Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.095
123.231.302
 
Bài học trong lịch sử : Ăn cơm nhà... 37
Phạm Lưu Vũ

Ngày 4 tháng 7 năm 2005. Tàu vũ trụ Deep Impact của Mĩ dùng đại bác tấn công sao chổi Tempel-1, cách Trái đất 134 triệu ki lô mét, nơi chứa đựng những thông tin về quá khứ cách đây 4,6 tỉ năm. Cả nước Mĩ vui mừng.

 

Ngày 25 tháng 8 năm 2005. Năm mươi hai ngày sau vụ tấn công đó, nước Mĩ hứng chịu một thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử. Cơn bão Katrina tấn công bang Floriđa, xóa sổ thành phố New Orleans, làm thiệt mạng hơn một nghìn người... Cả nước Mĩ bàng hoàng.

 

Khoa học của người Mĩ cực kì hiện đại. Đại bác của người Mĩ cực kì tối tân. Nhưng người Mĩ vẫn lớ ngớ và bó tay trước một hiện tượng thiên nhiên cực kì “cổ điển”, diễn ra đã hàng tỉ năm nay.

 

Thế giới thực của Tạo hoá ví như một bàn tiệc quá rộng. Trong khi khả năng (nhận thức) của con người lại như một đôi đũa quá ngắn. Rốt cuộc, con người chỉ quanh quẩn “xơi” được mấy “món” gần gần xung quanh mình mà không hề biết trên bàn tiệc ấy chứa bao nhiêu món, là những món gì... Thậm chí còn cho rằng chung quy chỉ có... chừng ấy món mà thôi. Y hệt câu chuyện thầy bói xem voi, một kiệt tác triết học của người xưa, đơn giản mà đúng cho đến tận bây giờ, khi con người đã đập vỡ được hạt nhân nguyên tử, đã tấn công cả sao chổi...

 

Người phương Tây từ lâu đã nhận ra sự hạn chế, “tí hon” của “đôi đũa” ấy, bèn tìm cách nối dài chúng ra. Thế là những phương tiện, thiết bị ngày càng hiện đại, tối tân... ra đời, giúp con người ngày càng “xơi” được những món ở xa hơn (ví như vụ bắn đại bác kia chẳng hạn). Song cái bàn tiệc ấy lại rộng vô hạn, trong khi “đôi đũa” dù có được nối dài ra bao nhiêu thì cũng chỉ là hữu hạn. Cái hữu hạn dẫu lớn đến đâu, thì so với cái vô hạn, cũng chỉ là một thứ “vô cùng bé” mà thôi. Rốt cuộc, các nhà khoa học dù có thông thái đến cỡ Anhxtanh, thì cũng vẫn là những vị... “thầy bói” xem voi. Bàn tiệc kia mãi mãi là điều bí ẩn đối với con người.

Người phương Đông đương nhiên cũng nhận ra sự hạn chế của “đôi đũa” ấy. Không những thế, còn biết được rằng dù có cố tìm cách nối dài chúng ra cũng vô ích mà thôi. Vậy chỉ còn cách... vứt quách chúng đi. Thậm chí còn không thèm “bò” trên cái bàn tiệc rộng vô hạn ấy như một con rùa nữa, mà tìm một vị trí khác, bay lên cao như một con chim chẳng hạn (gọi là thoát ra khỏi ngũ hành). Rốt cuộc đã nhìn rõ được cả bàn tiệc. Bấy giờ thì tha hồ mà “xơi”. Đạo Phật, mà cụ thể là Thiền, chính là đã sử dụng phương pháp ấy để “xơi” trọn vẹn cả bàn tiệc của Tạo hoá, không bỏ sót bất cứ “món” nào. Khi đó, trước cái thế giới thực kia, con người không còn là những “thầy bói” nữa. “Voi” đã hiện nguyên hình. Thiền là một triết lý đơn giản mà ghê gớm. Ai chứng ngộ được thì có thể nhìn thấu cả quá khứ, vị lai... Người tầm thường đừng có hòng đạt tới. Bởi chỉ cần “sai lệch nửa đường tơ” là lập tức “đất trời liền ngăn cách...” (“Tín Tâm Minh” - Tam Tổ Tăng Xán). Huống chi người ta vốn “sai lệch” gấp hàng tỉ lần, không phải tính bằng “đường tơ”, mà tính bằng... đường cái. Có phải vì thế mà chính Anhxtanh, về cuối đời cũng đã nhận ra điều gì đó tương tự khi ông nói đại ý: nếu phải theo một tôn giáo để hiểu được thực chất của thế giới này, ông sẽ theo... đạo Phật.

 

“Xơi” được cả cái vô hạn. Thế là đạo Phật từ khi ra đời, đã chứng tỏ trong mỗi con người đều có sẵn một khả năng, một “đôi đũa” dài vô hạn. Chỉ có điều không biết sử dụng đến mà thôi. Có “đôi đũa” vô hạn trong tay nhưng không biết lối mà dùng, lại cứ tin vào cái “đôi đũa” hữu hạn kia. Tin đến nỗi không gì lay chuyển nổi, đến lú lẫn cả hồn vía mà suốt bao nhiêu kiếp vẫn không hề hay biết. Phật gọi trạng thái đó là “chấp”. Kiến thức càng cao thì “chấp” càng nặng. Thậm chí khối người đã “chấp” tới trình độ... vô phương cứu chữa. Thế là cái hữu hạn đã che lấp cái vô hạn. Cõi “mê” từ đó mà sinh ra. Thiện, ác từ đó mà phân biệt. Tranh giành, khủng bố, đểu cáng, bất nhân... cũng từ đó mà có đất hoành hành. Trong trường hợp này thì đúng là bàn tay đã che mất... Bầu trời.

 

Với trình độ khoa học như hiện nay, con người thậm chí còn có khả năng nhảy vào điều khiển, “múa may” trong cả “cõi” vô hình (ví dụ internet chẳng hạn). Đến mức có thể “lạc quan” mà tiên đoán rằng cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa, giả sử các vị thần linh ngày trước có quay trở lại, thì người ta cũng chẳng lấy gì làm... ngạc nhiên. Những tiện nghi, choáng ngợp ấy mà khoa học (xuất phát từ phương Tây) mang lại đã và đang dần dần chinh phục toàn nhân loại, làm lu mờ cả cái tư duy triết học vốn rất ghê gớm kia của người phương Đông. Kết quả là con người càng ngày càng có quá nhiều lý do để “chấp”, để tin vào cái “đôi đũa” hữu hạn của mình, càng có quá nhiều cả sở để khẳng định rằng mình rất chi là... sáng suốt(?). Không giỏi được bằng... ông Trời thì ít nhất cũng giỏi hơn... tất cả mọi người(?). Không “đẹp” được như... Tiên thì ít ra cũng “đẹp”... nhất thiên hạ(?), vân vân và... vân vân... Khoa học quả đã làm thay đổi tính nết con người theo

 

“Chấp” là một bản chất bẩm sinh của mọi sinh vật có lý trí. Nó có nguồn gốc từ các giác quan (“đôi đũa” hữu hạn). Đó là một trò đùa của Tạo hoá khi muốn che dấu sự thật đối với con người. Đến lượt con người lại lừa dối nhau bằng cái gọi là... kiến thức. Bởi kiến thức chính là do giác quan sinh ra. Kiến thức (thực chất là kiến thức ảo) dù có ghê đến mấy, thì cũng chỉ là một phần của “con voi” mà thôi. Không bao giờ là toàn bộ “con voi” cả. Lừa dối bằng cách chỉ đưa ra một phần sự thật, hoặc trưng ra một “sự thật” hoàn toàn khác, khác xa thì gọi là bịp. Bịp cao tới một trình độ nào đó sẽ biến thành... tự bịp mình. Quy trình này diễn ra một cách tự phát, kiến thức đã hoàn tất “công cuộc” đánh lừa được toàn bộ bản năng. Đến lúc ấy, cộng với lòng tham lam trần tục sẵn có, con người sẽ bước vào một trạng thái không thèm phục ai, hay còn gọi là “kỉ nguyên”... cá mè một lứa. Một thế giới không ai phục ai là một thế giới mà Thánh nhân đã từng cảnh báo trước: “Nhân bất phục nhân chi đại loạn” (con người không biết phục nhau nữa thì... đại loạn).

Thời Trung cổ có một vị bạo chúa, mỗi khi ra triều đều hỏi quần thần:

- Các ngươi xem, cả thiên hạ có ai bằng ta không?

Quần thần không cần suy nghĩ. Cứ việc nhất tề cúi đầu thưa:

- Muôn tâu! Không có ai cả.

Bạo chúa hỏi tiếp:

- Còn những ai không tin điều đó?

Đám quần thần tranh nhau trả  lời:

- Dạ! Muôn tâu! Có lũ trọc đầu. Lũ ấy chỉ tin vào Đức Phật của chúng...

Bạo chúa lập tức ra lệnh:

- Vậy thì hãy đem mía mà róc trên những cái đầu trọc ấy.

 

Mía đã róc. Ai bảo dám không tin. Bạo chúa không những hiện hình, lại có thể ban cho tước vị, bổng lộc... Thế thì đối với đám quần thần kia, bạo chúa hơn tất cả là điều không có gì phải bàn cãi. Lòng ham muốn đã làm cho họ mờ mịt lương tri, tan tành đạo lý... Thế là thi nhau bóp nặn, dùng quyền lực, nhân danh pháp luật để ăn cướp từ của cải đến mồ mả, từ xương máu đến linh hồn, từ kiếp này, cho đến tận những kiếp sau... Lại gân cổ bịp dân bằng những lý sự rất mực khôi hài. Chẳng hạn bạo chúa kia là nhất ở trên đời, thậm chí hơn cả Thượng đế, hoặc chỉ có bạo chúa mới là kẻ đem đến... tự do... vân vân. Ai không tin thì dùng sức mạnh, bắt ép phải tin. Họ muốn bảo vệ, duy trì bạo chúa, không phải vì lòng trung thành, càng không phải vì lòng kính phục. Mà đơn giản là bạo chúa còn thì bổng lộc còn, bạo chúa mất thì bổng lộc cũng mất theo...

Thói đời, tước vị và bổng lộc chẳng khác gì những khúc xương được tung vào giữa bầy sói. Thế thì không có chuyện thanh bình, sự tranh giành tất sẽ diễn ra. Những con sói muôn đời có coi nhau ra gì. Đến lượt đám quần thần lại hỏi những kẻ lâu la, bề dưới của mình:

- Các ngươi xem, cả thiên hạ có ai bằng ta không?

Lũ lâu la cũng không cần suy nghĩ. Cứ việc cúi đầu thưa:

- Thưa! Không có ai.

Ngay cả những người được mệnh danh là “kẻ sĩ”, cũng không thoát khỏi cái quy trình tự bịp mình ấy. Cộng với vòng danh lợi đang ngùn ngụt ngoài đời, kẻ sĩ lúc nào cũng tự hỏi: “có ai bằng mình không?”. Rồi lại tự trả  lời: “không có ai cả”...

 

Kẻ sĩ mà cũng như thế thì kết quả là nền văn hiến bắt đầu bị tàn phá, đạo lý thiên hạ bắt đầu bước những bước giật lùi. Lũ kẻ cướp thả sức vươn mình, đám dân lành tha hồ rụt cổ... Đến đây thì cái nước Trung cổ của bạo chúa ấy thực là đã đạt tới trạng thái “không ai phục ai”. Nghĩa là đã bước vào kỉ nguyên “cá mè một lứa”. Đại loạn là điều tất sẽ diễn ra. Không chỉ loạn ở ngoài đời, mà loạn cả trong văn chương, triết học... Một trật tự mới cần được thiết lập...

 

Đã có bao nhiêu “bài học” như thế trong lịch sử. Nhưng càng về sau, con người hình như càng không muốn “học” những bài học ấy. Lại cứ nhắm mắt tạo nên những “bài học” mới, giống... y như cũ(!) để mà... đâm đầu vào. Điềm này ứng vào cái câu có người đã từng nói: “lịch sử ư? Đó là một vòng luẩn quẩn...” Chẳng trách mà thi hào J.W.Gớt đã phải nghiến răng mô tả cái bản chất “năng động” ấy của con người trong kiệt tác “Phao-xtơ” của mình, khi để cho con quỷ Mephisto “định nghĩa” về loài người, chẳng qua chỉ là:

 

“Loài cào cào có bộ chân dài

Nó muốn luôn bay nhảy chán chê rồi

Lại rúc vào đám cỏ hôi mà ca bài ca cổ lỗ

Mà nào có chịu nằm yên dưới cỏ

Đằng này lại cứ nhè nơi phân bẩn để đâm vào...”

 

9/2005

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3299
Ngày đăng: 22.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đứng và Đi - Trần Huy Thuận
Chút tản mạn về MƯA MẶT NẠ… - GB
Vẫn chưa tìm được cô gái treo mùng - Trần Áng Sơn
Nơi không có thời gian - Nguyễn Đông Nhật
Nghe Bên Thềm Phố - Nguyễn Đông Nhật
Cung đàn muôn điệu - Trần Áng Sơn
Cà phê đa hệ Sài Gòn - Trương Đạm Thủy
Nhà thơ Mỹ Edgar Poe –Sự chết, Nước mắt và Tình yêu - Vương Trung Hiếu
Chân dung Nàng tình rỗng - Trần Áng Sơn
Đồng Môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)