Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.119
123.228.903
 
CON GÁI CỦA RỪNG
Đào Hiếu

Truyện ký

 

Cô gái người Châu Mạ xòe bàn tay ra. Tôi hỏi:

-Ngón nào đeo nhẫn?

-Ngón áp út.

-Không phải. Ngón trỏ.

-Tại sao?

-Vì đó là ngón tay bất hạnh nhất trong bàn tay của em.

Nó có một đường rãnh như vết dao cắt. Cái rãnh ấy do động tác ngắt lá chè ngày nọ qua ngày kia, năm này sang năm khác tạo ra.

Và đó cũng không chỉ là ngón tay của Ka Hèng. Đó là ngón tay của tất cả những cô gái hái chè ở Lâm Đồng.

Tội nghiệp cho cái ngón tay bất hạnh đó. Sao không có ai cầm lấy nó và đưa lên môi hôn?

*

Đồi chè vây quanh chỗ ngồi, trải xuống thung lũng, chập chùng qua các sườn núi. Chè làm cho nắng có màu xanh lá.

Nhưng áo của Ka Hèng thì đen. Một cái áo khoác cũ. Em mua ở vỉa hè Đà Lạt. Có mười ngàn đồng. Đã sờn rách. Đã bạc màu. Tôi thương cái áo đó. Và thương ngón tay trỏ của cô gái người Châu Mạ.

Chúng tôi nghỉ trưa ở lưng chừng đồi, ngay dưới gốc mít. Cơn mưa chợt đến. Gió núi lùa mưa ướt mặt. Ướt cả quần áo. Mưa ngăn chúng tôi trở về vì sườn núi trơn trợt. Xe máy không lên nổi. Cô gái lấy trong gùi ra một ổ bánh mì và bẻ đôi.

-Anh thử ăn đọt chè với muối nhé? Những lúc không có gì ăn thì tụi em vẫn ăn như vậy.

Bữa trưa thật khác lạ. Đọt chè đắng, chát.

Ka Hèng nhìn tôi ăn. Như một người mẹ bao dung. Và cười. Đôi mắt người Châu Mạ nào cũng đẹp.

Rồi cô hát.

Tôi không muốn thi vị hóa cuộc hội ngộ này. Tôi không muốn trang điểm cho cô gái này. Vì thực sự cô hát hay hơn tôi tưởng. Cô hát hay hơn bạn tưởng.

Không gào thét, không hú, không cố ý làm cho hoang dã. Cô hát tự nhiên như suối chảy. Như gió lướt qua đồi nương. Vừa đi vừa hát. Vừa hái chè vừa hát. Hát trên đồi sim, hát trên đồng cỏ may đỏ tía. Hát bên đống lửa, giữa rừng đen, sâu thẳm, bí ẩn và im lặng. Đó là bài LangBiang Buồn (LangBiang Xơninh). Mọi người im lặng. Những ngọn gió cũng im lặng. Con dơi rừng xếp cánh lại.

Tôi đứng lên, tách khỏi vòng tròn quanh đống lửa, bước vào rừng đêm. Trong ánh sáng mờ ảo lung linh, hiện ra một khóm hoa dại, không biết màu gì. Nó như một ân huệ của thần rừng vừa ban xuống.

Tôi đem hoa tặng cho người con gái đang hát:

 

Cao nguyên, nghe trong anh hồn núi

Thổn thức đêm nay

Nỗi buồn ngàn thu

Hởi anh yêu! LangBiang ta trầm lắng

Ôm ấp bao tình, quyện từ muôn phương.

Đó là một chất giọng độc đáo, nhưng lâu nay nó chỉ dành cho gió núi, cho nương rẫy.  Một giọng hát lẽ ra phải được dành cho cả dân tộc Châu Mạ, và dành cho Việt Nam.

Mưa đã tạnh. Bánh mì, đọt chè và muối đã hết. Nhưng giọng hát thì bất tận. Núi rừng Bảo Lộc đã nhập vào Ka Hèng. Cô đang hát lời của con nai dậy thì trên đồi sim, lời của con chim chào mào dưới lũng thấp.

*

Năm tám tuổi Ka Hèng học lớp Một. Học ba năm liền không lên nổi lớp Hai. Ka Hèng nói: “Không muốn đi học. Chỉ muốn đi cắt cỏ thôi.” Ở xã người ta dụ: đi học sẽ được lãnh ổ bánh mì. Cô bé đến lãnh ổ bánh mì rồi trốn về. Nhưng cuối cùng cũng đi học. Ngày học, ngày cắt cỏ, nên ba năm không lên được lớp Hai.

Khi Ka Hèng mười tuổi, cô giáo nghỉ đẻ, không có người thay thế. Cô nói: Ka Hèng nó thông minh lắm, có thể dạy học được.

Từ đó trong buôn có cô giáo mười tuổi mới học tới lớp Một.

Năm mười bốn tuổi gia đình Ka Hèng từ Lộc An chuyển về Bảo Lâm, mẹ ở chung với dì, nhà rất đông người. Ka Hèng thích vô rừng sống một mình.

Năm năm đơn độc giữa mây núi. Không biết đến loài người. Cô gái tuổi teen ấy làm con của rừng.

Mười bốn tuổi, mỗi tuần gùi củ mài ra buôn làng đổi gạo, muối. Hai mươi cây số đường rừng. Đi từ sáng và về một mình trong đêm. Đi theo ánh sáng của bầy đom đóm. Âm thầm như con nai nhỏ. Như con chim bay về tổ của mình.

Đó là thời gian cô sống bên này suối.

Thế giới của Ka Hèng là bên này suối. Nhưng năm mười chín tuổi cô đã đi theo tiếng gọi của trần tục mà về sống với con người bên kia suối, nên bất hạnh đã vây phủ cô.

Nó đến trong đêm, khi Ka Hèng đang ngủ. Chợt cảm thấy có ai nằm cạnh mình, quay lại. Bị hôn ngay miệng. Đó là một gã người kinh. Cô bỏ chạy ra suối rửa mặt, súc miệng. Nhưng gã người kinh ấy lại ngỏ lời cầu hôn.

Gia đình Ka Hèng hỏi :

-Cha mẹ đâu ?

Anh ta nói mình lớn lên trong trại mồ côi. Không biết quê quán. Không biết cha mẹ. Ka Hèng hỏi tôi :

-Sao người kinh hay nói dối vậy?

-Sao biết hắn nói dối?

-Vì em lấy được chứng minh nhân dân của anh ấy. Quê ở Thái Bình. Cha mẹ đều còn sống.

-Vậy sao em cũng lấy nó.

-Em nghĩ là nó thương em. Chị em hứa: mày lấy Ka Hèng tao cho mẫu chè.

Nó chịu. Nhưng đêm tân hôn nó bỏ đi nhậu với tụi thợ rừng. Em nằm một mình buồn quá. Khóc. Nửa đêm ra ngoài tìm chồng. Đi ngang nhà thờ nghe tiếng thánh ca. Đó là lần đầu tiên em không hát cho ca đoàn trong đêm Giáng Sinh. Mà lại lang thang trong đêm tối.

Hồi ở trong rừng em vẫn hay đi một mình trong đêm tối như vậy. Chợt sống lại cảm giác ấy. Không buồn nữa. Đứng dưới bóng cây mà hát. Rồi cứ thế, đi và hát trong đêm. Không một ai trên đường. Không một ai trong buôn làng còn thức. Chỉ có Đức Chúa Trời nghe em hát như ngài vẫn thường nghe em hát trong nhiều năm dưới mái nhà của Người.

*

Hai mươi tuổi Ka Hèng có bầu. Người chồng bán mẫu chè và bỏ đi biệt tích. Ka Hèng vô rừng ở, lần thứ hai. Không tiền bạc. Không của cải. Nhưng rừng là nhà của cô. Vẫn còn những củ mài, măng tre, lá bép và suối.

Nhà của Ka Hèng ở lưng chừng đồi. Nó mảnh khảnh và tơi tả.

Buổi sáng lại gùi củ mài và măng ra buôn đổi thực phẩm. Vẫn hai mươi cây số đường rừng. Trở về trong đêm. Cọp thường ngủ trong đồi sim. Nhưng cọp cũng thích nghe Ka Hèng hát. Giống như lời ru. Ru được cả thú dữ. Con đười ươi, con gấu, đến con rắn cũng thích nghe Ka Hèng hát. Chúng thân thiện với cô như trong cổ tích.

Chỉ có con người là mang mầm mống của sự bất trắc. Hai thằng con trai đứng ngay đầu cầu. Cây cầu khỉ bắc qua suối.

-Đưa trái thơm thì cho qua.

Trong gùi của Ka Hèng có gạo. Và hai trái thơm. Cô lấy một trái, cầm cái cán như cầm quả chùy.

-Có phải trái này không?

-Hai trái mới được.

-Vậy tôi đếm đến hai nhé.

Và đếm : một, ha..i... Tiếng « hai » chưa kịp thốt ra thì một gã con trai đã văng xuống suối. Gã còn lại ngoan ngoãn tìm cách kéo đồng bọn lên.

Nhưng lại có một gã to con hơn. Râu quai nón, tóc dài. Gã không chặn đường. Không chọc ghẹo. Gã theo dõi. Lén lút. Giấu mặt. Ban đầu Ka Hèng rất sợ. Lần thứ ba, lần thứ tư vẫn không ra mặt. Khi thì theo sau, khi đi song song, lẫn trong cây rừng, khi ẩn hiện phía trước, có lúc từ trên ngọn cây cao nhìn xuống.

Nhiều tuần trôi qua như vậy. Ka Hèng không còn cảm thấy bị đe dọa. Hắn giống như người được thần rừng sai đi bảo vệ cho cô. Ngay cả trong đêm, cô không thấy hình dáng của gã nhưng những tiếng động gã gây ra cũng rất quen thuộc. Vì không sợ nữa nên cô lại hát. Có thể gã không phải là người. Vì làm sao lại có người bỏ công theo đuổi suốt ngày đêm như vậy? Chẳng lẽ đó là một gã si tình ?

Lại có khi Ka Hèng rình gã. Thấy gã từ trên ngọn cây nhảy xuống, nhanh như một con vượn. Râu tóc rất dài. Nhưng mặt là mặt người. Một người đàn ông cao lớn và cũng có thể gọi là đẹp trai. Đến khi gã phát hiện mình bị theo dõi thì trốn biệt. Biến mất trong rừng dày. Suốt một tuần không hề thấy tăm hơi. Chỉ có một lần Ka Hèng tắm suối. Cô để ngực trần. Và hát vang cả rừng núi. Chợt nghe tiếng động trong nhánh cây thấp. Cô ngừng hát. Nhưng vây quanh cô chỉ là những tầng tầng lớp lớp lá rừng dày đặc. Rừng cũng đang nín thở, nghe ngóng.

Cô nghĩ rằng gã đã bỏ đi nơi khác rồi. Và từ đó cô không bận tâm đến gã nữa.

*

Có một ngày Ka Hèng thấy thèm chua. Mà ổi thì mới ra hoa. Trong rừng không có quả gì. Cô đi lang thang bên suối tìm lá giang. Nhưng không có. Chỉ gặp một bụi lá bứa chua chua chát chát. Nhưng rất là ngon. Ăn một bụng, còn để dành cho ngày hôm sau.

Nhưng hôm sau đến thì thấy một con bò rừng đang ăn khóm lá bứa của mình. Nó to quá. Không đuổi đi được. Đành phải chạy đến tranh ăn với nó.

Và ngày hôm sau thì không còn gì để ăn.

Cơn thèm chua lại đến. Cô vuốt ve cái bụng bầu của mình. Con ơi. Mẹ đói như thế này thì làm sao con no được?

Ngày kia có một chàng trai lạ bơi qua suối.

Anh ta nhìn thấy một cô gái hai mươi tuổi, mang bầu và ở một mình trong rừng. Lễ vật của chàng là một nửa gùi sim chín. Chàng hái sim trên đồi cù.

-Cô ở đây có một mình sao?

-Tôi thích ở một mình.

-Chồng đâu ?

-Không có chồng.

-Sao có bầu ?

-Con của rừng đấy.

Hôm sau chàng trai lại đem đến một nửa gùi bắp. Lần thứ ba là muối. Chàng trai rủ Ka Hèng đi hái sim. Họ đi từ sáng và đến đồi cù vào giữa trưa. Sim dày đặc, trái chín đen cả một vạt rừng. Gió mát quá. Ka Hèng len lỏi giữa những bụi sim cao ngang mặt. Hai người tung tăng như hai con nai nhỏ hồn nhiên.

Chợt nghe tiếng thở của con thú lớn. Một con cọp đang ngủ say. Chàng trai cầm cái xà gạt thủ thế. Ka Hèng lùi lại. Nhưng không sợ. Cô thấy con cọp cũng hiền lành khi nó ngủ. Chàng trai nói:

-Cô giữ cái đuôi nó đi. Tôi sẽ cho nó một nhát.

Ka Hèng thích trò chơi đó. Cô chụp lấy cái đuôi con cọp. Nó giật mình thức dậy. Gầm lên một tiếng. Nanh vuốt giương ra hết cỡ. Chàng trai ném cây xà gạt bỏ chạy.

Ka Hèng không còn sự chọn lựa nào ngoài việc giữ chặt cái đuôi khủng khiếp của con mãnh thú. Người và thú xoay vòng tròn. Cô gồng mình, mười ngón chân cày xới mặt đất tóe máu. Mặt đất cũng rách nát.

Quần áo Ka Hèng thì tả tơi, tóc bê bết mồ hôi, sợi dây chuyền bằng hạt cườm đứt tung, vung vãi trong cỏ gai. Cô bắt đầu đuối sức nhưng không dám buông tay vì buông tay là chết. Trong giây phút tuyệt vọng ấy một đám thợ rừng xuất hiện, la hét. Ka Hèng buông cái đuôi ra, ngã quỵ trên vòng tròn nham nhở đất cát.

Cọp phóng vào rừng.

Cô lại trở về căn nhà sàn tả tơi của mình.

Một đêm trăng mờ, chàng trai hôm trước lại bơi qua suối. Lần này anh ta không đem theo quà. Lặng lẽ bước lên cầu thang, ngồi xuống bên bếp lửa. Ka Hèng đang khâu lại cái xà rông rách nát do quần nhau với cọp hôm trước. Hai ngưòi đều không nói lời nào. Cuối cùng chàng trai mở lời.

-Anh có lỗi với em.

Im lặng.

-Hãy cho anh ở lại đây đêm nay để canh ngọn lửa cho em.

-Về đi!

-Hãy cho anh ở lại.

-Tôi bảo anh về!

-Nếu không về thì sao?

Ka Hèng ném cái xà rông xuống sàn nhà. Hỏi:

-Anh nghĩ gì về một cô gái dám sống một mình trong rừng?

-Anh thương em.

-Bây giờ anh có đi về không?

-Hãy cho anh ở lại.

Ka Hèng bước lại phía vách lá, đẩy cánh cửa sổ.

Không phải ánh trăng lùa vào. Không phải gió lùa vào. Mà một đàn dơi rừng như cơn bão đen từ địa ngục lùa vào.

Chàng trai biến mất trong chớp mắt. Chỉ còn là một khối đen có cánh, lúc nhúc và rối rít. Cái khối đen ấy lăn tròn xuống cầu thang.

Đàn dơi tung mình lên. Lấp lánh ngàn đôi cánh của bóng tối.

Chàng trai nằm bất động. Ka Hèng lại ngồi bên bếp lửa, tiếp tục vá cái xà rông. Một lúc sau, cô nghe tiếng bước chân dẫm trên lá khô. Và tiếng một con chim tu hú kêu trong rừng sâu.

*

Cái thai vẫn tồn tại sau trận ác chiến với con cọp nhỏ. Đến ngày, Ka Hèng về buôn ở với mẹ. Nửa đêm bụng đau thắt. Mẹ bảo cô ngồi xổm, hai tay nắm chặt thành giường. Đứa con ra đời, được cắt nhau bằng một sợi chỉ.

Ba tháng sau Ka Hèng lại đưa con vào ở trong rừng. Ở được một tháng thì có cơn bão đến. Rừng núi chuyển động. Đồi chè chuyển động. Ngôi nhà sàn lắc lay như cái tổ chim. Mưa trút xuống giận dữ. Trời gầm thét. Và núi cũng  đáp lại bằng những tiếng rú.

Căn nhà sàn bay xuống đồi như một chiếc lá khô. Vừa bay vừa xoay vòng. Ka Hèng gùi con sau lưng, ôm lấy cột nhà. Và bay đi như đang cưỡi lên một cánh diều. Cô nghĩ rằng hai mẹ con sẽ bị ném xuống hẻm núi và sẽ chết. Cuối cùng cô quyết định mở cánh cửa. Ôm con trước ngực. Và lao ra ngoài.

Hai mẹ con lăn lóc trên sườn đồi. Tấp vào những bụi chè. Và sống sót.

Sau cơn bão, những người hái chè quanh đấy xúm lại dựng tạm cho cô một túp lều. Lều cất xong, các chàng trai trong buôn săn được một con đỏ, làm tiệc. Ka Hèng đi hái mồng tơi được một rổ đầy, đem rửa bên bờ suối. Bọn thanh niên xúm lại vừa nhặt rau vừa chơi trò bóp trái mồng tơi quẹt lên mặt, đùa giỡn náo động cả một góc rừng.

Bỗng nhiên nghe tiếng khóc. Già Làng hỏi:

-Đứa nào khóc?

Ông chạy ngược lên đầu suối, thấy hoa mồng tơi trôi đầy trên mặt nước. Trên hòn đá chỉ còn mình Ka Hèng ngồi khóc, xòe hai bàn tay che lấy ngực. Già Làng hỏi:

-Ai làm gì?

-K Đùng bôi mồng tơi lên ngực con.

Già Làng chỉ cười, lội xuống suối vớt cái rổ rau lên.

-Nín đi.

Nhưng Ka Hèng tức quá không nín được.

Buổi tối khi mọi người đã về hết, còn lại một mình với rừng đêm, cô thấy mình sống lại, thanh thản, tự do giữa trời và đất, giữa mây và núi. Đứa con đã ngủ yên bên bếp lửa. Ka Hèng đi chân đất, bước xuống các bậc thang. Bàn chân dẫm trên những lá cỏ ướt. Mặt đất phẳng lặng.

Ban sáng bông cỏ may có màu tím đỏ, xế chiều nó cháy rực lên như lửa. Còn bây giờ dưới ánh trăng mờ đục, bông cỏ may tỏa ra một vùng sáng bạc hư ảo, chập chờn, lãng đãng như sương khói. Đó là thế giới của cô. Lặng thinh, tĩnh mịch, thầm kín, riêng tư. Nhưng mà không phải riêng tư. Vì cô đang sống với rừng, với bông cỏ may, với tiếng suối thủ thỉ bên cạnh. Cho nên riêng tư mà cũng giống như là hòa nhập, kết nối, ôm ấp, trao gửi. Như cô đang ngã người vào vòng tay của cỏ may để đón nhận sự vuốt ve của những cánh lá mỏng, để hít cái bồng bềnh của sóng gió trắng đục, để nghe lời ru vụng về mà âu yếm của con nước vô danh dưới lũng thấp.

Hãy chúc phúc cho Ka Hèng, con gái yêu của rừng già.

Hãy chúc phúc cho con chim sơn ca của núi rừng Bảo Lộc có đôi cánh quá mỏng, không bay lên được trời cao.

Peace be with you, Ka Hèng, con chiên của Đức Chúa Trời lòng lành. Cô là giọng solo sáng giá của ca đoàn nhà thờ Tơn Rai. Tháng 5 năm 1995, trong lễ khánh thành ngôi giáo đường xinh xắn này có một trăm linh mục khắp nơi về dự. Năm nghìn giáo dân quỳ dưới chân Chúa. Ka Hèng được chọn là giọng “hát đáp” duy nhất, hát trên bục thánh.

Sau buổi lễ cha xứ địa phận Đà Lạt đến và nói:

-Con hát hay lắm. Hãy về hát cho ca đoàn của cha.

Nhưng đến nay cô vẫn là một cô gái hái chè.

Và vết cắt trên ngón tay trỏ của cô ngày càng sâu thêm.

*

Phía dưới thung lũng có tiếng con nít la lối. Hình như đoàn văn công ở tỉnh về. Ka Hèng đang hái chè, bỏ gùi chạy ra xem, mới biết là có bốn người Fulro bị bắt, đem từ trong rừng về. Một đàn ông, một đàn bà và hai đứa con nít. Bọn họ và mấy người dân quân xã ngồi nghỉ mệt bên những gốc mít.

Ka Hèng rẽ đám đông, thò đầu vô xem. Tức thì chạm phải một khuôn mặt râu tóc dài như người rừng. Và một đôi mắt buồn, khắc khoải. Đó là đôi mắt đã từng theo dõi cô trong rừng, phía sau, phía trước, trên ngọn cây…bất kể ngày đêm, bất kể mưa nắng. Đôi mắt ấy đang nhìn cô trân trối. Một đôi mắt đẹp. Một cái nhìn tuyệt vọng.

Người đàn bà ngồi cạnh ông thì ốm yếu và thất thần. Chỉ có hai đứa con nít thì lanh chanh như hai con khỉ nhỏ. Chúng đứng nhăn răng cười, chỉ tay vô bụng. Có người đưa cho chúng mấy viên kẹo, chúng đưa lên mũi ngửi, xé viên kẹo ra nếm rồi nhăn mặt vứt đi. Người nọ lại đưa một ổ bánh mì. Một đứa chụp lấy, nhảy tót lên cành cây, đu mấy cái đã ở tít trên ngọn mít. Đứa còn lại phóng theo, chuyền cành nhanh như vượn, tiếng kêu “khẹt khẹt” phát ra từ cổ họng chúng. Hai đứa đuổi nhau trên ngọn cây, giành ổ bánh mì. Cuối cùng đứa nhỏ thua. Nó ngồi trên cành cây, nhìn đứa lớn gặm ổ bánh, rồi chợt nó bẻ một cành mít nhỏ đưa lên miệng, gặm lớp vỏ cây, ăn ngấu nghiến.

Hai đứa trẻ đã được sinh ra, lớn lên trong rừng. Và đây là lần đầu tiên chúng biết đến xã hội loài người.

*

Tôi và Ka Hèng phải vượt qua một con dốc rất cao mới tới được làng Tul. Trên đỉnh dốc là một vùng đất bằng phẳng vàng cháy và trơ trụi. Tôi không thể tưởng tượng được rằng giữa vùng rừng núi bạt ngàn này lại có một ngôi làng cằn khô như thế. Như ốc đảo trong sa mạc.Như một thị trấn hoang sơ của miền viễn Tây Hoa kỳ cách đây 200 năm.

Hai bên con đường đất bụi mù là những ngôi nhà gỗ lụp xụp ủ rũ dưới nắng cháy. Những ngõ cụt màu nâu đỏ mất hút sau các vách ván so le, vỡ nát, thủng lỗ. Không một bóng người. Không tiếng chim. Không tiếng heo gà. Làng Tul lạnh lẽo dưới nắng chói.

Rồi đột nhiên hàng chục đứa trẻ từ trong các ngõ ngách hiện ra. Đứng như trời trồng, Không nói. Không cười. Không cử động. Chỉ thấy những cái bụng ỏng và những cặp mắt đầy ghèn.

Tôi đang lạc vào thế giới nào vậy?

Những đứa trẻ như vừa mọc ra từ đất. Chúng như những bụi xương rồng lùn tịt, khẳng khiu trên cát nóng. Chúng đang thủ thế với tôi hay đang chào đón?

Dường như sắp xảy ra một cuộc đấu súng.

Những chàng cao bồi nhỏ áo quần rách rưới, ruồi đậu quanh mép. Còn tôi thì toát mồ hôi. Không ai có súng cả. Dường như đó là một sự căng thẳng giả tạo. Cũng có thể đó chỉ là một sự ngạc nhiên kéo dài.

Ka Hèng nói một câu gì đó bằng tiếng dân tộc.

Ngay tức khắc đám trẻ con chạy ùa đến vây lấy hai chúng tôi. Tôi ngồi thụp xuống, mở cái bao vải to tướng ra. Chúng tôi vội quá, nên quà không có gì ngoài những bao xì-nách. Một trăm bao cũng không thấm tháp gì.

Mấy con gà mái không biết từ đâu cũng chạy đến. Năm ba con chó vàng và heo mọi ốm nhách.

Dưới gầm ngôi nhà sàn thường là để nhốt trâu bò nhưng dường như đã lâu lắm người ta không dùng đến cái khoảng trống đó. Mặt đất trong chuồng nham nhở. Không có cỏ, cũng không có rơm khô. Cả phân bò cũng không có. Sự sống đang tàn lụi, đang co rúm lại, quắt queo như một trái cây chưa kịp chín đã khô héo.

Ngôi nhà sàn này giống hệt nhà của Ka Hèng trong rừng năm cô mười bốn tuổi. Một cầu thang đi lên. Tỏa ra hai bên là những khoảng trống u ám của những vách lá mục nát đen nhẻm bị hun khói hàng chục năm bởi những bếp lửa phân chia từng gia đình một.

Bếp lửa cũng đã tắt ngấm. Đặt bàn tay lên tro than thấy lạnh tanh. Những que củi cháy dở nằm ngổn ngang như xác chết nám đen trên chiến địa.

Nhìn lên mái thấy hàng trăm cái lỗ thủng. Thấy có đám mây dửng dưng bay ngang qua. Thấy gió phe phẩy những lá mục. Vách ngăn giữa các gia đình làm bằng bao bố kết lại. Cũng đã tả tơi.

Nhưng đây không phải là cái nhà sàn bỏ hoang. Vẫn có mấy bộ quần áo treo trên vách. Mấy cái bầu khô. Xà gạt và gùi. Những cư dân ở đây đang ở trong rừng. Họ không có chè để hái, không có cà phê để hái, không có bắp để hái. Họ hái củi. Bó từng bó lớn, mang trên vai, gùi trên lưng. Đi bộ mấy chục cây số. Hai bàn chân bè ra. Nứt nẻ. Chai cứng. Băng rừng ra đến chợ. Kiếm được hạt gạo sao mà khốn cùng vậy!

Xế chiều quay về nhà. Nhà đây sao? Hay là chuồng? Có khi không bằng một cái hang thú. Sao nỡ bỏ người dân tộc ở cái làng Tul này sống thảm thương đến vậy?

 

*

Ka Hèng hỏi tôi.

-Anh có biết vì sao chồng em bỏ đi không?

-Vì hắn đã bán mẫu chè của em.

-Không phải.

-Vậy thì vì sao?

-Vì đối với chồng em thì rừng chỉ là nơi anh ấy đến để nương tựa lúc ngặt nghèo. Không phải nơi anh ấy trở về.

Tôi hỏi:

-Còn em?

-Em là con gái của rừng. Rừng là mái nhà. Là nơi em trở về. Nếu như người kinh cũng nghĩ rằng rừng là mái nhà của mình, là nơi từng che chở mình... thì họ sẽ không bỏ rừng một cách phũ phàng như thế.

 

Ngày 27  tháng 4  năm 2008

Đào Hiếu
Số lần đọc: 2537
Ngày đăng: 29.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc - Trần Lệ Thường
Những đồng đội cũ - Hội An
Chuyển sang thể loại - Ngô Phan Lưu
Cầu vồng bẩy sắc - Phan Thị Thu Loan
Trần gian nhìn từ sau lưng - Nguyễn Hiệp
Nước mắt tượng - Võ Tấn Cường
Những bông hoa sẽ nở - Lê Vũ
Nguyệt thực nửa đêm - Phan Thị Thu Loan
Về một lời ước nguyện - Ngọc Thiên Hoa
Hư vô trắng - Võ Tấn Cường