1. KHÁI QUÁT SỰ HÌNH THÀNH CÁC TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH Ở NAM BỘ
1.1 Dười thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, công cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1611 lập Dinh Phú Yên. Năm 1693 lập Dinh Bình Thuận. Đến năm 1698 Chúa Nguyễn Phước Châu sai Chưởng cơ trấn thủ Dinh Bình Khang Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân vào kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đông phố lập làm Phủ Gia Định, chia vạch ranh giới, lấy đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, lập Dinh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập Dinh Phiên Trấn. Mở đất được ngàn dặm, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chíng trở vào Nam tới ở, thiết lập thôn xã phường ấp, khẩn đất hoang, định tô thuế, lập sổ đinh. Sài Gòn chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam từ đó, trong một bối cảnh lịch sử có những nét đặc biệt góp phần quy định nhiều đặc điểm của tiến trình văn hóa Việt Nam ở địa phương về sau.
Năm 1679 Tổng binh Cao Châu, Lôi Châu, Liêm Châu Trần Thượng Xuyên và Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch đem 50 chiến thuyềnvà 3000 người vào Quảng Nam xin quy phục Chúa Nguyễn. Chính quyền Đàng Trong tiếp nhận, cho Trần Thượng Xuyên tời Biên Hòa, Dương Ngạn Địch tời Mỹ Tho. Với kinh nghiệm hải hành và truyền thống buôn bán lâu đời, những người Hoa tỵ nạn chính trị này đã “vỡ đất hoang, lập phố xá”, thu hút thương nhân các nơi tới buôn bán, góp phần quan trọngtrong việc xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho quá trình khai thác Nam bộ của cộng đồng Việt Nam ở Đàng Trong.Trên phương diện giao lưu văn hóa, các đợt nhập cư với quy mô lớn của người Hoa như thế còn dẫn đến việc du nhập nhiều yếu tố văn hóa Hoa Nam vào Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII. Cùng với sự tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của các dân tộc khác như Chăm, Khmer, sự giao tiếp với thương nhân Nhật Bản, phương Tây… tình hình nói trên làm hình thành trong xã hội Việt Nam ở Sài Gòn một màu sắc đa dân tộc có kết cấu mở kiểu Đông Nam Á với phương thức phát triển liên tục đổi mới, năng động và trẻ trung.
Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng người Việt tiến vào đồng bằng Nam bộ lúc họat động ngọai thương ở khu vực Đông Nam Á khởi sắc. Ngòai thương cảng Hội An nổi tiếng từ thế kỷ XVI, các trung tâm thương nghiệp như Hà Tiên, Vũng Tàu cũng khá phát triển, nên sau khi chính thức xuất hiện trên bản đồ Việt Nam, Sài Gòn cũng mau chóng trở thành một thương cảng lớn. Theo thời gian, thương cảng này cũng phát triển thành một trung tâm thương nghiệp trong khu vực, xuất khẩu không chỉ nông sản hang hóa của khu vực Nam bộ mà còn là đầu mối xuất khẩu nhiều lâm thổ sản của Campuchia. Tình hình nói trên cùng với mạng lưới sông rạch dày đặc ở Nam bộ đã khiến Sài gòn cũng đồng thời trở thành một trung tâm văn hóa và hành chính quan trọng, một đô thị lớn sánh ngang Thăng Long và Phú Xuân. Song khác với Thăng Long và Phú Xuân vốn là trung tâm chính trị mở rộng thành trung tâm kinh tế, Sài Gòn – Gia Định là trung tâm kinh tế (thương nghiệp, thủ công nghiệp) trước rồi mới trở thành trung tâm chính trị - văn hóa: thành phố này đã hình thành theo quy luật của các đô thị tiền tư bản, tức yếu tố “thị” có trước rồi phát triển thành yếu tố “thành” chứ không phải như các đô thị phong kiến ở đó yếu tố “thành” có trước rồi mở rộng thêm yếu tố “thị”. (Cao Tự Thanh chủ biên, 2007, tr.13-15).
1.2 Năm 1808, vua Gia Long nhà Nguyễn đổi trấn Gia Định thành Gia Định Thành, bao gồm 5 trấn: Phiên An (địa hạt Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (sau chia ra Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Tường (sau này là Định Tường) và Hà Tiên. Gia Định thành thông chí ghi chép như sau.
TRẤN THÀNH GIA ĐỊNH
Trấn Gia Định xưa có nhiều ao đầm, rừng rú, buổi đầu thời Thái Tông (Nguyễn Phúc Tần, 1648 - 1687), sai tướng vào mở mang bờ cõi, chọn nơi đất bằng rộng rãi, tức chỗ chợ Điều Khiển ngày nay, xây cất đồn dinh làm chỗ cho Thống suất tham mưu trú đóng, lại đặt dinh Phiên Trấn tại lân Tân Thuận ngày nay, làm nha thự cho các quan Giám quân, Cai bạ và Ký lục ở, được trại quân bảo vệ, có rào giậu ngăn cản hạn chế vào ra, ngoài ra thì cho dân trưng chiếm, chia lập ra làng xóm, chợ phố. Nơi đây nhà ở hỗn tạp, đường sá chỗ cong chỗ thẳng, tạm tùy tiện cho dân mà chưa kịp phân chia sửa sang cho ngăn nắp. Chức Khổn súy thay đổi lắm lần cũng để y như vậy. Đến mùa xuân năm Ất Mùi (1775), đời vua Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) thứ 11, xa giá phải chạy đến trú ở thôn Tân Khai. Mùa thu năm Mậu Thân (1788) năm thứ 11, buổi đầu đời Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) Trung hưng [2a], việc binh còn bề bộn, ngài phải tạm trú nơi đồn cũ của Tây Sơn ở phía đông sông Bình Dương để cho nghỉ quân dưỡng dân. Ngày 4 tháng 2 năm Canh Tuất thứ 13 (1790), tại chỗ gò cao thôn Tân Khai thuộc đất Bình Dương, ngài mới cho đắp thành bát quái như hình hoa sen, mở ra 8 cửa, có 8 con đường ngang dọc, từ đông đến tây là 131 trượng 2 thước ta, từ nam đến bắc cũng như thế, bề cao 13 thước ta, chân dày 7 trượng 5 thước ta, đắp làm ba cấp, tọa ngôi Càn, trông hướng Tốn. Trong thành, phía trước bên tả dựng Thái miếu, giữa làm sở hành tại, bên tả là kho chứa, bên hữu là Cục Chế tạo, xung quanh là các dãy nhà cho quân túc vệ ở. Trước sân dựng cây cột cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước ta, trên có làm chòi canh vọng đẩu bát giác tòa, ở bên treo cái thang dây để thường xuyên lên xuống, trên ấy có quân ngồi canh giữ, có điều gì cần cảnh báo thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu canh gác, các quân cứ trông hiệu đó để tuân theo sự điều động. Hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước ta, có cầu treo thả ngang qua, bên ngoài đắp lũy đất, chu vi 794 trượng, vừa hiểm trở, vừa kiên cố tráng lệ. Ngoài thành đường sá chợ phố ngang dọc được sắp xếp rất thứ tự, bên trái là đường cái quan [2b] từ cửa Chấn Hanh qua cầu Hòa Mỹ đến sông Bình Đồng tới trấn Biên Hòa; đường cái quan bên phải gặp chỗ nào cong thì giăng dây để uốn thẳng lại, đầu từ cửa Tốn Thuận qua chùa Kim Chương, từ phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò chùa Tuyên đến sông Thuận An. Bến đò Thủ Đoàn đưa qua sông Hưng Hòa, trải qua gò Trấn Định rồi đến gò Triệu. Đường rộng 6 tầm, hai bên đều trồng cây mù u và cây mít là những thứ cây thích hợp với đất này. Cầu cống thuyền bến đều luôn được tăng gia việc tu bổ, đường rộng suốt phẳng như đá mài, gọi là đường thiên lý phía nam.
Trấn Phiên An. Lỵ sở trấn Phiên An ban đầu dựng ở xóm Tân Thuận, tổng Bình Trị, sau vẫn chỗ ấy, đến niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807), dời qua dựng ở địa phận thôn Hòa Mỹ, nằm phụ vào phía đông bắc quách ngoài thành Gia Định, mặt trông ra hướng tây nam, lưng dựa vào sông Bình Trị, 3 tòa nhà ngói, ở giữa là công thự Trấn thủ, phía tả là công thự Cai bạ, phía hữu là công thự Ký lục, là công thự của trấn cũng gọi là công dinh, ngang dọc đều 80 tầm, bề ngang chia làm ba phần, chỉ có dinh giữa rộng hơn 5 tầm. Năm thứ 18 (1819), cách sau trấn thự 6 tầm, phía ngoài đại lộ, lại dựng 5 dãy kho bằng ngói cho 4 trấn, mỗi dãy 31 gian cao rộng đẹp đẽ, đủ dùng để cất giữ, có dựng trại Thừa ty, nằm dọc theo trước sân 3 dinh, khám đường và nhà giam dựng ở phía bắc đường cái quan.
Chợ Bến Thành. Phố, chợ, nhà cửa rất trù mật, họp chợ dọc ven sông. Ở đầu bến, theo lệ tháng đầu xuân gặp nhằm ngày tế mã, có thao diễn thủy binh. Bến này có đò ngang đón chở khách buôn tàu biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa Ngư, có bắc cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có phố bằng ngói, tụ tập hàng trăm thức hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đậu nối liền nhau.
Phố chợ Sài Gòn. Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có. Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông, và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán.
TRẤN BIÊN HÒA
Lỵ sở trấn Biên Hòa khi xưa đặt ở địa phận thôn Phước Lư, huyện Phước Chánh, đất thấp nên hay có lụt. Năm Gia Long 15 (1816) dời lỵ sở qua gò cao thôn Tân Lân, quy hoạch ra làm thành sở, ngang dọc đều 200 tầm, trong chia thành hình chữ tỉnh, giữa dựng Vọng cung, hai bên phải trái có lầu chuông trống, chỗ chính giữa phía sau dựng 3 công dinh, rộng 80 tầm, mà chia ra làm 3 phần, chỉ dinh giữa rộng thêm 5 tầm, dài 60 tầm, 2 con đường phải trái đều 7 tầm, chung quanh xây tường gạch, làm dãy kho chứa gồm 31 gian lợp ngói xây gạch dày chắc, hai bên phải trái làm trại quân thừa ty, chia ra từng khu vực rất chỉnh tề.
Phố lớn Nông Nại. Ở đầu phía tây của cù lao Đại Phố, lúc mới mở mang, Trần Thượng Xuyên chiêu tập người thương buôn nước Trung Quốc đến lập ra phố xá, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm 3 đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài, kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội… Từ sau năm Bính Thân (1776), Tây Sơn vào chiếm, họ dỡ lấy phòng ốc, gạch đá, của cải chở về phủ Quy Nhơn, đất nầy trở thành vườn gò hoang. Sau khi Trung hưng tuy có người trở về, nhưng chưa bằng một phần trăm (mười phần ngàn) lúc trước.
TRẤN ĐỊNH TƯỜNG
Lỵ sở trấn Định Tường ở đất thôn Mỹ Chánh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa. Ngày 18 tháng 2 mùa xuân năm Kỷ Mùi (1679) đời Thái Tông năm thứ 32 (Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), tướng Long Môn là Dương Ngạn Địch từ nước Đại Minh sang kinh xin quy phụ. Vua sai Xá sai là Văn Trinh, Tướng thần lại là Văn Chiêu đưa dụ văn sang vua Cao Miên là Nặc Thu, bảo chia đất này cho đoàn Dương Ngạn Địch ở. Tháng 5, Văn Trinh dẫn cả binh biền Long Môn và thuyền bè đến đóng ở vùng Mỹ Tho, rồi xây dựng nhà cửa, qui tụ người Việt, người Thổ kết thành thôn xóm. Đến đời Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) lập ra phủ trị ở phía bắc chợ, lệ thuộc vào dinh Phiên Trấn. Đời Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) cải đặt làm đạo Trường Đồn có một viên Cai cơ hoặc Cai đội và một Thư ký ở làm việc, sau nầy mới lập dinh trấn… Phía nam lỵ sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo.
TRẤN VĨNH THANH
Vào tháng 2 năm Quý Dậu niên hiệu Gia Long 12 (1813), khâm mạng, Trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất. Lưng hướng Kiền (hướng tây bắc), mặt hướng Tốn (hướng đông nam), từ phía nam qua phía bắc cách 200 tầm, từ đông qua tây cũng vậy, chỗ giữa của bốn mặt thành lõm vào, phía ngoài có thành cong bao vòng chỗ cửa hình như đầu cái khuê bốn góc thành có sừng nhọn như hình kim quy, hay như hình hoa mai. Trong thành có 2 con đường dọc, 3 con đường ngang, trước dựng hành cung, ở giữa là 3 công thự, sau có kho chứa, trại quân và nhà thừa ty đều ở hai bên phải và trái. Hào rộng 10 tầm, phía trái thành là sông Long Hồ, phía phải là Ngư Câu (Rạch Cá), mặt sau là dòng sông lớn Tiền Giang, mặt trước thành có đào ngòi cừ sâu, dài 425 tầm, bề ngang 40 tầm thông với sông Long Hồ và Ngư Câu (Rạch Cá) để làm hào ngoài thành. Góc thành phía đông có đường cái quan dọc theo sông, phía trái là sứ quán, phía phải là chợ Vĩnh Thành, ngòi chảy ngang đầu đường cái quan, bắc cầu dài, đi ngang lỵ sở cũ, qua cầu sông lớn Long Hồ, đến chợ Long Hồ. Ở ngoài bờ ngòi góc phía nam là xưởng thủy quân, bên ngoài có đồn nhọn góc ba mặt bao theo, góc phía tây nam ngòi có bắc cầu thông qua, mặt sau giáp sông, có nhà cửa tiệm quán, thật là nơi trọng yếu bề thế đẹp đẽ.
TRẤN HÀ TIÊN
Trấn thự Hà Tiên, nằm hướng Kiền (tây bắc) trông ra hướng Tốn (đông nam) lấy núi Bình Sơn làm gối, Tô Châu làm tiền án, biển cả Minh Hải làm hào phía nam, Đông Hồ làm hào phía trước, ba mặt có lũy đất từ Dương Chử đến cửa hữu dài 112 trượng rưỡi, từ cửa hữu đến cửa tả dài 153 trượng rưỡi, từ cửa tả đến xưởng Thuyền ra Đông Hồ 308 trượng rưỡi, các lũy nầy đều cao 4 thước ta, dày 7 thước ta, hào rộng 10 thước ta. Ở giữa làm công thự, vọng cung, lại ở trước công thự, hai bên đặt dãy trại quân, trước sân có cầu Bến Đá, phía trái có sứ quán, phía phải có công khố. Dinh Hiệp trấn ở chân núi Ngũ Hổ, ngoài vọng cung về phía trái có chợ trấn, phía trái công thự có đền Quan Thánh, sau thự có chùa Tam Bảo. Bên trái chùa có đền thờ Mạc công. Chợ trấn trông về đông là bến hồ, ở đó có trại cá, phía bắc công khố là miếu Hội Đồng, phía bắc miếu có xưởng sửa thuyền, chia thành khu ngang dọc, lấy đường lớn làm ranh; phía tả miếu Quan Thánh là phố Điếu Kiều, đầu [37a] bến có bắc cầu ván thông ra biển tiếp với hòn Đại Kim, phía đông phố Điếu Kiều là phố chợ cũ, qua phía đông chợ này là phố chợ Tổ Sư, kế nữa là phố lớn, tất cả đều do Mạc Tông gầy dựng từ trước. Đường sá giao nhau, phố xá nối liền, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, người Chà Và đều họp nhau sinh sống, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây như mắc cửi, thật là nơi đại đô hội ở dọi biển vậy.
(Trịnh Hòai Đức, 1820, tái bản 1998).
1.3 Năm 1834 Vua Minh Mạng đã đặt ra Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay Lục tỉnh. Đó là các tỉnh: Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn), Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa), Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông; Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long), An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc) và Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
1.4 Năm 1862, sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, và năm 1867 chiếm ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chánh cũ của triều Nguyễn.
Lúc đầu Pháp gọi département thay cho phủ, gọi arrondissement thay cho huyện. Khoảng năm 1868, Nam Kỳ có hơn hai mươi arrondissement (lúc này gọi là hạt, địa hạt, "hạt tham biện" hay "tiểu khu", do tham biện cai trị); dinh hành chánh gọi là tòa tham biện, dưới quyền Thống đốc đóng ở Sài Gòn, thư ký địa hạt cũng gọi là bang biện tức là secrétaire d’arrondissement. Đến năm 1871 giảm còn 18 hạt, năm 1876 tăng lên 19 hạt.
Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, gọi là circonscription administrative, mỗi khu vực lại được chia nhỏ thành các "hạt" (arrondissement) như sau:
- Khu vực Sài Gòn có 5 tiểu khu: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa và Gia Định
- Khu vực Mỹ Tho có 4 tiểu khu: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An và Chợ Lớn
- Khu vực Vĩnh Long có 4 tiểu khu: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc
- Khu vực Bát Xắc có 6 tiểu khu: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ và Sóc Trăng
Ngày 8 tháng 1 năm 1877, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập thành phố cấp 1 (municipalité de première classe) Sài Gòn, đứng đầu là một viên Đốc lý (Maire). Sắc lệnh này được ban hành ngày 16 tháng 5 năm đó.
Ngày 20 tháng 10 năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định thành lập thành phố cấp 2 (municipalité de deuxième classe) Chợ Lớn, tương đương cấp tỉnh sau này. Đứng đầu thành phố cũng là một viên Đốc lý.
Năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ lập thêm một hạt (tiểu khu) mới là hạt Bạc Liêu thuộc khu vực Bát Xắc từ đất của 2 tổng của hạt Sóc Trăng và 3 tổng của hạt Rạch Giá. Như vậy toàn bộ Nam Kỳ có 20 hạt. Năm 1895 lập thêm thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques, tách từ hạt Bà Rịa (Cap Saint Jacques nhập vào hạt Bà Rịa năm 1898 để rồi năm sau lại tách ra).
Năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi "hạt" thành "tỉnh" (province) và chia Nam Kỳ thành 3 miền. Đồng thời, chức tham biện đổi thành chủ tỉnh (chef de province), tòa tham biện gọi là tòa bố. Như vậy Nam Kỳ có tất cả 20 tỉnh, phân bố như sau:
- Miền Đông có 4 tỉnh: Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Bà Rịa
- Miền Trung có 9 tỉnh: Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc
- Miền Tây có 7 tỉnh: Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu
Ngoài ra còn có 3 thành phố Sài Gòn (cấp 1), Chợ Lớn (cấp 2), thành phố tự trị Cap Saint Jacques và Côn Đảo không thuộc tỉnh nào. Năm 1905, xóa bỏ thành phố Cap Saint Jacques, chuyển thành đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa.
Trụ sở của Thống đốc đặt tại Sài Gòn (về sau gọi là Dinh Gia Long). Kể từ năm 1879 mới thay quan võ bằng quan văn, và Thống đốc Nam Kỳ (dân sự) đầu tiên là Le Myre de Vilers.
(Tóm lược theo Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên, 1998).
2. ĐẶC ĐIỂM QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở NAM BỘ
2.1 Đô thị (thành thị, thành phố) là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa của quốc gia, vùng miền hay địa phương; là khu vực hành chính tập trung với mật độ cao các cơ sở hạ tầng , kinh tế, văn hóa, là nơi tập trung sinh sống, sản xuất, buôn bán, dịch vụ của đông đảo cư dân, là nơi gần các trục đường giao thông với mạng lưới giao thông hiện đại, là nơi cơ cấu công nghiệp, dịch vụ cao hơn cơ cấu nông nghiệp…Phần lớn đô thị ở nước ta là do nhà nước sản sinh ra, tức là khi có nhu cầu lập kinh đô hay trung tâm tỉnh, thành thì tìm vị trí, xây dựng công sở, hình thành dần đô thị do nhà nước quản lý, với các chức năng gốc là hành chính, kinh tế, trong đó chức năng hành chính là cơ bản.
Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cho đến đầu thế kỷ XX vẫn chưa có đô thị và một nền văn hóa đô thị. Các kinh đô thường nặng về chức năng hành chánh và quân sự, mặc dù là trung tâm của đất nước nhưng do luôn chịu tác động mạnh mẽ từ những vùng nông thôn xung quanh nên hầu như tính chất đô thị khá mờ nhạt. Các cảng thị, dù là cảng biển hay cảng sông, thực chất chỉ là những bến chợ trung chuyển, dịch vụ mà không gắn liền với khu vực kinh tế sản xuất hàng hóa. Điều này có thể đúng với các đô thị cổ phía Bắc hay miền Trung, nhưng các đô thị ở Nam bộ hình thành có phần khác biệt so với những đô thị khác như Hà Nội, Huế hay Phố Hiến, Hội An… Tuy bước đầu hình thành các đô thị này mang tính chất là trung tâm chính trị - hành chính – quân sự nhưng không thể thiếu yếu tố là trung tâm kinh tế - yếu tố này trong quá trình phát triển ngày càng nổi bật. Điểm lại những trấn thời Nguyễn ở Nam bộ ta thấy vào nửa đầu thế kỷ XIX đây đã là những trung tâm kinh tế sầm uất. Trong sử sách bên cạnh việc ghi chép về những tòa thành mang chức năng trung tâm hành chính thì nhà cửa phố xá chợ búa luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của tòa thành đó.
Vị trí của các đô thị luôn ở trung tâm của mạng lưới giao thông đường thủy từng khu vực, tận dụng sự thuận tiện của hệ thống sông, kênh rạch, đường biển… và những bến – chợ trước đó để hình thành các bến cảng trong đó có những cảng thị quan trọng như Sài Gòn, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên…sau này như Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là những “đô thị sông nước”, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành quách, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến ví những bến - chợ nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, sự giao lưu trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc đa dạng của cư dân. Ví dụ như Gia Định thành có cấu trúc giao thông đường thủy : Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Bến Nghé (bến Bạch Đằng), xưởng đóng tàu Ba Son là vị trí tiền tiêu, cửa ngỏ giao dịch buôn bán với những tàu nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc như rạch Thị Nghè, kênh Bến Nghé, kênh Tẻ, rạch Cầu Kho. Kênh Tàu Hủ nối liền các tỉnh miền Tây và cảng Bến Nghé, là con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo, lương thực các loại. Cùng với hệ thống đường thủy, cấu trúc giao thông đường bộ gồm 3 trục chính: đi Cao Miên chạy thẳng ra cảng Bến Nghé; đi các tỉnh miền Tây; đường đi về Đồng Nai. Nhu cầu giao thông ngày càng cao, hệ thống đường sá đi bộ và xe ngựa cũ không theo kịp đà phát triển vùng Sài gòn về các mặt kinh tế xã hội, thương mại dịch vụ, ngành công nghiệp sửa chữa tàu bè. Những con đường hiện có đi Cao Miên, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây được nối trực tiếp về thành Bát Quái ngày càng phát uy hiệu quả.
Quá trình lịch sử vùng đất Nam bộ cũng là quá trình hình thành cư dân Nam bộ. Quy tụ từ tứ xứ, từ nhiều nguồn gốc xuất thân, từ nhiều tộc người, những lớp lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau, từ những hòan cảnh lý do khác nhau nhưng đều có một cách ứng xử chung, đó là luôn giao lưu tiếp xúc, cởi mở về văn hóa nói chung và về lối sống về cách thức làm ăn nói riêng đã làm cho các đô thị ở Nam bộ rất đa dạng về kinh tế và văn hóa. Nó góp phần làm nhạt đi tính chất “chính trị” của các đô thị này, đồng thời làm cho các đô thị ở Nam bộ tuy vẫn là trung tâm của một vùng nông thôn nhưng không bị “nông thôn hóa” mà ngược lại, có ảnh hưởng khá nhiều về lối sống, về sinh họat kinh tế - văn hóa đến những vùng xung quanh. Cư dân nông thôn nhập cư đến các đô thị là xu hướng tăng dân số chính của các đô thị này. Hiện tượng này còn phổ biến cả trong thời kỳ từ 1945 – 1975 và hiện nay. Một hiện tượng sau này phổ biến tại Nam bộ mà không thấy xuất hiện ở miền Trung hay miền Bắc, đó là địa danh huyện “châu thành” có ở nhiều tỉnh, đó là đơn vị hành chính trong đó có thị xã – trung tâm của tỉnh. Hiện tượng này phần nào phản ánh sự ảnh hưởng của đô thị với vùng nông thôn.
Như trên đã nói, nếu thừa nhận tính chất chủ yếu của các đô thị Nam bộ là thương mại và dịch vụ thì không thể không nói đến vai trò quan trọng của lưu dân người Hoa. Những trung tâm thương nghiệp đầu tiên như Cù Lao phố, Sài Gòn, Mỹ Tho, Hà Tiên đều do những lớp người Hoa sinh sống tập trung và hình thành nên. Trong giai đọan mới hình thành, tại các “phố chợ” này họat động thủ công nghiệp (làm gốm và nhiều nghề khác…) cũng là một họat động kinh tế chính. Nhưng quá trình phát triển đô thị đã dần tách biệt thủ công nghiệp và thương nghiệp, thủ công nghiệp lui xuống vị trí thứ yếu và sau này chuyển địa bàn sản xuất ra ngọai ô hoặc sang vùng lân cận.
2.2 Đô thị hóa là quá trình biến đổi về phân bố các lực lượng sản xuất, bố trí dân cư, những vùng không phải đô thị trở thành đô thị. Tiền đề cơ bản của đô thị hóa là sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ... thu hút nhiều nhân lực từ nông thôn đến sinh sống và làm việc, làm cho tỉ trọng dân cư ở các đô thị tăng nhanh. Đô thị xuất hiện làm tăng sự phát triển giao thông với các vùng nông nghiệp xung quanh và các đô thị khác; phát triển văn hoá và sự phân công lao động theo lãnh thổ, tăng cường thành phần công nhân, tiểu thủ công, trí thức, thương nhân, kĩ thuật viên, v.v. (Từ điển Bách khoa tòan thư Việt Nam).
Như vậy, căn cứ vào quá trình hình thành các trung tâm hành chánh ở Nam bộ ta có thể nhận thấy đây cũng là quá trình Đô thị hóa với 2 giai đọan:
- Giai đọan nửa đầu thế kỷ XIX: hòan chỉnh các trung tâm chính trị - quân sự đã hình thành trước đó để trở thành các trung tâm hành chính – chính trị trong thời kỳ chính quyền nhà nước đã được thiết lập và từng bước hòan thiện. Đô thị trung tâm, lớn nhất và quan trọng nhất lúc này là Gia Định thành. Diện mạo các đô thị thời này chưa thóat khỏi cấu trúc đô thị phong kiến, từ các công trình xây dựng đến cấu trúc dân cư và đời sống đô thị.
- Giai đọan nửa sau thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX: Các trung tâm hành chính – chính trị của nhà nước phong kiến chuyển biến dần thành các đô thị - thành phố kiểu châu Âu. Bộ máy chính quyền có sự thay đổi cơ cấu, tổ chức… từ đó diện mạo của các đô thị này cũng thay đổi tùy theo việc xác định vị trí chức năng của nó. Từ cảnh quan đô thị đến hạ tầng cơ sở đến cấu trúc kinh tế, thành phần và nguồn gốc dân cư thay đổi làm cho sinh họat và đời sống đô thị có sự thay đổi rõ rệt, hình thành tầng lớp thị dân (tuy không quá tách biệt nhưng có lối sống tương đối khác biệt so với lối sống đậm nét nông dân – nông thôn truyền thống).
Đến cuối thế kỷ XIX với tổ chức hành chính của Pháp. Nam bộ có 20 tỉnh và trung tâm của 20 tỉnh ấy có thể được coi là những đô thị của Nam bộ, tuy mức độ phát triển có khác nhau. Mặc dù miền Tây có nhiều tỉnh (và tỉnh lỵ) nhưng các đô thị ở miền Đông có sự phát triển và mang diện mạo “thành thị” hơn, có lẽ vì mức độ phát triển công nghiệp ở đây cao hơn do điều kiện tư nhiên thuận lợi. Mặt khác các tỉnh miền Đông lại gần cảng thị Sài Gòn nên sự giao lưu tiếp xúc về kinh tế - văn hóa cũng mạnh hơn, thường xuyên hơn.
Trong cả hai giai đọan Bến Nghé - Sài Gòn – Gia Định luôn giữ vai trò trung tâm về hành chánh - chính trị - quân sự - kinh tế - văn hóa của tòan Nam bộ, là đại diện cho Nam bộ. Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu vực sản xuất thủ công nghiệp ở miền Đông Nam bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lúa gạo và nông sản là loại hàng hóa quan trọng bậc nhất. Chừng đó yếu tố cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài đã biến Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ hạ tầng cơ sơ như đường bộ thay thế giao thông trên kênh rạch, hệ thống điện, đường cống ngầm thoát nước, xử lý chất thải và vệ sinh thành phố…) đến việc phát triển những ngành nghề dịch vụ, hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị, khu dân cư, khu thương mại, nhà thờ, quảng trường, công sở, các thiết chế văn hóa đô thị (thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, sân vận động… Những kiến trúc lớn như Trụ sở công ty vận tải biển Hoàng Gia (Bến Nhà Rồng), Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Lịch sử, Tòa án, Trụ sở Uỷ ban nhân dân thành phố… hợp thành khu trung tâm ngay từ khi thành phố chỉ mới có vài trăm ngàn dân, trở thành những công trình tiêu biểu do cho sự phù hợp giữa kiến trúc với công năng nhưng không hề lạc hậu dù đã hơn một thế kỷ trôi qua… Đặc biệt, Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến là công xưởng Ba Son được xây dựng trên cơ sở Xưởng Thủy từ cuối thế kỷ XVIII. Từ cuối thế kỷ XIX nhiều nhà máy, công xưởng đã được xây dựng tại đây, Sài Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam.
Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế – văn hóa, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng hơn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đọan khác. (Nguyễn Thị Hậu, 2008).
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
1.Trịnh Hòai Đức: Gia Định thành thông chí, Thành trì chí. 1820. Tái bản 1998, nhà xuất bản Giáo Dục.
2. Nguyễn Thị Hậu: Đô thị Sài Gòn nhìn từ khảo cổ học, trong sách Nam bộ đất và người tập 6, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2007).
3. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên: Địa chí văn hóa TP.HCM, tập 1: Lịch sử, nhà xuất bảnThành phố Hồ Chí Minh, tái bản 1998.
4. Cao Tự Thanh chủ biên: Lịch sử Sài Gòn – Gia Định trước 1802, tr.13-15, nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2007.
5. Từ điển bách khoa tòan thư Việt Nam. http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn/news.aspx