Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.079
123.233.627
 
Còn ai ngậm ngải tìm trầm?
Trần Lâm Hoa Vinh

Trầm hương, kỳ nam là các loại dược liệu cực kỳ quý hiếm, rất có giá trị kinh tế, được tạo thành từ cây dó bầu mọc rải rác trong các vùng rừng nguyên sơ ở các tỉnh từ Nam Trung bộ trở vào đến duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Nổi tiếng nhất có lẽ là Khánh Hoà, vùng đất được mệnh danh “xứ sở trầm hương”.

 

Có ba loại cây dó: dó bầu, dó me, dó quít. Dó bầu có thân trắng, mùi thơm như nước dừa, cành và lá tựa như cành, lá khế. Cây dó me, dó quít không khác gì cây dó bầu; chỉ khác ở thân cây giống cây me, cây quít rừng. Nhiều nơi rừng núi của các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Yên, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Quảng Nam… gần như những cây dó cuối cùng cũng đã bị xoá sổ. Trầm hương, kỳ nam lấy từ cây dó tự nhiên trong rừng không còn, người ta chuyển sang nghiên cứu và trồng dó, bắt dó làm ra vàng ròng cho con người từ trầm hương và kỳ nam.

 

Từ những tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số người lầm tưởng có thể làm giàu nhanh từ việc trồng cây dó. Điều này thật sự sai lầm! Qua tìm hiểu từ những người có kinh nghiệm trồng cây dó bầu, số cây dó lấy từ rừng về trồng, 10 cây chỉ sống được 1-2 cây. Hiện tại, nhờ sự nhiệt tâm của các nhà khoa học, chỉ sau một thời gian nghiên cứu, cây dó bầu đã hồi sinh trở lại.

 

Cuộc truy lùng trầm hương gần như đã chấm dứt hàng thập kỷ nay nhưng sự tàn phá rừng của con người đã khiến cơ hội tồn tại của cây dó bầu trong điều kiện tự nhiên là rất hạn hữu. Việc bảo tồn, phát triển một loài cây có nguồn gốc hoang dã như cây dó bầu không dễ dàng chút nào. Chuyện một anh nông dân ở Quảng Nam bước đầu thành công về việc tự mày mò ươm trồng cây dó bầu trên đất nhà mình đã làm cho dư luận thực sự quan tâm. Ở Việt Nam, một trong những người nghiên cứu khoa học về cây dó bầu tạo trầm là Tiến sĩ Lê Công Kiệt, cùng người đồng hành là Tiến sĩ Paul Kessler (Hà Lan). Hai người này vừa phát hiện thêm loài thứ 25, sau 24 loài dó bầu trước đó tại cao nguyên Trung bộ năm 2005, có tên khoa học là Aquilariarugosa L.C.Kiệt và PJ.Akessler. Từ những nghiên cứu mang tính khoa học và cả những kinh nghiệm dân dã, người ta đã không còn quá mơ hồ về cây dó bầu và hoàn toàn có thể tiếp cận quy trình trồng nhằm mục đích phục vụ cấy tạo, khai thác trầm.

 

Quá trình hình thành trầm kỳ trong tự nhiên của cây dó bầu do sự biến đổi các phân tử gỗ bởi bệnh lý nứt gãy. Đây là hiện tượng xảy ra một cách tự nhiên từ năm này qua năm khác. Khi thân cây bị nhiễm bệnh ở một vùng nào đó thì nó tự chữa lành vết thương, cây sẽ điều tiết nhựa đến, xem như một khả năng đề kháng. Chính tại nơi có vết thương này đã tạo ra trầm kỳ! Các tế bào gỗ thoái hoá, mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu), biến thành những khối không đều, lồi lõm có rãnh dọc, trong khối hình có màu sậm ấy là kỳ nam. Xung quanh kỳ nam, gỗ cũng biến chất ít nhiều, phần này gọi nôm na là tóc, đốt lên có mùi thơm (nguyên liệu thô này thường được sử dụng làm nhang). Nhưng không phải bất kỳ cây dó nào cũng có khả năng tạo trầm kỳ.

 

Trầm kỳ thường được tìm thấy ở những cây dó bị bệnh sau thời gian 10-20 năm hoặc lâu hơn. Dân “đi điệu” (ngậm ngải tìm trầm) phải có kinh nghiệm mới phát hiện ra một cây dó có bề dày về độ tuổi giữa bạt ngàn rừng rậm. Thông thường, cây bị bệnh càng nặng càng hứa hẹn khả năng cho trầm tốt. Biểu hiện của cây bệnh là lá có màu vàng, nhỏ dần, thân có nhiều u bướu, xuất hiện những điểm nâu đỏ; gỗ cây biến thành một chất bóng như đá, có những nếp nhăn giống như cánh chim ưng, đó là những cây chắc chắn có trầm và kỳ.

 

Giống Aquilaria cho trầm kỳ được liệt kê trong sách đỏ của IUCN (The Inernational Union for The Conservation of Nature and Natural Resources) hiện đang được nhân rộng trong các gia đình và trang trại ở một số tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Phú Quốc, Bình Định, Khánh Hoà… Tuy nhiên, người trồng dó bầu vẫn phát triển cây theo kinh nghiệm riêng và phần nhiều còn e ngại mức độ thành công. Trước đó, Tổ chức Rừng mưa nhiệt đới (The rain forest projeet- TRP), một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan, được sự tài trợ của Liên minh châu Âu đã kết hợp với Trường đại học Quốc gia TP.HCM tiến hành các phương pháp cấy tạo trầm khác nhau trên cây dó bầu tại hai tỉnh An Giang và Kom Tum đã mang lại kết quả khả quan. Theo đó cho thấy, sự hình thành trầm có thể xảy ra trên những cây dó bầu từ  4-5 năm tuổi, sau khi được xử lý bằng chất xúc tác từ 6-17 tháng. Rất tiếc những công trình nghiên cứu trên, vì nhiều lý do cho đến nay vẫn chưa công bố.

 

Có 3 phương pháp cấy tạo trầm: phương pháp vật lý (gây vết thương cơ giới), phương pháp hoá học (xúc tác bằng háo chất) và phương pháp sinh học (dùng men vi sinh). Theo Chi hội Trầm hương Khánh Hoà (thuộc Hội Trầm hương Việt Nam), hiện việc trồng cây dó và cấy tạo trầm trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở giai đoạn khởi động. Địa bàn đang phát triển mô hình trồng cây dó bầu tạo trầm nhiều nhất là huyện Vạn Ninh- “thủ phủ” một thời của những tay “đi điệu” khét tiếng. Huyện Khánh Vĩnh cũng là một địa bàn mà chi hội đang phát triển ươm trồng cây con với số lượng trên một trăm ngàn cây, đảm bảo cung cấp đủ cây trồng theo yêu cầu.

 

Theo tính toán chi tiết, trồng 1000 cây dó/ ha khi vào năm thứ 10 trở lên, sau khi trừ tất cả chi phí, tính trung bình 1 cây sẽ có giá 4 triệu đồng. Như vậy 1000 cây x 4 triệu = 4 tỷ VND, hiệu quả kinh tế sau khi thu hoạch sẽ là 4 tỷ VND ­- 153.9 triệu VND (phí đầu tư) = 3.846,1 tỷ VND.

 

Chi hội Trầm hương Khánh Hoà cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm hoá chất tạo trầm. Sản phẩm độc đáo này sẽ được công bố rộng rãi trong thời gian tới.

Việc đổi đời từ trầm hương, kỳ nam không còn là những câu chuyện đẫm máu và nước mắt như cánh “đi điệu” ngày xưa nữa. Kế hoạch trồng cây dó bầu tạo trầm kỳ của Hội Trầm hương Việt Nam chỉ còn chờ sự tự tin và bản lĩnh của người trong cuộc mà thôi!

 

(Theo Người đương thời 23)

Trần Lâm Hoa Vinh
Số lần đọc: 2979
Ngày đăng: 08.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miếng ngon nhớ lâu - 3 - Lê Xuân Quang
Miếng Ngon Nhớ Lâu - 2 - Lê Xuân Quang
Cái bếp và mối tình quê - Võ Ðắc Danh
Dân chơi cầu Ba Cẳng - Trương Đạm Thủy
Đùa với chúa sơn lâm - Đặng Huỳnh Lộc
Nơi đầu ghềnh cuối bãi - Đặng Huỳnh Lộc
Miếng ngon nhớ lâu - 1 - Lê Xuân Quang
Nổi đau - Trịnh Băng Tâm
Chuyện Tam Nông ở đất Phù Chẩn - Vũ Ngọc Tiến
Dế mèn phiêu lưu …sự - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả