Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.153
123.225.188
 
Nói về Mắt, Nhãn, Mục
Khổng Ðức

Đề tài này bốn, năm mươi năm về trước, ngày mà giới Nho học còn đầy đường chật đất, thì không ai bàn đến chữ Nhãn, chữ Mục, Mắt làm gì…Thế nhưng, hình như chỉ riêng Việt Nam thôi, tính chữ nghĩa lại giống với hình thể đất đai sông núi, cứ mỗi ngày mỗi hao mòn cạn cợt dần.

 

Thật vậy, qua 4 số báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam nói về chữ Mắt, chữ Nhãn trong thơ, nhưng không mấy ai tìm hiểu về chữ Mắt, chữ Nhãn cho đến nơi đến chốn; cũng có thể do cuộc sống bận rộn không ai có thì giờ tra cứu. Ở đây với tư cách của một lão đồ gàn, ăn không ngồi rồi, đi tìm hiểu về các chữ Mắt, Nhãn, Mục giúp cho các bạn trẻ chứ không nhắm tham gia tranh luận tranh lọt với ai.

 

Trong khi chúng ta chỉ có một chữ Mắt là nhìn, xem thấy, ngó ngắm…thì Trung Quốc có đến hai chữ là Nhãn và Mục. Đồng âm với chữ Mắt là con mắt, bộ phận, cơ quan để trông nhìn, chúng ta còn có 6 chữ nữa:

1-       Mắt: chỗ lồi ở đốt cây; như mắt tre, mắt mía.

2-       Mắt: chỉ những lỗ trống như mắt lưới.

3-       Mắt là đắt giá; ví dụ: mua cái này đắt quá.

4-       Mắt là khó, rối rắm, như gút mắt.

5-       Mắt cá là chỗ lồi ra ở gần cổ chân, hay cục chai lồi ra trên bàn tay bàn chân.

6-       Loại côn trùng như bọ mắt.

 

Chữ Mắt là con mắt là biến thái từ chữ Mục của Trung Quốc, hay là có gốc từ tiếng Mã Lai, người Mã cũng gọi mắt là med, mad, mắt. Thế nhưng khi biến thành từ (đi đôi với chữ mắt), theo Đại Nam Quốc Âm tự vi của Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1895, và quyển Dictionnaire Viet Namien Chinois Francais của Eugène Gouin xuất bản năm 1957 có đến trên 80 từ, thì chưa có từ mắt chữ hay chữ mắt.

 

Chữ Mục của Trung Quốc, theo Thuyết Văn giải tự là chữ tượng hình và là một trong 214 bộ của tự điển xưa. Ngoài nghĩa của chữ Mục chúng ta sẽ kê sau; những từ đi với mục là mắt có đến 60 (còn từ mằt của ta là do nhiều đồng âm tạo nên), còn chữ thuộc bộ mục có đến hàng trăm. Chữ Mục có đến 18 nghĩa:

1-       Là con mắt, quẻ Tốn trong kinh Dịch cũng thuộc con mắt…Ngũ Tử Tư lúc sắp mất trối: ta chết hãy đem mắt ta treo ở cửa Đông, để thấy được quân Việt kéo vào dày xéo nước Ngô.

2-       Xem ngó, nhìn thấy.

3-       Dùng mắt biểu thị sự phẫn nộ bất mãn, cũng có nghĩa là im lặng, nhận thức từ bên trong.

4-       Dùng mắt biểu hiện ý, như Phạm Tăng số mục Vũ kích Bái Công, Vũ bất ứng (nghĩa là Phạm Tăng lấy mắt ra hiệu cho Hạng Vũ giết Bái Công, Vũ phản đối)

5-       Xem như phản động.

6-       Cách nhìn

7-       Xem trọng.

8-       Nhãn lực.

9-       Lỗ hổng trống.

10-   Yếu mục là quan trọng, cần thiết; như Nhan Uyên viết: Thỉnh vấn kỳ mục. Khổng Tử ngôn: Phi lễ vật thị, phi lễ vật ngôn.

11-   Mục lục (tiết mục)

12-   Danh mục

13-   Xưng hô.

14-   Tiêu đề, đề mục.

15-   Phẩm bình, phẩm đề.

16-   Thủ lãnh, đầu mục.

17-   Hạt khô dưới gốc cây.

18-   Họ người.

 

 

Chữ Nhãn do chữ Mục chỉ nghĩa và chữ cấn chỉ thanh tạo nên. Chữ Cấn đồng với quẻ Cấn trong kinh dịch là chỉ cho núi. Nhưng đây không phải là chỗ tìm hiểu cơ cấu của chữ, mà chỉ cần tìm nghĩa của nó thôi. Nhãn cũng có đến 16 nghĩa:

1-       Là con mắt, chữ Hoa là nhãn tính.

2-       Là nhãn thần, mắt có thần.

3-       Mục lực, là kiến thức.

4-       Theo dõi, tiếng hoa nghĩa là giám thị.

5-       Hướng đạo là dẫn đường, có nghĩa nữa là tuyến sách tức manh mối.

6-       Hang động

7-       Then chốt, hay là yếu điểm (sự vật đích quan kiện hoà tinh yếu điểm) .

8-       Chỉ cho hoa văn trang trí.

9-       Chỉ cho lá liễu non.

10-   Bọt nước.

11-   Nhịp phách trong các bài khúc ( điệu hát của Trung Quốc xưa) .

12-   Thuật ngữ dùng trong khi đánh cờ vây.

13-   Lượng từ.

14-   Chỉ họ người.

15-   Tai mắt có nghĩa là dòm ngó.

16-   Chỉ sự rò rỉ và khuyết điểm.

 

Trong từ điển Trung Quốc chỉ có từ nhãn, thi nhãn, còn chữ nhãn tự là do người Việt chúng ta Việt hoá từ Tự Nhãn đó thôi. Từ nguyên giải thích chữ tự nhãn là Văn tự trung chi tinh luyện chi tự dã ( chữ rất tinh luyện trong văn từ) rồi dẫn chứng câu trong Thương Lang thi thoại: Thi dụng công hữu tam: viết khởi kết, viết cú pháp, viết tự nhãn ( nghĩa là dụng công ở trong thơ có ba điểm chính: một là mở đầu và kết luận, hai là cú pháp, ba là tự nhãn); Từ Hải cũng giải thích như Từ nguyên chỉ nói thêm là chữ then chốt yếu điểm trong thi văn ( diệc chuyên chỉ thi văn trung tinh yếu ngật khẩn đích tự). Đến từ thi nhãn thì các từ điển đều giải thích giống nhau:

 

1-       Thi nhân đích thưởng lãm năng lực, quan sát lực.

2-       Chỉ nhất cú thi hoặc nhất thủ thi trung tối tinh luyện truyền thần đích nhất cá tự- nghĩa một là chỉ năng lực quan sát của thi nhân; nghĩa hai là chỉ một từ hay một chữ cực kỳ tinh luyện mang tính truyền thần.

 

Tự nhãn: Anh dịch là Wording, diction (nôm na là cách diễn đạt, cách chọn từ, chữ); cũng có khi dịch là wordkey. Từ điển Pháp Hoa cũng dịch là mot cle, mot choisi, langage, terme. Riêng chữ Nhãn, Pháp cũng dịch là: oeil, trou, point essentiel. Trong từ Trung Quốc cũng chỉ nói tự nhãn, thi nhãn chứ chưa bao giờ thấy nói đến từ mục, thi mục, có lẽ trong chữ mục không có nghĩa là quan kiện (then chốt), yếu điểm. Hơn nữa, khi nói từ mục, thì mục có nghĩa khác chứ không phải chữ hay, chữ then chốt cốt yếu làm nổi bật câu thơ.

 

Nhưng tại sao trong thơ lại phải có tự nhãn, thi nhãn? Bởi thơ luôn luôn quý sự hàm súc, chữ ít mà nghĩa nhiều; cho nên phải cân nhắc chọn lọc, tìm chữ hạ câu, phải đa tư đa lự, năm lần bảy lượt thôi xao, khiến cho bản văn phải có chữ, có câu cơ kỉnh, như bắc đẩu sáng chói giữa ngàn sao, như trụ cột đứng giữa cung điện thi ca. Chữ cơ kỉnh trong câu tức là thi nhãn, tự nhãn. Như trong bài từ Ngọc lâu xuân của Tống Kỳ có câu “ Hồng Hạnh chi đầu xuân ý náo” ( nghĩa: đầu cành cây hạnh đang nở những nụ hoa hồng, bướm ong bay nhốn nháo bay quanh làm cho ý xuân cũng rộn ràng). Then chốt trong câu là chữ NÁO (ồn ào, náo nhiệt) nghe như đơn giản mà thật ra không có chữ nào thay thế được. Ví như có thể đưa các từ Nồng là đậm đà, Mãn là tràn đầy, Hảo là tốt đẹp, hay Đáo là đến cũng đều là tiếng trắc có nghĩa đấy, nhưng làm cho câu thơ mất sống động, rồi ảnh hưởng đến toàn bài, mất chất thơ. Và chỉ có chữ Náo mới gây cho độc giả có cảm giác âm thanh vo ve cảu bầy ong bay quanh hoa hạnh cùng với sắc màu rực rỡ cảu đàn bướm múa may bên cành hoa đập vào mắt, phấn hương hoa hạnh phản phất mùi thơm xông vào mũi, thêm khí hậu ấm áp gió nhẹ mơn man làn da. Các cảm giác đó như lẫn lộn vào nhau như chất men nung ấm tâm linh khiến người ngây ngất trong bầu không khí lung linh sống động, bầu khí đó chính là xuân ý vậy.

 

Đỗ Phủ trong bài “Khúc giang đối vũ” có câu: “Lâm hoa trước vũ yên chi…” chữ cuối câu thơ khắc trên đó bị mờ đi, phải mời các danh gia hậu bối tìm chữ bổ sung. Tô Đông Pha điền vào đó chữ Nhuận ướt át, Hoàng Sơn Cốc đưa ra chữ Lão già nua. Tân Khí tật đề nghị chữ Nộn là mềm yếu. Nhà sư Thích Ấn thì dùng chữ Lạc là rơi rụng. Yên chi vốn là màu hồng nên các chữ đưa ra đểu có nghĩa; nhưng đến khi tìm được tập thơ của Đỗ Phủ mới thấy đó là chữ Thấp ẩm ướt, mọi người mới thấy không sao bằng Đỗ Công Bộ. Nghĩa cả câu là “ Màu hồng của cánh hoa rừng gặp mưa trở nên ướt át” . Tô Đông Pha trong bài “ Hữu mỹ đường bạo vũ” có câu “ Thiên ngoại Bắc phong xuy hải lập”. Nghĩa : bên ngoài trời tối đen gió thổi mạnh làm cho sóng biển dựng đứng lên… Nói chung những từ Náo, Thấp, Lập người xưa gọi là thi nhãn hay tự nhãn là những từ then chốt làm cho câu thơ trở nên sinh động lạ thường.

Các nhà thơ mới của chúng ta cũng rành về sử dụng tự nhãn; Như :

 

- Hàn Mặc Tử:      Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối

                             Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

- Bích Khê:           Buồn lưu cây đào xin hơi xuân

                             Buồn sang cây tùng thăm Đông quân

- Yến Lan:            Đây là chốn nương mây và cây nguyệt

                             Đường chờ xe sông nước ước mong thuyền.

 

Những từ sờ sẫm, cọ mài, lưu, xin, sang, thăm, nương, cậy, nhờ, ước đều là tự nhãn. Thơ quý ở sự chọn lựa, trau luyện chữ, nhưng những nhà thi học xưa cũng từng nhắc nhở là nên chú trọng ào ý là hơn (dĩ ý thắng); chứ không nên coi chữ là hơn ( bất dĩ tự thắng). Cho nên chữ bình thường thì phải biểu hiện được ý lạ và hiểm; chữ cũ kỹ thì ý phải mới mẻ, chứ chất phác thì phải có màu sắc. Bàn phiếm thế cũng phải xin  ngưng ở đây vậy.

 

 

Khổng Ðức
Số lần đọc: 9148
Ngày đăng: 13.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khả năng liên tưởng nghĩa của từ “hoa” trong Truyện Kiều - Phan Thị Huyền Trang
Hiểu và giải thích cụm từ ‘chín chiều ‘ như thế nào? - Vương Trung Hiếu
Câu đối Và trào phúng bằng nghệ thuật câu đối! - Trần Huy Thuận
Câu đối đời thường - Câu đối tết - Lê Xuân Quang
Tiết kiệm CHỮ ĐẾN MỨC HIỂU SAI CHỮ ở một nơi giàu chữ nhất - Trần Xuân An
Thưa lại cùng ông Hồ Thanh Thuỷ - Hà văn Thùy
Câu đối xưa...câu đối nay ! - Lê Xuân Quang
Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hàn . - Hà văn Thùy
Ngôn từ thời “Hội Nhập” - Cao Thị Thịnh
Nghệ thuật câu đối Hán Nôm - Tạ Đức Tú
Cùng một tác giả
Nhân đọc bài (tạp văn)
Bức thư rơi… (truyện ngắn)
Thi Tính Tự Do (tiểu luận)
Khí hạo nhiên (tiểu luận)
Thần tứ (tiểu luận)
Thế giới thơ… (tiểu luận)
Mỹ học tiếp thụ (nghệ thuật)
Con tim nhà thơ… (nghệ thuật)