Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.140
123.227.230
 
Chút tản mạn về MƯA MẶT NẠ…
GB

Kính tặng Thầy Nhật Chiêu

 

Chiều ấy, Hồ Gươm lất phất mưa phùn…

Trời giao mùa, dở nắng, dở mưa…

Nhìn Tháp Rùa qua làn mưa mỏng, mịn, thấy Hồ Gươm bữa nay là lạ… Tất cả đều mờ mờ, ảo ảo, có chút gì đó như là nó, có chút gì đó lại không phải. Mặt hồ nước vẫn một màu xanh rêu, nhưng đã phủ lên nó lớp áo mưa buồn. Cái xanh trong vắt của những ngày nắng như đã lạc đi đâu mất. Giờ còn lại đây chút mờ mờ, bàng bạc.

 

Hình như là…

Mưa làm Hồ Gươm lạ.

Hay Hồ Gươm làm mưa phùn ngồ ngộ hơn.

Hình như…

Có ngày Hồ Gươm mang “mặt nạ” màu nắng

Hôm nay, mang “mặt nạ” mưa!

……..

Ngắm mưa phùn Hà Nội……………

Chợt nhớ “Mưa mặt nạ” của Nhật Chiêu, có khi là… dường như tôi đã bị cái triết lý “mặt nạ” ấy – cái triết lý vừa mơ ảo vừa thực tại ấy ám ảnh suốt chuyến đi dài …

 

Thế giới của “Mưa mặt nạ” mở ra từ một buổi chiều “Chiều hôm ấy, gió thổi mạnh qua làng, lá rụng rào rào, rào rào, con đường đất không còn là con đường nữa, con đường mang mặt nạ lá, nhiều áng mây bay nhanh trên bầu trời và bầu trời liên tục đổi mặt nạ của mình…” Và trong cái buổi chiều ấy, “gió không chỉ đưa mưa về làng, không chỉ đưa mây về làng, không chỉ đưa chuồn chuồn về làng” mà còn đưa về ngôi làng yên bình ấy – một ngôi làng vốn “không biết cười”, một ngôi làng “ngủ quên” - “…một trận mưa mặt nạ”. Một khung cảnh vui nhộn chả kém gì buổi dạ hội của chốn quý tộc thời xưa hiện ra, cũng có khi là trận “mưa mặt nạ” ấy mang đến cho chúng ta cái mờ mờ hư thực của “Noh” trong không gian Việt, tất cả đều tưng bừng, đều hớn hở rớt xuống trần – những giọt “mưa mặt nạ”. Và con người cũng đua nhau hớn hở, nô nức nhặt những chiếc mặt nạ - “mặt nạ đủ loại đang bay, đang nhảy múa, đang chơi đùa, đang cười, đang khóc, đang hóa trang cho gió, cho nắng, cho cát bụi, cho vận mệnh chiều hôm ấy, cho linh hồn xa xưa, cho linh hồn sắp tới, có những chiếc thuần màu mốc, thuần đỏ hay thuần trắng hồng, có những chiếc nửa xanh nhạt, nửa trắng hồng, phân đôi bằng một làn dọc từ chóp trán đến tận cằm, có những chiếc đa sắc hơn với da mặt tím, đuôi mắt xanh, miệng đỏ, mày đen và những nét viền vàng. Dân làng tranh nhau nhặt và biết đâu, mặt nạ cũng đang tranh nhau nhặt con người…..”.

 

Một thế giới mặt nạ bật tung trước mắt ta như cánh cửa kì ảo – cánh cửa đưa ta về thời thơ bé áp mặt nạ chơi ú tim, cánh cửa của thực tại mở ra với bao lo toan chồng chất, cánh cửa mở ra tương lai với những miền xa xăm đang vẫy gọi, và ở những nơi đó, ta lặng lẽ nhặt nhạnh những cảm xúc vô danh: “có vô số mặt nạ, nào giai nhân, anh hùng, yêu ma, nào ác bá, chồn cáo, công hầu, nào chim, cá, bướm, nào bé con, lão tiều, hề, nào người hầu, gian thần, đạo tặc, nào thiên nữ tán hoa, nào ca diếp vi tiếu, có cả mặt nạ của trinh tiết, mặt nạ của ái ân, mặt nạ của từ bi, mặt nạ của cứu rỗi, có cả mặt nạ của mặt nạ, mặt nạ của hư không, mặt nạ của chân lý, mặt nạ của giải thoát”.

 

Một trận gió, một trận mưa lá và một trận mưa mặt nạ….

Một trận mưa tưng bừng, dân làng “bội thu”, nhưng thay vì lúa thì là mặt nạ.

Một “siêu thị mặt nạ”, mặt gì cũng có, không chờ đợi, không thu ngân, không kiểm duyệt, không bảo vệ.. một siêu thị tự do, người mua và kẻ bán, là chính mình.

Đi trong ngôi làng ấy, ta bắt gặp một tình yêu trong trẻo, của Man và Hồ.

 

Hồ, một cô gái “nhỏ bé mà mênh mông, trong trẻo mà sâu thẳm, mơ hồ mà hiện tiền”, là nơi Man “tắm những giấc mơ, nỗi buồn, cái nhìn, niềm đam mê, lời ca hát”, người con gái mà “không thanh âm nào đáng yêu hơn”. Đấy là Hồ, Hồ của những tháng ngày trước cơn “mưa mặt nạ”. Và sau ấy? Cô vẫn là Hồ, vẫn yêu Man nhưng giờ đây cô và Man tiếp xúc với nhau qua lăng kính của chiếc mặt nạ Hồ vô tình nhặt trong trận mưa kì lạ - một chiếc mặt nạ Hồ Nguyệt. Hồ vẫn đẹp, nhưng không là vẻ đẹp trong trẻo, thuần khiết, mà là đẹp quyến rũ, đẹp hút hồn, một cái đẹp đến rợn người, điên đảo – vẻ đẹp của loài hồ li, sắc sảo và quỷ quyệt. Hồ ướm chiếc mặt nạ Hồ Nguyệt, và nó dính chặt vào khuôn mặt thơ ngây của cô. Không đau đớn, không vướng víu, những chiếc mặt nạ một khi đã được áp vào khuôn mặt người thì nó dính chặt, không thể gỡ ra tựa hồ như đó đã là một phần da thịt mình vậy. Nhưng, Hồ vẫn là Hồ mà, tâm hồn cô vẫn thơ ngây vậy, có đượm chút thảng thốt, chỉ có khuôn mặt, giờ vĩnh viễn không bao giờ là Hồ của thời khắc mười sáu ngày xưa nữa. Vẫn biết “mặt nạ là mặt nạ, không phải là em” nhưng từ nay, Man chỉ còn nhìn thấy Hồ trong gương mặt hồ ly, Man không còn nhìn thấy nét thuần hậu, sáng trong của Hồ nữa mà sẽ là một vẻ đẹp siêu phàm nhưng đầy man trá. Man yêu Hồ, yêu cái thơ ngây trong sáng của tâm hồn cô, nhưng liệu những tháng ngày sắp tới, Man có còn mường tượng ra nét mặt thơ ngây ấy nữa không hay anh sẽ dần bị mê hoặc và đắm chìm trong hương sắc quyến rũ của gương mặt mới. Tình ái là một sợi dây mong manh, chả đoán trước được. Vậy thì, Hồ đang đeo mặt nạ hồ ly hay là hồ ly đang đeo mặt nạ tên Hồ. Cả mặt nạ và mặt người, giờ hòa làm một, không biết cái nào là mặt thật, cái nào là mặt nạ.

 

“Mưa mặt nạ” có huyền bí không? Có hư ảo không? Có thật “Mưa mặt nạ” không? Có đúng là cái mặt nạ ấy dính chặt vào mặt ta không? Mặt nạ là gì? V.v.

 

“Mặt nạ” hay “mưa” hay “mưa mặt nạ”, tất cả là những biểu tượng nghệ thuật tinh tế của tác giả. “Mưa” gắn liền với sự gột rửa, tươi mới, sau mưa, mọi thứ đều trở nên mới mẻ, cả tâm hồn ta cũng vậy, mọi cảm xúc dường như tinh khôi hơn; “mưa” lại song hành với “mặt nạ”, biểu tượng của sự che giấu, ẩn kín.

 

“Mưa mặt nạ” có chơi vơi không? Mong manh quá chăng? Mờ ảo quá chăng? Đã có mấy ai trong chúng ta thấy được mưa mặt nạ nhỉ?

Kính thưa, nếu bằng mắt thật, mắt thường, mắt chúng ta, e là không thể…….

Nhưng chắc chắn là…

Có trận mưa ấy.

 

Nghệ thuật sẽ không thể nghệ thuật nếu không khởi đi từ chất liệu cuộc sống. “Mưa mặt nạ” là một biểu tượng đẹp. Nó kì lạ, có vẻ như hư ảo, nhưng lại rất thật, bởi vì cuộc sống đậm đà, tưng bừng lắm trong cái “mặt nạ hư ảo” ấy. “Mưa mặt nạ” vỡ lẽ chúng ta, những gì mà xưa nay ta vẩn hiển nhiên thừa nhận như một chân lý.

 

Chúng ta có đang đeo mặt nạ nào không?

Hiển nhiên, câu trả lời là có.., có khi là nhiều mặt nạ ấy chứ.

Cuộc sống là một chiếc mặt nạ lớn, mỗi chúng ta là từng chiếc mặt nạ nhỏ.

Cuộc sống là một sân khấu vĩ đại, mà mỗi chúng ta đều là những diễn viên không tồi.

Không phải chúng mình đang đóng “Noh” đâu nhé…

 

Mặt nạ làm bằng gì nhỉ? Chẳng rõ là chất liệu gì, nhưng cái loại giông giống da người (hay là da người ấy?) lại được ưa chuộng hơn cả.

 

Mỗi chúng ta đâu phải là con nít lên hai, lên ba để còn chơi những chiếc mặt nạ bằng nhựa hay giấy, và có lẽ không ai “thơ ngây” đến độ đeo một chiếc mặt nạ buộc chun ra đường . Cuộc sống bây giờ càng ngày càng hiện đại, con người cũng càng ngày càng hiện đại và mặt nạ cũng hiện đại. Mặt nạ tinh tế và “thật” đến nỗi, không ai ý thức là mình có mặt nạ nữa.

 

Có đôi khi ta buồn, nhưng không thể khóc trước thiên hạ, nên sắm một chiếc “mặt nạ vui”.

Có khi ta rất vui, nhưng không dám biểu hiện thái quá, (vì có người ganh tị thì sao, nhìn chung cũng mức độ thôi, không nên hết mình thái quá) nên ta đeo “mặt nạ vui vừa vừa”.

 

Có những ông lớn, đã chán ngấy với những diễn văn, hội nghị, nhưng vẫn phải cần “mặt nạ tươi cười, niềm nở”.

 

Có khi giận xịt khói, vẫn phải đeo mặt nạ hòa nhã, dĩ hòa vi quý, mọi chuyện đều ổn mà.

Có người con gái, đã si mê chàng trai lắm rồi, thế mà khi người ta ngỏ lời, lại đeo mặt nạ dửng dưng, “ứ chịu”.

 

Có những tên, đểu cáng từ trong bản chất, nhưng vẩn tử tế, nom trí thức “vô số tội” nhờ đeo mặt nạ “thư sinh, đức độ”

…………..đấy, có đủ mặt nạ, từ xã giao đến thật tình. Mà mặt nạ là mặt nạ mà, nó thực chất vô dụng, vô nghĩa lý, nhưng sức mạnh của nó chỉ thật sự ghê gớm khi con người sử dụng. Mỗi chúng ta, hàng ngày ra đường, có mấy ai không “điểm phấn tô son”, có mấy ai không trải chuốt và chắc chắn là không ra đường với khuôn mặt “nguyên thủy”, tất tật đều không quên mặt nạ, dù là cái mặt nạ xấu nhất.

 

Tại sao ta không là ta nhỉ? Tại sao phải đeo mặt nạ nhỉ?

Ờ, thì thật tình mặt nạ không xấu mà, nó hữu dụng trong mọi trường hợp ấy chứ, nó linh hoạt theo từng hoàn cảnh, từng tình huống. Nó đôi khi cực có ích, giúp ta lấy lòng thế gian. Nhưng dĩ nhiên, không phải không có những mặt nạ giả dối, lừa bịp.

Nhưng sao phải có mặt nạ?

 

Ta không tự tin vào chính bản thân mình sao?

Mặt nạ làm ta tự tin hơn chăng?

Mặt nạ là mặt nạ, hay là bản sao của chính chúng ta?

 

Chúng ta đeo mặt nạ, điều khiển các mặt nạ, hay là chính các mặt nạ đang ngày một điều khiển ta, chi phối hành động, suy nghĩ của chúng ta. Liệu ta có ý thức “mặt nạ chỉ là mặt nạ, không phải là ta không” hay là ta đang “gọt mặt thật cho vừa mặt nạ”. Luôn đeo mặt nạ, chúng ta có thể sẽ dần dà chẳng ý thức được là mình đang đeo mặt nạ ấy nữa; mà rồi, ta sẽ tự biến ta thành mặt nạ ta đang đeo, từ trong tiềm thức, không lăn tăn, nghĩ suy xem mình là ai, mình cần gì? Tuyệt đích mà làm gì, cứ hài lòng với cuộc sống mà những chiếc mặt nạ ta đang sở hữu mang lại cho ta mà thôi.

 

Dường như, cuộc sống và chúng ta…… đôi khi vội vàng, chóng vánh, có khi chậm chạp; có khi hư ảo mộng mị, có khi thực tế phũ phàng, có khi nồng nhiệt, có khi hững hờ, có khi thật tình, có khi dối trá, có lúc vui, lúc buồn, có khi hạnh phúc, có khi bất hạnh, có khóc, có cười, có đến, rồi đi, có thăng rồi trầm…… Tất cả dường mơ hồ, khó định danh, khó nắm bắt cụ thể, chỉ có một điều dường hiện hữu…. đó là nỗi cô đơn của chính chúng ta. Phải chăng vì thế mà ta đeo mặt nạ? Mỗi người là một nỗi lạc lõng nhỏ hòa trong sự hoan hỉ lớn của cuộc đời?

Lí giải về cuộc sống, về chúng ta, sự tồn tại của những chiếc mặt nạ sẽ còn là một hành trình dài vô tận, khởi đi từ bến bờ của “Mưa mặt nạ”.

 

Đọc và ngẫm, ta sẽ tìm thấy chính ta trong “Mưa mặt nạ”

Và câu chuyện của những chiếc mặt nạ, sẽ còn rì rầm mãi theo tháng năm.

Ta là ai vậy, giữa cuộc đời?

Hay chỉ là “mặt nạ” của tạo hóa…………..

                                                                       

Hà Nội, một chiều tháng 3/2008

GB
Số lần đọc: 3869
Ngày đăng: 21.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vẫn chưa tìm được cô gái treo mùng - Trần Áng Sơn
Nơi không có thời gian - Nguyễn Đông Nhật
Nghe Bên Thềm Phố - Nguyễn Đông Nhật
Cung đàn muôn điệu - Trần Áng Sơn
Cà phê đa hệ Sài Gòn - Trương Đạm Thủy
Nhà thơ Mỹ Edgar Poe –Sự chết, Nước mắt và Tình yêu - Vương Trung Hiếu
Chân dung Nàng tình rỗng - Trần Áng Sơn
Đồng Môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Phùng Cung, một đời thơ -chữ quê -đau đớn - Ngô Minh
Từ thuở vác ngà voi… - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả