Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.229.234
 
Đùa với chúa sơn lâm
Đặng Huỳnh Lộc

1. Để thâm nhập đường dây buôn cọp, trong đã sắm vai một "đại gia". Qua giới thiệu của một tay mê chơi “hàng độc”, tôi gọi cho Long - một “nhà” cung cấp nhung hưu, tay gấu, cao hổ. Long hẹn tôi đến quán bánh canh bà Sáu Liên ở ngã ba Tràng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh để làm quen. Tôi đúng hẹn như một “doanh nhân” biết quý thời gian. Cẩn thận đưa xe vào tận sân quán bánh canh bà Sáu Liên. Tôi kéo thắng tay chiếc Toyota Zace, vừa mở cửa bước xuống xe tôi vừa bật chiếc O2 bấm gọi cho Long.  Từ trong chiếc Apura 4 chỗ đen bóng, biển số Campuchia, đậu nép bên góc sân quán bánh canh, một người đàn ông trung niên để ria mép vừa mở cửa bước ra, vừa cầm chiếc máy điện thoại đang reo. Tôi biết ngay đó là Long. Anh ta đi về phía tôi với dáng dấp tự tin và gương mặt từng trải ẩn hiện nét vô tư đến bất cần rất… anh chị.

 

Long mĩm cười chào tôi và đưa tay ra bắt bằng một thái độ khá thận trọng. Khi đã yên vị bên bàn ăn, tôi lên tiếng cố giữ giọng thân thiện: “Được bao nhiêu ký?”. Long thật thà: “Tôi em cố tìm mà chưa được, chỉ mang theo cập tay gấu và một ít đồ ngâm rượu uống chơi”. “Mình cũng đang định tìm cập tay gấu biếu ông bạn quan chức có nhiều đóng góp cho công ty” – tôi nói mà không thèm nhìn Long. Long bảo tôi lấy cập tay gấu Long đang theo, giá bảy triệu rưởi. Tôi vừa kêu cho mình một tô bánh canh giò nạc, vừa móc đưa Long năm trăm đô để mua cập tay gấu mà không cần trả giá. Long cầm sấp tiền, cẩn thận nhìn vào góc từng tờ đô la, nơi có hình mờ trên tờ bạc rồi bỏ vào túi. Cuộc gặp gỡ của tôi và Long không tốn nhiều thời gian và cả hai không ai nhiều lời. Khi chia tay, Long bảo người cùng đi tên Thạch Sên mở “cốp” xe, chuyển chiếc thùng mốp sang xe tôi, đồng thời hẹn hai hôm sau sẽ đưa tôi đi gặp người cung cấp cọp từ Campuchia sang. Về đến nhà, tôi mở thùng “mốp” ướp đá để lấy cặp tay gấu. Thì ra, trong đó còn có một chú hưu sao hà nàm khoảng 7 ký còn nằm trong bọc. Tôi biết mình có thể nhập cuộc.

 

Đến hẹn, Long cho xe đến tận ngã tư An Xương thuộc quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đón tôi và, chúng tôi dong xe thẳng về hướng Tây Ninh, qua khỏi ngã ba Trảng Bàng Long cho xe rẽ phải chạy về phía Hồ Dầu Tiếng. Qua khỏi cổng vào khu du lịch hồ Dầu Tiếng, Long cho xe dừng lại trước một quán nhỏ, đưa chìa khoá xe cho chủ quán. Sau đó, chúng tôi xuống đò qua xã Tân Thành thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cách biên giới Campuchia chừng 30 cây số. Qua đò, chúng tôi ghé vào một quán nước. Tại đây đã có hai người đàn ông chờ sẵn cùng với hai chiếc xe honda. Chúng tôi đến một quán nước khác cạnh ngã ba Suối Ngô, thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Long giới thiệu tôi với Keo Thây, người cung cấp cọp và Kim Kiry, người chuyên săn cọp. Ngoài ra còn có Sầm Bót, một ông già trầm lặng mà sau này tôi mới được biết, ông ta là người có khả năng đặc biệt chuyên "đánh hơi" những khu rừng có cọp.

 

Keo Thây đậm người, bề ngoài khá phúc hậu, sống ở tỉnh Svay Riêng, giáp biên giới Tây Ninh. Anh ta nói với tôi bằng tiếng Việt chậm nhưng khá rõ: "Long nói ông cần kh’la (cọp - tiếng Campuchia) mà mấy con? Sống hay chết?". Tôi đẩy đưa: "Mình với vài ông bạn định mua một con nấu cao biếu sếp và chia nhau xài". "Mấy "ông" cũng có, thằng Kiry sẽ lo" - Keo Thây nói.

 

Dừng một lúc, Keo Thây gợi ý: "Nấu cao ông có "xài" xương kh’la không? Xương dễ chở, giá cũng được mà có sẵn". "Cái này tôi phải hỏi lại mấy ông bạn" - tôi nói, cố tỏ ra phân vân - "Xương thì giá bao nhiêu, mà có chắc là xương thiệt không?". Keo Thây nhìn thẳng vào tôi: "Bảo đảm xương thiệt, đủ bộ hẳn hoi. Tôi xếp thành bộ cho xem". Nói xong , Keo Thây quay sang Kim Kiry tuôn ra một tràng tiếng Campuchia. Nghe xong, Kim Kiry đứng lên nổ máy xe chạy đi.

 

Một lúc sau, Kim Kiry trở lại, lôi trong ba lô "quân đội" ra ba khúc xương cọp. Keo Thây chỉ cho tôi xem đặc điểm xương chân trước cọp có vòng xoắn, đầu xương chân sau có điểm khuyết hình trái tim, đầu trong xương sườn bẹt ra như hai lá cây chụm cuốn vào đầu xương và vết xoắn giữa xương sườn... Anh ta giải thích: "Xương sườn thú rừng xếp xuôi nhưng kh’la thì xương sườn ngang nên đầu xương sườn bẹt ra gắn vuông vào xương sống".

 

Keo Thây nói: "Đây là xương đã sấy khô. Nếu giao tại đây thì 2.000 đô/kg, giao ở Dương Minh Châu hay Tràng Bàng thì 2.200đô. Không mắc đâu. Cọp 100 kg lấy được 17 kg xương, sấy khô mất bốn phần, còn hơn 10 kg".

 

Hỏi về giá cọp sống, Keo Thây nói chắc như đinh đóng cột: "Cọp dưới 50 kg thì ba triệu đồng Việt Nam 1 kg, trên 50 kg thì 3,5 triệu đồng, giao tại Tây Ninh, chỗ nào do anh chọn, cân rồi tính tiền. Keo Thây khoe ba ngày nữa sẽ đưa qua Tây Ninh một "ông" cọp 69 kg. Thây nhấn mạnh chữ "ông" một cách trân trọng. Khi tôi ngỏ ý muốn xem "ông" cọp mà Thây vừa nói, anh ta từ chối nhưng lại nói: "Bốn ngày nữa tôi cho người đem tới anh ảnh "ông" cọp này. Nếu anh chịu, tôi sẽ giao cho anh luôn. Tôi tìm "ông" khác cho khách của tôi".

 

Tôi cò kè và gút lại mức giá 2,9 triệu đồng/kg, giao tại Tràng Bàng, địa điểm hai bên sẽ báo nhau sau. Long sẽ được huê hồng 15% số tiền mà tôi trả cho Keo Thây. Khi chia tay, Keo Thây nói thêm: "Long sẽ chịu trách nhiệm. Cân xong anh mới phải trả tiền. Không cần đặt tiền trước".

 

Bốn ngày sau, quả nhiên Keo Thây điện thoại hẹn tôi tại Tây Ninh và cho người giao cho tôi những bức ảnh chụp "ông kh’la" 69 kg vừa từ Campuchia chuyển sang. Tôi kiếm cớ chê "ông kh’la" này còn nhỏ so với yêu câu của tôi, Keo Thây hứa với tôi sẽ tìm "ông khla" khác!

 

Qua Long, tôi tiếp xúc với khá nhiều đường dây mua bán thú rừng ở Tây Ninh, đầu mối nào cũng có mối bán cọp từ Campuchia. Có điều một số đầu mối không đủ tiền và không thường xuyên có khách hàng "mua đứt bán đoạn". Có ít nhất năm đường dây có đủ vốn, đủ hàng. Những đầu mối này hoạt động độc lập nhưng hỗ trợ nhau rất hiệu quả.

 

Khi có khách hàng, các đầu mối điện thoại cho nhau. Từ Tây Ninh, các nhóm mua bán đặt hàng với các thợ săn người Campuchia ở tỉnh Svay Riêng hoặc Kom Bông Chàm (hai tỉnh Campuchia giáp Việt Nam). Từ đây điện thoại lại được nối đến tận tỉnh biên giới U đôn Miên Chay (của Campuchia giáp Thái Lan), hoặc tỉnh Mon Đun Kiry (giáp với Lào). Đây là hai vùng còn nhiều rừng rậm có khá nhiều cọp. Sau đó người có khả năng "đánh hơi" những khu rừng có cọp như Sầm Bót, những người chuyên bắt cọp như Kim Kiry cùng xuất phát mở những cuộc săn.

Khi phía Campuchia có "hàng" cũng sẽ thông báo cho các đường dây tiêu thụ ở Tây Ninh để tìm khách hàng. Người tìm được khách được hưởng 15% giá mua, người bán được hàng được hưởng 15% giá bán của các thợ săn Campuchia. Cứ như vậy, họ bọc lót, giữ bí mật cho nhau, địa điểm giao hàng và chuyển hàng thay đổi linh hoạt với mắt xích kẻ làm "tiền trạm", người "giữ điểm", kẻ làm liên lạc một cách an toàn.

 

Và chỉ sau một đêm, những "chúa sơn lâm" từng hùng cứ một vùng bị sụp bẫy hoặc bị trúng đạn từ bên kia biên giới sẽ được ướp đá trong thùng nhựa, vượt hàng trăm cây số đưa về Dương Minh Châu, Tràng Bàng...

 

2. Nài nỉ thống thiết, tôi được hai thợ săn chuyên nghiệp cho tham gia một chuyến săn cọp trên vùng rừng ven biên giới. Nhưng thật không may, suốt ba đêm luồn rừng, Sam Bôth vẫn cứ lắc đầu vì không tìm thấy dấu vết của khla. Giữa rừng già, tôi ngồi nghe câu chuyện về những chuyến săn của họ.

 

Sam - tên gọi thân mật của Sầm Bót, là một ông già trầm lặng, sinh ra và lớn lên ở tỉnh Munđôn Kiry phía bắc Campuchia. Ông có gương mặt xương xẩu trông đến khắc khổ. Mấy lần tôi gợi chuyện với Sầm Bót nhưng ông tỏ ra xa cách. Kim Kiry, một tay săn cọp chuyên nghiệp cùng đi với Sầm Bót, nói Ta Bôth (ông Bót) là angka ("ông lớn") trong lính Pôn Pốt đấy! Nhưng pr"o pun coat Bôth (vợ của ông Bót)  bị một angka giết chết. Ta Bót giết ông ấy rồi bỏ vô rừng.

 

Mặc cho Kiry kể lể, Sầm Bót cứ lặng lẽ rót rượu và uống từng ngụm lớn. Khi rượu đã ngấm, Sầm Bót tỏ ra thân thiện: "Từ biên giới Lào xuống biên giới Thái Lan, tao đi cả... Tao giết nhiều, trời bắt đi nhiều". "Nhưng làm sao Ta Bót biết rừng nào có cọp?" "Tao đi, tao biết. Kh’la (ông cọp) có mùi mà!" - Sầm Bót nói. "Kh’la có mùi thật mà! Đêm, kh’la không ngủ, kh’la đi. Mùi kh’la vướng lại lá cây, mùi kh’la đọng lại trong sương. Sáng ra, rừng có kh’la nặng mùi lắm. Nghe là biết". Kim Kiry nói: Ta Bôth chẳng những có thể “đánh hơi" được khu rừng nào có cọp mà còn có thể biết được khu rừng đó có cọp già hay trẻ, cọp đực hay cọp cái".

 

Nhờ rượu, tôi và Bót trở thành thân thiết. Ông kể tôi nghe bao nhiêu chuyện về khla. Ông nói, kha trẻ có "mùi thơm", nghe... hơi sương là biết! Khla cái có mùi rất khác lạ và tiếng kêu như "mèo động đực" để "dụ" khla đực. Khi cọp cái có mang thì không cho cọp đực ở gần. Nên cánh rừng nào chỉ có cọp cái mà không "nghe mùi" cọp đực là biết cọp cái đang có mang, không được bắn.

 

Mỗi lần cọp cái đẻ từ một đến năm con. Cọp con sau nửa năm thì rời ổ theo mẹ kiếm mồi. Chừng ba tuổi thì cọp mẹ không cho theo, cọp con bắt đầu kiếm ăn riêng. Cọp con được bốn tuổi thì bắt đầu "động đực"... Sầm Bót còn cho biết khla già ăn thịt ươn (thối), còn khla trẻ thì ăn thịt tươi, đói lắm khla già mới ăn mồi tươi. Đó là do khla già nhường mồi tươi cho khla trẻ. Vì vậy khu rừng có khla già thì phải nhử bằng thịt ươn. Ông nói thêm: Khla trẻ được "huấn luyện" ăn thịt tươi từ bé. Cọp mẹ đi săn được mồi lập tức mang về cho con, sau đó cọp mẹ mới tự đi kiếm ăn. Khi cọp mẹ đủ mồi mà còn bắt được mồi thì cọp mẹ không làm chết con mồi mà đem về cho cọp con tập săn mồi...

 

Sầm Bót nói, nanh kh’la rất khỏe, ngoạm một cái là làm gãy xương chân một con nai già, vồ một cái là làm chết một con mễnh, một kh’la già nặng tới 250 ký. Nhưng kh’la không bao giờ giết voi hay heo rừng... Đừng coi thường đuôi kh’la, đuôi kh’la rất khỏe, cứng như sắt, chẳng khác gì cây roi. Một lần ông nhìn thấy một kh’la quật đuôi giết chết ngay một con sao la chừng 50 ký.

Có thể nói Sầm Bót là một "từ điển sống" về cọp. Điều lạ là Sầm Bót tin có chuyện cọp trả thù. Ông nói, vì sợ cọp trả thù mà ông không bao giờ đặt bẫy hay bắn cọp. Nhưng Sầm Bót "chỉ điểm" cho Kim Kiry và những thợ săn. Và cũng vì vậy mà ông cũng lại là khắc tinh của chúa sơn lâm.

 

Còn với Kim Kiry, nếu gặp nhau ở một nơi khác chắc chắn tôi sẽ không tin Kim Kiry là tay chuyên săn cọp.

 

Kim Kiry nhỏ người, có vẻ thư sinh, cha anh người Tiều, mẹ Khmer và thuộc dòng dõi hoàng tộc. Kim Kiry kể: Gia đình anh sống tận Tônglê Sáp (Biển Hồ) nhưng loạn lạc, cả gia đình chạy đến nửa đường từ Biển Hồ về Siêm Riệt thì định cư lại ở đó. Lúc đó rừng Xiêm Riệt rất nhiều cọp, anh thường theo cha vào rừng săn cọp và trở thành thợ săn.

 

Kim Kiry nói, đọc viết được cả tiếng Việt và nói được cả tiếng Thái và Lào. Kim Kiry kể tôi nhiều chuyện tréo ngoe, hiểu lầm chết người do bất đồng ngôn ngữ. Một lần, người bạn anh bị ong vò vẽ đánh, anh bảo người bạn vào nhà "đồng bào" xin mật ong thoa cho khỏi sưng. Lẽ ra phải hỏi xin tức khum" là mật ong, người này lại nói "tức khmâm" là nước... con gái!...

 

Kiry nói, một cánh thợ săn cọp phải có một người như Bót, biết "đánh hơi kh’la" để tính cách bắt. Nhưng cũng tùy yêu cầu khách hàng mà bắt cọp sống hay chết. Nếu cọp nhỏ, muốn bắt sống thì phải gài bẫy vòng, còn gọi là bẫy đạp. Đó là một cần bẫy bằng cây rừng, cột một đoạn dây luồn trong ống tre để khi cọp dính vòng không cắn được dây. Trên đoạn ống tre treo mồi nhử bằng thịt tươi, bên dưới đoạn ống tre thắt vòng đặt trên một bàn bẫy. Bên cạnh bẫy được đào một cái hố có ngụy trang bằng dây rừng để khi cọp dính bẫy rớt vào hố, không thể vùng vẫy.

 

Với cọp già thì phải cài bằng "bẫy miệng cọp". Đó là tám đoạn sắt, đầu mỗi đoạn có khoan lỗ, kết thành hai khung vuông để làm một chiếc hàm cọp phía ngoài hàn những thanh sắt cong vào như nanh cọp. Khi gài bẫy, một khung sắt đóng chặt xuống đất, khung sắt còn lại một đắu dính vào khung thứ nhất và có ngàm...

 

Kiry kể những chuyện ghê rợn, nhiều con cọp mắc bẫy vòng đã cắn bỏ cái chân để thoát bẫy. Một lần Kiry gập xác một khla hơn200 ký nằm cạnh xác hai thợ săn. Cách đó không xa, gần một lán trại mục nát là xác một thợ săn khác bị đập vỡ sọ. Sau khi săn được khla, nhóm này cử một người về lán trại lấy cơm. Khi người lấy cơm trở lại thì bị hai người kia đập chết, hai người còn lại sau ăn cơm cũng chết theo vì trong cơm có độc. Tôi hỏi: Vậy Kiry được bộ xương khla đó! Kiry nói: Không, Kiry chôn xác ba người vào một chỗ rồi đem xác khla vào chùa!

 

Là người có "chữ nghĩa" và có đời sống nội tâm, Kiry kể về tâm trạng đi săn như lời sám hối. Kiry nói, trời bắt Kiry phải mưu sinh bằng nghề "phá sơn lâm" chứ Kiry không muốn vậy. Một lần, đang đi săn ở Munđôn Miên chay, Ta Bót cho hay có khla lớn trong rừng. Kily và một người nữa vào rừng. Ban đêm soi đến, mắt khla già sáng lắm. Bạn Kiry nổ súng nhưng khla không chết mà lao tới. Đêm rừng già tối lắm, Kiry chỉ nghe một tiếng rên nghẹt giọng. Khla đã giết chết bạn Kiry trong chớp mắt. Kiry nổ súng nhưng khla vẫn không chết và lao tới chỗ Kiry. Kiry nổ phát súng thứ hai, khla ngã xuống trước mặt Kiry chỉ vài bước.

 

Sau lần đó, Kiry bỏ đi săn, vào chùa của một người Lào ở ven rừng Munđôn Kiry. Trước đó, Kiry tên là Kim Pich Ngan, Kiry đổi tên từ sau khi vào chùa này, định bỏ hẳn nghề săn. Nhưng rồi Ta Bót biết Kiry "sáng rừng", Ta Bót rủ Kiry lại đi săn. Cặp bài trùng này cùng nhau dẫm nát các cánh rừng từ tây nam đến đông bắc Campuchia. Thậm chí có lúc còn "săn hàng" ngay trên đất Việt. Trong một chuyến vượt rừng, Kiry mang theo xác một con cọp nặng 120 ký từ Chưbon Rây thuộc tỉnh Dăk Lăk sang Lào, về Svay Riêng của Campuchia và đưa sang Suối Ngô của Tây Ninh. Đó là một cuộc hành trình xuyên rừng, qua ba lần vượt biên giới để qua bốn nước...

 

3. Qua nhóm buôn cọp, tôi đã làm quen một ông già chuyên luyện cao hổ cốt gia truyền đã ba đời và được ông truyền dạy những bí thuật luyện cao. Nhưng bí mật quan trọng nhất của việc săn cọp là khoản siêu lợi nhuận, một con cọp 100 ký được nấu cao sẽ lãi trên hai tỷ đồng.

 

Long, đầu mối cung cấp cọp dẫn tôi vào con đường ngoằn ngoèo với nhiều ngã rẽ nằm giữa những vườn cây đến nhà ông Tám già, người chuyên nấu cao hổ cốt ở một xóm nhỏ thuộc xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

 

Nhà ông Tám nằm sâu trong vườn. Con chó Phú Quốc sửng dãy lông xoắn trên sống lưng, nhe nanh, xoạc chân chặn cửa. Từ nhà sau, ông Tám bước ra. Tôi khen cửa căn nhà mở về phía Thanh Long rất hợp. Ông Tám nhìn tôi vẻ thiện cảm, hỏi: "Chú mày cũng biết phong thủy". Ông Tám đặt chai rượu lên bàn, nước trong chai ngầu đục, những tăm rượu còn lơ lửng.

 

Ông Tám nói ông đang coi kháp rượu (nấu rượu ), rượu nếp đó! Nhờ chai rượu và vốn kiến thức phong thủy không đầy lá mít, tôi nhanh chóng kết thân với ông.

 

Tôi kiếm chuyện ra gian nhà sau của ông Tám, chỉ thấy lò nấu rượu mà không thấy lò luyện cao hổ cốt đâu cả. Thì ra đó là một căn nhà hai gian, phía sau vách nhà đặt lò rượu còn một gian nhà nữa, một kiểu thiết kế thường thấy để nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật thời chiến tranh.

 

Khi rượu đã ngà ngà, nghe ông Tám mời ở lại chờ lấy nước “dối” (nước đầu nồi cao hổ cốt đang “luyện”), mà ông Tám gọi là ra ràng, tôi mừng còn hơn bắt được vàng.

 

Tôi lẹ miệng nói: Chừng nào ông Tám “ra ràng” cho cháu coi với. Ông Tám khẽ gật đầu mà không trả lời. Phía trước vách buồng là bàn thờ ông bà, tấm bài vị ghi chữ Cửu quyền.

 

Tôi xin phép ông Tám đốt nén nhang. Đứng trước bàn thờ cửu quyền, tôi giật mình nhận ra bên cạnh còn có một bàn thờ thấp hơn thờ một ông cọp vểnh đuôi, xoạc chân. Khi tôi đốt nhang bàn thờ cửu quyền xong, ông Tám đứng lên đốt hai nén nhang, đứng trước bàn thờ chúa sơn lâm khấn vái một lúc rất lâu. Dường như ông tạ lỗi thay tôi vì không đốt nhang bàn thờ chúa sơn lâm.

Trong gian nhà sau, tấm vải cao su treo từ mái nhà xuống tận đất như là để chống dột được vén lên, lộ ra một cánh cửa nhỏ đan bằng trúc. Phía trong là một căn phòng rộng không quá 4m2. Lò luyện cao hổ cốt hiện ra. Đó là một chiếc nồi đất đặt trên bếp được đào âm xuống đất, phía trước lò có lỗ đưa củi vào phía sau lò có ống thông hơi ra ngoài.

 

Từ ngoài nhà nhìn vào thấy ống khói lò luyện cao ai cũng nghĩ là ống khói của lò nấu rượu. Long giải thích: "Đây là kiểu bếp Hoàng Cầm của du kích Củ Chi thời đánh Mỹ".

Ông Tám mở nắp nồi luyện cao, nước sôi sùng sục hé lộ những mảnh xương nhô xếp quanh đáy nồi thành hình vành khăn. Ông Tám giải thích: "Xương hổ xếp vòng tròn, chừa lỗ ở giữa đáy nồi để khi mút nước ra ràng không động vào xương".

 

Nước từ nồi nấu cao được múc ra hai phần ba, sau đó lại đổ thêm nước mưa vào nồi. Trước khi rời khỏi lò luyện cao, ông Tám múc một chén nước cốt hổ ra ràng đem pha vào chai rượu.

Qua tìm hiểu, tôi biết có nơi nấu cao hổ cốt nguyên con, kể cả da. Theo ông Tám già, công thức luyện cao gia truyền của ông trải đã ba đời. Ông nói nấu cao là nấu thuốc, không giấu làm gì.

Cao hổ cốt không nấu toàn tính (nguyên con). Ông giải thích, thịt hổ có mùi hôi, nấu toàn tính ngâm rượu sẽ không thơm. Trước hết, xương hổ phải chẻ ra, rửa sạch tủy.

 

Xưa người ta chọn một đoạn suối trong, có đá cuội để rửa xương. Sau đó, xương hổ được sấy thật khô, ngâm hai đêm trong nước nóng với lá trầu, gừng nướng đập dập.

 

Theo công thức của ông Tám, cao được nấu từ sáu phần xương hổ, bốn phần còn lại là xương đầu sơn dương hoặc xương khỉ, gạc nai già (chà nai) hoặc yếm rùa để làm chất kết dính.

 

Ngoài ra còn có đại hồi làm bán mùi cọp và củ thục địa để điều hòa. Ông Tám nói xương hổ hành hỏa, thục địa hành thủy, gặp nhau để điều hòa, uống vào không đầu thống (làm nóng, nặng thì nhức đầu).

 

Tất cả đều được cho vào nồi, xếp xương hổ quanh đáy nồi thành hình vành khăn, sau đó đổ vào một lượng nước bằng với khối lượng xương hổ và nấu.

 

Nước đầu phải nấu đủ hai ngày rưỡi thì múc ra hai phần ba nước ra ràng. Nồi cao hổ này đã nổi lửa đúng 12h hai đêm trước. Ông Tám nới mở lò vào giữa giờ giao canh ít ai quở trách.

Thì ra là ông Tám rất tin có điều gì đó vô hình. Nước thứ hai nấu hai ngày hai đêm thì ra ràng, nấu tiếp nước thứ ba. Sau đó cả ba phần nước hòa chung lại, nấu thêm một ngày rưỡi. Như vậy, để nấu một bộ xương cọp thành cao phải mất bảy ngày bảy đêm.

 

Mỗi lò cao ông Tám được trả công năm triệu đồng và một lạng cao (100g) hổ cốt vụn. Nói đến đây, chợt ông Tám nháy mắt với tôi đầy ý tứ. Ông mang ra cho tôi xem chiếc khuôn đổ cao bằng inox, chia thành nhiều ô vuông, mỗi ô dài khoảng sáu phân, rộng khoảng bốn phân. Mỗi ô đổ đúng một lạng cao.

 

Ông bảo: "Khuôn này là của tao sáng chế, mỗi lần đổ được 4,2 kg cao. Mỗi lò cao ngoài thù lao bằng tiền và hiện vật, ông Tám còn được hưởng lộc vài chén nước ra ràng pha với rượu và nước váng (bọt) của lò luyện cao.Một ký xương có thể nấu được hơn 1,4 kg cao hổ cốt. Ông lại nói: "Đó là hồi trước, chứ bây giờ còn hơn, một ra một năm, một sáu".

 

Ông Tám cho biết hồi trước nấu cao chỉ lấy nước ra ràng, không lấy xương. Miếng cao hổ cốt đen tuyền ngâm vào rượu trong như mắt cọp - ửng đỏ màu hổ phách, uống vô nghe tan ngay trong miệng, thơm lừng. Bây giờ thì khác, chủ cọp yêu cầu nghiền cả xương hổ vào cao. Chủ yêu cầu thì phải theo chứ làm vậy không bổ béo gì mà còn có hại. “Uống cả xương hổ vào không khéo sạn thận” – ông nói.

 

Gần ba năm qua, ông nấu hơn 20 lò cao nhưng chỉ có tám bộ xương hổ thiệt ông Tám nói như khoe: "Nấu cao hổ thiệt sướng tay lắm, cứ sợ lửa không đều hổ trách. Còn nấu cao hổ giả nghe mùi đã chán, cứ muốn nhồi lửa cho xong".

 

Cao hổ giả là những bộ xương cọp bị thiếu, phải thêm mắm, dặm muối theo yêu cầu của chủ bộ xương, thậm chí đó còn là những bộ xương trâu, bò.

 

Ông Tám kể một lần ông nhận nấu một bộ xương lạ lắm. Bộ xương không có đầu, chủ bộ xương đã chẻ nhỏ, sấy khô nặng gần 100 kg nên nhìn không biết, phải nấu sáu lò. Chủ bộ xương yêu cầu ông nấu như nấu cao hổ. Sau này ông mới biết đó là bộ xương tê giác.

Không chỉ vì cho rằng dùng cao hổ cốt sẽ mạnh như cọp khiến nhiều người đã săn cọp, mà còn vì đây là một mặt hàng siêu lợi nhuận. Một ông cọp nặng 100 kg giá khoảng 300 triệu đồng (ba triệu đồng/kg), có thể lấy được 17 kg xương tươi, sau khi sấy khô còn lại khoảng 10 kg. Qua tay ông Tám có thể thành 16 kg cao hổ cốt. Giá thị trường một lạng cao hổ vào khoảng 1.000 USD. Tính bình quân một con cọp 100 kg sau nấu cao có thể bán được 2,4 tỷ đồng. Thật là siêu lợi nhuận. Cũng chính vì vậy nhiều người đã vượt rừng đại ngàn săn cọp, vượt biên giới để vận chuyển cọp mà không màng nguy hiểm.

 

Đồng Pan, mùa săn cọp

Đặng Huỳnh Lộc
Số lần đọc: 3129
Ngày đăng: 13.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi đầu ghềnh cuối bãi - Đặng Huỳnh Lộc
Miếng ngon nhớ lâu - 1 - Lê Xuân Quang
Nổi đau - Trịnh Băng Tâm
Chuyện Tam Nông ở đất Phù Chẩn - Vũ Ngọc Tiến
Dế mèn phiêu lưu …sự - Nguyễn Đức Thiện
Chồng trước chồng sau - Võ Ðắc Danh
Nhân kỷ niệm 100 ngày mất của nhạc sĩ La Hữu Vang 28.12-06.3.2008 : Tản mạn đôi điều về anh. - Mang Viên Long
Anh Võ Đình Cường -Thử Hòa Điệu Sống trong Ánh Đạo Vàng. - Trần Kiêm Ðoàn
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -1 - Lê Xuân Quang
Máu Nhuộm Bãi... Thuốc Lá -2 - Lê Xuân Quang