Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.182
123.221.930
 
Người mê vàng-trắng và triết lý Kinh Dịch
Nguyễn Hoàn

Giữa bạt ngàn màu xanh mát mắt của cây cối vùng đồi Vĩnh Linh, Quảng Trị, Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Anh nổi lên thành một chấm hồng như điểm nhấn đầy ấn tượng mà người hoạ sĩ đã đặc tả lên bức tranh tạo vật. Hồng như màu đất đỏ giàu tiềm năng nơi đây. Và hồng như tấm lòng, như khát vọng son sắt với đất đai quê nhà của anh Nguyễn Thế Hoài, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trường Anh, người từ nước Nga trở về quê mẹ Việt Nam để lập ra nhà máy. Tấm lòng ấy, khát vọng ấy được viết lên một cách hào sảng bằng dòng chữ kẻ trên bức tường mặt tiền nhà máy: “Vì quê hương giàu đẹp”.

 

Sống sướng một mình chưa phải là hạnh phúc

 

Ý tưởng làm nhà máy chế biến mủ cao su nảy sinh bất ngờ trong anh Nguyễn Thế Hoài vào một chuyến về thăm quê. Phấn khích trước sức sống tràn trề của “vàng trắng” tuôn ra từ mênh mông bạt ngàn những rừng cây cao su tiểu điền ở Vĩnh Linh, anh Hoài quyết định hồi hương để làm “bạn hàng” của cây cao su. Đó là nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa hơn của việc mở nhà máy thì như anh thổ lộ với tôi: “Tiền bạc tôi không nhiều nhưng để sống đến già, nhàn nhã vẫn được. Tôi muốn làm cái gì đó để lại cho quê hương. Tôi thấy quê hương Quảng Trị còn nghèo, tôi tự ái. Tôi nghĩ rằng mình sống sướng một mình chưa phải là hạnh phúc. Tôi muốn đào tạo số người thuộc thế hệ mới biết lao động công nghiệp và làm chủ được quê hương, khỏi tha phương cầu thực”.

 

Thế là nhà máy được động thổ xây dựng, bắt đầu từ tháng 10-2005. Quãng thời gian suốt 8 tháng xây dựng nhà máy, quả đúng là “vạn sự khởi đầu nan”. Việc thi công nền móng, mặt bằng nhà máy gặp lúc tiết trời mưa gió nhiều nên lại càng khó khăn thêm. Anh em công nhân phải dựng bạt che mưa để đào hố xây móng máy, để hàn sắt thép. Đêm đêm, anh em ngủ trại, còn anh nằm nghỉ dưới mái nhà lá bên hồ Bảo Đài, Vĩnh Linh. Canh thâu, nằm nghe sóng hồ vỗ bì bõm trong cảnh mưa gió hắt hiu, chợt có lúc lòng anh se thắt: “Trong khi nhiều người đổ xô ra thành phố để mưu sinh, để làm giàu, để được đổi đời, mình lại giã từ nhà cửa, tiện nghi ở thành phố Mát-xcơ-va hoa lệ để trở về vùng quê vắng vẻ, thiếu thốn này”. Nhưng rồi cái chất lính mà anh đã tôi luyện được trong những năm anh đi bộ đội ở Lào từ năm 1980 đến 1984 khiến anh quyết không chịu lùi bước trước khó khăn, quyết vượt lên hoàn cảnh. Thế rồi cơ ngơi Nhà máy Trường Anh được thành hình và mở mang dần, dây chuyền tiếp nối dây chuyền ra đời. Ban đầu chỉ mới có dây chuyền chế biến mủ đông, về sau có thêm dây chuyền chế biến mủ nước, công suất mỗi dây chuyền 6000 tấn/năm. Cả nhà máy, từ giám đốc đến công nhân đều vừa làm, vừa học để làm chủ lấy cái nghề mới toanh chưa từng biết đến. Chủ yếu là tự học hỏi người ta để “cướp nghề”, thông qua việc cử người vào miền Nam học nghề, việc nhờ chuyên gia trong ngành cao su hướng dẫn về nghề. Để lắp đặt dây chuyền đầu tiên, nhà máy phải đặt hàng cho chuyên gia trong Nam làm nhưng sang đến dây chuyền thứ hai, đội ngũ nhà máy từ giám đốc đến công nhân đã tự tay lắp đặt được theo bản vẽ của chuyên gia trong ngành cao su. “Về kỹ thuật lắp đặt máy móc đối với tôi là hết sức mới mẻ - Anh Hoài bộc bạch - Nhưng do nhạy cảm, tìm thấy nguyên lý làm việc của máy, chúng tôi đã cân chỉnh máy móc được, có cái, chuyên gia chỉ hướng dẫn qua điện thoại, mình vẫn điều chỉnh được. Có cái, mình còn làm tốt hơn. Ví dụ như cái quạt gió chạy cứ lung lay, chuyên gia chỉnh một ngày không xong, họ vào Sài Gòn gửi thiết bị ra tiếp nhưng không hợp lý. Tôi bèn cho gia cố vật liệu, cho hàn lại chân đế quạt cho vững, thế là quạt chạy tốt. Tôi đã từng làm cơ khí từ nhỏ. Ông già tôi vốn làm nghề rèn mà. Từ lúc tôi 12-13 tuổi, tôi đã phụ rèn với ông rồi”. Vậy là, để có thể “cướp nghề” người ta một cách chóng vánh và vững vàng, yếu tố “gia truyền” cũng rất quan trọng.

 

Một trăm công nhân Nhà máy Trường Anh từ chỗ hầu như không biết gì về nghề chế biến mủ cao su đã tiến đến làm chủ quy trình sản xuất, bước chuyển từ không đến có này rõ ràng có vai trò quyết định của ông “thợ rèn” Nguyễn Thế Hoài. Không chỉ mang nghề mới đến với công nhân, anh Hoài còn chia sẻ với công nhân một quan niệm cởi mở về mối quan hệ “nhạy cảm” là quan hệ chủ thợ: “Tôi nói với công nhân đừng bao giờ nghĩ rằng mình làm thuê và đừng quan niệm rằng mình làm công ăn lương, mình xác định mình làm việc và tự trả lương cho chính mình. Bảng lương công nhân tính theo hệ số và chức vụ, hệ số tính dựa trên năng lực công nhân. Lương công nhân bình quân từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng/tháng, tổ trưởng thì “ăn” thêm 700.000 đến 1 triệu đồng/tháng tiền trách nhiệm. Công ty lo cho công nhân ngày ăn 4 bữa, đảm bảo cái bụng cho yên, hàng tháng còn bồi dưỡng đường, sữa để tăng “sức chiến đấu” cho công nhân”.

 

Trên nền tảng đã tạo dựng, hoạt động kinh doanh của nhà máy từng bước tăng trưởng. Mặt hàng làm ra đa dạng về chủng loại và được khẳng định về đẳng cấp. Chủng loại hàng có “hàng đen” và “hàng vàng”. “Hàng đen” tức là sản phẩm SVR10 được chế biến từ mủ cao su tận thu và mủ đông tại vườn cao su, “hàng vàng” tức là sản phẩm SVR3L được chế biến từ mủ nước. Nhà máy hiện sản xuất ra 60% “hàng đen” và 40% “hàng vàng”. Theo anh Hoài khẳng định, đẳng cấp mặt hàng cao su thương hiệu “Trường Anh” đã đạt tương đương hàng của quốc doanh sản xuất. Hàng được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, một phần sang Úc và châu Âu. Lượng hàng xuất và kim ngạch xuất khẩu tăng rõ rệt, năm 2006 xuất 1000 tấn, đạt kim ngạch 28 tỷ đồng, năm 2007 xuất 3000 tấn, đạt kim ngạch 100 tỷ đồng (tương đương trên 6 triệu USD).

 

Vợ chồng Ngâu hai phương trời Nga-Việt

 

Như một nghịch lý của số phận, mà cũng là nghịch lý của...hạnh phúc, người có quan niệm sống nhân bản “sống sướng một mình chưa phải là hạnh phúc” lại phải sống xa vợ, xa con. Nghĩa là để nhiều người cùng “sống sướng”, anh Hoài phải chấp nhận sống như người độc thân. Vợ và hai con anh hiện vẫn đang ở Nga. Vợ anh chuyên kinh doanh hàng may mặc Việt Nam xuất sang Nga, con đầu của anh đang học Đại học Lô-mô-nô-xốp, Nga. Anh sang Nga từ năm 1992 và làm nghề buôn bán kinh doanh hàng may mặc, một nghề hoàn toàn xa lạ với ngành học mà anh đã tốt nghiệp tại Trường Đại học Tổng hợp Huế năm 1988: cử nhân hoá học. Anh đã ở Nga 13 năm và từ tay trắng tha phương cầu thực xứ người mà làm nên nghiệp. Anh kể tôi nghe chuyện đi buôn vất vả của đời mình thuở hàn vi, khi còn ở Xi-bê-ri, có những lúc anh đã phải đi “chui” máy bay lên Mát-xcơ-va với giá rẻ (3000 rúp/người), nằm “chui” trong khoang hàng hoá. Dưới cái lạnh thấu xương âm 50 độ mà không có lò sưởi, ban đêm, anh phải mặc đến 4 cái áo ấm và trải áo lên sàn nữa để nằm, chống chọi với giá rét trong suốt 8 giờ bay từ Xi-bê-ri lên Mát-xcơ-va để bán hàng. Thậm chí, lắm lúc bí tiểu tiện mà trong khoang lại không có chỗ, anh chỉ còn có mỗi cách là “đi” ngay vào lon bia.

 

Nhưng như một sự đền bù mầu nhiệm của lẽ đời, những năm ở nước ngoài không chỉ cho anh...khó nhọc mà còn cho anh cả sự tích luỹ về vốn liếng và tri thức, giúp anh trở về Việt Nam đủ sức tạo lập và điều hành Nhà máy chế biến mủ cao su Trường Anh với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. “Tôi có những năm tích luỹ kiến thức rất giá trị do được đi Nga, đi Trung Quốc - Anh hứng khởi tâm sự chuyện “đi một ngày đàng” - Ở Nga, tôi học được kiến thức về tiêu thụ hàng hoá. Ở Trung Quốc, tôi nắm được kiến thức về sản xuất, đầu tư và lao động của họ. Tôi học được nhiều ở cung cách làm việc của người Trung Quốc: năng động và chịu khó”. Đi nhiều, biết nhiều, anh có những chiêm nghiệm độc đáo về mối tương quan kỳ lạ giữa đời người, đời cây với đất đai sinh thành, tức mối tương quan “Thiên-Địa-Nhân” mà triết lý phương Đông hằng nói đến. Dưới cái nhìn của một “nhà hoá học”, anh nói rằng sở dĩ người phương Tây to cao là vì họ ở xứ lạnh, tuyết rơi nhiều nhưng mưa ít, các nguyên tố vi lượng trong đất như ma-giê, kẽm...ít bị rửa trôi, do đó họ được hấp thu các nguyên tố này nhiều, tạo sự phát triển xương trong cơ thể. Còn người mình ở xứ nhiệt đới, mưa nhiều làm rửa trôi các nguyên tố vi lượng trong đất, do đó người xứ mình hấp thu các nguyên tố này bị ít đi, dẫn đến cơ thể nhỏ con. Cùng là người Trung Quốc, nhưng người ở phương Bắc thì cao to, mà người ở Quảng Đông, Quảng Tây thì roi roi như người Việt Nam cũng bởi lẽ ấy. Cũng do tác động của sự rửa trôi các nguyên tố vi lượng trong đất mà sau mùa mưa, hàm lượng mủ trong cây cao su hạ thấp xuống. Để chống tình trạng rửa trôi đất, tạo độ ẩm, cải tạo đất, nhằm làm tăng lượng mủ trong cây cao su vào mùa mưa, anh Hoài sẽ đầu tư hoàn thành trong năm 2008 một dây chuyền chế biến phân vi sinh bón cho cây.

 

Cơ ngơi anh Hoài đã tạo dựng ở quê nhà có sự đóng góp “của chồng công vợ”. Vợ anh lo xuôi ngược kinh doanh tạo vốn phụ giúp anh mở nhà máy. Mỗi người mải miết một phương trời với công việc, vợ chồng anh cứ như vợ chồng Ngâu, mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần ở quê nhà vào dịp hè. Xa vợ, anh muốn tìm cách để được bù đắp cho con, nhất là với đứa con gái út đang học lớp 8 ở Nga, không chỉ là bù đắp tình cha mà còn bù đắp cả về...văn hoá cội nguồn cho con khỏi bị thiếu hụt khi cứ ở đằng đẵng xứ người. Anh kể tôi nghe chuyện “bất đồng ngôn ngữ chiều sâu” giữa anh với đứa con gái rượu: “Mỗi lúc gặp nhau, cha con tôi trò chuyện bình thường như bao nhiêu cha con khác trên đời nhưng để bộc bạch những tâm tư, tình cảm sâu thẳm nhất với nhau, con tôi chỉ quen nghe bằng tiếng Nga, còn tôi quen nói bằng tiếng Việt, mà vốn tiếng Việt của con gái tôi không đủ để cảm nhận những điều sâu thẳm từ đáy lòng người cha thốt lên bằng tiếng Việt. Bởi lẽ đó, tôi dự định đưa con gái tôi về Việt Nam học vài năm, điều quan trọng là để giúp con hấp thu văn hoá cội nguồn”. Có lúc vui chuyện, tôi hỏi anh Hoài nửa đùa, nửa thật:

- Xa vợ đằng đẵng như thế, anh có bị nghi ngờ, bị ghen tuông gì không?

- Cũng có lời ong tiếng ve, đồn đại này nọ - Anh Hoài cười, ra vẻ tự trào - Nhưng tôi được tin tưởng là chủ yếu. Thấy khối lượng công việc “khổng lồ” tôi phải làm, vợ tôi tin rằng tôi chẳng hề “linh tinh” đâu.

 

Quả đúng là “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, cho dẫu tát ở hai phương trời cách biệt.

 

Giấc mơ chập chờn về...1000 ha đất

 

Để có đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, ngoài việc thu mua mủ cao su trên địa bàn Quảng Trị, Công ty Trường Anh còn phải mở rộng địa bàn thu mua đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon tum...Lượng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đảm bảo cho nhà máy hoạt động chỉ 60%, còn lại 40% phải mua ngoại tỉnh. Điều đó đặt ra cho Công ty việc phải đầu tư chủ động vùng nguyên liệu tại chỗ. Công ty đã trình UBND tỉnh Quảng Trị cho thuê 1000 ha đất để trồng cao su. Theo tính toán của anh Hoài, nếu Công ty được thuê đất, cứ với 1 ha đóng thuế cho Nhà nước 8 triệu đồng/năm, 1000 ha sẽ đóng 8 tỷ đồng/năm, nhân với 30 năm đời cây cao su, Công ty sẽ đóng cho Nhà nước tổng cộng một khoản đáng kể: 240 tỷ đồng. Dĩ nhiên, nguyện vọng của Công ty được cấp tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị xem xét. UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, từ đó Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị giao Trung tâm điều tra quy hoạch thiết kế nông lâm tỉnh Quảng Trị khảo sát hiện trạng rừng trên khu đất thuộc các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh mà Công ty xin thuê  trồng cao su. Trung tâm này đã cử cán bộ chuyên môn đi đo rừng nhiều lần và chính anh Hoài cũng đã đích thân đi theo họ “đo rừng” hai lần. Kết quả, Trung tâm này khẳng định trạng thái rừng trong phạm vi khảo sát thuộc loại rừng phục hồi nghèo kiệt, nghĩa là với anh Hoài có thể loé lên hy vọng cải tạo rừng để trồng cao su chăng? Tuy nhiên, Trung tâm này xác định rằng những cây rừng ở đây có chiều cao bình quân 11,2 m, đường kính bình quân 12,8 cm, những số đo này đã “vượt khung” so với số đo về cây rừng thuộc loại nghèo kiệt được phép cải tạo quy định tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 6-11-2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (cây cao dưới 5 m, đường kính bình quân dưới 6 cm mới được phép cải tạo). Một lẽ nữa là Trung tâm nhận thấy cây cao su chưa được công nhận là cây lâm nghiệp, mặt khác, muốn chuyển diện tích rừng nghèo kiệt mà Công ty Trường Anh xin thuê đất sang trồng cao su thì phải làm các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện tại đối với đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn cho chuyển đổi. Chuyện xin thuê đất vậy là bị vướng...cơ chế. Thế nên trong giấc mơ khát khao về đất đai làm ăn của anh Hoài, 1000 ha đất hãy cứ hiện về chập chờn, chập chờn mà thôi. Có cách gì gỡ cho giấc mơ của anh Hoài khỏi lướng vướng vì vấp vào...cơ chế? Mà đâu chỉ riêng anh Hoài.

 

Ở thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh có anh Nguyễn Văn Dũng, một “đại gia” trồng cao su đạt doanh thu 1 tỷ đồng trong năm 2007 cũng đang mơ giá như có được 1000 ha đất để trồng cao su. Có lần, tôi dò đến giấc mơ này của anh Dũng, anh bèn nói cứng rất đỗi hồn nhiên như người “xé rào” cơ chế: “Đất lâm nghiệp chuyển qua trồng cao su từ Vĩnh Ô về Vĩnh Hà khoảng 70% là chuyển được. Đất lâm nghiệp nên cho đấu trồng cao su”. Say sưa trong giấc mơ “khát đất”, anh Hoài đã “sưu tầm” và đưa cho tôi xem một thông tư “thoáng” hơn nhiều so với Thông tư 99 mà nếu được “áp dụng tương tự” tại Quảng Trị sẽ khiến anh cầm nắm được giấc mơ đang chập chờn, đó là Thông tư số 76/2007/TT-BNN ngày 21-8-2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn việc chuyển rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su ở Tây Nguyên. Đất lâm nghiệp được chuyển sang trồng cao su, có nghĩa rằng, ở Tây Nguyên, cây cao su không bị cơ chế “bắt bí” rằng nó không phải là...cây lâm nghiệp nữa, rằng nó không được trồng trên đất lâm nghiệp. Cơ chế vĩ mô dành cho đất và cây cao su ở Tây Nguyên đã “thoáng” rồi, các nơi khác, trong đó có Quảng Trị có được “thoáng” theo không? Làm sao vừa đảm bảo được đất rừng phòng hộ, vừa chuyển được một phần đất lâm nghiệp sang cho những ai có khát vọng làm giàu bằng cây cao su mà không bị “vướng cơ chế”, câu hỏi này đang đặt ra khá thúc bách với các nhà hoạch định cơ chế, các nhà quản lý.

 

”Khúc ca dòng nhựa trắng” và triết lý về “cái giếng nước” trong Kinh Dịch

 

Trong một lần lái xe đưa tôi đi thăm thú cảnh quan vùng nhà máy đứng chân, vùng cao su nguyên liệu, đi thăm các hộ trồng cao su là “vệ tinh” của nhà máy, anh Hoài mở đĩa cho tôi nghe một bản nhạc có tiết tấu nhanh, náo nức: “Rộn ràng tiếng máy reo vang vọng núi đồi, nhịp nhàng tay ta đưa theo guồng máy quay, dệt thành những ước mơ trên mảnh đất này, cho nhịp đời vang câu ca trong tiếng máy reo. Quay đều cho ra hàng, hàng cao su Trường Anh chúng ta, núi đồi thức dậy, xưa hoang sơ giờ cho nguồn vàng trắng. Quê mình từ xưa nghèo, ta góp sức mình làm cho quê hương giàu. Đêm ngày máy quay đều, những chuyến hàng đi khắp muôn nơi. Quê nhà tiềm năng giàu, hãy góp sức cùng dựng xây quê hương mình. Đêm ngày máy quay đều, để lòng ta nhớ, để lòng ta yêu Công ty Trường Anh, để lòng ta nhớ, để lòng ta yêu nhà máy cao su quê ta”. Đây là bài hát “Khúc ca dòng nhựa trắng” của nhạc sĩ Thanh Liêm đang reo ca về nhịp điệu lao động mải miết, mê say, về khát vọng làm giàu cho quê hương từ nguồn “vàng trắng” của anh Hoài và bao công nhân Công ty Trường Anh. Về sau, nhạc sĩ Thanh Liêm kể với tôi: “Lúc đầu, nhìn thấy mấy chữ “Vì quê hương giàu đẹp” viết ở nhà máy, mình phân vân liệu tay Hoài này có “sến” không. Nhưng qua tiếp xúc, chứng kiến không khí làm việc tận lực của Hoài và công nhân, tôi tin Hoài có lý”. Cao hứng, nhạc sĩ Thanh Liêm phân tích về kỹ thuật của bản nhạc: “Tiết tấu bản nhạc đi nhanh, do đó, tôi không dùng những nốt ngân khi diễn tả guồng máy quay. Tôi viết theo phong cách nhạc trẻ”.

 

Xe đỗ bên những hàng cây cao su xanh mát mắt trong vườn nhà anh Nguyễn Văn Dũng, “đại gia” trồng cao su ở thị trấn Bến Quan. “Nhờ có nhà máy ông Hoài, dân bán mủ cao su được lợi vài ba “giem”, tính theo vàng” - Anh Dũng dường như đang nói hộ cho nhiều người dân về niềm cảm ơn giành cho anh Hoài. Ngắm nghía từng miệng cạo trên thân cây cao su đang thánh thót rơi từng giọt “vàng trắng”, từng “giọt cây” ứa chảy như giọt nước mắt hạnh phúc, tôi chợt nhớ đến lần anh Hoài đàm đạo, triết lý cùng tôi về quẻ “Tỉnh” (“tỉnh” tức là cái giếng nước) trong Kinh Dịch: “Cái giếng không bao giờ cạn nước, dù người ta cứ múc nước mãi. Càng múc nước càng trong”. Đúng vậy, anh Hoài, người mê Kinh Dịch ạ! Hạnh phúc ở đời là sự đem cho, “sống là cho”, giếng cho nước mát, cây cao su tận hiến dòng nhựa trắng, miệng giếng cũng như miệng cạo cây cao su có bao giờ thôi ứa nước chứa chan! Mỗi quẻ Dịch có 6 hào (mỗi hào thể hiện bằng một vạch, hào âm là vạch đứt, hào dương là vạch liền) sắp từ dưới lên trên, luận giải hết các hào từ hào dưới cùng đến hào trên cùng sẽ thấy được sự vần xoay, biến dịch của đời. Học giả Nguyễn Hiến Lê phân tích rằng, thường thì với các quẻ trong Kinh Dịch, hễ là quẻ tốt như quẻ Càn, quẻ Thái thì hào trên cùng xấu, quẻ xấu như quẻ Bỉ, quẻ Khốn thì hào trên cùng tốt, theo luật cùng cực thì tắc biến. Ấy thế nhưng với quẻ Tỉnh, các hào càng lên cao càng tốt, tốt nhất là hào trên cùng, hào này không hàm nghĩa chỉ sự cùng cực, mà có nghĩa chỉ lúc cuối (chung), lúc nước đã múc lên, tức lúc thành công. Lúc anh Hoài còn nằm “chui” trong khoang hành lý máy bay Nga là lúc còn ở dưới đáy giếng, ở vào các hào dưới thấp của quẻ Tỉnh, còn lúc đã tạo nghiệp bằng nghề chế biến “vàng trắng” là lúc đã ở nơi miệng giếng, lúc nước giếng đã được múc lên cho mọi người dùng, lúc ở vào hào trên cùng của quẻ Tỉnh, một hào trên cùng vào loại tốt nhất trong số những hào trên cùng của các quẻ trong Kinh Dịch. Thử “bói” quẻ Tỉnh cho anh Hoài, tôi tin anh còn đi xa hơn trong nghề kinh doanh, mải miết như dòng nhựa “vàng trắng”, như nước giếng ngọt mát dâng cho đời không bao giờ cạn kiệt.

 

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 3195
Ngày đăng: 28.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nỗi niềm sông nước - Trần Đổ Liêm
Thuyền trưởng tàu sông - Trần Đổ Liêm
Chuyện ở VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG - Trương Công Khế
Những kho tàng vô giá - Hồ Hùng
Đến ITALIA: Thăm KÌ QUAN MỚI của THẾ GIỚI HÔM NAY! - Lê Xuân Quang
Lên núi gặp đồng bằng - Huỳnh Kim
Đường về với Bác - Diệp Minh Châu
Trở lại nhà xưa - Trần Thanh Giao
Nhớ Về Thái Ngọc San :Đường đã rõ chân trần ta đi tới - Trần Kiêm Ðoàn
Không thể nào quên - Trần Thôi
Cùng một tác giả