Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.203.968
 
4 bài thơ & tứ hệ hifi
Inrasara

Lời mở:

Kinh Thánh: “Quả thật ta nói cùng các ngươi: Một con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu vào Nước thiên đàng”. Và… (Xem thêm Lời kết ở dưới).

 

1.

ĐỨA CON CỦA ĐẤT

 

Tôi,

đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp

đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

 

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn

cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak*

ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết

plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.*

 

Lớn lên,

tôi đụng đầu với chiến tranh

tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng

tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng

rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em.

 

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi

tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt*

trái tim đui

tôi như người bị vứt

rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.

 

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ

như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

tôi tìm lại tôi

tìm thấy nắng quê hương!

 

Lại xanh trong tôi dù rừng đã cháy

lại chảy trong tôi dù sông đã chết

chợt hanh lại cát chợt buồn lại ru

chợt duyên lại em chợt hoang lại tháp

 

Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

_________________

 

* Glơng Anak: tên một thi phẩm cổ Chăm; Plây: buôn, làng; Đua buk: một điệu múa; Ariya: thơ, trường ca.

(trong Tháp nắng, NXB Thanh niên, 1996)

 

 

2.

TRONG KHOẢNG TỐI CỦA GIÓ MÙA

tặng Trà Vigia

 

Da và xương

Mắt buồn và khói thuốc

Tờ giấy trắng và đêm trắng

Bơi ngang dòng nước tối ẩn hình.

 

Anh

Đến và đi

Chiếc ghế trống bỏ lại.

 

Không cả ngoảnh lại

Những âm tiết đen mang khuôn mặt loài cú biển

Đóng cửa một bắt tay.

 

Bên cạnh và xung quanh

Ném sang cái nhìn chật chội

Toan đám thiêu linh hồn chúng ta

Cả ở thì quá khứ.

 

Gió mùa làm thịnh nộ

Thổi rạp đám cỏ non nóng vội ngóc đầu.

 

Trước nhay nháy nhúm sáng dối lừa

Chúng ta chống đối / hùa theo / đồng lõa

Chúng ta phạm nhân / quan tòa

Chúng ta bên lề

Ai hiểu được?!

 

Trong đối thoại bị chối từ

Một ban mai mắc kẹt

Trước bàn tiệc ngút trời

Chúng ta vỏ chai không vứt xó

Trong loạn nhịp vũ khúc cổ

Không ai còn níu được sợi tóc định mệnh mình.

 

Anh

Vịn vào lặng câm

Đứng.

 

Đã lở và đang vá lại

Đã tàn rữa và đang được vun quén

Đã đào bới và đang nhào nặn

Đang giấc mơ nhỏ giọt.

 

Tiếng nói bị rách nơi đáy họng

Cả ở bề chéo tâm thức

Chúng ta bất lực và

Chúng ta không biết đường để khóc

Ngôi nhà cuối cùng đổ rụm sau lưng.

 

Đi

Không ai có thể vỗ về khoảng trống.

 

Chỉ còn chối từ nâng đỡ hi vọng anh.

 

Mẹ quên nước mắt

Vợ quên than

Con quên khóc

Bằng hữu quên ly rượu cuối cùng.

 

Trong tiếng nổ lách tách của loài lửa đốt rạ

Choáng giữa vinh quang mù

Chúng ta

Gió tắt vào lồng ngực.

 

Đêm tối gồng hai cánh tay

Ngự trị.

 

Anh

Mang theo hơi thở gió mùa

Đi mất.

 

Cả nỗi chán cũng không buồn đậu lại.

 

Lên đường

Một hành khúc đen hơn kinh cầu đen

Vừa trỗi

Ban mai không bao giờ mọc trên bàn chân

Cứu vãn hi vọng anh chỉ còn tuyệt vọng thẳm sâu hơn nữa.

 

Trước lũ mây hãnh tiến đáng thương

Trước nhúm nắng nhỏ con vừa than vãn vừa ưỡn ngực

Về phía dòng nước xanh bợt.

 

Anh

Hai tay bụm mầm nắng

Chờ đợi.

 

Bác nông dân

Chậm rãi vạch từng đường cày

Nhìn phơi mở bóng đêm.

 

Không ở đâu và không bao giờ được hiểu

Cô đơn như hố thẳm cô đơn

Anh vỗ cánh

Về phía gió mùa.

 

                        Bên kia cõi lặng.

Tiếng lướt đi của bàn chân

Hắt hơi của loài côn trùng tiền sử

Nín thở của nhà sư  ẩn  tu

Cánh tay vãi gieo vào vô hình

Xào xạc của gạch nung triều đại cũ

Bốc mùi của đất mục

Cạ lên trang giấy của câu thơ chưa viết

Gầm của biển chết

Lửa vỡ vào thành đêm

Vạc 300 tuổi thọ thình lình kêu xé không gian

Khóc vừa hạ sinh một giọng nói.

 

Niềm vui bất ngờ vang lên trong lễ hội

                        Cái cuối cùng có thể cứu vớt chúng ta:

                                                            TIẾNG HÁT.

_____________

(trong Lễ tẩy trần tháng Tư, NXB Hội Nhà văn, 1996)

 

3.

ĂN CHỮ

 

Tôi có thằng bạn mắc bệnh ăn

chữ. Không thứ gì khác hắn ăn

sáng trưa chiều hắn nhai ngấu nghiến

Vợ hắn khóc hai năm nay thôi

 

Hắn ăn đủ các thứ nặng nhẹ

Nietzsche Khổng đến Sagan tất

tần tật hắn ăn từ tốn chậm

rãi những con chữ. Thuở xà lỏn

 

ên mắt tôi thấy lão Klum

làng ăn trăng với nước lã trừ

bữa. Trước nữa, cha kể ông cố

ngoại tôi chạy càn Minh Mệnh đọc

 

kinh lễ đốt tập thơ Glang Anak

pha nước đái trẻ uống thay vì

ăn chữ. Ông sống trên trăm tuổi

cha nói giòng ăn lạ chỉ sinh

 

một ở thế hệ nào đó bất

kì đâu Cham không bao giờ tiệt

nòi ăn chữ. Vợ hắn khóc sao

trúng ngay chồng em.

 

___________

 

(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006).

 

4.

Ở NƠI ẤY, NHÀ THƠ

(cảm tác từ Apghanistan)

 

 

Tao không muốn mầy làm thơ tình buồn

Tao không muốn mầy làm thơ tình

Tao không muốn mầy làm thơ

Tao không muốn mầy làm

Tao không muốn

Tao không

Tao

T

 

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con, có gia đình

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có chồng, con

Đơn giản mầy là phụ nữ đã có

Đơn giản mầy là phụ nữ

Là của cải là đồ chơi

Đơn giản

 

Mầy còn muốn gì nữa

Mầy đã có cuộc sống no đủ

Mầy đã có tao

            Đã có tao

            Có tao              

            Tao

            T

 

Vô ích làm thơ vô ích suy nghĩ thậm vô ích

 

tôi sinh ra thật vô ích*

Nadia

sinh ra không vô ích chết đi

không vô ích làm thơ

Nadia

cánh én xẹt ngang cánh đồng chữ nghĩa

            bay qua bầu trời tự do

ở nơi ấy em đi, Nadia   

anh sẽ đến

địa ngục hay thiên đường

ta lại làm thơ

TỰ DO NADIA TỰ DO

Bông hoa màu đỏ sẫm*                             NADIA

 

__________________________

* Bông hoa màu đỏ sẫm: tên tập thơ đầu tay của Nadia Anjuman, nữ nhà thơ trẻ Apghanistan, chết bí ẩn vào ngày 05.11.2005. “Tôi sinh ra thật vô ích” là câu thơ trong tập thơ trên. (Báo Văn nghệ trẻ, 18.11.2007, và nadia.afghawrite.org) 

 

(Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], chưa in)

 

 

Lời kết:

“Và em, em nói thật cùng các bác: Thuyết phục Ong Phok rời bỏ căn chòi ông còn dễ hơn nói sao cho nhà văn từ bỏ một… nẻo nghĩ”.

 

*

Trong các cuộc đi lai rai tán gẫu về thơ hoặc có dịp đăng đàn thi thuyết, tôi hiếm khi đọc thơ mình mà, đọc bài thơ của bạn thơ đương thời tôi cho là đáng giá trong năm. Lập dị này rất tiện cho tôi: về cái hay của thơ người thiên hạ thì dễ ăn nói hơn. Bởi vậy, khi anh Nguyễn Hòa đùn cho tôi vụ Tuyển thơ cho vanchuongviet.org, suốt năm ròng tôi đã không chọn nổi cái nào của mình để tán. Nay, nhân (tôi có bài “Viết ngắn 25: Phê bình ‘nhân’”) có nỗi trao đổi qua lại về thơ truyền thống / thơ đổi mới “chạy theo”-“học đòi”, tôi xin mạn phép độc giả trích một lượt 4 bài, với nhời bàn dzui dzẻ như sau:

 

Bài 1. Bài “Đứa con của Đất” thuộc dòng hậu lãng mạn. Làm nó năm 1990, tôi hạ quyết tâm ăn theo truyền thống Thơ Mới. Thế là nó mươi lần bị xô vào Tuyển khác nhau, nghĩa là có đến mươi vị cho nó là bài khá [của tôi, dĩ nhiên]. Oai nhé!

 

2. Còn bài “Trong khoảng tối gió mùa” đích thị thuộc truyền thống níu váy thơ tự do nối dài rồi, không chạy vào đâu được. Nó cũng đã bốn lần trình làng. Ờ, mặt mũi cũng tạm coi được.

 

3. Riêng bài thơ “Ăn chữ” chắc chắn là “chạy theo” phong trào tân hình thức do nhà Khế Iêm mở hàng ở tận Mỹ. Đỗ Vinh có dịch ra tiếng Anh (Eating words), in ở Blank Verse, An Anthology of Vietnamese New Formalism Poetry, USA, 2006. Dù nó chưa sâu sát nỗi lòng tân hình thức như Khế Iêm mong muốn, nhưng dẫu sao nó cũng “đáng giá” với hai người, là… dịch giả và nhà làm tuyển!

 

4. Làm bài “Ở nơi ấy, nhà thơ”, tôi thử “học đòi” lối viết hậu hiện đại, nhưng rủi ro là nó lọt qua lô hậu nữ quyền luận. Nên, khi bài đăng lên Tienve.org, sáng mở mắt, một bạn thơ nữ nhắn tin khen là nó “cuc hay” (một dẫn chứng mang tính bè phái rất nhảm nhí!).

 

Thêm: Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất vào chiều nay, khi phóng viên hỏi: Và nếu đồng tình, xin ông phân tích một vài trường hợp bị “thơ hậu hiện đại”, “thơ tân hình thức” cám dỗ? tôi đã trả lời như vầy:

 

- Cám dỗ, tốt lắm. Chứ ở lì mãi hệ mĩ học cũ, hỏi thơ Việt sẽ đi đâu về đâu? Này nhé, cứ xem gương [sáng/mờ] Trần Tiến Dũng cũng đủ rõ. Đây có lẽ là một ca nhảy liều lĩnh độc đáo. Trần Tiến Dũng - một trong rất ít nhà thơ đặc trưng của miền Nam 20 năm qua -  sau hai tập thơ đầu HiệnKhối động theo truyền thống thơ tự do-siêu thực, đột ngột bẻ ngoặt hướng mới, khác lạ, như thể một cú gẫy: sáng tác theo trào lưu tân hình thức, sau đó: hậu hiện đại. Thử nghĩ, nếu anh “hưu non” ở tự do-siêu thực, hỏi thơ anh sẽ đi đâu về đâu? Dậm chân tại chỗ là cái chắc.

Mà Trần Tiến Dũng đâu phải là trường hợp cá biệt.

 

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 4082
Ngày đăng: 12.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng nói một người - Thanh Tâm Tuyền
Mộ hoài độc ẩm - Trần Phong Giao
Chưa bao giờ buồn thế - Cung Trầm Tưởng
Núi - Diên Nghị
Trong ánh chớp số phận - Ý Nhi
Thơ Jalau Anưk - Jalau Anuk
Tiếng vọng - Thảo Phương
Thơ Ngọc Dũng - Ngọc Dũng
Bài thơ sầu tám khúc - Duy Thanh
Mornington – Bình minh dậm dật những đôi chân - Lam Hạnh
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)