Ký ức trong mơ sẽ tuyệt vời, nếu ta quên nó trong mơ! Nhưng còn tuyệt vời hơn, nếu ta nhớ nó và cảm ơn nó, cũng trong mơ!... Anh Mịch rơi vào vế thứ hai của câu “bí ngôn” này. Anh nhớ ký ức trong mơ cũ và hôm nay cảm ơn nó. Đúng vậy, anh không thể quên! Không thể quên một ký ức trong mơ! Ừ, đó là… vào một buổi sáng cái hôm xa lắc, sau khi ăn Bánh Hỏi, uống Cà-phê, nghe người khoẻ khoắn, đầu óc phấn chấn, thế là anh Mịch khoan thai ngồi ngay ngắn trước máy vi tính…Ồ, một buổi sáng của mình! Nhà lại vắng vẻ! Thích thật! Nhưng viết thứ gì đây nhỉ ? – Anh mỉm cười vu vơ, khuôn mặt trông ngớ ngẩn - Văn xuôi mãi chán phèo, phải đổi gió, thử làm bài Thơ xem sao? – Anh lại mỉm cười - Ừ, chí lý ! Đã dính vào “cầm bút”, phải rán sáng tác đủ mọi thể loại, lẽ nào cứ viết mãi mỗi một thứ Truyện Ngắn chán đến chết! – Anh lại mỉm cười - Ừ, còn phải tập tành làm Phú, Câu đối nữa chứ? Đúng đấy! Đúng đấy, trong buổi sáng này phải hoàn tất một bài Thơ! Thơ phải ra Thơ, phải “nòi” cơ, không cho văn xuôi chen vào đấy nhé! Ờ, tổng quát đã thông suốt, nhưng làm bài Thơ gì bây giờ? Chà! Hoá ra sáng tác Thơ đâu phải dễ ăn! Khổ, trong đầu và cả trong bụng đâu có Thơ, chỉ có “Thẩn”!...Nhưng, việc này không quan trọng, vì trời đất đã cho ta buổi sáng này, ta buộc buổi sáng ấy phải gánh vác ý chí của ta! Phải có bài Thơ Tứ Tuyệt! Phải có, không lôi thôi!
Thế nhưng, Mịch cứ ngồi mãi, hết rứt hết lông mũi, lại vặt râu cằm, trong đầu rối rắm như cái rổ may, anh nhớ ra đêm rồi mình mất ngủ, đói bụng quá…Ồ, có ý Thơ sáng chói, anh lập tức gõ vào bàn phiếm:
Có những đêm mất ngủ
Nhớ ra mình cào ruột
Đêm đen chìm hàng quán
Nhai lương tâm lót lòng…
Mịch khoan khoái xoa tay, lại cười vu vơ…Được đấy chứ! – Tiếp, anh lại xoa bụng - Ồ, đâu đến nỗi nào! Trong bài này, đã ngầm chứng minh rằng tác giả có nhiều lương tâm! Mà toàn những lương tâm xài được! Tốt, nhân văn ra phết! Đúng là món “xịn”! “Nhai lương tâm lót lòng”. Khá lắm! Mịch ơi! Là Mịch! Mày là số dzách!
Đúng lúc này, có một ông già râu tóc trắng phau, tiên phong đạo cốt, vừa đi ngang qua, mắt liếc chéo nhìn vào màn hình:
Bài này, trên đầu sao không đề “Truyện Ngắn”?
Truyện ngắn? - Mịch cau mày, trố mắt nhìn sững ông già - Nó là Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, làm sao mà truyện ngắn được!
- Cứ chuyển sang “Truyện ngắn”! Không làm được à? Đề trên đầu “Thơ tứ tuyệt”, chú mày kiếm được mấy đồng?
Nghe thế, Mịch nhìn sững ông già một chặp, đoạn cưòi ngất:
- Hiểu rồi! Tôi làm được! Dư sức, lão bá ơi! Cơm trưa là xong ngay!
- Nên nhớ! – Ông già chích ngón tay vào trán anh, giọng đe nẹt – Chú mày không là cái “thá” gì trong nền văn học đồ sộ này cả! Đã có khối người giỏi giang đi vào Văn học sử, báo khổ học sinh phải lao đao học về họ để thi cử! Cho dù chú mày có giỏi đến mấy, cũng đừng nhẫn tâm như tiền bối, khiến hậu sinh khổ sở! Cố gắng viết thấp xuống, dài ra, mướt lại, cho mát lòng mát dạ…Sống phải có Đức! Tình yêu không được gãy gánh, lớp trẻ phải học giỏi, người già phải thọ và cười suốt ngày, trẻ con mau lớn…để anh có ít đồng mà phục vụ những điều tôi vừa kể trên! Vậy là anh thành công rồi! Phía nào tiền khá hơn, hãy lao về phía khá ấy…Nếu Thơ nhiều tiền, hãy làm Thơ! Tiền nằm được vào túi mình, bao giờ cũng dư khả năng mang lại hạnh phúc! Còn nếu nó không mang lại hạnh phúc cho mình, thì đó là đồng tiền trong túi kẻ khác!
- Nhưng ông là ai?
- Ta là nhà văn thời Thượng cổ khi chưa có chữ viết!
- Thời ấy chưa có Tiền, sao ông hiểu rõ đồng tiền gớm thế?
- Ngọc Hoàng cho ta sống lại để tham quan thời này nên có kinh nghiệm!
- Vậy tôi biết rồi!
- Biết gì?
- Biết cái tôi không biết!
- Tốt! Thế thì tương lai sẽ khá!
Khi ông già đã đi khỏi, anh ngồi thần người…Ừ, có lẽ ông ấy nói phải! Sống chỉ một lần và chết cũng chỉ một lần, việc quái gì buộc tham vọng vào người cho khổ thân! Lừng danh ư? Nổi tiếng ư? Cuốc bộ vào Văn học sử ư? Quả là bọt bèo trên đầu ngọn sóng!
Buổi sáng hôm ấy, nghe lời ông già, anh treo bài Thơ tứ tuyệt như một chủ đề lơ lửng cho truyện ngắn mình, cứ thế anh phủ dày từng chi tiết hư cấu, thổi áp suất khí quyển căng thẳng vào truyện, để cuối cùng…hoá ra “món lương tâm không ăn được”, nhân vật chịu nhịn đói một cách kiên cường! Nhưng tuyệt đối không được phép làm bậy! Truyện đúng 2500 chữ, đào sâu, nhiều khả năng gợi mở!
Ừ, từ cái buổi sáng “mang chất định mệnh” ấy, ngòi bút anh khác hẳn, anh bỗng viết dễ dàng thể loại Truyện ngắn! Và, thậm chí, viết bất cứ thứ gì cũng thành Truyện ngắn! Anh Mịch đã thành người của một thể loại, từ cái ngày gặp ông già nhà văn thượng cổ!
Anh còn nhớ, lúc ông già trở lại, đọc duyệt truyện ngắn ấy, đã gắt gỏng:
Tại sao anh không đưa bài Thơ Tứ Tuyệt hồi nãy vào truyện luôn?
Nghe lời ông, tôi chuyển thể nó thành truyện ngắn rồi! Ông vừa đọc đấy!
- Chuyển thì cứ chuyển, nhưng còn cái xác bài thơ, chú mày phải nhặt lại dùng nữa, bỏ đi sẽ uổng nổ lực chất xám! Hao ca-lô-ri! Truyện ngắn phải là cái giỏ cà-xé đựng không sót thứ gì!
- Giỏ cà-xé à? Nghe tầm thường quá vậy?
- Thế, giỏ cà-xé không đựng vàng được à?
- Tôi hiểu rồi!
- Ờ, cứ cái giỏ ấy mà xài!
- Này! Ông có viết truyện ngắn không?
- Ta chỉ bày chú mày viết thôi! Nay già rồi, viết chi cho mệt! Thích rong chơi, gặp người nào có ma y thần tướng văn học, ta mách vài chiêu kiếm chút tiền uống rượu!
Nghe thế, Mịch nín khe, trong tầng sâu anh cảm thấy mình kém cỏi về nhận thức văn học và cả cuộc sống ! Anh cười ruồi:
- Nhưng…ông nói rõ hơn, dĩ nhiên theo kiểu ông, về cái giỏ cà-xé truyện ngắn nghe nào?
- Thì cũng phải có tí rượu, tí nhắm cho đỡ nhạt mồm đã chứ?!
- Dạ, có ngay.
Mich lật đật xách ra chai rượu củ tỏi cùng ít nem chua...Nhìn thấy thế, ông già vuốt râu, khoan khoái nói:
- Truyện ngắn như cái giỏ cà-xé! Đúng, cái giỏ cà-xé đó, đựng vật gì cũng được, to nhỏ đều bỏ vào lọt ráo…Nhưng, muốn đựng nước, mục đích cái giỏ, chú mày phải nhớ, là cho nước chảy ra! Còn như đựng không khí, mục đích cái giỏ, là cho không khí thông thương! Hoặc dùng đựng lửa, mục đích bản thân cái giỏ phải cháy đi để phát lửa! Đại khái như thế! Những người cao tay, lão luyện, thường dùng nó để đựng nước, đựng lửa, đựng gió, và cả sấm sét…Họ đựng xong, lập tức cái giỏ cà-xé tiêu đời nhà ma, và họ hăm hở đan giỏ khác! Còn người kém cỏi, cứ dùng mãi một giỏ cũ mèm, đựng vào lấy ra đủ mọi thứ! Chú mày đừng bắt chước số người này nhé! Tự diệt vong người đan giỏ!
- Cái giỏ ấy tự mình đan hay mua?
- Phải tự đan chứ! Nếu đựng không khí, phải đan thưa ra, để không khí ra được. Nếu đựng than hồng, phải đan xồm xàm cho dễ cháy. Nếu đựng giun dế, phải đan chặt chẽ và mở nắp cho nhảy đi v.v…Dứt khoát không xài giỏ mua! Đan cái giỏ để đựng mà mục đích là cho nó ra! Chú mày thông chưa?
- Cái giỏ ấy đan bằng gì?
- Bằng chữ! Đó là vật liệu phát sáng nên dễ cháy! Đó là vật liệu đâm chém nên dễ gãy! Đó là vật liệu mơn trớn nên dễ tan! Một loại vật liệu đặc biệt tồn tại được nhờ phá huỷ! Chú mày phải nắm vững nó, thận trọng nó, yêu quí nó và coi rẻ nó! Chú mày hiểu chưa?
- Hiểu lờ mờ.
-Thế cứ đan sẽ hiểu.
Nghe ông già nói, anh rối rắm quá, nhưng không dám hỏi nhiều, sợ ông ta chê mình ngu. Anh rót rượu, bóc nem, mời ông già ăn uống, cụng ly.
-Thưa ông, mục đích của truyện ngắn để làm gì?
- Lâu nay chú mày viết mà không biết mục đích của nó à?
- Viết mãi nhưng không quan tâm mục đích!
- Mục đích kiếm tiền! Nên ta bắt chú mày từ thơ Tứ tuyệt phải chuyển thể qua truyện ngắn đấy chứ? À, chú mày nhớ phải cho cái xác bài thơ vừa rồi vào đấy nữa nhé! Vậy là nó dài thêm một chút và có chứa cả thơ!
Uống rượu, ăn nem, nói xong ông già biến mất! Anh gọi giật lại, nhưng ông già vẫn biến mất! Anh giật mình thức giấc...Anh ngơ ngác nhìn quanh quất...Hoá ra mình vừa ngủ ngồi! Trước mắt anh là màn hình máy vi tính tối sầm vì đã tắt nghỉ tự động. Mịch thò tay lắc xoay con chuột. Màn hình hiện ra truyện ngắn CHUYỂN SANG THỂ LOẠI... Ừ, đúng là truyện ngắn do ông già bày mình viết ra! Thế này là thế nào? Anh dụi mắt, nhìn sững vào màn hình. Anh nhấp chuột vào Tools, kích word count, đúng đắn là 2500 chữ! Úi trời! Úi trời!...
Đột ngột, Mịch nghe đau nơi bả vai, rồi đau siếng nơi bắp vế. Anh bật ngồi dậy.
Hừ, vợ mình vừa véo mình, vừa đánh mình à? Anh căng mắt nhìn vợ đang đứng chần ngần trước mặt:
- Bà vừa véo tôi à? Vừa đánh tôi hả?
- Đâu có!
-Thế còn cái máy vi tính có truyện ngắn CHUYỂN SANG THỂ LOẠI của tôi đâu?
- Ơ hay cái lão chồng này! Ông biết ông đang ở đâu không?
- Ở đâu?
- Ở trong mơ!
Nghe nói “Ở trong mơ!”, anh giật thót. Anh mở mắt. Trước mắt anh lại có chiếc máy vi tính, nhưng không có truyện ngắn CHUYỂN SANG THỂ LOẠI.
Và, anh đặt năm ngón tay vào bàn phím viết ngay nhan đề CHUYỂN SANG THỂ LOẠI, tiếp anh ghi “Kính tặng hiện thực cho ông già nhà văn thượng cổ trong mơ”. Xong, anh vươn vai ngáp một cái lê thê, rồi đứng dậy vừa đi vào giường nhủ vừa nói lớn giọng vui vẻ:
-Tặng ông già nhà văn thượng cổ...thì không cần viết làm gì cho phí sức! Vì thượng cổ chưa có chữ viết! Mà đã không có chữ viết thì đào đâu ra nhà văn! Thế thì càng không cần viết làm gì cho phí sức!
Và, chính thức lúc này là 12 giờ đêm. Anh vừa đi vào giường vừa nói lảm nhảm:
-Mà chắc gì đang đi đây là thực! Eo ôi! Xin cảm ơn! Và trên cả tuyệt vời!