Lặng Lẽ Xanh (*) là tác phẩm thứ 6 của Nhà thơ Mai Thìn – nhưng là Tập thơ thứ 5 của Anh. “Lặng Lẽ Xanh” tiếp theo “Khúc Sơn Ca” (Nhà xuất bản Hội nhà Văn – 2005) – cho thấy hai dòng cảm xúc, sau hai năm – đã có sự chuyển biến mới lạ trong nổ lực sáng tạo không ngừng để truyền đạt được nhiều nhất, cao nhất, những ưu tư và xúc cảm đến người đọc – về cuộc sống đang “lặng lẽ xanh” từng phút giây quanh mình.
Tập thơ đã được được tác giả chia làm 2 phần rõ rệt- vậy dòng thơ trong mỗi phân chia là gì ? Người đọc có thể thấy rõ một điều trong chủ đích của Tác giả là : “Đầu tiên là khúc ca bi tráng dành cho “nỗi buồn chung” của Đất nước (Phần I) – Và tiếp theo, là dư vang của khúc bi ca – là “nỗi niềm riêng” dành cho mỗi phận người!”.
Đọc phần I, điều bất ngờ trước tiên đến với người đọc là, cách nhận thức và diễn đạt rất mới, rất sâu – cho dù, đó là những điều đã qua, đã cũ! Nhận thức lại một vấn đề cũ để lôi cuốn người đọc, là một điều khó. Hơn nữa, với thơ, ngoài “nhận thức” là nền tảng – còn có cảm xúc, tâm hồn nhạy bén hòa nhập – để có những dòng thơ hấp dẫn, truyền cảm, lại khó hơn. Nhưng nhà thơ Mai Thìn đã làm được điều đó.
Người đọc có được nỗi bồi hồi, vừa tiếc thương, vừa cảm phục – về câu chuyện 8 nữ liệt sĩ ở Quảng Trị ngày nào:
(…) Chiến tranh lâu rồi lành lạnh những vết thương.
vẫn đứng đợi Tám Nàng Tiên yêu dấu
lấy gió trời trò chuyện với hang sâu.
những đêm mưa Trường Sơn mang tác
những ngày hè rền rĩ ve ve
che bóng mát một phần cây gập xuống
buông chiếc rèm các chị soi gương.
những chiếc lược trăm miền mang tặng
lọ nước hoa thơm ngát thị thành
không thay được rì rào Rao Ráng
lời tự tình xanh mãi tháng năm.
(Cây Rao Ráng Trước Hang Tám Cô)
Hay về “Những Viên Đạn Gò Dài” đã thảm sát 380 người ở Gò Dài (xã Bình An- Bình Định) vào ngày 26.2.1966 – cách nay đã 42 năm.
Tháng 2
mặt trời giật
rung
khung cửa
đổ
ngực tròn
tay thon
lổ chỗ máu
(…) Một bào thai
máy
một em bé
trườn
ngực mẹ
một chòm râu.
gục
lên trời
không tắt.”
Chiến tranh đã qua đi từ lâu – nhưng vết hằn thương đau vẫn còn đó trong bao phận người. Không lớn tiếng phẫn nộ “chiến tranh”, mà nhẹ nhàng đồng cảm, xẻ chia với bao số phận bất hạnh đang ngày đêm khổ đau cùng với nỗi tuyệt vọng về thể xác lẫn tinh thần. Nhà thơ Mai Thìn đã viết về “cái cũ” mà “rất mới”:
Vì sao không chịu lớn
những đứa con ?
vì sao không biết cười
những vành môi?
đám mây nào che phủ mắt con
lũng núi ráng chiều mờ mịt khói
vầng trăng năm tháng thở dài (…)
(Bài Thơ Buồn Cho Một Tình Yêu)
Với cái nhìn từ tốn, trầm tĩnh mà sâu lắng – nhà thơ Mai Thìn đã nói về “nỗi niềm riêng” (Phần II) bằng hơi thở mới – phóng khoáng và hồn nhiên hơn; nhưng truyền lan cảm đến cho người đọc rất sâu, rất mạnh. Ví dụ trong bài Tứ Tuyệt “Nguyên Tiêu Hàn Mặc Tử” – chan hòa tình trăng đồng điệu :
“Nhón một nhúm thơ thả xuống đầm Thị Nại
Hàn Mặc Tử không chờ ai
liểng xiểng bước lên đồi Gềnh Ráng
nhập vào trăng làm Nguyên Tiêu”
Hay bài “Nơi Đào Tấn Yên Nghỉ”
(…) “Đào Tấn nghỉ
làm sao mà nghỉ được
quê nhà
vời vợi nhường kia
Vàng mai!
Vàng mai!
đá cũng khoát hoàng bào như Đế
tuồng tích cũ qua rồi ai ngỡ
Đào Tấn trơ mình
câu hát khách
lay
lay…”
Cũng nói về “Trăng” – mặt trăng cũ càng bao triệu năm là thế, mà trong “Trăng 1” của Mai Thìn như vừa mới sáng tỏ đêm nay:
“Trăng đã lên song cửa làng mình
gió lại mơn đụn rơm vàng đang ngủ hãy dậy
đi ! Trăng xõa tràn rồi
Hơi ấm của đêm hương thơm của trăng cắn
vào da thịt râm ran nồng nàn bật thức những
mầm cây (…) “
Và nỗi thơ mộng, tình cảm mênh man của “Tháng Giêng” được nhà thơ cảm nhận với một ánh nhìn mới, khác lạ – nhưng chứa chan nỗi niềm :
“Cuộc sống cân bằng như nước khỏa lấp
mọi khát mong như nụ hoa rụng rồi lại nở
tháng Giêng mộng mị cuộc tình…
tóc em mười lăm hay hai mươi hay là trăm
năm nữa vẫn không thôi dài không hết đa đoan.
mắt em mười lăm hay hai mươi hay là trăm
năm nữa vẫn không thôi buồn không hết mênh mông” (…)
Gần gũi, bình thường hơn- như khi nói về một khúc chân đã để lại trong chiến tranh – nhà thơ đã có cái nhìn trong sáng, lạc quan – nhưng cứ như những làn dao cắt theo mỗi dòng Thơ :
“Con thường ôm chân bố làm em bé
làm con mèo, làm búp bê ru ngủ. Con
bắt chước bà Ngoại dí dầu… ầu ơ
bầu bí… Em bé ngủ ngon, em bé
chẳng khóc nhè.
Bố đi làm bố tiếp khách con nhớ em
bé, nhớ con mèo, nhớ búp bê chân bố
Bố ơi bố đừng đi chân gỗ !
con nhớ em bé, nhớ con mèo, nhớ
búp bê…”
(Chân Bố)
Mỗi tác phẩm được giới thiệu – trôi qua trong dòng chảy văn học – phải là một sự đổi mới, một sự khai phá, kiếm tìm trong hành trình cam go đầy quyến rũ vươn tới “Chân Thiện Mỹ”. Từ “Khúc Sơn Ca “ (2005) – hay khởi đầu từ “Cổ Tích Tình Yêu” (1991) – nhà thơ Mai Thìn đã bước qua 5 chặng đường sáng tạo với nhiều nét mới; từ câu chữ đến cảm nhận, đến giải bày… Người đọc không bị đưa vào lối cũ mỏi mòn – mà luôn được bước đi từng bước đầy phấn khích trên quang lộ tràn ngập ánh nắng - ngát hương và “lặng lẽ xanh”.
Tháng 5. 2008