Một người bạn văn ở Saigon có photo gửi cho tôi bài “Không có cuộc Cách mạng Thơ trong tương lai gần” của Inrasara, vì anh nghĩ tôi ở thôn quê – ít có điều kiện tiếp xúc với nhiều tạp chí, tuần báo! Do vậy, có tin tức, bài vở nào hay hay lạ lạ là cắt (hay photo) gửi cho tôi ngay! Nhân đây, cũng xin gửi lời cám ơn người bạn văn tốt bụng thân quý. Và, cũng do “nhân duyên” ấy – mới có “Đôi Điều Cần Nói…” với Inrasara hôm nay.
Thực ra, những gì Inrasara trình bày trong “tiểu luận” nêu trên đều bình thường; trong chừng mực nào đó – đã nói lên được hoài vọng đổi mới cho Thi ca của đa số người có tâm huyết với nền Thi ca của nước nhà trong mấy chục năm gần đây. Bởi vì, với một dòng thơ trì trệ, buồn nản như vậy – thật có rất ít “cái mới, cái lạ” (cần thiết) cho người đọc, và nhất là cho nền Thi ca của đất nước trong hội nhập và phát triển đang được nhiều người quan tâm, ưu tư, khao khát!
Tuy vậy, nói gì thì nói – có thể “nhận định, phê phán, khen ngợi, dự đoán, hay tiên đoán (v.v…)” – nhưng tuyệt đối không được dẫm đạp, khinh thường (thậm chí nặng lời) với quá khứ - Bởi vì, tôi nghĩ quá khứ đã làm xong việc của nó trong một giai đoạn – một chặng đường của lịch sử phát triển văn học đất nước. (xin lỗi Ô.Inrasara – chính ông và cả chúng ta, cũng đã “lớn lên” nhờ những người ấy cơ mà? Ông đã quên rồi sao?). Nó không có tội gì – và cũng không phải là vô ích, đã “làm hỏng bầu khí quyển khí quyển thơ mà không tự biết” như lời ông đã viết. Những nhà thơ – mà Inrasara gọi là “Những kẻ sáng tác theo truyền thống” – (Tại sao gọi là “kẻ” – chữ “truyền thống” ở đây cũng chưa ổn!) – có suy nghĩ mà Inrasara cho là “lối suy nghĩ đầy tai hại” là:
- “(…) Rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay (…)”.
Suy nghĩ đúng đắn như vậy mà Inrasara đã “nổi giận” cho là “đầy tai hại” (và gọi họ là “những kẻ” (!) Nghe xa lạ và vô ơn quá!). Trong bốn từ “Viết sao cho hay” thì đã ngầm chứa sự “cách tân, đổi mới – từ hình thức đến nội dung” rồi còn gì? “Viết sao cho hay” – có nghĩa là đã được người đọc nhìn nhận, chia sẻ, và ghi nhớ rồi. Thơ mà không có ai đọc, không ai hiểu nổi, không ai chia sẻ cảm xúc, tâm sự, khát vọng (v.v…) cách của người “sáng tạo / cách tân” ra nó – thì thơ để làm gì nhỉ? Không lẽ để “thách đố, lòe bịp, cầu danh hảo”? Nhà thơ (anh hay chị) có thể “cách tân” – hậu hiện đại hay “hậu” gì gì cũng được cả - nhưng thơ phải truyền cảm (cảm xúc) có ý nghĩa sâu sắc về điều mình muốn giải bày (trí tuệ). Nếu không muốn cho người đọc hiểu, sẻ chia, hòa nhập với cảm xúc của mình – thì “sáng tạo” thơ ra cho ai? Để làm gì nhỉ? (có “nhà thơ” đã lớn tiếng “chê” người đọc không có trình độ, không có cảm quan mới – nên cần phải một thế kỷ nữa mới có người hiểu nổi thơ của anh ta (!)). Lâu nay, người ta đã “cưỡng bức” thơ, đã “ép duyên” thơ – thậm chí xem nó như là “vũ khí” – nên bây giờ, có lẽ đến lúc hãy để cho “nàng thơ” thong dong, tự tại – như chính bản chất nguyên thủy của “cô ta”. Như vậy, sẽ dễ thương hơn, xinh đẹp hơn. Một số nhà thơ “hậu hiện đại” – hay “cố tình” làm ra vẻ “cách tân” đã “hành hạ” nàng thơ quá đáng (!). Họ nhào lộn, làm tình, trang điểm kỳ quái cho thơ – k hiến người đọc yếu bóng vía – nhìn vào, có thể bị… tặng huyết áp, choáng váng, và mất hồn (!) Inrasara có lẽ đã cho mình là một trong vài nhà thơ tiên phong trong “cách tân, hiện đại hóa” của Việt Nam – có lẽ điều đó còn quá sớm – và không phải lúc. Nhà thơ (nhà văn – nói chung) anh cứ sáng tác – chỉ biết sáng tác, theo quan điểm, lập trường; theo khả năng của riêng mình – còn “gọi là gì” thì nên dành cho người đọc, cho quý nhà phê bình, cho lịch sử văn học mai hậu. (Chứ có vội vàng gì đâu?). Vịêc gì đến, “đủ duyên” – nó sẽ đến. Cũng chẳng cần “mò đoán”, tiên liệu, hay tiên tri cho nó thêm rối rắm!
Theo thiển ý – thơ không cần “bè nhóm, trường phái” chi cả. Lại không cần “tuyên ngôn đao to / búa lớn” (kinh nghiệm ở phương Tây loại này không tồn tại được lâu dài) – mà chỉ cần mỗi người ý thức được sứ mệnh của mình, khát vọng của mình – mà ngày đêm nỗ lực cống hiến cho người đọc, cho văn học… những tác phẩm ngày càng sâu sắc, trí tuệ và truyền cảm hơn mà thôi! góp phần xây dựng con người, xây dựng đời sống – ngày càng hạnh phúc và đáng sống. Nếu tuyên bố, tuyên ngôn – hay bè nhóm (v.v…) mà chẳng có tác phẩm lớn, đáng nhớ – thì để làm gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ để cho mình thôi sao?
Suy cho cùng – chúng ta không nên đặt lên vai “nàng thơ” nhiều thứ quá – nặng nề và kỳ quái, sẽ làm cho nàng thơ mong manh, xinh đẹp của chúng ta… chết yểu mất! Đáng buồn thay! Hãy cứ thong thả đến với nàng, bên nàng với tấm lòng thành và trân trọng – thế nào, nàng thơ kiều diễm của chúng ta cũng sẽ “mỉm cười”…
Th.4/2008