Vài cảm nghĩ thoáng qua với Tạ ơn người (Hội VHNT Quảng Ngãi, 5. 2008) của H. Man.
Tôi gặp anh H. Man lần đầu tiên, sau dịp tết Mậu Tý [2008], tại nhà một người bạn thơ cùng xã, với vài anh chị văn nghệ khác. Đó là một tiệc rượu ấm cúng, thân thiện, và như thói quen thường tình, có đọc thơ, tôi thì ngồi nghe. Hôm ấy, H. Man đọc cho mọi người nghe 4-5 năm bài, trong men rượu, anh uống ít nhưng rất say, tôi nhớ 3 bài này, nay chép ra đây.
Tắmmẹ, http://vannghesongcuulong.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7959&LOAIID=1&LOAIREF=1&TGID=1590
Góc khuất
Có cánh hoa nào mới nở
Chợt trong góc khuất khu vườn
Trong lao xao lời của gió
Ngập ngừng, lặng lẽ đưa hương…
Có nỗi vui nào sót lại
Từ trong góc khuất tâm hồn
Em gởi về theo nỗi nhớ
Để chiều tím cả hoàng hôn.
Bài thơ tình yêu thứ nhất
Rêu xanh phong kín ngăn lòng
Đến mùa em bay đổi xứ
Cũng đành – khuất núi, mù sông…
Bạn bè vẫn ngồi đâu đó
Lẫn trong góc khuất cuộc đời
Chia cùng dăm ly rượu nhạt
Nỗi niềm nhân thế đầy, vơi
Cùng chung một mùa vàng lá
Cùng thèm những cuộc rong chơi
Đói, no cuối ngày dâu bể
Lại thêm những nỗi đau đời…
Em – chắc gì em biết được
Dài trong góc khuất thời gian
Có một thằng tôi bụi bặm
Lăn theo gió lũ, mưa ngàn…
Chiếc cơi trầu của Mẹ
Làng xác xơ khi bão lũ đi qua
Trơ mặt đường quê vết thương lở loét
Những vết thương từ thiên tai...
Mẹ dấu vết thương lòng từ mái tranh liêu xiêu
Khi nhặt nhạnh đồ dùng còn sót lại
Những thứ đã trôi đi là của trời đất
Chỉ tiếc chiếc cơi tre
Ngày còn sống
cha đan
cho mẹ đựng trầu
Cuồn cuộn dòng sâu
Vật kỷ niệm trôi bập bềnh mặt nước
Chỉ cách một tầm tay mà không sao với đựơc
Huống chi tình người đã dạt phương nao
Ba đứa con
ở góc phố, lầu cao
Ngày gió lũ mưa cuồng
không kịp về cứu hộ
Chỉ có những người láng giềng nghèo khổ
Chia cùng đôi bữa hẩm hiu
Nhà lá đơn sơ thông thống gió chiều
Rét buông buốt như lòng chưa đủ ấm
Chiếc cơi tre
trôi giữa vực hồn thăm thẳm
Mẹ nhớ thương chồng
khe khẽ gọi tên con.
1. 2008
Bẵng đi vài tháng, nay cầm tập thơ Tạ ơn người (Hội VHNT Quảng Ngãi, 5. 2008), tôi bắt gặp những dòng này ở tiểu mục “Thay lời tựa” (tr.9): “… Có một người nói với tôi: ‘Nhà thơ là phải Hôn phối với Vũ trụ. Và Quê hương nhà thơ là nơi chốn Con người trần thế, chứ không thể là một xóm làng nào đó.’
Tôi nghe thì biết vậy…!
Nhưng tôi vẫn chỉ là con của Mẹ Cha, của xóm làng, của quê hương, của những hình ảnh quen thuộc… Nơi ấy tôi sinh ra, lớn lên, yêu thương, và rồi sẽ chết đi. Tôi mắc nợ tất cả những điều ấy, và tôi chỉ viết để ‘trả nợ’, trả hoài cũng không xong.
Thơ tôi, vì thế, chỉ là những tình cảm khá riêng tư, và rất bình dị.
Khi cầm trên tay tập thơ này là bạn đã chia cùng những nỗi niềm, những ẩn ức về một điều gì chưa toàn vẹn…”
Đọc xong những dòng tâm sự này, rồi đọc qua tập thơ một vài lượt, và tôi tin H. Man nói thật.
Trong bộ tam: Danh – Lợi – Tình, chữ Tình hiện rõ nhất, và gần như chi phối toàn bộ cảm xúc, những chọn lựa, cũng như cách đặt vấn đề của tập thơ.
Danh – Lợi – Tình vừa là ước mơ, là lẽ sống của đời người; nhưng cũng vừa là những trì níu, “bó chân” con người ở lại với tham sân si thường tục.
Danh – Lợi – Tình, vì thế, cũng là một “cảnh giới” khó vượt qua, nhưng nhiều người [nhất là trong giới tu hành, giới văn nghệ] muốn vượt qua.
Danh – Lợi – Tình, nhiều khi, cũng là cái “thế giới” mà những người làm văn nghệ muốn vẽ lên tên tuổi mình.
…
Chữ Tình ấy là linh hồn, là cảm quan của Tạ ơn người.
Dường như H. Man không làm thơ, và không thể làm thơ vì Danh, vì Lợi. Trong bối cảnh văn học và xã hội khá xô bồ, nhộn nhịp như ngày nay, tìm cái danh, tìm cái lợi – có lẽ, người ta không đi lối này.
Cái Lợi của thơ là gì? Tôi chưa bao giờ biết. Hay chính là: cái bất lợi!?
Còn cái Danh? Nhiều khi là một vị thế nào đó về quyền lực văn nghệ. Một phong cách vượt trội nào đó trong văn chương. Một mật độ xuất hiện dày đặc trong các câu chuyện thường ngày của người đọc. Một chỗ nào đó trong nghĩa địa của lịch sử văn học… H. Man có làm được những điều này không? Tôi e là không.
Thơ anh là một “cõi quê”, chất này những hình ảnh hoặc thơ mộng, hoặc thân thương, hoặc đằm thắm, hoặc lạc thời…
Qua thơ, H. Man chọn cách ở lại với chữ tình. Dường như ai đọc tập thơ cũng thấy vậy. Và chính cách đặt vấn như thế, Tạ ơn người tự nhiên xa lạ với “khí quyển” của thơ bây giờ.
Và vì cái xa lạ ấy, nên có lúc lại gợi tưởng trong tâm hồn xa quê và chật chội của dân thị thành một phong cảnh hiền hoà nào đó.
Và cũng vì sự xa lạ, nên có khi lại là một gợi ý với những tâm hồn gắn chặt với cảnh nhà, với xứ cũ… những “sực tỉnh” về nơi mình đang sống.
Cái quê hương thuần khiết, cái cố quận nhi nhiên, rõ ràng, đã không còn. H. Man cũng gián tiếp khơi gợi về điều ấy, trong anh có một cuộc đi tìm. Và so sánh.
Phố cũ
Cũng trăng ngàn muối sương khuya
Cũng câu thơ nối lời chia biệt người
Đã nhàu nhạt tuổi bốn mươi
Còn vang vọng mãi tiếng cười xa xăm
Phố xưa đổ giọt bóng thầm
Đã xa
dù cách nửa tầm tay xa
Vô tình
vạt nắng đi qua
Mà đau buốt mãi với tà huy sao?
Còn tôi với nghiệt oan nào
Giữa mang mang nhớ
Buồn
xao xác về...
Một phố cũ cũng không như ý anh? Một quê cũ, cũng thế. Vậy mà, nay anh lại sống ở “quê” mới, đi trên các đường phố mới. Trong lòng anh, chắc chi yên?
Cuộc sống và quê nhà ngày một thay đổi, nhưng lòng anh, có chút gì đó như luyến tiếc, níu giữ “chuyện ngày xưa” và gần như, chẳng cam lòng.
Đôi bài, anh lại như một người ghi chép, cố gắng níu giữ và mô tả lại những điều mình còn thấy trong tâm tưởng.
Quê nhà
Nơi ấy
chứa sắc trời cuối đông
Giọt nắng vàng gieo liếp cửa
Đã xa bao lần lệ ứa
Mẹ già
tóc lệch chiều hanh
Nơi ấy
có con trai tôi ngồi bưng mặt khóc
Bơ vơ
chiều quanh hiên nhà
Nơi ấy
một lần thôi
Khép cửa
Lối về đã khuất mù xa
Nơi ấy có bao điều chưa nói
Dường như là tình yêu
Dường như có điều chi rất lạ
Hoang mang rời rụng trong chiều
Nơi ấy
Có nắng vàng cây xanh
hoa xoan trắng tóc
Có con chim gọi đàn giữa chiều xa xứ
Và
Có nỗi buồn
lén lén qua tim....
Về bên sông làng cũ
Tôi về
ngồi lại bên sông cũ
Đưa tay mà vớt bóng thuyền hoa
Em bỏ bến thuở tình tôi xanh dại
Gió thay mùa
lòng cũng khơi xa
Giọt nước mắt đã hoen mùi rêu mốc
Khoảng tường câm
từng sợi nắng đi qua
Chút trăng cũ cũng đôi lần nguyệt thực
Màu sơ nguyên mây lớp lớp nhạt nhoà
Còn với mất giữa hai bờ mây nước
Một dòng trôi hiu hắt một lòng quê
Dù ngựa chứng cũng cùn chân, mỏi vó
Huống chi tôi không có bận quay về?
Về ngồi lại bên sông làng cũ
Khóc thầm theo câu hát “ Cố nhân hề...”
H. Man bộc bạch: “Tôi viết để trả nợ” – ai mà không viết để trả nợ.
Nhưng dường như, H. Man nhìn thấy trong hành trình cuộc đời của mình, là một cuộc đi buôn, “không có vốn ở khởi thuỷ, và không có lãi ở chung cuộc” (ý của Inrasara). Anh là một người “nợ nần”, có thể theo nghĩa thường tục, và cũng có thể theo nghĩa rộng rãi nhất của từ này.
Qua Tạ ơn người, tôi nhìn thấy H. Man không chỉ nợ quê hương xứ sở, nợ ơn nghĩa sinh thành, nợ chính mình…; mà anh còn nợ cả những điều không mắc nợ. Cái nợ ấy dai dẳng, đến trước, và đi sau.
Tự nhiên, nghĩ đến đây, tôi lại nhớ về bài “Trừ châu tây giản” [(Dòng suối phía tây Trừ châu), nay thuộc huyện Trừ, tỉnh An Huy] của Vi Ứng Vật (736-830?), đời Đường, thuộc phái “điền viên”.
Độc lân u thảo giản biên sinh
Thượng hữu hoàng ly thâm thụ minh
Xuân triều đới vũ vãn lai cấp
Dã độ vô nhân chu tự hoành.
Tạm dịch nghĩa: Thích riêng cái cảnh cỏ mịn bên bờ suối. Nghe chim oanh vàng hót trong lùm cây cao và rậm. Thấy thuỷ triều mùa xuân mang mưa đến, rồi tuôn chảy mạnh hơn vào xế chiều. Nhìn bến đò không người, bên cánh đồng, biết chiếc ghe vẫn nằm ngang.
Nhà thơ đã mất bao lâu để “thích, nghe, nhìn, biết…” những điều này. Phải chăng chỉ là trong một hoàng hôn, bên sông vắng, và mưa xuân. Tôi e không phải vậy!
“Dã độ vô nhân chu tự hoành” - ấy là một cái thú của cô quạnh, của điền viên. Và ấy cũng là một cái nợ trần thế phải trả. Một cái duyên phải gặp, một tĩnh tại thường nhật của “chu tự hoành” (chuyến đò ngang).
H. Man cũng là một chuyến đò ngang, bắt giữa quê và phố, giữa lòng mình và chuyện nhân tình, giữa bên trong quặn chảy và bên ngoài u buồn, tình-lặng.
H. Man có lúc đã tình tạo ra được một xứ mộng, một cỡi hư hao cho riêng mình – và để thở, và để yêu… dễ dàng hơn.
… Giữa lòng trăng khuya, sớm tội tình chưa?
Cố níu giữ một cái gì lỡ mất
Cũng như cuội chọn lấy điều không thật
Anh vẽ lên trời
một mảnh trăng riêng.
(Trích trong bài “Cuội”)
Nhiều khi đó là một tàu lá chuối non nằm phơi trước gió mưa, bão táp, khô hạn…
Nhiều khi đó chỉ là một điều gì nhỏ nhoi không nói lên được…
Tạ ơn người theo tôi là một tàu lá chuối non, nhưng mở phơi, chứ không phải “phong còn kín” (của Nguyễn Trãi); và rất mỏng manh.
Tôi rón rén, tôi e dè khi lần dở, và tôi sợ phải lung lay quá nhiều, kẻo rách mất.
Tôi đi thoáng qua, đi thoáng qua với cái tình bề mặt của con chữ, sợ phải soi mói nhiều vào bên trong, với những vỉa tầng của chữ, với những thách thức của thay đổi về hình thức, và những điểm lạ biệt về nội dung. Tôi sợ phải làm thế với Tạ ơn người.
Trong tâm cảnh tạm thời của đời sống thị dân, tôi tìm thấy ở đó một lối đi nhỏ, quen quen của quê cha đất mẹ. Và đôi khi, là một sự mơ tưởng trở về.
La Hán Phòng, 3-5-2008