Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.195
123.210.095
 
Người đàn bà trên bến cảng
Trần Đại Nhật

Bình Khê trong những ngày ấy là vùng đồn trú của những đơn vị thuộc Sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn. Đó là vùng đồi núi trập trùng, xen lẫn vào đó là những trại chuyển quân của Trung Đoàn 26 Bộ Binh, Lữ đoàn Thieát giaùp, … nơi sẽ nhận những tân binh mặt còn non choẹt được huấn luyện vội vàng, gửi bổ sung cho những tiểu đoàn đang trấn đóng ở cao nguyên Pleiku, Kontum…

Trong những ngày ấy, chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam đang hồi ác liệt. Cái  chết, thương tật, tai nạn bom mìn… diễn ra thường ngày. Người ta có thể mới đó còn cười nói, ăn uống, giận hờn… bỗng trở thành một đống thịt bầy nhầy vì bị pháo kích. Tất cả chỉ biết mình đang sống trong từng giây phút này đây mà không rõ ngày mai mình sẽ ra sao. Không khí nặng nề bao trùm lên tất cả mọi người.

 

Lee là một sinh viên, thi rớt, anh chán nản bỏ học, bị động viên vào quân đội. Người yêu của anh bỏ đi lấy chồng khi anh còn ở quân trường. Sau khi được huấn luyện, anh được bổ sung vào Sư Đoàn Mãnh Hổ sang tham chiến tại Việt Nam.

 

Đơn vị của Lee đến đồn trú tại An Sơn – một địa danh của tỉnh Bình Định – đã hơn một tháng nay. Ban ngày nghỉ, ban đêm Lee theo Tiểu Đội đi phục kích, ngăn chặn và tiêu diệt những toán quân du kích từ trên núi lẻn xuống xóm làng.

 

Là một người lính, Lee làm theo mệnh lệnh của cấp chỉ huy như một cái máy những khi tác chiến. Nhưng là một con người có tâm hồn, nhiều lúc Lee suy nghĩ mình đang chiến đấu vì điều gì đây? Không phải vì lý tưởng, không phải vì Tổ quốc của mình, tại sao mình lại dấn thân đến vùng chết chóc này? Lee đâm ra chán nản vì không tìm thấy câu trả lời ổn thỏa. Anh thường lẻn ra khỏi doanh trại, ngồi trong những quán nước hàng giờ mỗi khi rảnh rỗi. Cuối cùng,  Lee quen thân với một cô chủ quán có gương mặt đẹp và đôi mắt quyến rũ, trở thành khách hàng quen thuộc của cô chủ quán ấy.

 

Cô chủ quán tên là Lan, ở vào độ tuổi trên dưới hai mươi lăm. Là một cô gái quê, sống ở vùng xôi đậu – một vùng mà người ta thường nói “Ban ngày quốc gia, ban đêm cộng sản”. Lan trôi dạt đến vùng An Sơn mở quán bán giải khát, kiếm tiền giúp đỡ gia đình cha mẹ đang còn ở dưới quê.

 

Nhờ có nhan sắc hấp dẫn, thân hình gợi cảm, nụ cười vui vẻ nên cái quán của Lan rất đông khách. Phụ bán với Lan có hai cô gái trẻ, đâu khoảng mười bảy, mười tám. Khách hàng đủ loại lính nhưng nhờ tài ứng xử khéo léo, tế nhị và có duyên buôn bán nên cái quán của Lan ít khi xảy ra những vụ ẩu đả, bắn nhau vì ganh tỵ như những quán khác.

 

Ngoài tài buôn bán ra, Lan còn biết lõm bõm một ít tiếng Anh, một ít tiếng Hàn, nên có thể trao đổi với những người lính ngoại quốc những điều cần thiết.

 

Những lúc hiếm hoi vắng khách, khi chỉ có hai người ngồi với nhau, Lee thường dạy thêm tiếng Hàn cho Lan, vì anh cũng học được một ít tiếng Việt. Ví dụ những câu tiếng Hàn thuộc về tình cảm lứa đôi:

- 저는 당신을 사랑합니다                        (Anh yêu em)

- 저도 당신을 사랑합니다                        (Em em cũng yêu anh)

- 당신이 너무 보고 싶어요                       (Anh nhớ em lắm)

- 저도 많이 보고 싶어요              (Em cũng nhớ anh lắm)

- 최선을 다하여 사랑합니다        ( Em yêu anh hết lòng )

- 당신하고 결혼하고 싶습니다     (Anh muốn cưới em làm vợ)

- 만약 내가 고국으로 돌아가면 당신이 슬플거야 ?

(Nếu ngày mai xa nhau, em có buồn không?)

- 당신이 떠나면 저는 정말 슬플거예요. (Em sẽ rất buồn khi xa anh)

 

Những câu tiếng Hàn như thế được Lan lập đi lập lại bằng đôi môi trái tim tươi mọng, bằng giọng điệu nhỏ nhẹ, trìu mến nên Lee cảm thấy lòng anh ngây ngất, yếu mềm. Anh thường tặng cho Lan những món tiền bằng giấy bạc đô la mỗi khi có thể.

 

Lee còn nhớ hôm đó anh được hưởng hai ngày phép, vì đơn vị của anh vừa thắng lớn trong một trận càn. Số thương vong của địch khá nhiều, nhưng sao toàn chỉ là đàn bà và con nít? Nhưng thôi, chiến tranh là chiến tranh. Người ta có thể nhân danh mọi thứ để bắn giết lẫn nhau không thương xót. Hãy cố quên đi và hãy nhớ mình còn đang sống.

 

Lee rủ Lan về thành phố Quy Nhơn đi chơi với anh trong hai ngày phép. Lúc đầu, Lan còn e dè, nhưng thấy vẻ chân tình tha thiết của Lee nên cô đồng ý. Lan gửi quán cho người chị họ, dặn dò hai cô gái giúp việc cẩn thận khi tiếp xúc với khách hàng là lính tráng. Họ hẹn nhau ở ngã ba Diêu Trì, để đón xe lam về Quy Nhơn.

 

Lee mặc thường phục, áo sơmi ca-rô, quần tây đen: đầu húi cua, da cháy nắng, thân hình anh lực lưỡng như một võ sĩ Thái Cực Đạo. Anh cảm thấy sức sống mình hừng hực khi đi bên cạnh một cô gái trẻ đẹp đang mặt váy ngắn, áo thun màu hồng phấn, để lộ thân hình tuyệt mỹ với khuôn ngực nhô cao và cặp giò trắng muốt.

 

Thành phố Quy Nhơn lúc ấy đầy những quán bar. Nó giống như cái bao cao su khổng lồ để những người lính chán chường sau những cuộc hành quân về đó xả xui. Đầy rẫy những cô gái trẻ, son phấn lòe loẹt, ăn mặc hở hang đi cạnh bên những người Mỹ trắng, Mỹ đen thân hình to lớn. Có cả những người Philippine tóc quăn thoa dầu bi- răng-tin láng mượt, mặc áo chim cò như kép hát, cười giỡn bên những cô điếm đã quá thời son trẻ. Tiếng nhạc xập xình từ các quán bar dội ra đinh tai, nhức óc.

 

Lee kêu một chiếc xích lô, ngồi cùng Lan, về phía biển. Người  đàn ông cố sức đạp trên những con đường trải nhựa đầy ổ gà với cặp giò quắt queo, đen đúa. Lee cảm thấy mình đang rất muốn làm tình (나는 그녀를 가지고 싶다.) với cơ thể đầy sức sống của cô gái này. Hình như cả cô gái cũng vậy. Tất cả như lửa, đang bốc cháy lên hừng hực.

 

Đến biển, cả hai xuống xích lô, Lee trả tiền hậu hĩ cho người đàn ông. Ông ta nhăn hàm răng vàng khè cười cảm ơn hai người. Lee chợt nhớ tới một người đàn ông chết cháy trong trận càn cũng nhăn hàm răng vàng khè như thế. Anh lắc đầu cố xua tan hình ảnh khủng khiếp đó.

 

Lee thuê một căn phòng sang trọng trong một khách sạn dành cho người ngoại quốc, có cả cảnh sát gác bên ngoài với sự kiểm soát giấy tờ rất nghiêm ngặt. Lee nói Lan là vợ sắp cưới của anh .

 

Cô cười cười, gật đầu. Cả hai bị khám xét túi đựng quần áo mang theo trước khi vào khách sạn. Người cảnh sát mặc sắc phục màu trắng xin lỗi khách sau khi kiểm tra. Ông ta nói, để đề phòng Việt Coäng vào khách sạn đặt plastique.

 

Vào tới phòng, Lee ôm chặt lấy thân hình bốc lửa của Lan và đặt lên đôi môi tươi mộng của cô những nụ hôn nồng cháy. Họ ôm nhau quấn quýt, cùng ngã nhào lên chiếc giường nệm êm ái.

 

Lan ôm anh, thấm đẫm mùi đàn ông và hơi lửa từ cơ thể của Lee truyền sang. Cảnh vật trong căn phòng mờ dần đi. Lan có cảm giác mình đang bơi trên mặt biển rộng mênh mông, những đợt sóng ban đầu êm ả  rồi lớn dần dâng trào lên, tan loãng vào khoảng mênh mông vô tận khi cả hai hoà nhập thành một. Lan rên lên khe khẽ sung sướng. Lee nở một nụ cười mãn nguyện.

 

*

 

Chiến tranh luôn mang tới những bi kịch. Và tình yêu cũng chỉ là một giọt sương mong manh trong bầu trời khô hạn của chiến tranh.

 

Người đàn ông Hàn Quốc, có một thời trai trẻ tham dự cuộc chiến tranh tại Miền Nam Việt Nam với cái tên là Lee, bây giờ đã trở thành một vị giáo sư sử học đang sang lại Việt Nam để sưu tầm tư liệu viết về hậu quả của chiến tranh.

 

Ông nhờ tôi phiên dịch với người địa phương, hướng dẫn đi về những vùng mà trước đây ông đã đóng quân.

 

Tất cả những cảnh vật cũ đã thay đổi. dần dần người ta xóa đi những dấu vết của chiến tranh – những bãi bom mìn, những làng mạc bị thiêu rụi, những cuộc tàn sát… bằng những vườn ngô khoai xanh mướt, những ngôi nhà nhiều màu sắc, những tượng đài tưởng niệm…

 

Chiến tranh đang lùi dần vào ký ức của những người lớn tuổi. nó được lưu lại trong những phim ảnh, những trang sách…đến kỳ lễ lộc người ta mới mở ra.

 

Ông Lee bàn với tôi đến những địa điểm cần đến. Vùng đèo An Khê – nút thắt của cái cửa ngõ từ Peiku đổ xuống Quy Nhơn. Vùng Gò Bồi – nơi đã xảy ra những trận càn đẫm máu…và cuối cùng là vùng Diêu Trì, An Sơn, Vân Canh… địa bàn quen thuộc của những cuộc hành quân ngày xưa.

 

Ông Lee và tôi tiếp xúc phỏng vấn nhiều người. Ông ghi chép, thu băng, chụp hình cẩn thận. Đa số người dân vùng đó vẫn còn e ngại khi tiếp xúc với người Hàn Quốc. Ông Lee cũng thu thập được nhiều kỷ vật, tư liệu chiến tranh do chính quyền địa phương cung cấp.

 

Công việc của ông Lee phát triển tốt, nhưng không hiểu sao ông Lee vẫn buồn mỗi khi đêm về, lúc chúng tôi ở trọ trong một khách sạn du lịch ở ven biển Quy Nhơn.

 

Đêm đó, sau khi ăn tối trong nhà hàng khách sạn, ông Lee mời tôi uống rượu Bàu Đá – Bình Định , một loại rượu đế ngon nổi tiếng ở miền Trung – Việt Nam. Đây là loại rượu đế khá nặng đối với tôi nên tôi chỉ uống nhấp nháp cho ông vui. Ông nói, uống rượu Bàu Đá phải nhắm với nem chua Chợ Huyện, hai món đặc sản ở vùng này. Khề khà bên ly rượu, ông Lee bắt đầu tâm sự về mối tình ngày xưa của ông với một người đàn bà tên Lan. Ông cho tôi biết, Lan đã có con, một đứa con gái, nhưng sau đó, vì hoàn cảnh chiến tranh, ông phải về nước – cũng may mắn là ông còn sống, về nước ông vẫn tiếp tục học – nên hai người không còn liên lạc với nhau. Ông chép miệng thở dài:

- Không biết Lan bây giờ ở đâu? Và đứa con gái ấy sống ra sao?

Ông Lee nhờ tôi, bằng mọi cách, phải tìm giúp người đàn bà tên Lan, từ đó sẽ tìm ra đứa con gái của hai người.

 

*

 

Qua những đường dây chằng chịt trong việc đi sưu tầm danh sách con lai Hàn Quốc còn ở lại Việt Nam của tôi, cuối cùng tôi cũng lần ra dấu vết của người đàn bà tên Lan, đang ở tại bến cảng X.

 

Tôi còn nhớ đó là buổi chiều mùa thu. Trời nhiều mây, u ám, báo hiệu những cơn mưa sẽ tới. Không khí oi bức, nặng mùi nước mắm, cá khô bay trên bến cảng. Trên biển, nhấp nhô những con thuyền đánh cá, những bóng người trần trũi, lực lưỡng với màu da đen bóng. Xóm chài ở ven biển với những dãy nhà lụp xụp tồi tàn, những người đàn bà rảnh rỗi đang ngồi chơi bài tứ sắc, những đứa trẻ mình trần, nước da đen nhẻm đang bơi lỏm bỏm dưới biển, lặn ngụp trong những con sóng trắng xóa. Bãi cát đầy rác thải đen đúa tấp vào bờ. Một đứa trẻ đang lắc thuyền thúng tiến vào. Tôi dừng lại xem, chờ cho đứa nhỏ nương con sóng lớn đưa con thuyền thúng lên bãi cát, tôi hỏi:

- Lắc nó có dễ không em?

Đứa trẻ nhìn tôi một lát mới nói:

- Dễ! Ông lắc vài lần là quen.

- Em có biết nhà bà Lan ở đâu không?

 

Thằng bé nhìn tôi chăm chú hơn:

- Ông hỏi chi vậy?

- Có chuyện …

 

Thằng bé đột ngột nói:

- Bà Lan là bà ngoại tui, nhưng giờ này đi rồi. Để tui dẫn ra bến cảng tìm.

- Còn má em?

- Bả đi Sài Gòn làm rồi! Lâu lâu mới về …

- Em có đi học không?

- Không! Đâu có giấy tờ gì đâu mà đi học.

- Bà ngoại em đang làm gì trên bến cảng?

- Bả bị điên, đi lang thang. buổi tối tui phải đi tìm bả dẫn về …

- Má em đi làm gì ở Sài Gòn?

- Nghe nói bả đi làm mướn, gửi tiền về nuôi bà cháu tui.

- Còn ba em?

- Không biết! Tui không có ba!

- Má em có phải là con lai Hàn Quốc không?

- Sao ông biết? Ông có phải là công an đi điều tra không?

- Không.

 

Khi thằng bé dẫn tôi đến bến cảng, trời bắt đầu mưa. Chúng tôi chạy vào núp mưa dưới một hiên nhà, trông ra bến cảng.

 

Người đàn bà có một thời yêu một người lính thuộc sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn là Lee, bây giờ đã trở thành một bà già điên khùng, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù rũ rượi trong mưa đang đứng trên cây cầu bắc lưng chừng ra biển. Người chủ nhà, nơi chúng tôi núp mưa, nói, bà ta bị người lính Đại Hàn bỏ rơi sau khi đã có thai nên bị điên vì tình. Tôi nghe, lòng chua xót, nhưng không nói gì cả.

 

Đứa trẻ bỗng đột ngột rời khỏi chỗ núp lao vào màn mưa, chạy về phía người đàn bà. Hai bà cháu dẫn nhau đi lầm lũi trong cơn mưa đang trút xuống tầm tã.

Khi đi ngang chỗ tôi đứng, tôi nghe người đàn bà ngửa mặt lên trời gọi lớn:

오빠! 지금 어디냐?”

 “Lee ơi! Giờ này anh ở đâu?”

Tiếng gọi của người đàn bà tắt ngấm trong mưa …

Trần Đại Nhật
Số lần đọc: 2222
Ngày đăng: 14.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bão - Doãn Dũng
Thế trận linh xà - Trần Hạ Tháp
Cánh diều mùa xuân trên đồng chó ngáp - Trương Đạm Thủy
Người ngủ ghế công viên - Trần Hạ Tháp
Chuyện lão cố tổ chuột - Phạm Ngọc Hiền
Mưa trên những dấu chân - Nguyễn Đình Bổn
Mưa trên sông ĐăkBla - Nguyễn Lệ Uyên
Họp lớp - Trần Trung Sáng
Thoại khúc rìu và thơ - Trần Hạ Tháp
Con gái của bố - Lê Vũ
Cùng một tác giả
Bối cảnh (truyện ngắn)
Đêm bãi gió (truyện ngắn)
Sa mạc người (truyện ngắn)
Thời chiến (truyện ngắn)