (14). Tất nhiên, về An Dương vương, dụ chỉ của Tự Đức vẫn chuẩn cho chép vào phụ lục, không xem là chính thống… (14).

 

Trải qua nhiều đời tổng tài Quốc sử quán, từ Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, cuối cùng đến Nguyễn Văn Tường, với sự duyệt nghị của phó tổng tài Lê Bá Thận (1871), duyệt kiểm của toản tu Phạm Huy (1872), phúc kiểm của tế tửu Bùi Ước (1876), duyệt đính của Quản Hàn lâm viện ấn triện Nguyễn Tư Giản (1878), cuối cùng là duyệt kiểm của phó tổng tài Phạm Thận Duật, toản tu Vũ Nhự (1881) cùng các tập thể sử quan tên tuổi được ghi lại, mãi đến năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), Phạm Thận Duật cùng Vũ Nhự đã dâng tiến biểu để khắc in. Tiến biểu (1884) viết về giai đoạn huyền sử: “Bắt đầu chép từ lúc dựng nước Văn Lang, nêu rõ gốc nguồn vương thống; chép việc sai quan của Đường đế làm tỏ tên cõi Nam Giao. […] Người đặt tên nước Âu Lạc […] chép ngang như liệt quốc” (15).

 

3

Huyền sử từ Toàn thư đến Cương mục

 

Về giai đoạn huyền sử, Sử quán nhà Hậu Lê đã biên soạn, lưu giữ lại những gì từ các huyền thoại, truyền thuyết, ca dao lịch sử trong Toàn thư? Ngô Sĩ Liên đã ghi lại huyền thoại của một vị vua gọi là Hoàng Đế, một danh từ chung được sử dụng như danh từ riêng (như thể Thượng Đế) (16). Hoàng Đế đã định bờ cõi cho Bắc (Trung Hoa) và Nam (Việt Nam), một cách công bằng để cùng đối sánh. Nước ta bấy giờ có tên gọi là Giao Chỉ (đất của xứ Giao Long (17)) và Việt Thường thị, cuối cõi Bách Việt. Kỉ Hồng Bàng thị khởi đầu từ đó, với ba niên hiệu: Kinh Dương vương (Lộc Tục), Lạc Long quân (Sùng Lãm), Hùng vương (không rõ tên huý, trải 18 đời đều xưng là Hùng vương [hoặc Lạc vương]). Toàn thư ghi cả chuyện Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng, nở ra trăm con trai, tổ của Bách Việt (trăm xứ Việt), và lời chia tay, chia con giữa mẹ Âu [Việt] – cha Lạc [Việt], người lên núi, kẻ về biển. Và vua Hùng lên ngôi, đóng đô ở Phong Châu, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước ra làm mười lăm bộ, đặt Lạc hầu, Lạc tướng, hoàng tử gọi là quan lang, công chúa gọi là mị nương, quan coi việc là bồ chính (bồ chính được thế tập, với thể chế phụ đạo). Toàn thư viết về tục vẽ mình, đặc biệt là truyện Thánh Gióng vào đời Hùng vương thứ 6, chuyện biếu chim trĩ trắng cho vua Phương Bắc nhà Chu, và huyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh. Đó là những huyền thoại, truyền thuyết hầu như người Việt Nam nào cũng biết. Tất cả đã trở thành kí ức mãi mãi không phai mờ của dân tộc.

 

“Trở lên là (kỉ) Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương vương được phong năm Nhâm tuất, cùng thời với Đế Nghi [Phương Bắc – ct.], truyền đến cuối thời Hùng vương, ngang đời Noãn vương nhà Chu năm thứ 57 (258 t. c. n.) là năm Quý mão thì hết, tất cả 2.622 năm (2879 – 258 t. c. n.)” (16).

Đó là đoạn Toàn thư kết lại để chuyển sang kỉ Hùng vương (18).

 

Cương mục hầu như cũng chép y nguyên như Sử cũ (ở đây là Toàn thư), chỉ khác cách sắp xếp như tấu nghị, dụ chỉ, phàm lệ đã bàn khá cụ thể. Do cách quan niệm về sử, nên truyền thuyết Mẹ Âu Cơ và Trăm trứng (trăm con trai) chỉ được đặt vào phần lời chua thêm, lại lược bỏ hẳn hai truyền thuyết Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh; nhưng lại căn cứ vào sách Cương mục tiền biên của Lý Kim Tường và Thông chí của Trịnh Tiều để chép việc sứ thần Việt Thường thị sang Trung Hoa tiến rùa thần, trên lưng có chữ khoa đẩu (kiểu chữ thời nhà Chu, 1134 – 250 tr. c. ng.), khiến vua Nghiêu phải sai quan chép lấy, gọi là Quy lịch (lịch rùa) (19).

 

Không chỉ thời Hùng vương, huyền sử còn là giai đoạn Thục Phán An Dương vương trị vì nước Âu Lạc (Âu Việt + Lạc Việt) (*).

 

So với Toàn thư, rõ ràng Cương mục thể hiện một tinh thần duy lí, khoa học ở mức độ cao hơn. Ở Toàn thư, phần phụ chỉ có lời bình của sử gia, còn ở Cương mục là những tiểu mục cẩn án, lời chua rất chi tiết, cụ thể, có đối chiếu với nhiều thư tịch cổ của Trung Hoa, sách sử của danh sĩ trong nước, có trích dẫn nguyên văn các sách ấy, do Quốc sử quán biên soạn. Riêng sách đối chiếu, có đến hàng chục bộ: Đường thư địa lí chí; Thái Bình hoàn vũ kí của Nhạc Sử triều Tống; Kinh Thi; An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng; Lịch sử cương mục bổ; Thông giám tập lãm; Dư địa quận quốc thiên hạ; Đại Thanh nhất thống chí; Địa dư chí của Nguyễn Trãi (đời Hậu Lê); Kinh Thư; Tập truyện kinh Thư của Thái Trừng; Thông chí của Trịnh Tiều; Cương mục tiền biên của Lý Kim Tường; Sử kí của Tư Mã Thiên; Phương dư kỉ yếu…  Đặc biệt, lại có thêm lời châu phê của Tự Đức.

 

Xin dẫn một phần của một lời chua tiêu biểu như sau: “Truyền mười tám đời: ‘An Nam chí nguyên’ của Cao Hùng Trưng chép: “Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng; khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc vương, người giúp việc là Lạc tướng, đều dùng ấn đồng, thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám đời”” (20). 

 

Nói đúng hơn, huyền sử với các thần thoại, truyền thuyết, kể cả ca dao có dấu vết lịch sử (như Chàng về thiếp một theo mây, Con thơ để lại đất này ai nuôi) là sự thật lịch sử được phản ánh bằng thi pháp đặc trưng của tư duy cổ đại. Nhưng không chỉ thế. Các thư tịch cổ Trung Hoa và Việt Nam thuở xa xưa được tra cứu nói trên cũng đã góp phần quan trọng để chứng minh giai đoạn huyền sử này: lịch sử thời Hùng vương dựng nước là có thật, chứ không phải là huyền hoặc.

 

Sự thật lịch sử thời Hùng vương dựng nước này và cả thời Thục Phán An Dương vương cũng còn được chứng minh một cách không thể bác bỏ bằng các ngành khoa học hiện đại về sau: khảo cổ học, nhân chủng học, dân tộc học, ngôn ngữ học (phân môn ngữ âm lịch sử); địa lí học nhân văn, cổ sinh vật học với sự vận dụng các thành tựu của các khoa học thực nghiệm như hoá học, vật lí học, địa chất học… Văn học cũng có sự đóng góp nhất định cho sử học. Cho đến nay, các công trình sử học của các nhà nghiên cứu sử đã đi sâu vào việc này.

 

4

Tinh thần khoa học đích thực đối với huyền thoại, truyền thuyết và ca dao lịch sử

 

Không thể nói khác được, rõ ràng các sử gia Trần – Lê – Nguyễn đã dần dà đẩy các huyền thoại, truyền thuyết, ca dao lịch sử về phía văn học, ngành khoa học chuyên nghiên cứu các sản phẩm của nghệ thuật hư cấu! Không những Cương mục thẳng thừng gạt bỏ những truyền thuyết lịch sử thuần chất hoặc pha đậm yếu tố cắt nghĩa hiện tượng thiên nhiên – xã hội cực kì tuyệt vời như Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thuỷ Tinh mà cả những cổ tích phản ánh tự nhiên – xã hội thời Lạc Long quân như chùm truyện Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh, thời Hùng vương như An Tiêm, Chử Đồng Tử – Tiên Dung, Trầu cau, Bánh chưng bánh dầy cũng bị gạt nốt ở Toàn thư! Không nghi ngờ gì nữa về hiện thực phản ánh, đó là thời Hùng vương dựng nước, khi mỗi câu chuyện cổ ấy đều bắt đầu: “Ngày xửa ngày xưa, vào thời vua Hùng thứ 6…”; “ngày xửa ngày xưa, vào thời Hùng vương thứ 18…” (21). Tất nhiên văn học không bao giờ từ chối những di sản quý báu đến thế! Đó là di sản cổ không có gì có thể thay thế nổi.

Khi nhận định rằng có sự tiến bộ về tinh thần khoa học lịch sử của các thế hệ sử gia từ triều Trần, đến

 

Hậu Lê và kế tiếp sau đó là triều Nguyễn, không thể không nhớ lại câu nhắc nhở của Tự Đức trong bản dụ chỉ II (12. 9. 1856) về việc biên soạn Cương mục. Bấy giờ, vua Tự Đức nêu một câu hỏi khá sắc lạnh để nhắc nhở phương châm của sử gia: “Vậy thì, đối với nghĩa ‘bỏ việc quái dị, nói việc bình thường’ của nhà làm sử, có thể chép như thế được không?” (14).

 

Tuy nhiên, thế là khoa học nhưng thật sự chưa phải khoa học. Gạt bỏ phần quái dị, thực thực hư hư của các yếu tố hoang đường, thần thánh, ma quỷ xen lẫn với nhân vật, sự kiện lịch sử trần phàm là do ý thức duy lí của nhà nho. Tuy nhiên, nói một cách khái quát, mức độ khoa học ấy còn hạn chế, ở chỗ chưa bảo lưu toàn vẹn vốn cổ thời hồng hoang, cổ đại của nhân loại nói chung, tổ tiên người Việt Nam chúng ta nói riêng. Ở trình độ khoa học hiện đại, phát triển đến mức cao hơn thế kỉ XIX trở về trước, các nhà nghiên cứu lịch sử chính trị – xã hội (bao gồm cả kinh tế, văn hoá…) và các nhà nghiên cứu văn học đều khai thác bằng phương pháp giải mã các yếu tố hoang đường, thần tiên và quái dị, để tìm thấy những dấu tích của sự thật lịch sử vốn đã được mã hoá. Trào lưu giải huyền thoại hiện nay lại thô bạo, phá phách, tục tĩu, thực chất là phản khoa học và vô ơn đối với cổ nhân. Tôi chợt nhớ một câu danh ngôn: “Bắn vào quá khứ bằng súng lục, quá khứ sẽ nã vào hiện tại và tương lai bằng đại bác”. 

 

Tp. HCM., khởi thảo vào 15 giờ 12’ chiều ngày 19. 06. 2004 (02. 05. Giáp thân HB4);

viết xong : 15 giờ 59’, 20. 06. HB4 (03. 05. G. thân HB4).

 

Cước chú của bài Giai đoạn huyền sử trong Đại Việt sử kí toàn thư…:

 

(1) Đại Việt sử kí toàn thư, (gọi tắt là Toàn thư), bản in nội các quan bản (1697), bản dịch (3 tập), tập 2, Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 55  (BK. [bản kỉ], q. V, tờ  33a – 33b). TXA. in nghiêng (ing.) và in đậm (iđ.) tên bộ sử (chỉ gồm bốn chữ: Đại Việt sử kí) do Lê Văn Hưu và Quốc sử viện triều Trần soạn.

 

(2) Xin phân biệt với bộ sử hoàn chỉnh, cũng lấy lại nguyên tên sách (ĐVSKTT.), khắc in về sau, vào năm 1697. ĐVSKTT. (1697), thường được gọi tắt là Toàn thư (1697) vốn đã chỉnh lí, tục biên từ bộ sử hoàn thành năm 1479 bởi Ngô Sĩ Liên và Sử quán triều Hậu Lê. Xin xem thêm bài khảo cứu “ĐVSKTT., tác giả, văn bản, tác phẩm” của GS. Phan Huy Lê, được đặt ở phần giới thiệu đầu bản dịch Toàn thư, tập 1, sđd., tr. 13 – 110.

 

(*) Những thời điểm hoàn tất và khắc in các kỉ tiền biên và các kỉ chính biên (từ kỉ thứ nhất đến kỉ thứ ba chính biên) của bộ Đại Nam thực lục, là trước 1879. Ba kỉ chính biên kế tiếp, từ kỉ thứ tư [1847 – 1883] đến kỉ thứ năm [1884 – 1885], kỉ thứ sáu [1885 – 1888], được biên soạn và khắc in trong thập kỉ cuối của thế kỉ mười chín (XIX), thập kỉ đầu của thế kỉ hai mươi (XX).

 

(3) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884) (gọi tắt là Cương mục), tiền biên và chính biên, bản dịch, 2 tập, Nxb. Giáo Dục, 1998.

(4) Cương mục, sđd., tập 2, tr. 378 (Chb. [chính biên] XXXIV, tờ 40 – 41).

(5) Toàn thư, bản dịch, tập 1, sđd., bài giới thiệu của GS. Phan Huy Lê, “ĐVSKTT., tác giả, văn bản, tác phẩm”, tr. 46.

(6) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 127 & 128 (Phl. [phàm lệ], tờ 1a & tờ 1b – 2a).

 (7) Toàn thư, sđd., tập 3, tr. 114 (BK., q. XV, tờ 24b). Xem thêm cước chú của hai dịch giả Hoàng Văn Lâu & Ngô Thế Long về ghi nhận của Phan Huy Chú: để tiện đọc!

(8) Xem cước chú (9): Cước chú của dịch giả Ngô Đức Thọ: Ý nói, vua chỉ cho phép thường mà trị nước, không bày đặt chính lệnh phiền nhiễu.

(9) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 150 (Tl. [tổng luận], tờ 3b – 4a). TXA. in đậm (iđ.), in nghiêng (ing.) & chua thêm (ct).

(10) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 17 (Dch. [dụ chỉ] I, tờ 1).

(11) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 21 – 23 (Tng. [tấu nghị], tờ 3 – 4).

(12) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 25 – 26 (Tng., 6 – 7).

(13) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 27 (Tng., 8). Mỗi tiểu mục có 2 phần: cương (tiêu đề, cốt yếu) và mục (diễn giải chi tiết).

(14) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 29 – 30 (Dch. II, 9 – 10).

(15) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 55 (Tnb. [tiến biểu], 3). Trong những ngày sau cuộc Kinh đô quật khởi và bị thất thủ (05. 7. 1885), “… cái đã làm cho chính Nguyễn Văn Tường cũng phải khóc là việc thiêu huỷ kho lưu trữ ở hầu hết các Bộ và của Thư viện Quốc gia; những thiệt hại của các phòng viết sử biên niên (Quốc sử quán), của Quốc gia ấn quán, các bản gỗ rời khắc lịch sử bằng chữ Hán đã biến mất” (Jean Chesneaux [dẫn lời thú nhận của linh mục Pène-Siefert, kẻ đi theo đoàn quân xâm lược], “Đóng góp vào lịch sử dân tộc Việt Nam” [Contribution à l’Histoires de la Nation Vietnamiene], tr. 134), dẫn lại từ: Nguyễn Đắc Xuân, Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, tập 6, Nxb. Trẻ, 2003, tr. 56 – 57. May thay, bản thảo gốc Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1884), Đại Nam thực lục, tiền biên & ba kỉ chính biên (I, II, III [từ Gia Long đến Thiệu Trị]), và phần lớn châu bản thời Tự Đức – Hàm Nghi vẫn còn tồn tại, nên hôm nay giới sử học có được tư liệu gốc để nghiên cứu!

 

(16) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 171 – 178  (NK., q. I, tờ 1a – 5b). TXA. ct..

(17) Chỉ: vùng đất; giao: giao long. Không phải theo cách giải thích sai lầm: hai ngón chân cái giao nhau. Xem: Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn hoá – Thông tin tái bản, 2002, tr. 35: Vùng đất của nhân tộc xem Giao Long là vật tổ (tô-tem): Con rồng cháu tiên.

 

(18) Toàn thư, sđd., tập 1, tr. 174  (NK., q. I, tờ 2b): Trong kỉ Hồng Bàng thị, Ngô Sĩ Liên có lời bình về hôn nhân đồng huyết: “Xét sách ‘Thông giám ngoại kỉ’ nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?”. Cước chú của dịch giả: “Thông giám ngoại kỉ” là phần ngoại kỉ thuộc bộ sách “Tư tri thông giám” của Tư Mã Quang (đời Tống).

 

(19) Theo chú thích của dịch giả Ngô Đức Thọ: Về Việt Thường thị, sách Thuỷ kinh chú, Cựu Đường thư cho là ở quận Cửu Đức (tức Hà Tĩnh nước ta hiện nay); nhưng các sách Văn hiến thông khảo, Minh sử, Minh nhất thống chí lại cho là thuộc vùng đất về sau thành nước Lâm Ấp (Chiêm Thành).

(*) Xin xem bài “An Dương vương, ‘giặc Thục’ hay anh hùng bi tráng?” (Trần Xuân An).

(20) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 73 (Tb.I, 2). TXA. iđ..

(21) Có người cho rằng các cổ tích này được gia công về sau (thời Lý – Trần: Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp; thời Trần: Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên)! Đó không phải là ý kiến thoả đáng.

(14) Cương mục, sđd., tập 1, tr. 29 – 30 (Dch. II, 9 – 10). TXA. iđ..

Trần Xuân An
Số lần đọc: 4238
Ngày đăng: 12.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
An Dương Vương : “Giặc Thục” hay anh hùng bi tráng ? - Trần Xuân An
Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung, Sài Gòn 1929 - Lại Nguyên Ân
Nhận định danh nghĩa TRIỆU ĐÀ (NHÀ TRIỆU – HÁN) và phân kỳ lịch sử : Giai đoạn mất nước - Trần Xuân An
“Nhìn lại sử Việt” – Cuốn sách cần được viết lại - Hà văn Thùy
Bàn lại với tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Hà văn Thùy
Tranh cãi về lịch sử cổ đại Việt Nam - Đinh Xuân Lâm
Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng? - Lê Đỗ Huy
Suy nghĩ về những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát - Quach Hien
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”: Không thể phủ nhận sự tồn tại của triều đại An Dương Vương - Trần Lưu
Lịch sử , sự thật và sử học - Hà Vãn Tấn