Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.147
123.225.964
 
Ngô Liêm Khoan sớm thoát “máng xối”…
Phan Hoàng

Đã 4 giờ sáng 3.3.2008. Tôi mãi chập chờn không cách nào ngủ được. Sáng hôm qua ngồi quán cà phê ở Tân Bình trò chuyện với nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp về. Buổi trưa thì hàn huyên với nhà thơ Trần Ninh Hồ từ Hà Nội vào ở quận 1. Chiều trên đường về nhà lại ngồi với Đặng Tiến hơn một tiếng đồng hồ nữa trước khi anh bay ra Đà Nẵng. Toàn nói chuyện thơ. Rồi tối đứng nằm “đối thoại” cùng Trở mình trong máng xối- tập thơ đầu tay của bạn thơ trẻ Ngô Liêm Khoan. Có lẽ vì vậy mà tôi bị “thơ đè” mất ngủ chăng?

 

Mất ngủ vì thơ. Vì thơ mà mất ngủ.

Mất ngủ nhưng được cái sướng là sống trong cõi thơ riêng mình. Am ảnh. Tĩnh lặng. Và phiêu bồng…

 

Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp hết ngồi lại nằm để đọc đi đọc lại một tập thơ trẻ. Tập thơ đầu tay lại của một người làm thơ tuổi đời còn trẻ nên hy vọng thơ càng trẻ hơn. Không chỉ Ngô Liêm Khoan mà tôi nghĩ bất kỳ nhà thơ nào cũng ước muốn như thế, bởi thơ có trẻ mới sống được bền lâu. Và tập Trở mình trong máng xối đầy sức trẻ đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc đẹp:

 

Gót chân của tôi giờ không còn bùn đất

Chiều thành phố nhìn sâu vào ký ức

Có nắng vàng… cuộn lá tre rơi

(Cội rễ)

 

Thật hạnh phúc cho người làm thơ nào giàu có về ký ức tuổi thơ, và theo tôi càng giàu có hơn khi tuổi thơ ấy gắn liền với “đồng sình cỏ lác”, để rồi:

 

Những câu thơ tôi viết

Trời xanh lén gieo vào đó hạt buồn

Nên đến ngày thu hoạch

Được từng chùm mây trắng đang bay

(Dự cảm)

 

Thơ hiện đại không nhất thiết lúc nào cũng lập tứ. Hạt chữ được “ném” đúng chỗ tự thân sẽ nảy mầm, sẽ phát sáng, sẽ tuần hoàn, sẽ ảo diệu đến… vô ngôn.

 

Giống như phần lớn các nhà thơ trẻ cùng thế hệ mình, Ngô Liêm Khoan có điều kiện học hành, tiếp thu nhiều nguồn tri thức mới, trong đó có kiến thức mới về thơ. Vì vậy, sự tìm tòi cách tân để thể hiện một giọng điệu mới, thẩm mỹ mới là một nhu cầu tự thân tất yếu. Mới nhưng có sự kế thừa truyền thống và vẫn tựa vào “cột sống thơ” vĩnh cửu. Này đây là hình ảnh mẹ mỏi mòn chờ con:

 

Anh mắt không còn đi hoang

Cái nhìn tì vào ô cửa

Đêm ở bên kia đồi

Bóng người đã dáng ngồi tựa cửa

(Bóng người đã dáng ngồi)

Hay cảm quan tinh tường có tính phản kháng về một hiện thực:

Sài Gòn nắng đến độ

Em phủ kín khẩu trang

Ta chỉ còn biết yêu đôi mắt

Sài Gòn bụi đến độ

Ta lạc mất mùi nhau

Sau một chiều kẹt xe vô cớ

(Sài Gòn)

 

Và còn nhiều cách cảm, cách nghĩ, cách trình bày mới nữa trong thơ Ngô Liêm Khoan: Chỉ một rằm thôi mà suốt đời nguyệt thực; Mình hôn nhau- Một bàn tay trẻ thơ mơ màng chạm vào nụ hoa bất tử; Mở ra một thế giới đầy hoa- Tôi trôi dạt trên mượt mà mạ non; Tiếng chim hót hôm qua cất lên từ tĩnh lặng- Đất khắc khoải chờ… rơi một mảng trời xanh;

 

Mới tập thơ đầu tay mà Ngô Liêm Khoan đã tìm cách “trở mình” như vậy thật đáng quí. Thi ca là hành trình đổi mới không ngừng. Từ nội lực của nhà thơ trẻ gốc Bình Định, tôi tin anh nhất định sẽ sớm thoát khỏi “máng xối” để bay đến những chân trời xa…

Điều đó cũng có nghĩa tôi còn dịp mất ngủ vì thơ Ngô Liêm Khoan.

 

(Theo Người đương thời)

Phan Hoàng
Số lần đọc: 3084
Ngày đăng: 22.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Từ Cửa mở đến Cửa đã mở * - Đặng Huy Giang
Trần Đại Nhật là người làm thơ mang hai dòng máu Hàn-Việt. - Hồ Ngạc Ngữ
Hãy nằm im và lắng nghe những vũng nước xanh lơ xôn xao trong đầu - Cổ Ngư
Suy nghĩ về tập thơ Mắt Giấy của Nguyệt Phạm - Nguyễn Đức Hiệp
Sách vi phạm tác quyền dự thi Tiểu thuyết VN lần 3 - Thanh Huyền
Xin chào thơ, giữa con đường… - Nguyễn Thị Thanh Xuân
Bốn yếu tố từ một giòng thơ đương đại - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Thơ và tiến bộ khoa học kỷ thuật - Lý Lan
Thư ngỏ gửi Hội nhà văn Việt Nam - Vũ Ngọc Tiến
Giải thơ “Lá trầu ” và sáu nhà thơ nữ - Huỳnh Như Phương
Cùng một tác giả