Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.889
 
Cha tôi
Trần Huy Thuận

Tôi mồ côi Cha từ lúc tôi mới 9 tuổi, những ký ức về Người không nhiều, nhưng rất ấn tượng trong tôi, đi theo tôi suốt cuộc đời.

 

Xuất thân từ một gia dình nông dân thuộc một miền quê có tiếng nghèo khó nhất Tỉnh: “Nam Định tứ cùng, Phong, Ý vi tối” – Nam Định có bốn (huyện) nghèo, Phong Doanh và Ý Yên là kém nhất! Quê tôi thuộc một trong hai cái địa danh “vi tối” đó! Vi tối không chỉ về kinh tế, mà vi tối cả trong văn hoá sống, văn hoá ứng xử. Càng lớn lên, tôi càng nhận ra điều ấy. Thật kỳ lạ, một cái làng chỉ cách Thành phố mươi ki-lô-mét, lại nằm ngay cạnh đường Quốc lộ và đường sắt xuyên Bắc – Nam, vậy mà “ánh sáng văn minh” không thể lọt được đến đây. Làng gì mà cho tới tận cuối thế kỷ thứ hai mươi, một cái giếng nước sạch cũng không có; tất cả mọi sinh hoạt ăn uống tắm giặt... đều quanh cái ao tù. Trên ao tù là cái ... “cầu tõm” truyền thống - Nhiều năm trời, người quê tôi đi đến đâu, cũng bị người ta gọi là “dân cầu tõm”, là vì thế!

 

Chỉ tới sau năm hai ngàn quê tôi mới có “nước máy”, nhưng phải mấy năm sau mới lác đác có một số gia đình chịu dùng. Có thể vì họ quá quen với cái ao “gia truyền” của họ; nhưng chủ yếu vẫn là do đời sống quá... “vi tối”! Cái “văn hoá” sớm nhất được “cách mạng”, chính là cái “cầu tõm”! Điện thì có sớm hơn, nhưng hoạ hoằn lắm họ mới “bật” lên, cho cái ánh sáng văn minh rọi lên mặt một lát, rồi vội vàng tắt luôn! Cơ sở đời sống như thế, làm sao người nơi đây “mở mày mở mặt” ra được?

 

Dần dà tôi cũng hiểu ra rằng, nếu như ngày ấy, Cha tôi không quyết định rời bỏ quê hương, để ra thành phố kiếm kế lập thân, thì liệu không biết đời sống gia đình tôi, anh chị em tôi, có được như sau này?

 

Là một nông dân, nhưng Cha tôi rất “khéo tay”, ông học được nghề chạm khắc từ ai đó và nhanh chóng trở thành ông chủ hiệu làm hoành phi câu đối từ bao giờ? Khi Nhà nước bảo hộ mở hội “đấu sảo” (gần giống như Hội trợ triển lãm ngày nay), Cha tôi đã tham gia. Gian hàng của Ông được Vua Bảo đại đến thăm, bắt tay. Một bức hoành khổ lớn do Cha tôi làm, được chọn bầy trong Đại nội Huế và Cha tôi được thưởng “mề đay”! Vinh dự lắm! Nhưng Cha tôi chưa kịp tổ chức “ăn khao” cái vinh dự ấy với dân làng, thì Cách Mạng Tháng Tám nổ ra. Thế là bức ảnh chụp bắt tay Vua cùng chiếc “mề đay”  phải giấu biệt - mặc dầu đó chỉ là biểu trưng của thành quả lao động trong cuộc đời làm nghề của Ông!

 

Rời cái làng quê “vi tối” ra Thành phố lập nghiệp, Cha tôi đã từ người Nông dân, chuyển thành người Công nhân, rồi người Chủ. Thợ  của “cửa hiệu” Cha tôi tuyệt đại đa số là con cháu tuyển chọn từ quê ra, được Cha tôi truyền nghề, nuôi nấng. Với gia đình tôi, họ vừa là “con cháu”, “anh em”, vừa là “kẻ học việc”, là “thợ thuyền” trong nhà! Cha tôi cư sử bình đẳng với họ và họ cũng coi Cha tôi là một ân nhân, người đã kéo họ ra khỏi cái ao tù quê hương, tạo nghề nghiệp và thay đổi cuộc sống cho họ. Cho nên khi Nhà Nước tiến hành công cuộc “cải tạo Công – Thương nghiệp...”, gia đình tôi không bị những người thợ cũ đấu tố là “bóc lột”. Anh chị em chúng tôi nhờ thế mà có cuộc sống và công tác khá yên ổn! Nối tiếp Cha, anh em tôi cũng đã giúp đỡ được một số con em dân làng ra Thành phố làm việc, có cả mấy người được đi lao động, học tập ở nước ngoài nữa (nghe nói có anh nay đã trở thành hiệu trưởng hiệu phó một trường đại học trên Thủ đô! Nhưng chỉ nghe nói thôi, chứ anh chị em tôi đã nhiều năm nay, không gặp lại họ).

 

Hàng năm, vào dịp “tháng ba ngày tám” đói kém, Cha Mẹ tôi thường về quê “phát chẩn” cứu tế dân làng. Ngày bố đồng chí chủ tịch xã đương nhiệm còn sống, ông thường kể lại cho anh chị em tôi, chuyện ông lợi dụng lúc Cha tôi sơ ý, lẻn ra lẻn vào nhận quà phát chẩn tới hai ba lần! Ông này về sau cũng được Cha Mẹ tôi cưu mang, đưa ra Thành phố dậy nghề, trở thành thợ chủ lực của nhà chúng tôi thời trước Cách Mạng.

 

Cha tôi đặt tên “cửa hiệu” (thời nay gọi là doanh nghiệp, là công ty,...) là Thành Mỹ. Vâng! Không phải là “Thành Phát”, “Thành Lộc”,... mà là Thành Mỹ. Mãi sau này, tôi mới hiểu được ý nguyện sâu xa của Người: Cái ĐẸP hoàn mỹ là cái quan trọng nhất trong đạo làm Người!

 

Khi Cha Mẹ tôi trở thành giầu có, giống như bao nhiêu người giầu có khác, Ông Bà cũng muốn có một chức sắc gì đó để khỏi mang tiếng “bố cu, mẹ đĩ”! Và điều đó cũng phù hợp với yêu cầu của dân làng muốn có chút tiền để kiến thiết quê hương. Nhà quê cử các Cụ Bô lão ra gia đình tôi “đàm phán”. Hai ý tưởng gặp nhau, một bên đem chức “Lý trưởng” rao bán, một bên bỏ tiền ra mua. Thế là Cha tôi trở thành Cụ Lý. Đó là chức “Lý trưởng mua”, chỉ có tiếng chứ tuyệt không có chút quyền lực gì! Ấy vậy mà sau này, anh chị em chúng tôi cũng khốn đốn về cái “hư danh’ ấy, mãi cho đến thời kỳ đổi mới của Đất nước!

 

Cha tôi mất năm 1946, đúng vào dịp kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Đường phố dựng cổng chào, chăng đèn kết hoa rực rỡ. Đám ma Cha tôi vô tình được đi dưới những cổng chào và chùm đèn hoa ấy! Thằng bé chín tuổi là tôi, mặc áo xô, đi guốc gỗ, đầu đội nùn rơm, tay chống gậy tre; cùng các anh chị đi sau linh cữu. Ai trông thấy tôi lúc ấy cũng thấy thương, thấy “tội nghiệp cho thằng bé sớm mồ côi Cha”! Còn bản thân tôi lúc ấy, chưa hẳn đã cảm nhận được cái “tội nghiệp” của số phận không có Cha trên đời! Chín tuổi, còn bé quá - người ngày xưa lại dại, không khôn ngoan như bây giờ, nên lúc ấy tôi đâu có khái niệm “khóc như Cha chết” là khóc như thế nào!

 

Nhưng câu chuyện này về Cha thì tôi nhớ: Trước khi Ông trở bệnh nặng, ông có gọi anh Cả tôi đến bên giường và hỏi:

- Thầy đọc báo thấy nói, rồi đây mọi người đều bình đẳng, ai cúng được ăn học đầy đủ. Vậy Thầy hỏi anh, sau này lấy ai đi “thay thùng”[1]?

 

Khoa học tiến bộ, Xã hội ngày càng văn minh. Bây giờ không còn người đi thay thùng nữa. Điều Cha tôi băn khoăn, theo nghĩa đen, hình như đã được giải quyết. Nhưng còn nghĩa bóng? Vâng! Nghĩa bóng của câu hỏi, thì có lẽ còn lâu lắm mới có thể trả lời được. Chắc phải vậy thôi!.. Chúng ta đang sống trong môi trường mà sự phân biệt giầu nghèo đang có những “bứt phá ngoạn mục” (!) – thì còn lâu lắm, điều trăn trở của cha tôi, một người dân bình thường, mới có thể giải đáp được! 

Vâng! Chắc phải vậy thôi!..

 



[1] “Thay thùng”: Ngày xưa chưa có hố xí tự hoại, tôi tối đường phố thường có đội quân mang thùng, mang móc sắt đi đến từng nhà, gõ cửa để vào đổi thùng đã đầy phân!

Trần Huy Thuận
Số lần đọc: 3164
Ngày đăng: 25.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài học trong lịch sử : Ăn cơm nhà... 37 - Phạm Lưu Vũ
Dọc đường… Bia bọt - Trương Đạm Thủy
Đứng và Đi - Trần Huy Thuận
Chút tản mạn về MƯA MẶT NẠ… - GB
Vẫn chưa tìm được cô gái treo mùng - Trần Áng Sơn
Nơi không có thời gian - Nguyễn Đông Nhật
Nghe Bên Thềm Phố - Nguyễn Đông Nhật
Cung đàn muôn điệu - Trần Áng Sơn
Cà phê đa hệ Sài Gòn - Trương Đạm Thủy
Nhà thơ Mỹ Edgar Poe –Sự chết, Nước mắt và Tình yêu - Vương Trung Hiếu
Cùng một tác giả
Tắm gội! (tạp văn)
Đồng Môn (tạp văn)
Nợ ...miệng ! (tạp văn)
Đứng và Đi (tạp văn)
Cha tôi (tạp văn)
Thắng ngố - 8 (tạp văn)
Ngu lâu ! (tạp văn)
Con mèo lười (tạp văn)
Kẻ đóng thế (tạp văn)
Bầu bán! (tạp văn)
Thằng đổ vỏ (truyện ngắn)
Tội sống ! (truyện ngắn)
Hai bà góa (truyện ngắn)
Sợ ! (tạp văn)
Cái … danh! (tạp văn)